CÓ CẦU ẮT CÓ CUNG - CẢ HAI TƯƠNG ƯNG CHÌM TRONG ÁC NGHIỆP
Nếu muốn hiểu đúng về nghiệp và tái sinh, ta phải quán sát chúng trong ánh sáng của vô ngã. Chúng phản ánh vô ngã khá sống động, tuy nhiên phần đông thường không màng chi đến điều đó, mà thản nhiên nói về nghiệp “của tôi”, sự tái sinh “của tôi”.
Nhất là sự tái sinh “của tôi”, thật vô cùng kỳ quặc. Họ muốn nói về kiếp trước hay kiếp tương lai? Bạn có nghĩ nó sẽ lại là “tôi” nữa không?
Thật ra, ta không có nhiều lựa chọn khi sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, tuy nhiên điều nói ra cũng phát xuất từ quá trình tư duy của ta.
Người ta thường hỏi, nếu không phải là “tôi” thì cái gì đã tái sinh? Nghiệp như những hệ quả còn sót lại trong tâm thức tái sinh đã được sinh trở lại, nhưng chắc chắn là nó không có dáng hình hay hành động giống như người mà ta biết, không cùng tên, có thể không cùng giới tính, có thể không phải là người. Nó không có liên hệ gì khác hơn là nghiệp. Vì ta có thể thấy rõ ràng rằng con người tái sinh chỉ kết nối với kiếp sống trước qua nghiệp trong thức tái sinh, ta cũng có thể thấy rõ ràng như thế rằng nghiệp là vô ngã, không có danh tánh. Khi ta nói về nghiệp “của tôi”, đó thực sự là một chu trình không có tự tánh.
Nghiệp không phải là tội và hình phạt, dầu nó có vẻ là như thế, và là quan niệm được nhận định rộng rãi. Nhiều quan điểm mà chúng ta bám chặt vào đã ăn sâu vào tâm thức đến nỗi rất khó để ta chấp nhận điều gì quá khác biệt.
Thực sự ra nghiệp chỉ có nghĩa là hành động. Vào thời Đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ người ta đã hiểu như thế. Để thức tỉnh người nghe về nghiệp thực sự là gì, Đức Phật đã nói: “Nghiệp, này các Tỳ-kheo, Ta bảo là sự chủ tâm”. Đầu tiên nghiệp phát khởi trong tâm, rồi chuyển ra thành lời, thành hành động. Đức Phật đã cho nghiệp một định nghĩa mới, vì nó thường bị hiểu lầm, bị coi đó là tiền định.
Có nhiều vị thầy vào thời Đức Phật cũng đã dạy như thế, nhưng Đức Phật bác bỏ điều này, xem đó là tà kiến, là quan điểm sai lầm, dễ đưa đến các quả bất thiện. Tuy nhiên, quan điểm xem nghiệp như là tiền định vẫn còn phổ biến vào thời này cũng như ở thời Đức Phật còn tại thế.
Nó thường được phát biểu như sau: “Đó là nghiệp của tôi. Tôi không thể làm được gì”. Đó là niềm tin dại khờ nhất mà ta có thể chấp vào, vì ta đã đặt trọng trách của việc chủ tâm vào điều mơ hồ nào đó mà ta cũng chẳng rõ. Nói cách khác, ta không muốn chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình, là điều sai lầm thường xảy ra.
Khó gặp được người có trách nhiệm hơn là vô trách nhiệm. Phần đông nếu không thành công trong cuộc đời, họ không muốn chịu trách nhiệm cho việc đó. Từ sự bất hạnh của mình, họ đã nảy sinh ý nghĩ về một số phận đã được định sẵn. “Tôi có thể làm gì được chứ? Đâu phải lỗi tại tôi, là do nghiệp của tôi mà ra”.
Vậy những gì công phu tu tập có thể mang đến đều vô nghĩa? Đức Phật đã nói: “Nếu đúng là như thế, thì đâu cần sống có giới hạnh, cũng không cần phải được giác ngộ”. Đó là tà kiến mà ta trước hết phải nhanh chóng gạt bỏ ra khỏi sự suy nghĩ của mình, nếu ta muốn trau dồi đời sống tâm linh.
Nghiệp là chủ tâm, và sự chủ tâm là ở hiện tại, có nghĩa là nghiệp đang được tạo ra ngay bây giờ, trong từng giây phút tỉnh thức của ta. Tuy nhiên khi hai người thực hiện cùng một hành động, quả của hành động của họ có thể không giống nhau. Đây là điều Đức Phật đã nhấn mạnh. Vì nghiệp không thuộc tự ngã, nên nó chỉ tùy thuộc vào dòng chảy của các sự kiện, và chính chúng tự tạo ra quả nghiệp. Đó là vấn đề của nhân và quả. Tất cả chỉ có vậy, do đó đôi khi giáo lý của Đức Phật được gọi là giáo lý về nhân quả.
Đôi khi ta biết những người rất hiền từ, đến một con ruồi họ cũng không nỡ làm hại, vậy mà họ toàn gặp những bất hạnh.
Đôi khi ta biết những người rất hiền từ, đến một con ruồi họ cũng không nỡ làm hại, vậy mà họ toàn gặp những bất hạnh. Trong khi có những người rất khó thương, nhưng mọi điều may mắn đều xảy ra cho họ. Sao lại có thể như thế? Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào sự tích lũy các nghiệp tốt hay xấu, giờ chúng trổ quả trong tâm tục sinh của họ.
Đức Phật đã đưa ra một ẩn dụ như sau: “Nếu ta bỏ một muỗng muối vào ly nước, thì ly nước đó không còn uống được nữa. Nhưng nếu ta bỏ muỗng muối đó xuống sông Hằng thì nước sông chẳng có gì thay đổi”. Do đó nếu ta tạo nhiều nghiệp xấu mà chỉ có một ly nghiệp tốt; kết quả sẽ thảm hại biết bao. Nhưng nếu ta có cả sông nghiệp tốt để hỗ trợ bản thân, thì quả xấu sẽ chẳng lớn lao gì. Vì thế ta không thể so sánh nghiệp quả của con người với nhau vì ta không biết về quá khứ của họ.
Tâm thức tích lũy, tương tục mà ta mang theo từ kiếp này sang kiếp khác chắc chắn có ảnh hưởng đến kiếp sống này, nhất là nơi chốn ta sinh ra, trong hoàn cảnh nào, trong gia đình nào. Đức Phật đã cho ta một ẩn dụ như sau: “Nếu có một đàn bò bị nhốt trong chuồng, khi cửa chuồng mở ra, con mạnh nhất sẽ ra trước. Nếu không có con bò nào như thế, thì con đầu đàn sẽ ra trước; nếu không có con nào như thế thì con gần cửa nhất sẽ ra trước. Nếu không có con nào như thế, thì tất cả sẽ cố chen ra cửa cùng một lúc”.
Ẩn dụ này mô tả những giây phút cuối của tâm thức trước khi chết. Vì cái chết có thể xảy ra cho bất cứ ai không kể tuổi tác, cho nên việc chuẩn bị cho cái chết ngay bây giờ là một điều khôn ngoan.
Ý nghĩ sau cùng lúc hấp hối sẽ ảnh hưởng đến thức tái sinh để đưa ta đến nơi ta sẽ tái sinh. Ta có thể so sánh điều đó với việc trước khi đi ngủ, ta nghĩ là sẽ thức dậy lúc bốn giờ sáng hôm sau. Phần đông chúng ta có thể dễ dàng thức đúng như thế. Và ý nghĩ cuối cùng trước khi ngủ trở thành ý nghĩ đầu tiên khi thức dậy.
Khi chết cũng giống như thế, chỉ khác là khi tái sinh ta sẽ có một thân mới, khác với thân hiện tại. Phần đông sẽ tái sinh với thân người, trừ khi nghiệp ác của họ quá lớn, khiến họ không thể trở lại thành người. Dầu ai cũng muốn được tái sinh vào cõi chư thiên, nhưng phần đông có lẽ đều trở lại kiếp người.
Ý nghĩ cuối cùng trước khi chết thường liên quan đến trải nghiệm gì nổi trội nhất trong kiếp sống này. Thí dụ nếu ta giết người thì đó sẽ là một ký ức hằn sâu trong tâm, và có thể là điều ta nhớ đến trước lúc ra đi. Hoặc nếu ta có công đức xây chùa, tu viện thì đó cũng có thể là một ký ức mãnh liệt. Hoặc việc ta luôn biết giữ gìn giới hạnh cũng có thể là ý nghĩ cuối cùng ở giờ phút lâm chung. Tóm lại, bất cứ điều gì mãnh liệt nhất trong tâm thì điều đó dễ phát khởi lên nhất. Nếu không thì những gì ta thường nghĩ đến sẽ xảy ra. Thí dụ nếu ta thường bực bội, sân si, thì điều đó sẽ hiện ra trong tâm. Trái lại, nếu ta có lòng thương yêu, từ bi, hay giúp đỡ người khác thì những ý nghĩ đó sẽ xuất hiện.
Nếu không có thói quen suy nghĩ gì đặc biệt, thì điều gì xảy đến ở các cửa giác quan vào lúc lâm chung sẽ lãnh phần ưu tiên. Giác quan cuối cùng ra đi là thính giác. Do đó, phần đông các tôn giáo đều có những bài kinh tụng, hát tụng do các vị sư hay các tu sĩ thực hiện để giúp người sắp ra đi có những ý nghĩ cuối cùng hướng thiện. Nếu các tâm hành trước phút lâm chung thiện lành thì sự tái sinh sẽ được tốt đẹp. Điều đó không có nghĩa là các nghiệp quả khác sẽ biến mất. Nó chỉ có nghĩa là những gì bộc phát ở giờ phút lâm chung sẽ có một số ảnh hưởng đến sự tái sinh của ta. Do đó những tư tưởng cuối cùng trước khi lâm chung vô cùng quan trọng.
Nếu bạn là người rất rộng lượng, đó có thể là ý nghĩ cuối cùng của bạn. Do đó, việc nhắc nhở cho người sắp ra đi về những điều thiện lành họ đã làm trước đây được coi là vô cùng ích lợi. Thí dụ như sự rộng rãi của họ; việc họ đã nuôi dạy con cái thành đạt; lòng tử tế, vân vân, vì người thế tục thường hay có những ăn năn, hối tiếc trước lúc ra đi. Chỉ mới gần đây người ta mới nhận thức rằng chết cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống, dầu người Tây phương không tin vào tái sinh.
Ai cũng quá sốt sắng, quan tâm đến sự có mặt của em bé mới sinh, vì em bé đó sẽ ở bên họ một thời gian dài và sẽ là một thành viên quan trọng trong gia đình. Nhưng ít ai để ý đến giây phút cận tử, vì theo họ, khi người chết rồi thì xong, chấm dứt. Giờ người ta hiểu rằng đó không phải là cách đối xử tốt đẹp đối với người ra đi.
Hiện nay ở Tây phương cũng có nhiều bệnh viện dành cho những người bị bệnh chờ chết hay người sắp chết. Ở đó người ta chú tâm nhiều đến các trạng thái tâm, để làm giảm bớt hay diệt trừ sự sợ hãi, lo âu trước cái chết. Rất ít người ở Tây phương tin vào tái sinh, dẫu thế, chết cũng được coi là việc rất quan trọng.
Một yếu tố nữa cũng làm ảnh hưởng đến kinh nghiệm cận tử của chúng ta. Đó là hiện nay chúng ta khá tiến bộ về kỹ thuật, nên trong một số trường hợp, người đã chết lâm sàng, có thể hồi sinh nhờ vào các phương tiện tối tân trong các bệnh viện ở phương Tây. Có người đã nói với các bác sĩ về sự trải nghiệm “cái chết” của họ.
Một số bác sĩ, nhất là bác sĩ Moody, đã viết về các hiện tượng này. Nét nổi bật của các câu chuyện kể, là các khía cạnh quan trọng gần như giống hệt nhau. Thêm một ghi nhận về trạng thái vô ngã (anatta). Tất cả, không ngoại trừ ai, đều rất tự tại với “cái chết” của mình, và hầu như không muốn trở lại trần thế. Có người tỉnh lại tỏ thái độ giận dữ với bác sĩ vì đã sử dụng phương tiện tân tiến trong việc thiết lập lại dòng sinh tục cho họ.
Tất cả các trải nghiệm đều liên quan đến một luồng ánh sáng rực rỡ, chứa đựng tâm hoàn toàn tỉnh thức, nhưng thiếu thân. Mọi người đều có thể thấy chính thân họ đang ở trên giường bệnh, rồi tiến tới luồng ánh sáng đó, trong lúc hoàn toàn ý thức đến những gì đang xảy ra, kể cả việc quan sát các bác sĩ đang làm việc. Sau đó họ tự rời khỏi bệnh viện để tiến vào một không gian của hạnh phúc, tĩnh lặng và an lạc. Có người còn nhắc đến những người họ gặp gỡ. Phần đông tả về một người đặc biệt là ‘nguồn sáng’. Trong các câu chuyện kể không có biểu tượng của bất cứ tôn giáo nào nhưng chúng rất giống nhau, một số hoàn toàn trùng lặp. Khi những cuốn sách như thế được nhiều người biết đến thì giây phút cận tử mới được coi là quan trọng.
Trong năm điều mà Đức Phật dạy ta phải quán tưởng hàng ngày là ai cũng phải chết. Đức Phật thuyết về giây phút cận tử là vô cùng quan trọng, do đó ta cần phải suy gẫm về chúng ngay bây giờ, chứ đợi đến khi gần chết thì quá muộn. Những suy nghĩ thiện lành của ta đều liên quan đến các tâm từ, bi, hỷ, xả.
Nếu ta khởi phát các tâm này ngay bây giờ, để tạo thành thói quen thì ta có thể mang chúng theo đến tận giờ lâm chung. Như thế, ta không những có thể chắc chắn về một sự tái sinh tốt đẹp, mà chí ít cũng được sự an bình, hạnh phúc ngay trong kiếp sống này. Điều đó giúp ta dễ có điều kiện tu tập trở lại.
Nếu ta sinh ra trong một gia đình quá nghèo khó, không đủ ăn, thì khó thể có cơ hội ngồi xuống hành thiền, vì trong gia đình nghèo, ai cũng phải lao động cật lực để kiếm sống. Hoặc nếu ta tái sinh trong một xã hội mà thiền không hiện hữu, thì cũng khó để ta tiếp tục thực hành. Do đó, nếu ta đợi đến lúc già, lúc sắp chết để suy nghĩ đúng đắn, là quá dại khờ. Suy nghĩ đúng đắn bao gồm việc biết tâm hành của mình, qua chánh niệm và chú tâm.
Sự có mặt của ta trên trái đất này rất ngắn ngủi - ngay cả 70 năm cũng không phải là dài lâu - nên ta có thể nghĩ về mình như là một vị khách được mời đến để biểu diễn, lúc nào cũng chờ đợi được cổ vũ. Dĩ nhiên điều đó sẽ khiến cuộc sống thêm khó khăn. Đầu tiên là ta cảm giác sợ sân khấu. Không biết mình có diễn xuất tốt hay không? Có được vỗ tay tán thưởng không? Nếu không, ta sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Biết mình chỉ là người khách diễn tuồng trên trái đất này là suy nghĩ chân chính, nhưng chờ đợi được vỗ tay tán thưởng là một tà kiến. Nếu ta tự biết mình đã cố gắng với tất cả khả năng, ta không phải đợi ai tán thưởng. Ta luôn có chủ tâm đúng đắn. Đó mới là điều đáng kể nhất, vì sự chủ tâm hướng đến điều thiện liên quan không chỉ đến bản thân mà cả người chung quanh. Bớt quan tâm đến bản thân sẽ giúp ta có thể quan tâm đến người.
Chúng ta không được xao lãng việc học Pháp và thực hành thiền, vì chỉ khi bản thân ta đã tiến bộ đến một mức độ nào đó, ta mới có thể giúp đỡ người khác, nếu không là ta đã hành động trong vô minh, sẽ đem lại những kết quả không tốt.
Nếu ta quá quan tâm đến sự tái sinh sắp tới của mình, thì ta thực sự đang sống trong mộng. Vì người đang tạo ra nghiệp hiện tại không phải là người sẽ lãnh quả. Sự kết nối duy nhất chỉ là những gì còn sót lại của nghiệp, là quả của nghiệp (vipaka). Ngay cả sự nối kết này cũng rất mong manh vì ta có thể phá vỡ các mắt xích. Nếu ai đó đã tạo nhiều nghiệp xấu nhưng trong kiếp tái sinh lại tạo nhiều nghiệp tốt hơn, thì các quả xấu có thể không bao giờ tựu thành trái, ngược lại cũng thế.
Thí dụ như Angulimala (Vô Não) đã giết 999 mạng người mà vẫn có thể trở thành A-la-hán, vì ông đã được trở thành đệ tử của Phật, được sống trong tu viện của Đức Phật, nơi mà nghiệp xấu của ông không có cơ hội trổ quả. Tuy nhiên, ngài Mahamoggallana (Đại Mục-kiền-liên), dầu đã là một A-la-hán, vẫn bị kẻ cướp giết và tán xương ngài ra tro, do nghiệp xấu trong quá khứ.
Chúng ta khó thể thiết lập một thống kê tương ưng giữa nghiệp thiện với các tình huống có thể xảy ra, vì ta không có quyền hạn gì đối với người sẽ kế thừa nghiệp mà ta đã làm trong kiếp sống này. Nhưng hiện tại làm việc thiện, sẽ mang đến kết quả ngay, đó là hạnh phúc và niềm vui trong tâm, và thường cũng là hạnh phúc cho người. Nếu ta có thể mang hạnh phúc đến cho người, thì đó cũng là nhân để ta được có niềm vui.
Không ích lợi gì để nghĩ về nghiệp trong quá khứ hay nghiệp sẽ tạo trong đời sống tương lai. Không ai biết được gì về kiếp sống tới, hay nhớ được gì từ kiếp đã qua. Vậy thì lo lắng về chúng để làm gì? Chỉ có giây phút này, ngay đây, là quan trọng. Quá khứ thì giống như một giấc mộng và tương lai thì chưa tới. Khi tương lai thực sự xảy ra, thì nó luôn là hiện tại. Ngày mai sẽ không bao giờ đến; khi nó đến, nó được gọi là hôm nay. Ta không thể sống trong tương lai hay quá khứ. Ta chỉ có thể sống ngay trong giây phút này. Nếu ta thực sự chú tâm đến từng giây phút một, ta sẽ có thể hành thiền tốt. Ta sẽ không nghi ngờ gì về vô thường. Thực ra ta còn có thể nhìn thấy điều đó thật rõ ràng, nhờ vậy ta có thể buông bỏ tất cả mọi bám víu, chấp chứa.
Chúng ta có thể quán chiếu như thế này: “Tôi có sử dụng mỗi giây phút sống một cách tốt nhất không?”. Nếu đã tạo ra nghiệp xấu trong quá khứ, ta có thể nhanh chóng thực hiện một số việc thiện. Đó có thể là điều đáng giá duy nhất mà quá khứ có thể mang đến cho ta. Nếu không, tính chất nhanh chóng, hiệu quả của vô thường sẽ khiến ta tách rời khỏi các ý nghĩ, lời nói và hành động một cách nhanh chóng đến nỗi ta không thể nhớ chúng, nói gì đến chuyện giữ chúng lại.
Vậy mà ta lại cố giữ người khác lại, chấp vào sự suy nghĩ, quan điểm và ý kiến của ta; chúng ta bám víu vào thân này, vào các thân hành, tâm hành sai lạc, và cố biến chúng thành thường hằng. Điều đó là không tưởng, không thể thực hiện, vì chỉ có từng giây phút này. Với đồng hồ kỹ thuật số, ta có thể dễ dàng thấy từng giây phút đến rồi đi như thế nào. Thử quan sát đồng hồ trong năm phút để cảm nhận rằng năm phút giây quý báu của cuộc đời bạn đã qua đi. Quá khứ bị lãng quên, chỉ trừ một vài sự kiện nổi bật, bằng không nó đã qua mất rồi.
Điều đó cho ta thấy rõ ràng rằng chúng ta chỉ là những dòng chảy, không có thực thể. Do nhận xét sai lầm về thực tại một cách hoàn toàn vô căn cứ, ta cho là nó có thực thể và sống dựa vào đó. Giống như nhà hát tuồng, một sáng tạo của chúng ta, nơi các nghệ sĩ vận xiêm áo, nói lời thoại và tin rằng đó là cuộc sống thực. Chúng ta muốn nhà hát mãi sáng đèn, nhưng không thể được, vì mỗi người đều có nỗi khổ không thể diệt trừ bằng sự bất cần hay vô minh. Ta chỉ có thể làm điều đó bằng cách thay đổi quan điểm, ý thức.
Sự tạo nghiệp phát khởi từ trong tâm. Các tâm hành tạo ra nghiệp của ta. Nếu không thể làm chủ tâm, ta khó tránh khỏi việc tạo ra các nghiệp xấu. Tâm luôn có nguy cơ nghĩ đến những điều bất thiện. Các trạng thái tâm tiêu cực không thể kể xiết: “Tôi không thích, không thể chịu đựng nổi; tôi sợ, tôi chán…”. Tất cả đều là những trạng thái của tâm sân. “Tôi muốn mua, muốn giữ, muốn làm mới”, cũng là nghiệp xấu, liên quan đến tâm tham. Tất cả đều từ tâm phát khởi.
Rất ít người chịu quan sát tâm. Họ nghĩ rằng điều đó khó làm, khá mệt. Nhưng tạo ra nghiệp xấu còn mệt mỏi hơn, vì quả sẽ nặng nề, khó chịu. Rất ít người có được sự sôi nổi bên trong, dấu hiệu của niềm vui tự thân.
Đa số nản lòng do tâm tiêu cực gây ra, chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Hãy quan sát tâm bạn.
Hãy đoan chắc rằng bạn luôn thực hành Tứ chánh cần. Đó là điều tốt nhất mà bạn có thể làm cho bản thân, để đạt được nghiệp lành.
Từ ý phát sinh ra lời nói và hành động. Ta không thể nói mà không có nghĩ trước, không thể hành động mà không có rắp tâm để làm điều đó. Dầu đôi khi dường như ta nói hay hành động một cách bản năng đến nỗi ta không ý thức rằng ý nghĩ đó đã chạy qua đầu. Nhưng như thế không có nghĩa là chúng không có mặt trong tâm trước. Nó chỉ có nghĩa là ta thiếu chánh niệm và hiểu biết rõ ràng. Tâm là tài sản quý báu nhất mà ta được sở hữu. Không có vàng bạc, châu báu nào có thể so sánh với nó, vì tâm chứa đựng hạt giống giác ngộ. Nếu ta không sử dụng nó đúng mục đích là ta đã dại khờ đem chôn châu báu dưới đất đen. Tuy nhiên, chúng sanh thường làm thế, chính vì họ không được khuyên bảo ngược lại.
Khi nhận thức được rằng ta sở hữu tâm châu báu quý giá này, ta sẽ gìn giữ để nó không bị trầy rụa, lấm láp, đạp dẫm, làm mất sự sáng chói của nó. Ngược lại ta gìn giữ sao cho nó mãi được thanh khiết, chiếu sáng để tạo ra các nghiệp thiện lành. Đức Phật dạy rằng, hành động không phải là yếu tố quan trọng nhất, mà chính là sự chủ tâm đằng sau đó. Ngay cả sự độ lượng cũng có thể phát xuất từ một động lực xấu. Thí dụ, nếu chủ tâm làm việc thiện để tích lũy công đức cho tương lai, thì điều đó khá ích kỷ. Nếu hành động đó được thực hiện vì lòng bi mẫn đối với những người thiếu thốn, thì mới là lý tưởng. Tuy nhiên, dầu có hành động với chủ tâm không thiện lành, thì bố thí vẫn tốt hơn là không. Vẫn có nghiệp lành trong hành động đó, vì người bố thí đã buông bỏ vật sở hữu của mình.
Người bảo vệ tâm cho ta, người đảm bảo rằng tất cả mọi việc ta làm đều với chủ tâm tốt đẹp là Chánh tư duy (chi thứ hai trong Bát chánh đạo), kim chỉ nam của ta. Nghiệp được tạo ra tùy vào tâm, và tâm thanh tịnh tùy vào thiền định. Nếu chúng ta hành thiền đều đặn, tinh tấn, dần dần ta sẽ nhìn thấy những gì diễn ra trong tâm một cách rõ ràng. Một số người hoàn toàn mãn nguyện nếu chỉ đạt được chút an lạc, dẫu thế đó cũng đã là một sự thuận lợi và tiến bộ. Nếu ta quan sát được tâm khi thiền tập, ta cũng sẽ tập được cách quan sát tâm trong đời sống hàng ngày. Rồi thì ta sẽ có nhiều cơ hội để tạo ra các nghiệp thiện lành.
Nếu ta đã nhàm chán với cái vòng luẩn quẩn của được, mất, khen, chê, thành công, thất bại, hạnh phúc và khổ đau (tám pháp thế gian), thì ta cần phải hạ quyết tâm nỗ lực buông bỏ tham ái, bám víu. Nỗ lực này được thiền tập hỗ trợ, nhưng không chỉ có thế. Thiền là phương tiện để giúp ta có khả năng loại trừ các chủng tử tham, sân trong ta. Quy trình thiền tập đem lại cho tâm sự sáng suốt để nhận ra các hạt giống này trong ta, để ta có thể có cách đối trị chúng.
Bổn phận của chúng ta trong kiếp sống này với tư cách là một chúng sanh có đầy đủ giác quan, thân không khiếm khuyết, có duyên lành được nghe Chánh pháp, là bảo vệ tâm và chứng nghiệm được chân tánh của tâm là thuần khiết, chói sáng, nhu nhuyến. Với tâm như thế ta có thể tiến sâu vào đạo, nơi ta sẽ thấy không có ai làm chủ tâm này.
(https://phatgiao.org.vn)
Konrad Adenauer là thủ tướng đầu tiên của Tây Đức từ năm 1949 đến 1963 và là nhà lãnh đạo đầu tiên của CDU, đảng mà ông đồng thành lập vào năm 1946 và sau đó trở thành một thế lực thống trị trong chính trường Đức.
Mặc dù nhậm chức khi đã 73 tuổi, Adenauer thể hiện kỹ năng chính trị xuất sắc. Ông lãnh đạo Tây Đức từ đống đổ nát của Thế chiến II trở thành một đất nước thịnh vượng và có quan hệ mật thiết với Pháp, Anh và Mỹ – những kẻ thù của Đức trong chiến tranh. Trong những năm cầm quyền của ông, cùng với Bộ trưởng Kinh tế Ludwig Erhard, Tây Đức đã lấy lại được sự ổn định và thịnh vượng về kinh tế, trong thời kỳ được gọi là “phép màu kinh tế”. Chính sách đối ngoại của ông hướng về phương Tây, với việc đưa đất nước trở thành một thành viên của NATO.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét