Lý Nhân Tông
Lý Nhân Tông (1066 – 1127), tên húy là Lý Càn Đức, là vị vua thứ tư của triều Lý. Ông nổi tiếng là một minh quân trong lịch sử Việt Nam, là người đặt nền móng xây nền giáo dục đại học Việt Nam.
Năm 1075, vua mở khoa thi tam trường, còn gọi là Minh kinh bác học để chọn người có tài văn học vào làm quan. Khoa thi ấy là khoa thi đầu tiên ở Đại Việt và chọn 10 người, thủ khoa là Lê Văn Thịnh.
Năm 1076, vua cho lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên ở Đại Việt, chọn những nhà khoa bảng tài giỏi vào dạy. Đến năm 1086, ông mở khoa thi chọn người có tài văn học vào Hàn lâm viện. Khoa ấy có Mạc Hiển Tích đỗ đầu, được bổ nhiệm làm Hàn lâm học sĩ.
Lý Nhân Tông cũng là một vị vua khổ luyện, phấn đấu đạt đến độ “học thức cao minh, hiểu sâu đạo lý”. Chính vì vậy, đánh giá tổng quát về ông, các sử gia từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đến Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn v.v... đều xem ông là “vị vua giỏi”, “vị anh quân” của vương triều Lý.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhận xét về vua Lý Nhân Tông như sau: “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý”.
Các tác phẩm của vua Lý Nhân Tông để lại hiện chỉ còn ba bài thơ, một vài bức thư gửi triều đình nhà Tống, bốn bài hịch và chiếu. Tất cả đều viết bằng chữ Hán.