- Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Bìa sách “VIETNAMESE /An Introductory Reader” do Đại học UC Reverside và Viện Việt Học xuất bản. (Vietbao)

Tiếng Việt là hành trang đầu tiên mà người Việt mang theo khi định cư ở Mỹ cũng như ở khắp nơi trên thế giới. Tôi được may mắn là dùng hành trang vô giá đó làm vốn liếng dạy học nơi quê hương thứ hai của mình.

Tôi từng có thời gian huấn luyện kỹ năng sư phạm và hướng dẫn các giáo sư tiếng Georgian và tiếng Armenian, hai ngôn ngữ nước Georgia và Armenia thuộc khối Liên Xô cũ vừa được đưa vào Học Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng sau này, viết sách giáo khoa dạy tiếng mẹ đẻ của họ, từ đó dần dần hình thành trong tôi một niềm mơ ước được biên soạn một chương trình dạy về tiếng Việt và viết sách dạy Việt ngữ.

Tiếng Việt, “tiếng nước tôi, tiếng lòng tôi”, đã trải qua bao thăng trầm từ ngày được tạo sinh cho đến hôm nay. Tôi tâm nguyện rằng đối với một “gia tài của mẹ để lại cho con” như thế, tiếng Việt phải được truyền trao cho thế hệ trẻ sinh ra ở xứ người hay cho các em qua đây từ lúc nhỏ.

Mơ ước đó ngày thêm dạt dào mãnh liệt. Nên mới ngày đầu dạy ở UC Riverside là tôi bắt tay ngay vào việc vừa dạy vừa viết tài liệu giảng dạy. Đây là giai đoạn ngập tràn thử thách. Có biết bao lần đang dạy trong lớp mà hốt hoảng lo lắng không biết tuần này có viết kịp bài để dạy tuần sau hay không. Có biết bao lần phải tham khảo các đồng nghiệp chuyên về ngữ học để cập nhật hóa những thông tin viết trong sách. Có khi chỉ một tiếng than của sinh viên mà phải chỉnh sửa lại rất nhiều.

Tôi còn nhớ một sinh viên du học sinh ở Đan Mạch, có bố người Đan Mạch và mẹ người Việt Nam. Em hoàn toàn không biết gì về tiếng Việt cả. Em học tiếng Việt cốt để vui lòng mẹ. Hôm đó khi yêu cầu em áp dụng mẫu câu vừa học để nói một câu dài hơn, em buột miệng “Torture!” (Cực hình!). Nghe mà giật mình!

Tối đó về nhà suy nghĩ, tôi hiểu được những khó khăn của em và cũng thấy được rằng để giúp các em học hiệu quả hơn cần phải có một hoạt động chuyển tiếp sau khi học một mẫu câu và trước khi áp dụng mẫu câu đó vào một tình huống phức tạp hơn. Thế là các đoạn đối thoại ngắn và mở với những từ gợi ý và các chỗ trống phải điền vào được viết thêm trong tài liệu giảng dạy. Quyển sách đã viết được một nửa rồi nhưng tôi phải đi ngược lại để cặm cụi viết thêm vào hoạt động này.

Cứ như thế, sau một thời gian dài soạn thảo, dạy thử nghiệm và điều chỉnh, quyển sách được viết xong năm 2008. Đến khi cầm trên tay quyển sách dạy tiếng Việt đã thành hình, tôi hiểu rằng ước mơ của tôi không thể nào thực hiện bởi một cá nhân mà còn có những góp ý của sinh viên, có cả sự phối hợp giữa Viện Đại Học UC Riverside và Viện Việt Học, hình bìa do họa sĩ Nguyễn Thị Hợp vẽ và bìa sau do họa sĩ Nguyễn Đồng trình bày. Viện Việt Học xuất bản và phân phối sách. Tôi chỉ góp bàn tay nhỏ bé để duy trì và phát huy tiếng Việt nơi xứ người bằng tâm huyết soạn sách của mình và tặng toàn bộ tiền bán sách để góp thêm vào chi phí điều hành các sinh hoạt của Viện.

Đây là một quyển sách gồm ba phần: phần dạy và học tiếng Việt, phần bài tập ứng dụng, và phần tự điển bỏ túi Việt-Anh, Anh-Việt của các chữ trong quyển sách, các mẫu câu, các điểm văn phạm và các thành ngữ Việt.

Nói theo người Mỹ thì đây là quyển sách “3 trong 1”. Thông thường sách Mỹ gồm hai phần: sách học và sách bài tập và hai phần này luôn tách rời thành hai quyển sách riêng biệt, nhất là khi áp dụng cho loại sách giáo khoa ngoại ngữ. Khi biên soạn, tôi đã băn khoăn rằng nếu làm như thế giá thành quyển sách sẽ rất cao vì vậy tôi đã gộp chung ba phần với nhau như đã trình bày ở trên để tiết kiệm cho sinh viên. Sách có thể dùng trong hai khóa học, hai lục cá nguyệt, hay trong ba khóa học, ba tam cá nguyệt, tùy theo trường, tức là dùng được cho một năm học trọn vẹn với giá khiêm tốn đến không ngờ.

Nói về nghề đi dạy, không gì thú vị hơn được dạy những tài liệu do chính mình soạn ra, thử nghiệm rồi sửa đổi đến hoàn chỉnh. Tôi được may mắn là có thể tự biên soạn tất cả tài liệu dạy và học cho tất cả các lớp, từ sơ cấp đến cao cấp. Mấy năm nay Viện Đại Học Riverside đã thúc giục in ấn quyển sách thứ hai cho trình độ trung cấp. Tài liệu đã có đủ rồi, tên sách cũng được đặt xong. Nhưng thời gian để xem xét lại cho thật hoàn hảo thì đành xin khất thêm một thời gian nữa.

Muốn nắm bắt được một ngôn ngữ như tiếng Việt ở mức độ giao tiếp căn bản, thường sinh viên phải mất ba hoặc bốn khóa học. Mỗi khóa học gồm mười tuần với 40 giờ. Vị chi là ba, bốn mươi tuần (300 đến 400 giờ) với rất nhiều bài kiểm tra dưới nhiều hình thức khác nhau. Đại đa số các em khi bắt đầu học ở khóa thứ nhất gần như không biết gì về tiếng Việt. Nếu có thì chỉ võ vẽ năm ba câu hoặc năm ba chữ không đi đến đâu và phần lớn là không biết đọc, không biết viết. Tôi thường cho các em nhiều bài tập về nhà. Nhìn các em than thở, nhăn nhó, khổ sở thấy rất thương. Nhưng biết sao hơn, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Các em cũng hiểu như thế mà!

Rất nhiều em ngạc nhiên không ngờ rằng chỉ sau ba, bốn mươi tuần mà từ không biết gì hết trở thành biết nhiều như vậy. Và tôi được gọi là “tiger mom”. Đặc biệt hơn nữa có một số em nói rằng sự tiến bộ trong tiếng Việt của các em đã đem niềm vui đến cho bố mẹ, ông bà, là cầu nối các em với gia đình. Vì các em nói bố mẹ các em không giỏi tiếng Anh nên họ thường thực tập nói tiếng Anh với các em. Những lúc các em có vấn đề gì cần chia sẻ hoặc xin ý kiến của bố mẹ thì gặp không ít trở ngại về ngôn ngữ. Tiếng Anh của bố mẹ chưa nhiều, tiếng Việt của các em không đủ nên có khi sự thông cảm, hiểu biết của hai bên bị hạn chế. Tôi vẫn thường nhắc nhở các em rằng ông bà, cha mẹ, họ hàng là những nguồn học tiếng Việt hiệu quả nhất, họ là những quyển sách tiếng Việt không bao giờ có trang cuối, và các em được học miễn phí nữa vì vậy các em nên tận hưởng suối nguồn trí tuệ hạnh phúc đó.

Sinh viên Mỹ hay Mỹ gốc Việt cho dù biết chút ít tiếng Việt hay không biết gì cả, sau thời gian học nói trên sẽ biết cách mặc cả khi đi mua sắm, hiểu được người bán khi họ nói “bán mở hàng” hay “bán lỗ vốn”; biết gọi món ăn ở nhà hàng Việt và nếu đi du lịch hay công tác đến Việt Nam thì biết ăn ở nhà hàng không phải cho tiền típ. Các em cũng sẽ biết cách thuê phòng khách sạn, thuê phòng tư gia và biết rằng nhà ở xứ Việt luôn luôn mở cửa rộng và hàng xóm ở đâu cũng thân thiện biết rõ nhau. Các em biết “nhà mặt tiền” đắt hơn “nhà trong hẻm” và khi mua nhà người Việt thường trả tiền mặt một lần là xong. Khi hỏi đường biết dùng “đi lòng dòng mà không thấy”. Khi ốm đau thì nói “đi khám bác sĩ” (không phải đến để bác sĩ khám), và biết “giác, lể, xông” với “dầu gió xanh”, còn biết đa số người Việt trên quê hương không có bảo hiểm sức khỏe, răng hay mắt. Các em biết ở Việt Nam ai cũng giữ tiền mặt trong nhà, ai cũng thích đô la Mỹ và muốn đổi đô la Mỹ lấy tiền Việt thì nên đổi chợ đen ở tiệm vàng và hỏi “ Một đô Mỹ “ăn” bao nhiêu hôm nay?”. Và cũng biết “dầu thơm, bị hư, bị bể, bị té,” là tiếng miền nam còn “nước hoa, bị hỏng, bị vỡ, bị ngã” là tiếng miền bắc. Biết khi nào dùng “xem, coi, đọc”, “chơi, đánh” và “cặp, đôi”. Các em cũng biết đại đa số người Việt “mê coi bóng đá như điên” và các bà các cô thì “ghiền xem phim bộ Đại Hàn”.

Qua quyển sách tôi biên soạn, nhiều em chưa đi Việt Nam nhưng cũng biết quý bà quý cô Việt Nam thích da trắng và sợ da cháy nắng lắm nên ra đường trùm kín mặt và mang găng tay dài lên đến vai. Các em cũng không lầm lẫn “tiền thuê” với “tiền thuế”, “mượn” và “cho mượn”, “muốn” và “mướn”. Thêm vào đó, các em cũng biết nói “đi dô” theo người miền nam và “đi gia” theo người miền bắc nhưng phải viết “đi vô”, “đi ra” thì mới đúng. Khi mùa lễ Tết đến, các em viết được thiệp khi cần và phân biệt được khi nào dùng “thân chúc, kính chúc, mến chúc”; tặng quà thì biết dùng đúng người để “thân tặng, mến tặng, kính tặng, kính biếu”…

Khoảng cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước, khi Việt Nam bắt đầu xây dựng khách sạn ba sao, bốn sao, năm sao thì với đầu óc hóm hỉnh, thích khôi hài của người Việt, nhóm chữ “khách sạn ngàn sao” cũng ra đời ngay. Khi biết nghĩa của câu tiếng lóng này, sinh viên Mỹ cũng như Việt đều cười sảng khoái. Mặt khác, trong khi tiếng Anh đơn giản quá thì các em bị điên đầu với chỉ một động từ “wear” thôi mà tiếng Việt có bao nhiêu là chữ tương đương: “bận, mặc, mang, đi, đội, đeo, quàng, choàng, xức, bôi (nước hoa)”.
Cũng qua những điều đã học trong quyển sách, tôi thường hỏi các em sẽ có những lời khuyên nào cho bạn sắp đi Việt Nam thì một số ý kiến thực tế được đưa ra dù nhiều em chưa từng về thăm quê hương mình:

- “Ở khách sạn mini ít tốn tiền.”

- “Đi xe ôm. Không đi tắc-xi nên không bị chặt chém.”

- “Ăn cơm bụi. Ngon mà rẻ.”

Tôi cũng hỏi nếu các em về hoặc đến Việt Nam thì các em tự nhận mình là người nào.

Em thứ nhất đáp:

- “Mỹ.”

- “Tại sao?”

- “Vì đẻ ở Mỹ.”

Em thứ hai trả lời:

- “Tây ba-lô.”

- “Tại sao?”

- “Vì có ba-lô và có ít tiền.”

Em thứ ba, nhờ trong giờ học thường ghi chép đầy đủ, nghe hai bạn trả lời liền cãi lại:

- “Sai hết. Là Việt kiều.”

- “Tại sao?”

- “Mấy you mang họ Việt Nam và vẻ ngoài mấy you là châu Á.”

- “Trời!”

Bất kể nhận mình là Mỹ, Tây ba-lô, hay Việt kiều, các sinh viên thường cho là cách xưng hô trong tiếng Việt phức tạp nhất.

Khi hai người nói chuyện với nhau, tiếng Anh chỉ có “you” và “I”. Đối với tiếng Việt, ngoài “tôi” ra, gần như có thể dùng tất cả các chữ sau đây cho cả hai bên: “con, cháu, anh, chị, em, mày, tao, cô, bà, ông, chú, bác…”. “Aunt” trong tiếng Anh có thể là “cô, dì, bác hay bác gái, thím, mợ” và “uncle” có thể là “bác, bác trai, chú, cậu, dượng” trong tiếng Việt. Có em sinh viên dí dỏm kết luận: “Điên cái đầu!” Một số em còn nắm bắt sự cập nhật của tiếng Việt, khi biết có ba chữ Việt đã được cho vào tự điển Oxford của nước Anh và được phổ truyền khắp thế giới. Đó là: “bánh mì, phở, áo dài”.

Các dấu trong tiếng Việt, cụ thể là dấu hỏi và dấu ngã gây nhiều khó khăn. Khi nào thì dùng “nửa” và “nữa”? Còn “rưởi” và “rưỡi” khác nhau thế nào? “sủa, sửa, sữa” có khác nhau không? Các nguyên âm và các phụ âm cuối cũng vậy. Làm sao phát âm, rồi viết những chữ sau đây chính xác và dùng đúng nghĩa: “khác, khát, khách, khắc, khấc” với “các, cát, cách, cắc, cấc” hay “mắt, mắc, mất” và “mặt, mặc, mật” hoặc “rẻ, rể; rẽ, rễ”; hoặc “tai, tay, tây”? Phải đọc “củi, cửi; tụ, tự; bối, bới, bói” thế nào cho đúng đây?

Chưa hết đâu! Âm “-ng” trong tiếng Mỹ chỉ ở vị trí cuối chữ. Tiếng Việt thì “-ng-” ở cả hai vị trí đầu và cuối một chữ. Nên có em phải lâu lắm mới phát âm rõ ràng cặp từ “ngon” và “nong”. Lại nữa, tiếng Anh không có âm “-nh”. Làm sao mà nói “nhắng” và “ngắn” đây. Cũng có khi “ăn thịt bò” lại nói hay viết là “ăn thịt bồ” làm cả lớp cười vui vẻ.

Chao ôi! Đó mới kể sơ sơ. Còn bao nhiêu thử thách khi học tiếng Việt nữa!

Và như thế, từng chữ, từng thành ngữ, từng bài học, từng giờ học, quê hương Việt Nam như những nét chấm phá cứ tuần tự trải dài trước mặt các em dù thực tế cách xa muôn dặm đường trường. Nhiều khi lòng tự hỏi lòng không biết đến thế hệ thứ ba, thứ tư thì tiếng Việt và văn hóa Việt ở hải ngoại sẽ ra sao. Dù “lực bất tòng tâm” nhưng nếu có thể làm được gì cho quê hương thì tôi tin rằng những người Việt tâm huyết đều hết lòng gắng sức. Nhưng có lẽ ngày sau có thể không ảm đạm như chúng ta nghĩ bây giờ. Với hiện tình quê nhà từ chính trị đến môi trường, nhiều người muốn rời bỏ và ra đi lắm. Tôi cho rằng họ sẽ là người tiếp nối văn hóa và tiếng Việt mến yêu ở hải ngoại dù con cháu chúng ta ở Mỹ có thể sẽ là nhiều thế hệ sau thứ hai, thứ ba.

Để gìn giữ tiếng mẹ đẻ nơi xứ người thật hiệu quả, người dạy phải kết hợp ngôn ngữ với địa lý, lịch sử, thi ca, văn học, du lịch, với những chuyển biến về thời sự và nhận thức của con người trên quê hương nữa. Và cũng còn đòi hỏi tâm nguyện cùng chung tay gìn giữ từ gia đình, cộng đồng, truyền thông, các tổ chức văn hóa và tôn giáo, và đặc biệt là các hội sinh viên Việt Nam tại các đại học Hoa Kỳ, Vietnamese Students Associations, VSA.

Mỗi năm những hội sinh viên này thường tổ chức Đêm Văn Hóa Việt với sự tham gia rất sôi nổi và tích cực của những sinh viên gốc Việt. Các em bỏ rất nhiều thời gian luyện tập một chương trình văn nghệ rất đặc sắc. Có những vở kịch nói lên căng thẳng và xung đột giữa cha mẹ và con cái gây ra bởi những khác biệt về văn hóa. Có những màn vũ thắm đẫm tình tự quê hương. Có những hoạt cảnh lịch sử rất hùng tráng. Bằng tất cả khả năng, bao giờ tôi cũng hết mình cổ vũ, khuyến khích, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để tất cả các em tham dự hay hỗ trợ những hoạt động hướng về quê hương này của VSA.

Nhớ lại mấy chục năm về trước khi đất nước đắm chìm trong cuộc nội chiến Bắc Nam và cuộc chiến ngày càng leo thang. Biết bao nam sinh đang học đến tuổi động viên phải rời bỏ nhà trường để nhập ngũ bảo vệ chế độ cộng hòa miền nam. Một nhà giáo thời ấy mà nay tôi không nhớ được tên đã cảm tác viết một bài thơ làm xúc động nhiều người trong đó có câu:
“…Rồi các em như người không quá khứ.
Kỷ niệm tìm về lòng có xanh xao.”

Còn tôi, mỗi năm trong bữa tiệc chia tay, thường tư lự nhìn các em sinh viên rồi tự đổi vài chữ ở hai câu thơ trên để nói lên nỗi bâng khuâng của mình:
“…Rồi các em như con tàu rời bến.
Kỷ niệm tìm về lòng có xanh xao.”

Xin gửi đến tất cả học trò thân yêu khắp nơi của tôi, dù có thể đã xa lắm rồi, tình mến thương mãi mãi. Chúng ta quả có duyên lành nên đã từng là thầy trò với nhau. Riêng với các học trò gốc Việt ở Mỹ, đã học lâu rồi, mới học xong hay vẫn đang học, hãy nhớ rằng tiếng Việt là gia sản quý báu của các em. Hãy gìn giữ và nuôi dưỡng để mãi mãi là của mình.

Xin gửi đến các hội sinh viên VSA, California, đặc biệt là VSA ở UC Riverside, và UVSA, Tổng hội sinh viên Việt Nam, California và các tổng hội sinh viên Việt ở các tiểu bang khác tất cả lòng trân quý của tôi. Nhờ được tưới tẩm từ gia đình đưa đến những đóng góp của các em mà văn hóa Việt được nở hoa trong các đại học Mỹ khắp nơi.

Xin mượn những câu Kiều mà Tổng Thống Mỹ Obama đã nói ở Hà Nội tháng 5 vừa qua để khép lại bài này.
“Rằng trăm năm cũng từ đây,
của tin còn một chút này làm ghi.”

Mỹ Đức Phạm Nguyễn






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét