- Nhận diện nguồn gốc Lạc Việt để thoát khỏi tâm lý nhược tiểu


Luận án tiến sĩ “Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong quan hệ với văn hóa truyền thống ở VN” đầu năm 2012 vừa qua của nghiên cứu sinh Nguyễn Ngọc Thơ đã làm hài lòng không chỉ giới chuyên môn mà còn cả những ai muốn tiếp cận tìm hiểu nguồn gốc và những di sản lịch, sử văn hóa của dân tộc Việt.

TS Nguyễn Ngọc Thơ

Tác giả đã khai thác một kho kiến thức đồ sộ và những tư liệu quý giá từ tiếng Hán cổ cũng như hiện đại trong và ngoài nước để hoàn thành công trình nói trên. Điều sâu sắc nhất mà công trình luận án rút ra được chính là giải thích những đứt khúc trong lịch sử về nguồn gốc Lạc Việt và chứng minh rằng dân tộc Việt không hề bé nhỏ.


Đọc bài “Nhận diện văn hóa Lạc Việt” của ông, có nhiều tư liệu rất hay, phân tích nguồn cội để thấy được điểm khác về ngôn ngữ, về tộc người. Nhưng mục đích không chỉ nhận diện một dân tộc, mà theo ông, là gì?

- Luận án của tôi có nhiều mục đích khác nhau, tôi không đặt kỳ vọng viết một luận án lớn giải quyết một vấn đề sâu sắc, chẳng qua là để cung cấp một góc nhìn hay một hệ thống tư liệu để kết nối lại và giải thích những hiện tượng mà tôi đã nói. Tôi đi tìm một khung lý luận trong Văn hóa học để kết nối các thành quả nghiên cứu từ nhiều chuyên ngành khác nhau, từ nhân chủng học, di truyền học, văn hóa học, ngôn ngữ học, tra cứu thư tịch cổ v.v. Sau quá trình miệt mài, tôi thấy chúng hoàn toàn khớp với nhau và rất có hệ thống.

Lâu nay người ta cứ nhắm đến nguồn gốc của tổ tiên mà không nhắm đến những thay đổi của quá trình lịch sử. Về văn hóa, có một chùm tiêu chí để nhận diện, nên nhiệm vụ đối với tôi là đưa ra so sánh nhiều vùng văn hóa khác nhau, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau (Việt, Trung, Anh, Pháp, Nhật), nhiều phương pháp khác nhau (phương pháp tổng hợp liên ngành, địa văn hóa, sử văn hóa v.v..) để tìm kiếm các mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các tiểu hệ thống đối tượng. Luận án này tôi làm 4 năm, trong đó gần 3 năm đầu loay hoay mãi không tìm thấy lối ra, dù nghiên cứu, đọc rất nhiều tư liệu.

Cuối cùng, tôi tìm ra cái khung truy tìm nguồn gốc ban đầu có tính đến quá trình lịch sử, tức người ta có thể nhìn về mặt địa văn hóa, khảo cổ học và đi truyền học, có thể tham khảo thêm truyền thuyết thần thoại, tiến hành xác định cái gốc văn hóa ban đầu (gốc Bách Việt). Qua quá trình mấy ngàn năm lịch sử có va chạm, giao lưu, tiếp xúc, văn hóa Bách Việt không tránh khỏi những biến dạng mặt này hay mặt khác. Về mặt ngôn ngữ, có những từ ngữ trong tiếng Việt gắn liền với nhóm Môn- Khmer, nhưng nhiều từ vẫn có gốc Tày- Thái, hoặc gốc từ Lạc Việt cổ để lại. Không thể nhìn nhận từ căn cứ ngôn ngữ gần hơn với Môn- Khmer để bảo mình nằm ngoài Bách Việt, cũng không thể đánh lờ yếu tố Môn- Khmer để khẳng định mình 100% là người Bách Việt.

Luận án của tôi chính là đặt nhiều kết quả từ nhiều góc nhìn khác nhau để mọi người có cái nhìn hệ thống, thấu suốt mà không có sự khiên cưỡng. Xưa nay mình cứ bảo mình là Bách Việt, nhưng người ta vẫn mơ hồ về điều đó, nên tôi muốn làm rõ nguồn gốc văn hóa Bách Việt, quá trình giao lưu – tiếp biến văn hóa giữa các nhóm tộc người trong vùng và di sản Bách Việt trong văn hóa truyền thống (lấy văn hóa Bắc Bộ truyền thống làm tâm điểm).

Để nghiên cứu thấu suốt vấn đề này chắc phải dùng cả đời, phải một nhóm người nghiên cứu, do vậy bài viết “Nhận diện văn hóa Lạc Việt cổ” (in trong cuốn Di sản lịch sử và những hướng tiếp cập mới - 2011) của tôi chỉ như một sự thăm dò, một sự khởi đầu. Nhiệm vụ của chúng tôi là giải quyết những ngắt khúc trong lịch sử về cội nguồn dân tộc để ai ai cũng thấy thỏa mãn, cũng thấy thông suốt.

Khi phân tích được điều đó, ông thấy văn hóa Việt có phải là nền văn hóa nhược tiểu hay không?

- Văn hóa không thể phân cao hay thấp, hùng cường hay nhược tiểu, mà nó là sản phẩm của quá trình kết tinh lâu dài các giá trị mà con người sáng tạo và tích lũy được trong suốt cuộc sống của một dân tộc trên những điều kiện tự nhiên và lịch sử - xã hội đặc thù của nó. Ở đây, chỉ có thể nói là phạm vi thể hiện là rộng hay hẹp mà thôi.

Chẳng hạn, nếu đặt nguồn gốc văn hóa Việt trong khung di sản Bách Việt chung thì ta không “nhược tiểu” tí nào hết. Vì Trung Quốc (TQ) cũng thừa nhận văn hóa Bách Việt là một đóng góp to lớn ở Đông Á kia mà. Ví dụ, ngày tôi còn đi học đại học, tôi nhớ, TQ hay kêu họ là con cháu của ông Hoàng Đế (vua xứ Hoàng Thổ - Hoàng Hà), chỉ nhắm đến trung tâm văn hóa Hoa Hạ - Hoàng Hà thôi. Sau này họ lại bảo là con cháu Viêm- Hoàng (Viêm = Viêm Đế, thủ lĩnh Bách Việt phương Nam), tức đã công nhận đóng góp to lớn của văn hóa Bách Việt vùng nam Dương Tử.

Vấn đề là một bộ phận dân ta còn suy nghĩ mặc cảm do chưa hiểu lắm về căn cơ, nguồn cội. Luận án của tôi nhằm góp phần khơi thông chỗ bị tắc đó. Hãy hiểu rằng bản thân người TQ coi Tết Đoan Ngọ hay tính chất sông nước của nó là từ Bách Việt. Biểu tượng rồng trong văn hóa Đông Á cũng được chứng minh nguồn gốc Bách Việt. Nhiều phong tục lễ hội, kể cả tục thờ thần Thành hoàng cũng từ chiếc nôi văn hóa Bách Việt. Người TQ luôn cho rằng nàng Tây Thi là con gái Việt (Bách Việt), thì mình đừng ghép Tây Thi vào nhóm Tứ đại mỹ nhân TQ. Tâm lý tiểu nhược nếu có một phần là do tự cho mình nhỏ bé trước cái bóng của ngàn năm Bắc thuộc. Một số thứ mình có, TQ cũng có, kỳ thực là từ nguồn gốc Bách Việt mà ra.

Từ đó, ông rút ra được điều gì?

- Ranh giới của quốc gia hành chính thì như bây giờ, nhưng ranh giới về văn hóa thì không thể căn cứ vào hành chính mà xác định được. Ví như tục thờ Hai Bà Trưng, Hai Bà phất cờ khởi nghĩa thì có đến 65 thành theo Hai Bà, không chỉ ở Bắc Việt Nam mà còn rải rác ở khu vực Nam Dương Tử (nay là Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam, Tứ Xuyên), sau bị nhà Hán chiếm lại.

Tôi được biết có rất nhiều miếu thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh, đặc biệt có miếu rất to ở Linh Lăng vùng Hồ Nam. Hầu hết sứ giả Việt sang TQ đều ghé các miếu thờ Hai Bà. Trong những năm vừa rồi tôi cũng cất công đi tìm nhiều lắm, nhưng không còn miếu nào, hình như đã chuyển đổi công năng thời cách mạng văn hóa (1966- 1976). Miếu lớn nhất đã mất dấu, nhưng trong sử sách có ghi chép một số nơi thờ Hai Bà. Dân gốc bản địa trên đảo Hải Nam xưa cũng có nguồn gốc Bách Việt, gần gũi nhất với người Việt đồng bằng sông Hồng.

Nên nhớ người Lạc Việt trước đây sinh sống từ sông Hồng - sông Mã, lên phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ, nay thuộc Đông Nam Quảng Tây, sang đến bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông) vòng xuống hết đảo Hải Nam. Tôi đến Lôi Châu, phát hiện nhiều điều thú vị. Ở đó có bến nước, cây đa, lũy tre làng, con trâu, có tục thờ con nghê, chó đá, có tục thờ Lôi thần, có thêm tín ngưỡng Tiễn phu nhân - một nữ thủ lĩnh Lạc Việt. Trong quá trình điền dã, tôi thấy người Lôi Châu nói tiếng TQ cũng y như người Việt nói tiếng TQ vậy.

Trở lại công tác và giảng dạy ở trường đại học KHXH&NV, xin ông cho biết, bộ môn văn hóa học tiếp cận với đời sống hôm nay ở những góc cạnh nào và có những thay đổi thế nào để đáp ứng nhu cầu xã hội?

- Lúc đầu thành lập, khoa Văn hóa học thiên về nghiên cứu có ứng dụng lâu dài (phù hợp với mục tiêu xây dựng trường đại học nghiên cứu). Cho đến nay khoa đã có hai khóa tốt nghiệp, theo phản hồi từ các em khi đi tìm việc, thì hướng nghiên cứu của các em hiện đang làm rất tốt, nhưng kỹ năng thì cần phải trau dồi nhiều hơn. Ban chủ nhiệm Khoa đã và đang xem xét, bổ sung những kỹ năng cần thiết trong hai năm trở lại đây. Tôi tốt nghiệp cách các em không quá lâu (13 năm) nên hiểu các em, đã mạnh dạn đề xuất với Ban chủ nhiệm khoa, hội đồng khoa học khoa để bổ sung những kỹ năng nghiệp vụ cơ bản thành những môn tự chọn, tức tạo ra cho các em nhiều cơ hội hơn.

Một khi nhà trường đối mặt với những vấn nạn về văn hóa ngoài xã hội, thì cần giải quyết mâu thuẫn giữa sự phát triển về kinh tế và sự xuống cấp về văn hóa như thế nào, theo ông?

- Một trường đại học chuyên sâu về khoa học xã hội và nhân văn không đơn giản là nơi đào tạo nhân tài mà còn phải điều tiết tri thức và phải định hướng phát triển xã hội. Đây cũng là mục tiêu cao cả của bao thế hệ quản lý và giảng viên trong trường. Sinh viên và nhân sĩ các giới xã hội thức thời hiện rất quan tâm đến những hiện tượng xuống cấp về văn hóa, hiện trạng không xây dựng được chuẩn văn hóa, nếp sống hiện đại và mong muốn góp phần xây dựng xã hội. Vì vậy, chúng tôi đào tạo cho các em vừa đủ tri thức, đủ kỹ năng và ứng dụng để sau này chính các em sẽ là những nhân tố tích cực nhất trong xây dựng và hoàn thiện môi trường văn hóa.

Một người Việt chân chính luôn biết cân bằng một bên là giá trị vật chất và một bên sự lắng đọng tinh thần. Văn hóa là những trầm tích, nó đánh dấu chiều sâu lịch sử, nó thể hiện sự thăng hoa về tinh thần. Một khi biết cân bằng hai thứ thì mới đủ tỉnh táo không chạy theo những cao trào, nay mốt này, mai mốt nọ. Mình là trí thức mà cũng chạy theo sự hào nhoáng vật chất thì người dân sẽ như thế nào? Sau này mỗi một em sinh viên sẽ là người thầy trong xã hội, sẽ tác động trực tiếp đến bao người dân, nên trách nhiệm của các em hơn hẳn những người khác.

Nhà văn Nguyên Ngọc có nói: Văn hóa là sự tĩnh tâm của xã hội, là phần lương tâm sâu xa bền vững nhất của nó, là phần tự vấn thường xuyên của con người, xã hội và dân tộc. Ông nghĩ thế nào về câu nói này?

- Tôi rất tâm đắc với ý tưởng đó. Thực sự mà nói, văn hóa luôn có chức năng định hướng con người ta đến những giá trị cao cả nhất, những chuyện rất nhân bản mà mấy ngàn năm trước ông bà ta đã hướng tới rồi, là chân, thiện và mỹ. Vậy là do có nhiều vấn đề vì mấy chục năm trở lại đây mình lo quá nhiều về chính sách kinh tế, trào lưu KHKT, nên người ta chưa dành vị trí xứng đáng cho lĩnh vực nhân văn, tức là văn hóa.

- Xin cảm ơn ông.
NHẬT LỆ THỰC HIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét