- HÁI LỘC ĐẦU XUÂN

 

Nhiều người đi chùa hái lộc đầu năm cứ nghĩ tưởng hễ đầu năm, hái được nhiều lộc thì quanh năm sẽ được hưởng nhiều lợi lộc, được lên lương, thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt và trúng số vài chục triệu…. Thế nên vào đêm giao thừa người người đến chùa hái lộc bẻ cành, có người còn mang cả chậu hoa kiểng của chùa về nhà. Thật đáng thương thay!

Đi chùa lễ Phật và hái lộc vào đêm giao thừa và những ngày đầu năm, để cầu phúc, cầu may, xin Trời Phật, Bồ Tát phù hộ cho bản thân và gia đình năm mới được mọi điều tốt lành, tai qua nạn khỏi, mọi sự hạnh thông như ý muốn.

Chùa Huệ Quang, Santa Ana nói riêng và các chùa tại hải ngoại nói chung không có vườn rộng để trồng hoa mầu và các cây ăn trái mà chỉ trồng một số cây cảnh, đủ để làm đẹp cảnh chùa. Do đó, những năm vừa qua, các chùa ở những nơi đông người Việt cư ngụ đã mua hàng nghìn trái cam quít trước tết đề làm quà phát lộc đầu năm cho Phật tử đến chùa lễ Phật, nhằm tránh cho những cây cảnh quanh chùa khỏi bị hư hại.

Nhiều người đi chùa hái lộc đầu năm cứ nghĩ tưởng hễ đầu năm, hái được nhiều lộc thì quanh năm sẽ được hưởng nhiều lợi lộc, được lên lương, thăng quan tiến chức, buôn may bán đắt và trúng số vài chục triệu…. Thế nên vào đêm giao thừa người người đến chùa hái lộc bẻ cành, có người còn mang cả chậu hoa kiểng của chùa về nhà. Thật đáng thương thay!

Đầu năm đi chùa lễ Phật là một tập tục dễ thương của người Việt, là một nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhưng chỉ đi chùa lễ Phật thôi, xin đừng hái lộc, bẻ cành, ngắt hoa, và cầu xin đủ thứ, mà thay vào đó là tích cực gieo nhân trồng phước.

Hễ muốn có lộc thì phải gieo nhân 
Một khi nhân đã gieo trồng thì tương lai cảm quả sẽ không sai khác, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.

 Nhà Phật tin rằng tất cả mọi chuyện chúng ta đang thọ hưởng hiện tại, đều là hoa trái của những hành động của ta trong quá khứ, và hiện tại ta đang làm gì thì kết quả tương ứng sẽ xảy đến cho ta trong tương lai. Nếu muốn có cuộc sống an lạc hạnh phúc hay muốn được hưởng lộc nhiều, phước nhiều, cần phải gieo nhiều nhân lành. 

 Thay vì hái lộc, thay vì cầu xin Trời Phật, chúng ta nên gieo nhân lành bằng cách nghĩ đến các điều thiện, nói các điều thiện và làm các việc thiện.

 Thế nào là việc thiện? Chính là những việc tốt, việc lành, những việc làm mang lại an lạc hạnh phúc cho mình, cho người và không làm tổn hại đến những chúng sinh khác.

Một vài thí dụ cụ thể là ăn chay, không sát sinh, phóng sinh, giúp nuôi trẻ mồ côi, săn sóc người già, kẻ bệnh hoạn tật nguyền. Nói chung là làm những công tác từ thiện xã hội.
Gieo nhân lành, nhân thiện, không những sẽ được nhiều lộc trong tương lai mà còn được cả phước và thọ, tức là hưởng được nhiều điều may mắn tốt lành và có được mạng sống dài lâu, không bệnh tật.

Con người ta trên thế gian, ai ai cũng mong muốn giàu sang phú quý, mạnh khoẻ sống lâu và may mắn; mà hầu như ít ai để ý đến các loại nhân đã và đang gieo trồng: quả giàu sang phú quý là nhân bố thí, quả mạnh khoẻ sống lâu và may mắn là nhân không sát sanh, nhân phóng sinh và nhân giúp đỡ người khác. 

Trong kho tàng truyện cổ Phật Giáo có hai câu chuyện ngắn liên quan đến vấn đề gieo nhân hái quả này. 
Câu chuyện thứ nhất lên quan đến nhân bố thí và giúp đỡ người khác.
Chuyện kể rằng: công chúa Nhật Quang, con của vua Ba Tư Nặc nước Xá Vệ, có vẻ đẹp thuỳ mị, tính tình đoan trang, thông minh và đức hạnh. Tuy sanh trong hoàng tộc, sống cao sang, nhưng lúc nào vẫn giữ thái độ nhã nhặn khiêm tốn, nhất là đối với những kẻ nghèo khổ, tật nguyền, cô luôn luôn tìm cách giúp đỡ. Không những vua cha và hoàng hậu yêu quý mà các quan lớn nhỏ trong triều và dân chúng cũng quý mến công chúa không kém.

Một hôm, trong lúc vui, vua cha nói với công chúa rằng: “cả nước không ai đẹp, dễ thương và hạnh phúc bằng con, đời con được như thế là nhờ sức của cha mẹ vậy…” Công chúa Nhật Quang trả lời vua: “Tâu phụ vương, công ơn sinh thành và dưỡng dục của phụ vương và mẫu hậu con không bao giờ dám quên. Nhưng đời con được hạnh phúc như thế này, con nghĩ cũng bởi ảnh hưởng của cha mẹ một phần nào, nhưng phần lớn là nhờ kiếp trước con đã tu nhân tích đức.”

Vua Ba Tư Nặc bị chạm tự ái, bảo thủ xem ý của mình là đúng nên sai một viên cận thần tìm một người con trai bằng tuổi thật nghèo gả cho công chúa...

Vua nói với công chúa: “hôm kia con đã nói: “hạnh phúc của con hiện tại là phần lớn do con đã tu nhân tích đức ngày trước. Nay ta muốn xem lời ấy ra sao, nên ta đã quyết định gả con cho một thanh niên hành khất, nếu thật như lời con nói con cũng sẽ trở nên giàu có sung sướng. Con hãy sửa soạn ngày mai lên đường với chồng con…”

Sáng ngày hôm sau, công chúa vào lạy tạ cha mẹ và từ biệt mọi người rồi bình tĩnh ra đi với chồng hành khất. Cả nhà và các quan cận thần đều khóc lóc hương xót, nhưng không ai dám cản ngăn ý định của vua.

Rời hoàng cung, hướng về miền quê, không biết đi về phương nào lập nghiệp, công chúa hỏi chàng hành khất quê quán ở đâu và vì sao mà phải đi hành khất. Chàng hành khất nói gia đình ngày xưa cũng khá giả, nhưng vì ham chơi nên khi cha mẹ qua đời phải bán hết cả ruộng vườn nhà cửa, nay chỉ còn một sở vườn hoang, nên phải đi hành khất. 

 Một hôm đi lang thang thì gặp một vị quan hỏi gia thế rồi dẫn vào cung gặp vua. Tôi không biết vì sao vua lại đem công chúa gả cho một kẻ nghèo hèn như tôi. 

Nghe xong câu chuyện hai người quyết định về sở vườn hoang còn lại để tạm trú. Họ tìm cách dựng một cái chòi nhỏ nơi đây sinh sống. Không ngờ, đến khi đào đất dựng cột nhà thì bắt gặp ba cái chum lớn niêm khằn cẩn thận. Hai người mở ra thấy toàn là vàng bạc châu báu. Công chúa vui mừng đem bán một số vàng bạc rồi mướn nhân công tạo lập lâu đài vườn tược, trồng tỉa hoa quả. Vốn sẵn có lòng từ, công chúa tiếp tục bố thí tiền cho những người nghèo và giúp đỡ những người khác, nên kẻ ăn người ở trong nhà và dân làng đều yêu mến hai người và chẳng bao lâu sở vườn hoang biến thành lâu đài tráng lệ, mọi người vô ra tấp nập. 

Tin đồn công chúa về tới hoàng cung, vua Ba Tư Nặc nhất mực không tin liền đến tận nơi dò xét thì quả đúng như vậy, nhưng vẫn thắc mắc không biết tiền kiếp công chúa đã gieo những nhân lành gì mà ngày nay lại gặt được nhiều phước báo như vậy. Vua nghĩ ngợi không ra bèn tìm đến đức Phật xin Ngài khai thị.

Sau khi nghe câu chuyện công chúa do vua tường trình, đức Phật bèn kể cho vua nghe câu chuyện từ thời đức Phật Ca Diếp, có cặp vợ chồng thương buôn giàu có, người vợ hay làm các việc bố thí cúng dường, qui y Tam Bảo, luôn giúp đỡ người, nhất là với kẻ tật nguyền, nghèo khó; Nàng cũng luôn luôn khuyên mọi người bỏ ác làm lành, quy y Tam Bảo. 

 Trong khi đó người chồng thì nghịch lại, mỗi khi thấy vợ bố thí thì tỏ ý không vừa lòng, tìm cách can ngăn… Một hôm nhân ngày lễ Tết, người vợ đi chùa lễ Phật cúng dường Tam Bảo và bố thí kẻ nghèo trong ba ngày liên tiếp, người chồng không bằng lòng mà muốn dùng số tiền đó sắm sửa thêm nhà, thêm cửa. Người vợ khuyên chồng nên dùng một số tiền làm các việc phước thiện, giúp các người nghèo bởi vì theo kinh Phật dạy những người nghèo khổ hiện tại đều do đời trước tham lam ích kỷ, không bố thí giúp người…Nghe vợ giải thích, người chồng tỉnh ngộ, từ đó không ngăn cản vợ mà còn rất hăng hái làm việc phước thiện.

Này đại vương, Phật nói -- Người vợ đó chính là công chúa Nhật Quang ngày nay và người chồng công chúa hiện tại cũng chính là người chồng thương buôn giàu có ngày trước. Khi chưa tỉnh ngộ, anh ta bỏn xẻn, ngăn cản việc làm phước thiện của vợ, nên ngày nay phải chịu đói rách một thời. Còn công chúa Nhật Quang, vì đời trước sốt sắng bố thí nên được quả báo giàu sang sung sướng, nhiều người mến phục và thường khuyên mọi người bỏ ác làm lành, quy y Tam Bảo nên ngày nay được quả báo thông minh…

Vua Ba Tư nặc nghe câu chuyện tiền kiếp của công chúa Nhật Quang bèn tỉnh ngộ và hiểu rõ lý nhân quả. Vua lạy tạ Phật và vui vẻ ra về.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến nhân không sát sanh và phóng sanh
Chuyện kể rằng tại một ngôi chùa nọ có một chú Sa di được sư phụ cho phép trở về thăm cha mẹ, vì Sư vốn là vị chân tu đắc đạo nên được biết trong vòng một tháng nữa là thọ mạng của chú sa di sẽ chấm dứt. 

Trên đường đi về quê, chú Sa di thấy một ổ kiến lớn trôi theo dòng nước lũ sắp sửa bị cuốn xuống vực, chú vội vàng tìm cách cứu để ổ kiến khỏi bị chết. Chú về thăm nhà và sau đó trở lại chùa. 

 Nhiều tháng trời trôi qua, chú vẫn tiếp tục tu hành niệm Phật ăn chay bên sư phụ. Sư phụ của chú rất thắc mắc, một hôm hỏi chú chuyện gì đã xảy ra khi chú về thăm cha mẹ. Chú kể rõ tự sự chuyến về thăm quê, kể cả chuyện chú cứu vớt một ổ kiến to. Sư phụ mới hiểu việc kéo dài thọ mạng chính là nhân cứu giúp chúng sinh và nhân không sát sinh. 

Trong kinh Phật cũng dạy nhân sát sinh có thể đưa đến địa ngục, làm loài bàng sinh, quả báo nhẹ là làm người với tuổi thọ ngắn và hay bệnh hoạn.

Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy rằng công chúa Nhật Quang được quả báo giàu sang sung sướng là do nhân bố thí đời trước, được quả báo thông minh là do nhân khuyên người khác làm lành tránh ác, quả báo tướng mạo đoan trang đẹp đẽ là do nhân đời trước giúp đỡ kẻ tật nguyền. Còn chú Sa di trong câu chuyện thứ hai, do nhân cứu mạng sống của một ổ kiến to, nhân ăn chay không giết hại chúng sinh nên mạng sống được kéo dài, không bệnh tật.

Hòa thượng Tịnh Không trong thời giảng Kinh Lăng Nghiêm tại Úc Châu cũng giảng rõ “tận tâm tận lực bố thí pháp, bố thí tiền, làm các việc lành là công đức vô lượng”. Ngài khuyên chúng ta nên tu hạnh bố thí, bố thí tài thì được giàu có, không bao giờ thiếu thốn, bố thí pháp được thông minh trí tuệ, trong bất cứ hoàn cảnh nào không thể bị mê hoặc điên đảo, bố thí vô uý, cứu sinh, cứu mạng được mạnh khoẻ sống lâu…
Nhân quả rõ ràng, khi chúng ta làm lợi ích cho tha nhân, chắc chắn về sau chúng ta sẽ thọ hưởng một hay nhiều niềm an lạc hạnh phúc. Một nhân thiện sắp sẵn một quả lành ở tương lai. Càng gieo nhiều nhân thiện thì phước báo càng sâu dày. 

 Phước được ví như tấm ngân phiếu bank check. Tiền deposit ngân hàng càng nhiều thì ngân phiếu càng có giá trị lớn. Do đó đầu năm đi lễ chùa không phải để hái lộc, hái hoa, bẻ cành và cầu xin đủ thứ mà là để gieo nhân tích luỹ phước đức.

Tịnh Thủy 

LÊN CHÙA “HÁI LỘC” - CÓ PHƯỚC, HAY TẠO THÊM NGHIỆP XẤU? 
Giao Hảo

HT.Thích Nguyên Giác tặng "lộc" đến Phật tử sau khóa lễ chúc tán - giao thừa - Ảnh: QHGL

Phong tục đi chùa đầu năm, từ xa xưa, đã trở thành một nếp tâm linh gắn với văn hóa, tín ngưỡng của người Việt, và đó là nhu cầu chính đáng của con người. 

Song, bên cạnh những người đến chùa với tư duy chân chính, vẫn còn không ít những hành vi phản cảm, mê tín. Một trong số đó phải kể đến là việc “hái lộc”, “phát lộc” một cách chụp giựt, xem đó mới là… may mắn, gây bức xúc lớn trong dư luận.

Hiểu rõ về “hái lộc” và “phát lộc”
Trước hết cần hiểu rõ “lộc” là gì? Theo quan niệm nhà Phật, “lộc” là một trong 5 phước báo của con người, và ai cũng thường mong cầu, cụ thể ở đây lộc là tiền tài. Nói về “hái lộc” và “phát lộc”, TT.Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ (Q.10. TP.HCM) cho biết, trong đạo Phật không có khái niệm xin lộc, phát lộc, mà đây nói chính xác là văn hóa dân gian có nguồn gốc phát xuất từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến Phật giáo qua quá trình tiếp biến văn hóa. 

Theo đó, mỗi người đến chùa lễ Phật, đều mong muốn được có một thứ gì đó cầm về, tượng trưng cho lộc mà họ nhận được, thêm vào đó chút lòng tin tín ngưỡng, giúp họ cảm thấy được bình an, được hỗ trợ về tinh thần hơn. Từ đây, Phật giáo nhiều khi cũng nương theo tập tục dân gian, mà nảy sinh việc “phát lộc”, là vậy.

Trước đây, người ta hái lộc bằng nhiều hình thức, như nhận bánh, trái cây, đèn cầy… tại các chùa, việc phát lộc cũng như nhận lộc đều diễn ra trong không khí nhẹ nhàng, tạo một nét văn hóa rất đẹp của người Việt trong những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, vài năm trở lại đây, việc “hái lộc” tại các lễ hội, các chùa, đã biến tướng thành sự mê tín, dẫn đến tranh chấp, cướp giật để đoạt lấylộc, rồi lại coi đó là may mắn của mình cho cả năm, tạo nên những nét vẽ xấu xí cho bức tranh ngày Tết cổ truyền Việt Nam.

Không chỉ riêng hành vi “cướp lộc”, mà việc tổ chức “phát lộc” tại một số chùa, đặc biệt là trong năm vừa qua, cũng để lại nhiều dấu ấn không hay, gây ra những ánh nhìn thiếu thiện cảm cho Phật giáo nói chung.

Theo đó, HT.Thích Nguyên Giác, trụ trì chùa Già Lam (tu viện Quảng Hương Già Lam - Q.Gò Vấp, TP.HCM), cũng chỉ rõ, một ngôi chùa thật sự, là nơi dạy con người biết bình tĩnh và sáng suốt để xử sự, chứ đâu thể dạy con người cầu may rủi. Hơn nữa, chùa chiền càng không thể là nơi dạy cho con người tham lam và phát khởi tâm ham muốn quyền hành một cách bất chính, thông qua nhiều hình thức như phát ấn, bốc quẻ, dâng sao giải hạn… như vậy được. 

“Con người bình sinh, ai cũng muốn có được may mắn, tiền bạc dồi dào, vì lộc vốn tượng trưng cho tiền bạc, nên đầu năm ai cũng muốn có được lộc, tuy nhiên lấy lộc bằng cách làm như vậy thì không phù hợp. Thử nghĩ xem, sẽ thế nào nếu những người sẵn sàng cấu xé, giẫm đạp lên người khác để giành bằng được thứ mình muốn (cái lộc, cái ấn) kia, thật sự nắm được quyền hành trong tay? Sẽ thế nào, nếu những người không hề màng đến sinh mạng của người khác, chỉ để thỏa được lòng ham muốn vật chất của mình, làm chủ một doanh nghiệp? Cứ theo lối chụp giựt ấy thì nát hết nền kinh tế”, HT.Thích Nguyên Giác thẳng thắn nhìn nhận.

Nhà chùa và Phật tử phải cùng thay đổi tư duy về “hái và phát lộc”
Đó là khẳng định của vị giáo phẩm trụ trì chùa Già Lam, ngôi chùa có hình thức phát lộc độc đáo: trao cho mỗi Phật tử, du khách đến chùa, vào ngày Tết một nén nhang trầm.

Bên cạnh việc tranh giành các vật trang trí có hình tượng Phật, cướp đoạt ấn… được xem là “lấy lộc” đầu năm, thì ở nhiều nơi còn diễn ra tình trạng “hái lộc” bằng cách bẻ cây cảnh trong khuôn viên nhà chùa, đặc biệt là giống cây mai và đào, đặc trưng của ngày Tết. Không khó để nhìn thấy hình ảnh những chậu mai, đào, khi qua khỏi giao thừa là y như rằng xơ xác, tàn rụi cả. Việc bẻ lộc cây mang về nhà, xem đó như lộc đầu năm cũng là một trong những quan niệm cổ hủ từ xưa, khi họ gắn “lộc” ở nghĩa tiền bạc giống với “lộc” ở cây cối, dựa vào câu “Đâm chồi nảy lộc”. Có lẽ từ cái niềm tin mù quáng đó, họ hái một cách thoải mái, lại thêm vào chút tâm linh, nên người ta hay muốn đến chùa hái lộc là vậy.

Đơn cử, HT.Thích Nguyên Giác chia sẻ, tập tục này ở khu vực phía Bắc vẫn còn diễn ra nặng nề hơn vùng phía Nam, có thể thấy chỉ sau một đêm giao thừa thôi thì cây cối chẳng còn gì. Hay như ở thiền viện Vạn Hạnh, có đợt qua Tết, toàn bộ mai và cây cối trong vườn hầu như chỉ trơ lại gốc, còn thì người ta bẻ trụi hết. Trong lúc đó, nhà chùa chăm cả mấy năm mới được một cây mai tốt tươi, nhà vườn nhiều khi 5-7 năm mới được một cây mai vững chãi, việc bẻ trụi mầm non và cả cành như vậy, đồng nghĩa với việc cây mai, đào ấy sẽ chết hẳn.

Trước thực trạng đó, ở chùa Già Lam (TP.HCM), được biết từ nhiều đời trụ trì trước đã hướng Phật tử đến chùa nhận lộc bằng một cây hương, thay cho việc bẻ lộc cây như vậy: “Để tránh được hai vấn đề: 
1. Tránh cho người ta gây nên những cảnh tượng không hay, vì muốn có lộc mà nảy sinh những tập tục không đẹp, hành vi phá hoại không đáng đó. 

2. Hướng con người có một cái nhìn tốt đẹp hơn, đó là đạo lý của nhà Phật. 

Theo đó, một nén nhang, một cây hương, như gửi lòng mình lên Tam bảo, ông bà, tổ tiên. Với ý nghĩa đó, Hòa thượng xưa mới nghĩ đến cách phát lộc bằng một cây hương. Có người họ thắp luôn tại chùa, dâng trọn lên Tam bảo; có người lại châm hương ở chùa, rồi đem về nhà, thắp lên bàn thờ tổ tiên, như hình thức xông nhà bằng hương chùa đầu năm. Nhìn chung cách làm nào cũng đều tốt hơn rất nhiều so với việc bẻ cây. Nhờ đó, ở Già Lam cây cối mới giữ được tươi tốt, chỉnh tề tới giờ”. 

Được biết, hiện nay, không ít những ngôi chùa để khắc phục hành vi bẻ mai, đào đắt tiền, gây hư hoại, họ đã sắm về nhiều chậu cảnh rẻ tiền hơn, trưng bày dọc lối vào, hay khắp khuôn viên chùa để mặc người đến dâng hương thoải mái bẻ. Có thể khẳng định, đây là một sự ứng xử có phần chưa hay của các chùa, nơi đúng ra cần lý giải, hướng dẫn cho Phật tử, hay du khách đến chùa hành vi không đẹp của họ, như vậy mới đúng với tinh thần từ bi của nhà Phật.

Đồng tình với quan điểm không thể chiều lòng Phật tử một cách thiếu ý thức, Hòa thượng cho biết, ở Quảng Hương Già Lam, sự thay đổi trong cung cách phát lộc của chùa và tư duy hái lộc của người đến chùa, ban đầu cũng gặp không ít khó khăn: “Trước tiên hết là nhà chùa phải chỉ ra tác hại và tư duy sai lệch của người bẻ lộc cây, rằng như vậy thì hết phước chứ làm sao có lộc được. Sau, giảng giải, khuyên nhủ cho họ hiểu nên làm gì, và mỗi người đến chùa dịp Tết sẽ được phát lộc bằng cái khác, ý nghĩa ra sao. Tất cả những điều đó, nhà chùa có thể làm được qua các buổi thuyết pháp, hay sinh hoạt Phật giáo tại chùa. Dĩ nhiên không phải dễ để thay đổi được tư duy và thói quen của bà con liền được, nhưng mọi người truyền tai nhau, rồi sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực. Bên cạnh đó, đến mỗi dịp Tết, chùa lại cắt cử người, chịu khó trông chừng. Phật tử, du khách đến, thấy có quý thầy đứng đó nhắc nhở, họ cũng ngại, không dám bẻ lộc nữa. Dần dần có ý thức, bỏ hẳn luôn. Cần nhất là giáo dục cái đúng để người ta thay đổi tư duy, ý thức, từ bi ở chỗ đó. Mình may mắn được tiếp cận với giáo lý của Phật và có am hiểu, thì không nên “làm ngơ” trước hành vi ấy, mà nên khuyên răn, chỉ bày cho họ, mưa dầm sẽ thấm đất và thấm lâu thôi”, Hòa thượng chia sẻ.

Được biết, tại một số cơ sở tự viện, quý Tăng Ni cũng tổ chức nhiều hình thức phát lộc “văn minh” khác, tạo cho người đến chùa một tư duy, tác phong đẹp vào ngày đầu năm mới. Đơn cử như việc phát phong bì lì xì, trong đó là một câu kinh Pháp cú, và tờ tiền mệnh giá nhỏ (1.000 - 2.000 đồng); hay phát một chuỗi hạt nhỏ đeo tay, một thẻ hình Phật, hoặc dây đeo cổ có hình tượng chư Phật…

BÀN VỀ CÚNG SAO GIẢI HẠN
Thích Chân Tính


Trong những ngày đầu năm mới, có rất nhiều người tìm đến chùa hay các nhà tử vi, tướng số để xem năm nay mình bị “sao” nào “chiếu”. 

Dân gian lại có câu “Nam La Hầu, Nữ Kế Đô”, “Thái Bạch hết sạch cửa nhà”,… khiến cho người xem “sao” phải lo lắng, hoang mang khi trong năm đón nhận một vì “sao” không tốt. 

Nắm được tâm lý của những người nhẹ dạ cả tin, những ông đồng, bà cốt lại được cơ hội “tung chiêu” khiến cho người xem bói lo sợ, từ đó “vung tiền” để cầu được “giải hạn”, với niềm hy vọng thoát được tai ương sắp tới. Đôi khi việc xem bói khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng bi đát, “tiền mất tật mang”. Vì mang tâm trạng hoảng sợ nên nếp sinh hoạt và làm việc của những người này bị ảnh hưởngxấu, khi gặp điều không như ý càng làm cho lòng tin vào những lời “phán” của ông thầy bói trở nên mạnh mẽ. Do đó, chúng ta cần có nhận thức rõ ràng về hình thức “Cúng Sao Giải Hạn” trong những ngày đầu năm.

Sao là những thiên thể hình cầu, tự phát sáng giống như mặt trời. Nó được hình thành qua quá trình ngưng tụ do lực hấp dẫn của bụi khí vũ trụ. Ngôi sao gần Trái Đất nhất cách chúng ta 4.2 năm ánh sáng, vận tốc của ánh sáng là 300.000 km/s (nếu dùng một phi thuyền có vận tốc bằng vận tốc ánh sáng, từ Trái Đất bay đến vì sao gần nhất phải mất 4.2 năm). Với mắt thường, ban đêm nhìn lên bầu trời ta có thể thấy được khoảng 5000 ngôi sao. Nếu dùng kính viễn vọng lớn, chúng ta có thể nhìn thấy hàng tỉ ngôi sao trong vũ trụ này. Thế nhưng, các nhà chiêm tinh của Trung Quốc chỉ chọn ra được 9 vì sao để đưa vào sách Tử Vi, đó là: Thái Bạch, Thái Âm, Thái Dương, La Hầu, Kế Đô, Thủy Diệu, Thổ Tú, Mộc Đức và Văn Hớn.

Các chiêm tinh gia quan niệm rằng: Tùy theo độ tuổi của mỗi người mà tương ưng với một vì sao trong năm đó, việc tính “sao” sẽ đi kèm với việc tính “hạn”.

Trong số 9 sao này có những sao khi chiếu đến, người ta sẽ gặp vận may, làm ăn buôn bán được, cuộc sống sung túc, hạnh phúc; có những sao chiếu vào thì bệnh hoạn, tai nạn, tán gia bại sản hoặc mất mạng (gặp hạn xấu). Như vậy, chúng ta thấy rằng trong cả hàng tỉ vì sao mà các nhà chiêm tinh Trung Quốc chỉ chọn ra có 9 sao, những ngôi sao kia thì như thế nào?

Các nhà khoa học đã khẳng định rằng, những ngôi sao chỉ là khối vật chất vô tri vô giác, đã là khối vật chất vô tri vô giác thì làm sao chúng ta có thể cầu cúng được. 

Giả sử có một vị thần linh, nếu mình đem lòng thành dâng cúng, khấn nguyện một điều gì đó, vị thần thấy mình có lòng thành, biết điều, biết dâng cúng thì thần linh sẽ ban phước. Còn người nào không cúng cho thần linh thì có thể thần linh ghét, giận nên giáng họa. (Theo quan điểm của Phật giáo, không có một vị thần nào có thể ban phước hay giáng họa cho con người). Còn ở đây chúng ta thấy rất rõ: “sao” chỉ là một khối vật chất, không phải thần linh, mà đã là vật chất thì làm sao có thể chiếu vào một người khiến cho họ gặp điều tốt hay xấu. Thế mà đôi lúc, chúng ta lại tin một cách mù quáng, tin mà không hiểu. Khi tin mà không hiểu người ta gọi đó là mê tín.

Khoa học cho chúng ta biết, từ quả địa cầu đến một ngôi sao gần nhất phải mất 4.2 năm ánh sáng. Vậy khi chúng ta khấn hay xin một việc gì với ông sao nào ở trên trời, lời khấn đó phải mất bao lâu mới đến? Khoảng 4.2 năm thì lời khấn mới đến được ông sao đó (nếu lời khấn có thể di chuyển với tốc độ ánh sáng là 300.000 km/s). Giả dụ ông sao đó có ban phước cho chúng ta thì phải mất 4.2 năm sau phước đó mới đến được, có thể lúc đó chúng ta không còn tồn tại trên cõi đời này.

Cho nên phải thấy rằng, “sao” là một khối vật chất thì chúng ta không thể nào cầu xin được cái gì ở nó cả.

Ví dụ một chất dầu đổ trên mặt nước sẽ nổi. Bây giờ chúng ta đến để cầu nguyện cho những mảng dầu ở trên mặt nước đó chìm xuống đáy có được hay không? Chắc chắn là không.

Lại có một khối đá rơi xuống sông và chìm dưới đáy, chúng ta đến đó để cầu nguyện cho khối đá nổi lên thì có thể nổi được hay không? Cũng không thể nào nổi được.

Bởi vì đá là những khối vật chất, mà vật chất thì vô tri vô giác, không cảm nhận được những gì mà chúng ta cầu nguyện, mong muốn. Chỉ có thần linh mới có thể cảm nhận hay nghe được, mà những ngôi sao đó lại không phải là thần linh. Trên thực tế, thần linh còn không thể ban phước hay giáng họa cho ai, huống chi những ngôi sao không phải là thần linh thì không thể nào tiếp nhận được lời cầu nguyện của mình, cũng như không thể ban phước hay giáng họa được.

Chúng ta phải tin sâu nhân quả, cố gắng làm lành, lánh dữ, tu nhân, tích đức thì quả tốt sẽ đến với mình, không nên tin vào một ông sao nào chiếu vào khiến mình may mắn hay bất hạnh. Vấn đề cúng sao giải hạn chỉ là sản phẩm của các thầy cúng Trung Quốc. Người đệ tử Phật đừng tin vào đó rồi lo lắng, hoang mang. Việc cúng sao giải hạn chỉ làm ta tốn tiền tốn của mà không đem lại ích lợi gì.

Chúng ta muốn tin một điều gì thì phải tìm hiểu một cách rõ ràng rồi mới tin, như vậy mới không bị người khác lừa gạt. Phật giáo không dạy những việc cầu cúng như thế. Cho nên chúng ta cứ yên tâm, không phải lo gì “sao tốt sao xấu”, là người Phật tử chúng ta không phải sợ “sao” gì chiếu cả.

Trích từ bài giảng Sở Trường Người Xuất Gia của Thượng tọa Thích Chân Tính
(TV.HoaSen)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét