Hành động tốt đem lại quả tốt.
Hành động xấu đem lại quả xấu.
Đừng kỳ vọng thánh thần, chư thiên, những kẻ khuất mày khuất mặt sẽ bảo vệ bạn.
Cũng đừng tin tưởng ngày tốt, ngày xấu. Đó là những điều không thật.
Bạn sẽ luôn luôn chờ đợi ngày tốt, giờ tốt, tháng tốt, năm tốt, vị thần này, vị thánh nọ.
Tin tưởng vào những điều đó chỉ đem lại đau khổ cho bạn mà thôi.
Hãy nhìn vào hành động và lời nói của bạn, nhìn vào nghiệp của bạn.
Làm lành bạn sẽ gặt quả vui, làm ác bạn sẽ mang quả khổ.
Ngài Ajahn Chah
Thói thường con người mê tín vì sợ hãi, yếu đuổi, u mê, thiếu kiểm soát trong các hoàn cảnh bất an, và niềm tin kiểu này trợ giúp để có cảm giác an tâm, tự tin hơn.
Mê tín
Bất chấp các tiến bộ thời hiện đại, nhiều tập tục mê tín vẫn còn tồn tại trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sắp tới, gần một trăm triệu người Việt Nam sẽ bước vào một chuỗi liên tục các hoạt động tín ngưỡng quan trọng.
Tín ngưỡng là một nhu cầu tinh thần, và luật pháp Việt Nam bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Tuy nhiên, ta nên thực hành nó một cách đúng đắn chứ không để nó chi phối tâm trí, lý lẽ một cách cực đoan.
Niềm tin vào những yếu tố siêu nhiên đã duy trì trong mọi nền văn hóa xuyên suốt lịch sử. Đến tận ngày nay, một phần tư người Mỹ tự nhận mình mê tín. Chúng ta e ngại thứ sáu ngày 13, đeo bùa hộ mệnh hay thực hiện những nghi thức để thu hút tài lộc.
Các gia đình Việt Nam dọn nhà đón Tết và người buôn bán mở hàng để đón phúc lộc chẳng hạn. Tôi thậm chí được biết về một số kiêng kỵ ngộ nghĩnh của học sinh Việt khi đi thi: không ăn trứng vì sợ điểm 0, không ăn chuối vì sợ ''trượt vỏ chuối'' hay không ăn thịt bò vì sợ đầu óc ''ngu như bò''. Thật oan cho bò.
Theo các nhà khoa học, chúng ta mê tín vì sợ hãi, thiếu kiểm soát trong các hoàn cảnh bất an, và niềm tin kiểu này giúp ta cảm thấy an tâm, tự tin hơn. Vấn đề xuất hiện khi người ta nhầm lẫn hay đánh đồng giữa tín ngưỡng lành mạnh và sự cuồng tín, mê muội, đặt niềm tin mù quáng vào thế lực siêu nhiên, khiến họ mất sự sáng suốt, hành động vô lý và mất tiền của, thậm chí tính mạng.
Văn hóa tâm linh phong phú đa thần của người Việt ăn sâu vào tiềm thức người dân. Người ta thờ cúng tổ tiên để thể hiện lòng thành kính đối với những người đã khuất, và theo tôi đây là một phong tục rất đẹp, rất nhân văn.
Tiếng Việt có câu tục ngữ rất ý nghĩa: uống nước nhớ nguồn, nên đa số gia đình có bàn thờ ở nhà, làm giỗ để nhớ người chết, treo di ảnh... Thế nhưng có một hủ tục thu hút nhiều sự chú ý của dư luận và thậm chí gây ra tranh cãi: đốt vàng mã.
Hủ tục này có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian xa xưa và không bắt nguồn từ các chính giáo truyền thống như Phật giáo hay Nho giáo.
Mỗi năm, người Việt chi khoảng 400 tỷ đồng, đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã để ''gửi'' người thân ở dưới âm. Tôi cảm thấy ngần ngại do một số người có xu hướng đốt vàng mã một cách thái quá, không tiếc tiền mua hàng chục triệu đồng vì ''đốt càng nhiều càng có lộc''.
Người ta sáng tạo ra những hình dáng vàng mã kỳ dị và hợp thời như vàng mã xe hơi, đồng hồ, iPhone, tiền USD, giày cao gót... Bên cạnh đó, việc đốt vàng mã còn tổn hại đến tài nguyên rừng vì giấy được làm từ gỗ và gây ô nhiễm môi trường. Riêng năm 2017, gần 10 vụ cháy nhà do đốt vãng mã làm 20 người chết tại TP HCM.
Việc đã đi quá đà đến nỗi Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2018 đã ra công văn đề nghị Phật tử loại bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo.
Trong khi có quan điểm trung lập về vàng mã, tôi kiên quyết phản đối các thầy bói, thầy tướng và kêu gọi luật pháp cấm các hoạt động này khỏi đời sống xã hội hiện đại.
Theo tôi, nghề đó là biểu hiện của lạc hậu và suy thoái. Các thầy bói lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để kiếm tiền, họ đánh vào nỗi sợ hãi và lòng tham lam của nạn nhân để lừa bịp và trục lợi. Vì nhận thức thấp, thiếu tri thức khoa học, một số người sẵn sàng đặt niềm tin mù quáng vào lời "thầy" và những điều hoang đường mà họ phán ra, từ đó mất dần sáng suốt, sa vào những tình huống nguy hiểm.
Theo những trường hợp thông thường, thầy bói sẽ ''thấy'' một điềm gở, phán một nguy nan sắp xảy ra. Ví dụ: chồng ngoại tình, gia đình ly tán, thậm chí con chết,... Và nếu người đi xem bói không muốn gặp phiền toái, họ chỉ có cách bỏ nhiều tiền nhờ thầy cúng giải hạn. Việc tin một cách mê muội vào lời thầy bói có thể dẫn đến những hậu quả tai hại. Nhiều người mất tiền tỷ.
Ở Thanh Hóa, bà đã sát hại cháu mình vì thầy phán ''nếu cháu sống bà chết, và ngược lại''. Ở Quảng Ngãi, một gia đình quyết định bỏ nhà vì thầy bảo nhà có ''đồ độc''. Một gia đình khác đã bị mất nhà vì tin lời thầy ''dưới đất nhà có vàng''. Và họ có thể mất mạng khi đau ốm nếu quyết định tìm đến thầy bói thay vì đến biện viện điều trị.
Trong khi nạn nhân phải chịu những mất mát về vật chất lẫn tinh thần, thầy bói thường ăn nên làm ra, kiếm tiền như chơi. Đây là một điều đáng buồn. Và trớ trêu thay, các thầy bói không bao giờ dự báo được thảm họa và thiên tai quy mô lớn như các cơn thần sóng chết người hay cháy rừng tại Australia chẳng hạn, và qua đó cứu vô số mạng sống.
Vấn đề là, "những gì "thầy" phán dường như có thật", nhiều người lý giải. Khoa học thực ra đã lý giải tại sao chúng ta hay có cảm giác thầy bói phán đúng. Họ có khả năng đánh giá và nắm bắt rất đúng tâm lý của nạn nhân. Họ áp dụng một số thủ thuật tâm lý như "hiệu ứng Barnum": họ sẽ phán những điều rất mơ hồ và chung chung mà trên thực tế chúng có thể áp dụng cho rất nhiều người.
Những dự đoán đó được điều chỉnh dựa trên các manh mối như tuổi tác, cách nói, ăn mặc, tâm lý và cư xử của người đi xem bói. Sau đó, thiên kiến xác nhận (confirmation bias) bắt đầu hoạt động. Tức là chúng ta có khuynh hướng chỉ lưu ý đến những thông tin nào xác nhận lời phán của thầy và phớt lờ, quên mất các trường hợp mà thầy đã phán sai. Từ đó, ký ức chọn lọc của ta sẽ chỉ ghi nhớ các dự báo đúng của thầy bói và không chỉ vậy, bộ não ta sẽ tự tìm ra ý nghĩa trong các sự kiện ngẫu nhiên để "gán" vào lời thầy.
Tự do tín ngưỡng là một phần không thể tách rời của đời sống, nhưng ta phải biết rõ ranh giới giữa tín ngưỡng lành mạnh và hành vi mê tín dị đoan nhằm tránh hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, chính quyền và mọi người cùng nói ''không'' với các hành vi lợi dụng sự cả tin của người khác để trục lợi.
Marko Nikolic
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét