- Đại thảm họa vỡ đập

Hiện trường vụ vỡ đường ống thủy điện ở Quảng Nam
14:46 14/09/2016 

Ngoài hai nạn nhân thiệt mạng, sự cố vỡ đường ống thủy điện Sông Bung 2 xảy ra đêm qua khiến 3 ngôi nhà bị sập và ngập nước. Vùng hạ lưu bao phủ bởi hàng trăm m3 bùn đỏ.

Chiều 13/9, khi các công nhân đang thi công hệ thống đường ống thủy điện Sông Bung 2 (ở huyện Nam Giang, Quảng Nam) thì xảy ra sự cố. Các ống đường dẫn bị vỡ khiến hàng triệu m3 nước tràn ra ngoài.


Đến nay, nhà chức trách xác định, có hai công nhân thiệt mạng. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, vụ việc là do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 dẫn tới mưa lớn và lũ kéo dài trên khu vực hồ chứa dự án thuỷ điện Sông Bung 2 làm cho nước hồ lên nhanh. Lưu lượng của đỉnh lũ vào trưa ngày 13/9 là 560 m3/s. 


Ngoài việc gây thiệt mạng cho hai công nhân thì sự cố trên đã khiến 3 ngôi nhà của người dân bị ngập nước và sập. Gần 10 ôtô và các dụng cụ của Ban quản lý dự án, đơn vị thi công bị nước cuốn trôi.


Ở ngay bên dưới đường ống dẫn, hàng trăm m3 nước cùng với bùn đỏ chảy xuống. Hàng chục km sông bị bao phủ bởi màu nước bùn vàng đỏ.


Từ đêm qua đến nay, nhà chức trách tỉnh Quảng Nam đã huy động hơn 300 người tìm kiếm thi thể hai nạn nhân tử vong nhưng vẫn chưa thấy.


Một cán bộ tham gia cứu hộ cho biết rất có thể thi thể hai nạn nhân tử vong đang còn nằm dưới hàng trăm m3 bùn này.



Đến trưa nay, một số dụng cụ phục vụ cho việc thi công đường ống của các công nhân đã lộ thiên.


Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết các cơ quan chức năng đã huy động khoảng 300 người tìm kiếm thi thể hai nạn nhân. "Bằng mọi giá, chúng tôi sẽ tìm thi thể họ để đưa về quê an táng trong thời gian sớm nhất", ông Toàn cho hay.


Tại buổi họp báo sáng nay, vị Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam phủ nhận sự cố vỡ đường ống là do chất lượng công trình kém. Bởi theo ông, đây là công trình cấp quốc gia nên từ khâu thiết kế, thẩm định, giám sát và thi công đều do các đơn vị thuộc công ty nhà nước đảm nhận. 


Sau sự cố vỡ đường ống, hai bên bờ sông gần khu vực thủy điện cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Ông Toàn cho hay, trước mắt đơn vị tập trung tìm kiếm thi thể nạn nhân. Còn về trách nhiệm thì Bộ Công Thương sẽ vào cuộc điều tra. 

Công trình thủy điện Sông Bung 2 có quy mô công suất 100 MW (lớn thứ tư Quảng Nam, sau Thủy điện A Vương, Sông Tranh và Sông Bung 4) được triển khai xây dựng trên địa bàn các xã La Eê, Zuôi, Chơ Chuôn (huyện Nam Giang) và Tr’Hy (huyện Tây Giang) tỉnh Quảng Nam.

Dự án thủy điện Sông Bung 2 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và được khởi công xây dựng vào cuối năm 2012 với tổng vốn đầu tư ban đầu trên 3.600 tỷ đồng, công suất lắp máy 100 MW, thời gian hoàn thành dự án vào năm 2016.

Công trình này gần đây từng gây xôn xao dư luận khi được điều chỉnh số vốn tăng thêm hơn 1.600 tỷ đồng (tăng khoảng 40% so với ban đầu) với hơn 5.200 tỷ đồng.

Nam Cường - Nguyên Vũ

5 vụ vỡ đập thủy điện thảm khốc

Vụ lớn nhất ở Trung Quốc, 171.000 người chết
Ảnh minh họa

Trên thế giới từng có nhiều vụ vỡ đập thủy điện vô cùng nghiêm trọng, trở thành thảm họa cướp đi mạng sống của hàng ngàn người.

Vỡ đập thủy điện là thảm họa kinh hoàng đối với con người khi hàng triệu mét khối nước đổ xuống có thể càn quét bất cứ thứ gì trên đường đi. Trong hơn 100 năm qua từng không may xảy ra nhiều thảm họa đáng sợ liên quan tới các đập thủy điện khổng lồ trên thế giới, gây nên thiệt hại nghiêm trọng về người và của.

Dưới đây là 5 thảm họa vỡ đập thủy điện khủng khiếp nhất trên thế giới, từng gây ra thiệt hại nghiêm trọng:

1. Vỡ đập South Fork (Mỹ): Hơn 2.200 người thiệt mạng
Đập South Fork bị vỡ vào năm 1889 khiến hơn 2.000 người thiệt mạng: Ảnh: Internet

Sự cố vỡ đập South Fork xảy ra vào năm 1889 tại Mỹ khiến 2.209 người thiệt mạng. Trước khi đập thủy điện ở bang Pennsylvania bị vỡ, các kỹ sư dù liên tục nhận được cảnh báo về việc rò rỉ nước ở nhiều vết nứt nhưng không thể vá hết được.

Thật không may là khi mưa lũ lớn xảy ra vào tháng 5/1889 đã khiến con đập South Fork bị quá tải sức chứa. Đến ngày 21/5/1889, con đập thủy điện này của Mỹ bị vỡ, khoảng 20 triệu tấn nước tràn xuống, gây thiệt hại ước tính ít nhất khoảng 17 triệu USD và 2.209 người chết.

2. Thảm họa Malpasset tại Pháp: Hơn 400 người thiệt mạng
Tàn tích "đáng sợ" còn lại sau vụ vỡ đập Malpasset kinh hoàng ở Pháp cách đây gần 60 năm. Ảnh: Wikipedia

Đập Malpasset được xây dựng trên sông Reyran, cách thị trấn Fréjus (thuộc miền nam nước Pháp) khoảng 7km về phía bắc, với mục đích là để phục vụ tưới tiêu và cung cấp nước.

Tuy nhiên, vào khoảng 21h13' ngày 2/12/1959, thảm họa vỡ đập Malpasset đã bất ngờ xảy ra, tràn xuống lượng nước khổng lồ tạo dòng thác lũ dữ dội, khiến khoảng 423 người tử vong, nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà và thiệt hại về của được đánh giá vào khoảng 68 triệu USD.

Nguyên nhân dẫn tới thảm họa vỡ đập Malpasset được cho là xuất phát từ vấn đề khảo sát địa chất bị lỗi, thi công không đảm bảo,...

3. Italia: Đập thủy điện chưa vỡ nhưng hơn 2.000 người thiệt mạng

Cảnh tượng trước và sau sự cố ở Vaajont, Italia. Ảnh: Geoengineer

Được coi là một trong những con đập cao nhất trên thế giới, Vajont cao tới 262m, dày 27m ở đáy và 3.4m ở phần mép trên cùng.

Tuy nhiên, sự cố không may đã xảy ra khi vào ngày 9/10/1963, dù đập chưa vỡ hay xả đáy nhưng nước sông đã tràn qua mép đập, nhanh chóng quét qua ngôi làng Longarone ở bên dưới thung lũng Vajont khiến cho hơn 2.000 người thiệt mạng.

Nguyên nhân gây thương vong lớn là do một vụ sạt đất bất ngờ xảy ra, mang theo nhiều khối đất đá lao xuống lòng hồ khiến mực nước bên trong dâng nhanh khủng khiếp, tràn ra ngoài mép đập và quét thẳng xuống ngôi làng bên dưới thung lũng.

Theo ước tính, chỉ trong vòng 45 giây, khoảng 260 triệu m3 nước đã bao trùm toàn bộ khu vực. Đáng chú ý là sức nước quá mạnh từ hồ chứa khi lao xuống ngôi làng ở dưới còn tạo ra những cơn sóng cao tới hơn 200 mét. Do đó, thảm họa đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng dù con đập Vajont vẫn còn nguyên. Hiện nay, đập Vajont đã bị bỏ hoang và không còn sử dụng.

4. Thảm họa Morbi: Khoảng 25.000 người thiệt mạng

Đập Machchu-2 ở Ấn Độ bị vỡ vào 1979 khiến hàng chục nghìn người chết. Ảnh: Wikipedia

Do quá tải sức chứa và thiếu các biện pháp khẩn cấp nên trận mưa lớn, lũ lụt vào tháng 8/1979 đã khiến con đập Machchu-2 dài 4km trên sông Machhu (hay còn gọi là Morbi), Ấn Độ, bị vỡ, nước trong đập tràn ra quét qua thị trấn Morbi chỉ trong vòng 20 phút, gây thiệt hại rất lớn về người và của.

Mặc dù chưa có báo cáo chính thức về số người chết, nhưng theo nhiều nguồn tin khẳng định con số này ước tính có thể lên tới 25.000 người.

Sự kiện đáng sợ này thường biết đến với tên gọi thảm họa Morbi và được ghi vào sách kỷ lục Guiness như là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất từng xảy ra trên thế giới.

5. Vỡ đập Bản Kiều: Thảm họa đáng sợ ở Trung Quốc khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng

Đập thủy điện Bản Kiều ở Trung Quốc bị vỡ năm 1975 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, thiệt hại kinh tế lên tới gần 10 tỷ NDT. Ảnh: Albertoroura

Vụ vỡ đập thủy điện Bản Kiều được coi là "thảm họa" vỡ đập tồi tệ nhất từng xảy ra trong lịch sử Trung Quốc. Được xây dựng vào năm 1952 trên sông Hoài Nam thuộc tỉnh Hà Nam, đập Bản Kiều chính là một trong những thủy điện tầm cỡ quy mô lớn đầu tiên của quốc gia này.

Tuy nhiên, vào tháng 8/1975, do ảnh hưởng của siêu bão Nina đổ bộ vào Trung Quốc, khiến lượng mưa đo được trong 3 ngày liên tiếp lên đến 1605,3 mm. Lượng nước mưa quá nhiều khiến con đập Bản Kiều bị vỡ và gây ra thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng.

Ước tính vụ vỡ đập thủy điện tồi tệ này đã khiến 171.000 người thiệt mạng (riêng số người chết trong lũ lụt đã lên tới 26.000 người, còn lại tử vong do nạn đói và dịch bệnh ngay sau đó), khoảng 11 triệu người dân khác bị mất nhà cửa khi 5,96 triệu ngôi nhà nhà bị phá hủy.

Ngoài ra, đập Bản Kiều bị vỡ còn cuốn trôi hơn 300.000 con gia súc gia cầm, phá hoại và gây ách tắc cho tuyến đường Bắc Kinh-Quảng Châu, thiệt hại kinh tế ước tính lên tới gần 10 tỷ NDT.

Sự cố vỡ đập Bản Kiều được cho là đã phá hủy đi một nguồn cung cấp năng lượng khổng lồ của Trung Quốc. Cụ thể, với công suất đạt tới 18 GW (tương đương với 9 nhà máy nhiệt điện hoặc 20 lò phản ứng hạt nhân), nhà máy thủy điện này ở Trung Quốc có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu sử dụng năng lượng vào lúc cao điểm của cả Vương Quốc Anh.

Tham khảo nguồn: Forbes, Straitstimes, Pravdareport
 (Theo Helino)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét