- Tìm Hiểu Tiếng Đàn "Đẩy Lui 15 Vạn Hùng Binh" Của Gia Cát Lượng

Tại huyện nhỏ Tây Thành, Gia Cát Lượng, Thừa tướng nhà Thục Hán một mình gẩy đàn, đuổi Tư Mã Ý – Phiêu kỵ đại tướng quân nhà Tào Ngụy với 15 vạn hùng binh. 

Trận chiến qua tiếng đàn này được người sau lưu truyền là ‘Không thành kế’, ‘Gia Cát Tây thành đuổi giặc hung’ và coi đó như một biểu tượng cho sự cơ trí, mẫn tiệp vô song của Gia Cát Khổng Minh.

Nhưng trong tiếng đàn hàm chứa những điều bất ngờ?
Bối cảnh diễn ra sự kiện này là khi Gia Cát Lượng thống lĩnh binh mã nước Thục, Bắc phạt lần thứ nhất. Quân Thục liên tiếp đại thắng quân Ngụy, bắt sống phò mã nước Ngụy là Hạ Hầu Mậu, đả bại Đô đốc Ngụy quốc Tào Chân, thu nạp danh tướng Khương Duy.

Tạo hình Gia Cát Lượng trên điện ảnh. Ảnh: Internet.

Cùng khi đó Mạnh Đạt ở Tân Thành mưu phản biến nhà Ngụy, định cất binh đánh úp Ngụy đế Tào Duệ. Ngụy quốc lâm nguy, Ngụy Đế cấp tốc trọng dụng lại Tư Mã Ý.

Ý nhận lệnh của vua liền đưa binh từ Uyển Thành kéo tới Tân Thành, trong ứng ngoài hợp đánh giết Mạnh Đạt rồi dẫn quân tiếp ứng cho Tào Chân.

Tư Mã Ý xuất quân, nhất định đến Nhai Đình, đây là con đường yết hầu. Nhai Đình tuy nhỏ nhưng rất quan trọng, vì đây là con đường vận lương duy nhất của quân Thục, nếu mất Nhai Đình, quân Gia Cát Lượng có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn, vì vậy phải có trọng binh trấn giữ, tức phải có đại tướng kiêu dũng thiện chiến đứng ra gánh vác trách nhiệm nặng nề này.

Bất ngờ Mã Tốc xin đi, khiến cả trướng chết lặng, ai nấy đều sửng sốt. Vì Mã Tốc xưa nay chỉ hiến kế trong trướng, chưa từng rong ruổi xa trường, nên khó mà có thể tin tưởng giao vác trọng nhiệm này. Tuy nhiên, Mã Tốc trong đêm đến trướng của Gia Cát Lượng khóc lóc van xin được vì nước lập công, nguyện dâng sở học một đời để thực hiện nguyện ước này, và lập quân lệnh trạng để đảm bảo – nếu thất thủ sẽ chém cả nhà.

Mã Tốc vào trướng Khổng Minh nài nỉ van xin được lập công – Tam Quốc Diễn Nghĩa 1996.

Lập quân lệnh trạng trước ba quân – Nếu thất bại sẽ chém cả nhà.

Ngày hôm sau Gia Cát Lượng quyết định sai tiên phong Mã Tốc, phó tướng Vương Bình ra chiếm Nhai Đình bảo vệ sườn cũng là đường vận lương huyết mạch của Thục quân. Thay vì theo lời Vương Bình là lập đồn chiếm giữ cửa ải thì Mã Tốc cậy mình thông hiểu binh pháp đã kéo binh lên đóng trên một quả núi đất, định dồn quân Thục vào chỗ chết, từ đó toàn quân sẽ quyết tử để đại phá quân Ngụy.

Đây giống như là kế ‘bội thuỷ nhất chiến’ (bày trận tựa sông) mà Hàn Tín năm xưa đã dùng. Sau khi chinh phạt nước Nguỵ, tướng quân Hàn Tín nhận lệnh chinh phạt nước Triệu. Tuy nhiên quân Triệu có tới 20 vạn hùng binh, còn quân Hán chỉ có 3 vạn. Hàn Tín đã nghĩ ra một kế, sai quân vượt sông đóng quân cách ải Tỉnh Hình (quân Triệu) 30 dặm. Đây là điều đại kỵ trong binh pháp quân gia, một khi thất bại sẽ không có đường lùi phía sau.

Rồi Hàn Tín hôm sau đưa quân đến đánh ải, quân Triệu thấy vậy dốc quân chủ lực ra ngênh chiến và đuổi đánh Hàn Tín tới chiến luỹ ven sông.

Quân Hán liều mạng phản công. (Ảnh: Internet)

Lúc này quân Hán đã không còn đường lui, chiến đấu hoặc là chết khi đã bị dồn vào đường cùng, khiến quân Hán chống trả anh dũng chưa từng có, quân Triệu sợ hãi bỏ chạy và đại bại.

Vì vậy, Mã Tốc cũng nghĩ rằng, nếu dùng kế này, thì quân ta sẽ chiến thắng quân địch giống như Hàn Tín chiến thắng quân Triệu hùng mạnh năm xưa vậy.

Chẳng ngờ Tư Mã Ý bủa vây núi, rồi chặt đứt đường nước của quân Thục. Thục binh đại loạn. Mã Tốc may nhờ Vương Bình cố chết cứu mới chạy thoát về Hán Trung được.

Về phần Gia Cát Lượng, đường lương bị cắt, vô kế khả thi bèn ra lệnh rút quân. Trước khi rút, ông ra Tây Thành để vận chuyển nốt 20 vạn thạch lương còn lại. Binh sỹ đi theo ngoài bộ tướng Khương Duy với 300 giáp sĩ hộ vệ chỉ còn lại 2000 binh sỹ già yếu.

Vận lương Tây Thành chưa xong, Tư Mã Ý đột nhiên kéo đại binh đến. Khói bụi mù trời, Khương Duy kiến nghị nhanh chóng rời bỏ Tây Thành tháo chạy về Thục. Nhưng Gia Cát Lượng cho rằng chạy tất chết không thể nào thoát khỏi thiết kỵ của Tư Mã Ý.

Tư Mã Ý dẫn 15 vạn đại quân tới Tây Thành. (Ảnh: Internet)

Lượng quyết định đánh cược một phen với trời với số phận của chính mình. Quân Thục mở tung của thành, cắt mấy chục lính làm dân phu, lùa súc vật đi ăn cỏ, và quét cổng thành cho sạch sẽ gọn gàng, bản thân Gia Cát Lượng ôm đàn lên lầu độc tấu chống hùng binh Tư Mã Ý.

Ý dẫn quân kéo đến Tây Thành, thấy phong cảnh như vậy lấy làm lạ, đăm chiêu nghe Gia Cát Lượng gẩy đàn một lúc, rồi hạ lệnh đổi tiền quân làm hậu quân nhanh chóng tháo lui.

Tư Mã Ý đang nhắm mắt nghe đàn – Tam Quốc Diễn Nghĩa 2010

Tư Mã Chiêu (con Tư Mã Ý) trong Tam Quốc Diễn Nghĩa 1996 bảo: “Ngộ nhỡ Gia Cát Lượng không có quân, bày ra thế thì sao?” Ý nói rằng: “Tiếng đàn tranh này mạnh bạo giống như sóng ba đào, cuồn cuộn nổi lên, tựa như là có bá vạn hùng binh… giống như là dòng suối róc rách, nếu như không là người tinh ý chắc chắn không thể ngờ được“.

Tư Mã Chiêu lại hỏi: “Thưa cha, chỉ là mấy sợi dây đàn, có thể truyền thần tới vậy sao chứ?” Ý trả lời: “Tâm loạn, tiếng đàn sẽ rối loạn, tâm tịnh, tiếng đàn sẽ yên tịnh thôi, tâm loạn thì âm loạn, tâm tịnh thì âm sắc. Nghe Gia Cát Lượng đánh đàn, nhìn thấy rõ tâm can hắn, ta nghe được tiếng đàn của Gia Cát Lượng là một vinh hạnh rồi.” Sau đó lập tức truyền lệnh rút quân, tháo lui khỏi Tây Thành.

Tư Mã Ý truyền lệnh rút lui. (Ảnh: Internet)

Theo Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì trên đường tháo chạy, Tư Mã Ý còn bị Quan Hưng, Trương Bào, dóng trống mở cờ đuổi quân Ngụy hồn xiêu phách tán.

Tuy nhiên khi xem bộ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa 2010, thì trong tiếng đàn của Gia Cát có rất nhiều thâm ý. Quân Ngụy rút chạy rồi, Gia Cát Lượng thốt lên: “Trời xanh cứu ta, Tư Mã Ý thực là hiểu âm luật“. Về phần Tư Mã Ý về đến trại, kéo ghế cho Tư Mã Sư ngồi, nghe con nói qua tình hình Tây Thành rồi bảo: “Ta thua Khổng Minh ở số trời, số trời không giúp ta“.


Vậy rốt cuộc ‘trời xanh’ đã giúp Gia Cát Lượng điều gì? Và ‘số trời’ đã không giúp Tư Mã Ý điều chi? Cái này chắc chắn là có liên quan đặc biệt đến tiếng đàn mà Gia Cát Lượng đánh.

Vậy trong tiếng đàn Gia Cát ở Tây Thành có những gì, âm luật gì vậy? Có lẽ qua tiếng đàn (qua âm luật) Gia Cát Lượng đã chuyển đến Tư Mã Ý thông điệp: “Nhà Ngụy ba đời liền nghi ngờ, cảnh giác ông. Sở dĩ ông được làm nguyên soái thống lĩnh ba quân là bởi tôi cầm binh nước Thục công phá Ngụy Quốc. Tôi chết rồi, mối lo về Thục quân không còn, Ngụy Đế tất sẽ khiến ông không toàn mạng sống. Xưa nay thỏ khôn chết thì chó săn bị nấu, chim bay cao chết thì cung mạnh bị cho vào bếp, đó là lẽ thường“.

Xưa nay thỏ khôn chết thì chó săn bị nấu, chim bay cao chết thì cung mạnh bị cho vào bếp, đó là lẽ thường – Tư Mã Ý trong Tân Tam Quốc 2010. (Ảnh: Internet)

Cũng giống như Hàn Tín xưa kia vậy, lấy một nửa giang sơn cho nhà Hán, xong bị Lữ Hậu giết chết. Phạm Lãi và Văn Chủng sau khi giúp Việt Vương Câu Tiễn diệt vua Ngô Phù Sai thì cũng bị giết, chỉ duy có Phạm Lãi hiểu ý này nên đã mai danh ẩn tích nên bảo toàn được mạng sống. Hay như Đặng Trần Thường và Nguyễn Văn Thành theo phò vua Gia Long – Nguyễn Ánh, sau khi đại nghiệp hoàn tất cũng bị giết, đó chính là ‘quy luật’.

Lắng nghe tiếng đàn Gia Cát Khổng Minh, Tư Mã Ý cấp tốc tháo lui khỏi Tây Thành. Thả Gia Cát Lượng đi thoát cũng đồng thời tạo đường sống, hậu vận cho mình và con cháu.

Đấy chính là ‘ý trời’ mà cả Gia Cát Lượng và Tư Mã ý đều nói đến. Những lời còn lại của Gia Cát nói với Khương Duy, hay Tư Mã ý nói với con trai, chỉ là một phần sự thật để che đi pha thương thuyết qua tiếng đàn giữa hai nhân vật cự phách này.

Ở đây cũng phải nói thêm rằng, người đánh đàn (Khổng Minh) là một bậc cao nhân trăm năm khó gặp. Ông bình sinh từ bé là người tu Đạo, được Sư Phụ truyền thụ tinh hoa trong môn của mình, tâm tính đã đạt đến cảnh giới rất cao. Sống cuộc đời ẩn dật nơi rừng sâu núi thẳm, quanh năm chỉ thấy trò chuyện với các bạn tâm giao, uống rượu, ngâm thơ, bình luận thiên hạ. Mãi cho đến khi Lưu Bị ba lần thăm lều tranh mới tỏ nổi tấm chân tình làm động lòng người tu Đạo – Gia Cát Lượng. Nói là làm ‘động lòng người tu Đạo’, nhưng sự thật là Lượng sớm biết được ‘thiên ý’ rằng đến lúc mình phải xuất sơn để hiệp trợ Lưu Bị thành lập nhà Thục Hán, tạo thế chân vạc thời Tam Quốc, đặt định văn hoá để nhận thức thế nào là “Nghĩa” cho người đời sau.

(Xem thêm: Gia Cát Lượng bái sư học đạo)

Nên cái ‘truyền thần’ trong tiếng đàn ở đây chính là cảnh giới tư tưởng của hai bậc cao nhân, họ giao tiếp với nhau bằng tiếng đàn, một người nghe – một người gảy, điều mà người thường vĩnh viễn không thể nào hiểu nổi, ngay cả Tư Mã Chiêu và cả Khương Duy cũng không hề hay biết tại sao hai nhân vật này lại có cách hành xử ‘lạ lùng’ đến như vậy?! Đứng trước 15 vạn hùng binh, cái chết đến cận kề, kẻ địch quá mạnh,… chỉ nghe tiếng vó ngựa, tiếng la hét, hay tên tướng địch (Tư Mã Ý) thôi là hoàn toàn có thể hồn xiêu phách tán, chứ nói gì đến việc vác đàn lên gảy? Tâm tịnh, ý tịnh, đàn hết bài, truyền được tâm ý, đẩy lui đại địch, giữ được mạng sống. Lấy tĩnh chế động, chính là nguyên lý mà người tu Đạo đều biết. Đó thật là kỳ ảo.

Màn ‘đối ẩm’ của Tư Mã Ý và Gia Cát Lượng. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Quả nhiên sau này Khổng Minh Bắc phạt, Tư Mã Ý soái lĩnh Ngụy quân chống lại, dần dần bồi dưỡng thực lực làm nên cuộc đảo chính phế Tào Sảng, nắm giữ binh quyền nước Ngụy. Tài trí Khổng Minh vang danh hậu thế phần nhiều cũng nằm ở những lần đối trận với Tư Mã Ý.

Họ sinh ra là tri kỷ nhưng cũng là đối thủ không cùng đội chung trời. Tiếc thay thời thế không khiến họ trở thành bạn tâm giao. Dùng tiếng đàn khi đối trận để viết lên một giai thoại đẹp nhất thời Tam Quốc, nơi hai nhân vật đỉnh cao về nghệ thuật cầm binh dùng tiếng đàn “truyền thần” mà kể chuyện cho nhau nghe… nghe mà hiểu được người kia ‘nói’ gì thì đó chính là bậc tri kỷ một đời khó gặp.

Câu chuyện này làm chúng ta liên tưởng đến tình bạn đẹp giữa Bá Nha và Chung Tử Kỳ thời Xuân Thu, cũng vì tiếng đàn mà kết thành tình huynh đệ. Cả hai đều thông hiểu âm luật tự cổ chí kim, khi gảy đàn lên mà người kia biết được ‘tâm ý’, há chẳng phải tri âm, tri kỷ là gì? Ở đời tìm được một người như vậy quả là khó lắm thay…

Ánh Trăng (biên soạn)



Khổng Minh chết, tượng gỗ của ông vẫn làm Trọng Đạt khiếp chạy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét