THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM LẦN THỨ 716
ĐỨC VUA - PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG NHẬP NIẾT-BÀN
Ngày 1-11-Mậu Thân (1308) - 1-11-Giáp Thìn (2024) - Dương lịch
01-12-2024
Sơ tổ Trúc Lâm sau khi ngộ đạo đã dành hết cuộc đời còn lại của mình đi khắp nhân gian giảng dạy Thập thiện, khuyến tấn dân chúng bỏ ác làm lành, trừ các dâm từ. Tùy duyên giáo hóa, tùy cơ tiếp dẫn, cả một đời không biết mệt mỏi vì lợi lạc quần sinh. Đặc biệt, Thiền tông đời Trần mang đậm nét bản sắc dân tộc, không ngoại lai với Thiền tông các nước khác. Nhờ thế người dân Việt dễ nhận ra yếu chỉ của chư Tổ Việt Nam, dễ tu theo đường lối truyền dạy của các ngài. Văn hóa của Phật giáo hòa quyện cùng văn hóa dân tộc, đưa đời sống văn hóa và đời sống tâm linh người dân Việt ngày một thăng hoa.
Như trên đã nói, tinh thần tu tập đời Trần là tinh thần tu tập Phật đạo, vừa ly thế vừa nhập thế. Cho nên Sơ tổ Trúc Lâm có 5 năm tu khổ hạnh trên núi. Xuất gia rồi, Ngài dứt khoát chuyên tu, không hề xuống núi. Sau khi ngộ đạo Ngài mới hòa lẫn vào đời, cứu giúp chúng sanh thoát khỏi mê lầm khổ đau. Khi đất nước lâm nguy, từ vua quan sĩ thứ đến toàn dân không trốn tránh trách nhiệm đối với vận nước. Đó là nhờ sự lãnh đạo và giáo dục của các vua Trần, các thiền sư đương thời vậy.
Như Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện trưởng các thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm thế kỷ XXI đã kính cẩn tán dương “Con người của Sơ tổ Trúc Lâm làm việc gì phải đến nơi đến chốn, đạt kết quả viên mãn mới thôi. Đánh giặc khi nào quân xâm lăng ra khỏi nước mới dừng. Nghiên cứu Phật pháp đến chỗ uyên thâm nhất mới thỏa mãn. Tu hành đến ngộ đạo mới đi hoằng hóa. Thật là một tấm gương sáng ngời để cho kẻ đời, người đạo học hỏi theo”.
Đó chính là tính cách của Trần Nhân Tông - Sơ tổ Trúc Lâm, một con người hiện thực mà siêu thực, hướng thượng mà chẳng bỏ hàng hạ căn thiểu trí, nhập thế mà chẳng nhiễm trần thế. Cho nên Ngài chính là linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vĩnh viễn bất sanh bất diệt trong lòng hậu thế, không tính kể phương sở thời gian.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Nam Mô Tổ Sư Trúc Lâm Đại Đầu Đà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét