Khi quy y tam bảo thì quý phật tử nương theo gương hạnh đạo đức của Phật, tức là quy y Phật; qui y Pháp tức là sống đúng 5 giới để đem lại hạnh phúc cho mình, cho mọi người; quy y Tăng là nương theo một vị Tăng giới luật thanh tịnh để thưa hỏi tu tập.
10 ĐIỀU LÀNH
Vừa nghe câu kệ đầu “Nghiệp lành thoát các phược”, Tôn giả Tu Bồ Ðề hiểu rõ thân bệnh của mình do từ ác nghiệp của mình đã tạo ra.
Tôn giả Tu Bồ Ðề nhớ lại lời dạy của Ðức Phật trong kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH: “Người nào muốn thoát khỏi thân bệnh, không bị tai nạn, và cầu mong cho gia đình được đầm ấm, yên vui, con cái hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, sống trong tình nghĩa yêu thương mặn nồng, tràn đầy hạnh phúc thì hãy sống trong MƯỜI ÐIỀU LÀNH”.
Lời dạy này quá rõ ràng chỉ có sống trong MƯỜI ÐIỀU LÀNH thì gia đình đầm ấm yên vui, con cái hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, tràn đầy hạnh phúc.
Lời dạy này không dối người, chỉ có những người sống quen trong MƯỜI ÐIỀU ÁC nên không đủ lòng tin. Vì thế, họ không sống trong MƯỜI ÐIỀU LÀNH này nên phải chịu mọi sự khổ đau không bao giờ dứt.
Vậy MƯỜI ÐIỀU LÀNH này là gì? MƯỜI ÐIỀU LÀNH này là mười điều sống không làm khổ mình, khổ người và không làm khổ tất cả chúng sinh.
Làm người ai ai cũng cần phải thông hiểu MƯỜI ÐIỀU LÀNH và còn phải luôn luôn áp dụng nó vào cuộc sống hằng ngày của mình như ăn cơm, uống nước thì cuộc sống mới được bình an, vô sự.
Ai cũng biết con người không ăn cơm uống nước thì không thể sống được. Cho nên, con người muốn không còn bệnh tật hay những tai nạn thì mười điều lành này phải sống như ăn cơm và uống nước.
Khi biết pháp sống không còn đau khổ mà không áp dụng vào đời sống thì thà chết còn sướng hơn sống trong đau khổ.
Chúng ta là những người có phước báu lớn nên mới gặp phương pháp MƯỜI ÐIỀU LÀNH.
Lòng từ bi của đức Phật mong muốn con người thoát ra mọi sự khổ đau, vì thế Ngài mới dạy chúng ta sống trong MƯỜI ÐIỀU LÀNH. MƯỜI ÐIỀU LÀNH này mới cứu chúng ta thoát khỏi tất cả bệnh tật, tai ương, nạn khổ, chớ không có một vị thánh, thần nào cứu chúng ta thoát khổ được. Cho nên, khi có bệnh tật hay tai nạn khổ đau mà đến lạy lễ cầu chư Phật, chư Bồ tát, chư thánh, chư thần từ bi cứu khổ, cứu nạn thì những hành động cầu xin này là những hành động mê tín, di đoan, lạc hậu, mù quáng.
Ðức Phật ngày xưa dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không cứu khổ các con được”. Lời dạy như vậy mà chúng ta còn cầu khấn van xin thì thử hỏi quý vị có phải là phật tử hay không? Hay là những tín đồ của một tôn giáo nào?
Muốn thoát khỏi bệnh tật, tai nạn khổ đau thì không có phương pháp nào hay hơn bằng phương pháp sống với MƯỜI ÐIỀU LÀNH. Sống với MƯỜI ÐIỀU LÀNH thì phải thực hiện ba chỗ trên thân của chúng ta. Ðó là thân, khẩu, ý.
(1) Thân có ba việc làm lành:
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
(2) Khẩu có bốn việc làm lành:
- Không nói dối
- Không nói thêu dệt
- Không nói lật lọng (nói lưỡi đôi chiều)
- Không nói lời hung ác
(3) Ý có ba việc làm lành:
- Không tham lam
- Không sân hận
- Không si mê
Tại sao sống với MƯỜI ÐIỀU LÀNH mà thoát khỏi bệnh tật, tai nạn, khổ đau của kiếp con người?
Muốn trả lời câu hỏi này, trước hết chúng ta phải lần lượt xét xem MƯỜI ÐIỀU LÀNH này như thế nào?
ĐIỀU LÀNH THỨ NHẤT: KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÚNG SANH
Người đời thường nói: “Thà nghèo mà mạnh giỏi, còn hơn giàu sang mà đau ốm”. Mọi vật sanh ra trong vũ trụ không có con vật nào mà không sợ chết, sợ khổ đau và bệnh tật. Thế nên tha mạng chết cho người (ân xá), cho vật (không sát sanh) là một ân huệ lớn. Loài vật sắp bị giết mà được tha thì nỗi vui mừng không thể tả được.
Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Như khi chúng ta thả một con chim sắp bị cắt cổ, nhổ lông, thả một con cá sắp đem chặt kỳ, đánh vảy. Chim được sống vui mừng bay nhảy, cũng như cá khỏi chết hớn hở lội bơi”.
Vậy, không giết hại chúng sinh mà còn thả chúng sinh, là nghiệp lành đứng hàng đầu trong mười điều lành.
Chúng ta ai cũng ham sống, sợ chết, lẽ đâu lại cướp mạng sống của loài vật? Thử hỏi chúng ta tự đặt mình vào hoàn cảnh con vật xem chúng ta có còn lòng dạ nào giết hại chúng không? Ðừng mượn câu: “Vật dưỡng nhân” mà cho rằng “Trời sanh ra con vật để cho mình giết nó ăn thịt”. Vậy nếu vào rừng mình bị cọp ăn thì có phải ta là “Nhân dưỡng vật không”?
Chớ có lý luận theo kiểu ăn thịt chúng sanh mà tạo cho đôi tay luôn vấy máu và tâm hồn trở nên hung ác. Hãy quán sát và so sánh: chúng sanh giãy dụa trên thớt, dưới dao, còn chúng ta lăn lộn trong cơn bệnh ngặt nghèo, cơ thể rã rời, đau nhức.
Niềm đau, nỗi khổ của chúng ta và nỗi khổ đau của muôn loài cũng giống nhau không khác!
Muốn không giết hại chúng sinh, chúng ta hãy chế ngự và khắc phục tâm mình, đừng chạy theo sự ăn ngon của khẩu nghiệp mà tạo tội lỗi, máu đổ thịt rơi như núi, như biển. Hãy quán chiếu nỗi khổ của chúng sanh cũng là nỗi khổ của mình để tránh không sát sanh. Người tu còn phải quán chiếu ăn thịt chúng sanh như ăn thịt con mình, vì con vật hôm nay bị giết mà tiền kiếp lại là ông bà, cha mẹ của mình.
Theo luật nhân quả: “Sát sanh là cái nhân của bệnh tật, khổ đau, hoạn nạn. Nợ máu xương phải đền bù bằng máu xương, dù trốn đi đâu cũng không khỏi”.
Kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy: “Nếu ai không sát sanh thì sẽ được mười điều lợi ích” như sau:
1/ Tất cả chúng sanh đều kính mến.
2/ Lòng từ bi mở rộng đối với tất cả chúng sanh.
3/ Trừ sạch thói quen giận hờn.
4/ Thân thể thường được mạnh khỏe.
5/ Tuổi thọ được lâu dài.
6/ Thường được người tốt giúp đỡ.
7/ Ngủ ngon giấc và không chiêm bao, ác mộng.
8/ Trừ được các mối thù oán.
9/ Khỏi bị đọa vào ba đường ác.
10/ Sau khi chết được sanh lên cõi Trời.
Thật vậy, kẻ nào biết làm lành, làm phước, thường giúp đỡ, săn sóc người nghèo khổ, bệnh tật, tai nạn, khổ đau v.v… thì tự thân mình ít bệnh tật, ít tai nạn.
Nếu ai biết lo tạo phước lành thì ngay trong đời hiện tại thân thể được khỏe mạnh, tinh thần được thơ thới và tâm hồn lúc nào cũng an vui. Nếu thấy người nào được sung sướng, an vui, ít bệnh thì ta phải hiểu rằng đây là cái quả do nhân lành đời trước, và của đời này mà người ta được như thế.
Là phật tử, thọ năm giới hay mười giới cũng đều có giới không giết hại chúng sinh đi đầu. Không giết hại mọi vật là hành động từ bi, là đang học theo hạnh nguyện từ bi của chư Bồ Tát đối với vạn vật trong vũ trụ.
Học hạnh từ bi của Phật thì chẳng những chúng ta không giết hại mọi vật, mà còn phải thực tập ăn chay, không ăn thịt chúng sanh. Người xưa đã nói: “Kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử”. Thấy nó đang sanh sống thì không thể nào nhẫn tâm giết hại cho đành.
Chúng tôi biết có nhiều người ở miền quê, hiểu đạo Phật, nên khi nuôi con gà, con vịt thì họ không muốn ăn thịt chúng vì “thấy thương”. Thấy thương nên chúng ta phải ăn chay, ăn rau đậu, không ăn thịt, cá. Lúc đầu thì mình ăn chay kỳ, mỗi tháng hai ngày, sau đó lên bốn ngày, sáu ngày, mười ngày. Rất nhiều Phật tử sau một thời ăn chay một tháng mười ngày thì họ ăn chay kỳ, nghĩa là mỗi năm ăn chay suốt tháng giêng (Thượng nguơn), tháng bảy (Trung nguơn), tháng mười (Hạ nguơn).
Người tu sĩ xuất gia theo Phật mỗi khi ăn còn phải “Tam Ðề, Ngũ Quán”. Tam Ðề là ăn ba miếng cơm lạt, trước mỗi bữa ăn và thầm nguyện: “Nguyện đoạn các điều ác, nguyện làm các điều lành, nguyện độ tất cả chúng sanh”. Tại Tu viện Chơn Như thì Tăng Ni và Phật tử nguyện như sau: “Nguyện sẽ không làm khổ mình, nguyện không làm khổ người, nguyện cho tất cả chúng sanh không gây đau khổ cho nhau”. Ngũ Quán là: “Trong bữa ăn hôm nay, con nghĩ đến công lao khó khổ của bao nhiêu người làm nên thức ăn này, nguyện cố gắng tu tập tốt để xứng đáng thọ nhận những thực phẩm này, nguyện ngăn ngừa những tật xấu ác, chỉ xin nhận thức ăn vừa đủ để nuôi thân, vì muốn thành tựu đạo giải thoát và cứu độ chúng sanh nên con xin thọ nhận thức ăn này”.
Người tu sĩ của đạo Phật, khi đi kinh hành còn phải lưu ý tránh giẫm đạp, làm chết cỏ. Cỏ cây còn không làm tổn hại thì có lý nào lại giết hại mạng sống loài vật cho đành? Cho nên, người nào làm đồchay mà đặt tên đồ mặn như “Thịt kho Tàu, gà xé phay, thịt gà xào sảớt, xá xíu, tôm kho, mắm chay, v.v...” là còn tâm thèm ăn thịt, cá, thèm ăn thức ăn mặn. Người đệ tử Phật muốn thoát sinh tử luân hồi mà còn ăn mặn thì tu ngàn đời cũng không giải thoát. Nếu ai bảo rằng Phật cho phép chúng ta, kể cả các tu sĩ, được ăn thịt chúng sanh “nếu ăn không thấy, không nghe, không nghi” thì đó là lý luận của người sau để biện minh cho “cái tâm thèm thịt”, hợp thức hóa chuyện ăn mặn của mình, nghĩa là không giữ được giới cấm giết hại chúng sanh.
Trong kinh sách Nguyên Thủy, Ðức Phật không có dạy điều đó. Ðây là lời chân thật, xin các phật tử phải ghi nhớ và hành trì để được phước báu và tu tập có kết quả tốt. Trong kinh Nguyên Thủy bài kinh Jivaka dạy: “Người cư sĩ cúng dường Phật và chư Tăng bằng thực phẩm động vật thì có “năm điều phi công đức” (https://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php/bdt/694-bkc). Thế sao các cư sĩ lại cúng dường thực phẩm động vật cho chư Tăng? Như vậy có đúng không?
Ðức Phật đã cấm đệ tử cư sĩ “Giới thứ nhất không giết hại chúng sanh”. Thế sao các cư sĩ lại sát sanh, cúng dường thực phẩm động vật cho chư Tăng? Ðiều này có trái và mâu thuẫn lại với lời dạy giới cấm của đức Phật chăng?
Tóm lại, đạo Phật là đạo từ bi, thương yêu tất cả mọi người, mọi loài chúng sanh, kể cả cầm thú, côn trùng, cỏ cây, đất đá...
Người đệ tử Phật giữ giới không giết hại chúng sanh là giữ gìn ÐỨC HIẾU SINH. Thử tưởng tượng một ngày mà chúng ta không ăn thịt thì biết bao nhiêu sinh mạng được thoát chết! Nếu chúng ta có “Làng Trường Chay” thì mọi người đều giữ giới sát sanh thật dễ dàng. Người người giữ giới không giết hại chúng sinh, nhà nhà giữ giới không giết hại chúng sinh thì làm gì có chiến tranh, gây cảnh máu đổ thịt rơi, cửa nhà tan nát! Ngày xưa, vào những ngày rằm lớn, tại chợ Long Hoa, Tây Ninh, vùng tôn giáo Cao Ðài, không có một nơi nào bán thịt, quả là một điều hy hữu. Giết mạng thì phải đền mạng, đó là luật nhân quả. Thế nên Ðức Phật dạy cho hàng cư sĩ, sau khi qui y thì phải từ bỏ sáu nghề cũng là để trau dồi đức hiếu sinh vậy. (Sáu nghề không nên làm là: không săn bắn, không hành nghề chài lưới, không buôn bán thịt sống, không buôn bán thịt chín, không làm nghề buôn bán rượu, các chất say, và không làm nghề buôn bán người (làm nô lệ, hoặc hành nghề mãi dâm).
Không giết hại chúng sanh mà còn đem chúng sanh ra thả thì phước đức vô lượng.
Ðể kết luận bài này, chúng tôi xin ghi lại đây bài thơ của cổ đức để sách tấn mọi người con Phật cố gắng hành trì giới không giết hại chúng sinh để đem lại sự an vui cho mình cho người và cho muôn loài chúng sinh:
“Hàng ngày trong bát cơm ăn,
Oán sâu như bể, hận bằng non cao.
Muốn xem binh lửa thế nào,
Hãy nghe lò thịt, tiếng gào đêm thâu”.
Ðúng vậy, qua bài kệ này chúng ta thấy cuộc sống của con người không bảo đảm. Những tin tức khắp nơi trên thế giới qua báo chí và điện đài truyền hình đã cho chúng ta biết gió bão, lũ lụt, động đất, núi lở, người chết nhà cửa tan nát không nước này thì nước khác và hơn nữa chiến tranh người giết người không nơi này thì nơi khác. Hình ảnh tang thương như vậy, thế mà con người còn chưa thức tỉnh cứ mải mê sống trong mười điều ác.
Nhân quả rất thực tế, dân chài lưới là những người chết nhiều nhất trong những năm gần đây, hễ có lũ lụt là có hằng trăm người chết trôi. Bởi vậy, người nào chuyên nghề đánh cá thì không tránh khỏi nước cuốn trôi xuống sông, xuống biển để làm mồi cho cá tôm ăn thịt.
ĐIỀU LÀNH THỨ HAI: KHÔNG NÊN TRỘM CẮP
Trộm cắp là do lòng tham lam, ham muốn sống được thảnh thơi, an nhàn, có nhiều của cải tài sản và được ăn ngon, mặc đẹp mà chẳng cần phải làm lụng vất vả như bao nhiêu người khác. Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Người không gian tham, trộm cắp là người yêu chuộng công bình, tôn trọng của cải kẻ khác như của mình”.
Tiền bạc là huyết mạch của con người, nếu không có nó đời sống sẽ vất vả. Nếu của cải mình làm ra mà bị người ta lấy hết thì mình có đau lòng không? Mình mất của thì mình xót xa, tiếc nuối, thì người mất của cũng đau khổ như thế. Có nhiều người bị trộm cắp mất hết của cải, vàng bạc, thất vọng đến nỗi phải quyên sinh. Vả lại, của phi nghĩa thường vô ngõ trước ra ngõ sau, tiêu hao như nước soi, cát chảy. Manh tâm giành giựt cho lắm, chết rồi cũng hai bàn tay không. Người không trộm cắp luôn sống an vui vì không sợ bị tù tội, hoặc có người thù oán mình. Nếu mọi người giữ giới không nên trộm cắp thì nhà nhà được an vui, của đánh rơi cũng không có ai lượm, quên đóng cửa cũng chẳng có ai mất đồ. Nghe nói ngày xưa bên Trung Hoa, thời vua Nghiêu, vua Thuấn, thái bình thịnh trị, người ta ngủ cũng chẳng cần đóng cửa, đồ đạc có đánh rơi cũng không ai lượm, tôi thích lắm. Không ngờ ngày nay, tại các nước văn minh trên thế giới, nếu ai mất của, đi báo cảnh sát thì người ta cho biết có người nhặt được rồi. Tôi biết một phật tử tại Nhật bảo rằng một hôm cô có việc cần đi gấp, cô rời khỏi nhà cả ngày, không khóa cửa, về nhà đồ đạc vẫn còn nguyên. Cô TH ở California nói, có một hôm, cô về nhà thì thấy cửa mở toang, cô hoảng sợ, không dám vô nhà, cô gọi cảnh sát đến, họ đưa cô vào nhà, lục soát khắp nơi, thấy không mất gì cả. Thì ra, khi rời khỏi nhà cô không khóa cửa, gió thổi mở tung cửa mà thôi. Tại Việt Nam, thỉnh thoảng ta cũngthấy đăng trên báo những tấm lòng vàng, lượm được gói tiền, hoặc cái bóp của ai đánh rơi, được thông báo để chủ nhân đến nhận lại. Nhưng những tấm lòng vàng ấy ngày càng hiếm hoi.
Người phật tử thọ năm giới thì không bao giờ khởi ý trộm cắp, dù trái cà, trái bí, cây đinh, cọng kẽm, nếu người ta không cho thì mình không được tùy tiện lấy đi. Từ đó suy ra, tất cả những gì không phải của mình thì mình không được lấy, không nhận, không sử dụng. Bây giờ, giả sử có người lượm được tờ giấy bạc 50.000 đồng Việt Nam hoặc tờ giấy 100 đô la, đưa lên máy phóng thanh mà gọi chừng hai lần thì đến lần thứ ba sẽ có người nhảy ra nhận là mình mất (mặc dù người ấy khôngcó tờ giấy bạc ấy!). Trong cuộc sống hàng ngày, tại các xí nghiệp, nếu công nhân mà đi trễ, về sớm thì dễ bị sa thải. Công nhân viên làm việc mà lấy văn phòng phẩm đem về nhà để cho mình và gia đình mình xài là ăn cắp của công! Sử dụng máy photocopy để sao giấy tờ cá nhân của mình, thậm chí sao chụp tài liệu tu học để tặng bạn bè (nghĩ rằng mình làm phước, giúp người tu hành, sẽ được phước) không ngờ lòng tốt ấy cũng là ăn cắp của công, làm việc riêng. Có nhiều người đến sở làm mà đọc báo, đọc tiểu thuyết, nghe nhạc, trang điểm, hoặc cùng bạn bè ra quán cà phê tán gẫu hàng giờ... tất cả đều ăn cắp giờ làm việc mà thôi.
Là phật tử, thọ trì năm giới hay mười giới đều phải ghi nhớ điều ấy, nếu rơi trúng vào một trong những điều kể trên tức là phạm giới thứ hai: Không trộm cắp.
Kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy: “Nếu không trộm cắp mà còn bố thí thì sẽ được mười quả báo phước lành như sau”:
1/ Tiền của có dư, không bị vua quan, giặc giã cướp mất, không bị nạn lũ lụt trôi, lửa cháy, hay con cái phá tán.
2/ Ðược nhiều người kính mến và tin cậy.
3/ Không bị ai lừa dối gạt gẫm.
4/ Xa gần đều khen ngợi lòng ngay thẳng của mình.
5/ Lòng được an ổn, không lo sợ về sự tổn hại nào.
6/ Tiếng lành đồn xa.
7/ Ở chỗ đông người lòng không khủng khiếp.
8/ Tiền của, tánh mạng, nhan sắc, sức khỏe an vui, biện tài vô ngại.
9/ Thường sẵn lòng bố thí cho tất cả chúng sanh.
10/ Khi chết được sanh lên cõi Trời.
Thật vậy, làm phước được phước. Chẳng phải mình mong cầu, mà phước ấy vẫn tự đến với mình. Lời Phật dạy: “Bố thí bất trụ tướng thì phước đức như hư không”. Ðiều này chúng tôi đã nghiệm thấy trong cuộc đời mình cũng như trong cuộc đời của các cư sĩ theo tu học với chúng tôi. Chẳng những mình không tham lam của người mà còn bỏ đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình ra để bố thí, cúng dường thì những người ấy không bao giờ lâm vào cảnh nghèo đói. Các phật tử làm việc ở nước ngoài thường dễ bị thất nghiệp, vì hãng xưởng làm ăn, buôn bán ếẩm, nhưng các phật tử thuần thành, thường hành hạnh bố thí đều gặp may mắn. Họ không bị cho nghỉ việc, hoặc nếu có thôi việc ở nơi này thì họ liền tìm được một nơi khác còn tốt hơn chỗ cũ.
Người giàu sang mà bo bo giữ của cải, không làm phước, bố thí, giúp người nghèo khó, bệnh tật thì đêm nằm ngủ không yên. Có của cải quý báu trong nhà thì tối ngày không dám rời nhà nửa bước, sợ gia nhân ăn cắp, hoặc ăn trộm cạy cửa lấyđồ, đêm ngủ không yên, nghe tiếng động tịnh thì lại tỉnh giấc, nơm nớp lo sợ ăn cướp... Giữ giới không trộm cắp là thực tập TÂM BUÔNG XẢ. Tâm buông xả thì thảnh thơi, an nhàn, không có gì phải lo toan.
Vậy quý Phật tử phải thường xuyên giữ giới không trộm cắp, và tập bố thí, buông xả thì thân tâm an lạc, phước lành tăng trưởng.
ĐIỀU LÀNH THỨ BA: KHÔNG NÊN TÀ DÂM
Phàm con người sanh ra đều do âm dục (Nhất thiết chúng sanh giai dĩ dâm dục nhi chánh tánh mạng). Dâm dục là nhân sanh tử luân hồi, là ma chướng ngăn trở bước đường tu giải thoát. Thế nên, đức Phật dạy: “Lòng dâm không trừ thì không ra khỏi trần lao” (Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất). Bởi vậy, muốn giải thoát mà không đoạn lòng dâm thì tu ngàn kiếp cũng không bao giờ giải thoát.
Ở đây, tu MƯỜI ÐIỀU LÀNH, ta cần ngăn ngừa tà dâm chớ không phải tu rốt ráo như các bậc xuất thế. Người cư sĩ, đối với vấn đề sinh lý vợ chồng thì đó là chánh dâm, nhưng nếu hành dâm với người khác (không phải là vợ hay chồng của mình) là phạm tội tà dâm. Giữ được giới không tà dâm thì gia đình được đầm ấm, an vui, hạnh phúc, con cái học hành tốt. Những đứa trẻ bụi đời, sa chân vào cạm bẫy của băng đảng, xì ke, ma túy, hoặc làm đĩ điếm đa số đều xuất phát từ những gia đình mất hạnh phúc, hoặc chỉ còn một cha hay một mẹ nuôi con mà thôi.
Sự dâm dục quá độ khiến cho sức khỏe hao mòn, đưa đến chỗ bệnh tật, từ những bệnh phong tình, hoa liễu, giang mai cho đến các bệnh nan y không có thuốc chữa như Sida (Aids). Nhìn lại lịch sử Việt Nam cũng như Trung Hoa ngày xưa, có vị vua nào mà sống lâu đâu (tam cung, lục viện với hàng trăm cung phi mỹ nữ) mặc dù có ngự y ngày đêm chăm sóc, bốc thuốc bổ cho vua. Trong lịch sử Việt Nam có vua “Lê Ngọa Triều”, nghĩa là vua ra chủ tọa phiên họp với triều thần, bá quan văn võ mà phải nằm chứ không ngồi dậy nổi.
Người giữ giới không tà dâm là người biết trọng nhơn, nghĩa với người phối ngẫu của mình. Xã hội Á Ðông ngày xưa rất phong kiến, trọng nam khinh nữ; cho phép người chồng có quyền có nhiều thê thiếp. Cho nên có câu tục ngữ: “Trai năm thê, bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Thậm chí nếu cưới nhau ba năm mà không sanh con trai thì vợ chánh phải cưới vợ bé cho chồng để có con nối dõi tông đường.
Ngày nay, các nước Âu Mỹ rất quý trọng người phụ nữ. Các ông chồng ở Âu Mỹ ăn cơm xong phải rửa chén là chuyện bình thường (vì cả hai cùng đi làm thì phải phân chia nhiệm vụ đồng đều), cắt cỏ, khiêng thùng rác to tướng ra đường, tưới cây, xách đồ nặng vẫn là chuyện của các ông. Người nữ cũng tham gia mọi lãnh vực trong xã hội, từ nghề tài xế taxi, lái xe ủi đất cho đến làm luật sư, bác sĩ, lãnh đạo công ty, xí nghiệp, làm dân biểu, thượng nghị sĩ, thủ tướng, nữ hoàng, thậm chí còn đi vào không gian, thám hiểm các vì sao xa xôi. Thế mà các nước ở Trung Ðông bây giờ người ta vẫn chèn ép người phụ nữ bằng tập tục bắt buộc người nữ ra đường phải lấy khăn che kín mặt (để không ai nhìn thấy mặt mình); đàn bà còn bị đàn ông đánh đòn giữa chợ, còn đàn ông thì tha hồ, có bao nhiêu vợ cũng được! Tập tục gì quái đản! Một phật tử cho biết tại Hoa Kỳ, ngày nay, có tiểu bang nào đó, người chồng theo đạo Mormon muốn cưới bao nhiêu vợ cũng được. Họ còn phổ biến trên truyền hình, phỏng vấn cả mẹ lẫn con đều làm vợ ông ta, ảnh chụp chung quanh ông chồng có hàng chục bà vợ và hàng lố con! Quả là chuyện lạ của thế kỷ hai mươi mốt!
Tóm lại, người phật tử giữ gìn giới không tà dâm là người biết tôn trọng nghĩa tình với người phối ngẫu, là biết bảo vệ sức khỏe bản thân, đem lại an vui, hạnh phúc cho gia đình, góp phần làm lành mạnh xã hội.
Kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy rằng: “Không tà dâm và giữ được tiết hạnh sẽ được bốn điều lợi ích”:
1/ Sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý đều được vẹn toàn.
2/ Ðoạn trừ hết thảy những phiền não quấy nhiễu.
3/ Ở trong đời được người khen ngợi, được tiếng tốt.
4/ Vợ con không ai dám xâm phạm.
Không tà dâm là một đức hạnh mà người đời ai cũng ca ngợi, quý trọng, nó là ÐỨC CHUNG THỦY. Chồng hay vợ mà giữ gìn được ÐỨC CHUNG THỦY thì gia đình an vui và hạnh phúc biết bao, vợ chồng không ghen tuông nhau.
ĐIỀU LÀNH THỨ TƯ: KHÔNG NÊN NÓI DỐI
Nói dối là nói không đúng sự thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có. Sống trong xã hội, người nào nói dối là tự mình làm mất lòng tin của mọi người.
Nói dối rất tai hại cho sự chung sống, nói dối quen miệng, trở thành cái tật, rất khó diệt trừ. Nói dối mà người ta biết được thì kể như mình bị cô lập, không còn ai muốn thân cận với mình, nghĩa là nói dối sẽ làm cho uy tín mình không còn nữa.
Hòa Thượng Thiện Hoa dạy: “Người ta ở đời, dù nói đùa chơi, cũng không được nói dối, vì lẽ nói dối mà người ta biết mặt, về sau có nói thật người ta cũng không tin. Nhất là người tu theo Phật giáo lại càng không nên nói dối, vì nói dối cho rằng mình chứng Thánh, hay đắc đạo thì tội lỗi càng to lớn. Bởi nói như thế sẽ phạm tội đại vọng ngữ”.
Tội đại vọng ngữ sẽ đọa vào ba đường ác. Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên có kể câu chuyện năm vị tỳ kheo giả làm người tu hành đắc đạo. Họ đến một vùng đất lạ, cất một cái bục cao, che phướn, che lọng, rồi một người lên ngồi nghiêm trang, mắt lim dim, còn bốn người kia đi vào làng kêu gọi mọi người đến xem có một vị tiên tu hành đắc đạo, nếu ai đến lễ lạy, cúng dường sẽ được nhiều phước báu. Cứ thế mà họ thay phiên nhau đi quảng cáo đồng bạn của mình để được cúng dường. Kiếp sau đó, vào thời Ðức Phật còn tại thế, có bốn người khiêng kiệu và một người bảo vệ kiệu của Hoàng Hậu đến nghe Phật thuyết pháp. Khi Hoàng Hậu đi nghe pháp thì cởi bỏ vòng vàng, nữ trang để trong kiệu. Năm người phụ trách kiệu xe thì nằm ngủ, ăn trộm đến ăn cắp tất cả nữ trang của Hoàng Hậu. Quân lính cho tra khảo đánh đập tàn nhẫn. Bà đến thỉnh ý Phật về nhân duyên gì mà có chuyện như thế. Ðức Phật đáp rằng năm ông đó kiếp trước là năm thầy tu giả mạo, còn bà là một tín nữ sùng đạo, hết lòng cung kính cúng dường họ. Bây giờ họ phải làm lính khiêng kiệu cho bà để đền nợ trước. Nghe xong, Hoàng Hậu vô cùng kinh hãi, sợ mang tội với thầy nên bảo tha và không cho họ khiêng kiệu nữa. Nhưng họ khóc lóc, quì lạy, năn nỉ: “Xin lệnh bà rủ lòng thương xót, cho chúng con tiếp tục hầu hạ lệnh bà. Chúng con hứa từ nay sẽ cẩn thận không bao giờ dám ngủ quên như thế...”. Hoàng Hậu thỉnh ý Phật thì Ðức Thế Tôn trả lời: “Nghiệp báo, họ trả nợ chưa dứt thì làm sao mà họ ra đi dễ dàng được”.
Người nói dối để cứu người hay vật thì không phạm tội. Trong kinh có kể chuyện tiền thân Ðức Phật là một vị sa môn, đang ngồi thiền trong rừng. Khi nhà vua và quân lính đi săn, đuổi theo con nai, đến chỗ Ðức Phật thì mất dấu. Họ đến hỏi vị tỳ kheo: “Ông có thấy con nai chạy về hướng nào không?”. Vị thầy tu lẳng lặng, không nói. Quân lính nổi giận la hét và lôi thầy tu đến trước mặt nhà vua. Vua lập lại câu hỏi trên thì thầy ấy đáp như sau:
“Thưa Ðại Vương, tôi là kẻ tu hành, giữ gìn giới luật thì không được nói dối và cũng không được sát sanh. Nếu tôi nói không thấy là tôi nói dối, và phạm tội khi quân. Nếu tôi nói thật để Ðại Vương giết con nai thì tôi phạm giới sát sanh. Xin Ðại Vương tha thứ và cho tôi miễn trả lời câu hỏi này. Nếu Ðại Vương bắt tội thì tôi sẵn sàng chịu chết chứ không thể nào trả lời cho Ðại Vương được”.
Trong lịch sử Việt Nam, thời vua Quang Trung, khi quân lính truy lùng chúa Nguyễn Ánh, ông phải chạy vào chùa, xin nhà sư cứu mạng. Chùa nghèo và rất đơn sơ, sư đành cho khiêng một trong ba tượng Phật xuống đất và bảo Nguyễn Ánh lên ngồi trên bàn thờ, thế chỗ tượng Phật ấy.
Khi quân lính đến hỏi: “Nãy giờ ông có thấy ai chạy vào chùa không?” thì nhà sư bình tĩnh trả lời: “A Di Ðà Phật! Bần đạo bận tụng kinh, niệm Phật nên không nghe thấy ai cả”. Sau một hồi lục soát, thấy không có ai thì họ bỏ đi. Nhà sư đã nói dối để cứu mạng người (sau này là vua Gia Long), cũng được xem là không phạm tội.
Kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy: Người không nói dối được tám điều lợi ích như sau:
1/ Ðược thế gian kính phục.
2/ Lời nói nào cũng đúng lý, được người, trời kính yêu.
3/ Miệng thường thơm sạch, nói ra có mùi thơm, như hoa ưu bát la.
4/ Thường dùng lời êm ái, an ủi chúng sanh.
5/ Ðược hưởng lạc thú như ý nguyện, và ba nghiệp đều trong sạch.
6/ Lời nói không buồn giận, mà còn tỏ ra vui vẻ.
7/ Lời nói tôn trọng, được người trời đều vâng theo.
8/ Trí tuệ thù thắng, không ai hơn.
Tóm lại, là Phật tử chúng ta không được nói dối, vì nói dối sẽ làm mình mất đi hai đức hạnh: uy tín và thành thật.
Xem thế chúng ta mới biết lời nói dối là một tai hại rất lớn cho bản thân.
Cho nên, chúng ta dù có chết cũng không bao giờ nói dốt.
Nói thật là tốt nhất, khi một giới luật được đức Phật dạy: KHÔNG NÊN NÓI DỐI thì nó rất quan trọng cho đời sống của người tu hành. Vì thế, chúng ta luôn luôn nhớ lời dạy này để không bao giờ nói dối.
Ngày xưa khi đức Phật dạy La Hầu La lấy một cái chậu dựng nước để đức Phật rửa chân. La Hầu La vâng theo lời Phật dạy và bưng vào một chậu nước trong sạch. Khi đức Phật rửa chân xong liền bảo La Hầu La:
- Nước rửa chân này có dùng uống được không?
- La Hầu La thưa:
- Kính bạch đức Thế Tôn, nước rửa chân này không thể dùng để uống được.
Ðức Phật dạy:
- Người nói dối cũng như nước rửa chân không thể dùng uống được.
Ðức Phật dạy tiếp:
- Này La Hầu La hãy đem chậu nước đổ đi.
La Hầu La làm theo lời Phật dạy và đem chậu vào.
Ðức Phật hỏi:
- Cái chậu này có thể dùng đựng cơm ăn được không?
La Hầu La trả lời:
- Bạch Thế Tôn cái chậu này không thể dùng đựng cơm ăn được.
Ðức Phật dạy:
- Người nói dối cũng như cái chậu đựng nước rửa chân không thể nào dùng được.
Bởi vậy, người phạm giới nói dối thì không bao giờ tu chứng đạo. Giới luật của Phật rất quan trọng trong việc tu hành. Tu hành thì không nên dối gạt người.
ĐIỀU LÀNH THỨ NĂM: KHÔNG NÊN NÓI LỜI THÊU DỆT
Người đời thường hay trau chuốt lời nói. Khi kể lại một chuyện gì, muốn tạo sự chú ý của người khác, và tăng phần hấp dẫn của câu chuyện, người ta thường thường “thêm mắm, giặm muối”.
Thí dụ kể lại chuyện đi câu cá: “Hôm qua tôi câu được con cá lóc nặng gần một kílô”. Thật ra người ấy câu được con cá tràu, nặng gần 500 gram. Hoặc chuyện chồng đánh vợ: “Cái thằng cha ăn ở bất nhân. Nó lấy củi tạ mà đánh vợ nó”. Thật ra, người chồng, trong khi gây gổ, chỉ mới tát tai vợ mà thôi, thế mà người ta tự đặt thêm, cho thành một sự việc đáng nói để mọi người chú ý nghe.
Ði buôn vật xấu nói tốt, hàng giả bảo là hàng thật và bán giá cao, gạt người mua khiến người ta mua đồ về xài không được, họ đâu biết rằng lời nói dối như vậy đâu phải là tốt, vì nói dối như vậy sẽ thành thói quen thành người xấu.
Vì một chút lòng hờn ghen liền dùng lời nói thêu dệt để cho đôi bên thù hận có thể giết hại lẫn nhau, làm tổn hại tánh mạng người khác. Chỉ vì một chút lòng ganh tị, hoặc thù vặt bèn dùng lời thêu dệt để lung lạc lòng người, hoặc quyến rũ, gạt gẫm người khác, làm tổn hại danh dự và tài sản, cốt để đem lại cho mình được nhiều lợi lạc và còn được tiếng thơm, tiếng tốt.
Ngược lại, người có lời nói đúng đắn, không thêu dệt, nói chánh lý, không dối gạt người, không làm tổn hại danh giá, tài sản và thậm chí cả tánh mạng của người, đó là người tốt. Người không nói lời thêu dệt sẽ được ba món công đức mà kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy:
1/ Ðược người trí yêu mến.
2/ Thường đáp được những câu hỏi khó khăn.
3/ Ðược làm người có uy tín cao quý trong cõi thế gian.
Bởi nói lời thêu dệt tốt làm cho người khác được lợi ích, nhưng chúng ta vẫn mang tiếng là người nói lời thêu dệt.
Vì thế, dù nói lời thêu dệt tốt hay xấu đều là lời nói dối.
Chỉ có lời nói thành thật thì mới có giá trị còn nói dối thì tự mình làm mất giá trị. Cho nên, chúng ta nên tránh xa những người hay nói dối, vì họ sẽ đặt điều nói xấu chúng ta với mọi người.
Người nói dối như con rắn độc, cho nên đức Phật dạy La Hầu La: “Nói dối như nước rửa chân không dùng được”. Lời này có ý đức Phật dạy chúng ta nên tránh những người nói dối.
Những người nói dối không thể làm bạn với chúng ta được, vì thế có thì nên nói có, còn không thì nên nói không, không được dối gạt người.
Biết người nói dối chỉ một lần và về sau này chúng ta cố gắng như thế nào để không còn gặp mặt họ. Nếu bất đắc dĩ gặp họ thì chúng ta nên cố gắng làm thinh là hay nhất và tìm cách tránh né, xa lìa, đừng nên ở gần họ mà có tai họa.
Khi một người nói tốt một người nào mà chúng ta xét thấy là đúng sự thật thì đó là không phải lời thêu dệt, còn ngược lại là lời nói thêu dệt. Cũng vậy, khi một người nói xấu người khác thì chúng ta nên xét lại xem người có xấu ác như vậy không, nếu không thì biết người đó nói lời thêu dệt cho người khác thì chúng ta không tin và biết người thù oán hay ghét người kia mà nói thêu dệt như vậy.
Khi nghe người khác nói xấu hay nói tốt một người thì chúng ta đừng vội tin mà cần phải tư duy, suy nghĩ, quán xét đúng hay sai rồi mới tin. Nếu chúng ta không chịu quán xét kỹ càng, vội tin là chúng ta là những người bộp chộp. Những người bộp chộp là những người hay a dua theo người khác mà không do sự tư duy quán xét kỹ lưỡng. Một người thiếu tư duy thường sống trong ác pháp nên phải nhận lấy sự đau khổ là đúng.
ĐIỀU LÀNH THỨ SÁU: KHÔNG NÊN NÓI LẬT LỌNG
Ở đời, có lắm kẻ mồm mép, vừa nói một lúc sau nói ngược trở lại; lấy quấy làm phải, lấy phải làm quấy, lật qua lật lại, tráo trở, như người nướng bánh phồng! Những hạng người này ta nên tránh xa. Họ thường dụm ba, dụm bảy, đem chuyện người này nói ra, nói vào, bêu xấu, khiêu khích người khác để tạo sự bất hòa, thù hận. Họ chuyên đem chuyện của người này, gièm pha với người kia, có lúc nhạo báng, khinh chê làm cho đôi bạn thù hận, sanh mối tương tranh. Họ chuyên dùng môi mép, đứng trung gian gây ác cảm đôi bên để đi đến kiện thưa.
Người không nói lật lọng, không có làm phiền muộn bà con lối xóm, nên được thân bằng quyến thuộc, kẻ xa, người gần đều kính mến. Người không nói lưỡi hai chiều thường dùng lời êm ái, an ủi, khuyên giải và giúp cho bà con, xóm giềng được hòa thuận, thân yêu, khiến cho ai nấy cũng vui vẻ, an lòng. Người này đến đâu cũng được mọi người kính yêu, gặp khó khăn thì người ấy sẽ đứng ra thu xếp, hòa giải một cách dễ dàng.
Người không nói lật lọng là người luôn luôn đem lời nói hòa giải giúp cho mọi người sống trong xã hội được an vui, hạnh phúc. Ngày xưa, thời Tam Quốc, ở Trung Hoa có những người chuyên đi du thuyết. Họ là người học rộng, hiểu nhiều, nói lời hòa nhã, có sức thuyết phục. Họ thường được các vua cử sang nước khác để du thuyết, phân tích cho vua bên kia nghe ưu và khuyết của mỗi bên, những cái lợi và hại của việc đánh nhau, để cuối cùng thuyết phục được đối phương phải lui binh, hoặc hưu chiến. Ngày nay các quốc gia trên thế giới cũng có gởi Ðặc Sứ, hoặc Sứ Thần đi sang nước khác (như Trung Ðông, Nam Phi) để dàn xếp những vụ tranh chấp... Tất cả những việc làm ấy là do tài năng của người có khả năng ăn nói khéo.
Kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy: Kẻ nào nói lời hòa giải thì được năm điều không thể phá hoại:
1/ Ðược nhơn bất hoại, vì bản thân mình không bao giờ có ý hại người.
2/ Ðược làm con trong dòng họ sum họp, vì nhơn mình không gây chia rẽ bà
con quyến thuộc của người.
3/ Ðược đức tin bất hoại vì nhơn thuận theo nghiệp đời trước của mình.
4/ Ðược pháp hạnh bất hoại vì nhơn chỗ tu của mình rất kiên cố.
5/ Ðược thiện hữu tri thức bất hoại vì nhơn mình không nói dối người.
Vậy người Phật tử tại gia phải giữ gìn giới không nói lật lọng, và thường
hành hạnh nói lời hòa nhã, êm ái thì sẽ được phước đức lớn.
Không nói LỜI LẬT LỌNG tức là không nói dối bằng cách lật ngược sự việc, lấy việc phải - làm việc quấy, lấy việc quấy - làm việc phải. Cho nên, lời NÓI LẬT LỌNG là của những người nhiều mồm, nhiều mép thường nói qua nói lại. Những người này chúng ta nên tránh xa chớ không nên ở gần họ. Họ là những người không đáng tin cậy, không nên giao việc lớn cho những người này. Họ là những người gian tham vô độ khó mà lường được.
Nếu ở gần người hay NÓI LẬT LỌNG thì nên dọn nhà đi nơi khác, chớ ở gần sớm muộn gì cũng bất an. Cho nên, người NÓI DỐI, người nói LỜI THÊU DỆT và người NÓI LỜI LẬT LỌNG thì không nên làm bạn với những người này, thường nên sống xa lánh họ, vì họ sẽ làm hại chúng ta bằng cách này hay bằng cách khác.
ĐIỀU LÀNH THỨ BẢY: KHÔNG NÊN NÓI LỜI HUNG ÁC
Nói lời hung ác là nói ác cho kẻ khác, nói người ta hung dữ, phao phản người, luôn luôn bươi móc việc xấu của người. Người nói những lời hung ác là người tánh tình cọc cằn, thô lỗ, thường hay mắng nhiếc, nguyền rủa, hoặc thề thốt nói những lời độc địa, khiến cho mọi người nghe thấy sợ hãi. Với tánh tình như vậy, họ là những người không biết sửa sai, nên tánh nào tật nấy; họ không biết hổ thẹn, xấu hổ, chỉ biết lấn áp người khác làm cho mọi người đều phải qui phục, đều ở dưới tay họ, họ bảo sao thì làm theo không được chống trái. Họ tìm mọi cách để diệt những người trên “cơ” họ.
Theo luật nhân quả, người nào dùng lời nói ác độc, thề thốt, đó là tự hại mình mà không biết, tưởng là nói như vậy là làm cho người ta tin, ta sợ và bái phục.
Ví dụ:
1- “Tôi có nói gian cho tôi chết đi!”.
2- “Kẻ nào nói gian cho tôi thì Trời đánh cho nó chết đi”.
3- “Tôi có nói như vậy ra đường sẽ bị xe cán chết”.
Trên đây là những lời thề thốt mà những người hung dữ thường hay nói. Người không nói lời hung ác là người biết dùng ái ngữ, lời nói ngọt ngào nhẹ nhàng êm dịu nên tục ngữ Việt Nam có câu: “Nói ngọt, lọt đến xương” hoặc “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Người không nói lời hung ác là những người thường nói lời ôn tồn, nhã nhặn, hàm chứa một tâm hồn đầy nhân ái, tha thứ, bao dung.
Kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy rằng: “Kẻ nào không nói lời hung dữ sẽ được tám công đức”:
1/ Không nói sai pháp.
2/ Nói ra lời nào cũng có ích lợi.
3/ Nói lời nào cũng đúng chân lý.
4/ Lời nói nào cũng khôn khéo.
5/ Nói điều chi ai cũng vâng theo.
6/ Lời nói nào thốt ra cũng được người ta tin dùng.
7/ Nói điều chi cũng không có ai chê bai.
8/ Nói ra lời nào cũng được yêu mến.
NÓI LỜI HUNG ÁC là những người hung dữ chớ những người hiền lành thì không bao giờ nói LỜI HUNG ÁC. Cho nên, khi chúng ta tiếp xúc với mọi người thì người nói LỜI HUNG ÁC dễ nhận thấy nhất chỉ một lúc là lời nói phách lối có vẻ “Ta đây” khiến ai cũng không ưa thích.
LỜI NÓI HUNG ÁC có nhiều loại:
a. Lời chửi mắng
b. Lời thề thốt
c. Lời nói xấu người khác
d. Lời chê bai người khác
e. Lời nói tục tĩu
f. Lời nói đâm thọc
g. Lời nói chửi thề
h. Lời nói dối
i. Lời nói thêu dệt
j. Lời nói tráo trở
k. Lời nói nạt nộ
l. Lời nói vu khống
m. Lời nói nịnh hót.
ĐIỀU LÀNH THỨ TÁM: KHÔNG NÊN THAM LAM
Cái gốc sanh tử, luân hồi là lòng dục tức là lòng ham muốn. Lòng ham muốn có năm món dục lạc. Năm món dục lạc gồm có như sau:
1. TÀI là tiền của, tài sản.
2. SẮC là sắc đẹp phụ nữ.
3. DANH là danh vọng quyền cao chức tước.
4. THỰC là ăn uống.
5. THÙY là ngủ nghỉ.
Con người trong thế gian, không ai tránh khỏi năm món dục lạc này. Cho nên, con người ví như là những tay sai của nó. Khi nó không sai thì thôi chớ nó sai bảo thì không có người nào không làm. Vì thế tham muốn, mong cầu được toại nguyện thì sanh tâm vui mừng, hớn hở, còn ngược lại thì buồn khổ, sầu não.
Lòng THAM MUỐN TIỀN TÀI của con người thì vô tận, nó là cái túi không đáy, có một thì muốn được mười, có muời thì muốn được trăm, cho nên nó chẳng bao giờ thấy đủ. Thế nên cả đời phải chịu nhọc nhằn, lao khổ, không bao giờ có những phút nghỉ ngơi ngồi chơi thoải mái. Nhưng người ta khéo lý luận để che đậy và nói rằng cố ráng làm để sau này được sung sướng. Vậy mà cả đời chẳng thấy sung sướng phút nào cả. Dù cho của cải có chứa đầy nhà nhưng lòng tham của con người không bao giờ thấy đầy đủ. Biết đủ thì thấy đủ, chờ cho đủ thì biết đến bao giờ mới đủ. “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc”, người xưa dạy như vậy.
Trên đây là lòng tham tiền tài vật chất, còn dưới đây là lòng THAM SẮC ÐẸP. Tham sắc đẹp thì làm hao phí nhiều tiền bạc và sức khỏe và tinh thần thì suy nhược.
Biết rõ như vậy, nhưng những người say mê sắc dục, cả đời chạy theo bóng dáng hình hài phụ nữ, bỏ phế gia cang, làm gia đình tan nát. Cho nên, ca dao có câu: “Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ”.
Muốn trừ tâm tham sắc dục thì cứ nhìn lại thân mình và thân người khác, từ lúc còn trẻ con bé bỏng cho đến bây giờ là một người già yếu mặt nhăn, tóc bạc, răng rụng. Ði đứng thì run rẩy thì thử hỏi sức khỏe còn đâu mà tham sắc dục. Ðó là những sự đổi thay “vô thường” của cơ thể. Khi chúng ta quán xét như vậy thì sắc dục còn có nghĩa lý gì sai khiến chúng ta.
Bây giờ chúng ta nên quán xét cái thân này chứa NHIỀU THỨ BẤT TỊNH mà Ðức Phật gọi là cái dây da hôi thối như: nước miếng, đờm, dãi, ghèn, cứt ráy, phẩn, nước tiểu, mồ hôi, v.v... Nếu quán xét như vậy chưa đủ sức diệt trừ tâm sắc dục thì nên quán chín thứ tưởng như: quán tử thi sình thối, quán giòi bọ rúc rỉa, quán chó sói, chim kên kên đến cắn xé thịt, v.v... Và con người chỉ còn là bộ xương nhưng cuối cùng tất cả các xương ấy cũng rã tan thành bột trắng và một cơn gió thổi là lớp bụi trắng tung bay, không còn lại dấu vết gì nữa cả.
Tóm lại, THAM TIỀN BẠC thì phải đọa đày thân xác, lao động vất vả, đầu tắt mặt tối, ban ngày làm không đủ, tranh thủ làm ban đêm, có khi làm luôn cả ngày cuối tuần. Nhất là những người làm thương mại, ăn không ngon, ngủ không yên, suy tư, tính toán đủ điều, sợ người ta giành mất phần lợi của mình. Nhiều người được nghỉ lễ, nghỉ phép mà vẫn mang điện thoại theo trong mình để tiện việc liên lạc, nghĩa là cũng chẳng có ngày nào được nghỉ ngơi thanh thản.
Người không ham muốn có nhiều tiền của cải tài sản là người ít muốn biết đủ nên được thảnh thơi an nhàn. Người càng có nhiều nhu cầu cho cuộc sống thì càng khổ cực xác thân. Người tu hành ăn uống đơn giản không đòi hỏi ngon dở, chỉ ăn một lần trong ngày để sống là thanh thản, an lạc, vô sự.
Làm người muốn an nhàn, thanh thản thì nên tập ăn cái gì cũng được, miễn ăn để sống là được, ngủ ở đâu cũng được, không cần phải ở nhà cao cửa rộng, đầy đủ tiện nghi, hoặc phải ăn cơm nhà hàng.
Người tu sĩ Phật giáo chân chánh ngày xưa chỉ có ba y một bát, đi xin ăn, ai cho gì ăn nấy. Ngủ thì ngủ dưới gốc cây, và cũng rày đây mai đó, không bao giờ ở mãi một chỗ. Ðó là tránh sự quyến luyến nơi mình đang ở.
Còn HAM DANH VỌNG quyền cao, tước trọng thì phải chịu khó vào luồn ra cúi, đút lót, hối lộ mà vẫn nơm nớp lo sợngày nào đó sẽ có kẻ khác vào lấy mất ghế (chức vụ) của mình. Tục ngữ ta có câu: “Càng cao danh vọng, càng dày gian nan”.
Ðệ tử Phật không màng quyền cao chức trọng, không hãnh diện khi làm quốc sư, hoặc giữ chức vụ then chốt trong giáo hội, và cũng không chờ đợi ngày được tấn phong Hòa Thượng, Thượng Tọa. Người cư sĩ mà bận rộn quá nhiều thì không có thì giờ lo cho thân mình, còn thì giờ đâu mà vui chơi với gia đình, vợ con. Ðối với người ấy thì tu hành là một điều vô cùng khó khăn. Có Phật tử đến phân bua cùng với Thầy trụ trì: “Bạch thầy, con cũng muốn tu lắm, con thấy không khí ở chùa trang nghiêm thanh tịnh, con thích lắm; nhưng mà công chuyện làm ăn khiến con không thể bỏ được, dù một ngày cũng không được. Buông tay ra là công việc sẽ bế tắc. Con sẽ ráng thu xếp, chừng vài năm nữa thì con có thể đào tạo một số cán bộ nòng cốt...”.
THAM ĂN UỐNG món ngon, vật lạ như: rắn, rùa, ba ba, cua đinh,... là hành hạ thân xác, khiến cho thân mắc phải những chứng bệnh nan y. Báo chí có đăng tin tức: Có nhiều người ăn cá mà bị ngộ độc, nhiều nhà hàng trên thế giới, thỉnh thoảng cũng mua phải những hải sản mang bệnh khiến cho thực khách bị ngộ độc hàng loạt, phải đưa vào bệnh viện cứu cấp. Những người “ham ăn, hốt uống” thì sẽ bị bội thực, trúng thực, bắt bao tử, gan, thận làm việc quá nhiều, không có thì giờ ngừng nghỉ, dễ mắc bệnh tiêu hóa, thận và tim mạch. Người cư sĩ dù chưa trường chay cũng ráng cố gắng giữ một số ngày chay định kỳ trong tháng. Ăn chay chẳng những thể hiện tình thương đối với loài vật mà còn có ích lợi thực tế cho bản thân.
Thức ăn thực vật dễ tiêu hóa hơn thức ăn động vật. Ðó là chưa kể trong thịt của loài vật, kể cả các loài cá, có mang sẵn mầm bệnh. Loài vật trước khi bị giết, nó đau đớn khổ sở, đem lòng thù hận, nếu ta ăn thịt chúng thì bản thân ta cũng bị ảnh hưởng.
THAM NGỦ, ngủ nhiều, ngủ sớm, dậy trễ, thân thể lười biếng, sanh ra bệnh béo phì. Ngủ nhiều thì trí tuệ tối tăm, con người trở thành biếng nhác, ít chủ động được mình, ý chí dường như không có. Người như thế dần dần trở thành kẻ ăn bám xã hội, giống như loài cây chùm gửi mà thôi.
Muốn chiến thắng sự ham muốn dục lạc ở thế gian thì phải có sức quán thông suốt và trí tuệ minh mẫn mới mong thành tựu HẠNH THIỂU DỤC. Nhờ đó mà chúng ta có thể sống một cuộc đời tự túc, đơn giản, thanh tao và an nhàn. Ý thức rõ sự tai hại của tâm dục lạc và lợi ích thiết thực của tâm ly dục, ly bất thiện pháp là con đường dẫn đến Sơ Thiền, ta phải đem hết ý chí dũng mãnh để khắc phục tâm tham dục lạc và làm chủ những hoàn cảnh, đối tượng đầy cạm bẫy cám dỗ bao quanh chúng ta. Có được như vậy thì cuộc sống của chúng ta mới được an nhàn. Ðây là một cuộc cách mạng tư tưởng, giúp cho chúng ta thoát khỏi cảnh nghèo đói, đau khổ.
Khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc cho rằng: Nếu các nước tư bản giàu sang mà không phí phạm (thức ăn thừa mứa đem đổ bỏ), từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, thì số lượng thực phẩm ấy cũng đủ nuôi sống dân nghèo đói ở Á, Phi.
Tu tập diệt trừ tâm tham dục thế gian không có nghĩa là cuộc sống chúng ta mất đi, hay là sống như một người chán đời.
Cho nên, không tham dục nghĩa là không tham đắm, không dính mắc, chớ không phải đem quăng hết tài sản, của cải, hoặc làm biếng, không chịu làm ăn sanh sống như mọi người. Nên nhớ, sự sống là trả nghiệp, chớ không phải là sự tham đắm, si mê về dục lạc.
Kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy rằng: “Kẻ nào không tham đắm dục lạc thế gian sẽ được năm món công đức tự tại”.
1/ Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, vì nhơn các căn được đầy đủ.
2/ Của cải được tự tại, vì tất cả giặc thù đều không làm hại được.
3/ Phước đức tự tại, vì khi tâm muốn gì đều được như ý.
4/ Ngôi vua tự tại, vì các của cải quí báu đều được người đem đến dâng hiến.
5/ Ðược hưởng phần lợi gấp trăm lần mình đã định, vì kiếp trước mình không có lòng bỏn xẻn.
Người đệ tử Phật chẳng những từ bỏ tật tham lam, mà còn hành hạnh bố thí. Bố thí tức là hạnh buông xả. Buông bỏ, không chất chứa tài sản của cải, mà còn chia sẻ cho người nghèo khổ, bất hạnh. Không màng công danh, phú quí, không bận tâm tranh danh đoạt lợi, hằng sống với tâm buông xả thì tâm trí thảnh thơi, dạo chơi thanh thản, giấc ngủ an lành, ít bệnh, ít khổ.
Người có nhiều tài sản, của cải, danh lợi thì sẽ mệt mỏi nhiều, và sẽ đi chậm hơn những người có ít tài sản trên hành trình về xứ Phật, tức là giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
ĐIỀU LÀNH THỨ CHÍN: KHÔNG NÊN SÂN HẬN
Người tu theo Phật giáo phải thực hành cho kỳ được tâm không hờn giận. Ðứng trước các đối tượng ta phải cố tránh đừng để mọi sự, mọi việc xảy ra sự tranh chấp ác pháp khiến cho chúng ta phải sân hận. Khi gặp cảnh dễ sân thì phải luôn luôn giữ sắc mặt bình thường, nghĩa là nếu sắc mặt đang vui vẻ, gặp điều nghịch ý bỗng nhiên thay đổi, cau có, đỏ gay thì đó không phải là người tu. Người tu MƯỜI ÐIỀU LÀNH lúc nào cũng giữ tánh nết hiền hòa, đừng để nổi cơn hung ác.
Kinh dạy: “Một niệm sân tâm nổi lên thì trăm ngàn tai họa đến” (Nhất niệm tâm sân khởi, bách vạn chướng môn khai). Người xưa cũng nói: “Hãy dằn tâm giận xuống, chỉ trong một giây mà thôi, để rồi khỏi sợ cả trăm ngày”, hoặc là “Một đóm lửa sân cháy tiêu cả rừng công đức”. Nếu không dằn được cơn nóng giận, ta có thể nói hoặc hành động sơ hở mà khi bình tĩnh ta sẽ thấy xấu hổ và ân hận vô cùng.
Từ một chuyện nhỏ, không quan trọng, hoặc hiểu lầm, người ta có thể biến nó thành chuyện lớn. Như hai vợ chồng là bạn đạo trong nhóm tu học tại chùa, thấy ông chồng có vẻ săn đón một chị bạn trong nhóm, bà vợ nổi ghen. Thế là vợ chồng có chuyện cãi nhau, thành to chuyện, và sau đó thì họ không tu nữa, không đi chùa, không theo Ban Hộ Niệm (Ban Hộ Niệm do Ðại Thừa tổ chức đi tụng niệm ma chay) Nếu không có thầy và bạn can thiệp thì họ sẽ dẹp luôn bàn thờ Phật trong nhà! Ðó là chưa kể có nhiều trường hợp sân hận nổi lên, người ta có thể tự tử hoặc gây án mạng, tạo cảnh tù tội chung thân.
Bởi vậy người tu hành phải ý thức sự sân hận là một tai họa lớn. Nó làm mất đi sắc tướng của người tu (tăng tướng), và mất lòng nhân ái của người thế tục. Chúng ta phải đem hết ý chí dũng mãnh để chiến thắng những cơn sân phát khởi ào ào như thác đổ. Muốn hoàn toàn làm chủ tinh thần, không để một phút giây sân hận, thì phải dùng trí tuệ quán xét cho thấu suốt ngọn nguồn của đối tượng để ngăn chận chúng ở bên ngoài.
Thông thường người ta khuyên mình khi nóng giận thì đi uống một ly nước, nó sẽ hết. Thật ra, đi uống nước thì cơn giận có giảm xuống. Nhưng nó vẫn tiếp tục tuôn trào, nhất là khi ta ngồi thiền. Muốn diệt trừ tâm sân hận, ta phải thực hành hạnh từ bi. Tha thứ và thương yêu cho người thì lòng mình mới được an vui.
Bình thường chúng ta có thể tha thứ cho người lớn tuổi hơn hoặc đẳng cấp cao hơn chúng ta thật dễ dàng, nhưng tha thứ cho người nhỏ tuổi hơn, hoặc ở cấp dưới thì ta khó tha thứ hơn. Phải quán chiếu để cảm thông nỗi khổ của người (Có lẽ tại vì anh ấy đang có chuyện buồn, nên mới có lời nói không tốt đẹp ấy, hoặc là chị ấy hiểu lầm ý mình nên mới buông ra những lời khiếm nhã như thế...). Phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của người thử xem mình phản ứng như thế nào?
Ðể diệt tâm sân, có vị thiền sư dạy hãy quán không, thân này là không, lời nói như gió thoảng, có gì đâu mà buồn, giận. Kể ra không phải dễ gì mà “không” cho được. Có một thiền sư khác thì dạy thực tập thiền quán trong khi giận như sau: “Thở vào tôi biết tôi đang giận, thở ra tôi biết cái giận còn ở trong tôi”; hoặc đọc thầm một bài kệ trong tâm, mỗi câu là một hơi thở ra/vào. Phương pháp này cũng giúp cho chúng ta thấy nhẹ, khỏe, cường độ cơn sân sẽ giảm ngay. Thật ra, muốn diệt trừ sự sân hận trong tâm thì chúng ta phải tập DIỆT NGÃ (chấp ngã nên mới sân: “Nó còn nhỏ tuổi, đi tu học sau tôi, vậy mà mỗi lần tụng kinh thì nó đứng trước tôi; đã vậy tụng kinh còn hét lớn lên át hết tiếng của người khác...”) và QUÁN TỪ BI: “Người ta không biết tu nên mới ăn nói hoặc hành động thiếu suy nghĩ như thế; còn mình hiểu đạo, tu tập lâu năm, chẳng lẽ mình cũng như vậy sao? Có gì đâu mà phải giận? Tôi xin nguyện tha thứ cho người”. Nếu quán sát kỹ, thấy mình cũng có lỗi một phần nào (trong khi sân hận, lời qua tiếng lại, thì ai mà không lỡ lời, nói nặng, làm cho người kia đau khổ), ta hãy đến xin lỗi người ấy thì mọi gút mắc đều được giải tỏa, cả hai đều cảm thấy nhẹ khỏe, an vui. Nhớ chỉ nhận phần lỗi của mình, không đề cập đến lỗi của người. Chỉ nhìn thấy lỗi của mình, chứ thấy lỗi của người thì cái lỗi của mình đã gần kề.
Nên nhớ phải thực tập để có đủ nghị lực (can đảm và chân thành) nói lên lời xin lỗi. Nói được lời xin lỗi xuất phát tự đáy lòng của mình (giống như khi mình thành tâm sám hối trước Phật) thì cũng như nước sôi đổ vào tuyết, những hờn giận chất chứa sẽ tan biến ngay.
Kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy rằng: “Kẻ nào làm chủ được tâm sân thì sẽ được tám món công đức”:
1/ Tâm không tổn não.
2/ Tâm không giận hờn.
3/ Tâm không tranh giành.
4/ Tâm được nhu hòa, ngay thẳng.
5/ Tâm được từ bi như Phật.
6/ Tâm thường làm lợi ích và an ổn cho chúng sanh.
7/ Thân tướng được trang nghiêm, mọi người đều tôn kính.
8/ Có đức nhu hòa, nhẫn nhục, sau được sanh lên cõi Trời Phạm Thiên.
ĐIỀU LÀNH THỨ MƯỜI: KHÔNG NÊN SI MÊ
Người không si mê là người biết phán đoán rành rẽ, nhận định một cách rõ ràng, đúng đắn, không biện minh che đậy sự mê mờ, dốt nát của mình và cũng không cố chấp vào kiến thức chủ quan của mình. Hơn nữa, người ấy còn sáng suốt, không tin những tà thuyết không hợp lý, nghĩa là người ấy không si mê, mù quáng, mê tín, dị đoan, lạc hậu.
Người không si mê là người có trí tuệ thông minh thấu suốt thuyết nhân quả, luân hồi nên không bao giờ tạo tội ác, và luôn luôn có những hành vi rất thiện, thường tu MƯỜI ÐIỀU LÀNH và sẵn sàng mang lòng từ bi đến mọi người. Người ấy thường quán xét vạn hữu, tìm rõ nguồn gốc vô minh, phá trừ tư tưởng dính mắc, chấp trước, tinh tấn hàng ngày tiến bước trên đường giải thoát nội tâm của mình.
Người có tâm tỉnh giác là người không si mê. Người tỉnh giác cao thì tâm được định tỉnh. Muốn được tâm tỉnh giác, trước phải phá cho được hôn trầm, thùy miên. Hôn trầm, thùy miên, vô ký là trạng thái tâm trí mờ mịt, hoặc buồn ngủ, hay không nhớ, không biết gì cả. Ðây là tình trạng chung của những người tu thiền, nếu không tỉnh thức thì hành giả sẽ buồn ngủ, ngủ gục, và rơi vào tình trạng mờ mịt, không hay biết gì cả. Một số người tu thiền, sau một thời gian tu tập, khi rơi vào tình trạng này họ cứ nghĩ rằng mình đã nhập định! Làm sao mà nhập định cho được khi con người còn đủ tham, sân, si (giữ giới không nghiêm minh)?
Ðức Phật dạy con đường tu chứng phải trải qua tu học TAM VÔ LẬU. TAM VÔ LẬU HỌC là Giới, Ðịnh, Tuệ. Nhờ trì giới nghiêm nhặt, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện, hành giả “Ly dục ly bất thiện pháp” nhập Sơ Thiền. Nhân giới sanh định, nhân định sanh tuệ. Ðó là cổ đức đã dạy: “Sân si, nghiệp chướng chẳng chừa. Bo bo mà giữ tương dưa làm gì”.
Ngoài hôn trầm, thùy miên, người tu thiền còn phải tránh trạo cử (con người lúc nào cũng rọ rạy khó chịu, quay bên này, móc bên kia, suy tính đủ thứ), hoặc hối quá, nghĩa là ân hận mãi về một việc làm trong quá khứ.
Tóm lại, người Phật tử giữ giới không si mê trước tiên phải từ bỏ rượu. Rượu làm cho tâm trí mờ tối khiến cho ta có những lời nói và hành động sai lầm, tai hại. Trong khi tu tập thì phải duy trì giờ giấc công phu, ăn uống điều độ, không ăn phi thời. Không cố gắng thức khuya, dù là công phu, vì thân thể mệt nhọc, rã rời thì công phu cũng vô ích. Nói một cách khác, hôn trầm, thùy miên và trạo cử, hối quá là những chướng ngại đưa đến si mê mà người Phật tử, nhất là những người tu thiền, cần phải khắc phục.
Nếu người sống với MƯỜI ÐIỀU LÀNH để phá trừ được si mê thì sẽ thành tựu mười công đức như kinh MƯỜI ÐIỀU LÀNH dạy:
1/ Ðược ý vui chân thiện và bạn chân thiện.
2/ Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm điều ác.
3/ Chỉ quy y theo Phật, không quy y theo Thiên Thần ngoại đạo.
4/ Tâm được ngay thẳng chánh kiến.
5/ Thường sanh lên cõi Trời, khỏi bị đọa ba đường ác.
6/ Phước huệ không lường, thường tăng lên mãi.
7/ Dứt hẳn đường tà, chăm tu chánh đạo.
8/ Không còn lòng chấp ngã, bỏ hết nghiệp ác.
9/ Trụ nơi chánh kiến.
10/ Khỏi bị nạn dữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét