- Lương Duyên Đẹp "Như Huyền Thoại" Giữa Hoàng Thái tử Akihito và Công nương Michiko

Phá Bỏ Quy Tắc Hoàng Gia Khi Kết Hôn

Đình Đình (Trí Thức Trẻ)


Hoàng Thái tử Akihito và Công nương Michiko trong lễ cưới tháng 4/1959 (Ảnh: Getty)

Mùa hè năm 1957, trong một trận đấu tennis ở Karuizawa gần Nagano, Hoàng Thái tử Nhật Bản Akihito đã gặp cô gái xinh đẹp Michiko Shoda, và đó cũng chính là khởi đầu cho mối tình tuyệt đẹp giữa Hoàng tử và "Cô bé Lọ Lem" phiên bản đời thực...

Nhà vua Nhật Bản Akihito, sinh ngày 23/12/1933, là con trai trưởng của Nhật Hoàng Showa và Hoàng hậu Kojun. Ngài có 4 chị gái, 1 em trai và 1 em gái.



Khi còn trẻ, với thân phận là người thừa kế của Hoàng gia Nhật, nhất cử nhất động của Hoàng Thái tử Akihito đều nhận được sự chú ý cực lớn từ người dân nước này, đặc biệt là về chuyện hôn nhân đại sự.


Theo lẽ thường, cô dâu của Hoàng gia sẽ được Cơ quan nội chính Hoàng gia lựa chọn từ các gia đình có dòng dõi quý tộc hoặc Hoàng tộc. Thế nhưng, vào năm 1959, Hoàng Thái tử Akihito đã khiến cho dư luận phải xôn xao khi phá vỡ truyền thống Hoàng gia để tự mình lựa chọn bạn đời. Không những vậy, ý trung nhân của Hoàng Thái tử là Michiko Shoda lại có xuất thân là thường dân, đây là điều trước nay chưa từng xảy ra trong Hoàng cung Nhật Bản. 




Michiko Shoda sinh ngày 20/10/1934 tại Tokyo, là con gái cả của doanh nhân Hidesabuto và Fumiko Shoda. Gia đình Shoda có gốc gác samurai từ Tatebayashi, một khu vực nông thôn cách Tokyo khoảng 80km về phía Bắc.

Michiko có khả năng tiếng Anh lưu loát và rất yêu thích các hoạt động tập thể. Khi còn đi học, cô từng đảm nhiệm vị trí Hội trưởng Hội học sinh của trường. Vừa xinh đẹp lại tài giỏi, Michiko luôn được nhận xét là một cô gái toàn diện, không có khuyết điểm.



Tuy được sinh ra trong một gia đình tư bản giàu có và luôn biểu hiện hết sức xuất sắc, nhưng Michiko Shoda vẫn chỉ là một dân thường. Chính vì vậy, Hoàng Thái tử Akihito và Mochiko Shoda đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại mới đến được với người mình yêu.

Mối nhân duyên trời định của họ bắt nguồn từ một trận đấu tennis vào tháng 8/1957 tại Karuizawa gần Nagano - một khu nghỉ mát ở phía Bắc Tokyo. Khi ấy, cô gái trẻ Michiko cùng với người đồng đội 12 tuổi là Bobby Doyle đã đánh bại đội của Thái tử Akihito với tỷ số cách biệt sau 2 tiếng đồng hồ thi đấu.



Mặc dù thất bại trong trận so tài, nhưng Thái tử Akihito lại cảm thấy vô cùng sảng khoái, trong lòng ông cũng bắt đầu dâng lên những cảm xúc dễ chịu khó diễn tả bằng lời.

Vài ngày sau, thông qua bạn bè, Thái tử đã mời Michiko cùng tham gia một buổi vũ hội. Tại đây, ông thành tâm bày tỏ sự tôn trọng đối với cô gái xinh đẹp, thông minh và hẹn cô tiếp tục cùng đánh tennis với mình.

Kể từ đó, Thái tử Akihito cùng cô gái trẻ Michiko thường xuyên gặp mặt trên sân tennis, và tình cảm giữa họ cũng ngày một lớn dần.



Thế nhưng, chuyện tình của Thái tử với một cô gái thường dân đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ những người theo tư tưởng phong kiến trong Hoàng gia Nhật. Họ cho rằng việc Thái tử tùy tiện lựa chọn một cô gái gặp ở sân tennis làm Thái tử phi là điều quá sức hoang đường. Thậm chí, Hoàng hậu Kojun - người mang trong mình dòng máu Hoàng tộc - cũng bày tỏ sự không hài lòng trước quyết định của con trai.

Về phía gia đình Shoda, họ cũng không mù quáng gật đầu bừa trước lời cầu hôn của Thái tử. Bởi trên tất cả, họ vẫn lo lắng và đặt hạnh phúc tương lai của con gái mình lên hàng đầu...



Đến cuối cùng, Nhật Hoàng Showa chính là người tác thành cho Thái tử Akihito và cô gái trẻ Michiko. Sau hơn 1 tháng suy xét kỹ càng, Nhật Hoàng đã chính thức lên tiếng: "Chỉ cần Thái tử thích thì xuất thân thường dân cũng không sao cả."

Đám cưới của cặp đôi được tổ chức vào ngày 10/4/1959 trong sự vui mừng của người dân ở xứ sở Mặt trời mọc. Hơn 530.000 người đã đổ ra đường để xem lễ rước dâu diễn ra trên lộ trình dài 8km dọc các con phố ở thủ đô Tokyo. Ngoài ra, một phần nghi lễ trong đám cưới cũng được phát sóng trên truyền hình, thu hút tới 15 triệu lượt người xem.



Sau khoảng thời gian tân hôn ngọt ngào, Thái tử phi Michiko cũng phải nếm trải nhiều đắng cay khi đối mặt với cuộc sống Hoàng gia gò bó, nhiều phép tắc. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, Hoàng Thái tử và Công nương đã xây dựng nên một gia đình hạnh phúc với 3 người con: Hoàng tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako.

Khác với thông lệ tách con cái khỏi bố mẹ của các gia đình Hoàng gia tiền triều, Thái tử và Thái tử phi quyết định giữ các con ở bên mình. Cho dù bận rộn trăm công nghìn việc, Công nương Michiko vẫn tự mình chăm sóc các con chứ không giao phó cho vú nuôi. Bà kiên trì giữ quan điểm nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ. Khi con cái đến tuổi đi học, bà tự tay chuẩn bị hộp cơm trưa cho các con vào mỗi buổi sáng...



Công nương Michiko tiết lộ, bà luôn xin tư vấn của chồng về mọi vấn đề. Những lời khuyên quý báu rút ra từ kinh nghiệm bản thân của Thái tử Akihito đã giúp ích rất nhiều cho bà trong việc nuôi dạy con cái.

Thái tử Akihito thừa kế ngôi Vua vào ngày 7/1/1989, và bà Michiko trở thành nữ dân thường đầu tiên lên ngôi Hoàng hậu Nhật Bản.



Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, cho đến nay, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫn luôn sống bên nhau vô cùng hạnh phúc.

Hoàng hậu Michiko từng có lần trải lòng về những bất công, sự mất tự do và bao muộn phiền của cuộc sống trong cung đình: "Tuy có gian nan, có oan ức, nhưng cuối cùng rồi cũng quen cả thôi. Thế nhưng, quả thật rất khó thích ứng, thậm chí có những lúc còn cảm thấy nghẹt thở."



Có lẽ, tình yêu sâu đậm của Nhật Hoàng Akihito đã trở thành nguồn động lực lớn lao giúp Hoàng hậu Michiko vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Đối với bà, những tháng ngày tuyệt vời nhất chính là: "Cho dù chúng tôi đều già cả rồi, nhưng vẫn có thể cùng nhau đánh bóng, cùng nhau tranh tài cao thấp trên sân tennis."

Bà Michiko không chỉ thực hiện rất tốt vai trò của một người vợ, một người mẹ, mà còn thể hiện rất xuất sắc trên cương vị của một Hoàng hậu. Bà hết lòng quan tâm đến đời sống của người dân và luôn là hậu phương vững chắc của Nhật Hoàng.



Nhà Vua Akihito từng chia sẻ mong muốn được mãi mãi ở bên Hoàng hậu Michiko, và cho đến lúc băng hà, ông hy vọng sẽ được chôn cất cùng người vợ mà mình đã yêu thương suốt cuộc đời này.

Tuy nhiên, trước ngày sinh nhật lần thứ 81 của mình vài ngày, Hoàng hậu đã từ chối đề nghị được chôn chung với Nhà Vua, bởi bà cho rằng: "Tôi xuất thân bình dân, thế nên khi chết đi cũng vẫn là một người dân thường. Tôi không cảm thấy được làm Hoàng hậu thì có gì vinh quang hơn người, cũng chưa từng nghĩ được gả vào gia đình Hoàng tộc thì sẽ trở nên khác biệt với những người bình thường. Tôi trước nay vẫn chỉ là vợ của Akihito mà thôi, có thể cùng ông ấy sống bên nhau đến đầu bạc răng long đã là phúc phận lớn nhất của cuộc đời tôi rồi."

Gần 60 năm sau đám cưới từng gây xôn xao dư luận Nhật Bản, Nhà Vua Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫn cùng nhau thức dậy thật sớm vào mỗi buổi sáng. Họ cùng đi bộ trong rừng hoặc trong khu vườn của Hoàng cung, nơi gần gũi với thiên nhiên mà cả 2 người đều rất yêu thích. Vào những ngày cuối tuần rảnh rỗi, Nhà Vua và Hoàng hậu thường cùng nhau chơi tennis - môn thể thao tuyệt vời đã giúp họ tìm ra một nửa hoàn hảo cho cuộc đời mình và viết nên mối tình tuyệt đẹp như trong truyện cổ tích mà người ta vẫn thầm ao ước, ngưỡng mộ.








Nhà Vua Akihito và Hoàng hậu Michiko khi còn trẻ đều là những người năng động và yêu thích các hoạt động thể thao.





Cuộc hôn nhân của họ vô cùng hạnh phúc với 3 người con.







Trải qua gần 60 năm hôn nhân, tình cảm mà Nhà Vua và Hoàng hậu dành cho nhau vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu.








Họ luôn hết mực quan tâm, chăm sóc cho đối phương.

 

Điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời này chính là được nắm tay người mình yêu đi đến đầu bạc răng long.




Thế giới còn bao nhiêu hoàng gia?

Đến nay, thế giới còn chưa đến 30 nước theo mô hình quân chủ lập hiến. Vài trong số hoàng gia này gần như không có quyền hạn đáng kể và không can dự vào tình hình chính trị trong nước nhưng cũng có không ít hoàng gia duy trì đủ quyền lực “thiên tử”. 

Nhìn chung, nếu phân quyền lực thành bốn cấp độ: một (I) mang tính tượng trưng; hai (II) – có chút quyền hạn nội chính; ba (III) – có tiếng nói chính trị khá mạnh; và bốn (IV) – cai trị toàn bộ đất nước, có thể thấy hầu hết hoàng gia hiện tại đều thuộc quyền lực cấp độ I…


Vua Salman của Saudi Arabia (dailymirror)

Vương quốc Anh (quyền lực cấp độ I): Nữ hoàng Elizabeth Ðệ nhị, cai trị từ năm 1952. Thần dân 54 triệu. Người nối ngôi: Thái tử Charles Philip Arthur George. Hoàng gia Anh là một trong những hoàng gia bị báo chí chú ý nhiều nhất.


Luxembourg (quyền lực cấp độ II): Ðại công tước Henri, cai trị từ năm 2000. Thần dân 594,130 người. Vua Henri lập gia đình với Maria Teresa Mestre năm 1981 (con gái một chủ ngân hàng Cuba).


Monaco (quyền lực cấp độ III): Hoàng thân Albert II, cai trị từ năm 2005, con của Hoàng thân Rainier và minh tinh Hollywood Grace Kelly (chết vì tai nạn xe năm 1982). Thần dân 38,499. Albert II từng quan hệ tình ái với nhiều người đẹp nổi tiếng trong đó có siêu mẫu Claudia Schiffer và người đẹp tóc vàng Daryl Hannah). Lịch duyệt và am hiểu ngoại giao, Albert II nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ (từng sống ở New Jersey hồi nhỏ và sau đó học tại Ðại học Amherst).


Bỉ (quyền lực cấp độ I): Vua Philippe, cai trị từ 2013. Thần dân 11.35 triệu. Vua Philippe có bằng thạc sĩ Ðại học Stanford (Mỹ).


Đan Mạch (quyền lực cấp độ I): Nữ hoàng Margrethe Ðệ nhị, cai trị từ năm 1972. Thần dân 5.7 triệu. Nữ hoàng Margrethe có bộ sưu tập tranh sơn nước và hàng thêu giá trị hàng bậc nhất thế giới. Tuy là nữ hoàng nhưng bà nghiện nặng thuốc lá và hút trước mặt bất cứ vị khách nào. Người nối ngôi: thái tử Frederik André Henrik Christian, tốt nghiệp khoa học chính trị, từng tham gia khóa đào tạo quân sự gắt gao và cũng từng đến Tòa đại sứ Ðan Mạch tại Paris để học nghề ngoại giao.


Hòa Lan (quyền lực cấp độ I): Vua Willem-Alexander, cai trị từ năm 2013. Thần dân 17 triệu. Ða số thần dân Hòa Lan từng không hài lòng khi mẹ ông, 


vua-Hòa-Lan-Willem-Alexander-Nữ hoàng Beatrix, lập gia đình với Claus von Amsberg (nhà ngoại giao Ðức bị nghi từng cộng tác với Ðức quốc xã hồi còn trẻ). Willem-Alexander khoái phóng xe bạt mạng và có lúc nhởn nhơ ăn chơi hơn học hành (mất 6 năm mới lấy được bằng cử nhân). Tuy nhiên, Willem-Alexander là phi công thiện nghệ, giữ vài vị trí (sĩ quan) trong hải quân-không quân và bộ 
binh.


Thụy Điển (quyền lực cấp độ I): Vua Carl XVI Gustaf, cai trị từ 1973, cháu vua Gustav VI Adolph. Năm 1976, vua Carl XVI Gustaf lập gia đình với cô gái thường dân người Ðức tên Silvia Sommerlath. Họ có ba con: công chúa Victoria Ingrid Alice Désirée sinh năm 1977 (người nối ngôi), hoàng tử Carl sinh năm 1979 và công chúa Madeleine sinh năm 1982. Thần dân 9.9 triệu. Không phải thần dân nào cũng biết mặt vua Gustaf. Có lần đi mua quà Giáng sinh ở Stockholm, ông bị một người bán hàng đòi phải xuất trình giấy tờ vì anh ta nghi thẻ tín dụng của vua là dỏm! Nữ hoàng tương lai Victoria Ingrid Alice Désirée từng học tại Ðại học Yale (Mỹ).


Tây Ban Nha (quyền lực cấp độ II): Vua Felipe VI, cai trị từ 2014 (tên đầy đủ của ông là Felipe Juan Pablo Alfonso de Todos los Santos de Borbón y de Grecia). Thần dân: 46.56 triệu. Dù yêu nhạc cổ điển, vua Felipe thích được người ta gọi mình là “playboy” (tay chơi). Tốt nghiệp khoa quan hệ quốc tế Ðại học Georgetown (Mỹ), Felipe cũng từng được huấn luyện về quân sự.


Liechtenstein (quyền lực cấp độ III): Hoàng thân Hans-Adam Ðệ nhị, cai trị từ 1989. Thần dân 37.6 triệu. Hans-Adam nổi tiếng thích đùa (có lần nói với Bill Gates rằng ông sẽ bán vương quốc nhỏ bé của mình và đổi tên thành Microsoft, Bill Gates tưởng thật và tính ôm tiền sang nhưng sau đó vua cho biết ông chỉ giỡn cho vui!). Hans-Adam có bộ sưu tập tranh thuộc hàng lớn nhất thế giới. Gia sản ước chừng 2 tỷ USD. Người nối ngôi: thái tử Alois Philipp Maria – nổi tiếng thông minh, chăm chỉ, từng học quân sự tại Sandhurst (Anh) và cũng phục vụ quân đội Anh ở Hong Kong. Thái tử Alois tốt nghiệp luật tại Ðại học Salzburg, lập gia đình với nữ bá tước Sophie xứ Bavaria.


Na Uy (quyền lực cấp độ I): Vua Harald Ðệ ngũ, cai trị từ 1991. Thần dân 5.2 triệu. Người nối ngôi: thái tử Haakon Magnus. Vài báo lá cải từng khai thác tin thái tử Haakon quan hệ tình ái với người mẫu Catherine Knudsen. Yêu kịch nghệ, thích đua thuyền và môn đua xe đạp, Haakon tốt nghiệp Ðại học Berkeley (Mỹ) khoa chính trị học.


Jordan (quyền lực cấp độ III): Quốc vương Abdullah Ðệ nhị, cai trị từ 1999, sau khi cha ông (vua Hussein Ðệ nhất) từ trần. Abdullah Ðệ nhị là con cả của vua Hussein và người vợ thứ hai người Anh tên Antoinette Gardiner. Vua Abdullah Ðệ nhị (sinh năm 1962) từng học tại Học viện quân sự hoàng gia Anh, học chính trị quốc tế tại Ðại học Oxford và Ðại học Georgetown (Washington DC). Thần dân 9.4 triệu.


Saudi Arabia (quyền lực cấp độ IV): Vua Salman, cai trị từ 2015. Dân số 32.2 triệu. Chi xài các thành viên Hoàng gia Saudi Arabia đã được báo chí kể như một thứ chuyện cổ tích. Cố vương Fahd (có 100 vợ) từng sống trong dinh thự trị giá 3 tỷ USD. Ngài từng đốt hàng trăm triệu đôla trong một đêm bài bạc và một lần khác khi ngồi sòng ở Monte Carlo, ngài đã mất gần 8 triệu USD chỉ trong một đêm. Thập niên 1980, ông cùng tùy tùng xài 5 triệu USD/ngày trong chuyến du thú tại Marbella (Tây Ban Nha). Vào dịp hè, Vua Fahd đi du lịch với phi đoàn 8 máy bay (5 chiếc Boeing 747), mang theo 400 người hầu, 200 tấn hành lý, 25 chiếc Roll-Royce và limo…


Trước khi lên ngai vàng vào tháng 1-2015, (đương kim hoàng thượng) Salman bin Abdulaziz cũng nổi tiếng chơi sang. Ông từng chi hơn 30 triệu USD để đặt chỗ ba hòn đảo tại Maldives vào năm 2014, buộc các khu nghỉ mát tại đó phải hủy tất cả chỗ đặt trước. Và để thực hiện chuyến “dã ngoại” một tháng tại Maldives, Salman (lúc đó 78 tuổi) mua luôn một thuyền buồm hạng sang, mang theo 100 cận vệ và một bệnh viện nổi. Tháng 7-2015, Vua Salman, khi du lịch Pháp, còn yêu cầu Pháp “đóng cửa” bãi biển Côte d’Azur! Phái đoàn Vua Salman đến Pháp với 1,000 người! Tháng 9-2015, trong chuyến công du Mỹ gặp Tổng thống Barack Obama lần đầu, Vua Salman “book” trọn khách sạn Four Seasons 222 phòng.


Vua Brunei Hassanal Bolkiah

Oman (quyền lực cấp độ IV): Vua Qaboos bin Said, cai trị từ 1970, học quân sự tại Anh và có lúc phục vụ trong quân đội Anh. Thần dân 4.4 triệu. Vua Qaboos từng thực hiện nhiều chính sách cải tổ giá trị, chẳng hạn cho phép phụ nữ tham gia bộ máy hành chính. Tuy nhiên, ông cũng nổi tiếng hoang phí (xây một giáo đường tốn đến 100 triệu USD).


Qatar (quyền lực cấp độ IV): Vua Tamim bin Hamad Al-Thani, cai trị từ 2013. Thần dân 2.5 triệu. Vua Tamim học Trường quốc tế Sherborne, Trường Harrow rồi Học viện quân sự Hoàng gia Sandhurst (tất cả đều ở Anh).


Bahrain (quyền lực cấp độ IV): Vua Hamad bin Isa al-Khalifa, cai trị từ năm 2002. Thần dân 1.4 triệu.


Kuwait (quyền lực cấp độ IV): Vua Sabah IV Ahmad Al-Jaber Al-Sabah, cai trị từ 2006. Thần dân 4 triệu.


Tonga (quyền lực cấp độ III): Vua Tupou VI (‘Aho’eitu ‘Unuaki’otonga Tuku’ah), cai trị từ 2012. Thần dân 107,122.


Brunei (quyền lực cấp độ IV): Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah, cai trị từ 1967. Thần dân 423,196. Quốc vương Haji từng học tại Học viện quân sự hoàng gia Anh. Hoàng gia Brunei rất giàu (nhờ dầu hỏa). Có lần, Quốc vương Haji cho tiền “tip” tới 170,000 USD và sẵn sàng bỏ 900,000 USD để dát vàng 24 karat cho một chiếc xe hơi. Cậu em trai – hoàng tử Jefri – có đến 600 chiếc xe, từng thuê ca sĩ Rod Stewart sang hát cho sinh nhật con mình. Người nối ngôi: thái tử Al-Muhtadee Billah.


Thái Lan (quyền lực cấp độ II): Vua Maha Vajiralongkorn, cai trị từ 2016. Thần dân 68.86 triệu.


Malaysia (quyền lực cấp độ III): Người cai trị tối thượng Muhammad V, cai trị từ 2016. Thần dân 31.19 triệu. Tuy tước hiệu là “người cai trị tối thượng” (Yang di-Pertuan Agong, không gọi là “vua”) nhưng Muhammad V chỉ cai trị trong “nhiệm kỳ” 5 năm. Mỗi 5 năm, Hoàng gia Malaysia lại chọn một người đứng đầu thay thế.


Bhutan (quyền lực cấp độ IV): Vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, cai trị từ 2006. Thần dân 797,765 người.


Nhật (quyền lực cấp độ I): Nhật hoàng Akihito Tsugonimaya, cai trị từ 1989, con Nhật hoàng Hirohito. Thần dân 127 triệu. Nhật hoàng Akihito lập gia đình với một thường dân (Michiko Shoda) năm 1959; và con trai họ – thái tử Naruhito (sinh năm 1960) – cũng lập gia đình với một cô gái không thuộc hoàng tộc (Masako Owada).


Morocco (quyền lực cấp độ IV): Vua Mohammed Ðệ tứ, cai trị từ năm 1999, sau khi vua cha Hassan Ðệ nhị băng hà. Cần nhắc lại, vua Hassan là một trong những nhân vật nổi bật Trung Ðông, đóng góp ít nhiều cho tiến trình hòa giải Palestine-Israel. Thần dân 35.28 triệu.


Swaziland Vua Swaziland Mswati III, cai trị từ năm 1986. Triều đình Swaziland từng gặp khá nhiều sóng gió. Washington dọa cấm vua Mswati III vào Mỹ nếu vua kiên quyết tậu chiếc máy bay du lịch 45 triệu USD. Mỹ nói vua làm vậy là không được: dân Swaziland đang sống dở chết dở trong cảnh đói nghèo. Bị tấn công bởi nạn hạn hán, ¼ dân Swaziland sống nhờ thực phẩm cứu trợ nước ngoài và đất nước này còn bị AIDS hoành hành (1/3 người trưởng thành Swaziland đang nhiễm HIV). Bất chấp phản đối và bị lên án như một kẻ độc tài, Mswati III vẫn nổi tiếng xài sang. Năm 2005, Mswati III không chỉ mua chiếc xe Maybach trị giá nửa triệu đôla cho mình mà còn tậu 10 chiếc BMW cho các bà vợ (tốn tổng cộng 820,000 USD). Ông còn yêu cầu Quốc hội chi 15 triệu USD để xây cung điện. Mswati III có đến 15 cô vợ.

Vua Mswati IIINgoài các quốc gia được chính thức công nhận theo chế độ quân chủ lập hiến, cũng còn vài “vương quốc” tồn tại như một thực thể khá độc lập bên trong một quốc gia, như vết tích còn sót của thời phong kiến. Hầu hết “vương quốc” này hiện nằm tại châu Phi (Ghana, Nigeria, Benin…). Trong thực tế, mô hình “vua” kiểu này mang dáng dấp văn hóa dân gian hơn là chính thể chính trị thật sự.

Mạnh KimWestminster, CA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét