AI GIẾT CHÙA
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng
Tôi nhận được email, nhắn tin, điện thoại mỗi ngày. Nhiều lắm. Trong số đó có những thắc mắc, những trăn trở và đây là một trong rất nhiều số đó.
“Con xin phép hỏi thầy 1 câu ạ: các nhà sư khi xuất gia (đã thành đại đức và là trụ trì 1 ngôi chùa) thì có được phép ăn mặn và uống rượu bia không ạ. Vì con có tìm hiểu và biết rằng Phập Pháp rất tốt cho bản thân con và những người xung quanh nên con có tham gia 1 câu lạc bộ phật tử ở tỉnh Nam Định (quê con ạ) và có theo 1 thầy đại đức. Nhưng hóa ra con mới biết là thầy không ăn chay mà cũng thi thoảng uống rượu, bia. Theo thầy Hùng thì con có nên theo thầy đại đức này không ạ?”
Gần nhà tôi là chùa Hà nổi tiếng. Nổi tiếng từ ngày xưa. Nổi tiếng khắp Hà Nội và thậm chí đến nhiều tỉnh thành miền Bắc. Ngày xưa tôi cũng đã hay đến đây. Người ta đồn nhau rằng chùa rất thiêng, đặc biệt là cho dân làm ăn và chuyện tình duyên. Chùa Hà của Thủ đô Hà Nội đông khách thập phương lắm, nhất là ngày rằm và mồng một. Dòng người nườm nượpvào cúng lễ, cầu xin. Tôi có cảm nhận nhộn nhịp chẳng kém đền bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Thật sự là vậy.
Nhiều người bảo chùa thì phải đông người đến như chùa Hà, phải phát triển như thế chứ. Tiền công đức nhiều lắm,… quanh năm như hội,… Nhưng tôi lại nghĩ bậy rằng, mặc dù người đến nườm nượp nhưng đây có lẽ là một ngôi chùa chết. Chùa không có bất cứ 1 nhà sưnào. Chùa do địa phương tự quản. Chùa Hà hình như bị biến thành một ngôi đền hoặc nơi thờ tự tâm linh chứ không còn là một ngôi chùa nữa. Đức Phật nơi đây được những người mua thần bán thánh dựng lên, tô vẽ như một ông thần đầy đủ quyền năng ban phúc giáng họa. Thế rồi người dân, trong đó có thể có cả phật tử, đến cúng bái, cầu xin. Đạo Phật sẽ đi về đâu? Ôi Phật ơi!
Là Phật tử, chúng ta biết rất rõ quan trọng nhất đối với mỗi người con Phật là quy y Tam Bảo. Các em trẻ ít biết chữ Nôm, chữ Hán chắc khó hiểu Tam Bảo nghĩa gì, nhưng đó là BA NGÔI QUÝ. Ba ngôi quý đó, ba tài sản vô giá đó là Phật, Pháp và Tăng. Chùa Hà có một ngôi quý đó là Phật. Ở đó có thờ Phật, có tượng Phật thật mà. Và người ta hiểu rằng đã có PHẬT BẢO. Nhưng đức Phật bằng xi măng hay bằng gỗ trong các ngôi chùa như ở chùa Hà này có thật sự là Phật Bảo hay không???
Chùa Hà cạnh nhà tôi rất nổi tiếng mà hoàn toàn vắng mặt ngôi thứ 3 là TĂNG BẢO. Ở đây không có bất cứ vị tăng hay ni nào. Tôi có thưa chuyện này với một quý thầy. Thầy bảo, ban quản lý ở đây không cho sư về đâu, họ đang thu lợi rất lớn từ tiền công đức chảy về mỗi ngày. Các sư muốn nhận chùa phải là những chùa ở nơi xa, chùa chưa xây dựng, đổ nát hoặc hẻo lánh. À ra vậy. Bạn có tin không ạ? Chùa để kiếm chác ư. Thế này thì không khéo nay mai muốn trụ trì 1 chùa “ngon”, “đông khách” có khi các nhà sư, những quý thầy xuất gia cũng phải phong bì, phải chạy chọt như người đời mất thôi. Con lạy Phật!
Câu hỏi đặt ra rằng ở những ngôi chùa như chùa Hà nổi tiếng liệu có Pháp bảo hay không. Ở nhiều ngôi chùa rất ít kinh Phật, không có giảng kinh, giảng Pháp, không có các khóa tu. Pháp của Phật quý giá vô cùng, càng tu tôi mới càng thấy quý lắm. Vậy mà tại nhiều nơi, tài sản lớn và quý giá này không còn nữa. Không có kinh, không được học, mình tu mù ư. Và biết đi đâu về đâu! Tiếc và ngậm ngùi làm sao.
Tại sao chùa chết?
Có câu chuyện rằng, tại đám tang của ông A, người ta nói rằng chôn ông ấy lúc ông 83 tuổi nhưng ông ấy đã chết từ lúc 51. Như vậy là 32 năm ông A chỉ tồn tại trên đời này mà không sống. Ông đã chết 32 năm trước khi chôn. Chuyện làm tôi luôn suy nghĩ. Đến nay, mình đã sống bao nhiêu năm và đã chết bao nhiêu năm?
Chùa chết là có và đã rõ. Chùa chết là khi có chùa mà không thực hiện chức năng của một ngôi chùa. Tôi chợt nhiên nghĩ, trong số khoảng 15.000 ngôi chùa trên đất nước Việt Nam ta, có bao nhiêu phần trăm chùa đang sống, và bao nhiêu ngôi chùa chết. Tôi mơ rằng chùa chết chỉ chiếm dưới 10 phần trăm mà thôi. Tôi mong rằng trên 50% số chùa này đang sống khỏe và rất khỏe.
Ai giết chùa?
Tôi có người nhà sống tại một phường thuộc quận Bắc Từ Liêm, thủ đô Hà Nội. Vợ chồng có cậu con trai bị chết đuối. Các em ra chùa địa phương mời nhà sư về làm lễ. Các em còn huy động cả bố mẹ mình đã rất lớn tuổi ra mời nhưng sư mắng như té tát vào mặt. Chuyện lạ rằng sư yêu cầu gia đình mang gà, thịt, vàng mã ra chùa và đóng mười triệu. Chỉ có như vậy và chỉ ở chùa thì bà sư mới làm lễ. Các em tôi khóc lóc với tôi rằng tại sao lại lễ mặn như vậy và là lễ mặn với vàng mã ở trong chùa. Là phật tử nên các em rất hoang mang. Cuối cùng chúng tôi đã quyết định làm lễ tai gia đìnhem bằng cách ngồi thiền, tụng các kinh “Phúc đức”, kinh “Bát nhã”, kinh “Sức mạnh Quan Âm”, kinh “Tưới tẩm hạt giống tốt”… Cả gia đình em đều thấy rất hoan hỷ với cách làm nhẹ nhàng, ít tốn kémnày. Chúng tôi cũng nói chuyện với gia đình em về chuyện sống chết, về cận tử nghiệp, về nhân quả, về luân hồi, về nghiệp quả. Chúng tôi làm đồ chay, ăn cơm chay, tưởng nhớ đến cháu trong thanh tịnh và bình an. Giờ đây 2 vợ chồng em và cả gia đình đã lấy lại niềm tin vào Phật Pháp. May thay!
Tôi cũng lại nghĩ bậy bạ rằng liệu có thêm những ngôi chùa khác mà các vị sư trụ trì đóng vai thầy cúng, thu tiền, thậm chí kinh doanh mê tín dị đoan, trái với lời Phật dạy, ngược hẳn với lời Phật gốc hay không. Sư trụ trì và quý thầy phải là những người lái đò, đưa chúng sinh từ cõi mê về cõi tỉnh, đưa thuyền Bát nhã chở chúng ta thoát khỏi sinh tử trầm luân, để có bình an, để tăng trưởng phước huệ. Các nhà sư không thể là những người phản Phật, giết chùa.
Nếu sống cùng chùa chết ta phải làm gì?
Có một bạn trẻ viết thư cho tôi như sau “Con xin được chia sẻ một số cảm nhận với chú vì con cũng đã từng rất buồn và thắc mắc rất nhiều sáu năm về trước khi biết đến Phật giáo. Bao nhiêu lần con đã phải bước vô chùa nhìn rồi ngậm ngùi, buồn vô cùng. Sau đó có dịp sang Hàn Quốc và gần đây là Nhật Bản lại càng buồn hơn.
Tuy nhiên, thầy tổ và hòa thượng đã tháo gỡ tâm giúp con khá nhiều. Biết huyễn mộng thì ráng tự đi. Và con càng khâm phục hơn trí tuệ của Đức Phật khi Ngài đã nói hiện nay là thời kỳ Đấu TranhKiên Cố, suốt ngày người ta chỉ biết tranh luận cãi nhau, xây chùa to Phật lớn chứ không phải thật tu, làm những chuyện bề ngoài lôi kéo tín đồ, lễ hội linh đình mất tiền tốn của, đi ngược lại với sựthanh bần giản di, đầy trí tuệ nhưng an lạc của Đức Phật”.
May thay, vẫn còn có những bạn trẻ như em Hằng này, có trí tuệ, biết tự tìm đường mà đi, biết nương tựa vào kinh Phật và những lời gốc Phật dạy. Bạn trẻ đã biết đúng sai, có chánh kiến và chánh tư duy để bước đúng, bước vững trên con đường chánh (chứ không phải đường tà).
Tôi chợt nhớ đến những vị thầy tổ tu trên núi, trong hang trong cốc, sống vô cùng khiêm cung, giản dị. Nhiều nhà sư lấy hạnh đầu đà làm lẽ sống. Để rồi tôi cũng đang học dần theo. Có những quý thầy hạn chế xây dựng càng ít càng tốt, chỉ thanh bần cũ kỹ vậy thôi, để tập trung tu. Các thầy muốn chùa sống mà sống khỏe, muốn Phật Pháp trường tồn. Quý thầy hạn chế việc quảng cáo, và chỉ "quảng cáo" với mong mỏi phật tử đầu tư càng nhiều thời gian ra tu tập càng tốt.
Tôi viết bài này với hy vọng khêu gợi ra một góc nhỏ của vấn đề tu học của tứ chúng. Tôi vẫn tin rằng, tại rất nhiều các ngôi chùa, Pháp của Phật đang được vận hành, và phật tử chúng ta vẫn đang nắm tay nhau, luôn bên nhau thực hành đúng lời Phật dạy. Đời người ngắn ngủi làm sao, không tu hết kiếp lúc nào chẳng hay.
Người tu là nhìn lỗi mình chứ không ngó lỗi người. Ngẫm lại thấy mình nhiều lỗi quá. Chỉ còn cách mong Phật chỉ đường để con và các bạn đồng tu biết TU ĐÚNG. Và rồi, tu gì thì tu những phải diệt được bản ngã của mình. Cái ngã của tôi vẫn đang lớn lắm. Cái tôi không có thật của tôi vẫn đang lớn lắm. Vô ngã là niết bàn. Đích đến theo lời Phật dạy có rồi. Chỉ còn tự thắp đuốc lên mà đi nữa thôi.
AI GIẾT CHÙA
Sau khi bài viết “Chùa chết” của tôi được nhiều bạn đọc được, tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi. Thành tâm biết ơn sư quan tâm của các bạn. Nay tôi quyết định đi sâu thêm 1 chút nữa, chỉ 1 chút và động đến 1 góc nhỏ thôi ạ. Chuyện chùa chết thì đã rõ. Nhưng ai là người giết chùa.
Tôi đến thăm một ngôi chùa khá nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội. Tôi lễ Phật rồi đi vãn cảnh chùa. Tự nhiên tôi muốn được gặp thầy trị trì. Tôi hỏi thăm và được bà cụ đang quét chùa nói rằng bà không thấy thầy đâu. Hoặc thầy vẫn đang ngủ. Hoặc thầy đã đi từ sớm. Lúc đó quãng 8h30 sáng.
Theo chỉ lối của bà, tôi đi xuống phía sau. May thay, gặp thầy đang uống trà và hút thuốc lào. Tôi tự giới thiêu và chúng tôi làm quen với nhau. Thầy năm nay 40 tuổi và đã trụ trì ở ngôi chùa nổi tiếng này gần 20 năm. Thầy cho biết trong chùa chỉ có mình thầy là sư. Các thầy khác đi nhận chùa hết rồi. Khi tôi bàn với thầy nguyện vọng của tôi muốn tổ chức các khóa tu, các buổi giảng pháp cho các bạn trẻ, cho người dân, thầy bảo rằng không làm được đâu. Bởi thầy có một mình sao mà làm được. Tôi hỏi tại sao thầy lại có một mình, sao không có thêm các thầy khác. Thầy nhìn tôi như người ngoài hành tinh “Anh học rộng biết nhiều mà không biết ngoài bắc mình có truyền thống nhất tăng nhất tự à”. Thì ra vậy. Truyền thống bao đời nay rằng chỉ có 1 sư cho 1 ngôi chùa. Các thầy tu lớn dần và tự đi nhận chùa, coi như ra ở riêng. Phật ơi, tu cần có tăng thân, ngay cả quý thầy xuất gia tu môt mình cũng rất khó, tu giữa làng một mình rất khó, chưa nói đến hoằng pháp. Tôi đã tìm ra kẻ giết chùa đây rồi. Tên nó là “truyền thống nhất tăng nhất tự”.
Lại nhớ đến câu chuyện tuần trước. Tôi được một Đại đức (lại là trụ trì 1 ngôi chùa khác, cũng ở ngoại thành Hà Nội) mời về để thăm. Thầy rất nhiệt tình và mong tôi một lần về đó giúp thầy. Thầy tiếp đón tôi nồng hậu lắm. Cuối cùng thầy dẫn lên thất riêng để tâm sự. Chúng tôi nói rất nhiều chuyện. Tôi tập trung nói về 2 chủ đề: thực hành lời Phật dạy và hoằng pháp. Trước khi về, tôi xin phép thầy nói thẳng rằng có mấy chai bia ở trong thất riêng thờ Phật rất nguy nga thế này là không ổn. Thầy xin lỗi và nói rằng do các Phật tử cúng. Tôi đề nghị thầy cất ngay đi, dấu kín ngay đi, bởi nếu Phật tử có tu học nhìn thấy, thầy mất hết uy tín và nói không ai nghe đâu. Tôi cũng nói rằng tôi linh cảm ở chùa có đồ mặn. Thầy thú thât rằng các Phật tử vẫn mang thịt, rượu đến cúng ở ban Đức Chúa Ông. Tôi tỏ ra khó chịu. Thầy hỏi, thế thì làm thế nào. Tôi nói rằng phải giải thích cho dân làng. Rằng nếu thầy đồng ý cho họ mang rượu, thịt vào chùa là tiếp tay cho họ phạm giới. Trên đường lái xe về nhà tôi đã tìm ra kẻ giết chùa. Đó là chính là việc các nhà sư không giữ giới. Đó là chính việc các nhà sư chiều theo ý của dân làng, ủng hộ họ làm bậy, làm trái lời Phật dạy.
Tôi chợt nghĩ, cư sỹ tại gia giữ 5 giới. Các thầy mới xuất gia làm sa di giữ 10 giới, còn các tỳ kheovà tỳ kheo ni giữ 248 và 350 giới. Tại sao một vị Đại đức xuất gia từ nhỏ lại vẫn uống bia, uống rượu. Tôi thật sự không hiểu. Và cứ nghĩ, liệu có quý Đại Đức, Thượng Tọa nào giữ không trọn 5 giới của người tại gia không?
Tôi lại nghĩ đến buổi gặp gỡ với một thầy từ châu Âu. Thầy cũng rất muốn găp tôi, và hẹn gặp trước khi lên máy bay về nước. Ở buổi nói chuyện, thầy buồn 2 điều. Thứ nhất, các ban trẻ rất không muốn xuất gia. Bởi ở nhà sướng quá, vào chùa không chịu kham khổ và kỷ luật được. Rồi nếu có xuất gia thì lại không giữ giới. Hoặc xin quay lại đời Thứ 2, thầy buồn vì nhiều Phật tử bây giờ khi quy y nhưng xin quy y Nhị Bảo chứ không phải Tam Bảo. Họ chỉ quy y Phật, quy y Pháp chứ không quy y Tăng. Họ mất lòng tin vào Tăng. Ôi tôi buồn quá. Tôi không tin vào điều này. Cứ như nghe trong mơ, trong mộng. Thế này thì kẻ giết chùa là chính các quý thầy và quý phật tử chúng tathật rồi!
Ngày hôm qua tôi đến thăm 1 ngôi chùa rất lớn, rất nổi tiếng. Bao lần qua đây mà chưa một lầnđược gặp người trụ trì. Lần này, trước khi có chuyến hành hương xa, tôi muốn được đảnh lễ và thăm Sư Bà. Tôi cũng muốn mời Sư Bà tham gia 1 khóa tu ở nước ngoài. Rồi những câu chuyệncủa Sư Bà làm tôi rất cảm động. Sư Bà bị bệnh. Sư Bà rất tâm huyết với phát triển Phật Giáo nhưng lực bất tong tâm. Thậm chí, nay mai bà mất, không biết ai sẽ lên thay đây. Không tìm ra người kế nhiệm xứng đáng!
Qua câu chuyện tôi lại nhận ra một điều rằng, ở đâu chùa được công nhận di tích lịch sử thì thì ở đó Phật Giáo không (hoặc rất khó) phát triển. Nghe vô lý quá đúng không ạ. Hóa ra vấn đề ở chỗ, đã là di tích thì địa phương quản lý hết, nhà chùa không có quyền gì cả. Làm bất cứ gì cũng cần xin phép mà xin thì rất lâu, phép thì khó, cho lại rất ít. Lãnh đạo và ban quản lý di tích thì không quan tâm đến tu tập, đến hoằng pháp, bởi họ không là Phật tử. Họ chỉ quan tâm đến lễ hội và thu tiền, rồi bán vé, rồi quyên góp, rồi xin công đức. Đây rồi. Kẻ giết chùa đã được tìm thấy rồi.
Bạn có thể không biết và không tin rằng, các nhà sư không thích về các ngôi chùa là di tích lịch sử. Về đây họ không được tu, không được hoằng pháp. Về đây họ bị biến thành công cụ phục vụ tín ngưỡng, phục vụ địa phương. Phật ơi, con sợ chùa di tích lắm rồi. Tự nhiên con muốn đi Làng Mai Pháp để được bên những ngôi chùa giản dị mà có rất nhiều tăng, ni đang tu học và hoằng pháp ở đó.
Ai là kẻ giết chùa? Còn những kẻ giết chùa nào nữa? hãy hiện nguyên hình ra để những phật tử chân chính nhận diện...
Thiện Đức Nguyễn Mạnh Hùng (Thuvienhoasen.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét