- Dòng chảy chết người

Tại sao dòng chảy xa bờ nguy hiểm ngay cả với người biết bơi?

Nhiều người khi đi biển thường chọn bơi ở những vùng nước phẳng lặng mà không ngờ rằng, đó chính là “cạm bẫy” dẫn đến nhiều vụ chết đuối thương tâm.
Trong những ngày hè oi ả, để tránh cái nóng như thiêu như đốt làm chúng ta mệt mỏi và khó chịu, đi tắm biển là một giải pháp hợp lý đối với nhiều người. Còn gì thích hơn được vùng vẫy với những con sóng mát lạnh; những đứa trẻ vùng vẫy với cát rồi rủ nhau nhảy ùm xuống nước. Đây cũng thời gian chúng ta được trò chuyện vui vẻ và thưởng thức những món hải sản tuyệt vời, đậm chất biển cả.

Đi biển là một điều tuyệt vời trong những ngày hè nóng nực. (Ảnh: Wall2born.com)

Tuy nhiên đi tắm biển cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường nghe chuyện thương tâm về việc người lớn hoặc trẻ em bị cuốn trôi ra biển mà mọi hành động ứng cứu đều đã quá muộn, kẻ cả đối với những ai biết bơi.
Ví dụ: Trưa ngày 29/12/2013, trong lúc tắm tại bãi biển 30/4 ở Cần Giờ (TP.HCM), 7 học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bình Dương) đã bị nước cuốn trôi. Theo người dân, bãi biển nơi các học sinh ra tắm gần khu vực dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ nên có nhiều hố sâu, bãi trũng và nước xoáy bất ngờ.
Và một trong những mối nguy hiểm mà chúng ta có nguy cơ cao phải đối diện có liên quan đến vụ tai nạn kể trên là : “Dòng chảy xa bờ”. Vậy dòng chảy xa bờ là gì và nó tại sao lại nguy hiểm đến như vậy?
Dòng chảy xa bờ là gì?

Dòng chảy xa bờ (tiếng Anh là Rip Current) là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Dòng nước biển đi từ bờ ra biển này được gọi là rip.

Luồng nước xanh là hình ảnh dòng chảy xa bờ. (Ảnh: Mytour)

Tại sao dòng chảy xa bờ lại nguy hiểm?
Vận tốc trung bình của dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 – 1m/s, do đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy rút xa bờ có thể lên đến 2,5 m/s, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic. Dòng chảy rút xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1–3 m; tuy nhiên, có khi dòng chảy này rộng đến cả chục m.
Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, không hẳn chỉ khi có sóng lớn. Nó cực kỳ nguy hiểm vì bạn sẽ bị kéo ra xa bờ hơn, ngay cả người biết bơi cũng sẽ nhanh chóng kiệt sức do cố bơi ngược dòng rồi đuối nước.
Bên cạnh đó, sự hoảng loạn cũng khiến người bơi không đủ tinh táo và phán đoán tình huống chính xác. Đặc biệt là người không biết bơi, dòng chảy xa bờ sẽ kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù ban đầu mực nước chỉ cao ngang hông. Vì không biết bơi, họ sẽ hoảng loạn, cố vùng vẫy và cuối cùng chết đuối.
Ngoài ra, vì mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên nhiều người lầm tưởng rằng nơi đó an toàn. Tâm lý mọi người thích di chuyển sang tắm ở vị trí đó thay vì nơi có biển báo an toàn nhưng bạn không biết rằng bản thân mình đang vào khu vực rất nguy hiểm. Khi đi vào khu vực của dòng chảy xa bờ, bạn có thể bị cuốn trôi ra biển ngay lập tức.
Hãy quan sát bức ảnh dưới đây

(Ảnh: Tintuc24h.info)

Nơi có con sóng bạc đầu là dòng nước đi từ biển vào bờ, nếu chúng ta tắm hay lướt ván ở vị trí này, sóng sẽ đưa ta vào bờ an toàn. Tuy nhiên, nếu tắm ở vị trí lặng sóng (vị trí mũi tên chỉ vào), chúng ta đã rơi vào dòng chảy xa bờ. Lúc này, dòng sông nhỏ này sẽ cuốn chúng ta khỏi bờ biển.
Cách nhận biết dòng chảy xa bờ
Những nơi có dòng chảy xa bờ là vùng nước lặng và hầu như không có sóng. Hãy quan sát hình ảnh dưới đây:
Đây là ví dụ cho thấy rõ một dòng chảy xa bờ. Trong thí nghiệm này, người ta rắc chất màu sát bờ biển. Người ta quan sát thấy chất màu bị kéo ra xa bờ, chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển. Chúng ta cũng thấy nơi dòng nước đi từ bờ ra biển là vùng nước lặng, hầu như không có sóng.

(Ảnh: Thông Tin Berlin)

Để nhận biết dòng chảy xa bờ, trước khi xuống tắm, bạn nên dành vài phút để quan sát và nhận dạng thông qua 1 số điểm nổi bật sau:
  • Nước có màu sậm hơn vì vị trí đó sâu hơn.
  • Mặt nước lặng hơn, thường không có sóng hoặc sóng rất nhỏ.
  • Đôi khi xuất hiện mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt nước và trôi ra biển.
Biện pháp đối phó
Dòng chảy xa bờ không kéo chúng ta xuống nước, nó chỉ kéo người ta ra xa hơn và thường đưa người tắm vào vùng có sóng bạc đầu và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ. Vì vậy nếu rơi vào tình huống này, bạn hãy cố gắng thực hiện những điều sau đây:
Giữ bình tĩnh: Vì đây là điều tối quan trọng, dù cảm giác bị cuốn ra ngoài khơi sẽ rất tệ hại và khủng khiếp, đặc biệt là đối với những ai chưa từng rơi vào tình huống này.
Không được bơi ngược dòng: Đừng có dại mà cố bơi ngược dòng bởi bạn sẽ rất nhanh bị kiệt sức và chết đuối. Hầu hết các trường hợp chết đuối vì dòng ngược không phải vì bị hút xuống dưới mà vì người bị nạn quá hoảng loạn và cố gắng bơi ngược dòng nước.
Bơi ngang bờ biển: Với những ai biết bơi, nếu đủ tự tin thì tìm cách bơi song song với bờ biển, tức là vuông góc với dòng chảy. Sau khi thoát được, hãy bơi chéo và hướng về bờ biển.

Bơi song song với bờ biển nếu bơi vào dòng chảy xa bờ. (Ảnh: GUU.vn)

Bơi theo dòng chảy: Những ai không biết bơi hoặc đuối sức, không đủ khả năng thoát khỏi ngược dòng, hãy thả nổi mình theo dòng nước. Khi đã hết ngược dòng, cố gắng bơi song song với bờ biển và ra tín hiệu cầu cứu những người ở gần đó.
Nên tắm ở những bãi biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở khu vực an toàn sa khi đã nhận được sự tư vấn cần thiết. Nếu không biết bơi, bạn nên mặc áo phao và không nên đi bơi một mình.
Không ít người sẽ nghĩ rằng đi biển là để giải trí và thư giãn, chứ nhồi nhét mấy cái kiến thức này làm gì cho mệt người. Nhưng nếu thật sự một ngày đẹp trời nào đó, bạn rơi vào hoàn cảnh như thế này thì làm sao đây? Những hiểu biết và cách nhận dạng dòng chảy xa bờ không phải quá tốt hay sao, nó có thể giúp bạn an toàn chứ!
Sơn Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét