- Cuộc sống hiện đại: Cần bao nhiêu tiền để bạn hạnh phúc?

Ham mê tiền bạc là nguồn gốc của mọi xấu xa tội lỗi và đồng tiền là đối tượng bị lên án trong thang giá trị đạo đức của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới.

tiền


Trong Kinh thánh Tân ước (Matthew 19:23-24), Chúa Giê-su đã nói với các môn đệ: “Thầy bảo thật các con: Người giàu thật khó mà lên Thiên đàng. Thầy cũng bảo các con rằng con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn chuyện người giàu được lên Thiên đàng”. Thế nhưng đồng tiền lại luôn là mục tiêu tìm kiếm của loài người kể từ khi nó được tạo ra và trở thành công cụ trao đổi vật chất hay thương mại. Đồng tiền tạo ra đẳng cấp xã hội và người nào có nhiều tiền thì được xem là thành đạt.
Tại Singapore, thủ tướng và các bộ trưởng được trả lương cao như một cách thừa nhận khả năng lãnh đạo. Nhật báo chính thống The Straits Times số Chủ nhật nào cũng “vinh danh” người thành đạt với những số liệu về tiền bạc, tài sản, và mục tiêu cuối cùng của những người này là nhanh chóng có tự do tài chính (financial freedom) để được về hưu sớm (early retirement).
Mặc dù tiền bạc không chắc chắn mang lại hạnh phúc nhưng với nhiều người, có nhiều tiền sẽ giúp con người làm được điều mình muốn và biết đâu điều này sẽ làm chúng ta hạnh phúc hơn. Ngược lại, đã có nhiều cuộc nghiên cứu tâm lý cho thấy những người có càng nhiều tiền cũng không cảm thấy hạnh phúc hơn người khác.
Theo triết gia Pháp Pascal Bruckner, mọi người trong chúng ta đều cần có nhu cầu tiến lên phía trước và nâng cấp cho bản thân, gia đình và những gì mình sở hữu. Nhưng nhu cầu này cũng tương đối: chúng ta cảm thấy bị buộc phải cạnh tranh với những người khác để vượt qua hoặc ít nhất là bằng với họ, và chúng ta cũng ghen với những người thành công hơn chúng ta. Tuy nhiên sẽ luôn có những người giàu có hơn hoặc sẽ vượt qua chúng ta, vì vậy chúng ta vẫn cứ muốn ganh đua, bởi lẽ đứng yên đồng nghĩa với tụt hậu. Một số nhà khoa học đã cắc cớ gọi hiệu ứng này là “máy chạy bộ khoái lạc” (hedonic treadmill): chúng ta cứ cặm cụi cố gắng chạy trên “con đường” của máy chạy bộ và nghĩ rằng đang tiến lên nhưng thật ra chúng ta vẫn cứ ở mãi một chỗ.
Triết gia Pascal Bruckner cho rằng cái lằn ranh phân biệt đồng tiền là “cứu cánh” hay “phương tiện” thường rất mỏng manh. Với một số người, đồng tiền là mục đích cuối cùng trong cuộc sống và kiếm tiền cũng giống như cơn nghiện. Nó trở thành một niềm đam mê khốn khổ và một mối bận tâm luôn ám ảnh loại trừ mọi thứ và mọi người khác, một cuộc tìm kiếm không có điểm dừng bởi không có số tiền cụ thể nào được xem là đủ.
Tiền có mua được hạnh phúc?
tiền
Câu hỏi kiếm tiền để làm gì sẽ có nhiều lời đáp khác tùy thuộc vào giai đoạn phát triển cụ thể của mỗi cá nhân nhưng chung quy lại thì đó là câu chuyện hành trình đi tìm hạnh phúc của loài người chúng ta.
Theo triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle, loài người có bốn cấp độ hạnh phúc: thấp nhất là niềm vui vật chất, ăn ngon mặc đẹp và nhà cao cửa rộng; kế đó là niềm tự hào thành đạt với công nhận của cộng đồng và xã hội về những gì đã làm được; thứ ba là niềm vui có được từ việc chia sẻ với người khác; và cuối cùng là niềm hạnh phúc trọn vẹn với lý tưởng cao cả hay tình yêu vô điều kiện.
Một chiều kích khác để nhìn về hạnh phúc là tháp nhu cầu Maslow, theo đó con người bắt đầu cố gắng đáp ứng các nhu cầu sinh lý bản năng để tồn tại như ăn uống, khi đã thỏa mãn chúng ta sẽ tiến tới các nhu cầu về an toàn, an ninh về kinh tế và thể chất. Các cấp độ kế tiếp là được yêu thương, được kính trọng; cuối cùng là đỉnh cao phát triển cá nhân và thể hiện bản thân.
Có một số người nghĩ rằng hãy cố gắng có thật nhiều tiền để giải quyết các vấn đề tồn tại căn bản trước rồi sau đó mới nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác và cống hiến cho cộng đồng và xã hội. Cũng có nhiều người chẳng cần biết Aristotle là ai hay tháp Maslow là gì mà cũng sống rất hạnh phúc mặc dù họ có ít tiền bạc và tài sản so với người khác. Hạnh phúc đó là sự sẻ chia của con người và cống hiến vì lý tưởng và mục đích cao cả. Hạnh phúc có lẽ là một sự lựa chọn và bạn sẽ cảm thấy đau khổ hơn khi so sánh tài năng hay tiền bạc của mình so với nhiều người khác khi không biết tiêu diệt sự ghen tị và cái tôi đáng ghét của bản thân mình. Nhưng cuộc sống này cũng là một đấu trường và tinh thần đua tranh cũng sẽ giúp con người vươn đến những đỉnh cao và tầm vóc tươi sáng, đẹp đẽ.
Lê Hữu Huy lược dịch (newrepublich)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét