Lời BBT: Sự biến mất của Đạo Phật ở Ấn Độ, nơi nó đã được sinh ra, trưởng thành và đạt đến những thành tựu cao nhất, là một hiện tượng đáng ngạc nhiên và đau lòng đối với những người chí thành với Phật pháp, mặc dù vậy nó vẫn đã xảy ra trên thực tế chứ không còn là một điều tưởng tượng. Tuy nhiên, cho đến tận giờ, thế nào và tại sao đạo Phật đã không tồn tại lâu dài ở Ấn Độ vẫn còn là một vấn đề khó hiểu với nhiều ý kiến rất khác nhau. Bài của tác giả đã viết khá lâu nay đọc lại thấy vẫn còn mới như nguyên. Xin tái đăng lại để qúy độc giả suy ngẫm.
Là người Phật tử, hoặc cảm tình viên của Phật giáo, chắc không ai thích nghe bàn về chuyện Phật giáo cũng có thể bị suy thoái, thậm chí hủy diệt, bằng bất cứ kiểu gì. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản dựa trên cái lý “thành trụ hoại không” (hay “sinh trụ dị diệt”) của nhà Phật, thì bất cứ sự vật nào trên thế gian nếu đã có thành tất phải có hoại và cuối cùng đi đến chỗ diệt vong, hoặc biến đổi sang trạng thái khác hẳn. Điều này không chỉ đúng riêng đối với Phật giáo, hay mọi tổ chức, thiết chế xã hội khác trên đời mà còn đúng cả với cuộc nhân sinh tại trần gian này nữa, vì hiện nay, trước tình trạng khủng hoảng môi sinh toàn cầu, thế giới cũng đang đứng trước mối đe dọa bị hủy diệt, mang tính hoàn toàn hiện thực. Giả định, đến một lúc nào đó thế giới quả thật bị hủy diệt, tức đến hồi mạt pháp, thì chuyện tu hành không còn, kinh sách cũng sẽ trở nên hoàn toàn vô nghĩa.