Kích động, đập phá đồ đạc, luôn miệng kết tội con cái chưa cho ăn,… là những vấn đề có thể xảy ra ở người cao tuổi do rối loạn tâm thần tuổi già.
Thay vì tìm nguyên nhân, giải pháp để giúp các cụ sống khỏe, sống vui, đa số con cháu xem đó là “chuyện nhà”, nhưng càng bưng bít lại càng bế tắc.
83 tuổi, bỗng dưng… hồi xuân không kiểm soát
Anh S., bạn thân của tôi hẹn ra quán cà phê tâm sự. Anh cho biết đang rối trí vì đây là chuyện rất tế nhị, gia đình đã cố gắng giấu giếm suốt ba năm qua. Chuyện căng thẳng đến mức, sau giờ làm, S. thậm chí cố gắng trì hoãn để khỏi phải về nhà. Nhưng sức chịu đựng có hạn, cả nhà quá mệt mỏi và khủng hoảng với chuyện này.
S. kể: “Chuyện xấu hổ lắm. Ba tôi đã 83 tuổi rồi nhưng ông cụ vẫn rất sung mãn về chuyện ấy. Bà cũng xấp xỉ 80, chiều ông thế nào được. Ban đầu thấy bà nằng nặc đòi ngủ phòng riêng, con cháu còn trêu chọc. Sự tình ngày càng tệ khi đêm đến ông mò đi tìm khiến bà la toáng làm cả nhà thức dậy. Bây giờ bà không ở chung nhà với ông nữa, chuyển qua nhà chị gái tôi “cho yên thân”. Ngỡ rằng tách ông bà ra mỗi người một nơi thì mọi chuyện sẽ yên, ai ngờ cứ thấy người phụ nữ nào là ông sấn tới”.
Chuyện chưa dừng ở đó, anh S. kể, không chỉ bày tỏ tình cảm thái quá, mà cứ thấy phụ nữ, bất kể thân quen, ông cụ liền… thoát y. Việc ông cụ “trở chứng” khiến vợ chồng S. lục đục, vợ anh nằng nặc đòi ra ở riêng, dọa nếu anh không đồng ý cô sẽ ôm hai con về bên ngoại vì không thể ở chung nhà với ông bố chồng trời ơi đất hỡi!
“Cả nhà tôi đều bế tắc, không biết xử lý thế nào cho phải. Trước đây cụ có thế đâu, về già lại đổi tính. Ông cụ là người sinh dưỡng mình, đâu thể bỏ mặc, nhất là khi mọi người xa lánh. Gia đình tôi chắc tan mất nếu vợ cứ đòi ôm con bỏ đi”, S. đau khổ.
Tìm cha như tìm… trẻ lạc
Cách đây chưa lâu, tôi giật mình khi đọc dòng thông tin trên Facebook của người bạn học tên M.: “Ba mình tên là…, đi lạc. Cụ đã mất tích ba ngày nay, nhờ mọi người cùng tìm giúp”. Những người quen biết nhiệt tình đi tìm ông cụ giúp M. Ai cũng lo lắng nhưng chỉ để trong lòng, vì ông mất tích đã ba ngày, e lành ít dữ nhiều.
Đến lúc gần như tuyệt vọng, M. đăng lên Facebook cảm ơn mọi người, cho biết đã tìm thấy ba. M. mệt mỏi tâm sự với tôi: “Khổ lắm! Ba tôi lúc tỉnh lúc quên. Hở ra là ông mở cửa trốn đi mất. Đây là lần thứ ba rồi. Chẳng biết bằng cách nào ông tìm được đường về nhà cũ dưới quê.
Hàng xóm nhận ra ông nên giữ lại rồi liên lạc với tôi”. Tôi thắc mắc, đã biết cụ bị lẫn hay bỏ nhà đi, sao gia đình không phân công người trông nom thường xuyên, M. thở dài: “Nhà tôi neo người, mà không phải lúc nào ông cũng lẫn, có khi còn rất tỉnh táo. Bị giám sát kỹ quá, ông bực mình mắng chửi nên con cháu chỉ còn cách nương theo”.
Con cháu gần gũi chăm sóc, mẹ chồng tưởng tiếp cận bà để…
Những biểu hiện bất thường về tâm sinh lý ở người cao tuổi mỗi người một khác. Vợ chồng chị P.T.B. ngậm bồ hòn làm ngọt, cắn răng chịu mọi điều tiếng, chỉ trích của họ hàng, hàng xóm cũng vì một chữ… thương mẹ. Bà đã 85 tuổi, ông mất rồi nên vợ chồng chị B. chuyển về sống chung với mẹ để bà bớt cô đơn và tiện việc chăm sóc. Sau sự ra đi của ông, cụ bà thay đổi tính nết, luôn hằn học, coi con cháu như kẻ thù.
Bà cho rằng con trai, con dâu muốn ám hại mình nên không dám ăn cơm nhà. Bà nhờ cô giúp việc nhà hàng xóm mua giúp đồ ăn. Tới bữa cơm, bà lại trốn sang nhà hàng xóm khiến con cháu phải đi tìm. Họ hàng tới chơi, bà cầu cứu: “Tụi nó không cho tôi ăn”.
“Vợ chồng tôi biết bà có vấn đề về tâm thần, già nên bị lẫn. Con cháu thương bà lắm. Ông xã tôi rất khổ tâm khi thấy mẹ như vậy, nên động viên vợ con cố gắng gần gũi, dùng tình cảm yêu thương giúp bà bình tâm. Nhưng con cháu càng gần gũi, thiện chí, bà lại càng kích động, sợ mình tiếp cận để… ám sát bà”, chị B. nức nở vì tủi thân. Không chỉ vậy, vợ chồng chị B. còn chịu áp lực từ hàng xóm, họ hàng, vì không hiểu rõ sự tình nên họ kết tội gia đình chị ngược đãi bà cụ.
Nên bao dung, đừng vội quy kết
Bác sĩ Nguyễn Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho rằng, mọi người cần thông cảm, chia sẻ với người cao tuổi bị rối loạn tâm lý tâm thần. Bên cạnh đó, cũng đừng vội phán xét, quy kết gia đình người bệnh.
Cần có sự bao dung, tìm kiếm giải pháp để con cháu cùng các cụ vượt qua khó khăn của tuổi già. Không riêng bản thân người bệnh, chính những gia đình có người bị loạn thần tuổi già phải chịu rất nhiều áp lực.
Tuổi già khiến các tế bào thần kinh bị lão hóa, nhiều thống kê cho thấy từ 60-65 tuổi chúng ta đã có thể bị bệnh Alzheimer.
Tỷ lệ bệnh tăng dần, chiếm 5% ở những người 70 tuổi, 10% ở những người 80 tuổi. Người từ 80-90 tuổi, nguy cơ bị sa sút trí tuệ tuổi già lên tới 70%.
Các biểu hiện bất ổn tâm sinh lý tuổi già rất đa dạng, như lú lẫn (quên từ từ, nhầm lẫn người này thành người kia. Thậm chí quên mất mình là ai, rối loạn định hướng lực và không gian, trời sáng lại bảo là tối, ăn rồi bảo chưa ăn…); bị vong tri, vong ảnh (nhìn cái này nhầm thành cái kia, rối loạn động tác, không tự cởi được nút áo). Nhiều cụ bị loạn thần tuổi già, biểu hiện rõ nhất là hoang tưởng, sợ bị ám hại. Có cụ bị rối loạn hành vi ứng xử, nhu cầu tình dục tăng cao, ghen tuông…
Cần đưa cha mẹ già đi khám để điều trị
Với các cụ mắc những căn bệnh tâm thần trên, xã hội và con cháu cần xem là người bệnh, bao dung, chăm sóc ân cần hơn. Đưa cha mẹ đi khám để được điều trị đúng cách. Đừng sai lầm khi vì thương mà nương theo, hoặc xấu hổ nên giấu giếm sẽ làm tình hình thêm rối, nguy hiểm cho bệnh nhân, có nguy cơ xảy ra hậu quả đau lòng.
Mỗi tháng, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM khám từ 1.500-1.700 trường hợp rối loạn tâm lý tâm thần ở độ tuổi từ 65-94. Tuy không thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn, nhưng các bác sĩ sẽ cho thuốc để bệnh nhân điều trị ngoại trú. Uống thuốc mỗi ngày sẽ giúp các cụ kiểm soát cơn kích động, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, giảm các rối loạn về hành vi.
Bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM khuyên cách phòng tránh sa sút trí tuệ tuổi già bằng cách có thể làm chậm quá trình sa sút trí tuệ tuổi già nếu thực hiện những điều sau đây:
- Con cháu yêu thương, thông cảm với những hành xử bất thường của người già.
- Người cao tuổi nên đọc sách báo. Ít hoạt động trí não sẽ khiến sa sút trí tuệ diễn tiến nhanh hơn.
- Các cụ nên giao lưu, gặp gỡ bạn bè. Con cháu nên để ông bà đảm nhiệm một công việc vừa sức để họ không có cảm giác bị cô lập.
Theo Thanh Huyền (Phụ nữ Tp.HCM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét