- HẠNH PHÚC LÀ TĨNH LẶNG

 (Ảnh: Marvent / Shutterstock)
Để mở đầu bài viết này, tôi xin mượn lời của người sáng lập ra Phân tâm học, Sigmund Freud:
“Không biết bao lần người ta đặt ra câu hỏi con người sống để làm gì. Chưa bao giờ họ nhận được câu trả lời thỏa đáng và có lẽ không chấp nhận một câu trả lời nào. 
Chúng ta bởi thế sẽ chuyển sang câu hỏi ít tham vọng hơn, đó là bằng hành vi của mình con người thể hiện điều gì là mục đích và ý định của đời họ. Họ đòi hỏi cuộc sống những gì và đã ước muốn đạt được gì trong cuộc sống. Khó có thể nghi ngờ câu trả lời cho câu hỏi này. Họ theo đuổi hạnh phúc, họ muốn trở nên hạnh phúc và mãi được hạnh phúc”.

Đạo Phật khuyến khích con người nên quán niệm về tính phù du, hư ảo, không thật của mọi sự, mọi vật. Đây là một phương pháp quán niệm có tính xuyên suốt trong đạo Phật từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa.

Hạnh phúc là đích nhắm đến trong cuộc đời, điều đó hẳn nhiên không ai phủ nhận. Nhưng sao chúng ta lại có quá ít hạnh phúc? Có điều gì sai trong hướng tìm cầu hạnh phúc của chúng ta?

Một trong những điều khiến ta ít có hạnh phúc là thiếu nghệ thuật sống trong hiện tại, có mặt với hiện tại. Thói quen nghĩ tưởng tương lai và quá khứ làm tê liệt khả năng cảm thụ hạnh phúc trong giây phút hiện tại. Thói quen ấy có sức mạnh đến nỗi giáo sư tâm lý học người Mỹ, Daniel Gilbert, đã ví von thế này: “Như bất cứ ai đã từng cố gắng học thiền đều biết không nghĩ về tương lai còn khó hơn gấp nhiều lần so với việc trở thành một giáo sư tâm lý học”.

Quả thật, nhìn vào đời sống của mình, ta toàn thấy những khát vọng, mong cầu, những tham muốn, đeo đuổi, những dự án, kế hoạch chưa thành hình, mà ít khi có mặt trong giây phút hiện tại, thấy được những thứ đang hiện hữu quanh ta, những cái mà ta đang có, đang sở hữu. Sống tiếp xúc sâu sắc với mọi thứ đang có mặt quanh ta là cảm nhận được những giá trị thiêng liêng và mầu nhiệm của chúng, sẽ khơi dậy niềm hạnh phúc lớn lao biết dường nào. Còn khi sống mà toàn thấy những ước vọng, tham muốn, những dự án, dự định, những đeo đuổi mong cầu thì nguồn an lạc hạnh phúc trong ta bị vùi lấp dưới đáy mồ của mộng ước, của nghĩ tưởng xa vời khiến ta không thể cảm nhận cuộc sống với niềm an vui nơi giây phút hiện tại.

Điều này như Eckhart Tolle nói: “Lúc mà bạn đi vào giây phút hiện tại với tràn đầy ý thức, bạn sẽ nhận thức rằng đời sống thực mầu nhiệm biết bao. Có một sự thiêng liêng trong mọi thứ mà bạn cảm nhận được, khi bạn có mặt sâu sắc. Khi bạn càng có mặt sâu sắc trong giây phút hiện tại chừng nào thì bạn càng cảm nhận được niềm vui rất đơn thuần nhưng rất sâu sắc của trạng thái an nhiên tự tại và sự thiêng liêng của mọi thứ trong đời sống”.

Ta hướng vọng tương lai rồi nhìn đời mà so sánh. Ta muốn trở thành một ai đó, trở thành người khác. Ta cố để được giống như họ và vì vậy ta đánh mất con người của chính mình. Ta càng cố giống người này, được như người kia, thì ta càng trở nên bất hạnh. Vì không ai hạnh phúc khi sống đời sống của một người khác. Bạn chỉ có thể hạnh phúc khi sống đúng với con người của chính mình. Dù bạn không thật là giàu có, không thật là nổi tiếng, nhưng việc bạn sống thật với chính mình thì hạnh phúc hơn là chạy theo những hào nhoáng bên ngoài của người khác. So sánh là hướng ngoại, là nhìn ra bên ngoài, do vậy ta không thấy được những giá trị của bản thân. Mà hạnh phúc chân thật được làm bằng những giá trị đích thực của bản thân chứ không phải giá trị của người khác. Đó là lý do mà Theodore Roosevelt gọi “So bì là kẻ đánh cắp hạnh phúc”.

Ta hướng ngoại so sánh, cảm thấy thua thiệt với người, từ đó ta dồn hết tâm trí cho việc đeo đuổi thành công. Do quá bận tâm về việc được mất thành bại, hơn thua với người nên ta bị cuốn vào áp lực của sự thành công và ám ảnh về sự thất bại. Thành công tạo ra tâm lý phấn khởi, hân hoan; thất bại đem lại cảm giác u uất, buồn phiền, thất vọng. Chính sự phấn khởi, hân hoan trong tâm lý khi thành công tạo ra áp lực cho mọi đeo đuổi thành công và sự u buồn chán chường, thất vọng trong thất bại tạo nên nỗi ám ảnh về sự thất bại. Vậy làm sao ta thoát ra khỏi áp lực về sự thành công và nỗi ám ảnh với thất bại?

Nhằm xả buông những trạng thái tiêu cực ấy, đạo Phật khuyến khích con người nên quán niệm về tính phù du, hư ảo, không thật của mọi sự, mọi vật. Đây là một phương pháp quán niệm có tính xuyên suốt trong đạo Phật từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa. Trong cả hai truyền thống kinh điển, Đức Phật luôn khuyên ta nên nhìn mọi thứ ở đời như bọt nước, như giọt sương trên đầu ngọn cỏ… có đó rồi mất đó, chỉ trong chớp mắt, để tâm bớt tham chấp mà trở nên nhẹ nhàng, tĩnh lặng. Ngài dạy: “Ví như, này Bà-la-môn, giọt sương trên đầu ngọn cỏ, khi mặt trời mọc, mau chóng biến mất, không tồn tại lâu dài. Cũng vậy, này Bà-la-môn, như giọt sương là đời sống loài người, nhỏ bé, không đáng kể, nhiều khổ đau, nhiều ưu phiền. Hãy giác ngộ!” (kinh Tăng chi). “Các pháp trong thế gian, tất cả đều như huyễn. Nếu biết được như vậy, thì tâm không bị động”(kinh Hoa nghiêm).

Mọi sự ở đời không phải đều tan biến nhanh như thế! Nhưng khi bạn nhìn đời bằng cách ấy, tâm trí bạn thoát khỏi mọi áp lực lo lắng, sợ hãi và các ám ảnh về mất mát, thất bại… mà trở nên bình lặng, tĩnh tại hơn. Bác sĩ Paul Dahlke, một trong những người đặt nền móng Phật giáo đầu tiên ở Đức, đã diễn giải điều này thật hay: “Khi nào tôi ngỡ hạt sương long lanh trên cỏ là viên kim cương thì tôi sẽ giành giật và liều mạng để cướp lấy nó cho bằng được. Nhưng đến khi tôi hiểu rằng, à đó chỉ là hạt sương lấp lánh dưới ánh nắng thôi mà, thì tôi sẽ không tự làm khổ mình về điều đó nữa. Tôi biết, như một cơn gió thoảng, mọi thứ đều sẽ qua đi hết. Nhà tư tưởng chân chính cũng suy nghĩ như vậy khi đối mặt với thế giới và những giá trị của nó, cho dù các giá trị đó được gọi tên là vợ con, của cải, lợi danh, gia đình…”.

Cảm thức về mọi thứ là thật có, cùng với tâm trạng hân hoan, sung sướng khi đạt được một thành công, khiến ta lầm tưởng đó là nguồn hạnh phúc chân thực. Cho nên bằng mọi giá ta cố đeo đuổi cho bằng được cái này, cái kia; từ đó áp lực đè nặng lên tâm trí ta. Còn khi cảm nhận mọi thứ là hư ảo, không thật, dẫu vẫn đang hành động hướng đến thành công, thì tâm trí được thảnh thơi, yên nghỉ và tĩnh lặng. Một sự tĩnh lặng không như những khoảnh khắc thư giãn, buông xả, lắng dịu tạm thời trong cuộc sống đầy bon chen hối hả, đầy căng thẳng áp lực, mà sự tĩnh lặng ấy đến từ một tâm trí được khai mở, nhận ra cuộc sống vốn mong manh vô thường, phù du ảo mộng, như chính lời dạy này của Đức Phật, “Hãy nhìn như bọt nước, hãy nhìn như cảnh huyễn, quán nhìn đời như vậy, thần chết không bắt gặp”. Thần chết ở đây ám chỉ cho khổ đau. Nhìn đời như vậy thì khổ đau không có mặt. Nhìn đời như vậy thì tĩnh lặng, là hạnh phúc. Không có cái gì nơi đâu trên cuộc đời này có thể nắm giữ niềm vui cho ta mãi mãi. Mọi thứ chỉ như bọt nước, hạt sương!

Từ việc thấu hiểu bản chất của cuộc đời như vậy, ta mới có tâm thái chấp nhận mọi trải nghiệm về đời sống. Cuộc sống có những giây phút sum vầy hạnh phúc thì cũng có những lúc chia ly trong buồn đau; có cảm giác khoái lạc thì cũng có cảm giác đau đớn. Chấp nhận, là khi bạn đối diện cái khổ mà không phản ứng loại trừ, tiếp nhận niềm vui mà không gắn bó quyến luyến, thì đạt đến trạng thái sâu lắng, tĩnh lặng của tâm thức. Trạng thái ấy, theo Eckhart Tolle, là khả năng chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất của nó. Ông nói: “Bất kỳ khi nào bạn chấp nhận một cách sâu sắc mỗi giây phút như bản chất của nó, bất kể hình thức phút giây ấy đang biểu hiện là gì, bạn sẽ có được trạng thái lặng yên, bạn có được sự an tịnh”.

Tâm tĩnh lặng, yên bình hay an tịnh là trạng thái hạnh phúc sâu lắng. Một hạnh phúc vượt lên trên những vui sướng, khổ sầu thông thường của con người. Hay nói như Andrew Olendzki: “Hạnh phúc hay một cảm thức sâu xa về an lạc không bao gồm sự có mặt của lạc thú hay sự vắng mặt của đau đớn và nó cũng chẳng tùy thuộc vào những điều này”. Hạnh phúc ấy, an lạc ấy không phải tự nhiên mà có mà là cả một quá trình rèn luyện, huân tập tâm trí trải nghiệm mọi sự vật, sự việc ở đời như chúng vốn vậy. “Khi tâm trải nghiệm một cái gì đó dễ chịu hay khó chịu, tâm chỉ đơn giản thấu hiểu sự vật như nó vốn vậy, thì sẽ không có khổ đau” (Tiến sĩ Yaval Noah Harrasi). Hạnh phúc, vì thế là sự thấu hiểu bản chất của mọi sự vật hiện tượng ở đời mà an nhiên tự tại.

Khổ đau hay không hạnh phúc, theo Phật giáo, không phải là những cảm giác đau đớn, buồn bã, khó chịu… mà là cái tâm trí luôn vọng động không ngừng nắm bắt và loại trừ, ưa thích và ghét bỏ các đối tượng mà nó tiếp xúc. Chính cái tâm vọng động đó mới là cái gốc của khổ đau. Cho nên muốn có hạnh phúc thật sự trên cuộc đời này, cách duy nhất là giữ cho cái tâm đừng có vọng động phản ứng thuận nghịch theo các pháp khả ái và không khả ái. Tâm vọng động thì khổ đau, tâm tĩnh lặng thì hạnh phúc.

Mùa xuân là mùa của hạnh phúc, hân hoan nhưng hãy hạnh phúc, hân hoan trong tĩnh lặng, bạn nhé!


Hoàng Nguyên (Báo Giác Ngộ Xuân Canh Tý)

Sự yên tĩnh giúp tế bào não tái sinh, khai trí và giảm áp lực

Nhịp sống hối hả làm chúng ta dần quen với đủ loại tiếng ồn không ngưng nghỉ suốt đêm ngày. Tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Sự yên tĩnh đúng là vàng!

Năm 2011, Cục du lịch Phần Lan đã tiến hành một chương trình marketing trong đó sử dụng sự tĩnh lặng như là một lợi thế để thu hút du khách đến trải nghiệm cái đẹp tại đất nước này. Họ đã đăng tải một loạt hình ảnh về sự yên tĩnh của con người trong khung cảnh thiên nhiên, đồng thời còn sử dụng thông điệp “Xin hãy giữ yên tĩnh”. Cố vấn thương hiệu quốc tế Simon Anholt còn thêm vào một câu khẩu hiệu: “Đừng nói, hãy hành động”.
Khi thế giới càng lúc càng ồn ào, thì sự yên tĩnh đã trở nên có sức thu hút hơn cả, những nơi yên tĩnh cũng được nhiều người săn đón hơn. Có thể nói việc lựa chọn những nơi tĩnh lặng là rất thông minh, nhiều nghiên cứu đã cho thấy sự yên tĩnh có ích đối với não bộ hơn chúng ta nghĩ.
Thúc đẩy tế bào não tái sinh và biệt hóa thành nơ-ron
Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Brain, Structure and Function (TD: Cấu trúc và chức năng của não) vào năm 2013 đã theo dõi tác động của tiếng ồn và sự yên tĩnh đối với não của chuột bạch. Ban đầu sự yên tĩnh được dùng để làm mẫu đối chứng, nhưng người ta lại kinh ngạc phát hiện rằng nếu mỗi ngày chuột không nghe thấy âm thanh trong 2 tiếng thì ở hồi hải mã trong não của chúng sẽ xuất hiện tế bào mới. Hồi hải mã là nơi có liên quan đến trí nhớ, tình cảm và khả năng học hỏi của não.
Sự sản sinh tế bài mới trong não không hẳn là luôn có lợi. Nhưng nhà nghiên cứu Imke Kirste cho biết, “Chúng tôi phát hiện ra rằng sự yên tĩnh thật sự có thể hỗ trợ tế bài mới sản sinh biệt hóa thành nơ-ron cũng như phối hợp với hệ thống.” Từ ý nghĩa này, sự yên tĩnh thật sự tốt cho não.
Tích cực tiếp thu và lưu trữ thông tin trong yên tĩnh

Sự yên tĩnh giúp tế bào não tái sinh, khai trí và giảm áp lực
(ảnh: Marvent/Shutterstock)

Một nghiên cứu vào năm 2001 đã cho thấy dù não đang “nghỉ ngơi” nhưng thực ra nó vẫn đang tích cực làm việc, tiếp thu và lưu trữ thông tin một cách rất tích cực.
Khi không bị phân tâm bởi tiếng ồn hay hoạt động, sự im lặng sẽ giúp não bộ xử lý nhanh các thông tin đã được tiếp nhận. Hơn nữa, trong quá trình im lặng, con người cũng sẽ phát triển được tư duy tưởng tượng và suy nghĩ theo chiều hướng sâu sắc hơn.
Trong khi đó, tiếng ồn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình nhận thức, làm suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung của con người.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trẻ em học tập hay sinh sống trong môi trường nhiều tiếng ồn đều phát triển chậm hơn về kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức. Vì vậy các bậc cha mẹ nên tạo môi trường và không gian yên tĩnh cho trẻ khôi phục và cải thiện những kỹ năng này.
Giảm căng thẳng và mệt mỏi
Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tiếng ồn có tác động sinh lý rõ ràng đối với não bộ của chúng ta, chúng có thể dẫn đến tăng mức hormone căng thẳng. Sóng âm đi qua tai truyền đến não bằng hình thức tín hiệu điện tử. Dù trong lúc ngủ, cơ thể cũng sẽ phản ứng đối với những tín hiệu này. Hạch hạnh nhân (nằm ở thùy thái dương) có liên quan đến sự hình thành ký ức và tình cảm, khi bị kích hoạt sẽ khiến cơ thể tiết ra hormone căng thẳng. Nếu môi trường sống luôn ồn ào thì hormone căng thẳng của bạn sẽ luôn cao.
Một nghiên cứu được đăng trên tờ Psychological Science năm 2002 đã khảo sát tác động của việc di dời sân bay Munich đối với sức khỏe và trí tuệ của trẻ em. GS. Gary W.Evans, Đại học Cornell chỉ ra rằng những đứa trẻ tiếp xúc với tiếng ồn sẽ sinh ra những phản ứng chấp nhận có thể giúp trẻ bỏ qua tiếng ồn. Điều thú vị là những đứa trẻ này không chỉ bỏ qua những sự kích thích có hại mà cũng bỏ qua những sự kích thích cần chú ý đến (ví dụ như tiếng nói).
GS. Evans viết: “Nghiên cứu này là chứng cứ mạnh mẽ nhất và có lẽ là rõ ràng nhất cho thấy, những tiếng ồn không có hại cho thính lực cũng sẽ gây ra áp lực có hại đối với chúng ta.” Còn hiệu quả của sự yên tĩnh đối với não lại gần như hoàn toàn tương phản với tiếng ồn: Sự yên tĩnh có thể giải phóng sự căng thẳng về tinh thần và thể xác.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Heart đã nhận ra rằng sự yên tĩnh trong hai phút có thể giúp chúng ta thư giãn hơn là nghe nhạc “nhẹ nhàng”, những gì quan sát được là sự thay đổi đối với huyết áp và tuần hoàn máu não.
Sự yên tĩnh giúp bổ sung tài nguyên trí tuệ
Đã có rất nhiều những cuộc nghiên cứu về khả năng tác động của sự ô nhiễm tiếng ồn đến khả năng nhận thức. Kết luận có được là tiếng ồn sẽ tác động đến công việc và học tập cũng như có thể khiến chúng ta không đủ động lực, xảy ra nhiều sai lầm hơn. Hiệu suất chịu sự quấy nhiễu nhất từ tiếng ồn là khả năng chú ý khi đọc, trí nhớ và năng lực giải quyết vấn đề.
Nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ có nhà hoặc lớp học ở gần sân bay, đường ray xe lửa hoặc đường cao tốc sẽ có điểm môn đọc khá thấp, trí tuệ và kỹ năng ngôn ngữ phát triển khá chậm.
Tin tốt đó là ở trong môi trường có âm thanh khá thấp thì não có thể “phục hồi” lại khả năng trí tuệ. Trong môi trường yên tĩnh, não sẽ thả lỏng ý thức tự vệ, tìm lại sự “tổn thất” do âm thanh mang đến.
Như vậy có thể thấy rằng, có lẽ chúng ta nên lên kế hoạch đi du lịch Phần Lan, ở đó bạn có thể tìm thấy sự yên tĩnh có ích cho não bộ. Nếu Phần Lan quá xa thì bạn cũng có thể tìm một nơi yên tĩnh để đi dạo một mình, có lẽ cách này sẽ đưa bạn và bộ não bước vào một thế giới tốt đẹp hơn.
Theo Ngọc Trúc – Trithucvn
http://redsvn.net/tong-quan-ve-phan-tam-hoc-co-dien-cua-sigmund-freud2/

"- Giữ tĩnh lặng: 1h ta sẽ nghe được tiếng vọng của tâm thức,
- Giữ tĩnh lặng: 1 buổi ta sẽ nghe được tiếng vọng của tương lai,
- Giữ tĩnh lặng: 1 ngày ta sẽ thấu tường Nhân-Quả
- Giữ tĩnh lặng: 1 tuần ta sẽ thấu được Vô Thường
- Giữ tĩnh lặng: 4 tuần ta sẽ thấu được vòng quay của Nghiệp
- Giữ tĩnh lặng: 7 tuần ta sẽ thấy được hồi ức các kiếp quá khứ!

Cách tu đơn giản nhất - là TĨNH LẶNG!
Tất cả mọi u mê, ảo ảnh, phù phiếm của nhân gian sẽ lần lược được gỡ bỏ!
Tĩnh Lặng - là một sự lắng đọng mọi tạp nhiễm!

Muốn có được Tĩnh Lặng không nhất thiết phải Thiền! Nhưng nhất thiết phải Định!
Lòng kiên trì gìn giữ sự tĩnh lặng thanh khiết vô niệm khởi, vô xúc, vô giác, vô ý, vô thanh, vô sắc!

Vì vậy: Muốn mình mau chứng ngộ thì cần nhiều không gian Tĩnh Lặng, nói ít lại, nghĩ ít lại, và luôn luôn chừa ra một khoảng trống cho tâm thức được lắng đọng, chứ không phải xô bồ, cuốn quýt đọc chú, tụng kinh, miệng niệm, thân động, thì càng tu lâu càng rối rấm, càng tu nhiều càng xáo động không an!
Tĩnh Lặng - là con đường ngắn nhất đi đến giác ngộ tự tánh!
Thời gian này vô cùng nhàn rỗi với nhiều người, mọi người hãy thử cho mình một thời khắc tĩnh lặng xem xem ta sẽ đạt được những tiến bộ thế nào trong tâm thức chính ta!?"-  Quy Luật Tam Giới

1 nhận xét: