- Đừng đợi có tiền mới báo hiếu cha mẹ

Mẹ tôi bị té trong phòng tắm nặng lắm, nhưng bà không cho mấy đứa em tôi báo tin cho các con ở nước ngoài, sợ gây thêm lo lắng, đến lúc nguy ngập quá, thấy bà không ăn uống gì được nữa nên em tôi đành phải email qua cho biết.

Thế là tôi lấy vé máy bay để hôm sau về VN liền vì biết rằng người già thường bị stroke và nếu té trong phòng tắm thì ít ai qua khỏi.

Về đến SG, tôi thấy mẹ nằm trên giường như cái xác ve, tuy tinh thần vẫn sáng suốt nhưng ai đến thăm cũng nói rằng bà sắp "đi" rồi đó, triệu chứng là luôn luôn muốn nằm quay mặt vô vách và tuy không nhúc nhích được, nhưng cứ lùi dần xuống phía cuối giường mỗi ngày có đến hơn nửa thước, mà mỗi lần sáu người khiêng tấm cao su để di chuyển thì bà đau đớn lắm.

Tôi hỏi ra mới biết là bà bị té là do mất thăng bằng lúc thay quần sau khi tắm, chứ không phải tai biến mạch máu gì cả, bèn lấy hai cục gạch ống mà kê cho phía cuối giường lên cao, thế là không thế nào tụt được nữa.

Đúng là muốn cãi số trời.
Một người bạn từ Xóm Mới đến Thủ Đức thăm tôi, anh ta ngạc nhiên vì má anh cũng bị y như trường hợp mẹ tôi, sau nhiều ngày đi hết nhà thương này đến bịnh viện kia mà không thuyên giảm thì đến nhờ BS Hỷ ở đường Công Lý cũ gần đường Nguyễn Trọng Tuyển, chỉ có ba mũi chích mà khỏi. Tôi nghĩ thầm: "Bộ chắc là thuốc tiên! Người già gẫy xương mà chích ba mũi khỏi được bệnh thì có là phép lạ". 

Nhưng thấy mẹ đau đớn quá, chúng tôi đành đến mà năn nỉ ông BS này đến chích cho bà, ông ấy từ chối và nói rằng từ ngày về hưu đến nay chỉ xem bệnh tại nhà, chúng tôi đành khiêng mẹ lên xe mà chở đến. Thật là nát lòng khi xe chỉ xóc một cái nhẹ thôi là mẹ tôi đau đến ứa nước mắt. Ông thầy thuốc coi lại những tấm X-ray của nhà thương Hoàn Mỹ đã chụp, rồi nói bà không sao đâu, tôi chích cho 2 mũi là khỏi. Cả tiền khám bệnh, chích và 10 ngày thuốc viên mà ông tính có 75 ngàn, vừa bằng 5 đô la.

Chúng tôi hy vọng tràn trề vì trên đường về, không thấy mẹ tôi kêu rên gì nữa, ngày hôm sau đã không bị tụt về phía cuối giường thì chớ, lại còn có khuynh hướng nhoi lên. Tôi bỏ cục gạch kê ra và đúng như một phép lạ, sau hai tuần thì không những bà ngồi dậy được mà sau đó còn có thể vịn vào cái walker mà đi được.

Tôi là một người Công Giáo theo cái kiểu tuần đi lễ nhà thờ một lần, giữ những luật bắt buộc để khỏi "mất linh hồn" mà thôi chứ không phải là một con chiên ngoan đạo, nhưng tôi có lòng sùng kính Đức Mẹ cách riêng.

Lúc còn ngồi trên máy bay, tôi đã khấn nguyện rằng: Nếu Đức Mẹ cho má con qua khỏi đận này, trong những tuần ở VN con chỉ quanh quẩn ở nhà chơi với mẹ già, không nhà hàng, quán xá hát hò gì hết và sau này sẽ cố gắng sống đàng hoàng đạo đức hơn.

Mẹ tôi khỏi bệnh và tôi phải giữ lời hứa, thường ngày ngồi kề bên giường nói chuyện với bà. Những chuyện ngày xa xưa mà bà kể rành rọt như mới xảy ra ngày hôm qua, trí óc bà còn rất sáng suốt cho dù năm nay đã hơn 90 tuổi.

Không mấy ai trải qua nhiều nỗi truân chuyên như mẹ tôi, từ những ngày còn thơ dại nơi đất Bắc, qua thời Tây, Nhật đến hồi vua Bảo Đại bị ông Ngô Đình Diệm truất ngôi. Bà đã từng cầm trên tay đồng chinh Khải Định, đến tờ con công, tiền có hình ông gánh dừa cho đến tờ giấy bạc xé làm đôi mà xài, cả đồng năm cắc mà có tới ba cô v v...

Bà ngoại tôi thuộc một gia đình khá giả có nhiều ruộng đất ở làng Thức Hoá tỉnh Nam Định, nhưng ông ngoại lại có chút học thức, không muốn ở mãi trong quê mà cày sâu cuốc bẫm nên ra mỏ than Hòn Gai mà làm thầu khoán. Vì vụ kiện với chủ nhân là người Pháp đã vi phạm hợp đồng, quịt lương công nhân, rất hao tốn nên ông tôi sai mẹ về nhà quê kêu bà bán ruộng, mà sau cùng bị phá sản vì sự hai lòng của trạng sư đã thông đồng với người Pháp kia.

Mẹ tôi lanh lẹ lắm, trong những ngày còn nhỏ ấy mà bà đã từng mang theo trong người những số tiền lớn trên tàu Nam Định - Hải Phòng mà chưa bao giờ bị mất vào tay những kẻ cắp, móc túi vang danh trên tàu.

Sau vụ thua kiện, ông tôi trong túi không còn đồng nào, ruộng của hồi môn bà tôi đã bán hết, ông phẫn chí gần như muốn tự tử, nên mẹ tôi lén vào sở mộ phu tăng lên hai tuổi, xin đi làm công nhân sở cao su Michelin Dầu Tiếng ở miền Đông Sài gòn, nơi mà chỉ nghe đến rừng thiêng nước độc, sốt rét ngã nước là ai cũng phải sợ. Mẹ đem hầu hết số tiền gần 200 đồng bạc Đông Dương ký công tra mà bỏ vô trong áo gối của ông, rồi nước mắt lưng tròng, bỏ lại sau lưng cha mẹ già và em dại, một thân một mình xuống tàu vô Nam.

Cũng xin nói là tôi có hai người cha, tôi là con dòng sau. Người cha trước làm cai trong sở cao su, cưới má tôi khi bà mới chân ướt chân ráo vào Nam. Hai ông bà sau khi mãn công tra 4 năm thì đều có ý định hồi hương, nhưng bàn đi tính lại là nếu trở về Bắc với số vốn cỏn con như vầy thì chẳng bao lâu lại phải dắt díu nhau trở vào, chi bằng ký thêm một công tra nữa rồi dùng số tiền này mà gửi về Bắc giúp đỡ cha mẹ hai bên.

Thời thế toàn cầu lẫn VN đều có sự thay đổi lớn vì Thế Chiến Thứ Hai, phương tiện đi lại lẫn thư từ Bắc Nam rất chậm chạp, máy bay đồng minh bắn phá quân Nhật mọi nơi, nên cả năm sau cha xứ họ đạo Trung Thành ngoài Bắc mới thư vào nói rằng ngài không chuyển tiền giùm được, vì họ hàng cha mẹ hai bên đều xiêu lạc hoặc chết hết vì nạn đói Ất Dậu rồi, cha đành gửi trả lại măng đa.
 
Thôi thế là hết! Còn mong gì ngày trùng phùng, quê hương còn có ai mà mong ngày trở về. Rồi từ đó thư từ cũng không thấy nữa, kể cả của Linh Mục chánh xứ.

Khi cha mẹ tôi có ba đứa con thì lệnh tiêu thổ kháng chiến ban ra, tất cả 28 làng, toàn là nhà xây lợp ngói của đồn điền Michelin đều phải phá hết. Việt Minh chất mấy cái giường tủ lên cao, mồi bằng mủ cao su rồi đốt cháy đùng đùng. Đêm đã khuya lắm mà khắp đầu làng cuối xóm chó sủa râm ran, tiếng heo kêu, tiếng trẻ con khóc hoà với tiếng ngói bị đốt nổ như pháo. Ba tôi làm thịt cả đàn heo gần chục con, bỏ vô mấy cái khạp lớn rồi lấy nước mắm trong kho của hãng đổ đầy mà chôn sau vườn. Những nhà khác thì mở chuồng ra xua đuổi cho bò heo, gà vịt chạy tán loạn vô rừng. 

Mấy hôm sau dân chúng phải tản cư vào bưng khi quân Pháp rục rịch tiến vào làng, heo gà vì đói nên mò về chuồng cũ bị lính Đàn Thổ và Tây đen gạch mặt bắn ăn thịt hết. 

Má tôi sinh người con thứ tư ngay trong thời gian khốn khổ này, sinh chị Mai trong một chuồng bò hôi thúi đầy phân và nước đái, vì dân địa phương trong rẫy kiêng không cho người lạ đẻ trong nhà.

Khi hồi cư thì vải vóc, thực phẩm trở nên đắt đỏ quá, cho dù có tiền cũng khó mua được, gia đình tôi đào sau vườn lên thì thịt heo ngấm nước mắm ăn ngon như là thịt kho mặn vậy. Mãi sau này khi gia đình khá giả rồi, má tôi thỉnh thoảng còn làm món thịt luộc ngâm nước mắm ăn để nhớ lại chuyện xưa.

Từ năm 1945 trở đi, có nhiều nhà đã phải lấy bao bố tời mà may quần, dân chúng lục trong những căn nhà Tây mà chủ nhân đang bị quân Nhật tập trung, lấy cả màn cửa, bao nệm mà may áo quần sọc xanh sọc trắng y như áo quần tù. Lính nhật lùn xủn, đeo gươm rất dài, khi họ bước đi thì bao gươm cứ đập lạch cạch vào đôi ghệt coi không oai phong chút nào, ấy vậy mà ai ăn cắp cái gì của họ là bị nghiêm lệnh chặt ngón tay ngay. Không biết vải trắng họ lấy ở đâu mà nhiều lắm, cứ xé ra mà quấn hai chân, như khi ta mang vớ trước khi xỏ vào ghệt, hôm sau thay ra là vất luôn nên dân chúng lượm mót giặt đi mà khâu thành quần áo.

Cao su là nguồn lợi lớn, nên khi trở lại Đông Dương thì Pháp chiếm lại ngay tỉnh Biên Hoà và Thủ Dầu Một, nhưng dân chúng trong làng ngả theo Việt Minh rất nhiều, thế là lính Pháp đi "ba trui" ban ngày, còn ban đêm Việt Minh lại kéo quân về thay thế.

Đến năm 1947 thì quân Pháp hầu như kiểm soát được từ Nha Trang, Phan Thiết trở vào đến các tỉnh miền Tây Nam Phần, nhưng họ không có một chút gì gọi là lấy lòng dân hay tuyên truyền gì cả, mà chỉ biết có bắn giết và bắt bớ. Dân chúng sợ nhất là trò "Bao Bố". Pháp bắt một người bị tình nghi là VM, lấy bao bố khoét hai cái lỗ, trùm người lại rồi tập họp dân chúng lại để "Bao Bố" nhìn mặt, nếu nó gật đầu một cái là bị bắt liền, còn nó lắc đầu hoặc không bắt được một ai thì báng súng liền dộng liên hồi lên cái thân thể khốn khổ trong bao ấy. Chính vì thế mà "Bao bố" đau quá chỉ đại một ai cho đỡ bị đòn. Oan ức cho biết bao nhiêu người.

VM tuyên truyền đã hay, mà tập hát tập hò để mang tới hào khí cũng giỏi. Những bản nhạc kích thích lòng người:
-Chiều nay trên chiến khu, trong rừng chiều. Bên ngàn tiếng suối reo ngàn thông reo ...

Hoặc:
-Ngày bao hùng binh tiến lên. Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến. Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành ...Đã làm nức lòng bao thanh niên đi vào mặt trận.

Họ kể lại những trận oai hùng của quân kháng chiến: Chỉ có hai trung đội mà dám đánh đoàn xe lửa có toa lính Pháp đi theo bảo vệ. Đường rầy xe lửa băng ngang Trảng Táo được tháo bù lon và cột dây kéo căng bẹt ra, nhưng vì đoàn tàu chở quân nhu quá dài lại có gắn mấy đầu máy mạnh quá, tài xế khi nghe súng nổ đã sợ quýnh mà tăng hết ga, nên nó cứ phăng phăng chạy, kéo theo cái toa sau cùng bị trật ra ngoài đường rầy. Quân VM tiếc xót vác súng chạy theo sau cả cây số mặc dù đại liên trên xe bắn xối xả dọc theo bìa rừng. Tuy không thành công nhưng cũng làm quân Pháp e dè không dám đi luông tuồng nữa.

Lính Miên trong đồn Pháp dựa hơi chủ đi đến đâu là bắt gà bắt vịt của dân làm người ta càng căm ghét. Có lần hai tên lính đi đặt ống trúm bắt lươn ven suối, bị Việt Minh đuổi nà theo (họ không dám nổ súng vì sợ trong đồn ra tiếp viện) y ta chạy chân không bén đất nhưng bất ngờ quay lại bắn hú hoạ, lại trúng ngay anh Chiến, Đại Đội Trưởng VM. Nghe tiếng súng ở ven suối, mọt chê trong đồn câu ra tới tấp nên VM rút chạy đâu có biết chỉ huy mình nằm lại. Xe tăng của Pháp chạy ra rồi lát sau cột cẳng xác chết kéo lệt xệt đằng sau xe, ai nhìn thấy cũng phải sợ.

Tuần sau để trả thù, VM phục kích bắn trưởng đồn người Pháp, ông ta chạy về đến gần đồn nhưng vì mất máu quá nhiều, ngồi dựa lưng vào gò mối trong lô cao su mà chết, hôm sau lính mới kiếm được khiêng xác về.

Chiến tranh càng ngày càng dữ dội, dân chúng bị kẹp giữa hai gọng kìm càng ngày càng khổ, cái đói đi kèm theo cái rét.

Đến khi được năm đứa con thì bố trước tôi mất.
Có lẽ mẹ tôi ngày ấy còn xinh đẹp lắm hay sao, mà ba ruột của tôi là một thầy Xu trong làng đã nhờ mối mai là bà Cai Ninh hỏi cưới. Mặc dù hồi ấy ông goá bụa và đã có hai con, nhưng với chức vị đó, tầm tuổi đó, ông rất dễ dàng cưới được con gái xinh tươi trong làng.

Chưa được bao lâu, cha ruột tôi lại bị bịnh gan mà chết năm 1953 (có lẽ tại vì mẹ tôi có nốt ruồi thương phu trích lệ), để lại cho mẹ tôi một trời ngao ngán với chín người con vừa chung vừa riêng và một cái bụng bầu!

Ba tôi họ Dư, tên là Có mà khi chết đi trong nhà không còn gì đáng gọi là của cải, má tôi phải xay bột làm bánh tráng, vắt bún, nấu rượu, nuôi heo .... Bà chở từng cần xé lớn hàng hoá trên chiếc xe đạp đòn dông mà chạy vèo vèo, từ làng này qua làng kia, trên con đường đá đỏ dưới tầng cao su xanh lá âm u, lúc nào cũng có con chó vá cao lớn thè lưỡi chạy theo xe để bảo vệ chủ. Con chó này ba tôi nuôi khi còn nhỏ xíu và nó bằng tuổi tôi. 

Các anh chị tôi hết còn là cậu ấm cô chiêu con của thầy bà, phải bỏ học hết mà đội thúng đi bán hàng cho những người dân của ba tôi trước đây. Họ tội nghiệp mà mua hàng nên mẹ con tôi cũng sống đắp đổi qua ngày. Chúng tôi hồi đó đứa nào cũng bụ bẫm trắng trẻo nên có nhiều người muốn xin làm con nuôi, nhưng mẹ tôi như một con gà mẹ, xù lông xù cánh bảo bọc đàn con, nuôi cho đến khi khôn lớn.

Mấy năm sau mẹ tôi dẫn ba chị em tôi đi Hố Nai tìm họ hàng vì nghe có nhiều người Bắc di cư vô ở đây. Thật là may mắn khi mẹ tôi tìm gặp lại người bác họ, ông nói nhà cháu đông cả chục đứa trẻ như thế mà sống nơi sở mỏ vậy thì khổ lắm, gia đình các con của bác đang tìm về Rạch giá vì chính phủ đang cấp ruộng cho dân. Mẹ tôi xuống tới nơi thì ruộng đã cấp hết rồi, vả lại gia đình tôi không phải là dân di cư nên phải bỏ tiền túi ra mà mua ruộng. Chúng tôi về sống chung trong dinh điền Cái Sắn và không bao lâu giống y hệt như họ từ áo quần, cách sinh hoạt đến giọng nói quê mùa.

Cách đây sáu năm, khoảng 1998, mẹ tôi đã hai lần đi thăm mấy người con gái định cư ở Úc. Bà đi một mình cho dù không biết một câu tiếng Anh, thế mà cả chuyến đi lẫn về đều suông sẻ.

Con cháu ở nước ngoài cho khá nhiều tiền nên khi về đến VN bà đã đi chơi ngoài Bắc mấy lần, xây mồ mả tiên nhân, làm lễ giỗ và giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là cho tiền đóng giếng lấy nước sạch mà dùng. Chả là trước đây khi vào mùa nắng, dân làng chỉ dùng nước ao tù mà tắm giặt ăn uống, nên dân bị đau mắt rất nhiều. Có ai nói đến vấn đề vệ sinh thì họ nại ra câu ca dao:
-Toét mắt là tại hướng đình
Cả làng đều bị phải mình em đâu.

Bà chỉ tiếc một điều là khi con cháu lớn khôn, giúp đỡ tiền bạc để bà về thăm lại quê xưa, thì ông bà nội ngoại và anh chị em ruột thịt đều đã chết trong nạn đói năm Ất Dậu cả! Trong làng chỉ còn một người em họ là cậu Đông nay cũng đã già yếu. 

Cậu kể lại là làng mình những năm được mùa, đa số dân chúng cũng chỉ đủ ăn, dù là ăn độn, còn những năm hạn hán hay vỡ đê thì cái đói không sao kể xiết. Năm quân Nhật về làng bắt bỏ lúa mà trồng đay thì cái chết đã hiển hiện trước mắt. Họ lại thiếu than nên những đoàn tàu lửa từ miền Nam chở lúa ra tiếp tế đều bị hốt hết lúa để thay than chạy tàu!

Cậu Đông bị một cổ hai tròng nên nhảy ra đi lính.
Bùi Chu-Nam Định-Phát Diệm là vùng tự trị nên lệnh tiêu thổ không thi hành được ở khắp vùng như những nơi khác, thế nhưng khi quân Pháp và Tiểu đoàn 16 kéo về đóng đồn trong khuôn viên nhà thờ Thức Hoá thì Việt Minh đánh đồn.

Quân lính hai bên chết cũng nhiều mà dân chúng thiệt hại nhân mạng cũng lắm.(Bà xã Bát, mẹ của thầy giáo An dậy tôi học năm lớp nhì -Sau 1954 thầy vào Rạch giá - cũng chết trong đêm này vì lạc đạn.)

Hai chị em bây giờ đều móm mém, nhưng cậu lúc thì kể giọng rì rầm đau xót, lúc lại hồ hởi nói như quát mà mắt trợn tròn như sắp đánh ai:
-Chị đi được chừng bốn năm thì cơn đại hoạ đổ xuống làng mình, những người tràn về thành phố tha phương cầu thực (Ý cậu nói đi ăn xin") thì còn có cơ may sống sót, những người còn chút sĩ diện thì dành cầm bán ruộng đất cho mấy nhà giàu mua gạo mua cám mà ăn. Hồi đó cho dù là có họ có hàng đấy, mà họ ép giá rẻ như bèo. Trong họ hàng nhà ta cũng không thiếu người nhân lành, nhưng cũng nảy nòi ra những quân khốn kiếp. Chị biết không, bố mẹ chị vì yếu đuối nên chịu không nổi đói rét mà mất đi rồi, anh Bơ, đứa em trai út của chị trèo lên cây sung bẻ trái chát ngầm mà ăn, thế mà thằng Trương Túc trong họ mình lôi xuống đánh cho chết gục dưới gốc cây!!!

Sau 54, em không theo đơn vị mà vào Nam vì còn vướng vợ con ở nhà, em trở về quê thì người ta coi như hủi, không cho vào Hợp Tác Xã, mấy bố con có ba con trâu, em đành làm việc tự do mà có khối tiền. Nói để chị mừng cho em, những đất đai ông bà cha mẹ mình bị cầm bán ngày đó, nay em đã chuộc về được hết rồi. Người ta nói ở kiếp này gieo nhân nào thì kiếp sau gặt quả đó, không phải đâu chị, cái đám ác nhân đó gặt quả dữ ngay ở đời này nè, có còn đứa nào ra hồn, dám ngẩng mặt lên nhìn ai đâu, con cái chúng nó cũng chẳng ra gì, đứa hút sách đứa ngồi tù. Bây giờ em già rồi, mà vẫn chưa tha thứ cho tụi nó được.

Trước khi em đi lính, hình như là cuối năm 1946 thì được tin nhà máy đèn Hà Nội bị phá, cả thành phố tối om và quân Nhảy dù Pháp bắn nhau với Tự Vệ Thành lúc 8g tối. Thế là kháng chiến bùng nổ. Làng mình thì hầu hết là nhà lợp rạ lợp bổi, vách đất nên còn được để yên, nhưng các thành phố lớn hay thị trấn ven quốc lộ là bị lệnh Tiêu Thổ cho dân chúng phá xập hết. Đường từ bến phà Lạc Quần lên Nam Định bị đào lên thành hào và đắp mô nhiều nơi, gài lựu đạn trong đó. Dân chúng được lệnh ôm rơm rạ nhấn vào mấy nhà máy dệt, dẫy nhà xây mà đốt, sau đó cứ búa tài xồi thay nhau mà đập.
Khi xưa lúc xây thì lựa chọn từng cục đá viên gạch, từng cái kèo rui mè, thả giây mực cho bức tường ngay thẳng, còn bây giờ phá đi thì nhanh cấp kỳ, chỉ vài ngày là tan hoang hết.

Những nhà tiếc xót công lao bao đời thì tự mình gỡ xuống từng viên ngói, từng cây gỗ rồi lấy trúc đập dập néo lại, vứt xuống ao, dằn cối đá lên rồi kéo bèo tây hay bè rau muống mà phủ lên trên.

Cả thành phố Hà Nội lẫn Nam Định đều được lệnh đục thông tường từ nhà này qua nhà kia để làm thành giao thông chiến đấu.

Đảng phái hoạt động không được mạnh ở những làng nghèo vì dân chúng chỉ lo ăn cũng bở hơi tai, lấy đâu thời giờ mà nghe chuyện chính trị, nhưng cũng có những làng giàu như làng Ngọc Cục thì có rất nhiều trí thức, đối diện bên kia đường nhựa là làng Hành Thiện cũng thế.

****
Trước khi về Mỹ một tuần, mẹ tôi hỏi:
-Con Khâm qua Mỹ có sống gần tiểu bang con ở hay không"

Tôi nói:
-Gần, mà có chuyện gì vậy má, nó mới về thăm nhà cách đây hơn một tháng mà.
-Ngày mai hay mốt nó sẽ ghé đây chơi trước khi về bên ấy, nó sẽ kể con nghe việc nó đi tìm mộ chú nó, lạ lắm.

Khâm đến thăm chúng tôi, nó nhỏ hơn tôi có đến hơn mười tuổi, nó kể:
-Thế là sau hơn 20 năm em mới về lại quê cũ.

Qua Mỹ khi còn tuổi thiếu niên, rồi lo học hành, lấy chồng, đẻ con làm cho em tất bật suốt ngày này qua tháng nọ. Mấy năm trước, đã nhiều lần em định về, nhưng nhiều người cản, nói rằng mấy đứa trẻ còn nhỏ quá, để lại Mỹ cho bố nó coi cũng không được, đem nó về chỉ sợ bệnh tật bất ngờ cũng khổ mà riêng muỗi chích thôi cũng có khi thành ghẻ. Bây giờ con cái đã khá lớn thì tụi nó lại chẳng chịu theo về, thôi em đành về một mình vậy, vì cha mẹ ngày càng già, bảo lãnh qua đây cũng không chịu đi.

Từ ngày còn nhỏ, em đã nghe cha nhắc nhở nhiều lần về một miền quê ở tỉnh Nam Định, sau này khi con cái gửi tiền về tiếp tế thường xuyên thì cái niềm hoài cố hương của ông lại càng thôi thúc. Em đã có ý định về VN lần này nhất quyết bao xe cho cả nhà đi ra tới Bắc, trước là để bố mẹ em thăm quê, sau là du lịch suốt cõi Việt Nam.

Về Rạch giá được chừng một tuần thì gia đình em thuê một chiếc xe 12 chỗ. Đêm trước khi đi xa, cả nhà thao thức mãi, em tỉ tê nói chuyện với mẹ về những người họ hàng còn ngoài đất Bắc, ai sống ai chết. Bà nói bên ngoại mày thì vào Nam hồi 54 cả rồi, bên nội thì còn một bà cô em gái bố mày, bố còn một người em trai đi Quân đội Quốc gia nhưng chết rồi.

Lúc ấy bố mới lên tiếng:
-Chú của con đi lính Tiểu đoàn Khinh binh và cuối năm 54 di chuyển vào Nam bằng quân xa. Khi gia đình mình vào đến trại Ba Bèo ở Bến Tre, bố có ngược lên SG hỏi coi chú ấy nay đóng quân ở đâu, họ trả lời nếu thuộc Khinh binh thì rất khó tìm vì Trung Đoàn 50 đóng lại Quảng Trị, Trung đoàn 51 vô tới Đà Nẵng còn TĐ52 lại lọt tuốt vô miền Nam, những Trung Đoàn này không nhập vào Sư Đoàn nào mà lại là đơn vị biệt lập. Họ nói rất mờ ớ làm cho bố phải phát tức lên và có người còn nói hình như chú ấy chết rồi. Mãi cho đến khi mình về tới Cái Sắn này, bố có đi hỏi lần nữa, thì họ nói chú ấy chết ở một tỉnh gì ở miền Trung ấy, xa lắm và đã được đơn vị chôn cất tử tế. Họ có phát cho một số tiền tử tuất, nhưng hồi ấy nhà ta còn nghèo lắm, không có tiền để góp thêm vào mà đi bốc mộ, với lại hồi ấy bốc mộ rồi về chôn vào đâu khi mà họ đạo mình chưa có nghĩa trang. 

Mấy tháng nay, khi biết con sắp về và cho bố mẹ về thăm xứ Bắc, bố đã có nhờ một thầy tu xuất chỉ chỗ mộ chú con, thì nhân dịp này nếu kiếm được, bố có ý định cải táng chú về đây chôn cất cho gần họ hàng.

Khâm hỏi:
-Ông thầy tu xuất ấy trước cũng đi lính cùng đơn vị với chú con hay sao mà biết mộ chôn ở đâu"
-Không, ông ấy có đi lính đâu, nhưng danh tiếng lắm, chỉ đâu đúng đó và lạ nhất là ông ấy không lấy tiền, vì nếu nhận tiền lần nào thì lại chỉ trật lần đó.
-Thế ông ấy có nói mộ chú hiện ở đâu không"
-Khi bố đưa tên tuổi trên một miếng giấy ra, ông ấy cầu nguyện và nhắm mắt hồi lâu rồi nói: "Mộ được chôn ở làng Cân Sơn kế bên quốc lộ, quận Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi, trên ngôi mộ đó có một cây thánh giá còn ghi đầy đủ tên thánh và tên họ, một tay của cây thánh giá đã bị gẫy nhưng còn đong đưa vì dính bằng một cộng giây sắt, giây này là cốt sắt của cây thánh giá xi măng.

Chuyến đi ra, cả nhà ghé Nha Trang tắm biển, hôm sau xe đi sớm nhưng khi tài xế nói đây là vào địa phận tỉnh Quảng Ngãi thì trời đã khuya lắm rồi nên Bố em nói chuyến vô rồi hãy hỏi thăm.

Khi qua khỏi Đà Nẵng, Huế thì đi vào vùng đất cát trắng khô cằn, xe quẹo trái để vô linh địa La vang, cả nhà muốn vào thăm vì ước ao đã lâu được nhìn thấy tận mắt nơi Đức Mẹ đã hiện ra, bố mẹ em khấn nguyện cho chuyến đi được bằng an và xin cho tìm được mộ của chú .. Trời mùa hè oi bức, hàng cây bạch đàn héo rũ dưới ngọn gió Lào, tiếng gà eo óc gáy trưa lại càng tăng thêm nỗi thê lương khi nhìn thấy ngôi giáo đường đổ nát. Mọi người quì đọc kinh trước tượng Đức Mẹ bồng con chỉ một lát mà mồ hôi tuôn như suối nên phải lên xe rồi mở máy lạnh tối đa. Vài giờ sau là xe qua khỏi thành cổ Quảng Trị, qua những địa danh mà em đã nghe từ hồi còn nhỏ qua những bài hát: Cầu Ái Tử, Đông Hà, Gio linh v v ... rồi tới giòng sông Bến Hải và cầu Hiền Lương.

Ghé lại thăm làng xưa ở Nam Định, bố mẹ em cảm động, lòng thổn thức lắm, nhưng khi rời làng thì họ cảm thấy thất vọng tràn trề về tình cảm và nếp sống, suy nghĩ của họ hàng thật khác xưa.
Tuy chán nản nhưng cả nhà cũng muốn đi tiếp ra tới Hà nội và Vịnh Hạ Long cho bõ một chuyến đi xa.
Trở về tới Quảng Ngãi, chúng em nghỉ ở đây một ngày. Thành phố hào nhoáng nhờ dẫy khách sạn đẹp đẽ ở ven sông Trà Khúc, mà khách trọ hầu hết là chuyên gia nước ngoài làm ở nhà máy lọc dầu và Khu Công nghiệp Dung Quất. Sau khi hỏi thăm chi tiết về Sa Huỳnh thì xe chạy xuôi vô Nam cho đến gần tỉnh Bình Định. Rất may mắn khi bố hỏi thăm một người trung niên bán quán dọc đường, ông đã chỉ ngay ngôi mộ có những tảng đá xếp lên trên, với cây thánh giá xiêu vẹo, một tay gẫy gập vẫn còn hàng chữ: Phê rô Tống Viết Bường.

Tuy ông nói giọng địa phương rất khó nghe, nhưng mọi người cũng hiểu là ông ta nói mình còn lạ gì ngôi mộ này, hồi còn nhỏ ông thường chăn bò suốt ngày ở đây. 

Cũng phải có chút lễ mọn, một phong bì cầm vô xã nên họ dễ dãi cho phép bốc mộ ngay, họ còn chỉ dùm mấy người làm mướn nữa.

Năm mươi năm, từ 1954 đến 2004 -Nửa thế kỷ đã trôi qua- hình hài của người chiến sĩ năm xưa đã tiêu mòn gần hết, nhưng chiếc thẻ bài trên cổ còn nguyên như mới. Bố em nước mắt lưng tròng ôm chiếc tiểu sành bé nhỏ trong đựng vài mảnh xương bỏ vào cái bao, vỗ vỗ rồi nói nhỏ:
-Chú về ở gần anh chị cho đỡ lạnh lẽo.

Tôi ở VN đến hơn một tháng, ngày tôi đi, mẹ tôi muốn ra tận cổng mà đưa tiễn. Bà nói rằng không biết chuyến sau con về mẹ có còn không. 

Tôi gạt đi: Cái tai má dài và da nổi đồi mồi như vậy thì chắc sống lâu hơn trăm tuổi, sang năm con lại dẫn cả tụi nhỏ về thăm má.

Nguyễn Viết Tân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét