- Thế nào là hiếu thuận với bậc sinh thành?

đơn giản chỉ là những hành động này…..

Thế nào là hiếu thuận với bậc sinh thành? đơn giản chỉ là những hành động này…..Không cần phai cầu kỳ, cao sang….

Điều cha mẹ cần ở con cái thực ra rất đơn giản…(Ảnh: Internet)

Có một ngày, Tử Hạ – học trò của Khổng Tử hỏi thầy rằng thế nào là hiếu, Khổng Tử trả lời rất đơn giản, chỉ nói hai chữ – “sắc nạn”, tạm hiểu là vẻ mặt ôn hòa đối với cha mẹ. Đây là điều khó nhất!

Điều đó có ý nghĩa gì?

Xin hãy xem tiếp…..

Chính là khi nói chuyện với cha mẹ cần giữ được vẻ mặt ôn hòa, là hiếu đạo cơ bản nhất, cũng là điều khó làm được nhất.

Quê nhà tôi ở Tây Sơn có một đàn chó, ba đời ông cháu tám thành viên, dưới sự chăm sóc che chở của tôi, chúng sống những ngày tháng rất hòa thuận vui vẻ.

Tôi thường hay nói với mọi người rằng, mấy con chó nhỏ này có thể nói là ‘một nhà trung hiếu’. Khi tôi cho chúng ăn, chú chó già không ăn, những chú chó nhỏ cũng không tranh giành, khi chó con bướng bỉnh nghịch ngợm, chó già sủa một tiếng, tất cả đều kính phục.

Trong những lúc tôi giảng bài, có học sinh nói với tôi, bản thân thường không tự giác mà coi nhẹ ân tình của cha mẹ, không quan tâm đến cảm nhận của họ, cảm thấy những chuyện mà họ làm cho bản mình đều là lẽ đương nhiên, nhưng đối với những giúp đỡ vụn vặt của người xa lạ thì đều cảm động đến rơi nước mắt.

Tôi thường nói với những học trò của mình, rằng các em có biết ai là Bồ Tát của các em không? Cha mẹ chính là Bồ Tát sống của các em, nếu như cha mẹ các em vẫn còn khỏe mạnh, thì hãy trở về nhà lạy tạ cha mẹ. Đối với người đã cho các em sinh mệnh, thì dập đầu mấy cái nào có đáng gì chứ?

“Gặp nạn kêu trời đất, đau đớn gọi mẹ cha”

Sự hiếu thuận đôi khi chỉ là việc làm đơn giản...

Cha mẹ mới là Bồ Tát sống của bạn, là người đã cho bạn sinh mệnh, bao dung che chở bạn, họ không có giữ lại một nửa tình yêu dành cho bạn, cũng là người lo lắng cả đời cho bạn ngay từ khi bạn mới bắt đầu sinh ra, nguyện ý phó xuất tất cả cho bạn.

Vậy nên trong Kinh Nhẫn có nói: “Ơn cha mẹ tựa như trời biển”.

Mẹ suốt 10 tháng mang thai vất vả mới đưa chúng ta đến được thế gian này, cha mẹ cho chúng ta sinh mệnh, từ sau khi cất tiếng khóc chào đời đầu tiên, cất bước chân chập chững đầu tiên, cất tiếng cười đầu tiên, bập bẹ nói tiếng ê a đầu tiên. Đối với cha mẹ, những điều này sau bao nhiêu năm vẫn còn có thể mỉm cười kể lại cho chúng ta nghe.

Tiếp đó để cho chúng ta lớn lên, đi đến trường, nhìn chúng ta làm việc, kết hôn, làm cha mẹ, tấm lòng của họ trước sau đều ở trên thân của chúng ta.

Câu nói mà rất nhiều người khi còn trẻ thường hay với cha mẹ chính là: “Cha mẹ không hiểu con chút nào cả!”. Nếu đổi lại vị trí mà suy xét một chút, người đó có khi nào thật sự muốn hiểu cha mẹ mình hay không?

Có những người sự nghiệp không thuận lợi, rất dễ bực bội khó chịu, trong nhà cũng thường hay nổi nóng, đôi khi còn lớn tiếng với cha mẹ.

Có người cho rằng, chúng ta để cho cha mẹ không phải lo lắng chuyện cơm áo, còn thu xếp cho họ ra nước ngoài du lịch, đến bệnh viện tốt nhất để kiểm tra, vậy chúng ta có được coi là hiếu thuận không?

Rất nhiều người đều cho rằng bản thân mình đối với cha mẹ còn không tệ, tự phong cho mình là “đại hiếu tử”.

Hiếu kính cha mẹ, cần phải vẻ mặt ôn hòa đối với cha mẹ, để cho cha mẹ cảm thấy vui lòng

Giống như điều được nói trong “Lễ Ký – Tế Nghĩa”: “Phàm là hiếu tử yêu thương cha mẹ sâu sắc, thì ắt cần phải có tính khí ôn hòa, người có tính khí ôn hòa, thì gương mặt ắt hòa nhã vui vẻ, người có gương mặt hòa nhã vui vẻ ắt có gương mặt dịu dàng”.

Cho cha mẹ một vẻ mặt tươi vui cũng không làm được, thì những “hành động hiếu thảo” khác có bao nhiêu là phát từ trong tâm đây?

Trong lúc Tử Du hỏi về đạo hiếu, Khổng Tử đã nói: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Khuyển mã giai năng hữu dưỡng; bất kính, hà dĩ biệt hô?”. Nghĩa là ngày nay rất nhiều người cho rằng hiếu thuận chính là có thể phụng dưỡng cha mẹ rồi, nhưng nếu như không tôn kính cha mẹ, vậy thì phụng dưỡng cha mẹ so với nuôi dưỡng chó ngựa có gì khác biệt đâu?

Bạn xem, có phải tôn kính cha mẹ mới là “hiếu thảo” đối với họ hay không?

Một người hiếu thảo hay không, thông qua từng lời nói cử chỉ trong quá trình chung sống với cha mẹ thì có thể nhìn ra được.

Những người luôn nổi nóng với cha mẹ, không có “gương mặt ôn hòa”, có thể không chú ý, một sắc mặt không tốt, thì có thể phá tan cái gọi là hiếu tâm rồi.

“Gương mặt ôn hòa” cũng là tu hành, ngay đến cả đối diện với cha mẹ bạn đều không thể bình tĩnh nhã nhặn, liệu ai có thể tin bạn có nguyên tắc và tấm lòng để làm nên sự nghiệp lớn đây?

Mỗi khi gặp chuyện lớn cần có tĩnh khí, thật ra chính là từ việc duy trì “nét mặt ôn hòa” với cha mẹ để tu luyện. Hơn nữa hiếu thảo thật sự, cần phải có tâm chân thật mới được, không được có nửa phần giả tạo.

Lòng hiếu thảo của bạn ở đâu, hành vi hiếu thảo của bạn chính là ở đó, những thứ này đều sẽ phản ánh trên gương mặt của bạn.

Điều có thể khiến cha mẹ yên lòng, có thể chính là vẻ mặt tươi cười vui vẻ của con cái!

Theo tientri
Những người con hiếu thảo

Câu chuyện có thật dưới đây vẫn đươc lưu truyền qua nhiều thế hệ như một tấm gương sáng về lòng hiếu thảo của con cái đối với bậc sinh thành của mình.

Vào triều Thanh, tại huyện Sùng Minh, tỉnh Giang Tô có người họ Ngô sinh được bốn đứa con trai. Vì gia đình quá nghèo khổ không đủ sức nuôi dưỡng nên đành phải cho đi làm tôi tớ cho một người nhà giàu.

Mặc dù vậy, nhờ siêng năng cần mẫn nên khi lớn lên thì cả 4 người con trai ấy đều dần dần thoát khỏi cảnh tôi tớ và tự lập thân mình. Sau khi cưới vợ, họ xây dựng được một căn nhà lớn và cả đại gia đình cùng chung sống.

Lúc đầu, họ bàn nhau rằng bốn anh em phải thay phiên nhau phụng dưỡng cha mẹ, mỗi người lo trong một tháng. Nhưng có một người con dâu lại nói:

– Nếu mỗi gia đình phụng dưỡng trong một tháng, hóa ra phải chờ đến 3 tháng sau mới lại có cơ hội hầu hạ phụng dưỡng cha mẹ. Như vậy tình cảm đối với cha mẹ chẳng phải sẽ phát sinh khoảng cách hay sao? Chi bằng mỗi người chỉ lo phụng dưỡng trong một ngày sẽ tốt hơn!

Nhưng rồi những người con dâu khác cũng không chịu. Một người nói:

– Nếu mỗi người phụng dưỡng một ngày, như vậy cũng phải đến 3 ngày sau mới đến lượt mình, cũng là quá lâu. Thôi thì mỗi người hãy phụng dưỡng cha mẹ trong một bữa mà thôi.

Và tất cả mọi người đồng ý thỏa thuận với nhau từ đó về sau cứ mỗi người lo việc phụng dưỡng chu đáo cho cha mẹ một bữa ăn trong ngày, sau đó đến người khác, cứ luân phiên như vậy.

Thật là kỳ thú, cái vòng xoay luân phiên phụng dưỡng cha mẹ như thế kéo dài qua nhiều năm mà vẫn trước sau như một, không có ai trong bọn họ tỏ ra chán nản hay mệt mỏi. Cho đến khi Ngô lão ông đã được 99 tuổi, lão bà cũng đã 97 tuổi, con trai trưởng 77 tuổi, con trai thứ 76 tuổi, còn con trai thứ ba và tư cũng đều bạc tóc, mà cả đại gia đình họ vẫn sống chung ấm êm hòa thuận.

Gia đình họ Ngô này cả năm thế hệ cùng sống chung dưới một mái nhà, cháu chắt đông đúc, cả thảy đến hơn 20 người, thật là hiếm có trên đời. Đó đều là do nơi lòng hiếu thuận của những người con và dâu của Ngô lão, tất cả đều đồng lòng lo việc đáp đền công ơn cha mẹ. Thật đáng kính phục lắm thay, rất đáng làm tấm gương sáng để mọi người cùng noi theo.

(Trích Ngư Dương dạ đàm)
 CHỮ HIẾU TRONG NHO GIÁO VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ... 
Ths. Ngô Thị Minh Hằng 

Nho giáo - một học thuyết chính trị, đạo đức ra đời ở Trung Quốc, trải qua hơn 25 thế kỷ đang tồn tại và phát triển cùng với thời gian. Nho giáo ảnh hưởng đến rất nhiều nước trong khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Nho giáo là học thuyết chính trị, đạo đức chủ trương dùng "lễ trị", "đức trị" để quản lý xã hội.Trong Nho giáo, gia đình có một sức mạnh và khả năng khống chế rất lớn đối với mỗi con người, nó chế định những sợi dây ràng buộc con người một cách chặt chẽ. Coi vấn đề “tề gia” là gốc của nước và thiên hạ, muốn “trị nước” trước hết phải giữ yên được nhà nên Nho giáo luôn cố gắng tìm cách xây dựng gia đình, gia tộc thành những bức tường mạnh mẽ. Lễ giáo Nho giáo quy định một cách chặt chẽ các mối quan hệ giữa người với người, trong đó những quan hệ cơ bản nhất là tam cương và ngũ luân (Vua – tôi, cha – con, vợ - chồng, anh – em, bạn - bè), trong các mối quan hệ đó thì đã có ba mối quan hệ trong gia đình. Chịu ảnh hưởng sâu sắc của ý thức hệ Nho giáo nên giai cấp phong kiến Việt Nam trong lịch sử cũng chủ trương xây dựng gia đình theo những khuôn mẫu của lễ giáo Nho giáo. Trong mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, chữ hiếu được đề cao và nhấn mạnh. Gia đình Việt Nam trong xã hội phong kiến cũng rất đề cao mối quan hệ này, coi “hiếu” không chỉ là trách nhiệm mà còn là phẩm chất lớn nhất của đạo làm con.

Theo Nho giáo, hiếu là một khái niệm đạo đức nền tảng, là cái gốc của mọi vấn đề về đạo đức, chính trị. Trong xã hội phong kiến Việt Nam luôn lấy “hiếu”làm chuẩn mực trong xã hội, làm tiêu chuẩn rèn luyện và đánh giá nhân cách con người, lấy hiếu để buộc người và người. Hiếuvốn là một nội dung quan trọng của đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam, đó là: "Nết đầu trong trăm nết”, đạo hiếu hình thành lâu đời trong những phong tục của người Việt như: thờ cúng tổ tiên, kính trọng người già, tôn trọng cha mẹ… nhưng khi Nho giáo xâm nhập đã thể chế hóa thành những luân lý, đạo đức của xã hội. Thời Lý – Trần, Nho giáo chưa ảnh hưởng nhiều vào trong đời sống xã hội, sang thời Lê – Nguyễn, Nho giáo trở thành công cụ tư tưởng chi phối xã hội, chú trọng vấn đề gia đình, coi gia đình là cơ sở quan trọng bậc nhất để thiết lập kỷ cương, ổn định trật tự xã hội.

Không những thế, chữ “hiếu”còn được pháp luật hóa, chính sách hóa. Trong lịch sử pháp luật Việt Nam, đạo hiếu đã sớm được điều chỉnh trong những bộ luật trong xã hội phong kiến và vẫn được quy định trong pháp luật hiện nay. Nói đến chữ hiếu trong luật pháp là nói đến quyền và nghĩa vụ của con cháu đối với cha mẹ, ông bà và được chế tài đối với những hành vi vi phạm nghĩa vụ đó theo luật định.

Quy định về chữ hiếu, trong Điều 2, Chương đầu tiên của Lê Triều Hình Luật đã quy định bất hiếu là một trong “thập ác” (mười tội ác), tội thứ 7 ghi: “Tội bất hiếu là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ mình, ông bà, cha mẹ chồng, cũng như ông bà, cha mẹ còn sống khi đã phân chia ô riêng, hoặc là nuôi nấng không đầy đủ, hoặc là đang để tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng, hoặc là cứ hát xướng làm trò vui, bỏ áo mặc thường. Nghe tin cha mẹ, ông bà mất mà giấu không phát tang hoặc nói dối là ông bà, cha mẹ đã chết”[1].

Lê Triều Hình Luật, Điều 90 cũng đã dành ba trang để bàn luận về gia đình, trình bày cụ thể nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ, ông bà: “Đạo làm con phải hiếu kính với cha mẹ, khi tuổi già phải sớm khuya phụng dưỡng, không được thiếu thốn, cũng không được bắt buộc cha mẹ làm việc khó nhọc mới cấp cho ăn uống. Việc tế tự và tang tang thì phải căn cứ vào lễ cúng, như thế mới hết đạo làm con”[2].

Nho giáo đưa ra những yêu cầu khắt khe về trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ, ông bà, đó là cũng là những điều hợp lý. Nho giáo giáo dục người làm con phải biết kính trọng, quan tâm chăm sóc những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình khôn lớn, giáo dục con người khi làm bất cứ việc gì cũng phải nghĩ đến danh dự của gia đình, không làm cho cha mẹ phải xấu hổ... Theo đó, khi ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải tôn kính, phụng dưỡng, vâng lời, bảo vệ ông bà, cha mẹ, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, cụ thể: “Nếu con cháu trái lời dạy bảo và không phụng dưỡng bề trên mà bị ông bà, cha mẹ trình lên quan thì xử tội đồ làm khao đinh (phục dịch quân đội)…”[3].

Lòng hiếu thảo của con cháu với cha mẹ, ông bà thể hiện bằng những hành động thiết thực nhất, đó là nghe lời dạy bảo của cha mẹ, phụng dưỡng và tôn kính, không làm cho cha mẹ, ông bà phiền lòng[4]. Những điều quy định trong Lê Triều Hình Luật chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục, răn đe con người rất lớn. Người biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ của mình là tấm gương sáng cho con cháu sau này noi theo, đó là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu của dân tộc. Ngoài ra, trong bộ luật này cũng quy định con cháu không được lăng mạ, chửi mắng ông bà, cha mẹ, nếu vi phạm thì cũng bị xử phạt: “Lăng mạ ông bà, cha mẹ thì xử tội lưu châu ngoài[5], đánh thì xử lưu châu xa[6], đánh bị thương thì xử thắt cổ; vì lầm lỡ mà làm chết thì xử tội lưu châu ngoài; bị thương thì xử tội đồ làm chủng điền binh”[7].

Thậm chí trong nhiều trường hợp, pháp luật còn cho phép con cháu được trả thù cho ông bà cha mẹ, miễn là hành vi đó không xâm phạm đến quyền lợi của nhà vua và triều đình [8]. Theo Điều 39, con cháu che giấu tội cho ông bà cha mẹ đều không phải tội, trừ tội mưu phản trở lên. Không những thế, Bộ Luật Nhà Lê còn cấm con cháu tố cáo ông bà cha mẹ, trừ một số trường hợp được luật cho phép: “Con cháu tố cáo ông bà, cha mẹ có tội lỗi gì, đều xử tội lưu đi châu xa…; nếu là tội mưu phản, đại nghịch hay là mẹ đích, mẹ kế mà giết cha, cha mẹ nuôi giết con thì cho phép tố cáo…”[9].

Truyền thống văn hóa của Việt Nam cùng với đạo lý của Nho giáo rất tôn trọng ông bà, cha mẹ, con cháu luôn phải cư xử theo đúng những quy định của Lễ đối với bậc trên. Khi ông bà, cha mẹ còn sống, con cháu phải kính dưỡng cha mẹ một cách chu đáo, khi ông bà, cha mẹ chết, con phải chôn cất, cúng tế với tấm lòng thành tâm kính cẩn. Như vậy, con cháu hiếu thuận với ông bà, cha mẹ không chỉ lúc họ còn sống, mà cả khi ông bà, cha mẹ mất đi thì chữ hiếu vẫn tiếp tục ràng buộc con cháu cả về mặt luân lý lẫn mặt luật pháp. Con cháu có nghĩa vụ phải tôn trọng thời kỳ cự tang đối với ông bà, cha mẹ, và có nghĩa vụ coi sóc phần mộ của tổ tiên. Phụng thờ để tưởng nhớ và nhắc nhở cho nhau công đức, ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của ông bà cha mẹ, hàng năm cúng giỗ để tưởng nhớ và để bày tỏ lòng biết ơn.

Kế thừa các quy định của Lê triều Hình luật, Hoàng Việt Luật lệ cũng có nhiều quy định điều chỉnh về chữ hiếu. Tại Điều 2 Hoàng Việt Luật lệ đã xem bất hiếu là một trong mười tội ác bị xử phạt nghiêm khắc: “Con cháu chưa được phân chia tài sản thừa kế trong thời kỳ để tang ông bà, cha mẹ. Nghe thấy tang ông bà cha mẹ mà giấu không khóc, có tang cha mẹ mà làm giá thú, vui chơi ăn mặc như thường là can tội bất hiếu”[10]. Trong Hoàng Việt Luật lệ, đạo hiếu được quy định: đánh, mắng nhiếc ông bà, cha mẹ, mưu giết ông bà, cha mẹ đều bị xử giảo quyết[11], nếu chết thì xử bêu lăng trì hoặc có những hành động xâm phạm mồ mả tổ tiên ông bà, cha mẹ đều bị khép vào thập ác.

Đạo hiếu trong pháp luật phong kiến vừa là nghĩa vụ pháp lý, vừa là nghĩa vụ đạo đức và có những chuẩn mực nhất định, nếu con cháu làm trái với những chuẩn mực đó thì bị coi là bất hiếu. Khi ông, bà, cha, mẹ còn sống, con cái được quyền nhận sự nuôi dưỡng, dạy bảo của cha mẹ. Con cháu không được quyền trái giáo lệnh của ông, bà, cha, mẹ, nếu phụng dưỡng mà cố ý làm thiếu sót xử phạt 100 trượng[12], không được kiện cáo ông bà, cha mẹ[13], thậm chí con cháu che giấu các tội phạm của ông bà cha mẹ[14]. Hay khi có ông bà, cha mẹ đang chịu tội mà vẫn lấy yến tiệc làm vui thì cũng bị phạt: “Người nào nếu ông bà, cha mẹ bị tội tử hình, hiện bị giam cầm mà vẫn lấy yến tiệc làm vui thì cũng xử tội…”[15]. Với những quy định trên, pháp luật phong kiến Việt Nam đã sớm luật hóa chữ hiếu, đưa chữ hiếu từ phạm trù đạo đức trở thành phạm trù pháp lý, định ra các chế tài nghiêm khắc để duy trì kỷ cương, hiếu nghĩa trong xã hội, đồng thời là cơ sở để xử phạt những kẻ bất hiếu.

Trong pháp luật hiện hành, có thể tìm thấy các quy định liên quan đến chữ hiếu như: trong Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống Bạo lực gia đình, Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan… Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ghi nhận những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trong đó quy định:“Con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ; cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà”[16]. Con cái phải có nghĩa vụ kính trọng, và chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi còn sống, bằng tấm lòng thực tâm, dù nghèo túng bao nhiêu cũng phải lo cho cha mẹ, mong cha mẹ sống lâu để đền đáp công ơn xuất phát từ thâm tâm, tự nguyện.

Về đạo lý, cha mẹ là người mang nặng đẻ đau, chăm sóc nuôi nấng con cái từ nhỏ đến lớn khôn, là tấm gương cho con trong mọi lĩnh vực điều đó có ý nghĩa rất quan trọng cho việc thành công hay thất bại của các con trong cuộc đời. Chính vì thế, khi cha mẹ già yếu, con cái phải có trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ. Khoản 2 Điều 36 cũng quy định: “Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ ốm đau, già yếu tàn tật; trong trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”[17].

Người Việt Nam rất coi trọng chữ hiếu theo đạo lý của ông bà ta xưa, chữ hiếu ở đây không chỉ đơn thuần là việc chăm sóc khi cha mẹ đau yếu, nghi lễ khi tang ma... mà cả trong hành động, nghe theo lời khuyên bảo đúng đắn hàng ngày của cha mẹ, không làm điều gì tổn hại đến thanh danh của gia đình dòng tộc, làm rạng danh cho gia đình bằng sự thành công trong học tập và sự nghiệp. Điều này được quy định trong Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình: “Con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, lắng nghe những lời khuyên bảo đúng đắn của cha mẹ, giữ gìn danh dự truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Nghiêm cấm con có hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm cha mẹ”[18].

Điều 57 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ: “Con đã thành niên không sống chung với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Theo pháp luật hiện hành, con cái bất hiếu, vi phạm nghĩa vụ làm con đối với cha mẹ, tùy tính chất, mức độ của hành vi cụ thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong quan hệ giữa ông bà và cháu thì ông bà có nghĩa vụ và quyền trông nom chăm sóc giáo dục cháu sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu. Khi cháu không có cha mẹ hoặc anh chị em để nuôi dưỡng thì ông bà có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu. Ngược lại, con cháu cũng phải có bổn phận chăm sóc ông bà: “Cháu có bổn phận kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà”[19]... Cách xử sự đó đã thành đạo lý, lẽ sống của người Việt Nam bao đời nay và được ghi nhận trong luật, hay khi cha mẹ già yếu hay chẳng may mất đi thì các anh chị sẽ thay cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng các em nên người, khi anh chị gặp khó khăn thì các em sẵn sàng chia sẻ.

Việc xử phạt được thực hiện theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về hôn nhân và gia đình, Nghị định 110/2009/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình… Mức xử phạt đối với cá nhân vi phạm tối đa đến 30.000.000 đồng.

Trong trường hợp con cái có hành vi bất hiếu đối với ông bà, cha mẹ mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo một hoặc số tội danh như: Tội Hành hạ, ngược đãi ông, bà, cha, mẹ[20] với khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù; tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng[21] với khung hình phạt cao nhất là 2 năm tù.

Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm của con cháu đó đủ yếu tố cấu thành tội phạm khác được quy định trong Bộ Luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm theo tội đó, chẳng hạn như tội Bức tử[22] với khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù; tội Cố ý gây thương tích[23], tội Giết người[24],… và trong những trường hợp này, tình tiết xâm hại đến ông bà, cha mẹ là tình tiết định khung tăng nặng với khung hình phạt cao nhất là tử hình. Như vậy, chữ hiếu, dù trong thời đại nào vẫn luôn được coi là nền tảng đạo đức của con người và hiếu đạo. Những kẻ bất hiếu sẽ bị xử phạt nghiêm khắc bởi quy phạm pháp luật.

Tóm lại, Nho giáo khi du nhập vào Việt Nam đã giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta qua nhiều giai đoạn lịch sử.Với quan niệm xem gia đình là gốc của xã hội, chữ hiếu của Nho giáo vào Việt Nam, đã được “bản địa hóa” phần nào những giáo lý cho thích hợp với xã hội. Hiếu là tình cảm quý báu, là lòng biết ơn công sinh thành dạy dỗ, tự giác có trách nhiệm, nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà, cả những lúc ốm đau già lão và nhớ công ơn đến khi ông bà cha mẹ đã khuất. Hiếu là nhân cách của con người, là gốc của nhân luân, là một giá trị đạo đức xã hội cao quý của con người. Kẻ bất hiếu được xem là xấu xa nhất, có tội danh trong pháp luật, đạo hiếu của dân tộc bất cứ triều đại nào cũng đề cao, được quy định trong các văn bản pháp luật xưa và nay. Hiếu kính của Nho giáo trở thành những đạo lý thấm dần vào đời sống tinh thần người dân, giúp hình thành nên một phần nhân cách của người Việt Nam.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Lê Thị Hồng Vân, Tập bài giảng Đại cương văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
2.Nguyễn Văn Tiến, Tập bài giảng Luật Hôn nhân và gia đình, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
3.Đoàn Trung Còn (Dịch giả), 2009, Tứ Thư, Nxb. Thuận Hóa.
4.Phan Ngọc, 2000, Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb. Văn hóa – Thông tin.
5.Nguyễn Hiến Lê, 2006, Khổng tử, Nxb. Văn hóa – Thông tin.
6.
7.Nguyễn Văn Thành - Vũ Trinh - Trần Hựu (1998), Hoàng Việt Luật lệ, tập III, Nxb. Văn hóa- Thông tin.
8.Trần Ngọc Thêm, 1994, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh
9.Trần Ngọc Thêm, 2001, Tìm về bản sắc văn óa Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh.

10.Trần Quốc Vượng, 1996, Văn hóa học đại cương và cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb. khoa học xã hội, Hà Nội.

11.http://tuanhsl.blogspot.com/2007/11/b-lut-hng-c-nh-hng-nho-gio-nh-th-no.html

12.http://moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=6123

http://www.moj.gov.vn/vbpq/Lists/Vn%20bn%20php%20lut/View_Detail.aspx?ItemID=23000

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét