- Đất nước Cuba, viên ngọc quý vùng Caribe

Đời sống người Cuba dưới thời Fidel Castro

Quang cảnh đường phố và cuộc sống của người dân Cuba hiện ra đơn sơ yên bình, qua những bức hình của nhiếp ảnh gia Mỹ David Alan Harvey, trong chuyến đi hiếm hoi tới đất nước này năm 1998.

Sóng đánh vào đại lộ ven biển Malecón ở thủ đô Havana trong bão năm 1998 nhưng không ngăn được những chiếc xe 3 bánh và xe hơi cổ xuất xứ Mỹ tiếp tục di chuyển trên đường.

Giống như những chiếc xế cổ nổi tiếng, đê biển ở thành phố này, do các kỹ sư thuộc quân đội Mỹ xây dựng, là dấu tích của một thời đã qua.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Harvey, nhiếp ảnh gia của tờ National Geographic, kể lại ấn tượng của ông về quốc đảo ở Caribbean năm đó: "Có một điều thực sự cần làm rõ là không có cảnh nghèo đói xác xơ ở Cuba. Bạn sẽ không thấy những người nằm ngủ trên đường phố hay trẻ em suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, họ không có nhiều của cải và vẫn còn nhiều thứ bất tiện. Xếp hàng là những gì bạn phải làm ở Cuba để có mọi thứ".

Đây là cảnh tượng thường thấy ở Havana hay bất kỳ nơi nào khác ở Cuba, ông Harvey cho hay.

"Nhiều người Cuba không có gì làm vì họ không có tài sản gì hay được tiếp cận các hoạt động giải trí như một số người khác", ông nói thêm. "Tuy nhiên, phẩm chất mà họ có là khả năng tạo ra những thứ từ con số không và luôn giữ khả năng đó trong mọi việc mà họ làm".

Ông Juan Gomez, một nông dân trồng thuốc lá, đang quấn xì gà Cuba theo phương pháp cũ. 

Giống như những nông dân khác, ông tự trồng thuốc lá và bán cho nhà nước, đơn vị thu mua độc quyền. Xì gà Cuba được xếp vào hạng ngon nhất thế giới và được những người sành sỏi đánh giá cao. 

Trẻ em Cuba bày tỏ lòng tôn kính với một biểu tượng quá khứ của đất nước, nhà lãnh đạo cách mạng Che Guevara. 

"Đó là vào dịp sinh nhật Che Guevara và tất cả bọn trẻ đều cầm những bức ảnh này của ông ấy", ông Harvey kể.

"Trẻ em Cuba chơi bóng chày ở bất kỳ đâu", nhiếp ảnh gia cho hay. 

Bọn trẻ thậm chí dùng gậy và dùng những cuộn bằng keo làm bóng. Niềm đam mê với bóng chày ăn sâu vào xã hội Cuba.

Những người nông dân trồng thuốc lá sửa chữa một hàng rào gần thị trấn Manicaragua.

 Hầu hết người Cuba lúc đó sống bằng khẩu phần thực phẩm được chia nhưng người dân vùng nông thôn như những nông dân này còn được hưởng lợi từ những khu vườn riêng của họ.

Một buổi tập duyệt điệu nhảy truyền thống ở thị trấn Trinidad, miền trung Cuba. 

Trinidad, thị trấn nổi tiếng với ngành mía đường, là cái nôi văn hóa của Cuba. Điệu nhảy này cũng vô cùng phổ biến trên cả nước.

Nhà thờ cổ nhất ở Trinidad, Nuestra Seqora de la Candelaria de la Popa, được xây dựng vào đầu thế kỷ 18.

Dù hiện nay chỉ còn là một đống đổ nát cần được khôi phục, công trình vẫn gợi nhắc về những di sản phong phú mà thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha để lại ở thành phố này.

Ông Fidel Castro trong một sự kiện ở Havana. 

Ông lãnh đạo Cuba suốt 5 thập kỷ, cho đến 2006 thì rút lui vì lý do sức khỏe và chính thức chuyển giao quyền lực cho em trai Raul Castro vào năm 2008. Từ khi nghỉ hưu, ông ít xuất hiện trước công chúng. 

Anh Ngọc (Ảnh: David Alan Harvey)

Bị Mỹ cấm vận suốt một thời gian dài nhưng dưới sự lãnh đạo của Fidel Castro, Cuba đã phát triển nền y tế và giáo dục lên trình độ được đánh giá là hàng đầu thế giới.


Bác sĩ phẫu thuật cho các bệnh nhân ở Viện Mắt Cuba tại thủ đô Havana. Ảnh: AP

Trái với những gì mọi người thường hình dung, Cuba đang duy trì một hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng, nơi tất cả người dân đều tiếp cận các dịch vụ y tế một cách công bằng. Đặc biệt vào thập niên 1980, Cuba đã tiến hành một số cải cách hệ thống y tế rất đáng chú ý. Đây là một trong những lý do giải thích tại sao, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người dân Cuba không chỉ được xếp vào hàng tuổi thọ cao nhất khu vực mà còn đứng trong top 5 nước có tuổi thọ cao nhất thế giới.

Năm 2014, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan ca ngợi Cuba là quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực y tế, không chỉ bởi chất lượng và quy mô chăm sóc sức khỏe cho người dân mà còn vì các hệ thống y tế kết nối mạnh mẽ với nghiên cứu và sáng tạo, theo InterNations.

Người dân được khám sức khỏe tại nhà

Hệ thống chăm sóc y tế cộng đồng ở Cuba phục vụ miễn phí cho tất cả người dân. Các bệnh viện tư, phòng khám tư hay những cơ sở y tế tư nhân khác đều không tồn tại. Chính phủ điều hành tất cả các cơ sở và dịch vụ y tế. Những chương trình tiêm chủng toàn dân hay chăm sóc y tế phổ thông khác gần như xóa sổ những căn bệnh như bại liệt, rubella, lao phổi, thủy đậu.

Với nguồn ngân sách eo hẹp, Cuba phải nghĩ ra cách tiếp cận độc đáo về vấn đề chăm sóc sức khỏe, bao gồm đặt ra quy định khám sức khỏe bắt buộc đối với người dân để nhấn mạnh phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh. Thực tế, việc ngăn ngừa một căn bệnh hoặc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ giúp giảm chi phí cho hệ thống chăm sức khỏe cộng đồng. Điều này có nghĩa mọi người dân Cuba ít nhất phải khám sức khỏe một lần mỗi năm và thông thường họ sẽ được các bác sĩ hoặc y tá đến khám ngay tại nhà.

Trong nhiều thập kỷ, Cuba luôn sở hữu một đội ngũ chuyên gia y tế hùng hậu, được đào tạo kỹ lưỡng. Lĩnh vực nghiên cứu y khoa cũng phát triển vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học hay nghiên cứu dịch tễ học các bệnh mãn tính.

Một ví dụ nổi bật về thành tựu y tế của Cuba: Nước này được WHO chứng nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công nguy cơ lây truyền bệnh giang mai và virus HIV từ mẹ sang con.
Y tá đang kiểm tra huyết áp cho một bệnh nhân ở Bệnh viện Gustavo Lima Aldereguia, thành phố Cienfuegos, Cuba. Ảnh: AP.

Suốt nhiều năm, du lịch chữa bệnh đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Cuba. Sự kiện cựu danh thủ bóng đá người Argentina Diego Maradona đến Cuba cai nghiện ma túy vào năm 2000 khiến truyền thông quốc tế vô cùng chú ý. Kể từ đó, lượng du khách nước ngoài đến Cuba với mục đích chữa bệnh hoặc chăm sóc thẩm mỹ ngày càng tăng.

Cuba năm 2015 đón nhận 3,52 triệu lượt khách quốc tế. Dù không có con số cụ thể về khách du lịch đến Cuba vì các lý do sức khỏe nhưng chắc chắn tồn tại một lượng lớn khách quốc tế đến đây để chữa bệnh nhờ hệ thống y tế Cuba đã thực thi hàng loạt biện pháp nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nước ngoài.


Nhiều bệnh viện Cuba đã thành lập nên các bộ phận chuyên biệt và đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao để chăm sóc nhu cầu của bệnh nhân nước ngoài. Gần đây, chính phủ Cuba còn thành lập hệ thống chăm sóc y tế cho người nước ngoài (Sevimed), bên cạnh Tổ chức Thương mại hóa Dịch vụ Y tế Cuba (CSMC), với nhiệm vụ quảng bá các dịch vụ y tế với khách quốc tế.

Kể từ năm 2010, các du khách nước ngoài và người nước ngoài sinh sống ở Cuba bị bắt buộc phải mua bảo hiểm y tế trong thời gian cư trú.

Do Mỹ siết chặt lệnh cấm vận Cuba vào đầu thập niên 1990 nên hệ thống y tế nước này rơi vào tình trạng khốn đốn khi ngân sách cho thuốc men và thiết bị phải cắt giảm đến 70%. Đặc biệt, các lĩnh vực y tế chuyên môn hóa cao cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì thuốc men và trang thiết bị chuyên dụng khan hiếm.

Ngày nay, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế vẫn tác động đáng kể đến công tác khám chữa bệnh. Tuy nhiên, sức khỏe người dân Cuba vẫn ổn định nhờ chính phủ duy trì ưu tiên cao đối với lĩnh vực y tế.
Năm 2004, chính phủ Cuba thực hiện một chương trình quốc gia nhằm tái trang bị cho 444 phòng khám đa khoa. Thậm chí, Cuba còn chọn 52 bệnh viện và viện giáo dục đại học để tái thiết thành những trung tâm chất lượng cao. Dù vậy, Cuba vẫn còn một chặng đường dài phía trước để duy trì danh tiếng là một trong những quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế tốt nhất thế giới, chuyên gia nhận định.
Hệ thống giáo dục tốt nhất châu Mỹ - Latin

Học sinh tại một trường học thuộc làng Las Terrazas, thị trấn Candelaria, tỉnh Artemisa, Cuba. Ảnh: Sammy Neiswander

Kể từ khi cuộc cách mạng Cuba nổ ra vào thập niên 1950, hệ thống giáo dục nước này đã được cải thiện về cơ bản. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) xếp Cuba là nước có hệ thống giáo dục tốt nhất châu Mỹ - Latin, bất chấp việc Cuba là một trong những quốc gia kém phát triển nhất khu vực.

Câu chuyện về nền giáo dục Cuba không gây bất ngờ vì cùng với y tế, giáo dục được chính phủ đặc biệt quan tâm và dành tới 13% GDP để đầu tư, theo số liệu thống kê năm 2014.

Giáo dục ở Cuba cũng được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân. Do vậy, tỷ lệ biết đọc, biết viết lên đến gần 100% dân số.

Trước khi cuộc cách mạng mang đến những thay đổi to lớn, dân số ở vùng nông thôn Cuba ít có cơ hội tiếp cận giáo dục cơ bản. Ngày nay, trường học xuất hiện tại mọi ngóc ngách trên đảo quốc này.
Vì các cơ sở giáo dục thường do chính quyền điều hành nên trường tư thục và quốc tế rất hiếm. Chỉ có vài trường quốc tế ở Cuba như Trường quốc tế Havana hoặc Trường học Pháp ở thủ đô.

Những trường kể trên có mức học phí cực kỳ đắt đỏ (khoảng 12.600 USD và 9.320 USD một năm cho lớp 11 và 12).

Chính phủ Cuba đang có kế hoạch cải cách giáo dục đại học trong giai đoạn 2016 - 2017. Mục tiêu đặt ra là cải thiện các chương trình học kéo dài quá lâu. Chúng dự kiến được rút ngắn lại còn 4 năm như ở nhiều nước khác. Một mục tiêu quan trọng không kém là nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên trước khi tốt nghiệp. Trên thực tế, nhiều chuyên gia Cuba không có khả năng nói tiếng Anh thành thục.

Hồng Vân

Cuba đẹp như kỳ quan nhìn từ không trung

Lần đầu tiên, công chúng được chiêm ngưỡng cảnh quan thành thị cũng như cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, trù phú của quốc gia Mỹ Latin từ trên không.

Nhiếp ảnh gia Marius Jovaisa mất 2 năm rưỡi để hoàn thành dự án chụp ảnh đất nước Cuba xinh đẹp và đa dạng. Ông đã tốn không ít công sức nhằm thuyết phục chính phủ Cuba cấp giấy phép thực hiện bộ ảnh độc đáo này. Trong ảnh là một phần của tỉnh Artemisa, thành lập năm 2010.


Sancti Spíritus, thành phố thủ phủ của tỉnh Sancti Spíritus, có diện tích hơn 1.000 km2. Tên của thành phố có nghĩa là "Linh hồn thần thánh" trong tiếng Latin.


Một tấm ảnh xanh ngắt hiền hòa khác của Sancti Spíritus.


Những mái nhà của thị trấn Remedios, tỉnh Villa Clara. Remedios nổi tiếng là cái nôi của Parrandas - được coi là lễ hội truyền thống lớn nhất và cổ xưa nhất ở vùng Caribbean.


Toàn cảnh Villa Clara.


Do điều kiện ở đây còn hạn chế, để có được những tấm ảnh nên thơ, hùng vĩ, Jovaisa bỏ tiền túi để mua hẳn một chiếc trực thăng loại nhỏ, chuyển tới từ Australia bằng đường thủy. Sau đó, ông phải xoay sở tìm phi công, thợ máy để máy bay có thể cất cánh.


Một phần của Havana, thủ đô, cảng chính của Cuba. Thành phố có diện tích 728,26 km2, với khoảng 2,1 triệu dân.


Havana, hay còn được biết đến với cách gọi La Habana trong tiếng Tây Ban Nha, là trung tâm hành chính, văn hóa, thương mại, thu hút hơn 1 triệu du khách mỗi năm.


Tổng cộng Jovaisa đã chụp 50.000 tấm ảnh, với hy vọng ghi lại tất cả khu vực địa lý quan trọng nhất, cả cảnh sắc thiên nhiên lẫn thành thị. Để được phép bay tự do trên bầu trời thủ đô Havana, ông phải tốn nhiều công sức thuyết phục bên cấp phép.


Holguin huyền ảo giữa mây trời, núi non.


"Chúng tôi cần mẫn bay khắp đảo, từ điểm cực tây, Cabo San Antonio cho đến Punta Maisi phía đông", nhiếp ảnh gia cho biết.


Camaguey, khu tự trị và thành phố lớn thứ 3 của đất nước, có hơn 300.000 dân sinh sống. Biểu tượng của thành phố - chiếc bình đất sét để hứng nước mưa - được trưng bày ở khắp nơi, với đủ kích cỡ.


Núi non trùng điệp quanh Guantanamo, một thành phố đông nam Cuba, thuộc tỉnh Guantanamo.


Santiago de Cuba - thủ phủ thuộc tỉnh cùng tên - là thành phố lớn thứ 2 của Cuba. Nơi này cách thủ đô Havana 870 km về phía Đông Nam.


Một tấm ảnh nghệ thuật của thành phố miền trung Ciego de Avila. Jovaisa chỉ bay vào sáng sớm và chiều muộn, nhằm tận dụng ánh mặt trời gần nhất cùng những chiếc bóng đổ dài.


Sancti Spititus lảng bảng sương trong sớm mai. "Cách chụp này tốn nhiều thời gian, nhưng mang lại những khoảnh khắc thật sự kỳ diệu", ông chia sẻ.


Mặc dù khó chọn ra điểm chụp yêu thích nhất, Jovaisa từng tiết lộ, bức ảnh thành phố Baracoa gần như in dấu trong tâm trí ông.


Trải nghiệm để lại ấn tượng khó quên về người dân địa phương. Ông cho biết, người dân Cuba vô cùng chân thành, hiếu khách, nồng hậu và cứng cỏi.


Chính Jovaisa cũng phải bất ngờ trước cảnh sắc tuyệt đẹp ở nơi đây, cả thiên nhiên lẫn công trình nhân tạo. Trong ảnh là cảnh bình yên ở Sancti Spiritus.


Bộ ảnh chụp từ không trung đầu tiên về đất nước xì gà được in trong cuốn sách Unseen Cubado Jovaisa thực hiện. Ông hy vọng những ai chiêm ngưỡng tác phẩm sẽ hiểu được Cuba là một "kỳ quan của tự nhiên và lịch sử nhân loại".

Theo Tri Thức




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét