- 15 thành phố cổ nhất thế giới còn tồn tại cho đến ngày nay

Bạn có biết trên thế giới này vẫn tồn tại những thành phố hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn năm tuổi? Vì có rất nhiều nền văn minh cổ đại từng tồn tại, nhiều cái bị diệt vong nhưng cũng có cái vẫn tồn tại cho tới ngày nay. 

1. Balkh, Afghanistan: Thành lập 1.500 năm TCN



Người ta ghi nhận dấu tích xuất hiện của con người ở Balkh từ 1.500 năm TCN. Ở thời đó, thành phố Balkh rất nổi tiếng. Hi Lạp cổ đại hay La Mã đều biết tới nơi đây như một vùng đất Trung Đông bí ẩn và giàu có. Balkh được xem là một trong những cái nôi của các nền văn hóa Ả Rập, nơi đây từng được ưu ái đặt tên là “Mẹ của các thành phố”. Rất nhiều nền văn hóa, ngành công nghiệp và đế chế ra đời từ thành phố này, kể cả đế chế Ba Tư .

Thành phố Balkh vẫn còn tồn tại cho tới hiện nay, nó vẫn giữ được một trong những ngành nghề truyền thống là dệt may.
2. Kirkuq, Irag: thành lập 2.200 nămTCN


Thành phố Kirkuq nằm ở phía Đông Bắc nước Iraq, được thành lập từ 2.200 năm TCN. Thành phố này cách thủ đô Bagdad hơn 200km và là một trong những nơi khai thác vàng đen lớn nhất Iraq. Ở thời xa xưa, người Babylon và các tư tế giữ vai trò điều hành vùng đất này. Ngôi nhà màu xanh trong hình là một thành lũy 5.000 năm tuổi còn sót lại của Kirkuq cho tới ngày nay.

3. Arbil, Iraq: 2.300 TCN



Thành phố cổ này ra đời 2.300 TCN, là một trong những vùng đất trù phú và giàu có nhất của nước Iraq xưa, trung tâm thương mại và giao thương quan trọng thời đó. Khi người Ba Tư nắm quyền điều hành Arbil, đây là một trong những điểm dừng chân quan trọng của con đường tơ lụa. Thành lũy cổ xưa vẫn còn được lưu giữ tận hôm nay.

4. Tyre, Lebanon: 2.750 năm TCN


Tyre là thành phố của Lebanon (còn gọi là Liban, một quốc gia Tây Á) được thành lập từ 2.750 năm TCN. Tyre còn có tên gọi là Týros, nghĩa là “đá” bởi thành phố này được xây dựng trên tầng địa chất là đất đá.

Ngày nay, đây là thành phố lớn thứ tư Liban và sở hữu một trong những bến cảng lớn của quốc gia. Du lịch là ngành kinh tế chính của thành phố. Týros sở hữu nhiều di tích cổ và đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1984.

5. Jerusalem: 2800 năm TCN


Thành lập từ khoảng thiên niên kỷ thứ 3 TCN, thành phố đã hai lần bị hủy diệt và trải qua nhiều lần bị vây hãm và tấn công trong suốt lịch sử. Hiện nay, nó vẫn nằm ở tâm điểm cuộc tranh chấp giữa Israel và Chính quyền Quốc gia Palestine. Trong Chiến tranh Sáu ngày (1967), Israel đã chiếm hoàn toàn lãnh thổ Jerusalem và tuyên bố thành phố là thủ đô của mình. Điều này không được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi và không có đại sứ quán ngoài nào đóng ở Jerusalem.

Jerusalem là thánh địa quan trọng nhất đối với người Do Thái bởi vì theo Kinh Thánh Do Thái, chính nơi đây vua David của Israel đã xây dựng thủ đô của vương quốc Israel thống nhất và vua Solomon xây Đền Thờ Đầu tiên.

Trong khi đó theo Tân Ước chính tại Jerusalem Chúa Jesus đã bị đóng đinh trên thập giá; và trong truyền thống Hồi giáo dòng Sunni đây là thành phố quan trọng thứ ba (sau Mecca và Medina) bởi theo Qur’an đây là điểm dừng chân trong Hành trình Đêm kỳ bí của ông. Do đó, thành phố trở thành một thánh địa chung của cả ba tôn giáo nói trên, lưu giữ nhiều di tích tôn giáo và là điểm hành hương hàng năm. Khu vực Cổ Thành đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981.

6. Beirut, Liban: 3000 năm TCN


Beirut có tên tiếng Pháp là Beyrouth, là thành phố lớn nhất nước Liban, nằm bên bờ biển Địa Trung Hải, vì vậy đây là thành phố cảng lớn nhất của nước này. Thành phố nằm trên một bán đảo hơi nghiêng về phía Địa Trung Hải, thành phố bị bao trong Dãy núi Liban nhô cao lên về phía Đông.

Khí hậu Địa Trung Hải của thành phố tạo ra mùa Hè nóng và mùa Đông êm dịu với độ ẩm cao về mùa Hè. Tên theo tiếng Ả Rập Beirut có nghĩa là “những giếng nước” do nguồn nước cung cấp ở khu vực này lấy từ nước ngầm. Khu vực thành phố có diện tích khoảng 19,8 km2, nhiều khu vực nằm ngoài ranh giới nội thành thường được tính vào nội thành.

7. Gaziantep, Thổ Nhĩ Kì: 3.650 năm TCN



Thành phố Gaziantep có diện tích khoảng 7.642 km vuông, dân số khoảng 1,3 triệu người, là thành phố lớn thứ 6 của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Suốt lịch sử của mình, Gaziantep trải qua nhiều sự đô hộ của các đế chế khác nhau, gồm có Babylon, Ba Tư, La Mã và Ả Rập.

8. Plovdiv, Bulgary: 4.000 năm TCN



Người ta ghi nhận được sự xuất hiện của con người ở thành phố này cách đây 8.000 năm. Khoảng 4.000 năm TCN thì thành phố Plovdiv chính thức được thành lập. Ban đầu đây là vùng đất định cư của người Thracia, sau đó về tay đế chế La Mã .

Một số nguồn tin đáng tin cậy cho rằng Plovdiv là thành phố có người định cư liên tục lâu đời nhất của châu Âu. Đây là một trung tâm văn hóa, hành chính, gia thông vận tải, giáo dục quan trọng của Bulgary.

9. Sidon, Liban: 4.000 năm TCN



Sidon là thành phố lớn thứ 3 của Liban, nằm cách Tyre 40km về hướng Bắc. Sidon được đặt theo tên của Sidon, con trai của Canaan, cháu của Noah, người xây dựng chiếc tàu khổng lồ cứu muôn loài khỏi trận đại hồng thủy.

Lịch sử ghi nhận rằng Sidon từng bị đánh chiếm bởi Alexander Đại Đế, đây cũng là địa điểm mà Chúa Giê-Su và thánh Paul từng viếng thăm. Với bề dày lịch sử lâu đời, Sidon là một trong những địa điểm quan trọng của ngành khảo cổ học, cũng như là điểm du lịch nên đến khi tới thăm Liban.

10. Faiyum, Ai Cập: 4.000 năm TCN



Faiyum là một trong những thành phố cổ nhất của Ai Cập cổ đại , được xây dựng từ cách đây 6.000 năm. Thành phố này nằm ở miền trung Ai Cập, từng là một trong những nơi dùng để điều tiết thủy lợi của người xưa.

Các công trình khảo cổ cho thấy khoảng 1800 năm TCN, vào thời pharaoh Amenemhat III, người Ai Cập đã tận dụng các ốc đảo ở Faiyum để chứa nước nhằm điều tiết thủy lợi, chia bớt lưu lượng nước của sông Nile mùa lũ, cung cấp nước cho các vùng lận cận vào mùa khô.

11. Susa, Iran: 4.200 năm TCN


Hiện nay chỉ có khoảng 65.000 người cư trú ở thành phố này. Thời xưa, nơi đây là kinh đô của đế chế Elam, có một thời gian Susa bị chiếm đóng bởi người Ba Tư và sau này giành được độc lập, về lại với chính quyền Iran như ngày nay.

12. Damascus, Syria: 4.300 năm TCN


Damascus là thủ đô, thành phố lớn nhất của Syria, nằm trong đất liền, cách Địa Trung Hải 80km. Thành phố rộng 105km vuông, nằm trên một cao nguyên cao 680m so với mực nước biển. Người ta cho rằng Damascus là thành phố có người ở liên tục cổ nhất trên thế giới, trước cả Faiyum của Ai Cập, thậm chí một số nhà lịch sử còn tin rằng con người từng sống ở đây từ 10.000 năm TCN. Dân số hiện nay của nơi này khoảng 1,7 triệu người.

13. Aleppo, Syria: 4.300 TCN



Aleppo là thủ phủ của tỉnh Apeppo, tỉnh đông dân nhất ở Syria. Aleppo có diện tích 190km vuông, dân số khoảng 2,5 triệu người. Trong lịch sử, Aleppo là thành phố lớn nhất của Syria, là thành phố lớn thứ 3 của đế chế Ottoman, chỉ sau Constantinopolis của La Mã và Cairo của Ai Cập.

14. Byblos, Liban: 5.000 năm TCN


Cách đây 7.000 năm, thành phố này được thành lập với tên gọi Gebal, bởi nền văn minh Phoenicia. Sau này người Hy Lạp đổi tên thành phố thành Byblos. Trong kinh thánh, Byblos nghĩa là giấy cói, bởi đây là một trong những nơi xuất khẩu giấy cói lớn nhất thời đó. Byblos nằm cách Beirut 42 km về phía Bắc. Đây là thành phố có người ở lâu đời thứ hai thế giới, sau Damascus.

15. Jericho, Palestine: 9.000 năm TCN


Jericho là một thành phố nằm ở bờ Tây sông Jordan, được ghi nhận là thành phố cổ nhất thế giới, có niên đại lên tới 11.000 năm. Dân số hiện nay của Jericho chỉ khoảng 20.300 người. Trong truyền thuyết, sau khi được Moses giải thoát khỏi kiếp nô lệ ở Ai Cập, người Do Thái xưa dưới sự dẫn dắt của Joshua đã trở về và định cư ở Jericho, hòa nhập với những người dân bản xứ từng sống ở đây nhiều ngàn năm trước.

Jericho nằm trong một ốc đảo ở Wadi Qelt, thấp hơn mực nước biển tới 258m, do đó đây là nơi thấp nhất thế giới có người sống.

Theo Báo Mới/Therichest

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét