- Tinh Túy Dân Tộc...

Kiến trúc và điêu khắc của dân tộc Chăm, di sản quý báu của nhân loại

Khi nhắc tới nghệ thuật điêu khắc, người ta liền nghĩ tới ngay những quốc gia có bề dầy lịch sử cùng những công trình điêu khắc đồ sộ làm mê mẩn người xem như Trung Quốc, Ấn Độ, hay nghệ thuật Kito giáo ở Châu Âu. Nhưng có một dân tộc mà sử sách ghi chép là đất không rộng, người không đông, lại là chủ sở hữu của các công trình được đánh giá là kiệt tác, đặc biệt là điêu khắc. Đó là dân tộc Chăm. 



Tượng thần Siva (Ảnh: mytour.vn)

Những tác phẩm của dân tộc Chăm được đánh giá ngang bằng với những nền nghệ thuật lớn, ở quy mô thế giới cũng như ở quy mô vùng Đông Nam Á, như: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ, Java, Khơ-me, nghệ thuật roman (Kitô giáo Âu châu, thời trung cổ), v.v

Tháp cổ (Ảnh: mytour.vn)

Kiến trúc Chăm có từ thế kỷ thứ I sau công nguyên, là sự phát triển nghệ thuật sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á, chịu ảnh hưởng tư tưởng đạo giáo Ấn Độ. Có thể nhìn thấy một tổng quan kiến trúc qua các di tích đền tháp xây dựng một kalan (ngôi đền chính, bao quanh là những tháp nhỏ, những công trình phụ).
Các nhà kiến trúc đã nghiên cứu, tổng kết các phong cách nghệ thuật kiến trúc Chăm, tựu trung là: Phong cách Mỹ Sơn, phong cách Hòa Lai, phong cách Đồng Dương và phong cách Panagar.
Phong cách Đồng Dương được phát hiện vào thế kỷ thứ X, đưa nghệ thuật Chăm lên tới đỉnh cao của nghệ thuật dân tộc bản địa.
Các công trình kiến trúc trường tồn qua lịch sử, tự thân nó đã bộc bạch những niềm tin của con người vào sự tồn tại của Thần, Phật, chính là khát vọng chân chính của con người tìm về cội nguồn. 
Điêu khắc của dân tộc Chăm cũng thể hiện nét đẹp kỳ vĩ, hùng tráng trong các nhân vật, nay vẫn còn lưu giữ.
Câu chuyện lịch sử dân tộc Chăm

(Ảnh: mytour.vn)

Dân tộc Chăm, thuộc ngữ hệ Nam đảo, và theo giả thuyết của các học giả phương tây, thì thiên di từ đảo Borneo, thuộc Indonesia ngày nay, từ vài thế kỷ trước công nguyên đến vùng đất mà sau này trở thành nước Lâm Ấp (192), phía bắc giáp với quận Nhật Nam, phía nam giáp với nước Phù Nam, phía tây giáp nước Chân Lạp.
(Ảnh: mytour.vn)

Năm 192, người Lâm Ấp (tức tổ tiên trực tiếp của người Chăm) tự giải phóng được khỏi ách đô hộ của nhà Hán, và lập ra nước Lâm Ấp, đến thế kỷ V thì mới trở thành vương quốc Chămpa.
Vương quốc Chăm-pa là một quốc gia độc lập, tồn tại từ năm 192- 1832 qua các tên gọi Lâm Ấp, Hoàn Vương, Chiêm Thành và cuối cùng là Panduranga Chăm-pa trên phần đất nay thuộc miền trung Việt Nam.
Cương vực của Chăm-pa lúc mở rộng dài nhất cũng chỉ từ Hoành Sơn ở phía bắc tới cho đến Bình Thuận ở Miền Nam và cho từ Biển Đông cho tới tận phía tây nước Lào ngày nay.

(Ảnh: mytour.vn)

Văn hóa Chăm chịu ảnh hưởng nhiều từ Ấn độ giáo, và Phật giáo thể hiện trong các công trình kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc mà vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay.
Chăm-pa hưng thịnh nhất vào thế kỉ thứ 9 và 10 sau đó dần dần suy yếu dưới sức ép nam tiến của quân vương Đại Việt  từ phía bắc và các cuộc chiến tranh của Khơ-me.
Năm 1471, Chăm-pa bị thất bại nặng nề trước Đại Việt và bị mất một phần lớn lãnh thổ sát nhập vào Đại Việt. Phần lãnh thổ còn lại sau này lại bị chúa Nguyễn tiếp tục thôn tính và đến năm 1983 thì toàn bộ lãnh thổ của Chăm sát nhập vào Việt nam.

Điệu múa của người Chăm (Ảnh: dulichvietnam.com)

Người Chăm để lại nhiều di sản nghệ thuật như: Điêu khắc đá, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, trong đó nổi bật nhất là kiến trúc và điêu khắc trong các tháp Chăm.
Tín ngưỡng Thần, Phật là hơi thở của các công trình kiến trúc và điêu khắc trong tháp của người Chăm.
(Ảnh: mytour.vn)

Trên cơ sở kinh Veda của Bà La Môn giáo, Ấn Độ, (thế kỷ XVI-V tr. Kitô), người Chăm thờ Brahmâ, là vị thần tạo ra nguồn gốc của vũ trụ, và là vị thần đứng trên hết tất cả các vị thần khác, là vương của các vương.
Brahmâ là thể thống nhất của ba vị thần, ba ngôi: Brahmâ: thần Sáng tạo, Visnu: thần Bảo tồn, và Siva: thần Huỷ diệt. Các tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ (Tam Kỳ, Quảng Nam), tháp Dương Long (Bình Định), đều là những bộ ba tháp thờ cả ba vị thần này ở cùng một nơi.

Tháp Chiên Đàn, Khương Mỹ (Tam Kỳ, Quảng Nam) (Ảnh: Wikipedia)

Do ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng trong văn hóa Ấn Độ, nên người Chăm chủ yếu thờ thần Siva và do đó trong các tượng thờ, tượng Siva có nhiều nhất và xuất hiện dưới nhiều hình thức nhất. Thánh địa Mỹ Sơn, được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ IV-V bởi vua Bhadravarman, chính là nơi dành riêng cho các vua chúa để thờ vị thần này.
Tín ngưỡng thờ Thần, Phật là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm nghệ thuật bằng tượng kim loại và tranh thờ của người Chăm, đây là những kiệt tác nghệ thuật làm cả thế giới phải trầm trồ tán thưởng.

(Ảnh: mytour.vn)

Khi con người thấm đẫm tư tưởng và văn hóa tín ngưỡng nơi Thần, Phật, điều đó có nghĩa Đức tin ngự trị óc sáng tạo và tác động tới đời sống tinh thần của người Chăm thì sẽ cho ra đời những tác phẩm có sức thuyết phục, sức truyền cảm mạnh mẽ, một đức tin bền vững, một tình yêu và lòng đam mê nghệ thuật của những nghệ nhân thực hiện tác phẩm ấy.


(Ảnh: muavietnam.vn)

Khi tín ngưỡng và niềm tin nơi Thần, Phật được thắp sáng và là điểm tựa tinh thần cho con người, thì người ta sẽ tìm được mọi lời giải đáp cho những khổ đau và những khát vọng của mình, cho nên không lấy gì làm lạ là nghệ thuật tôn giáo trước hết là một nền nghệ thuật giàu tính chất đạo lý, giàu tính dân gian và nhất là giàu óc tưởng tượng.

(Ảnh: mytour.vn)

Trong nghệ thuật điêu khắc của người Chăm, ta thấy hình tượng của các thần Siva, Visnu, Ganesa, Garuda…
(Ảnh: Docsity)

Kiến trúc Chăm đặc biệt là tháp Chăm, được xây dựng và thiết kế một cách đặc biệt.

(Ảnh: Wikipedia)

Nghệ thuật Chăm để lại dấu ấn mạnh mẽ trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trên văn bia, kiến trúc và điêu khắc. Kiến trúc Chăm giờ không còn nhiều, nhất là không còn những cung điện nguy nga, tráng lệ.
Nhưng những tháp Chàm đậm vẻ uy nghiêm, thần bí đã hàm chứa rất nhiều giá trị nghệ thuật. Đi dọc dải đất bờ biển miền Trung, ở đâu có cư dân Chăm, ở đấy có tháp Chàm như tháp Poklông Garai (Ninh Thuận), tháp Panagar (Nha Trang), thành Đồ Bàn, tháp Trà Kiệu (Quảng Nam), tháp Linh Thái (Thừa Thiên – Huế).
Tháp chùa có một dáng vẻ kiến trúc độc đáo, xây dựng bằng gạch đất nung, phản ánh trình độ một dân tộc có nền văn hóa cao.
Bí ẩn trong xây dựng Tháp Chăm
Có giả thiết cho rằng, người Chăm cổ xếp gạch mộc lên thành hình tháp, sau đó đốt gạch nung khô rồi bới đống tro than ra là thành tháp Chăm. Vì thế, những viên gạch tự kết dính với nhau, không có mạch xây ngăn cách như lối xây tường của người Việt.

(Ảnh: wikipedia.vn)

Giả thiết này lập tức bị bác bỏ, bởi những viên gạch mộc chồng lên nhau, làm sao chịu nổi cả một cái tháp lớn nặng hàng trăm tấn?
Giả thiết thứ hai: Một số người Chăm nói là đồng bào ngày ấy xây tháp bằng cách nung gạch. Khi còn nóng, họ lấy một loại lá cây lót trên lòng bàn tay, truyền nhau đặt viên gạch lên trên lá cây đó. Cứ thế, họ xếp gạch lên thành hình tháp.
Khi những viên gạch nguội đi thì chúng đã kết dính bởi nhựa của lá cây đó. Nên giữa các viên gạch không có mạch xây ngăn cách. Còn nhiều giả thiết nữa, nhưng có một giả thiết được nhiều người đồng tình là đồng bào đã dùng dầu rái để gắn những viên gạch lại. Ngày xưa, loại cây này mọc như rừng ở khu vực người Chăm.

Điêu khắc cũng thể hiện nét đẹp hùng vĩ của dân tộc Chăm (Ảnh: Dulichvietnam.com)
(Ảnh: dulichvietnam.com)

 Được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới, xong những công trình kiến trúc và tác phẩm điêu khắc của người Chăm cho thấy giá trị của nó không chỉ nằm ở giá trị hiện thực, mà hơn hết là cả một câu chuyện có giá trị tinh thần về tín ngưỡng, về niềm tin và cả thông điệp sinh tồn của con người.
Tịnh Tâm – Hà Phương
Đô thành Thuận Hóa

Vì tôi may mắn nắm được bộ Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ - KĐĐNHĐSL (1) cùng bài « La Capitale du Thuân-Hoa » của Cụ Võ Liêm, đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Huê - BAVH, tháng Juillet 1916 (2). Nhận thấy những tài liệu rất hiếm : bài của Cụ Võ Liêm cho tên các nhân vật, các công trình bằng chử Hán, còn bộ KĐĐNHĐSL thì có nhiều chi tiết về kích thước, thời điểm, nhân công, lương hướng. Lấy ưu điểm của hai bên mà bổ sung cho nhau, có thể cho ta một cái nhìn khá chính xác về việc xây cất Đô-Thành. Cũng vì thế, tôi đã viết bài nầy, hầu cống hiến qúy vị độc giả một tài liệu đáng qúy cho ngày nay.

Bài của Cụ Võ Liêm không viết thẳng tên các vị Chúa, mà dùng miếu hiệu của các Ngài, như Đức Triệu Tổ, Đức Thái Tổ …, tôi thì viết rõ trọng húy các Ngài, để người đọc nhận biết dễ dàng. Nhưng đến các trọng húy, những miếu hiệu, kỵ húy, tôi đều ghi chú ở dưới.

Tôi đã cố gắng đưa chữ Hán vào bài nầy, vì trong chữ Hán, những chữ đồng âm mà không đồng nghĩa, phần nhiều viết khác nhau, để cho tên các nhân vật, các công trình, các địa danh, trước được nhận biết một cách rõ ràng, sau để độc giả thưởng thức những mỹ tự mà người xưa đã dành cho điện, đài, lầu, các của Đế-Đô.

Tôi cũng dựa vào những tài liệu rải rác khác như Nguyễn-Phúc Tộc Thế Phả, Việt Nam Sử Lược hay những bài báo đăng trên một vài tạp chí …, để sửa những chổ mà tôi cho là sai lầm trong hai tài liệu chính nói trên.

Tuy tôi đã ra sức tra cứu những tài liệu nắm được, nhưng dầu sao những sai lầm, sơ sót vẫn còn, tôi rất mong qúy vị độc giả chỉ bảo để tài liệu được thêm phần hoàn mỹ, để sử sách thêm phần chính xác hơn.

Kinh thành Huế bây giờ không phải là vị trí đầu tiên của Đô-Thành Thuận-Hóa.

Sau khi Thái Sư Hưng Quốc Công Nguyễn Kim 阮 淦 (3) mất vào năm Ất-Tỵ, Nguyên-Hòa thứ mười ba, đời Lê Trang-Tông (1545), họ Trịnh đã nắm hết quyền chính vào tay mình và ra mặt uy hiếp nhà Lê. Cũng vì thế mà sự xích mích giữa hai họ Trịnh, Nguyễn bắt đầu, để rồi đi đến chỗ căng thẳng với cái chết của Lãng Quận Công Nguyễn Uông 阮 汪 , con trai trưởng của Nguyễn Kim. Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng 阮 潢 (4) đành nhờ chị, bà Ngọc Bảo 玉 寶, Thái Phi của Thái Quốc Công Trịnh Kiểm 鄭 檢 , nói giúp với chồng cho được thuyên chuyển vào Nam. Năm Mậu-Ngọ, Chính-Trị nguyên niên, đời Lê Anh-Tông (1558), Nguyễn Hoàng được bổ làm Trấn-Thủ Thuận-Châu 順 州 và Hóa-Châu 化 州 là hai châu Ô 烏 và châu Lý 里 cũ. Nguyễn Hoàng cho xây trấn dinh ở xã Ái-Tử 愛 子 , thuộc huyện Đăng-Xương 登 昌 , là huyện Triệu-Phong sau nầy, về phiá bắc thành phố Quảng-Trị.

Thuận-Hóa lúc bấy giờ gồm các tỉnh Quảng-Bình 廣 平 , Quảng-Trị 廣 治 , Thừa-Thiên 承 天 và một phần Quảng-Nam 廣 南 ngày nay.

Đến năm Canh-Ngọ, Chính-Trị thứ mười ba (1570), Nguyễn Hoàng dời dinh đến Trà-Bát 茶 缽 , cũng thuộc huyện Đăng-Xưong và đặt tên là Cát-Dinh 葛 營.

Năm Bính-Dần, Vĩnh-Tộ thứ tám, đời Lê Thần-Tông (1626), Chúa Sãi Nguyễn-Phước Nguyên 阮 福 源 (5) dời dinh đến làng Phúc-An 福 安 , thuộc huyện Quảng-Điền 廣 田 , tỉnh Thừa-Thiên bây giờ. Tư dinh được gọi là Chúa-Phủ 主 府.

Năm Bính-Tý, Duơng-Hòa thứ hai, đời Lê Thần-Tông (1636), Chúa Thượng Nguyễn-Phước Lan 阮 福 瀾 (6) bị thu hút bởi cảnh trí làng Kim-Long 金 龍 , thuộc huyện Hương-Trà 香 茶 , nên đã dời phủ về đó.
Mãi đến tháng bảy, năm Đinh-Mão, Chính-Hòa thứ tám, đời Lê Hi-Tông (1687), Chúa Nghiã Nguyễn-Phước Thái 阮 福 氵 泰 (7) mới dời phủ về làng Phú-Xuân 富 春 cũng thuộc huyện Hương-Trà. Gọi Chúa-Phủ là Chính-Dinh 正 營 , cho xây cung điện, thành quách rất tráng lệ. Lấy ngọn Bằng-Sơn 憑 山 làm bình phong cho Chính-Dinh. Bằng-Sơn chính là núi Ngự-Bình 御 屏 ngày nay. Còn chúa-phủ cũ sửa lại làm Thái-Tông Miếu để thờ Chúa Hiền Nguyễn-Phước Tần 阮 福 瀕 (8).
Năm Nhâm-Thìn, Vĩnh-Thịnh thứ tám, đời Lê Dụ-Tông (1712), Quốc Chúa Nguyễn-Phước Chu 阮 福 氵 周 (9), lập chúa-phủ mới tại làng Bác-Vọng 博 望, thuộc huyện Quảng-Điền, và cho đúc ấn « Đại Việt Quốc Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo 大 越 國 阮 主 永 鎮 之 寶 ».

Dưới thời Vũ-Vương Nguyễn-Phước Khoát 阮 福 氵 闊 (10), bờ cõi đã mở mang rộng rãi, Đàng Trong có 12 dinh:
Chính-dinh, Cựu-dinh 舊 營 (Ái-Tử), Quảng-Bình dinh, Vũ-Xá 武 舍 dinh, Bố-Chính 布 政 dinh, Quảng-Nam dinh, Phú-Yên 富 安 dinh, Bình-Khang 平 康 dinh, Bình-Thuận 平 順 dinh, Trấn-Biên 鎮 邊 dinh, Phiên-Trấn 藩 鎮 dinh và Long-Hồ 龍 湖 dinh.

Chính-Dinh mới nầy được xây vào năm Tân-Dậu, Cảnh-Hưng thứ hai, đời Lê Hiển-Tông (1741), ở bên tả Chính-dinh cũ và được gọi là Chính-Phủ 正 府 . Cũng tại phủ mới nầy, Chúa Nguyễn-Phước Khoát đã xưng Vương-hiệu vào ngày mười hai tháng tư năm Giáp-Tý, Cảnh-Hưng thứ năm (1744). Vương-phủ 王 府 được đổi thành Vương-Điện 王 殿 , Chính-Phủ được đổi thành Đô-Thành 都 城 . Danh xưng Đô-Thành Phú-Xuân 富 春 có từ đó.

Một điều đáng tiếc là trong những năm cuối cùng của đời mình, Vũ-Vương sống xa hoa trong cảnh thanh bình, đâm ra nghe lời xu nịnh mà say đắm tửu sắc, bỏ rời nhiệm vụ của đấng minh vương để đưa đến cái đại loạn Trương Phúc Loan 張 福 巒 sau nầy. Họ Trịnh lấy danh nghĩa « Dẹp ngụy thần, giúp người thân thích » (11), đem quân vào chiếm Đô-Thành, vào năm Ất-Mùi, Cảnh-Hưng thứ ba mươi sáu (1775). Tây-Sơn, dưới chiêu bài « Diệt Trịnh, phù Nguyễn » đã chiếm cứ Phú-Xuân, vào năm Bính-Ngọ, Cảnh-Hưng thứ bốn mươi bảy (1786). Rồi từ năm Mậu-Thân (1788) cho đến năm Tân-Dậu (1801), Đô-Thành Phú-Xuân là Kinh-đô của nhà Tây-Sơn (12). Vì chiến tranh loạn lạc, Phú-Xuân liên tiếp bị tàn phá trong 26 năm trời.

Cũng may nhờ tổ tiên, biết chăm lo cho dân, đã đem toàn lực khai khẩn đất đai, biến những vùng đất hoang vu đầy lam sương chướng khí thành một miền Nam trù phú an ninh, nên người Đàng Trong không quên họ Nguyễn mà sát cánh theo giúp Nguyễn-Vương. Cũng vì thế mà Thế-Tổ Cao Hoàng-Đế, sau mấy chục năm gian lao cực khổ, đã thu phục lại Đô-Thành, vào ngày mồng ba tháng năm, năm Tân-Dậu (02-06-1801). Và mãi đến năm Giáp-Tý, Gia-Long thứ ba (1804), sau khi thống nhất và bình định cả đất nước, Thế-Tổ mới xuống chỉ cho xây lại Đô-Thành.

Theo kế hoạch Đô-Thành gồm có Cung-Thành, Hoàng-Thành và Kinh-Thành.
Cung-Thành 宮 城 (13) (đến năm Nhâm-Ngọ, Minh-Mệnh thứ ba (1822), danh xưng Cung-Thành được đổi là Tử-Cấm-Thành 紫 禁 城 ) có chu vi tất cả là 307 trượng 3 thước 4 tấc (khoảng 1 229 m), cao 9 thước 3 tấc (khoảng 3,72 m), dày 1 thước 8 tất (khoảng 0,72 m), xây bằng gạch. Mặt trườc, mặt sau, mỗi mặt dài 81 trượng (khoảng 324 m), mặt tả, mặt hữu, dài 72 trượng 6 thước 7 tấc (khoảng 290,50 m).

Ở trước có hai cửa Tả-Túc 左 肅 , Hữu-Túc 佑 肅 , lòng cửa đều cao 6 thước 4 tấc (khoảng 2,56 m), ngang 4 thước 5 tấc (khoảng 1,80 m). Bên tả có hai cửa Hưng-Khánh 興 慶 , Đông-An 東 安 ; bên hữu có hai cửa Gia-Tường 嘉 祥 , Tây-An 西 安 ; cả bốn cửa đều có lòng cao 6 thước 5 tấc (khoảng 2,60 m), ngang 4 thước 6 tấc (khoảng 1,84 m). Phía sau có hai cửa Tường-Lân 祥 麟 (dưới triều Thành-Thái được đổi thành Tường-Loan 祥 鸞 vì kỵ húy), Nghi-Phượng 儀 鳳 , lòng cửa đều cao 6 thước 4 tấc (khoảng 2,50 m), ngang 4 thước 1 tấc (khoảng 1,64 m).

Thân của Cung-Thành trong, ngoài đều trát vôi vàng.
Hoàng-Thành 皇 城 (14) có chu vi tất cả là 614 trượng (khoảng 2 456 m), xây bằng gạch, cao 1 trượng 5 thước (khoảng 6 m), dày 2 thước 6 tấc (khoảng 1,04 m). Mặt trước, mặt sau đều dài 151 trượng 5 thước (khoảng 606 m). Mặt tả, mặt hữu đều dài 155 trượng 5 thước (khoảng 622 m).
Ở trước có hai cửa Tả-Đoan 左 端 , Hữu-Đoan 右 端 (sau nầy được phá để xây cửa Ngọ-Môn 午 門 vào năm Qúy-Tỵ, Minh-Mệnh thứ mười bốn (1833)). Bên tả có cửa Hiển-Nhân 顯 仁 , bên hữu có cửa Chương-Đức 彰 德 , đều có hai tầng lầu, và phía sau có cửa Củng-Thần 拱 辰 (sau đổi thành cửa Hòa-Bình 和 平 ), không có lầu . Các cửa đều có ba gian, lợp ngói lưu ly vàng, dài 3 trượng 1 thước 4 tấc (khoảng 4,56 m), ở giữa lòng cửa cao 9 thước 1 tấc (khoảng 3,64 m), ngang 5 thước 5 tấc (khoảng 2,20 m) ; cửa xếp của hai gian hai bên tả hữu có lòng cửa cao 8 thước 5 tấc (khoảng 3,40 m). Ba mặt đông, tây, bắc, mỗi mặt cho xây một cái đài là Đông-Khuyết-Đài 東 闕 臺 , Tây-Khuyết-Đài 西 闕 臺 , Bắc-Khuyết-Đài 東 闕 臺 , đều dài 15 trượng 5 thước (khoảng 62 m), ngang 5 trượng 5 thước (khoảng 22 m), cao 1 trượng (khoảng 4 m). Mỗi đài ở trên có một nhà vuông lợp ngói phẳng, chiều ngang, chiều dài đều 2 trượng 5 thước 5 tấc (khoảng 6,20 m).

Bốn mặt ngoài thành có hào bao vây, rộng 4 trượng (khoảng 16 m), sâu 7 thước 8 tấc (khoảng 3,12 m). Hai bờ xây lan can bằng gạch, còn dưới xây đá. Có 5 cầu bắt ngang; cầu ở hai cửa Tả-Đoan, Hữu-Đoan xây bằng đá, còn cầu ở ba cửa Hiển-Nhân, Chương-Đức, Củng-Thần thì xây bằng gạch.
Kinh-Thành 京 城 (15) có chu vi tất cả là 2 487 trượng 3 thước 6 tấc (khoảng 9 949 m). Thân dày 5 trượng (khoảng 20 m). Trong ngoài xây gạch, cao 1 trượng 5 thước 2 tấc (khoảng 8,08 m), trên dày 3 thước 9 tấc (khoảng 1,56 m), dưới dày 6 thước 3 tấc (khoảng 2,52 m), chân sâu 2 thước (khoảng 0,80 m). Mặt tiền dài 641 trượng (khoảng 2 564 m). Bên tả dài 608 trượng 7 thước 9 tấc (khoảng 2 435 m). Bên hữu dài 625 trượng 8 thước 9 tấc (khoảng 2 503 m). Mặt hậu dài 611 trượng 6 thước 8 tấc (khoảng 2 447 m).

Kinh-Thành có 11 cửa (kể cả cửa Trường-Định), 10 cửa có lầu (cửa Trường-Định không có lầu) đều xây bằng gạch đá và trước mỗi cửa dựng hai cột cờ:
Mặt tiền có 4 cửa là các cửa Thể-Nguyên 體 元 (đến năm Kỷ-Sửu, Minh-Mệnh thứ mười (1829) được đổi là Thể-Nhân 體 仁 , vì kỵ húy), Quảng-Đức 廣 德 , Chính-Nam 正 南 , Đông-Nam 東 南 . Phía đông có hai cửa Chính-Đông 正 東 và Đông-Bắc 東 北 . Phía tây có hai cửa Chính-Tây 正 西 và Tây-Nam 西 南 . Mặt sau có hai cửa Chính-Bắc 正 北 và Tây-Bắc 西 北 . Các cửa đều dài 6 trượng (khoảng 24 m), cao 2 trượng (khoảng 8 m), lòng cửa cao 1 trượng 2 thước 2 tấc (khoảng 4,88 m), rộng 9 thước (khoảng 3,60 m) ; và đều có hai tầng lầu cao tất cả 2 trượng 1 thước (khoảng 8,40 m). Tổng quát các cửa cao tất cả là 4 trượng 1 thước (khoảng 16,40 m) (16).

Góc Đông-Bắc của Kinh-Thành lại cho xây lồi ra phía ngoài một công trình kiến trúc nữa gọi là Thái-Bình-Đài 太 平 臺 , là Mang Cá bây giờ. Trong, ngoài xây gạch, chu vi tổng quát là 246 trượng 7 thước 4 tấc (khoảng 987 m), cao 4 trượng 4 thước (khoảng 17,60 m), thân dày 3 trượng 5 thước (khoảng 14 m), trên dày 2 thước 8 tấc (khoảng 1,12 m), dưới dày 4 thước 3 tấc (khoảng 1,72 m), chân sâu 1 thước (khoảng 0,40 m).

Thái-Bình-Đài có một cửa ra vào là cửa Trường-Định 長 定 , cao 2 trượng 2 thước (khoảng 8,80 m), lòng cửa cao 7 thước 3 tấc (khoảng 2,92 m), rộng 4 thước 7 tấc (khoảng 1,88 m). Trong Thái-Bình-Đài đặt một xưởng súng, một kho thuốc súng và một đồn canh.

Xung quanh Kinh-Thành có đào hào dài 2 503 trượng 4 thước 7 tấc (khoảng 10 014 m), rộng 7 trượng 5 thước (khoảng 30 m), sâu 1 trượng (khoảng 4 m), cách thành một giải đất rộng 2 trượng 5 thước (khoảng 10 m). Trước 11 cửa thành có 11 cầu đá, phía ngoài các cầu xây một cái nhà vuông. Hai bờ hào xây bằng đá.

Ba mặt đông, tây, bắc của Kinh-Thành có Hộ-Thành 護 城 (17), xây bằng đất. Mặt tả và mặt sau, mỗi mặt dài 415 trượng (khoảng 1 660 m), mặt hữu dài 338 trượng 5 thước (khoảng 1 354 m).

Xung quanh Kinh-Thành có Hộ-Thành-Hà 護 城 河 bao vây cả ba mặt đông, tây và bắc, rộng 18 trượng 5 thước (khoảng 74 m). Hai bờ xây đá và ăn thông với Hương-Giang 香 江 . Bờ sông Hương trước mặt Kinh-Thành cũng xây bằng đá. Ngoài ra có sông Ngự-Hà 御 江 , chạy phía trong Kinh-Thành, nối Hộ-Thành-Hà ở hai đầu đông tây, ngang qua cung Khánh-Ninh 慶 寧 và ty Vũ-Khố 武 庫 .
Công trình hết sức lớn lao và đòi hỏi thời gian thích đáng. Vả lại, một mặt chiến tranh đã tàn phá hầu hết những thành quách trên cả nước, một mặt phải xây dựng thêm ở các tỉnh, để đem lại an ninh cho quốc dân, nên triều đình, trong một lúc cùng xây đắp Đô-Thành, cùng tu bổ và xây đắp thành đài ở các tỉnh. Cũng vì thế công việc xây cất Đô-Thành được diễn tiến theo từng đợt và kéo dài từ đời Thế-Tổ cho đến đời Hiến-Tổ mới xong, và cọng lại tất cả phải mất gần 40 năm trời.

Tháng ba năm Giáp-Tý, Gia-Long thứ ba (1804), Thế-Tổ xuống chỉ sai Giám-Thành Nguyễn Văn Yên 阮 文 燕 lo đo đạt để xây lại Đô-Thành, rộng hơn, lớn hơn. Thế-Tổ đích thân khảo sát địa hình, địa vật từ làng Kim-Long 金 龍 ở phía tây đến tận làng Thanh-Hà 清 河 ở phía đông, cách nhau gần 20 dặm (khoảng 8 000 m), bao trùm một phần đất của cả tám làng Phú-Xuân 富 春 , Vạn-Xuân 萬 春 , Diễn-Phái 演 派 , An-Vân 安 雲 , An-Hòa 安 和 , An-Mỹ 安 美 , Thế-Lại 世 賴 và An-Bửu 安 寶 . Thế-Tổ tự tay vạch kích thước các thành trì, sai bộ Lễ chọn ngày lành để tế cáo Trời Đất và cầu xin cho dự án xây cất Đô-Thành được thành tựu mỹ mãn. Trước khi khởi công Thế-Tổ lại cho ước lượng kinh phí, cho sửa chữa đường sá, triệu tập biền binh thợ thuyền và dụng cụ cần thiết.

Dân của tám làng nói trên, nhận lệnh tạm di chuyển và được bồi thường 3 quan một nhà, 2 quan một ngôi mộ. Đặc biệt dân làng Phú-Xuân, vì trọn đất của làng dùng để xây kinh-sư, nên cho tạm dời đến phần đất còn lại ở làng Vạn-Xuân, và ngoài số tiền dược bồi thường trên, được ban thêm cho 30 mẫu ruộng (khoảng 108 000 m2), 3 sở đất để xây lại nhà cùng cho vay 1 000 quan để làm chi phí di chuyển nhà cửa.

Ngày Kỷ-Mùi, cát nhật, mồng một tháng tư năm Giáp-Tý, Gia-Long thứ ba (09-05-1804), các quan Phạm Văn Nhân 范 文 仁 , Lê Văn Chất 黎 文 質 , Nguyễn Văn Khiêm 阮 文 謙 phục chỉ lo việc xây cất Cung-Thành và Hoàng-Thành, cùng bồi đất để chuẩn bị xây cất Kinh-Thành. Nhân công thì lấy biền binh ở Kinh. Mỗi tháng, một người được ban cho 1 quan tiền và 1 phương gạo (18), còn thợ thầy thì kêu gọi người lành nghề trong cả nước.

Vào tháng tư năm Ất-Sửu, Gia-Long thứ tư (1805), Thế-Tổ ban chỉ cho xây Kinh-Thành bốn mặt bằng đất. Bờ sông Hương trước mặt thành dược đắp lại bằng đá. Nhánh sông bên hữu thành được lấp đi và cho đào một phần sông Ngự-Hà ở phía trong thành, cùng cho khởi công đào Hộ-Thành-Hà. Nhân công thì lấy biền binh ở Kinh, Thanh-Hóa 清 化 , Nghệ-An 乂 安 , Quảng-Đức 廣 德 , Quảng-Bình, Quảng-Trị, Quảng-Nam, Quảng-Nghĩa 廣 義 và Bình-Định 平 定 . Lương mỗi tháng là 1 quan 5 tiền và 1 phương gạo.

Tháng bảy năm Bính-Dần, Gia-Long thứ năm (1806), Thế-Tổ xuống chỉ cho phép dân của tám làng nói trên, bị tạm thuyên chuyển lúc trước, được trở về. Người nào muốn ở trong thành thì được miễn dịch vụ suốt đời, còn những người muốn sống ở ngoài thành, thì được miễn ba năm.

Đến tháng tám, công trình xây cất Kinh-Thành đợt đầu đã tạm xong. Thế-Tổ chuẩn thưởng cho, ngoài lương bổng đã định, những người phân quản từ Đội-Trưởng trở lên đều ban thêm 3 tháng lương, biền binh thì 1 tháng lương và cho trở về làng nghỉ ngơi (19).

Tháng sáu năm Đinh-Mão, Gia-Long thứ sáu (1807), Thế-Tổ xuống chỉ cho hồi Kinh 3 000 lính thuộc doanh Thần-Sách 神 策 ở Thanh-Hóa và Nghệ-An, 5 500 lính thuộc Ngũ-Quân 五 軍 và Tượng-Quân 象 軍 ở Bắc-Thành 北 城 , để tiếp tục việc xây cất, và đến tháng mười một, cho xây nền và tầng thứ nhất của Kỳ-Đài 旗 臺.

Kỳ-Đài có 3 tầng, cao 4 trượng 4 thước (khoảng 17,60 m). Tầng dưới phía nam dựa vào chân thành, cao 1 trượng 4 thước (khoảng 5,60 m) ; tầng giữa cao 1 trượng 4 thước 5 tấc (khoảng 5,80 m) ; tầng trên cao 1 trượng 5 thước 5 tâc (khoảng 6,20 m). Bốn mặt xây gạch. Cửa vòm rộng 5 thước (khoảng 2 m). Cột cờ có hai tầng, cao 7 trượng 3 thước 8 tấc (khoảng 29,52 m). Trên đài có 8 xưởng súng và hai đồn canh.

Thế-Tổ cho tiếp tục xây các cửa của Kinh-Thành, tiếp tục đào Hộ-Thành-Hà và đào hào quanh Kinh-Thành như kế hoạch đã định. Ngoài ra hàng năm phải lo trùng tu sửa chửa những mặt thành bị sụp đổ vì lụt lội nắng mưa, cùng lo nung vôi nướng gạch, tích trữ mật đường, thành đợt nầy kéo dài gần đến 10 năm.

Năm Bính-Tý, Gia-Long thứ mười lăm (1816), nhận thấy công trình xây cất và trùng tu Kinh-Thành quá lớn lao và cực nhọc, nên phải dưỡng sức cho binh lính và thợ thuyền, Thế-Tổ xuống chỉ cho công nhân tạm nghỉ trong những tháng đại hạn và thưởng cho 4 vạn quan tiền (20) sau khi công việc tạm hoàn tất.

Tháng hai năm Mậu-Dần, Gia-Long thứ mười bảy (1818), Thế-Tổ xuống chỉ cho các quan Hoàng Công Lý 黃 公 理 , Trương Phúc Đặng 張 福 鄧 , Nguyễn Đức Sĩ 阮 德 仕 lãnh trách nhiệm đắp gạch vào mặt ngoài thành cùng xây 24 pháo-đài ở bốn mặt trên thành. Mặt tiền có 6 pháo đài là Nam-Ninh 南 寧 , Nam-Hưng 南 興 , Nam-Thắng 南 勝 , Nam-Chính 南 正 , Nam-Xương 南 昌 và Nam-Thanh 南 清 . Bên tả có Đông-Thái 東 太 , Đông-Trường 東 長 , Đông-Gia 東 嘉 , Đông-Phụ 東 阜 , Đông-Vĩnh 東 永 , Đông-Bình 東 平 . Bên hữu có Tây-Thành 西 成 , Tây-Tuy 西 綏 , Tây-Tĩnh 西 靜 , Tây-Dực 西 翼 , Tây-An 西 安 , Tây-Trinh 西 貞 . Mặt bắc Bắc-Củng 北 拱 , Bắc-Định 北 定 , Bắc-Hòa 北 和 , Bắc-Thịnh 北 盛 , Bắc-Trung 北 中 và Bắc-Thuận 北 順 . Ngoài ra cho đắp đá, lát gạch hai bên bờ hào. Xây cầu ở trước các cửa thành, cùng tiếp tục đào Hộ-Thành-Hà. Nhân công thì lấy gần 1 vạn trong hàng ngũ Tinh-Binh 精 兵 , Cấm-Binh 禁 兵 của quân Võ-Lâm 武 林 và dân làm thuê.

Đến tháng bảy cùng năm, công việc xây cất hai mặt thành phía nam và bên tả tạm gọi là hoàn tất, Thế-Tổ xuống chỉ ban thưởng đại khái như sau : « Từ xưa, các đế vương có nhiệm vụ lo xây thành trì để giữ gìn kinh đô và đất nước. Vừa rồi, từ mùa xuân đến mùa thu, các biền binh, thợ thuyền được gọi sung vào công vụ đã khá lao lực. Nay thành phía nam và phía tả đã hoàn tất, Trẫm không quên công khó của biền binh và thợ thuyền đã luôn luôn tận tụy với triều đình, ra sức làm việc khó nhọc, xem việc công như chính việc riêng của cha mẹ mình. Vậy nay thưởng 14 vạn quan tiền cho biền binh và thợ thuyền, và cho về làng nghỉ ngơi, còn các quan từ Đốc-Lý trở xuống, tùy theo công việc, sẽ ban cho tiền bạc, áo quần… ».

Cuối năm đó, cho kêu lại biền binh, thợ thuyền để xây mặt thành phía bắc. Mặt thành nầy được xây xong vào tháng ba năm Kỷ-Mùi, Gia-Long thứ mười tám (1819). Thế-Tổ xuống chỉ ban thưởng 14 vạn 3 ngàn quan tiền cho biền binh thợ thuyền, còn các quan thì thưởng cho 5 tháng lương.
Tháng mười năm Canh-Thìn, Minh-Mệnh nguyên niên (1820), vì lụt lội, một đoạn thành dài 300 trượng (khoảng 1 200 m) bị sụp đổ, Thánh-Tổ xuống chỉ cho trùng tu lại.

Tháng hai năm Tân-Tỵ, Minh-Mệnh thứ hai (1821), xuống chỉ cho đào trọn Hộ-Thành-Hà, bọc quanh ba mặt đông, tây, bắc của Kinh-Thành cho đến sông Hương.

Tháng Giêng năm Nhâm-Ngọ, Minh-Mệnh thứ ba (1822), sai Đô-Thống doanh Thần-Sách 神 策 Nguyễn Văn Vân 阮 文 雲 cai quản việc tu bổ một đoạn thành dài khoảng 566 trượng (khoảng 2 264 m), cùng xuống chỉ chỉ định giờ làm việc. Cho phép nghỉ trong những ngày trời xấu. Công việc hoàn tất, Thánh-Tổ ban thưởng 5 vạn 2 ngàn 2 trăm quan tiền cho công nhân, còn từ Đốc-Lý đến Xuất-Đội thì được 5 tháng lương. Đến tháng sáu, thấy trời nóng nực quá, nên cho binh thợ nghỉ đợi sang xuân sẽ xuống chỉ cho khởi công làm tiếp.

Nhưng mùa đông năm ấy, thành mặt tiền và bên tả bị sụp 2 057 trượng (khoảng 8 228 m) nữa vì mưa lớn, nên vào tháng ba năm Qúy-Mùi, Minh-Mệnh thứ tư (1823) lại sai các quan Trần Văn Năng 陳 文 能 và Nguyễn Văn Vân 阮 文 雲 đốc thúc binh thợ để lo sửa chữa. Tháng năm cho binh thợ nghỉ sức một tháng, nên đến tháng bảy mới xong.

Tháng hai năm Giáp-Thân, Minh-Mệnh thứ năm (1824), cho bồi đắp mặt sau Kinh-Thành, lại cho xây lầu gạch ở hai cửa Chính-Đông và Đông-Bắc, cùng cho thay lại ngói nát gỗ mục ở các công trình như cửa Hiển-Nhân và cửa Chương-Đức.

Tháng năm năm Bính-Tuất, Minh-Mệnh thứ bảy (1826), cho xây cầu Tây-Thành Thủy-Quan 西 城 水 關 , cầu Vĩnh-Lợi 永 利 , cầu Hoằng-Tế 弘 濟 bắt ngang sông Ngự-Hà và cho xây đá hai bên bờ sông, dài trên 580 trượng (khoảng 2 320 m), chạy từ Cung Khánh-Ninh 慶 寧 宮 , gần trường Canh-Nông bây giờ, cho đến Hộ-Thành-Hà.

Năm Đinh-Hợi, Minh-Mệnh thứ tám (1827), cho đắp đài Quan-Tượng 觀 象 ở mặt sau đài Nam-Ninh, góc tây nam thành.

Tháng ba năm Kỷ-Sửu, Minh-Mệnh thứ mười (1829) cho xây lầu ở các cửa Chính-Nam, Đông-Nam, Chính-Tây, Tây-Nam, Quảng-Đức và Thể-Nhân 體 仁 (Thể-Nguyên 體 元 củ).

Tháng chín, lấy 23 mẫu 6 sào (khoảng 85 200 m2) đất ở hai làng An-Ninh 安 寧 và Nguyệt-Biều 月 瓢 để ban cho dân ba ấp Nội-Duệ 內 銳 , Kiến-Trung 堅 中 và An-Tân 安 新 thuộc làng Phú-Xuân, vì dưới thời Đức Thế-Tổ, đất của ba ấp ấy đã sung công để xây Kinh-Thành.

Tháng tư năm Canh-Dần, Minh-Mệnh thứ mười một (1830), cho xây Đông-Thành Thủy-Quan 東 城 水 關 bắt ngang đầu múi đông của sông Ngự-Hà.

Nhân công thì lấy Cấm-Binh và Tinh-Binh của quân Vũ-Lâm cùng dân thuê.
Tháng hai năm Tân-Mão, Minh-Mệnh thứ mười hai (1831), xuống chỉ cho Tiền-Quân Trần Văn Năng 阮 文 能 , Trung-Quân Tống Phúc Lương 宋 福 樑 lo sửa chữa và xây gạch ở Kỳ-Đài và cho xây tiếp tầng thứ hai và tầng thứ ba cùng xây hai đồn canh như kế hoạch đã định. Cho lát đá bên trong mặt trước Kinh-Thành, cùng cho xây hai cái cầu của hai cửa Chính-Bắc và Tây-Bắc.

Tháng hai năm Nhâm-Thìn, Minh-Mệnh thứ mười ba (1832), xuống chỉ cho Tiền-Quân Trần Văn Năng 阮 文 能 , Trung-Quân Tống Phúc Lương 宋 福 樑 , Hậu-Quân Phan Văn Thúy 潘 文 翠 và Phó-Tướng Nguyễn Văn Xuân 阮 文 春 đốc thúc binh thợ để đắp đá và lát gạch các lan can phía bên trong các mặt tiền, tả, hữu của Kinh-Thành ; còn Thống-Chế Nguyễn Văn Trọng 阮 文 仲 và các quan Phạm Văn Lý 范 文 理 , Đỗ Qúy 杜 貴 , Tôn-Thất Bằng 尊 室 朋 thì lo mặt thành phía sau và các mặt thành của Thái-Bỉnh-Đài. Công việc bắt đầu từ tháng ba đến tháng năm thì xong. Nhân công thì lấy biền binh trong Ngũ-Quân và dân thuê.

Công trình xây cất Kinh-Thành Thuận-Hóa đến đây có thể tạm gọi là hoàn tất. Thánh-Tổ xuống chỉ cho các quan ở Nội-Các đại khái như sau:
« Kinh sư là nơi căn bản của cả nước. Hoàng Khảo, sau khi bình định cả toàn quốc, đã chăm lo thu hoạch những điều kiện thuận tiện nhất để xây cất Kinh sư. Nay Trẫm lên kế nghiệp Ngài, Trẫm quyết chí theo đuổi công trình đó. Trẫm biết công việc càng nặng thì càng phải nghỉ ngơi nhiều, cho nên Trẫm tiếp tục việc xây cất cho chóng được hoàn mỹ.

Kinh phí lên quá 10 triệu quan. Đó là một số tiền rất lớn. Cũng may Kinh sư được xây cất xong, thành trì được vững chắc, chúng ta có thể an hưởng trong mười vạn năm. Trẫm rất vui mừng.
Công việc nặng nề là do các quan, các biền binh, thợ thuyền đảm nhận. Thật là chúa, tôi giống như cha, con một nhà. Thần dân đã nhiều công khó nhọc, vậy triều đình phải biết đến để tuyên thưởng công lao… ».

Thánh-Tổ ban thưởng cho các Đại Thần mỗi người 2 tấm sa ; các Quản-Cơ, Chưởng-Vệ mỗi người một tấm ; còn từ Đốc-Lý đến Xuất-Đội cả thảy 230 người và 9 500 biền binh, thợ thuyền được thưởng, mỗi người 2 tháng lương. Thánh-Tổ lại xuống chỉ cho sắm đủ yến tiệc để các Đại Thần đến khoản đãi những viên chức chuyên biện cùng công nhân và cho họ xem hát trong 3 ngày.
Năm Qúy-Tỵ, Minh-Mệnh thứ tư (1833), Thánh-Tổ xuống chỉ sai quan Nguyễn Tăng Minh 阮 增 明 làm Đốc-Lý cho xây Đại-Cung-Môn 大 宮 門 và Ngọ-Môn 午 門 .

Đại-Cung-Môn có 3 gian. Lòng cửa giữa cao 7 thước 3 tất (khoảng 2,92 m), ngang 5 thước 4 tấc (khoảng 2,16 m). Hai cửa giáp hai bên tả hữu, lòng cửa cao 6 thước 4 tấc (khoảng 2,56 m), ngang 4 thước 1 tấc (khoảng 1,64 m).

Cho phá hai cửa Tả-Đoan, Hữu-Đoan và dời điện Càn-Nguyên 乾 元 lùi lại phía sau và đổi tên là Càn-Thành 乾 成 vì kỵ húy, để xây Ngọ-Môn.

Ngọ-Môn (21) được xây bằng đá đưa từ Thanh-Hóa vào và từ Quảng-Nam ra, cùng gạch đúc tại chổ. Ở giữa cao 1 trượng 3 thước 3 tấc (khoảng 5,32 m), ngang 8 thước 2 tấc (khoảng 3,28 m). Cửa giáp hai bên tả hữu đều cao 1 trượng 2 thước 4 tấc 5 phân (khoảng 4,98 m), ngang 8 thước 1 tấc (khoảng 3,24 m). Cửa nách ở hai bên tả hữu đều cao 1 trượng (khoảng 4 m), ngang 6 thước 3 tấc (khoảng 2,52 m). Ngọ-Môn cao suốt từ mặt đất đến trên mặt nền là 1 trượng 4 thước 9 tấc (khoảng 5,96 m).
Trên cửa, dựng Ngũ-Phượng-Lâu 五 鳳 樓 . Lầu có hai tầng. Gian chính giữa lợp ngói lưu ly vàng. Bốn góc ở hai bên tả hữu có bốn xưởng súng. Mỗi xưởng chiếm một gian lợp ngói âm dương. Xung quanh xây lan can bằng gạch hoa.

Trước Ngọ-Môn có ao Kim-Thủy 金 水 và có ba cầu đá bắt ngang. Ba cầu đều có lan can cũng xây bằng gạch hoa.

Năm Bính-Thân, Minh-Mệnh thứ mười bảy (1836), vì một đoạn thành bị lở, lấp một phần hồ Kinh-Bạch 京 白 , nên xuống chỉ cho xây lại cùng vét hồ sâu đến 5 trượng (khoảng 2 m). Cũng năm đó cho đổi danh xưng Thái-Bình-Đài thành Trấn-Bình-Đài 鎮 平 臺 .

Năm Đinh-Dậu, Minh-Mệnh thứ mười tám (1837), xuống chỉ cho Thống-Chế Lê Văn Thảo 梨 文 草 đem 3 000 biền binh ở Kinh để đắp đá hai bên bờ sông Hộ-Thành-Hà, từ cầu An-Hội 安 會 là cầu Gia-Hội bây giờ, cho đến trước mặt Trấn-Bình-Đài.

Năm Kỷ-Hợi, Minh-Mệnh thứ hai mươi (1839) xuống chỉ cho Giám-Thành đốc thúc 664 biền binh ở Gia-Định 嘉 定 , Biên-Hòa 邊 和 , Vĩnh-Long 永 隆 và An-Giang 安 江 vừa mới đến Kinh tháng trước, lấy hai gò đất ở ngoài thành Trấn-Bình-Đài để lấp vào những chỗ thấp ở trong Kinh-Thành cho bằng phẳng để mưa lũ khỏi lầy lội.

Năm Tân-Sửu, Thiệu-Trị thứ hai (1842), Hiến-Tổ xuống chỉ cho Thống-Chế Mai Công Ngôn 枚 公 言 , Thống-Chế Hồ Văn Lưu 胡 文 劉 và quan Hoàng Đăng Thận 黃 登 慎 lo đốc thúc biền binh và dân thuê để tu bổ chắc chắn các mặt thành phía sau, bên tả , bên hữu, cùng lo hoàn tất Trấn-Bình-Đài.
Đô-Thành Thuận-Hóa được Chúa Nghĩa Nguyễn-Phước Thái dựng lên ở làng Phú-Xuân, rồi được Thế-Tổ và Thánh-Tổ cho xây dựng lại rộng hơn, lớn hơn. Thành trì đã trải qua hơn ba trăm năm. Nhiều kiến trúc từ đời Minh-Mệnh, Thiệu-Trị được sửa đổi lại hay bị phá hủy dưới những triều Đồng-Khánh, Thành-Thái, Khải-Định, nhưng ba cái thành của Cung-Thành, Hoàng-Thành và Kinh-Thành mà chúng ta thấy bây giờ vẫn nằm trên vị trí cũ của chúng, có từ đời Gia-Long.

Thành trì rộng lớn, nhưng không thô kịch. Điện đài uy nghi, nhưng không bạc khắc. Cung đình tráng lệ, nhưng không loè loẹt. Kiến trúc lại cân xứng với địa hình địa thế, để các công-trình tự hòa mình trong cảnh trí thiên nhiên. Đô-Thành đã tạo cho Huế một hình thái hài hòa, một khí cách thanh tao ; đã làm cho Huế có một cái đẹp mơ màng, một cái duyên thầm kín. Người Huế yêu Huế diễm kiều, người Việt yêu Huế mộng mơ.

Rồi Pháp chiếm cứ Trấn-Bình-Đài. Bóng ngoại bang đã làm rạn nứt vẻ cổ kính của thành xưa. Chiến tranh trong những năm 1945-1946 đã tàn hoại Đô-Thành nhiều lắm. Và trong những năm 1968-1975, bom đạn đã biến Kinh-Thành gần như bình địa. Hầu hết các cửa, thành đều sụp đổ. Hầu hết các miếu, điện, cung, đài đều tan nát xác xơ. Người Huế sụt sùi cho Phú-Xuân đổ nát, người Việt nghẹn ngào cho Thuận-Hóa điêu linh.

Cũng may mà chính quyền ngày nay đã nhận rõ giá trị văn hóa, mỹ thuật của đất Thần-Kinh nên đã sát cánh với các cơ quan văn hóa trên thế giới (22) mà trùng tu lại Đô-Thành trên bốn trăm năm văn vật, để không những trao lại cho người Huế một cố-đô thơ mộng, trao lại cho người Việt một thủ-phủ thanh trang mà còn trao lại cho cả Nhân-Loại một di-tích quyến rũ.

Ghi Chú:
(1) Bộ KĐĐNHĐSL gồm có 15 tập do nhà xuất bản Thuận-Hóa dịch và ấn hành tại Huế năm 1993. Là cả một nguồn tài liệu to tát, dịch thuật công phu, rất lợi cho những ai muốn sưu tầm lịch sử. Nhưng rất tiếc là hầu hết mỗi trang đều có in sai, làm lạc hướng những người muốn nghiên cứu, nếu trong tay không có nguyên bản chử Hán. Như Tường-Lân lại in là tường ban, Gia-Tường in là gia đường, Thụy-Thánh in là thụy khánh, Nam-Ninh in là nam minh… Rồi cứ như thế mà tiếp tục in mãi cho hàng chục trang sau. Ngoài ra những con số cho kích thước đôi khi cũng in sai. Thật đáng tiếc ! Rất mong lần tái bản đến, nhà xuất bản cho sửa chữa kỹ càng hơn.
(2) Bộ BAVH gồm 122 tập, ra từ năm 1914 đến năm 1944. Mỗi năm 4 tập, duy năm chót 1944 chỉ có 2 tập, do Đô Thành Hiếu Cổ Xã ấn hành. Hiện nay bộ nầy rất hiếm. Là một kho tài liệu rất qúy nói về Huế. Cũng may bây giờ bộ nầy đã cho in trên CD.
(3) Nguyễn-Phúc-Tộc Thế-Phả cho tên là Cam, dựa theo phiên thiết của Khang-Hi Tự-Điển, tôi e không đúng. Có nhiều chử Hán mà người Việt mình có thoái quen đọc (theo âm hán-việt) không sát theo phiên thiết của KHTĐ. Các sách sử như Việt-Nam Sử-Lược của Trần Trọng Kim, Đại-Việt Thông-Sử của Lê Qúy Đôn, BAVH…, đều viết Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng chứ không thấy viết Nguyễn Cam, Nguyễn Huỳnh. Ở Huế người ta gọi trái Kim Quất là Cam Quật, vì kỵ trọng huý cuả Ngài chăng ? Miếu-hiệu của Ngài Triệu-Tổ Tĩnh.
(4) Miếu-hiệu là Thái-Tổ Gia-Dũ. Vì kỵ húy Ngài mà con cháu họ Nguyễn-Phước và một số lớn người miền Trung và miền Nam thay chữ hoàng ra chữ huỳnh. Chính Ngài đã ban thêm chữ Phước vào chữ Nguyễn cho họ Nguyễn của con cháu Ngài. Từ đó con cháu đều mang họ Nguyễn-Phước.
(5) Miếu-hiệu là Hy-Tông Hiếu-Văn. Vì kỵ húy Ngài nên chử nguyên được nói trại ra bằng chữ ngươn, chữ phúc bằng chữ phước, như Tết Ngươn Đán (Nguyên Đán), Nguyễn-Phước (Nguyễn-Phúc), Phước-Lộc-Thọ (Phúc-Lộc-Thọ).
(6) Miếu-hiệu là Thần-Tông Hiếu-Chiêu. Vì kỵ húy nên âm lan thay bằng âm liên, như hoa Lan, trong Nội nói là bông Liên và Liên Hoa thì nói là bông Sen (âm hoa cũng kỵ húy).
(7) Miếu-hiệu là Anh-Tông Hiếu-Nghĩa. Vì kỵ húy nên âm thái được thay bằng âm thới, như nhân tình thế thái thì nói là nhơn tình thế thới (âm nhân cũng kỵ húy).
(8) Miếu-hiệu là Thái-Tông Hiếu-Triết. Vì kỵ húy, âm tần được thay bằng âm tờn, như rau Tần-Ô thì nói là rau Tờn-Ô.
(9) Miếu-hiệu là Hiển-Tông Hiếu-Minh. Âm chu được thay bằng âm châu.
(10) Miếu-hiệu là Thế-Tông Hiếu-Vũ. Chử khoát được thay bằng chử quảng hay khoáng, như khoát đạt thì nói là khoáng đạt.
(11) Họ Nguyễn-Phước là họ Ngoại của họ Trịnh. Nguyễn Hoàng là cậu ruột của Bình An Vương Trịnh Tùng.
(12) Nguyễn Nhạc nhà Tây-Sơn đóng đô ở Đồ-Bàn gần Quy-Nhơn vào năm 1778, và vào năm 1788 Nguyễn Huệ nhà Bắc Tây-Sơn mới lấy Phú-Xuân làm kinh-đô. Đến khi Nguyễn Nhạc mất vào năm 1793 thì Phú-Xuân mới là kinh-đô của nhà Nguyễn Tây-Sơn cho đến năm 1801.
(13) Xem KĐĐNHĐSL tập 13, quyển 209.
(14) Như trên.
(15) Như trên.
(16) Một tài liệu vô danh trên mạng web cho rằng theo Phan Thuận An 2000 thì toàn bộ chiều cao của mỗi cửa là trên 17 m.
(17) Xem KĐĐNHĐSL tập 13, quyển 209, trang 119. Thành đất của Hộ-Thành, nay không thấy nữa và không biết ở đâu. Ở trong thành cũng có một đường lúc trước mang tên là đường Hộ-Thành, sau đổi là đường Thượng-Tứ, và bây giờ là đường Đinh Tiên Hoàng.
(18) Một quan là 10 tiền, nặng 2 cân 4 lượng. Không biết bằng gì, bằng đồng chăng. Một tiền bề ngang có 5 phân 3 ly. Xem KĐĐNHĐSL tập 5, quyển 53. Mỗi phương là 13 thưng ăn 30 đấu đồng gạt ngang miệng. Không biết là bao nhiêu kí. Xem KĐĐNHĐSL tập 5, quyển 54. Để có một khái niệm về lương bổng của công nhân thời bấy giờ, ta hảy xem lương bổng của quan viên do Đức Thế-Tổ định năm Mậu-Dần, Gia-Long thứ mười bảy (1818). Chánh nhất phẩm, trong một năm, tiền 600 quan, gạo 600 phương, tiền xuân phục 70 quan. Tòng nhất phẩm, tiền 360 quan, gạo 360 phương, tiền xuân phục 60 quan. Chánh nhị phẩm (cấp Thượng Thư), tiền 300 quan, gạo 300 phương, tiền xuân phục 50 quan. Chánh, Tòng cửu phẩm ( Thư Ký…), tiền 16 quan, gạo 16 phương, tiền xuân phục 4 quan. Xem KĐĐNHĐSL tập 5, quyển 57.
(19) Xem KĐĐNHĐSL tập 5, quyển 60, có nhiều chi tiết hơn.
(20) Như trên.
(21) Xem KĐĐNHĐSL tập 13, quyển 209.
(22) Nghe đâu Cơ Quan Giáo-Dục, Khoa-Học, Văn-Hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã tuyên bố Kinh-Thành Huế là di sản của nhân loại.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét