Café là thức uống khó chiều và không phải ai cũng mê. Một tách café ngon không chỉ bởi nguyên liệu, cách pha, mà còn ở tâm thái thưởng thức. Nếu cuộc sống là café, còn công việc, tiền bạc, địa vị xã hội là những chiếc cốc, thì mong bạn nhớ rằng: Thưởng thức café, đừng thưởng thức những chiếc cốc.
Chuyên mục ‘Café cuối tuần’ ra mắt với hy vọng sẽ là nơi giãi bày về những vấn đề trong cuộc sống, nơi độc giả có thể tâm bình khí hòa NHÌN và NGẪM về cuộc đời, để sống đơn giản, nói chân thành và yêu rộng lượng… Mong bạn sẽ luôn an nhiên, tự tại để thưởng thức trọn vẹn tách café dành riêng cho mình!
***
Những ngày qua, xã hội có thêm nhiều câu chuyện đáng buồn về ngành giáo dục. Cha mẹ các em học sinh hành hung và làm nhục giáo viên ngay tại trường học. Những sự việc này khiến chúng ta phải tự đặt một câu hỏi, vì sao cách hành xử hiện tại lại xuống dốc nhanh đến vậy? Liệu chăng là do sự mở cửa và phát triển kinh tế khiến người ta rời xa các giá trị truyền thống về Tôn Sư Trọng Đạo?
Nữ giáo viên thực thập tại một trường mầm non ở Nghệ An bị phụ huynh đánh tới mức phải vào viện cùng nguy cơ sảy thai. Dù bà phụ huynh biết rằng cô ấy có mang nhưng vì nghi cô giáo đánh con mình nên bà này quá tức giận mà chẳng cần phân biệt phải trái.
Sau này điều tra rõ ngọn ngành, người ta mới biết đứa trẻ trong lúc chơi đùa bị ngã mà thâm chân, việc này không thể quy hết trách nhiệm cho nữ giáo viên thực tập kia được. Nếu mọi chuyện được tìm hiểu rõ ràng từ đầu, đôi bên cùng nhau bình tĩnh giải quyết, liệu hậu quả có lớn đến vậy không. Nữ giáo viên thực tập thì nhập viện, bà phụ huynh thì có nguy cơ phạm tội hình sự, và xã hội thêm một lần rúng động về thực trạng ngành giáo dục hiện nay.
Mẹ tôi cũng là giáo viên mầm non, cũng từng suýt phải bỏ nghề chỉ vì tét mông một cậu bé. Trường mầm non mẹ dạy có cái cây gần sông, vì thằng nhỏ dám trèo lên cái cây mà mẹ tôi sợ quá phải đánh nó để răn đe. Khi về nhà, phụ huynh thấy con trẻ mếu máo, bảo rằng con bị tét mông đau thì họ một mực đòi phân bua cho ra môn ra khoai, với lý do là phản giáo dục.
Nhà trường vì sợ điều tiếng mà cũng hết lần này đến lần khác không đứng về phía mẹ tôi. Thế nhưng họ có bao giờ nghĩ rằng nếu không đánh nó thì sau này nó không biết sợ, mà lỡ nó trượt chân rơi xuống sông thì cũng là mạng người chứ ít ỏi gì cho cam.
Dù rằng bậc làm cha mẹ nào thì cũng yêu con, sợ rằng thầy cô đánh con mình quá tay giống như bao chuyện đau lòng đã xảy ra, nhưng đi từ cực đoan này đến cực đoan khác lại là điều không nên làm. Tôi từng nói chuyện với một giáo viên dạy cấp 2, cô bảo rằng cho dù tụi nhỏ có phá phách trong lớp cũng chẳng dám đánh nó nữa. Vì sợ bố mẹ nó làm ầm lên thì ít nhất cũng phải thuyên chuyển công tác thậm chí còn chạy vạy tiền của mới được yên ổn.
Thế là những đứa trẻ không được dạy bảo cho tử tế lại nghĩ rằng ai cũng phải sợ nó mà tha hồ nghịch ngợm trong giờ. Cũng vì thế mà vị giáo viên này thấy lớp không nghe giảng thì cũng dạy phiên phiến cho xong. Nghề giáo từ cao quý mà giờ đây lại trở thành tầm thường, việc học từ chuyên tâm mà hóa ra hình thức. Kết quả học hành của các con thì theo đó mà không đạt được kỳ vọng của cha mẹ.
Câu chuyện về vua Lê Hiến Tông
Vua Lê Hiến Tông (1461 – 1504) là vị vua thứ sáu nhà Hậu Lê, tại ngôi từ năm 1497-1504. Người đời truyền tụng Lê Hiến Tông là vị vua thông minh, nhân từ và ôn hoà. Dưới thời của ông, đất nước vẫn duy trì được sự thái bình, thịnh trị có từ thời vua cha Lê Thánh Tông. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại câu chuyện cảm động về đạo thầy trò trong một lần vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ.
Đến cổng làng Châu Khê, là nơi thầy dạy nhà vua sinh sống, vua Lê ra lệnh dừng kiệu và bước xuống đầu đường rẽ vào nhà thầy. Vua chỉ chọn 2 đến 3 cận thần cùng một vị quan sở tại tháp tùng vào nhà thầy giáo không có nghi thức rườm ra, không hề có trống phách nhã nhạc.
Cụ Thượng thư già cùng các con cháu và giai nhân mũ áo chỉnh tề ra tận đầu thôn bày hương án nghênh tiếp nhà vua. Thấy thầy giáo, vua vội vàng đến gần cụ. Theo nghĩa vua tôi, cụ sụp lạy nhưng vua Lê Hiến Tông nhanh tay nâng vai thầy lên, lễ phép nói: “Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ”. Đồng thời nhắc lại với chúng quan rằng, ông đến đây để thăm thầy chứ không phải đi việc công cán, mọi nghi lễ chốn triều đình nên dùng vào lúc khác.
Ngôi nhà thầy Nguyễn Bảo giản dị, cổ kính và gọn gàng, đúng với phong thái của một bần nho trong sáng. Vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy.
Cụ Nguyễn Bảo giật mình: “Tâu bệ hạ, đâu lại có thể như thế được. Đạo thầy là nặng, song phép nước cao hơn, xin hoàng thượng cho lão phu này được đứng hầu. Người ngoài trông vào sao tiện ạ”.
Đáp lại, nhà vua nhẹ nhàng nói: “Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi”.
Nói xong, nhà vua đỡ cụ xuống cùng ngồi đàm đạo. Vua hỏi thăm sức khoẻ và đời sống của thầy cùng gia đình, xin xem những bài thơ của thầy làm khi nhàn rỗi ở chốn thôn dã. Hai thầy trò hàn huyên một hồi rồi cùng nhau ăn cơm uống nước, tuy thân mật mà vẫn có lễ nghĩa, tuy dân dã mà chẳng thấy sơ sài. Từ đó mà đạo vua tôi, nghĩa thầy trò đều được vẹn toàn, người đời sau đều phải hết mực khâm phục.
Người xưa trọng đạo thầy trò vì biết rằng sự học không phải chỉ là việc buôn bán, bỏ tiền ra để mà lấy một chút kiến thức về mình. Người thầy dạy cho người trò trước hết cách để làm người, truyền cho người học cái niềm đam mê với con chữ. Từ đó người trò lấy thầy là tấm gương mà noi theo, cái danh giá trong chữ “Thầy” không phải vì kiến thức chữ nghĩa mà là vì xã hội rất trọng vọng đạo đức của người có học. Việc trò quỳ trước mặt thầy, dù là thứ dân hay vua quan đều là chuyện phải làm. Nào có chuyện ngược lại là thầy quỳ trước mặt trò cho được.
Nhìn lại đạo Thầy trò ngày nay
Đọc chuyện xưa mà thấy buồn chuyện nay, phụ huynh bắt cô giáo mang thai phải quỳ để xin lỗi vì đã đánh con mình. Cái đạo thầy trò giờ đây sao mà rẻ rúng, ngày Nhà giáo, ngày Phụ nữ thì cha mẹ nào cũng nào là hoa, nào là quà, thậm chí là Phong bì đến nhà thầy cô vì rằng: “Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Thế nhưng khi con mình sai lỗi hư hỏng thì một mực bênh con chằm chặp mà chẳng quan tâm tới phải trái đúng sai gì nữa.
Phụ huynh thì sợ con mình bị đau, nhà trường thì sợ mất điểm thi đua, giáo viên thì sợ mang tai tiếng vì thế mà thành ra các em bơ vơ không ai dạy dỗ. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại quan điểm về đòn roi. Nếu cứ chạy theo các nước Phương Tây, cha mẹ đánh con thì con có quyền kiện, vậy thì tương lai những đứa trẻ kia có thành người không thì không ai dám đảm bảo.
Nhìn rộng thêm ra, quan điểm về giáo dục ngày nay cũng đang dần dần biến đổi. Ngày xưa khi chúng tôi đi học, phụ huynh đối với giáo viên đều rất mực tôn trọng yêu quý. Tiền bạc chẳng có nhiều nhưng lễ tết bao giờ cha mẹ cũng dặn các con phải nhớ ơn nghĩa người dạy dỗ mình, đến thăm hỏi trò chuyện với thầy cô. Người làm thầy cũng biết giữ cho mình sự tôn nghiêm mà chẳng dám xa vào vật chất, nhiều khi thương thầy cô sống thiếu thốn mà không biết làm cách nào.
Nhưng ngày nay, bên cạnh những câu chuyện đẹp và cảm động về tình thầy trò thì đâu đó ta lại thấy râm ran việc giáo viên bắt học sinh đi học thêm, cha mẹ chạy lớp, chạy điểm cho con. Nghề giáo cũng từ lúc nào mà cũng bị coi thành cái nghề mưu sinh như bao nghề khác.
Lão Tử từng giảng: Đạo mất rồi mới có Đức, Đức mất rồi mới có Nhân, Nhân mất rồi mới có Lễ, Lễ là bởi thiếu Trung Tín, là khởi đầu của loạn lạc.
Thiết nghĩ, con người giờ đây trọng cái lễ để đối đãi với nhau, khi có xích mích thì viện đến pháp luật thậm chí bỏ qua cả pháp luật mà dùng đến tay chân. Từ bao giờ hai chữ “đạo đức” trở thành điều xa vời không thực tế. Người ta nghiễm nhiên coi những điều sai trái thành cái hiện tượng tất yếu của ‘tiến bộ xã hội’ và những câu chuyện giáo dục buồn vẫn cứ thế diễn ra dù ai ai cũng lên án.
Trọng Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét