- Ăn Chay Trường Vẫn Có Thể Bị Ung Thư


Dù không hút thuốc, không uống rượu bia, không bị viêm gan nhưng bác T. vẫn mắc phải căn bệnh ung thư gan quái ác. Bác T. đã giật minh khi các bác sỹ cho biết nguyên nhân mắc bệnh là do ăn uống.

Bác Bùi Thị Diệu T. (56 tuổi, ở Kim Bôi, Hòa Bình) đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Do nhà quá xa, bác T. phải thuê phòng trọ ở đối diện bệnh viện để ở qua ngày.

Kể về "hành trình" phát hiện ra bệnh của mình, bác T. cho biết, cuối năm 2015 bác thấy thường xuyên bị đau tức vùng bụng, bụng càng ngày càng to ra, ùng với đó là những biểu hiện da bàn chân tay vàng, mắt cũng vàng và chán ăn.

Nghi ngờ mắc bệnh về gan, bác T. ra bệnh viện tỉnh thăm khám.

Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận "nghi ngờ ung thư gan", đồng thời chuyển tuyến xuống Bệnh viện K Trung ương để kiểm tra lại.

"Lúc đó, nghe thấy bác sĩ nói đến ung thư tôi vô cùng lo lắng, nhưng các con tôi trấn an rằng đó chỉ là nghi ngờ, hơn nữa tôi bắt đầu ăn chay từ khi ngoài 40 tuổi, nên việc mắc ung thư khả năng không cao", bác T. chia sẻ.


Những người mắc ung thư ở xóm trọ đối diện trước cổng Bệnh viện K (Tân Triều) ngồi chia sẻ về bệnh của mình sau khi vào viện truyền hóa chất về.

Mang theo giấy chuyển tuyến xuống Hà Nội khám bệnh, các bác sĩ tiến hành xét nghiệm máu, và làm rất nhiều thủ tục trong đó lấy cả mẫu sinh thiết.

"Sau gần một tuần chờ đợi, các bác sĩ đã gọi tôi và người nhà vào giải thích về căn bệnh. Khi bác sĩ nói tôi bị ung thư gan cuối giai đoạn II, thực sự lúc đó tôi như "chết đứng" trong phòng. Phải một lúc sau mới lấy lại được tinh thần nghe bác sĩ hỏi và dặn dò", bác T. kể lại.

Theo bác T., khi có kết luận chính thức về bệnh ngay cả bác sĩ cũng ngạc nhiên vì gia đình bác T. trước đó không ai mắc bệnh. Bác T. cũng không hút thuốc hay uống rượu bia và không mắc bệnh viêm gan nào.

"Thậm chí, tôi còn cho bác sĩ biết tôi ăn chay một thời gian dài, đồ ăn chủ yếu là rau, củ quả, lạc, vừng thậm chí cơm cũng không ăn nhiều.

Aflatoxin B1 chứa trong thực phẩm bị nấm mốc rất có hại cho gan

Lúc đó bác sĩ mới hỏi lại, những loại thực phẩm như lạc vừng ăn có bị ẩm mốc gì không.

Tôi cũng thừa nhận, do nhà không trồng được nên đến mùa lạc thường mua nhiều về dự trữ ăn dần, vào mùa nồm nếu bị mốc thì có đãi lại, sau đó phơi khô và cất cẩn thận dùng tiếp.

Bệnh nhân mắc bệnh ung thư gan giai đoạn II đang được truyền hóa chất.

Vừa nói đến đó, bác sĩ thẳng thắn nói luôn: "việc ăn lạc bị ẩm mốc nhiều năm của bác có lẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư gan, vì trong lạc bị mốc có tác nhân gây bệnh ung thư".

Nghe đến đó, thật sự tôi không biết nói gì, vì dù cho nguyên nhân là gì thì tôi cũng đã là "con bệnh" rồi", bác T. cho hay.

Hiện bác T. chưa có chỉ định phẫu thuật mà chỉ hóa và xạ trị. Các bác sĩ cho biết, tuy khối u chưa di căn sang những bộ phận khác, nhưng do sức khỏe yếu nên trước mắt phải hóa, xạ trị để ngăn sự phát triển của khối u.

Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, GS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, nấm mốc ở các loại lương thực thực phẩm như ngô, gạo, đỗ, lạc thường chứa chất Aflatoxin, đây là chất gây ung thư ở người, trong đó đặc biệt là ở gan.

Nếu chẳng may ăn phải thực phẩm có chứa độc tố này, dù chỉ một liều lượng rất nhỏ, Aflatoxin cũng có thể gây ngộ độc cấp tính cho các cơ quan nội tạng.

"Các loại nấm mốc thường không được phá hủy hoàn toàn, kể cả đun nấu ở nhiệt độ cao. Vì thế, tốt nhất khi thấy những loại thực phẩm bị nấm mốc cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếc rẻ", GS Hùng khuyến cáo.

Theo Khám phá

(SKDS) - Mới đây, Bộ Y tế đã thông báo về nguyên nhân gây bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân và gây tử vong cho nhiều trường hợp tại xã Ba Điền, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. 

Một trong những nguyên nhân được nhắc đến là do người dân đã ăn loại gạo nấm mốc chứa aflatoxin, một độc tố vi nấm đã được chứng minh có thể gây ung thư gan trên thực nghiệm. Vậy aflatoxin là gì? Nó chuyển hóa và gây hại cho cơ thể như thế nào?
Aflatoxin là gì?
Aflatoxin là một mycotoxin được tiết ra từ nấm aspergillus và A.parasiyicus. Các chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại thực phẩm nông sản, thức ăn gia súc, gia cầm như ngô, lạc, đậu… trong các điều kiện thuận lợi nóng và ẩm, nhất là điều kiện thời tiết ở Việt Nam. Tác hại của độc tố vi nấm này đối với động vật đã được biết đến từ lâu và đã được chứng minh có thể gây ung thư gan trên thực nghiệm.
Cấu trúc hóa học của aflatoxin.

Người có thể bị nhiễm aflatoxin do ăn phải các loại ngũ cốc bị ô nhiễm hoặc ăn thịt các động vật được nuôi bằng ngũ cốc ô nhiễm aflatoxin. Các nghiên cứu ở những vùng có tỷ lệ ung thư cao trên thế giới đều cho thấy nhiễm độc aflatoxin là nguy cơ chính gây ung thư gan.

Aflatoxin chuyển hóa trong cơ thể như thế nào?

Điều đầu tiên chúng ta cần biết aflatoxin là tinh thể trắng, bền với nhiệt, không bị phân hủy khi đun nấu ở nhiệt độ thông thường (ở 120oC, phải đun 30 phút mới mất tác dụng độc), do vậy, nó có thể tồn tại trong thực phẩm không cần sự có mặt của nấm mốc tương ứng; đồng thời, nó rất bền với các men tiêu hóa. Tuy nhiên, nó lại không bền dưới ánh sáng mặt trời và tia tử ngoại nên việc khử độc thực phẩm sẽ có nhiều biện pháp hơn. Có 17 loại aflatoxin khác nhau nhưng thường gặp và độc nhất là aflatoxin B1.

Aflatoxin B1 là phân tử ái mỡ, có trọng lượng phân tử thấp, dễ dàng được hấp thu sau khi ăn, sự hấp thu là hoàn toàn. Khi đến ruột non, aflatoxin B1 sẽ được nhanh chóng hấp thu vào máu tĩnh mạch mạc treo, sự hấp thu ở ruột non và tá tràng là nhiều nhất. Niêm mạc ống tiêu hóa có khả năng chuyển dạng sinh học aflatoxin B1 nhờ sự gắn kết với protein - đây là con đường chính để giải độc aflatoxin B1 cho gan. Từ ống tiêu hóa, theo tĩnh mạch cửa, aflatoxin được tập trung vào gan nhiều nhất (chiếm khoảng 17% lượng aflatoxin của cơ thể ), tiếp theo là ở thận, cơ, mô mỡ, tụy, lách… Trong vòng 24h, có khoảng 80% bị đào thải theo đường tiêu hóa qua mật, đường tiết niệu qua thận và đáng chú ý, nó còn bài tiết qua cả sữa.


Aflatoxin gây độc cho người

Ðến nay, người ta tạm thời công nhận khả năng tác động lên tế bào gan của aflatoxin qua 5 giai đoạn:
- Tác động qua lại với ADN và ức chế các polymeraza chịu trách nhiệm tổng hợp ADN và ARN;
- Ngừng tổng hợp ADN;
- Giảm tổng hợp ADN và ức chế tổng hợp ARN truyền tin;
- Biến đổi hình thái nhân tế bào;
- Giảm tổng hợp protein.
Hậu quả của quá trình tác động sinh hóa lên tế bào gan này là gây ung thư biểu mô tế bào gan.

Bệnh do nhiễm aflatoxin cấp tính đã được thông báo ở các nước với các biểu hiện chủ yếu là suy chức năng gan cấp, xơ gan và hoại tử nhu mô gan. Bên cạnh các nghiên cứu về vai trò của virut viêm gan, ký sinh trùng, dinh dưỡng, các chất độc… đối với ung thư gan, các nhà khoa học cũng đang tập trung nghiên cứu về vai trò của aflatoxin với căn bệnh phổ biến này.

Trên người, một loạt các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư gan nguyên phát tăng ở những vùng có tỷ lệ phơi nhiễm cao với aflatoxin, nhưng cơ chế tác động của aflatoxin gây ung thư gan ở người như thế nào vẫn còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên đã tìm thấy sự gắn kết của aflatoxin B1với ADN của tế bào gan ở những bệnh nhân bị ung thư gan nguyên phát, phức hợp này còn được tìm thấy trong máu ngoại vi, trong máu rau thai và máu dây rốn của các sản phụ có phơi nhiễm với aflatoxin B1.

Bên cạnh đó còn có sự liên quan giữa phơi nhiễm aflatoxin B1 với sự đột biến gen ở các bệnh nhân này, mà nhiều nhất là sự đột biến gen p53 – một gen kiểm soát sự chết tế bào theo chương trình, khi đột biến gen này sẽ làm đời sống tế bào tăng lên, kéo theo nguy cơ tế bào sẽ chuyển thành ác tính.

Aflatoxin có khả năng gây độc tính cấp và mạn ở các loài động vật và con người. Độc tính nguy hiểm nhất là khả năng gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Do vậy, vấn đề bảo quản lương thực thực phẩm, an toàn lương thực thực phẩm, không sử dụng các thực phẩm đã bị hỏng, bị nấm mốc là một vấn đề hết sức quan trọng có ý nghĩa trong việc hạn chế tần suất xuất hiện bệnh ung thư gan nguyên phát.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét