Hàng chục ngàn like cho một bài báo về vệ sinh an toàn thực phẩm, đã cho thấy rất rõ sự tuyệt vọng và phẫn nộ của dân chúng. Nhưng câu chuyện chưa dừng lại…
1. Khi người tiêu dùng thông thái khóc
Mấy hôm trước, một nữ điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã bị cách chức tổ trưởng vì lỡ mắng bệnh nhân ngu.
Khi biết cô gái này tự ý đi hút thai thêm một lần nữa tại cơ sở khác mà không gọi điện thoại đến hỏi bác sĩ, bà tổ trưởng đã mắng: “Ngu thì chết chứ bệnh tật gì”.
Tôi đã được nghe tận tai lời mắng y hệt như thế từ một vị giáo sư già, khi ông lắc đầu chê người dân không biết cách “trở thành những người tiêu dùng thông thái”.
“Ngu thì chết chứ bệnh tật gì. Đọc báo đài biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn nhắm mắt, lao đầu vào mua. Nói mãi rồi, không nghe, chết lại bảo tại số” – vị GS nói.
Sự thật, có nhiều người rất cẩu thả trong ăn uống, nhưng cách nhìn ấy của vị GS là quá tàn nhẫn đối với đại bộ phận cần lao.
Hàng triệu người chỉ mong có cái đưa vào mồm ba bữa, túi tiền bé mọn đâu cho phép họ mơ giấc mơ thực phẩm sạch.
Hàng triệu người khác cũng đã cố cựa quậy bằng mọi cách để con đường đi qua dạ dày không trở thành con đường ra nghĩa địa.
Đó là những chuyến về quê dày hơn để khi trở ra phố thị tay xách nách mang nào gạo đỗ lạc khoai sắn, nào gà vịt ngan ngỗng.
Đó là một khoảng sân thượng, một góc ban công chung cư, một vạt đê, một dẻo đất giữa dải phân cách đường phố… đều có thể trở thành mảnh vườn trồng rau sạch của người thành thị.
Nhưng số người có nguồn cung cấp thực phẩm ở quê, những người chiếm được khoảnh đất ở phố thị, chỉ bé bằng móng tay khi so với cả chục triệu người không thể cựa quậy.
Ngay cả những người có tiền, thì cũng không dễ trở thành người tiêu dùng thông thái, bởi bẫy thực phẩm bẩn giăng mắc khắp nơi.
Đầu năm 2015, nhiều thượng đế thông minh đã ngã bổ chửng khi hàng loạt siêu thị lớn như Metro, BigC, Lottemart đột ngột ngừng bán “rau an toàn” thương hiệu Rau Ba Chữ.
Công ty TNHH Sản xuất và chế biến rau an toàn Ba Chữ, đã tạo ra một lượng không nhỏ rau an toàn bằng cách đến… chợ Minh Khai, gom rau trôi nổi và đóng dấu an toàn.
Điều đáng nói là cú bê bối ấy không được phát hiện bởi hệ thống kiểm định chất lượng được coi là hùng hậu của các siêu thị lớn.
Nó cũng không được khui ra bởi các cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Nó được hé lộ nhờ một nhóm phóng viên bí mật điều tra.
Nếu không có những phóng viên ấy, rau “an toàn” Ba Chữ vẫn áp đảo trên các kệ rau sạch và thượng đế vẫn tin tưởng mua rau “an toàn” với một cái giá cắt cổ - giá được trả bằng sức khỏe, tuổi thọ.
Đóng mác sạch, bày trên kệ sạch, trong siêu thị sạch sẽ uy tín, mà còn bẩn, thì người tiêu dùng có thông thái đến mấy cũng phải khóc chào thua.
Những vụ thực phẩm bẩn dán nhãn chất lượng cao này, khiến người ta nhớ đến câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong một hội nghị về vệ sinh an toàn thực phẩm:
“Tôi không biết uống rượu nên không phân biệt được, nhưng bạn tôi nói rượu càng đắt thì rượu giả càng nhiều. Nhiều người khuyên giờ đi đâu uống rượu thì uống rượu rẻ tiền thôi”.
Thịt lợn thiu thối được phù phép thành thịt bò, những con tôm cũng bị tiêm hoá chất trước khi đi bán.