Đừng dạy học sinh “nói dối” nữa
Viết về nhân vật A phải “cao cả”, tả về cô giáo nhất định phải dáng thon, tóc dài…Học sinh không dám đánh cược cảm xúc thật sự với điểm số trong kì thi quan trọng.
Kì thi THPT quốc gia 2015 tiếp tục cho ra đời nhiều bài văn lạ của học sinh.
Nhiều người bật cười vì lời văn ngô nghê, hoặc thở dài trước những câu văn công nghiệp, rập khuôn, mười bài như một. Bên cạnh đó là cách thể hiện cảm xúc của học sinh trong những câu nghị luận xã hội na ná nhau, không có chính kiến và tính phản biện.
Nhiều ý kiến đề nghị: “Đừng biến môn Văn thành môn tập chép. văn mẫu làm học sinh nói dối, khiến các em “tự nhiên” với những lời “nói dối” trong tương lai”.
Cảm xúc đánh cược với điểm số, ai dám?
Phổ điểm môn Ngữ văn trong kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 |
“Nhiều khi cũng muốn viết theo những gì bản thân nghĩ nhưng mà viết kiểu đó thì điểm không cao nên thành ra phải viết theo dàn ý có sẵn. Nhất là đi thi tốt nghiệp, nhỡ viết sai so với đáp án bị điểm liệt thì ai chịu trách nhiệm?”, bạn Ngọc Hân (17 tuổi, Nha Trang) nói.
Phụ huynh Thu Hương kể: Con tôi học lớp 12, cô giáo môn văn bắt buộc trong bài luận phải mang ý tưởng của cô thì mới có điểm, con tôi phát biểu “văn là cảm xúc mà cô” liền bị cho điểm 3 không thương tiếc (dù cháu là học sinh giỏi văn 11 năm).