- Thành phố lớn có thể biến mất vĩnh viễn trên bản đồ thế giới

Chỉ trong không đầy một thế kỷ tới, rất nhiều thành phố lớn trên thế giới sẽ phải đối mặt với thảm họa tự nhiên chưa từng có, thậm chí biến mất hoàn toàn dưới lòng biển hoặc lòng đất sâu. 

Cuối tháng 3 năm nay, một nghiên cứu đăng tải trên tạo chí khoa học Atmospheric Chemistry & Physics cho biết rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đang bị đặt trước nguy cơ bị hủy diệt. Trong đó, có rất nhiều cái tên nổi tiếng như: Rio de Janeiro, New York, London, Thượng Hải…

Trong báo cáo, các nhà khoa học đã chỉ rõ rằng sự gia tăng của những đợt nóng, hạn hán, mưa lớn và biển lấn bờ sẽ chính là nguyên nhân đẩy các thành phố vào cảnh diệt vong.

Các nghiên cứu còn cho thấy, Trái Đất đã ấm lên ít nhất 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp. Trong tương lai, nhiệt độ của hành tinh chúng ta sẽ còn tăng cao nữa, dẫn đến hiện tương băng tan ở Bắc Cực và Nam Cực, đẩy các thành phố ven biển vào tình trạng nguy hiểm.


Năm 2015, trước thềm Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21) ở Paris (Pháp), các nhà khoa học đã đưa ra một báo cáo cho thấy chỉ cần Trái Đất nóng lên khoảng 2 độ C, nhiều vùng rộng lớn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ… sẽ ngập trong biển nước.

Trong tình huống xấu nhất, việc Trái Đất nóng lên 4 độ C sẽ đẩy cuộc sống của hơn 600 triệu người ở các vùng ven biển vào nguy cơ sống còn.

Dưới đây là những thành phố có thể biến mất vì thiên tai, thảm họa trong khoảng 100 năm tới.

Venice (Ý)
Là một trong những vùng trũng thấp nhất trên thế giới, Venice (Italy) chính là thành phố chịu thương tổn nặng nề một khi nước biển dâng. Trong khoảng 20 năm, từ 1950 – 1970, Venice đã bị lún sâu xuống thêm 20 cm dưới tác động của các hoạt động khai thác công nghiệp.

Amsterdam (Hà Lan)
Hà Lan là một trong những đất nước thấp nhất thế giới. Có đến 1/4 lãnh thổ Hà Lan nằm dưới mực nước biển. Bất chấp được bảo vệ bằng hệ thống đê điều hiện đại nhưng thủy triều hàng năm vẫn dâng lên ngày càng cao. Chỉ cần mực nước biển dâng thêm 2m nữa, cả thành phố Amsterdam sẽ bị nước biển bao phủ. Với tốc độ thủy triều dâng như lúc này, Amsterdam được đoán là sẽ bị nhấn chìm xuống biển trong 150 năm nữa.

San Francisco (Mỹ)
Đây là một trong những thành phố phải hứng chịu nhiều trận động đất lớn. Năm 1906, một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter đã gây ra cái chết cho hơn 3000 người. 

Đó là một trong những thảm họa tự nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khoảng 300.000 người trong tổng số 410.000 người dân San Francisco đã bị mất nhà cửa sau trận động đất kinh hoàng này.

Theo Newscientist, một nghiên cứu của trường đại học California dự báo 3/4 thành phố này sẽ phải hứng chịu một trận động đất khủng khiếp lên tới 7 độ Richter hoặc lớn hơn vào năm 2086. Đó sẽ là một thảm họa còn kinh hoàng hơn trận động đất năm 1906.

Mexico City (Mexico)
Dù không nằm ven biển nhưng thành phố Mexico (thủ đô của Mexico) vẫn đang chìm xuống hàng năm. Nguyên nhân là thành phố này được xây dựng trên một lòng hồ khô, một nền móng kém vững chắc.
Chính phủ Mexico cho hay, thành phố này đang chìm xuống phía dưới khoảng 10 cm mỗi năm. Trong 60 năm qua, Mexico City đã chìm xuống 10 m. Chẳng mấy chốc, một trong những thành phố đông dân nhất thế giới sẽ chỉ còn là một nơi hoang tàn.

Bangkok (Thái Lan)
Thành phố này đang chìm dần xuống mặt nước biển hàng năm và phải đối phó với tình trạng lụt lội. 
Năm 2011, 13 triệu người Bangkok đã phải chịu tác động khủng khiếp của mưa lũ với thiệt hại về kinh tế lên tới 45 tỷ USD. Có hơn 800 người thiệt mạng sau thảm họa này.

Theo ước tính của các chuyên gia, trong khoảng 1 thế kỷ nữa, nơi này sẽ chìm trong biển nước.

Miami (Mỹ)
Thành phố này được xây dựng trên nền đá vôi xốp, không vững chắc. Khu nghỉ dưỡng Florida ở đây nằm trên mực nước biển chỉ 3 m và thường xuyên phải đối mặt với những cơn bão lớn.

Ngoài ra, nước biển đang xâm thực ngày càng nhiều hơn vào nguồn nước ngọt của Miami. Cơ sở hạ tầng của thành phố cũng đang đứng trước những nguy cơ bị phá hủy. Miami trở thành một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất của Mỹ.

Korla (Tân Cương)
Nằm sâu trong nội địa, thành phố thuộc tỉnh Tân Cương này đang phải gồng mình chiến đấu với những cơn bão cát.
Mỗi năm, có tới 40 ngày, Korla hứng chịu các trận bão cát. Ước tính, mỗi năm ở Tân Cương có tới 300.000 ha đất bị sa mạc hóa. Korla cũng không phải là một ngoại lệ. Khi nguồn lợi dầu mỏ ở đây bị khai thác hết, khu vực này cũng sẽ mau chóng biến thành hoang phế và chôn vùi dưới những lớp cát sa mạc.

Bắc Kinh (Trung Quốc)
Tháng 7/2004, cơ quan đo lường sụt lún ở Trung Quốc đưa ra một con số gây hoang mang.

 Theo đó, hơn 1.800 km2 đất ở Bắc Kinh bị sụt lún, có nơi sụt lún tới 72 cm. Gần đây, những nghiên cứu mới nhất thông qua ảnh chụp vệ tinh cho thấy nhiều khu vực của Bắc Kinh đang lún xuống 11 cm mỗi năm, một con số cực kỳ đáng báo động. Các chuyên gia cũng đã đưa ra cảnh báo cho sự an toàn của 20 triệu dân ở thành phố này một khi sụt lún vẫn tiếp diễn với mức độ này trong tương lai.

Hữu Bằng (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét