- Bài học "vỡ lòng" cho những người làm con...




Bao dung bố mẹ, mới có thể bao dung thiên hạ

Hình minh họa

Ví dụ có những bậc cha mẹ nóng nảy, lại có những người thiên vị con cái, có người lại nghèo khó ốm đau, lại có người lạc hậu, chậm chạp, đặc biệt là những bố mẹ tuổi đã cao, đầu óc không còn minh mẫn, ở bẩn, người có mùi hôi, thậm chí có những người không thể kiểm soát các hành vi, đại tiểu tiện lúc nào không hay…

Mỗi người chúng ta đều do bố mẹ sinh thành, dưỡng dục. Tuy nhiên, mỗi người làm cha mẹ không có ai là hoàn hảo, ai cũng có khuyết điểm này, điểm yếu kia.

Thế nhưng, chính những vấn đề này lại trở thành lý do để rất nhiều người không hiếu thuận với bố mẹ.

Mỗi người làm con đều cần phải nhớ, bố mẹ là nhóm đối tượng đầu tiên mà chúng ta thực hành tu dưỡng. Mỗi chúng ta, hãy bắt đầu từ bố mẹ để học cách bao dung, yêu thương. Bất luận là bố mẹ có thế nào, chúng ta cũng đều phải yêu thương, hiếu kính và tôn trọng họ.

Một người, đến bố mẹ đẻ ra mình còn không muốn bao dung thì chắc chắn, người đó sống trên đời sẽ là một kẻ hẹp hòi, tính toán.

Mà đã nhỏ mọn hẹp hòi, làm sao có thể làm nên việc lớn? Đó cũng là lý do mà vì sao, các vua chúa trước đây khi chọn lựa quan lại đều đặt lòng hiếu thảo lên hàng đầu.

Ngay cả việc chọn bạn đời cũng vậy, cần đặt lòng hiếu thảo của đối phương lên vị trí số 1 để cân nhắc.

Con trai có trách nhiệm với bố mẹ hay không, con gái có hiếu thuận, đối xử tốt với bố mẹ hay không, nếu không chú trọng đến vấn đề này mà lấy phải người đến bố mẹ cũng không thể bao dung thì sau này, những khiếm khuyết đó sẽ là rào cản trong hạnh phúc gia đình và rộng hơn là rào cản trong các mối quan hệ xã hội.

Tranh minh họa.

Nói đi cũng cần nói lại, với người làm bố mẹ, dù con cái có thế nào, bố mẹ cũng cần yêu thương, chăm sóc, dưỡng dục, mong con cái sau này phương trưởng, thành đạt, một đời bình an, hạnh phúc.

Với những bố mẹ đến con mình cũng không thể bao dung, đứa trẻ đó từ nhỏ đã bị ảnh hưởng, sau này làm sao có thể mang trong mình một trái tim rộng lượng?

Không có một trái tim yêu thương rộng lớn, đời người ắt sẽ gặp vô số trắc trở, làm sao có thể có hy vọng vào một tiền đồ rộng mở? Làm gì có vui vẻ hạnh phúc? Con cái của những người như thế sau này lớn lên cũng là lúc bố mẹ già đi cần chăm sóc, chúng nhất định sẽ tính toán với bố mẹ.

Làm người cần tận hiếu, đó là bước đầu tiên giúp thay đổi vận mệnh. Bởi vì chúng ta làm người, đến bố mẹ còn không thể bao dung thì làm sao có thể bao dung cả thiên hạ?

Là người làm cha mẹ, nếu muốn con cái hạnh phúc, có cuộc đời thuận lợi, bản thân bố mẹ cũng cần phải hiếu kính với người đã sinh thành ra mình, bắt đầu bao dung từ phụ mẫu cho đến những người khác, chấp nhận những cố chấp của bố mẹ, nhẫn nại, chăm sóc họ…

Tất cả mọi tài sản, danh dự, địa vị đều là những biểu hiện bên ngoài, chỉ có đạo đức, đức hạnh mới là căn bản. Đức dày có thể gánh được vạn vật, câu nói này quả thực chẳng sai.

Tranh minh họa.

5 điều không oán thán để yêu thương bố mẹ
1. Không oán trách bố mẹ không có khả năng
Không có ai trên đời này là vạn năng, cũng không có ai là hoàn mỹ.

Bố mẹ đã cho chúng ta sinh mệnh, dốc hết tâm huyết và sức lực để dưỡng dục chúng ta thành người, việc đó đã không dễ dàng gì, thế nên mỗi người cần phải biết mang ơn bố mẹ vì điều đó, đừng oán trách họ "bố nên là một người bố thế nào, mẹ nên là một người mẹ thế nào"…

Hãy nói với họ một cách chân thành, rằng: "Con chấp nhận bố mẹ như thế, con chấp nhận và hưởng thụ tất cả những gì bố mẹ trao cho con."

2. Không oán trách bố mẹ nói nhiều

Bố mẹ xuất hiện trên đời này trước chúng ta, tích lũy kinh nghiệm sống trước chúng ta, trưởng thành rồi mới sinh ra chúng ta. Khi chúng ta ra đời, họ cam tâm tình nguyện dùng hết phần đời còn lại chăm lo cho con cái.

Bố mẹ dạy ta mặc quần áo, dạy ta cách ăn cơm, trông ngóng hy vọng chúng ta bình an hạnh phúc… Chỉ có những người thực sự yêu thương ta mới nhắc nhở, bản ban, mới nói nhiều với ta mà thôi. Bố mẹ tuyetj đối không bao giờ nói nhiều với một người không liên quan đến họ.


3. Không oán trách sự trách móc của bố mẹ

Bố mẹ trách móc chúng ta chỉ vì không hài lòng với chúng ta ở hiện tại. Khi chúng ta làm đủ tốt, họ sẽ hy vọng chúng ta làm tốt hơn! Bố mẹ mong như vậy không phải vì bản thân.

Có lẽ cuộc đời họ đã có quá nhiều điều không như ý, có thể công việc hằng ngày của họ đã quá vất vả mà chẳng thể nói với ai, vì thế, họ chỉ biết khát vọng ở con cái, mong con cái sau này thành đạt để không phải sống cuộc đời như họ mà thôi.

4. Không oán trách sự chậm chạp của bố mẹ

Bố mẹ già đi, mọi vận động lẽ tự nhiên cũng sẽ trở nên chậm chạp. Làm con, tuyệt đối đừng khó chịu, oán trách sự chậm chạp đó của bố mẹ, bởi chúng ta mãi mãi chẳng thể tưởng tượng ra ngày nhỏ, bố mẹ đã nhẫn nại ra sao khi dạy chúng ta tập đi.

Khi bố mẹ còn trẻ, có thể họ còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn chúng ta bây giờ. Vì chúng ta, họ mới phải mệt mỏi đến lưng còng tóc bạc.

Nếu có một ngày bố mẹ già đi, chân tay run lập cập, người làm con xin nhớ: Nhìn bố mẹ chính là nhìn tương lai của bản thân sau này, nên nhất định cần phải hiếu thuận với họ.


5. Không oán trách bố mẹ ốm đau
Dù bận cỡ nào, dù là ban ngày hay trời tối, dù là mưa gió bão bùng, chúng ta chỉ vừa ốm, bố mẹ đã bỏ tất cả, vội vàng đưa chúng ta vào bệnh viện, cả đêm thức trắng chăm nom.

Vậy khi bố mẹ ốm đau, chúng ta đã làm được những gì?

Trong cuộc sống hằng ngày vẫn thường có những thông tin phản ánh việc con cái bỏ mặc bố mẹ già yếu đau ốm, còn chúng ta, liệu chúng ta có thể làm một người con tận hiếu, chăm sóc người sinh thành khi họ đổ bệnh?

Sinh mệnh con người không dùng vào việc oán trách. Chúng ta dần trưởng thành cũng là lúc bố mẹ dần già đi, cho đến khi rời xa chúng ta… Không có bố mẹ sẽ không có chúng ta. Oán trách bố mẹ chẳng bằng thấu hiểu và thông cảm cho bố mẹ.

Nếu đến bố mẹ còn không thể bao dung, làm sao có thể bao dung thiên hạ? Trong hàng trăm điều thiện, chữ hiếu đứng hàng đầu. Từ bây giờ, hãy nhớ đừng bao giờ oán trách người đã sinh ra mình bạn nhé!

Theo Diệp Anh (Trí thức trẻ)

Học đút cơm cho má
Tôi cứ tự hỏi, sao chẳng có sách nào dạy ta chăm sóc mẹ cha cho thật cụ thể, thật rõ ràng.

Trong các nhà sách, thư viện hay trên mạng xã hội, bạn có thể tìm được nhiều cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con cái. Thế nhưng sách dạy con cái cách chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật lại chẳng có cuốn nào.

Ảnh minh họa

Hơn hai năm qua, từ khi ba mất, tôi chuyển về ở cùng để chăm sóc má và mỗi ngày tôi phải dần học kỹ năng chăm sóc người già. Vẫn biết “một già một trẻ bằng nhau”, thế nhưng khó mà chấp nhận được ngay rằng người đang ngồi trước mặt bạn kia - là ba, là mẹ bạn - đang nhõng nhẽo không chịu ăn thêm một miếng cháo, nhăn nhó, rớm nước mắt khi bạn đi làm và òa khóc khi bạn nói bạn đi chơi, đi công tác.

Người đó, trong mắt bạn, có bao giờ như thế đâu. Bao năm qua, đó là một tượng đài về sự mạnh mẽ, quả cảm, đã vượt bao giông tố, thử thách của cuộc đời để nuôi bạn lớn khôn kia mà.

Cha mẹ đã bao lần là nơi bạn tìm về khi đôi chân mỏi mệt, khi trái tim tan nát và cả những khi túi tiền cạn kiệt. Bây giờ, người lớn tuổi ấy lại nhỏ bé, gầy yếu, mỗi ngày một trẻ con hơn, nhõng nhẽo hơn.

Tôi vẫn hiểu yêu thương vốn chẳng cần sách vở. Chỉ tình yêu thương mới cho bạn đủ sức lực và kiên nhẫn chăm sóc một đứa trẻ hay một người già. Nhưng khi chăm sóc con, ta có bản năng làm mẹ, tình thương sẽ tự do phát tác để bạn kiên nhẫn ngồi hàng giờ đút cho chúng một chén cháo, thậm chí quát mắng hay tệ hơn là tét đít.

Ảnh minh họa

Thế nhưng, để kiên nhẫn đút cơm, dỗ dành một người già ăn lại khác. Bạn cần kiên nhẫn và bình tâm hơn cả trăm lần. Bạn không thể quát mắng hay biểu hiện quyền lực với cha mẹ mình.

Người già cũng giống trẻ con - chẳng thích ở một mình. Trẻ thì vì sợ hãi, người già thì vì cô đơn. Nỗi cô đơn đó, tôi nghĩ, có khi chỉ là một biểu hiện nhõng nhẽo của má. Nhưng để má ở nhà một mình một ngày, với mâm cơm dọn sẵn trên bàn, tôi đã chứng kiến má hoảng hốt thế nào. Và tôi hiểu, nguy hiểm không phải đến từ những bậc thềm mà từ những khoảng trống cô đơn.

Ngồi đút cơm cho má, tôi đã nhiều lần bỏ qua cơn buồn ngủ muốn gục của mình, bỏ qua cơn đau lưng, bỏ cả nỗi bực bội hay ngán ngẩm khi phải thương lượng, nài nỉ bà ăn. Tôi tự nhắc mình: ngày xưa, má cho mình ăn cũng cực như vậy. Khi bước ra cửa đi làm, đi chơi cùng bạn bè hay đi du lịch, tôi lại tự nhắc mình về nỗi ngóng đợi của một người già.

Tôi tự nhắc mình rằng ngày xưa, má là tất cả thế giới của mình. Cứ thế, trong những mệt mỏi, muộn phiền của cuộc mưu sinh, tôi luôn lấy đó làm câu thần chú yêu thương để kiên nhẫn hơn nữa: mình cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian bên má, chăm sóc má nữa.

Bài học yêu thương mà ai cũng biết (dù chẳng phải ai lúc nào cũng thực hành được và thực hành tốt) chưa phải là những điều lớn nhất tôi học được. Đến nhà tôi chơi bất thần, khéo có người nghĩ tôi “bạc đãi” mẹ.

Cô em dâu tôi từng chăm mẹ già hơn 10 năm đau bệnh, luôn dặn: “Má còn tự xúc ăn được, chị đừng đút má ăn. Má còn tự đi lại được, chị đừng bắt má nằm một chỗ. Hãy để cho má tự vận động, tự cầm nắm, tự xoa bóp cho mình thì chân tay má mới linh hoạt. Hãy trò chuyện với má thật nhiều, để đầu óc má được làm việc chứ không rơi vào trạng thái thức thức ngủ ngủ quá sớm”. Tôi phải từ từ tập “buông” má ra, “thả” cho má vận động.

Có lần, tôi đi làm về, mệt mỏi; má cầm chai dầu như bửu bối, nói: “Má xoa cái đầu cho con nhé”. Nhìn má tỉ mỉ lấy từng ngón tay nhỏ chấm dầu, xoa lên thái dương tôi, rồi bóp bóp - lực nhẹ hều, chẳng đủ khiến sợi dây thần kinh nào động đậy - tôi thương vô cùng.

Khuôn mặt má bừng sáng khi tôi nói: “Con đỡ rồi. Hết đau rồi”. Tôi muốn má nghỉ ngơi. Nhưng má lại giữ khư khư chai dầu trong túi, chốc chốc lại hỏi: “Con cần má xoa dầu nữa không?”. Tôi chợt nhận ra rằng, dù có bao nhiêu tuổi, cha mẹ cũng vẫn cứ muốn được trở thành người có ích cho con cái, được cảm thấy con cái vẫn cần đến mình, được chăm sóc chúng bằng tình yêu thương vô bờ bến.

Và mỗi lần mệt mỏi, buồn phiền, tôi lại nằm dài ra, nhờ “má thoa cho con chút dầu”, để được nhìn má lăng xăng móc chai dầu trong túi, bôi nhè nhẹ vào thái dương tôi, khiến mắt tôi cay xè - không biết vì má bôi dầu sai chỗ hay vì cảm động.

Bao ngày chăm sóc má là bấy nhiêu ngày tôi phải từ từ học những bài học yêu thương, kiên nhẫn, bài học cho và nhận. Nhiều khi tôi cũng sai lầm, lơ đãng, cũng bỏ qua và rồi hối hận. Tôi cứ tự hỏi, sao chẳng có sách nào dạy ta chăm sóc mẹ cha cho thật cụ thể, thật rõ ràng.

Theo Khánh Chi - Phụ nữ Tp.HCM


>> Người Mỹ chuẩn bị cho con học "vỡ lòng"

DANH NGÔN HAY VỀ LÒNG HIẾU THẢO

Khi bạn đang uống coca giải khát, hãy nghĩ xem bố mẹ thường uống gì.
Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem bố mẹ bạn thường mặc ra sao.
Khi bạn thoải mái tiêu pha, hãy nghĩ đến những thứ đồ bố mẹ bạn hay dùng như thế nào.
Bố mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức?
Rơi bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những thứ chúng ta đang dùng đều là do hai bàn tay cha mẹ đem về cho.
Xin hãy yêu quý bố mẹ của riêng mình, làm một người con hiếu thuận.

Khuyết danh923 người thích Thích

Đạo phụng thờ cha mẹ, đó là gốc của đức.
夫孝, 德之本也。
Phu hiếu, đức chi bổn dã.

Hiếu Kinh257 người thích Thích

Khi cha cho con, cả hai đều cười; khi con biếu cha, cả hai cùng khóc.
When a father gives to his son, both laugh; when a son gives to his father, both cry.

William Shakespeare168 người thích Thích

Khi bạn còn rất nhỏ… Bố mẹ dành rất nhiều thời gian, dạy bạn cầm thìa, dùng đũa, nên ăn như thế nào…
Dạy bạn mặc quần áo, đeo tất, buộc dây giày…
Dạy bạn rửa mặt, dạy bạn chải đầu…
Dạy bạn đạo lý làm người…
Bạn có còn nhớ chăng thường xuyên ép hỏi bố mẹ, bạn từ đâu ra? Cho nên…
Cho nên, đến một ngày bố mẹ già đi…
Xin đừng trách tội họ...
Khi họ bắt đầu quên cách buộc dây giày, quên đeo tất…
Khi đôi tay chải đầu của họ bắt đầu run rẩy không ngừng…
Xin đừng thúc giục họ, bởi vì khi bạn đang từ từ trưởng thành, thì họ lại dần dần già đi…
Chỉ cần bạn luôn ở trước mắt họ… Trái tim của họ sẽ thực sự ấm áp…
Nếu có một ngày, khi họ không còn đứng vững, muốn đi cũng không được…
Xin bạn hãy siết chặt lấy tay họ, ở bên cạnh họ chậm rãi bước đi…
Tựa như…
Tựa như năm đó bố mẹ nắm lấy tay bạn.

Tựa như tình yêu - Angelina144 người thích Thích

Hãy yêu khi mẹ vẫn còn biết
Đừng chờ đến lúc mẹ ra đi
Ghi lời yêu quí lên bia đá
Đá vô tri nào có nghĩa gì.

Khuyết danh100 người thích Thích

Chỉ khi bạn lớn lên và bước khỏi ông - hay rời ông để đến với gia đình của riêng mình - chỉ tới lúc đó bạn mới hiểu được sự vĩ đại của ông và thực tâm biết ơn điều đó.
It’s only when you grow up and step back from him–or leave him for your own home–it’s only then that you can measure his greatness and fully appreciate it.

Margaret Truman80 người thích Thích

Cha mẹ thương con tựa biển trời
Làm sao đền trả được người ơi
Nếu không có hiếu đừng bất hiếu
Bất hiếu làm ta khổ muôn đời.

Khuyết danh72 người thích Thích

Ở nhà phải hiếu thuận với cha mẹ, ra ngoài tôn kính người hơn tuổi, cẩn thận giữ điều tín, gần gũi thân cận với người nhân đức, được như vậy mà còn dư sức thì học tập tri thức nữa.
入则孝, 出则悌,谨而信,汎爱众而亲仁,行有餘力,则以学文。
Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân, hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn.

Khổng Tử64 người thích Thích

Sự vô ơn là điều đáng khinh nhất, nhưng kiểu vô ơn phổ biến và lâu đời nhất là sự vô ơn của con cái đối với cha mẹ.
Khuyết danh54 người thích Thích

Mẹ yêu con bên lòng canh cánh
Con yêu mẹ khuất núi là thôi.

Tục ngữ Tày-Nùng46 người thích Thích

Cha mẹ còn sống, con cái không nên đi xa, nếu đi phải cho cha mẹ biết nơi đến.
父母在,不遠游,游必有方。
Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương.
Khổng Tử43 người thích Thích

Ai kính trọng bố mẹ mình thì sẽ được con cái mình kính trọng.Ngạn ngữ Nga41 người thích Thích

Thờ cha mẹ, nên nhỏ nhẹ khuyên can, nếu thấy cha mẹ không theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm cha mẹ; tuy khó nhọc, lo buồn, nhưng không được oán hận.
事父母几谏,见志不从,又敬不违,劳而不怨。
Sự phụ mẫu ki gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi; lao nhi bất oán.

Khổng Tử38 người thích Thích

Có ba điều hiếu, đại hiếu là tôn trọng cha mẹ, thứ đến là không làm nhục cha mẹ, thấp nhất là nuôi được cha mẹ.
孝有三:大尊尊亲,其次弗辱,其下能养。
Hiếu hữu tam: đại tôn tôn thân, kì thứ phất nhục, kì hạ năng dưỡng.

Tăng Tử35 người thích Thích

Cha mẹ của mình, cho dù có nhiều khuyết điểm hơn nữa, nhưng vẫn là người thân quan trọng nhất, đừng để đến lúc mất đi họ rồi mới hiểu được sự trân trọng.
Hẹn đẹp như mơ - Phỉ Ngã Tư Tồn30 người thích Thích

Nếu cha mẹ có lỗi lầm, mình phải hòa nhã dùng lời ôn hòa can gián.
父母有過,下氣怡色柔聲以諫。
Phụ mẫu hữu quá, hạ khí di sắc nhu thanh dĩ gián.

Lễ Ký29 người thích Thích

Làm sao bạn có thể cười khi mẹ mình đói? Làm sao bạn có thể cười khi lí do để cười là sai trái?
How can you laugh when your mother's hungry? How can you smile when the reasons for smiling are wrong?

Jethro Tull27 người thích Thích

Không thừa thuận để vui lòng cha mẹ, không đáng gọi là người; không cảm động để làm hay cho cha mẹ, không đáng gọi là con.
Mạnh Tử26 người thích Thích

Đem lòng yêu vợ con ra yêu cha mẹ thời là hiếu; đem lòng giữ nhà ra giữ nước thời là trung; đem lòng trách người ra trách mình thời ít lỗi; đem lòng dong mình ra dong người thời trọn nghĩa.
Cảnh Hành Lục26 người thích Thích

Ngày nay người ta coi hiếu là có thể nuôi cha mẹ, nhưng đến chó, ngựa kia, người ta cũng nuôi, nếu không kính cha mẹ thì có khác gì?
今之孝者,是谓能养。至於犬马,皆能有养,不敬,何以别乎?
Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã giai năng hữu dưỡng, bất kính hà dĩ biệt hồ?
Khổng Tử24 người thích Thích

Nhà nghèo mới hay con thảo
Nước loạn mới biết tôi trung.
Đường Thư22 người thích Thích

Khốn nạn thay kẻ nào quên rằng mình là con cái.
Khuyết danh22 người thích Thích

Cây muốn lặng, gió chẳng đừng; con muốn nuôi, cha mẹ đã khuất.
Gia Ngữ22 người thích Thích

Người con đại hiếu, suốt đời mến cha mẹ.
Mạnh Tử21 người thích Thích

Con hiếu thảo, cha mẹ vui, nhà hoà thuận, muôn việc thành.
Thái Công21 người thích Thích

Con bất hiếu luôn oán trách mẹ cha, người xấu mắc nợ oán chủ cho vay.
Ngạn ngữ Trung Quốc21 người thích Thích

Kẻ biết làm con, vậy sau mới biết làm cha.

Gia Ngữ20 người thích Thích

Con nhà tử tế, cha giận, sợ ít; cha không nói, lại sợ nhiều.

Cổ Ngữ20 người thích Thích

Có lẽ khi chúng ta còn nhỏ, không hiểu tấm lòng bố mẹ, nên chúng ta mới phản kháng. Nhưng khi bạn đã trải qua thời kỳ nổi loạn đó, tâm hồn đã trưởng thành, hiểu được nhiều đạo lý hơn, thì bạn sẽ cảm nhận được tấm lòng của họ. Đúng vậy đấy, hãy nhìn xem, tóc của bố đã bạc chưa, gương mặt mẹ đã có thêm bao nhiêu nếp nhăn, đây đều là vì già đi do lo lắng cho chúng ta.

Xem như anh lợi hại, đồ xấu xa - Hốt Nhiên Chi Gian20 người thích Thích

Nếu có bao giờ con yêu mẹ
Hãy nói khi mẹ vẫn còn đây
Con biết được những dòng cảm xúc
Ngọt ngào êm dịu lẫn nồng say.

Khuyết danh18 người thích Thích

Con cái ngoan mang lại hạnh phúc cho cha mẹ. Con cái hư là kẻ đào mồ chôn cha mẹ chúng.Ngạn ngữ Trung Quốc16 người thích Thích

Trời cao bể rộng mênh mông
Ơn cha nghĩa mẹ đạo đồng chớ quên.

Giáo Tử Gia13 người thích Thích

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.

Nguyễn Đình Chiểu12 người thích Thích

Cha nghiêm sinh con trai hiếu hạnh, mẹ nghiêm sinh con gái vẹn toàn.
Khuyết danh11 người thích Thích

Bi ai lớn nhất đời người cũng không vượt quá điều này: Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi mà người không đợi.
Sói và Dương cầm - Diệp Lạc Vô Tâm10 người thích Thích

Tôi không hiểu rõ lý do gì, nhưng em không nên cố chấp. Chẳng có con cái nào lại không quan tâm đến bố mẹ… cũng chẳng có bố mẹ nào lại không lo lắng cho con.

Quyển sách kỳ bí - Yuu Watase9 người thích Thích

Người cao tuổi thường bị con cái lãng quên, và khi họ mất đi rồi mới biết trân trọng. Chỉ đến khi điều đó xảy ra, người ta mới cảm thấy hối tiếc biết bao, nhưng thời gian không thể quay ngược lại, mọi thứ đã không còn thay đổi được nữa.
Em là học trò anh thì sao - Điền Phản7 người thích Thích

Mình là sự tiếp nối của cha, của mẹ. Và mình mang mẹ cha đi về tương lai. Phải biết mỉm cười cho mẹ, thở cho cha và bước đi cho cả hai. Sự tiếp nối đẹp đẽ của cha mẹ nơi mình là biểu hiện cụ thể nhất của lòng hiếu.

Thích Nhất Hạnh7 người thích Thích

Ta hãy tôn vinh mẹ, cha trong trái tim. Bụt dạy: Vào thời không có Bụt ra đời thì thờ cha, thờ mẹ cũng là thờ Bụt.
Thích Nhất Hạnh7 người thích Thích

Vu lan dâng một cành mai
Cho con gửi gắm đôi lời cầu xin.
Cầu cho cha mẹ hiện tiền,
Sống thời niệm Phật thác lên Liên đài.

Sưu tầm7 người thích Thích

Bao giờ cá Lý hóa Long,
Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa.


Đọctại: TuDienDanhNgon.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét