TRUYỆN CỔ PHẬT GIA

"Kỹ nữ yêu hoa dồi phấn son,
Động phòng mỗi tối biết bao chồng;
Một đôi tay ngọc ngàn người gối,
Nửa đêm môi son vạn khách hung;
Mang lớp lục màu, trang yểu điệu,
Bày trò giả dối cả tâm trường;
Nghinh tân tống cựu biết bao kẻ,
Nay bộ thướt tha đà ngập ngừng."
(tr. 210)

Đây là bản gốc truyện, một thời ấu niên phải uốn chiếu tổ ong phủ mền che sáng, trốn Ông Thân thương con mà nghiêm khắc, khơi đèn loe lét "dùi mài" đêm thâu... (Mà thời đó - giải phóng vài năm, điện Sài Gòn như thiếu nữ nhà quan..., dầu hôi quý lắm, dân lén lút mua từng xị). Nay nhân duyên gặp lại Pho truyện hay, xin trình quí huynh đệ... coi & chiêm nghiệm:   
https://sachthienquy.wordpress.com/2017/02/06/te-cong-phat-song/

Tế Công (chữ Hán: 濟公, 22 tháng 12 năm 1130 - 16 tháng 5 năm 1209), dân gian cũng gọi là Tế Điên Hòa Thượng, Tế Công Hoạt Phật. Sư tên khai sinh là Lý Tu Duyên, sau xuất gia tu hành và đắc đạo nên còn có hiệu là Thiền sư Đạo Tế (chữ Hán: 道濟禪師), từng sống dưới thời Nam Tống. Sư là đệ tử nối pháp của Thiền sư Huệ Viễn Hạt Đường, thuộc đời thứ 13 tông Lâm Tế, phái Dương Kỳ.

Cuộc đời sư xoay quanh các sự tích, truyền thuyết về những hành động khác thường của sư. Ví dụ như sư thường thị hiện thần thông để giúp đỡ người nghèo và chống lại những bất công trong xã hội đương thời. Đặc biệt nhất là sư nổi tiếng với những hành động trái với giới luật Phật giáo như ăn thịt, uống rượu; sư thường mặc bộ y phục tu sĩ rách nát, đội mũ có thêu chữ Phật (佛), tay phải cầm một bình rượu, tay trái cầm một cái quạt tre rách. Sau khi sư thị tịch, Tế Công trở thành một huyền thoại trong văn hóa dân gian Trung Quốc và được tín ngưỡng dân gian Trung Quốc thần thánh hóa thành một vị thần. Có nhiều tác phẩm tiểu thuyết, văn học dân gian mang tính huyền bí hóa dựa trên cuộc đời của Tế Công đã được sáng tác trong suốt các triều đại Trung Quốc và trở nên khá nổi tiếng.

Hổ Bào Mộng Tuyền (虎跑梦泉), trong khuôn viên nơi chôn cất Tế Công.

Sư quê ở Lâm Hải, Chiết Giang; họ Lý, tên Tu Duyên, tự là Hồ Ấn, hiệu Phương Viên Tẩu. Cha tên là Lý Mậu Xuân, ông vốn là rất lương thiện, cư trú ở Xuân Phiền. Vì cha mẹ sư đã hiếm muộn lâu không có con nên rất mong mỏi và thường đến chùa Quốc Thanh cầu tự.


Trong những năm tại thế, Tế Công đã để lại cho hậu nhân rất nhiều kỳ tích, rất nhiều câu chuyện lưu truyền mãi về sau. Một trong những câu chuyện đó kể về chùa Tịnh Từ ở Hàng Châu, nơi Tế Công hoà thượng từng cư ngụ. Ngôi chùa này đã từng xảy ra một trận hỏa hoạn lớn. Nói đến trận lửa này, còn có một câu chuyện thật đáng để người đời suy ngẫm.

Trước khi hoả hoạn xảy ra, trong chùa lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Vào một ngày nửa cuối tháng 6, nắng nóng thiêu đốt, mặt trời như quả cầu lửa treo trên bầu trời. Trong đoàn người đến dâng hương hôm ấy, có một cô nương trông vô cùng đặc biệt, trên người cô phục trang toàn màu đỏ, áo đỏ, váy đỏ, ngay cả cây dù trên tay cũng màu đỏ, khiến cô gái nổi bật thu hút mọi ánh nhìn.

Khi cô vừa nhấc chân định bước vào chùa, bỗng đâu có một hòa thượng điên từ trong chạy ra, nhất quyết không cho cô tiến vào chùa. Chỉ thấy hoà thượng đầu đội chiếc mũ tăng đã cũ, người mặc chiếc tăng bào vá chằng vá đụp, chân đi một đôi giày cỏ sờn, trong tay cầm chiếc quạt hương bồ, người lảo đảo như muốn ngả muốn nghiêng.

Vị hoà thượng đứng ngay trước cửa, vừa khéo chặn mất đường đi của cô gái. Rõ là một lão tăng điên! Cô liền quay người sang cửa ngách bên trái, hòa thượng lại chặn ngang nàng ta ở cửa ngách bên trái; cô quay mình sang cửa ngách bên phải, hòa thượng điên lại nghiêng người sang cửa ngách bên phải chặn nàng ta lại.

Cô gái không khỏi tức giận, trừng mắt nhìn hòa thượng mà quát: “Thật là không có đạo lý gì! Tôi muốn vào dâng hương, cái lão hòa thượng điên cớ sao lại năm lần bảy lượt chặn tôi lại, không cho tôi vào chùa là sao?”. 

“Hôm nay, ai vào chùa cũng được, chỉ riêng mình cô là không được!”, hòa thượng điên nghiêm giọng nói.

Cô nàng áo đỏ vừa nghe thấy lời này, trong lòng cuống lên, liền hô lớn với mọi người xung quanh rằng: “Hòa thượng điên nhất quyết không cho tiểu nữ vào chùa, mọi người hãy nói xem, đây là đạo lý gì đây!”. 

Những người đến lễ chùa dâng hương nghe thấy lời qua tiếng lại của cô nương ấy, liền bàn tán xôn xao rằng: “Hòa thượng này đúng là điên thật rồi! Chặn ngang con gái nhà lành, trêu hoa ghẹo nguyệt, thế này còn ra thể thống gì nữa?”.

Tượng Tế Điên và các nhân dáng phổ biến (ảnh: Wikipedia).

Giám tự nghe thấy tiếng huyên náo, liền vội vàng chạy đến phân xử, đến nơi nhìn thấy Tế điên hòa thượng đang ở đó tranh luận với một cô nương áo đỏ. Vị Sư này vốn không ưa gì Tế Công, bèn bước lên phía trước mà quát lớn một tiếng: “Tế điên, ông không ở trong bếp làm cơm, lại chạy đến đây làm gì? Còn không mau mau để cho người ta vào chùa dâng hương”.

Tế Công nghe thấy tiếng Giám tự vội vàng lên trước cúi người hành lễ, cười hỏi sư rằng: “Sư huynh, mong sư huynh hãy cân nhắc thật kỹ càng: Sư huynh là muốn có chùa (hữu tự), hay là không có chùa đây?”. 

“Cái gì mà có chuyện (hữu sự) với không có chuyện? Tất nhiên là ta muốn không có chuyện rồi, nhưng ông lại cứ hay đi gây chuyện thị phi, rỗi rãi lại đi sinh sự!”. 

“Thật hay cho cái sự không có chùa! Nếu thật sự không có chùa, thử hỏi huynh sẽ ở đâu đây?”. 

Vị Giám tự càng nghe lại càng bực tức, ông bèn đẩy Tế Công sang một bên, không cho phép nói thêm lời nào, đồng thời cúi mình mời cô nương áo đỏ vào trong chùa. Cô gái vừa bước qua cánh cửa, liền vội vàng chạy như bay về phía Đại Hùng Bảo Điện, cô nàng vừa chen vào trong nhóm người thì không thấy bóng dáng đâu nữa.

Lúc này đã là giữa trưa, đột nhiên một cơn gió lớn nổi lên, thổi bay cờ phướn, khiến cờ phướn đang treo ở trong Đại Hùng Bảo Điện nhẹ nhàng rơi xuống, vừa khéo lại rơi ngay trên ngọn nến đang cháy, vù một cái lửa lớn bùng lên. Thế lửa thuận theo miếng vải xông thẳng lên xà nhà, đại điện ngay lập tức khói lửa ngất trời, lửa cháy bừng bừng, thật đúng là một trận hoả hoạn lớn!

Tất cả sư sãi trong chùa vội vã xách thùng xách thau tạt nước cứa hỏa, nhưng vì thế lửa quá lớn nên tất cả chỉ như công dã tràng. Cuối cùng, đại điện bị thiêu rụi, chỉ còn lại mỗi cái khung nhà. Chúng tăng buồn nản ngồi ở đó. Tế Công bước lại phe phẩy cái quạt trong tay, vừa đi vừa hát: “Không chùa tốt thật, không chùa tốt thay, một trận lửa lớn thiêu sạch hết cả rồi!”.

Giám tự nhìn thấy bộ dạng như giễu cợt của Tế Công, bèn lớn tiếng quát rằng: “Nhà ngươi có còn chút lương tâm nào không? Chùa miếu đã bị thiêu rụi thành như vậy rồi, nhà ngươi còn bụng dạ mà ca hát nữa ư?”.

“Sư huynh, việc này không thể trách đệ được, là chính miệng huynh nói: ‘Không chùa mới tốt’, ‘không chùa mới tốt’. Cô nương mà đệ chặn lại đó chính là Hoả Thần, nàng ta muốn thiêu rụi ngôi chùa này. Đệ đã gắng hết sức chặn lại, chính là muốn nàng ta lỡ mất giờ Ngọ, nhưng chính huynh lại cứ một mực muốn để nàng ta vào!”.

Mọi người nghe xong, đều ngơ ngác nhìn nhau, ai cũng không nói được lời nào. Người đời từng cho rằng Tế Công là lão hoà thượng điên, nhưng thực ra ông lại không điên chút nào. Nói về cái điên khùng của mình, Tế Công từng cười lớn mà rằng:

“Người đời thường cười ta điên điên khùng khùng, thật ra Đạo Tế ta tuy điên mà chẳng khùng. Cái gọi là ‘điên khùng’ là tinh thần thất thường, lời nói hành động chẳng có chút trật tự, giống kẻ ngốc nghếch ngờ nghệch vậy. Ta tuy vẻ bề ngoài trông điên khùng, nhưng trong tâm lại một dải chân không. Tất cả lời nói hành động đều xuất phát từ tự nhiên, lời nói của ta có thể khuyên người đời hướng thiện, hành động của ta thì là độ chúng sanh quay đầu về bờ, hoàn toàn khác với ‘điên khùng’ mà người ta nói đến ở trước”.

Người xưa có câu: “Đại trí nhược ngu”, ý nói rằng bậc đại trí đại huệ thường không hiển thị tài năng, bề ngoài tỏ ra ngu ngốc nhưng thực ra lại là người có trí tuệ phi phàm. Tế Công hoà thượng dù lời nói hay hành động tựa như điên khùng, nhưng thực ra lại chính là bậc đại trí vậy.

Người đương thời và đời sau vì thấy những hành động lập dị, kỳ quái, thần thông biến hóa nhưng đầy từ bi, nhân từ của sư nên nghĩ rằng sư hiện thân của Bồ Tát, A La Hán. Trong đó, nhiều người coi sư như là hóa thân của Hàng Long La Hán - một trong thập bát La Hán. Có một truyền thuyết kể lại rằng cư dân ở vùng Tần Hồ rất thích ăn ốc nhưng họ chỉ ăn phần đuôi, sư bèn xin hết chổ ốc họ bỏ đi đó đem thả xuống sông, ốc sống lại nhưng cụt đuôi.

Ngày 16 tháng 5 năm 1209, sư an nhiên ngồi kiết già thị tịch, hưởng thọ 79 tuổi, trước khi tịch sư có để lại một bài kệ:
Sáu mươi năm phiêu bạt đó đây
Vách phên trống toát chẳng hề lay
Bây chừ khăn gói quay về lại
Dòng xưa còn mãi nước trời mây

Đệ tử đem nhục thân sư an táng ở tháp Hổ Bào. Sau này, dưới chân tháp Lục Hòa, có người gặp được sư, Tế Công gửi thư về có đoạn:
Nhớ mũi tên xưa xước cả mày
Nay còn cảm thấy lạnh rờn tai
Chẳng hay mặt thật không người biết
Lại đến Thiên Thai thử một ngày
(Ức tích diện tiền dương nhất tiễn
Chí Kim do giác cốt mao hàn
Chỉ nhân diện mục vô nhân thức
Hữu vãn thiên thai tẩu nhất phiên)

Thiền sư Đạo Tế từng nói bài kệ về phong cách tu hành của mình như sau:
Cổ thi Phật Tổ để một phong,
Dạy khuyên tu miệng lẫn tu lòng,
Người nay tu miệng, lòng không sửa.
Bần tăng lòng sửa, miệng thì không.

 Đức Phật ngăn cấm việc các đệ tử ăn thịt, như trong kinh Lăng Nghiêm nói:
"Người tu chánh định, cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm sát hại chẳng trừ, thì chẳng thể ra khỏi, dẫu có nhiều trí thiền định hiện tiền, mà chẳng dứt sát hại, ắt phải lạc vào đạo quỷ thần. Hạng trên thành tựu đại lực quỷ, hạng giữa thành phi hành dạ xoa và các loại quỷ soái, hạng dưới thành địa hành la sát. Các loài quỷ thần kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi đều xưng đã thành đạo Vô thượng, sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, loại quỷ thần này sôi nổi trên thế gian, tự nói ăn thịt cũng được đạo Bồ đề..." " Các ngươi nên biết, những người ăn thịt, dù được khai ngộ tựa như Tam ma địa, nhưng đều là giống La sát, khi hết phước báu, ắt phải chìm đắm trong biển khổ, chẳng phải đệ tử Phật. Những người như thế, giết nhau nuốt nhau, ăn nhau không thôi, làm sao ra được khỏi luân hồi."


Theo: https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BA%BF_C%C3%B4ng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét