- Thuốc làm đau lòng người

“Ngành dược là ngành kiếm lợi lớn nhất và vô đạo đức nhất trong tất cả các ngành công nghiệp - giáo sư Even chỉ trích - Nó giống như một con bạch tuộc với những chiếc vòi dài, xâm nhập mọi tổ chức quyền lực, các cơ quan y tế thế giới, các chính phủ, quốc hội, bệnh viện...”.

TTO - Nước Pháp đang vào mùa đông, cũng là mùa của cảm cúm, sụt sịt. Vậy mà cuốn sách mới tái bản của hai giáo sư Philippe Even và Bernard Debré lại khiến người ta nóng ran người.

Hai giáo sư Philippe Even (trái) và Bernard Debré - tác giả cuốn sách về thuốc Ảnh: AFP

Cuốn sách mang tựa Sổ hướng dẫn về 4.000 loại thuốc hữu ích, vô ích hoặc nguy hiểm từng bán được hơn 160.000 bản trong lần ra mắt đầu tiên vào năm 2012.

Lần này không còn là mới nữa nhưng vẫn tiếp tục khiến dư luận chú ý bởi sau bốn năm, trước những cảnh báo như thế của hai vị giáo sư y khoa thì mọi chuyện vẫn y nguyên.

Chẳng hạn so với cuốn sách xuất bản bốn năm trước, lần này hai tác giả đã nghiên cứu tăng thêm 200 loại thuốc và thấy rằng chỉ có khoảng 50 loại trong đó là “có ích” theo đúng nghĩa.

Mà đó là những chuyện sát sườn và nghiêm trọng với sức khỏe con người mới chết: 1/3 số thuốc kê đơn cho người bệnh tại Pháp hiện nay là “không có hiệu quả”, 1/4 bị kê quá đáng và 5% số thuốc đang lưu hành có nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe hơn là trị được bệnh.

Thật ra, trong cuốn sách hai tác giả cũng đề cập đến tính hữu ích và hiệu quả của nhiều loại thuốc uống đã được phép lưu hành trong điều trị. Chẳng hạn GS Even đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể trong việc điều trị ung thư.

Nhưng hai tác giả cũng mổ xẻ không thương tiếc việc kê toa của giới bác sĩ, đồng thời dẫn ra những bằng chứng cụ thể và rất thời sự.

Như trong thời tiết này, họ cho biết loại thuốc chống nghẹt mũi đang bán rộng rãi ở Pháp thật ra có chứa thành phần pseudoephedrine nguy hại cho sức khỏe con người.

Về chuyện này, bác sĩ Bernard Plédran cũng xác nhận: “Thực tế là từ nhiều năm qua, các nhà dược lý học đã cảnh báo rằng tất cả các loại thuốc trị chảy mũi hiện nay đều nguy hiểm, có những tác dụng phụ ảnh hưởng lên tim và có thể dẫn đến chết người.

Dẫu nguy cơ đó là hiếm nhưng không thể xem thường, bỏ qua. Vậy mà các loại thuốc đó vẫn được bán rộng rãi.

Và chúng ta cũng cần thấy một nghịch lý là các loại thuốc đó đã bị bác sĩ ngưng kê đơn cho bệnh nhân vì nguy hiểm, nhưng chúng lại được cho phép bán tự do ngoài hiệu thuốc”.

Cái nghịch lý mang tính hệ thống đó hoàn toàn được tính toán chi li ra bằng tiền. Hai tác giả của cuốn sách xoáy sâu vào những lĩnh vực chữa trị đang bị dùng thuốc kiểu kém hiệu quả nhất.

Đứng đầu là tai - mũi - họng với tỉ lệ “không hiệu quả” lên đến 78%; kế đến là dạ dày - ruột với 62% và phổi lên đến 59% (chưa tính các bệnh ung thư và viêm phổi).

Họ cũng khuyến nghị nên rút 50 loại thuốc trị ho khỏi thị trường hiện nay và 22 trong số 23 loại thuốc làm tiêu niêm dịch trong điều trị hen phế quản vì chúng “chẳng có tác dụng gì”.

Bác sĩ Bernard Plédran còn bổ sung: “Có thể nói thêm với loại thuốc trị bệnh mất trí nhớ Alzheimer vì loại thuốc này rất đắt tiền, gây tốn kém cho xã hội. Tất cả chúng ta đều biết rằng các loại thuốc đang được cho phép lưu hành trong điều trị bệnh này thật ra đều không có hiệu quả gì, thậm chí còn nguy hiểm cho tim mạch. Vậy mà chúng vẫn cứ được bảo hiểm bồi hoàn 100%. Cần phải chấm dứt ngay chuyện này!”.

Điều cốt lõi mà hai tác giả cuốn sách gây đình đám muốn nhấn mạnh là hãy ngưng các loại thuốc “không tác dụng”, thuốc nguy hiểm và cũng để tránh hao tổn vô ích cho xã hội.

GS Philippe Even đã nêu ra những con số rất cụ thể trên Đài RTL: “Người dân Pháp đang phải tiêu tốn 10 - 12 tỉ euro mỗi năm mà không được gì cả”.

Bác sĩ Plédran còn cảnh báo thêm về tình trạng “bóp méo thông tin” liên quan các loại thuốc. “Là bác sĩ, khi muốn kiểm tra thông tin về nguồn gốc, tính hiệu quả của một loại thuốc nào đó tôi còn thấy khó.

Khi người ta muốn tự chữa bệnh bằng cách tra cứu thông tin về thuốc điều trị trên mạng Internet thì thật là tai họa.

Để kiểm tra nguồn gốc và tính hiệu quả của thuốc trên Internet quả thật rất khó. Bất kỳ ai cũng có thể viết bất kỳ điều gì trên mạng, kể cả các hãng dược cũng có thể làm điều đó.

Chẳng hạn ta có thể thấy một số cái gọi là hội bệnh nhân chi đó luôn ngợi ca các loại thuốc mới. Đọc qua cũng thấy mùi của các hãng dược đứng sau đó” - bác sĩ Plédran chỉ rõ.

Ngành bất minh nhất

Trong cuốn sách, giáo sư Even và bác sĩ Debre cáo buộc ngành công nghiệp dược đã mua chuộc các bác sĩ để họ kê toa bừa bãi cho các bệnh nhân. “Ngành dược là ngành kiếm lợi lớn nhất và vô đạo đức nhất trong tất cả các ngành công nghiệp - giáo sư Even chỉ trích - Nó giống như một con bạch tuộc với những chiếc vòi dài, xâm nhập mọi tổ chức quyền lực, các cơ quan y tế thế giới, các chính phủ, quốc hội, bệnh viện...”.

Hai chuyên gia cho rằng mục tiêu của ngành dược chỉ là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, càng nhanh càng tốt. “Họ không sáng chế ra gì nhiều trong 30 năm qua nhưng luôn đẩy mạnh sản xuất dựa trên những lời dối trá và trò lừa đảo - giáo sư Even phẫn uất - Các công ty dược chẳng hề quan tâm đến việc sản xuất thuốc chữa những căn bệnh truyền nhiễm cho các quốc gia nghèo, bởi như vậy sẽ không kiếm được lợi lớn. Họ cũng chẳng muốn phát triển thuốc chữa các bệnh khó như Alzheimer hay Parkinson bởi việc đó quá khó và không thể kiếm lợi nhanh chóng”.

Theo giáo sư Even, ở Phố Wall (Mỹ) ngành dược là ngành lớn thứ ba chỉ sau dầu khí và ngân hàng. Mỗi năm quy mô ngành dược lại tăng trưởng 20%. “Ngành này còn kiếm lãi nhiều hơn cả ngành khai thác kim cương”. Hai chuyên gia cho rằng ngành dược còn nhận được sự đồng lõa của giới bác sĩ vì tiền mà luôn sẵn sàng làm “vui lòng” các hãng dược.

Tất nhiên cuốn sách của giáo sư Even và bác sĩ Debre bị một số bác sĩ và các công ty dược phản ứng dữ dội. Theo báo Le Figaro, Liên đoàn Ngành dược Pháp mô tả cuốn sách là “mớ hỗn độn”, có nguy cơ khiến bệnh nhân không chịu dùng thuốc. Giáo sư Jean - Francois Bergman, trưởng khoa nội Bệnh viện Lariboisiere, thừa nhận hiện tại có nhiều loại thuốc không có sự cải thiện công dụng đáng kể so với các loại thuốc trước, nhưng cho rằng cuốn sách có nhiều điểm không chính xác.

Danh sách đen
Những loại thuốc cần tránh
Giáo sư Even và bác sĩ Debre yêu cầu Chính phủ Pháp ngừng lưu hành 58 loại thuốc nguy hiểm. Trong đó có rất nhiều thuốc của Hãng dược Servier. Một số tập đoàn dược hàng đầu cũng bị nêu tên: Sanofi, Novartis, Roche, GSK, MSD, Bayer, Grunenthal... Các loại thuốc nguy hiểm là thuốc điều trị các bệnh ung thư (Avastin), tiểu đường (Byetta, Victoza), khớp (Protelos, Hexaquine), thần kinh (Parlodel, Requip, Tasmar), trầm cảm (Ritaline, Concerta), phụ khoa (Mercilon, Belara, Yaz), tim mạch (Vastarel, Trivastal, Ikorel), kháng viêm (Celebrex, Arcoxia), hô hấp (Vectarion), chống thuốc lá (Champix, Zyban)

Vận động hành lang
Hai tác giả cảnh báo hiện tượng thuốc kém hiệu quả và độc hại vẫn được lưu hành là do các tập đoàn dược tiến hành hoạt động vận động hành lang quá dữ dội.

Bác sĩ Plédran cho biết: “Ở Pháp cũng như trên thế giới, các nhóm vận động hành lang của ngành dược có sức mạnh ghê gớm. Họ cực kỳ hiệu quả.

Trong ngành dược, dĩ nhiên mọi người đều hiểu phải có mức độ nguy cơ, dĩ nhiên ở mức phải nhỏ nhất, nhưng giới bán thuốc bất chấp những tác dụng phụ có thể xảy ra và cứ nhắm mắt mà bán, chẳng hạn như loại thuốc trị chảy mũi cho hàng trăm ngàn người”.

“Cuốn sách đã đề cập đến nhiều vấn đề và trong đó có nhiều vấn đề đúng sự thật. Cuốn sách đã nhấn mạnh đến việc thuốc chữa bệnh không phải là một sản phẩm tiêu dùng như các thứ thông thường khác.
Bác sĩ Bernard Plédran (đại biểu vùng Aquitaine của Công đoàn bác sĩ đa khoa hàng đầu của Pháp)

VÕ TRUNG DUNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét