- MỘT SỐ LỢI ÍCH CỦA VIỆC NGỒI XỔM

Trước hết, ngồi xổm (squat, squatting: ngồi chồm hổm) là một tư thế tự nhiên (natural posture), tức là tư thế của bào thai mà nhiều động vật trong đó có khỉ, vượn, tinh tinh và cả người thời cận đại vẫn có (xem hình) khi nghỉ, khi đi “tè” (tiểu tiện) hay đi “ị” (đại tiện); thậm chí ngồi xổm là phong cách phổ biến trong nhiều tình huống sinh hoạt cộng đồng khác. Ở nhiều vùng trên thế giới, nhất là Châu Phi, Trung Đông-Tây Á và Châu Á, Mỹ la tinh, Châu Úc, cư dân vẫn có tư thế ngồi xổm như văn hóa vốn có từ ngàn xưa.
Tư thế ngồi xổm tự nhiên được xác định là tư thế phần chậu hông mở rộng để hạ thấp phần thân trên (trọng tâm cơ thể do đó hạ thấp), hai đầu gối gấp lại tối đa khi bắp đùi ép gần sát với bắp chân trong khi phần xương chậu và mông ở thấp hơn đầu mức đầu gối. Một số cộng đồng còn có động tác gọi là ngồi bó gối, trong đó 2 tay ôm vòng quanh 2 đầu gối (hoặc quanh 2 cẳng chân) đang ở tư thế ngồi xổm. Ngồi xổm tự nhiên dễ thấy nhất ở trẻ em khi chơi đùa, ngay cả với trẻ em ở Châu Âu nơi phổ biến ngồi xổm cao (tạm gọi thế, để phân biệt với tư thế ngồi xổm tự nhiên như nói ở trên).

Kiểu ngồi xổm khác, ví dụ như ngồi xổm cao là kiểu ngồi mà phần chậu-hông cao hơn hoặc bằng mức đầu gối, và đầu gối không gấp tối đa mà mở rộng khi đùi và cẳng chân ở góc gần như vuông góc; kiểu ngồi xổm này thường thấy ở Châu Âu vì quan niệm ngồi xổm thấp là kiểu ngồi mang dấu vết chưa tiến hóa (!?) và đây là lý do để người châu Âu cận đại (từ khoảng cuối thể kỷ 18, và bắt nguồn từ Hoàng Gia Anh quốc) áp dụng bồn cầu bệt (xí bệt). Tất nhiên đây là lý do về văn hóa của ngồi xổm cao, không xuất phát từ lý do về sinh lý học và sức khỏe.

Các nghiên cứu đã chỉ ra những lợi ích của việc ngồi xổm tự nhiên và/hoặc tập luyện với tư thế ngồi xổm tự nhiên, trong đó, chẳng hạn như:

1) ngồi xổm giúp làm chắc xương đùi và xương hông,

2) ngồi xổm giúp mở rộng và làm vững chắc hệ khung xương chậu để đỡ cơ thể và do đó giúp phần trên cơ thể nảy nở to khỏe,

3) ngồi xổm giúp mở rộng biên độ vận động và độ linh hoạt của bao khớp và gân-cơ đầu gối,

4) ngồi xổm giúp làm kéo giãn cơ và tăng tính đàn hồi các cơ vùng lưng mà đặc biệt là vùng vai-gáy và vùng thắt lưng giúp làm giảm áp lực lên hệ đốt sống-đĩa đệm-đốt sống, và giúp làm giảm áp lực lên các đốt cùng giúp tránh bị đau thần kinh tọa,

5) ngồi xổm giúp làm khỏe và phát triển các cơ đùi-mông-lưng (giúp mông tròn và giúp người ta có dáng “đít cong” và cải thiện tình trạng mông “phẳng” hay mông “xệ”),

6) ngồi xổm giúp làm giảm tích mỡ ở vùng đùi-hông-mông,

7) thuận lợi cho việc tống phân (và nước tiểu) giúp phòng tránh táo bón và/hoặc trĩ, v.v.

Ở Châu Âu người ta còn cổ vũ cho việc ngồi xổm để dễ sinh và sinh con ở tư thế ngồi xổm (xem hình) có hỗ trợ. Điều này có thể ngược lại với một số nhận thức và hành vi cảm tính là tránh ngồi xổm khi đang có thai.

Những người bị bệnh đau mỏi lưng, thắt lưng, đau mỏi vai-gáy, đau thần kinh tọa, bệnh táo bón và/hoặc trĩ thì nên tăng thời gian ngồi xổm. Nhiều thì thường xuyên ngồi xổm khi có thể, ít thì ngồi xổm trong những tình huống như đi đại tiện (và tiểu tiện ở nữ giới) hoặc khi thay đổi tư thế sau một khoảng thời gian phải đi/đứng hoặc phải ngồi ghế làm việc gì đó, hoặc đôi khi nghỉ ngơi. Ngay cả lúc ngủ, tư thế nằm nghiêng với một chân hoặc cả hai chân co lên áp sát vào bụng vừa làm giãn cơ lưng vừa dễ ngủ sâu và khi thức dậy sảng khoái.

Những người làm việc tư thế ở đứng hoặc ngồi cố định kéo dài thì sau mỗi 30-45 phút nên thực hiện vài động tác ngồi xổm-đứng lên-vươn vai sẽ giúp tránh mệt mỏi và phòng tránh nhiều tình trạng bệnh về tiêu hóa và xương khớp và lại thêm có tư thế đi đứng khỏe-đẹp (lưng thẳng, ngực ưỡn, mông cong). Nếu không, thì nên dành thời gian để tập động tác này khi thuận tiện. Có thể luyện tập thể hình với động tác ngồi xổm (squatting exercise) có bổ sung thêm mang vật nặng khi ngồi xổm-đứng lên.

Để thay đổi tư thế từ ngồi xí bệt sang ngồi kiểu xí xổm, người ta khuyên có thể ngồi xổm trên mặt bệ xí bệt hoặc tốt hơn nên dùng thêm một cái gì đó kê cao chân khi ngồi xí bệt để tạo tư thế ngồi gần xổm.

Cinti Tuvanyd





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét