- Xuất khẩu lao động 200.000 cử nhân, thạc sĩ: Góc nhìn từ ngọn cây

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng đề án đưa lao động có trình độ cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp đi làm việc ở nước ngoài.

Có thể nhiều người thấy rằng đề án “Đưa lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến 2025” là một “cánh cửa” nhằm giải thoát hơn 200.000 số phận “ông cử, bà thạc” đang héo hon ngồi dưới gốc cây sung chờ đợi cơ hội đến với mình.
Quả nhiên, trước mắt, việc hơn 200.000 lao động “có trình độ” đó được giải quyết công việc là điều đáng mừng. Ít nhất, xã hội sẽ bớt nhiều gánh nặng, những sự kiện, vụ án mà gốc rễ của nó là “nhàn cư vi bất thiện” cũng sẽ giảm dần theo số lượng người thất nghiệp.
Tính đến tháng 9/2016, cả nước có hơn 220.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Ảnh: Internet.
Tuy nhiên, về lâu dài, đề án đó chẳng khác gì hành động “nối giáo cho giặc”. Mà giặc ở đây chính là những trường đại học có chất lượng đào tạo thấp, giặc ở đây chính là những cô, cậu sinh viên, học viên kém cả chuyên môn lẫn ý chí phấn đấu.

Bởi chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng những nhân lực có chất lượng cao, có tư duy cầu tiến, cầu thị chắc chắn sẽ không ngồi một chỗ để đợi cơ hội đến với mình. Mà ngược lại, với cơ chế thị trường mở, rất nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì những người có năng lực, có chí tiến thủ luôn là “mặt hàng” đắt giá mà những “tay săn người” cần.
Thế nên, tôi có thể đánh giá rằng đề án xuất khẩu lao động trình độ cử nhân, thạc sĩ là một đề án có góc nhìn từ ngọn cây.
Những người đề xuất dự án chỉ biết nhìn từ trên ngọn, làm sao để “giải quyết” được càng nhanh càng tốt vấn nạn thất nghiệp, giảm bớt sức ép cho xã hội thời gian đầu mà không hề bận tâm đến vấn đề gốc rễ cũng như hệ quả lâu dài của nó.
Giống như việc chăm sóc một cái cây, chúng ta chỉ nhìn lên ngọn, thấy nhiều lá cây vàng úa sau đó cắt tỉa mà quên mất rằng thân cây đó đã bị sâu, mọt đục khoét. Có cắt, có tỉa cũng chỉ khiến cây thêm trụi lá chứ chẳng thể khiến những lá cây mọc ra sau trở nên xanh, khỏe được.
Tình trạng chung của nhiều cử nhân, thạc sĩ đã vỡ mộng. Ảnh: Internet.
Giải quyết được công việc “tạm thời” cho 200.000 cử nhân, thạc sĩ bằng cách “xuất khẩu” đồng nghĩa với việc đưa những trường đại học có chất lượng đào tạo kém vào “vùng an toàn”, tạo tiền đề cho nhiều trường đại học nữa mở ra. Không những vậy, nó còn “ru” những cô, cậu sinh viên vẫn mơ mộng về giấc mộng tỷ phú vào một “vùng mộng mơ” đầy hứa hẹn.
Sẽ ra sao khi càng “giải quyết” thì lượng người lao động (cứ cho rằng) có chuyên môn sẽ càng được “nhân bản” rộng rãi. Sẽ ra sao khi sự tự mãn và độ ì ạch của những “ông cử, bà thạc” ngày càng tịnh tiến lên cao cùng nhau?
Có lẽ, nếu cứ chỉ “cắt ngọn” như thế này thì một ngày không xa, cử nhân, thạc sĩ sẽ là một “mặt hàng xuất siêu” còn những nhân lực có kĩ năng dọn vệ sinh, những tay thợ thủ công, thợ máy, cửu vạn từ nước ngoài… lại là một “mặt hàng nhập siêu” mới.
Chăm sóc cây cối, hãy để ý đến đất trồng, đến gốc rễ của nó trước khi nhìn lên ngọn.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét