- Làm cha mẹ nhất định phải biết...

Theo các nhà tâm lý học, có 4 cách nuôi dạy con phổ biến nhưng chỉ duy nhất một cách giúp trẻ thành công


Cách bạn nuôi dạy con cái sẽ tác động suốt đời tới tinh thần và hành vi của con trẻ. "Cha mẹ buông lỏng" có cách tiếp cận thoải mái để dạy dỗ con mình, trong khi “cha mẹ nghiêm túc và dứt khoát” thường có xu hướng ép buộc con cái phục tùng một cách cứng nhắc. Những cha mẹ có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ có thể sẽ nuôi dạy nên những đứa trẻ thành công vì họ hướng dẫn, yêu thương và dẫn dắt bằng cách làm gương cho con cái học tập.

Nuôi dạy con trong thế giới hiện đại không phải là một việc dễ dàng. Từ những cảnh báo về tác hại khi dành quá nhiều thời gian trước màn hình điện tử, tác hại của thực phẩm chứa quá nhiều phụ gia, cho tới áp lực để giúp con của bạn thành công ở trường hay chiến thắng ở các hoạt động thể thao, việc nuôi dạy con đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Cha mẹ đang sử dụng các chiến lược cụ thể và kỹ năng đối phó để đối mặt với những thách thức của thế giới hiện đại.

Theo các nhà tâm lý trị liệu, có 4 kiểu phụ huynh chính như sau:
Cha mẹ buông lơi, nới lỏng
Kiểu cha mẹ nới lỏng, thoải mái này cho phép trẻ em có nhiều quyền tự do khám phá và thử nghiệm những vấn đề mới. Kiểu phụ huynh này cho phép con trẻ giải quyết các vấn đề của chính mình và ưu tiên việc "để trẻ con được là trẻ con".

Đối lập với nhóm cha mẹ thoải mái là "cha mẹ trực thăng" - các ông bố bà mẹ luôn lởn vởn như chiếc trực thăng xung quanh con cái để giám sát và bảo vệ chúng một cách thái quá. "Cha mẹ nới lỏng" muốn con cái mình chơi đùa, vui chơi và tự nhiên học hỏi từ những hậu quả của hành vi của mình.

Mặc dù phương pháp tiếp cận thoải mái của họ không cản trở sự phát triển của trẻ, nhưng con trẻ của những "cha mẹ buông lỏng" này có thể không nhận được đủ những lời hướng dẫn và đào tạo thực hành. Kết quả, trẻ em có lẽ sẽ không thể nắm được tất cả những kỹ năng cần thiết mà khiến chúng trở nên tốt nhất.

Cha mẹ nghiêm túc và dứt khoát
Kiểu cha mẹ nghiêm túc và dứt khoát đảm bảo rằng con cái mình biết nhiều phép tắc. Họ luôn kỳ vọng cao và họ đặt ra nhiều yêu cầu ở con cái của mình.

Kiểu cha mẹ này lo lắng rằng những đứa con của mình "quá mềm yếu". Họ đưa ra hàng loạt những minh chứng nghiêm trọng về hậu quả nếu như con cái của họ đi lệch "quỹ đạo" với hy vọng những điều họ đề cập sẽ giúp con cái nhận ra được bài học cuộc sống đầy giá trị.

Vì những cha mẹ nghiêm khắc luôn nhấn mạnh sự vâng lời, phục tùng đối với mọi thứ, con cái họ không phải lúc nào cũng hiểu thông điệp mà cha mẹ mình đã gửi gắm. Trẻ sẽ làm theo các quy tắc đã được đề ra để tránh gặp rắc rối, hơn là cố gắng để đạt tới tiềm năng lớn nhất của chúng.

Cha mẹ nhiệt tình bênh vực, bao bọc
Cho dù đó là kết quả xếp loại không công bằng của giáo viên hay là những lời nói khắc nghiệt từ huấn luyện viên, kiểu cha mẹ này sẽ nhanh chóng lên tiếng cho con cái của họ. Họ muốn đảm bảo rằng con cái của họ được đối xử với sự tử tế, công bằng và họ không ngại lên tiếng về mối quan ngại này khi họ nghĩ rằng con cái mình đang bị đối xử bất công.

Những phụ huynh thuộc nhóm này luôn lưu tâm tới sở thích của con cái mình. Họ thường lo lắng rằng nếu không có sự can thiệp, giúp đỡ của họ, bằng cách nào đó, con họ sẽ bị lừa dối, bị bắt nạt hoặc bị lợi dụng.

Nhóm phụ huynh này giúp con cái mình tránh những cảm xúc khó chịu hoặc tránh phải đối mặt với những khó khăn nhất định ngay khi vấn đề mới chớm.Khi phụ huynh hiểu sai về khía cạnh bảo vệ như vậy, con sẽ không thể học được các kỹ năng cảm xúc và kỹ năng giải quyết vấn đề mà chúng cần để trở thành người lớn thành công.

Cha mẹ có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ
Nhóm cha mẹ với tinh thần mạnh mẽ phấn đấu tạo ra sự cân bằng giữa để trẻ có đủ sự tự do đồng thời cũng cung cấp nhiều sự hướng dẫn. Họ có kỳ vọng cao nhưng họ cũng hỗ trợ con em mình nỗ lực để đạt được mục tiêu của chúng.

Phụ huynh có tinh thần lãnh đạo mạnh mẽ không cố gắng làm cho con cái của họ trở nên cứng rắn hơn. Cái họ quan tâm đến là việc con cái mình lớn mạnh. Họ không ngại yêu cầu sự giúp đỡ khi họ cần.

Những phụ huynh thuộc nhóm này cũng dẫn dắt, dạy bảo con em mình bằng ví dụ. Họ làm việc để xây dựng sức mạnh tinh thần của bản thân để trẻ em nhận ra rằng luôn có chỗ cho sự cải tiến. Và quan trọng nhất, họ từ chối tiếp nhận các thói quen làm cha mẹ phổ biến đang cướp đi sức mạnh tinh thần tinh thần của trẻ.

Làm thế nào để con bạn có được những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống
Từ cách kỷ luật con cái đến cách bạn giải quyết vấn đề nuôi dạy con, sự lựa chọn của bạn có thể tạo ảnh hưởng suốt đời đối với con bạn. Các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng phong cách làm cha mẹ của bạn ảnh hưởng đến tất cả mọi thứ từ điểm số của con đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bé.

Việc trở thành một phụ huynh mạnh mẽ về tinh thần là chìa khóa để giúp con bạn đạt tới tiềm năng lớn nhất. Các bậc cha mẹ mạnh mẽ về tinh thần luôn nuôi dạy nên những đứa trẻ tinh thần mạnh mẽ - những người có những kỹ năng cần thiết để đối phó, giải quyết những thách thức của cuộc sống.

Hương Ly (Business Insider)

11 chướng ngại trong cách cha mẹ giao tiếp với con cái, thay đổi để hiểu con hơn

Tiến sỹ Thomas Gordon – chuyên gia tâm lý học

Giao tiếp là yếu tố quan trọng để hình thành mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Dù bạn có con mới tập đi hay đang nuôi con ở tuổi vị thành niên thì giao tiếp tốt giữa cha mẹ và con cái sẽ là chìa khóa để hình thành lòng tự trọng và sự tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, việc giao tiếp giữa cha mẹ và con cái không phải lúc nào cũng diễn ra suôn sẻ, đôi khi chúng ta cũng gặp phải những chướng ngại nhất định.
Vậy chướng ngại đó là gì? Tác động của nó như thế nào đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái? Dưới đây là chia sẻ của Tiến sỹ Thomas Gordon – chuyên gia tâm lý học người Mỹ về vấn đề này.
1. Ra lệnh, định hướng, điều khiển
Những thông điệp này nói cho đứa trẻ biết rằng những cảm xúc và nhu cầu của nó không hề quan trọng. Nó phải tuân theo những gì mà cha mẹ nó cảm thấy hoặc cần. Ví dụ “Mẹ không quan tâm con muốn gì; đi vào nhà ngay lập tức”. Những thông điệp đó bày tỏ sự không chấp nhận với đứa trẻ ở thời điểm sự việc xảy ra “con đừng luẩn quẩn ở quanh đây nữa”.
Chúng làm sản sinh ra nỗi sợ hãi với quyền lực của cha mẹ. Đứa trẻ cảm thấy sự đe dọa có thể bị ai đó lớn hơn và mạnh hơn gây tổn thương như “về phòng con ngay – nếu không con sẽ biết tay mẹ”.
Những câu ra lệnh, điều khiển này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy phật ý hoặc tức giận, thường xuyên khiến nó bày tỏ cảm xúc thù địch, giận dữ, đánh trả, kháng cự, kiểm tra mong muốn của cha mẹ. Ngoài ra, chúng cũng có thể cho đứa trẻ thấy rằng cha mẹ nó không hề tin vào khả năng cũng như sự đánh giá của bản thân nó: “Đừng chạm vào cái đĩa đó”, “Tránh xa khỏi em trai con đi”.



Những câu ra lệnh, điều khiển này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy phật ý, tức dận hoặc trở nên mất tự tin. (Ảnh: Evropa Magazin)

2. Cảnh báo, khuyên răn, đe dọa
Những thông điệp này có thể khiến đứa trẻ cảm thấy sợ hãi và trở nên dễ bảo hơn: “Nếu con làm thế, con sẽ phải hối hận đấy”. Chúng có thể gây ra sự phật ý và thù địch theo cách mà ra lệnh, định hướng và điều khiển có thể gây ra: “Nếu con không đi ngủ ngay lập tức, con sẽ bị đánh vào mông đấy”.
Chúng cũng cho thấy cha mẹ không hề tôn trọng tới nhu cầu và mong muốn của đứa trẻ: “Nếu con không dừng chơi cái trống đó, mẹ sẽ rất cáu”. Những đứa trẻ đôi khi phản hồi lại sự cảnh báo và đe dọa đó bằng cách “Con chẳng quan tâm điều gì sẽ xảy ra, con vẫn thích làm như thế”.
Những thông điệp đó cũng sẽ mời gọi đứa trẻ kiểm tra lại sự chắc chắn trong lời đe dọa của cha mẹ nó. Những đứa trẻ đôi khi rất muốn làm thứ gì đó mà chúng đã bị cảnh báo trước đó là không nên làm, chỉ vì chúng muốn xem hậu quả mà cha mẹ chúng đã cảnh báo liệu có xảy ra thật hay không.
3. Thúc đẩy, răn dạy, thuyết giáo
Những thông điệp này thường khiến đứa trẻ phải gánh vác sức nặng của quyền cha mẹ, của nghĩa vụ và bổn phận. Những đứa trẻ có thể phản hồi lại những “nên”, những “cần” và những “phải” đó bằng cách kháng cự và bảo vệ quan điểm của chúng mạnh mẽ hơn.
Chúng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề tin tưởng những đánh giá của nó. Tức là cha mẹ cho rằng trẻ tốt nhất nên làm theo những gì cha mẹ cho là đúng: “Con nên làm điều đúng đắn”. Chúng cũng có thể gây ra những cảm xúc tội lỗi cho đứa trẻ rằng nó là đứa trẻ hư: “Con không nên suy nghĩ theo cách đó”.
Chúng cũng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề tin vào khả năng nó có thể đánh giá giá trị và kế hoạch của người khác.



Những câu thuyết giáo dường như sẽ tạo áp lực lên trẻ, khiến trẻ mất niềm tin vào bố mẹ. (Ảnh: Pinterest)

4. Khuyên bảo, đưa ra đề nghị hoặc giải pháp
Những thông điệp này thường bị trẻ coi như là bằng chứng cho thấy cha mẹ không hề tin vào khả năng phán đoán hoặc khả năng tự tìm ra giải pháp của nó. Nó có thể tác động khiến đứa trẻ trở nên lệ thuộc vào cha mẹ và không chịu tự mình tư duy “Bố ơi, con nên làm thế nào bây giờ?”
Đôi khi, những đứa trẻ có thể cực kỳ không hài lòng với những ý kiến hoặc lời khuyên của bố mẹ chúng “Để tự con giải quyết vấn đề này đi”, “Con không muốn bị bảo phải làm gì hết’.
Lời khuyên đôi khi thể hiện những quan điểm vượt trội của bạn đối với đứa trẻ “Mẹ con và bố luôn biết điều gì là tốt nhất”. Những đứa trẻ có thể sẽ thấy bản thân thật kém cỏi “Tại sao con lại không nghĩ tới điều đó nhỉ?”. Lời khuyên có thể khiến đứa trẻ cảm thấy cha mẹ không hề hiểu con người nó “Mẹ sẽ không đề nghị như vậy nếu mẹ thực sự hiểu con cảm thấy thế nào”. Và đôi khi khiến đứa trẻ dành trọn thời gian để làm theo những ý tưởng của cha mẹ và điều đó khiến nó không tự suy nghĩ được những ý tưởng của riêng mình.
5. Lên lớp, đưa ra những tranh luận logic
Việc cố gắng dạy dỗ con của cha mẹ thường khiến cho trẻ cảm thấy rằng mình luôn thua kém “Mẹ lúc nào cũng nghĩ là mẹ biết mọi thứ”.
Logic và sự thật thường khiến đứa trẻ trở nên phòng vệ và cảm thấy không bằng lòng “Mẹ cho là con không biết điều đó ư?”. Những đứa trẻ cũng giống như người lớn hiếm khi thích bị cho thấy là chúng sai. Kết quả là chúng thường bảo vệ ý kiến của mình tới cùng “Bố sai rồi, con mới đúng”.
Những đứa trẻ thường ghét những bài thuyết giáo của cha mẹ “Họ cứ nói và nói, còn cháu thì phải ngồi đó và lắng nghe họ”. Vì vậy trẻ thường phải sử dụng đến những phương pháp tiêu cực để giảm tầm ảnh hưởng của cha mẹ chúng “Mẹ quá già để hiểu chuyện gì đang xảy ra”.
Thường thì những đứa trẻ biết rất rõ những điều mà cha mẹ chúng đang cố gắng dạy cho chúng và sẽ không bằng lòng khi chúng bị coi là kém cỏi “Con biết tất cả những điều đó, mẹ không cần phải nói với con đâu”.
Đôi khi những đứa trẻ sẽ chọn cách lờ đi những sự thật đó “Con không quan tâm”, “Chuyện đó sẽ không xảy ra với con đâu”.



Việc giáo dục là sự tự nguyện tiếp thu từ trẻ, mọi sự gượng ép chỉ mang lại tác dụng ngược lại. (Ảnh: pptree.com)

6. Đánh giá, phê bình, không đồng tình, khiển trách
Những thông điệp này có lẽ sẽ khiến những đứa trẻ cảm thấy không thỏa đáng, kém cỏi, ngốc nghếch, vô giá trị… hơn những thông điệp khác. Khi đó đứa trẻ sẽ bị định hình bởi những phán xét và đánh giá của cha mẹ. Khi cha mẹ đánh giá đứa trẻ, trẻ cũng tự đánh giá lại mình “Cháu đã phải thường xuyên nghe bố cháu nói là cháu hư thế nào, và dần dần cháu đã bắt đầu thấy rằng cháu cần phải hư thật sự”. Ngoài ra sự phê bình tiêu cực sẽ gây ra sự phê bình lẫn nhau “Con đã thấy mẹ cũng làm điều tương tự”.
Sự đánh giá sẽ gây tác động mạnh mẽ tới những đứa trẻ và khiến chúng giữ lại cảm xúc bản thân hoặc giấu giếm những cảm xúc đó với cha mẹ “Nếu cháu nói với cha mẹ về điều đó chắc chắn cháu sẽ bị họ chê trách”.
Những đứa trẻ cũng giống như người lớn, thường không thích bị đánh giá theo cách tiêu cực. Chúng sẽ phản hồi lại bằng cách phòng vệ, đơn giản là để bảo vệ hình ảnh của bản thân chúng. Thường thì chúng sẽ trở nên giận dữ và ghét bỏ cha mẹ – những người đã đánh giá chúng, kể cả khi đánh giá đó hoàn toàn chính xác. Sự đánh giá và phê bình thường xuyên sẽ khiến một số đứa trẻ cảm thấy chúng không ngoan và cha mẹ không yêu thương chúng.
7. Khen ngợi quá mức
Đa phần mọi người đều tin rằng sự khen ngợi luôn có lợi với trẻ, nhưng ngược lại việc đó lại gây ra những hậu quả tiêu cực. Một đánh giá tích cực không phù hợp với hình ảnh của bản thân đứa trẻ có thể dẫn tới sự thù địch: “Con chẳng hề xinh đẹp, con là đứa trẻ xấu xí”, “Con đã không chơi tốt, con chơi quá tệ”.
Những đứa trẻ thường suy ra rằng nếu cha mẹ chúng đánh giá tích cực về chúng tức là cũng có lúc họ đánh giá tiêu cực về chúng. Thêm vào đó, việc xuất hiện sự khen ngợi quá thường xuyên trong một gia đình sẽ thường bị đứa trẻ xem là sự phê bình “Mẹ đã không nói gì tốt về mái tóc của con, vậy tức là mẹ không hề thích nó”.
Đứa trẻ thường cảm thấy sự khen ngợi giống như một cách thức thay thế nhanh chóng để cha mẹ bắt nó làm theo những gì họ muốn “Bố chỉ nói vậy để con học chăm chỉ hơn thôi”.
Đôi khi những đứa trẻ sẽ rút ra những kết luận rằng cha mẹ chúng không hề hiểu chúng khi họ đưa ra sự khen ngợi “Mẹ sẽ không nói thế nếu mẹ biết con thực sự đã cảm thấy thế nào về bản thân con”.
Những đứa trẻ thường cảm thấy xấu hổ và không thoải mái khi nhận được lời khen ngợi, đặc biệt khi ở trước mặt bạn bè nó “Ôi, bố ơi, điều đó không hề đúng chút nào!”
Những đứa trẻ được khen ngợi quá nhiều sẽ thường lớn lên phụ thuộc vào sự khen ngợi “Mẹ chẳng nói gì về việc con đã dọn phòng cả”, “Mẹ ơi, con trông thế nào?”…



Lời khen ngợi nhẹ nhàng có thể kích thích sự tự giác nhưng nếu quá hoặc hời hợt thì lại phản tác dụng. (Ảnh: Kinked)

8. Chửi mắng, chế nhạo, làm nhục
Những thông điệp này có thể gây ảnh hưởng rất xấu tới hình ảnh về bản thân đứa trẻ. Chúng có thể khiến đứa trẻ cảm thấy bản thân mình vô giá trị, tệ hại, không được yêu thương. Và hầu hết những đứa trẻ sẽ phản bội lại những thông điệp đó như “Mẹ lúc nào cũng cằn nhằn, chì chiết”, “Mẹ thử nhìn xem ai mới là kẻ lười biếng”.
Khi một đứa trẻ nhận được một thông điệp như vậy từ cha mẹ – những người đang cố tác động đến nó thì nó thường sẽ không thay đổi bằng cách xem lại mình. Mà ngược lại, nó thường sẽ tập trung vào thông điệp không công bằng đó của cha mẹ và tự bào chữa cho chính mình: “Con không giống một kẻ thua cuộc. Điều đó thật ngớ ngẩn và không công bằng”.
9. Giải thích, phân tích, chẩn đoán
Những thông điệp này sẽ cho đứa trẻ biết rằng cha mẹ chúng đã “hiểu được” chúng. Cha mẹ đã biết được động cơ của trẻ là gì và lý do tại sao đứa trẻ lại hành xử theo cách như vậy. Những chẩn đoán đó của cha mẹ có thể khiến đứa trẻ bị áp lực và suy sụp.
Nếu sự phân tích và giải thích của cha mẹ tình cờ chính xác, đứa trẻ có thể cảm thấy xấu hổ khi bị phơi bày “Con đang làm vậy chỉ nhằm gây sự chú ý”.
Khi sự phân tích và giải thích của cha mẹ sai, như đa phần các trường hợp đều vậy thì đứa trẻ sẽ trở nên tức giận khi bị buộc tội không đúng “Con không hề ghen tị – điều đó thật nực cười”.
Những đứa trẻ thường sẽ nhận ra thái độ bề trên của cha mẹ chúng “Mẹ cho là mẹ biết rất nhiều”. Các bậc cha mẹ thường áp dụng việc phân tích khi giao tiếp với con cái bởi vì họ cảm thấy mình giỏi giang hơn, thông minh hơn.
Những thông điệp với “Mẹ biết tại sao”, “Bố có thể nhìn thấu con” thường sẽ ngăn cản đứa trẻ giao tiếp thêm với cha mẹ vào thời điểm đó và điều đó dạy cho đứa trẻ biết cách hạn chế chia sẻ những vấn đề của nó với cha mẹ.



Cùng phân tích và đưa ra các dẫn chứng cha mẹ sẽ đóng vai trò như một người bạn của trẻ. (Ảnh: Pinterest)

10. Điều tra, nghi ngờ, chất vấn
Việc trả lời những câu hỏi có thể khiến những đứa trẻ cảm thấy cha mẹ thiếu tin tưởng chúng “Con đã rửa tay như mẹ bảo chưa?”.
Những đứa trẻ có thể nhìn thấu những câu hỏi và xem đó là sự cố gắng “để chúng đi khác với số đông”, nhằm mục đích để chúng cam kết điều gì đó với cha mẹ “Con đã học bao lâu rồi? Chỉ một giờ thôi à. Vậy thì con xứng đáng nhận điểm C trong kì thi đó”.
Những đứa trẻ thường cảm thấy bị đe dọa bởi những câu hỏi. Đặc biệt khi chúng không hiểu tại sao cha mẹ lại đặt những câu hỏi như vậy. Khi đó trẻ thường nói “Tại sao mẹ lại hỏi con chuyện đó?” hay “Mẹ đang có ý đồ gì vậy?”.
Nếu cha mẹ đặt câu hỏi cho trẻ khi trẻ đang chia sẻ một vấn đề với cha mẹ thì trẻ sẽ nghi ngờ rằng cha mẹ đang thu thập thông tin để giải quyết vấn đề đó cho trẻ, thay vì để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình “Con đã cảm thấy như vậy từ khi nào?. Những đứa trẻ thường không muốn cha mẹ chúng đưa ra câu trả lời cho những vấn đề của chúng: “Nếu cháu nói với bố mẹ cháu, họ sẽ nói với cháu những gì cháu nên làm”.
Khi bạn đặt câu hỏi về người nào đó đang chia sẻ vấn đề với bạn, mỗi câu hỏi sẽ hạn chế sự tự do của người đó khi nói về bất kì điều gì mà họ muốn. Tức là câu hỏi sẽ hạn chế thông điệp tiếp theo của người đó. Nếu bạn hỏi “Con đã bắt đầu nhận ra điều đó từ khi nào?” tức là bạn muốn người đó chỉ nói chuyện về sự bắt đầu của cảm xúc và không gì khác nữa. Vậy nên chất vấn hoàn toàn không phải một phương pháp tốt để thúc đẩy sự giao tiếp từ phía người khác.



Những câu hỏi mang tính nghi ngờ các cô giáo, cha mẹ cũng nhiều khi vô tình không để ý tới mà phạm phải khiến trẻ mất tự tin vào bản thân. (Ảnh: TinTM.com)

11. Rút lui, làm xao nhãng, gây cười
Những thông điệp này có thể khiến trẻ cảm thấy rằng cha mẹ không hề quan tâm tới trẻ, không tôn trọng những cảm xúc của trẻ và rõ ràng cha mẹ đang từ chối giao tiếp với trẻ.
Những đứa trẻ thường rất nghiêm túc và chăm chú khi chúng cần nói chuyện về điều gì đó. Khi bạn phản hồi bằng cách trêu đùa, bạn có thể khiến chúng cảm thấy tổn thương và bị từ chối.
Việc trêu chọc và đùa cợt cảm xúc của trẻ có thể thành công, nhưng những cảm xúc của con người không vì thế mà biến mất. Sau này những cảm xúc đó sẽ xuất hiện trở lại. Những vấn đề bị trì hoãn hiếm khi được xem là những vấn đề đã được giải quyết.
Trẻ cũng giống như người lớn thường muốn được lắng nghe và thấu hiểu bằng sự tôn trọng. Nếu bị cha mẹ đặt sang một bên thì trẻ sẽ nhanh chóng học được rằng nên đặt những cảm xúc quan trọng và những vấn đề của bản thân mình ở một nơi khác chứ không phải ở cha mẹ.
Hồng Ân (DKN.TV)


Học cách nói chuyện với trẻ là điều rất quan trọng

Tùy thuộc vào các cuộc trò chuyện mà những đứa trẻ này nghe được khi còn non nớt, chúng có thể có cuộc sống rất khác nhau


Có thể có một cách đơn giản để giúp não bộ trẻ nhỏ cải thiện tốt hơn và có lợi ích lâu dài.
Cuộc trò chuyện mau chóng kết thúc khi nói chuyện với một đứa trẻ sơ sinh. Chúng không trả lời. Chúng không than phiền khi ta nói trời lại sắp mưa, hoặc cười khi ta nói đùa.

Đồng thời, những tuần đầu tiên tôi bị nhiều việc gây mệt mỏi. Con nhỏ của tôi không ngủ vào lúc đáng phải ngủ và vì vậy làm tôi mất ngủ theo. Do vậy chẳng lạ gì mà tôi ít nói chuyện với nó.

Khi trẻ có nhiều phản ứng hơn thì việc này dễ hơn, nhưng tôi chưa thấy cần nói nựng ngay khi nó nói ú ớ, hay nói giọng trẻ con với nó một cách rõ ràng chập chạp. Tôi thường ngạc nhiên nhìn người khác, có vẻ nhiều kinh nghiệm làm cha mẹ hơn, nói chuyện đàng hoàng đầy đủ với con tôi.

Vài tháng sau, khi các bé bắt đầu phản ứng nhiều hơn, bập bẹ và cười khúc khích, thì việc này là dễ dàng hơn. Nhưng nghiên cứu cho thấy một số cha mẹ vẫn không nói chuyện nhiều với con cái, và việc này có thể gây ra hậu quả tiêu cực kéo dài - hậu quả thậm chí có thể nhìn thấy trong não.

Vào giữa những năm 1990, đã có một khám phá đáng lo ngại về sự khác biệt rõ rệt về kết quả ngôn ngữ ở trẻ em. Các nhà nghiên cứu Betty Hart và Todd Risley đã đến nhà các gia đình thuộc các nhóm kinh tế xã hội khác nhau, dành mỗi tháng một giờ để ghi âm, trong hơn 2 năm.


Phân tích dữ liệu, họ phát hiện ra rằng trẻ em ở hoàn cảnh nghèo nhất chỉ nghe được 1/3 số từ mỗi giờ so với những trẻ có hoàn cảnh thu nhập cao hơn. Mở rộng quy mô, họ cho rằng khi những đứa trẻ này lên 4, sẽ có độ chênh lệch 30 triệu từ giữa những đứa trẻ có hoàn cảnh nghèo khó so với những đứa trẻ ở gia đình giàu hơn và có chuyên môn hơn.

Nghiên cứu này là không hoàn thiện. Quy mô lấy mẫu là nhỏ, và không rõ liệu khoảng chênh về số từ có lớn đến mức như họ nêu hay không. Các nhà phê bình khác sau đó đã chứng minh rằng trẻ em gia đình nghèo nghe được nhiều từ hơn so với báo cáo của Hart và Risley khi tính đến ngôn ngữ mà chúng nghe được người ta nói ở trong nhà cũng như ngoài nhà. Phản biện ý phê bình này, một nhóm khác nhấn mạnh rằng "trẻ nhỏ không có được lợi ích khi nghe những chủ đề mà người lớn bàn bạc".

Nếu sự "chênh lệch về từ" này mà tồn tại, thì đó là vấn đề rắc rối vì ngôn ngữ là một trong những yếu tố tiên đoán quan trọng nhất về việc làm của bạn sau này trong cuộc sống, từ những năm học đầu tiên đến đại học và rồi đến nghề nghiệp của bạn. Để đọc, để học các khái niệm toán học và thậm chí để thể hiện trí nhớ, bạn cần ngôn ngữ.

"Nếu ngôn ngữ chưa đủ mức cần thiết, thì bạn bạn đã xuất phát chậm trong cuộc đua," Kathy Hirsh-Pasek, người chỉ đạo Phòng Thí Nghiệm Ngôn Ngữ Trẻ Sơ Sinh của Đại học Temple ở Philadelphia, nói.


Độ chậm trễ này cũng diễn ra trong não. Các nhà thần kinh học hiện có thể chỉ ra cách mà bộ não phản ứng với việc tiếp xúc sớm với ngôn ngữ. Một nhóm, được chỉ đạo bởi Rachel Romeo, một nhà thần kinh học và nhà nghiên cứu bệnh học ngôn ngữ tại Bệnh Viện Nhi Đồng Boston, đã chỉ ra rằng các tương tác đàm thoại có thể có lợi ích rõ rệt trong việc phát triển não bộ. Nhóm nghiên cứu đã ghi âm các cuộc hội thoại trong các gia đình, theo dõi cả lượng ngôn ngữ được tiếp cận và số lượt nói chuyện. Những đứa trẻ có nhiều cuộc trò chuyện hơn là giỏi hơn trong các nhiệm vụ cần hiểu ngôn ngữ.

Những đứa trẻ này cũng có các kết nối chất trắng mạnh hơn trong não ở hai khu vực chính quan trọng đối với ngôn ngữ, một sự gia tăng làm tăng tốc độ xử lý ở những khu vực này. Điều này, Romeo nói, cho thấy rằng số lần trò chuyện góp phần phát triển trí não. "Chúng tôi thấy rằng việc càng có nhiều cuộc trò chuyện là có tương quan với các kết nối mạnh mẽ hơn trên đường dẫn này, và do đó liên quan đến kỹ năng ngôn ngữ của trẻ em," Rome Romeo nói.

Đối với sự phát triển của trẻ, cuộc trò chuyện qua lại - không chỉ đơn thuần là nghe thụ động - mới là điều quan trọng nhất.

Thật vậy, nhiều bằng chứng cho thấy rằng đó không phải là việc nghe thụ động - hay thậm chí là lượng từ mà một đứa trẻ nghe thấy - là quan trọng nhất. Thay vào đó, chất lượng của cuộc trò chuyện mới là quan trọng. Nghĩa là việc trao đổi lần lượt qua lại, đòi hỏi lắng nghe và đáp lại, là quan trọng. Nó là cái mà Hirsh-Pasek và cộng tác viên lâu năm của bà, Roberta Golinkoff, gọi là "song ca đối thoại", vì bạn không thể song ca một mình được. Trên thực tế, một nghiên cứu khác cho thấy nếu một cuộc trò chuyện bị gián đoạn bởi một cuộc gọi điện thoại, đứa trẻ không học một từ vừa được trình bày, nhưng sẽ học được từ này nếu không bị gián đoạn.

Nhóm của Romeo đã tiến thêm một bước trong một nghiên cứu nhỏ tiếp theo giúp các cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của các cuộc trò chuyện 2 chiều. Trong nhóm này, họ đã tìm thấy sự gia tăng chất xám ở vùng ngôn ngữ và xã hội trong bộ não trẻ em.

"Đó không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên," bà nói. Việc các vùng xã hội và ngôn ngữ của não là "đi cùng với nhau" trong các mối quan hệ cha mẹ với con cái là điều hợp lý, vì ngôn ngữ làm cơ sở cho các mối quan hệ xã hội, và cả hai thứ này đều là điều cốt yếu đối với cách học của chúng ta," bà nói. "Trên cơ sở đó chúng ta xây dựng kỹ năng ngôn ngữ, và kỹ năng ngôn ngữ này sẽ tạo thêm nền tảng cho nhận thức ở cấp độ cao hơn."

Việc tham gia vào một hoạt động tương tác, như đọc sách, khiến các mô hình bộ não hai người tham gia đồng quy.

Trong khi đó, một nhóm khác, ở Phòng Thí Nghiệm Trẻ Em Princeton, đã theo dõi bộ não của các em bé và những người thí nghiệm, nhận thấy rằng khi họ tham gia vào trò chơi tương tác, như hát hoặc đọc, các mô hình kích hoạt não của họ bắt đầu đồng quy. Nói cách khác, bộ não của họ "cặp đôi với nhau", Elise Piazza, ở Viện Khoa Học Thần Kinh thuộc Đại Học Princeton, tác giả chính của tác phẩm này, giải thích. Vào những thời điểm khác, khi tham gia vào các hoạt động riêng biệt, sự "đồng bộ thần kinh" giữa các bộ não của họ biến mất, bà nói.

"Đây như thể các bạn ăn ý đến mức các bạn hoạt động không phải là hai người, mà là một người. Đó là mức mà chúng tôi nghĩ việc học được nâng cao và xẩy ra, và đó là những gì mà việc trò chuyện mang lại cho bạn," Hirsh-Pasek nói về tác phẩm này.

Tình trạng kinh tế xã hội
Khi cho rằng việc trò chuyện là rất quan trọng từ khi còn nhỏ tuổi, chúng ta nên lo lắng đến đâu về "sự chênh lệch số lượng từ" - và nguyên nhân là từ đâu?

Ngay cả khi nghiên cứu của Hart và Risley là không hoàn hảo, thì ý kiến rằng một sự chênh lệch đáng kể về kinh tế xã hội đã được hàng chục nghiên cứu tiến hành. Ví dụ, năm 2008, Meredith Rowe của Đại Học Harvard đã phát hiện ra rằng các kiểu đối thoại có sự khác biệt đáng kể giữa các gia đình có thu nhập thấp và thu nhập cao - một phần là do mức độ giáo dục khác nhau của cha mẹ trong các nhóm này.

Cha mẹ có thu nhập cao hơn thường sử dụng câu dài hơn và nhiều từ vựng hơn với con cái họ - một phần là vì trình độ học vấn của họ.

Nói cách khác, "kiến thức nuôi dạy con" đóng góp tích cực cho sự phát triển vốn từ vựng, Rowe nói. Trong nghiên cứu này, cha mẹ có thu nhập cao hơn sử dụng câu dài hơn và nhiều từ vựng hơn so với cha mẹ có thu nhập thấp hơn. "Phát hiện then chốt ở đây là sự ảnh hưởng của sự nghèo khó đến cách cha mẹ giao tiếp với con cái là do sự hiểu biết kém của cha mẹ về sự phát triển của trẻ em," bà nói.

Nếu có bất kỳ mối liên hệ nào giữa tình trạng kinh tế xã hội với khả năng nói của trẻ, thì có thể là do sự nghèo khó có liên quan cả đến trình độ học vấn thấp hơn cũng như sự căng thẳng nhiều hơn. Cả hai yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc trò chuyện với trẻ.

Nhưng tình trạng kinh tế xã hội không phải là quyết định.

Trong một nghiên cứu năm 2015, Hirsh-Pasek và các đồng nghiệp đã xem xét cách nói của 60 trẻ em 2 tuổi, đều thuộc gia đình nghèo khó; họ quay trở lại sau 1 năm để xem chúng phát triển thế nào. Đúng như dự đoán, những đứa trẻ tham gia trò chuyện nhiều khi 2 tuổi đã có ngôn ngữ tiến bộ hơn sau 1 năm. Những đứa ít nói chuyện có điểm kém hơn về khả năng ngôn ngữ.

Trẻ em có nhiều cuộc trò chuyện khi 2 tuổi sẽ có ngôn ngữ phát triển hơn một năm sau đó.

Vì những đứa trẻ này đều ở điều kiện thu nhập thấp, kết quả cho thấy chỉ riêng sự nghèo khó không phải là điều khiến trẻ có kỹ năng ngôn ngữ kém hơn.

"Không phải chỉ là việc bạn sinh ra trong môi trường có nguồn lực hạn chế, mà còn là cách bạn tương tác với con bạn trong môi trường đó, có vẻ như đã tạo ra sự khác biệt." Hirsh-Pasek nói.

Mặc dù sự chênh lệch về lượng từ có thể có hậu quả lâu dài, nhưng tin tốt lành là tất cả các bậc cha mẹ đều nói chuyện với con cái mình ít nhất là một số thời gian. Nếu cha mẹ hiểu rằng tương tác chất lượng là quan trọng hơn số lượng, thì tất cả trẻ em đều có thể được lợi.

Trẻ em mà càng được trải nghiệm xã hội, cho dù với cha mẹ hoặc với người chăm sóc nào khác xung quanh, thì chúng càng học được nhiều hơn, bà nói thêm.

Cũng có nhiều cách khác giúp đẩy nhanh quá trình này. Sự chỉ bảo của cha mẹ là hiệu quả, nhưng mất thời gian và tốn kém. May mắn thay, có những cách đơn giản và đã được thử nghiệm khác giúp khuyến khích các cuộc trò chuyện có chất lượng hơn.

Trẻ sơ sinh và trẻ em mà càng có nhiều trải nghiệm xã hội thì chúng sẽ càng học được nhiều hơn.

Hirsh-Pasek và các đồng nghiệp đã chỉ ra rằng trong các cộng đồng có thu nhập hạn chế ở một số khu dân cư nghèo nhất ở Philadelphia, việc đưa ra lời nhắc ở các siêu thị làm tăng cuộc trò chuyện có ý nghĩa lên tới 33%. Những thứ này có thể đơn giản như những tấm áp phích màu mè đặt ra những câu hỏi như "Sữa từ đâu ra?" và "Bạn thích rau gì?".

Tôi đã đến thăm một số địa điểm ở Philadelphia (kể cả ở một trạm xe buýt, cũng như một sân chơi cho trẻ em tại một thư viện và tại các trò chơi trên bàn có kích thước lớn ở bảo tàng cho trẻ em Please Touch ở Philadelphia) nơi mà Hirsh-Pasek và nhóm của bà đang thử nghiệm một cách tiếp cận khác. Ở đây, người ta sử dụng các trò chơi để khuyến khích nhiều khía cạnh quan trọng của việc học, từ xã hội đến nhận thức, từ kiểm soát phản xạ (lò cò theo ô số) đến chức năng thực hiện (trò chơi giải đố). Điều quan trọng, chúng được bố trí ở nơi mà người ta đã tụ tập thành nhóm. Và mặc dù các trò chơi là cho trẻ em nhưng người lớn cũng thích.


Dự án mang tên "Nơi vừa học vừa chơi", có sự cộng tác với các hội đồng thành phố và kiến trúc sư để "biến đổi địa điểm hàng ngày thành cơ hội học tập". Hơn nữa, sự theo dõi chặt chẽ của các nhà nghiên cứu gần đó cho thấy rằng một số trong số các dự án này đã giúp tăng các cuộc hội thoại lên 30-55%. "Như một món quà bổ sung, khi bạn làm cho những môi trường này trở nên thú vị, cha mẹ các cháu thường sẽ không xem điện thoại nữa, nhìn vào mắt con mình và có một cuộc trò chuyện có ý nghĩa,"

Hirsh-Pasek nói. "Hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể làm được nếu chúng ta làm cho thế giới vui hơn một chút." Với đủ ý chí, các nhà nghiên cứu nói rằng nó sẽ dễ dàng tái tạo những không gian tương tự như vậy ở nhiều thành phố khác.

Dự án Urban Thinkscape biến không gian công cộng thành các hoạt động mang tính học tập.

Ở Anh, chính phủ đã đưa ra một dự án liên quan trên mạng, với những gợi ý đơn giản khuyến khích cha mẹ nói chuyện với con cái nhiều hơn. 'Hungry Little Minds' là một chiến dịch 3 năm với mục tiêu "khuyến khích các bậc cha mẹ tham gia vào các hoạt động hỗ trợ cho con mình được học tập từ sớm và giúp chúng chuẩn bị đến trường và học cao hơn nữa".

Với một số người, sự căng thẳng của cuộc sống hàng ngày khiến họ có ít thời gian nói chuyện và vui chơi. Nhưng giờ đây rõ ràng là những điều chỉnh tinh tế trong cách chúng ta nói chuyện với trẻ em - và lắng nghe chúng - có thể thực sự làm bộ não của chúng phát triển tốt hơn.

Được trang bị bằng kiến thức này, bây giờ tôi có sự suy nghĩ về mô hình não con tôi khi tôi dỗ dành và nói chuyện với nó, nói với nó những mẩu chuyện trong ngày và còn hỏi nó xem nó trả lời ra sao. Thường nó đáp lại bằng nụ cười không răng. Những lần khác, nó không phản hồi gì. Nhưng ngay cả như vậy, giờ đây tôi hiểu rằng bộ não của nó đang phát triển vì điều đó, một cái gì mà tất cả chúng ta, dù là cha mẹ hay người chăm sóc nó, có thể đã góp phần quan trọng vào đó.

Melissa Hogenboom



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét