- Phán xét

Ưa phán xét là một thói quen gây nhức nhối đeo bám con người, mà khi nhắc đến chúng ta khó tránh sự ngần ngại – bởi để nói về người khác cũng chính là tự cảnh tỉnh bản thân mình – và càng không thể tùy tiện. 
Bởi thế, chỉ xin được lần giở lại những lời nhắn gửi của tiền nhân.


Xin bắt đầu câu chuyện của chúng ta, bằng một danh ngôn chua xót-đắng cay, của một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất nước Anh, Nam tước Alfred Tennyson (1809-1892): 
“Chúng ta chẳng thể tử tế với nhau ở nơi đây, dù chỉ trong một giờ. Chúng ta thì thầm, chỉ trỏ, cười khẽ mỉa mai trước nỗi tủi thẹn của anh em đồng loại; dù nhìn như thế nào, loài người chúng ta cũng là giống loài nhỏ mọn”. 

Chắc chắn chẳng ai muốn bị phán xét, nhưng tiếc thay, ưa thích phán xét lại dường như là một thuộc tính khá phổ biến, có nguồn gốc từ dục vọng của con người. Mặt khác, con người sinh ra lại vốn không hoàn hảo, cũng như không thể làm vừa lòng tất cả, chưa kể còn lòng ghen ghét-đố kỵ…, bởi vậy câu chuyện phán xét giữa con người với nhau trở nên như “cơm bữa”. Vì thế mà Albert Camus (1913-1960)-nhà văn đoạt giải Nobel, triết gia, nhà báo người Pháp đã khẳng định: “Đừng đợi sự phán xét cuối cùng. Ngày nào nó cũng đến”.

Bởi ưa phán xét là một trong những căn bệnh góp phần hủy hoại sức sống của mỗi cá nhân và cộng đồng nên trong mọi nền văn hóa, văn minh, người ta đều đã gắng răn dạy con người, nhằm hạn chế sự phát tác của nó. Và nếu coi phán xét như một thứ quyền năng tự nhiên của mỗi con người, thì cũng chính thông qua việc tự do được sử dụng cái quyền này, mà con người tự bộc lộ nhiều phẩm chất, cũng như nhân cách và độ trưởng thành của mình.

Khi phán xét, người ta đưa ra những xem xét và đánh giá mang tính định đoạt về tính chất của các sự vật và hiện tượng. Việc ấy xảy ra thường xuyên trong quá trình mỗi người tương tác với tự nhiên và xã hội. Nhưng tiếc thay, nhận ra bản chất của một sự vật hiện tượng, thường đâu có dễ dàng, thậm chí còn cần phải có năng lực nhận thức, trải nghiệm, cũng như thời gian nhất định. Vì vậy biết bao sự việc đáng tiếc xảy ra trong cuộc sống, từ cái nông nổi, chủ quan, buông thả của con người khi đánh giá người khác, mà chỉ thông qua cái vỏ bên ngoài. Chẳng thế mà nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng Jean de La Fontaine (1621-1695) đã phải buông lời nhắc nhở hậu thế: “Chừng nào bạn còn sống, hãy cẩn thận khi đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài”.

Hơn thế nữa, “Có những điều lớn lao hơn trí tuệ của chúng ta, vượt qua công lý của chúng ta. Sự đúng và sai của điều này ta không thể nói được, và ta không có quyền phán xét”. Điều mà đã được John Griffith “Jack” London (1876-1916)-nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội người Mỹ phản tỉnh. Không chỉ có vậy, John Ronald Reuel Tolkien (1892-1973)- nhà văn, thi sĩ, triết gia và giảng viên đại học người Anh, còn cảnh báo về một thực trạng trớ trêu rằng: “Nhiều người đang sống đáng phải chết. Và một số người đã chết đáng được sống. Anh có thể trao điều đó cho họ không? Vậy đừng quá vội vã phán xét ai phải chết. Bởi ngay cả người sáng suốt nhất cũng không thể thấy hết mọi mặt”. Do vậy việc biểu đạt những phán xét, trong nhiều trường hợp, cần phải được ràng buộc bởi những trách nhiệm lớn lao, cũng như con người cần phải bị trừng phạt đích đáng, trước những phán xét sai lầm-tội lỗi của mình.

Tiếc rằng trong lịch sử từng không ít lần xuất hiện những thế lực độc tài-phản động dẫn dắt công chúng, dám đổi trắng thay đen, tạo dựng nên một thứ “xã hội phán xét” để nô dịch hóa cộng đồng. Đó là thứ môi trường thuận lợi để “virus phán xét”-vốn tiềm ẩn trong mỗi con người, được dịp bùng phát. Biết bao nghịch cảnh, đảo điên-phán xét, bất chấp cả luân thường đạo lý, đã xảy ra. Trong những thể chế độc tài, phát xít, từ trẻ em ngây thơ cho đến những kẻ “tai to mặt lớn”, bất kỳ ai cũng có thể dựa vào luận điệu tuyên truyền chính thống để chụp mũ, vu khống những ai cất lên tiếng nói phản biện. Bầu không khí phán xét bao trùm xã hội, khiến con người phải sống trong nỗi sợ hãi.

Nhà văn, nhà thuyết trình Mỹ- Dale Breckenridge Carnegie (1888-1955) đã khẳng định: “Thậm chí ngay cả Chúa cũng không phán xét một người chừng nào còn chưa tới ngày cuối cùng của anh ta, vậy tại sao bạn và tôi lại làm như vậy chứ”? Còn thiền sư nổi tiếng Ajahn Chah (1918-1992)- Thái Lan, đã nhắc nhở các phật tử rằng: “Đức Phật dạy chúng ta hãy xét đoán chính mình mà đừng xét đoán kẻ khác, dầu họ tốt xấu thế nào đi nữa. Đức Phật chỉ cho ta con đường và nói: “Chân lý là như vậy đó”. Tâm ta có được như vậy không?”. Quả thật, việc kiềm chế ham muốn phán xét người khác, chỉ tự khách quan xét đoán chính mình là một trong những mỹ đức cao cả mà con người cần hướng tới, trong cuộc sống này. Nhưng điều ấy khó vô cùng. Albert Camus nhận xét rằng:“Người ta vội vã phán xét người khác để tránh chính mình bị phán xét”. Như vậy, từ nỗi sợ hãi hay hèn nhát mà người ta cũng có thể trở thành kẻ phán xét.

Nhưng ngược lại, phải chăng con người cũng cần phải chủ động học cách chung sống với những lời phán xét, một cách tích cực? Và có lẽ lời khuyến cáo của Henry James (1843-1916)-tác giả, nhà phê bình văn học người Anh gốc Mỹ nổi tiếng rất đáng để lưu tâm:“Đừng chú trọng bất cứ điều gì và bất cứ ai nói với bạn về bất cứ người nào khác. Hãy tự mình đánh giá tất cả mọi người và tất cả mọi chuyện”. Nhưng để hành xử được như thế, cũng như để thoát khỏi cái ầm ĩ của những lời phán xét, con người cần phải có tư duy độc lập, cũng như cần phải thoát khỏi cái “tâm lý bầy đàn”.

Những lời gan ruột dưới đây của một nhà phân tâm học, tâm lý học xã hội, một triết gia theo chủ nghĩa nhân văn người Đức-Erich Segligmann Fromm (1900-1980) thật ý nghĩa và hữu ích biết bao, đối với nhiều người, nhất là những người muốn vươn lên trong cuộc sống, vượt thoát khỏi áp lực, sự ức chế gây ra bởi đám đông ưa thóc mách, phán xét và kiểm soát người khác: “Nếu những người khác không hiểu được hành vi của ta-thì sao nào? Việc họ đòi hỏi rằng ta chỉ được làm điều họ hiểu, chỉ là một nỗ lực nhằm sai khiến ta. Nếu điều này là “phi xã hội” hay “vô lý” trong mắt họ, thì mặc kệ họ đi. Họ hầu như căm ghét tự do và lòng can đảm muốn làm chính mình của ta. Ta không nợ ai lời giải thích hay phân trần, chừng nào hành động của ta không làm tổn thương và không xâm phạm tới họ. Có bao nhiêu cuộc đời đã bị hủy hoại bởi đòi hỏi phải “giải thích”, thứ ám chỉ rằng lời giải thích phải “được hiểu” hay nói cách khác, phải được thừa nhận. Cứ để hành động của bạn bị phán xét, và bạn cần phải hành động, từ ý định thực sự của bạn, nhưng hãy nhớ rằng con người tự do chỉ nợ lời giải thích đối với chính mình-với lý trí và lương tâm của mình-và chỉ có một số ít người có thể có lý do xác thực để yêu cầu lời giải thích”.

Con người cá nhân, luôn khao khát tự do. Nhưng rõ ràng, cũng như động vật sống theo bầy, con người không thể thoát ra khỏi cộng đồng. Không những thế, mỗi con người, trong sự tồn tại và phát triển của mình, còn cần phải được đặt cùng với sự tồn tại và phát triển của người khác, của cộng đồng. Mặt khác, ý nghĩa cuộc sống của mỗi cá nhân, hoàn toàn phụ thuộc vào việc thoát ra khỏi cái Tôi đến đâu và mang cái nghĩa cao cả ở mức độ nào.Vì thế, mỗi cá nhân, từ lúc sinh ra đã luôn cần phải được răn dạy, giáo dục. Để không những chỉ biết hành xử đúng mực và tỉnh táo trong cái thế giới của những phán xét, mà còn cần phải hướng tới: sự tha thứ, lắng nghe, thấu hiểu và cảm thông. Và để thay cho lời kết của bài viết này, xin được dẫn lại một lời nhắn gửi rất đáng ghi nhớ của Ernest Miller Hemingway (1899-1961)-một tiểu thuyết gia, nhà văn truyện ngắn, nhà báo người Mỹ nổi tiếng: “Là người viết, bạn không nên phán xét, mà nên thấu hiểu”.
Ảnh minh họa: trích đoạn tác phẩm Phán xét cuối cùng của họa sỹ Hieronymus Bosch, sáng tác khoảng sau 1482. Nguồn: https://www.theatlantic.com/entertainment/archive/2016/04/how-hieronymus-boschs-hell-lives-on-today/479409/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét