- Tiêu dùng thông minh thời thực phẩm bẩn


Rau trồng trên sân thượng (ảnh minh họa)

Tình trạng thực phẩm bẩn đang ngày càng lộ diện với những diễn biến ngày càng phức tạp. “Tự cứu mình” vẫn là phương án tối ưu nhất trước khi các nhà quản lý có những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn "quốc nạn” này. 

Chỉ dùng sản phẩm hữu cơ có chứng nhận
Thực phẩm hữu cơ có giá đắt nên nhiều người kinh doanh lợi dụng sự thiếu hiểu biết người tiêu dùng để trà trộn một cách tinh vi sản phẩm thường vào sản phẩm hữu cơ. 

Cũng chỉ ở Việt Nam mới tràn lan các loại thực phẩm hữu cơ tự phong, không ai giám sát quy trình sản xuất và chế biến. Thực phẩm hữu cơ được chứng nhận trong nước hiện nay chủ yếu thuộc về nhóm sản phẩm rau củ, nằm trong các dự án phát triển nông nghiệp của một số tổ chức phi Chính phủ, rất hiếm sản phẩm trong nước đạt được các tiêu chuẩn hữu cơ toàn cầu. 

Chuỗi cửa hàng cung ứng thực phẩm hữu cơ lại chỉ tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, với tình hình cấp chứng nhận như trên, thực phẩm hữu cơ thực sự không có nhiều, người tiêu dùng chủ yếu vẫn phải mua trực tuyến sản phẩm nhập khẩu qua các trang mạng. 

Sản phẩm thường được đặt mua là các loại hạt, sữa, thảo dược, trái cây, gia vị. “Một hãng có nhiều dòng sản phẩm khác nhau, có hàng thường và hàng hữu cơ, bởi vậy không thể mua hàng theo hãng mà cần lưu ý từng sản phẩm cụ thể có hữu cơ hay không. 

Có một số nhãn hiệu đăng ký Registered Trademark ® hay TM hay “hàng hiệu” như Fukuoka, trên sản phẩm không in chứng nhận nhưng thương hiệu lại có dòng chữ hữu cơ (organic)”, đó là kinh nghiệm khi tìm mua nguồn hàng tốt mà chị Liên Hương, một người am hiểu về thực phẩm hữu cơ chia sẻ. 

Theo chị Liên Hương, kiến thức về tiêu dùng hữu cơ còn mới mẻ đối với đa số người tiêu dùng Việt Nam, do đó trước khi sử dụng thực phẩm hữu cơ cần tìm hiểu về chứng nhận hữu cơ của các tổ chức pháp nhân uy tín như thực phẩm có nhãn hiệu của AB (Pháp), EU Organic Bio (Liên minh Châu Âu), 100% Organic USDA (Mỹ)… 

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện sử dụng thực phẩm hữu cơ, ngay cả những người có điều kiện kinh tế, bởi thực phẩm hữu cơ không chỉ đắt đỏ mà còn khan hiếm và không đa dạng, vẫn chủ yếu để ưu tiên cung cấp dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Người tiêu dùng thông thái còn có những cách rất sáng tạo để “tự cứu mình” như sau… 

Lập nhóm tiêu dùng
Thực tế cho thấy, trong chuỗi cung ứng thực phẩm ở Việt Nam hiện nay, người tiêu dùng càng xa rời nguồn cung ban đầu càng không có cơ hội để giám sát các thông tin về an toàn vệ sinh. 

Một mô hình mới xuất hiện được nhiều người tiêu dùng rất hưởng ứng, đó là việc lập nhóm tiêu dùng để cùng sử dụng chung một nguồn cung ứng thực phẩm sạch. Thành viên nhóm, hoặc chí ít người khởi xướng nhóm phải là người hiểu việc trồng trọt, chăn nuôi và tin tưởng vào nhà nông, các thành viên cam kết đặt hàng đều đặn để nhà nông chủ động lên kế hoạch cho mùa vụ. 

Chia rau cho nhóm tiêu dùng đặt trước (Ảnh: Hồng Vy)

Một nhóm bạn ở Hà Nội đã lập nhóm đặt rau của vợ chồng bác Huệ, bác Thuận là nông dân trồng rau sạch không hóa chất ở Ba Vì, Hà Nội. Nhóm chỉ vài người, càng gọn gàng càng dễ duy trì hoạt động và dễ nhân rộng. Nhóm hoạt động trên tinh thần đồng hành với những khó khăn của nông dân, không vì những sự cố ngoài ý muốn như rau dập héo trong quá trình vận chuyển mà bỏ nhóm, sử dụng rau củ theo mùa, có gì dùng nấy. 

Lập nhóm thuê nông dân và bao tiêu toàn bộ rau cỏ người nông dân ấy trồng ra, mặc dù chỉ là giải pháp ra đời mang tính tình thế, song về tính chất, cũng tương tự như một mô hình sản xuất tiêu thụ rất thú vị xuất hiện ở Pháp, đó là những người nông dân trong Hội AMAP (hội gìn giữ nông nghiệp nông thôn truyền thống). Tham gia vào AMAP, người tiêu dùng hứa trước vụ mùa 6 tháng là sẽ mua rau quả, người nông dân sẽ biết được trước số khách hàng của mình là bao nhiêu và chỉ sản xuất lượng rau quả vừa đủ, để đổi lại, người nông dân cam kết tạo ra những sản phẩm chất lượng cao không dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Người nông dân vừa sản xuất, vừa kinh doanh và làm dịch vụ, người tiêu dùng cũng nhanh chóng được hưởng lợi mà không có sự lo lắng về chất lượng sản phẩm. 

Đối với sản phẩm chăn nuôi, có nhóm lập ra không cố định thành viên, gọi là hội đụng, khi tìm được nguồn hàng tin cậy mới kêu gọi thành viên tham gia hội đụng. Đến nay, hội đụng này đã tổ chức được hơn 140 lần đụng lợn, sản phẩm từ một trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ ở Sóc Sơn, Hà Nội. Trang trại ứng dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến của Nhật Bản với tiêu chí 5 không: Không sử dụng thức ăn công nghiệp, không có chất tăng trọng và hormone sinh trưởng, không chất tạo nạc, không chất bảo quản, không tồn dư chất kháng sinh. Sản phẩm đã được tổ chức EMRO (Nhật Bản) cấp giấy chứng nhận “Sản Phẩm Organic Pork, an toàn cho sức khỏe”. Hội đụng thường xuyên tổ chức tham quan trang trại cho các thành viên, nhờ đó họ có thể trực tiếp kiểm định môi trường chăn nuôi. 

Việc lập nhóm tiêu dùng không chỉ giới hạn trong phạm vi mua bán, các nhóm còn được hình thành thông qua mạng xã hội đã kết nối những người tiêu dùng có chung mối quan tâm nhằm chia sẻ thông tin về thực phẩm và kinh nghiệm tiêu dùng. 

Có những thông tin dinh dưỡng gây nhiều tranh cãi được bàn luận mổ xẻ như gạo nhiễm asen, dầu thực vật tinh luyện, sữa công thức, thực phẩm có nguồn gốc biến đổi Gen… Hoặc những thông tin về cơ sở chế biến thực phẩm bẩn, cửa hàng thực phẩm sạch nhưng bán hàng không rõ nguồn gốc để người tiêu dùng cảnh giác, những địa chỉ bán thực phẩm sạch đáng tin cậy để người tiêu dùng tham khảo… Số thành viên của các nhóm này rất đông đảo, phần lớn là các bà nội trợ tìm kiếm thông tin về thực phẩm an toàn cho con nhỏ. 

Từ những thông tin đa chiều được chia sẻ, người tiêu dùng đã có thêm cơ sở để chủ động lựa chọn nguồn thực phẩm chất lượng thực sự, bởi quảng cáo của các hãng thực phẩm không phải lúc nào cũng đi đôi với chất lượng, thậm chí vì lợi ích có thể lừa đảo người tiêu dùng. 

Tự cung tự cấp 
Ở nông thôn, tự cung tự cấp là điều dễ hiểu, nhưng việc bà trồng rau giữ 1 luống nhà ăn, ông nuôi lợn giữ 1 con không bán, anh chăn vịt dành vài con nhốt riêng, đó không phải là kiểu tự cung tự cấp thông minh. Bởi bà ta ông ta vẫn phải mua những thực phẩm thiết yếu khác bên ngoài, khả năng còn mua của nhau về ăn, đầy những nguy cơ đến sức khỏe, thì việc tự cung tự cấp chẳng có ý nghĩa nhằm bảo vệ bản thân khỏi thực phẩm bẩn, đó là chưa kể trường hợp ăn nhầm luống rau vừa phun thuốc để bán, cả nhà nhập viện! 

Ở thành phố, nhiều người tận dụng khoảng trống trên sân thượng, lan can, vỉa hè, bãi đất hoang để trồng rau quả cải thiện bữa ăn. Thậm chí, xuất hiện “siêu phẩm” vườn, ao, chuồng không chỉ trồng rau mà còn nuôi cá, chim, gà, lợn trên sân thượng gây kinh ngạc cho nhiều người. 

Trồng rau sân thượng là một xu hướng được nhiều gia đình lựa chọn, nhà có điều kiện thì đầu tư hệ thống thủy canh, tưới nhỏ giọt, chậu thông minh, nhà eo hẹp thì đơn giản chỉ trồng bằng thùng xốp, chậu nhựa. Những người cẩn thận hơn thì làm hệ thống chống thấm và đổ đất thành khoảnh trên sân thượng, hoặc trồng nào chậu đất nung. 

Các chuyên gia hữu cơ khuyên rằng rau sân thượng mặc dù không có hóa chất, song sẽ không đảm bảo giá trị dinh dưỡng và có nguy cơ nhiễm độc nếu trồng trong thùng xốp, thùng sơn, thùng nhựa tái chế, hoặc trong điều kiện ô nhiễm không khí… Rau sân thượng có an toàn hay không vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi, vậy nên để an tâm hơn, nhiều người quay trở về nông thôn mua hoặc thuê đất để tự trồng trọt chăn nuôi cung cấp cho gia đình và chia sẻ cho người thân. 

Tự cung tự cấp do đó đã góp phần nhen nhóm cho phong trào trồng trọt chăn nuôi thuận tự nhiên, nói không với hóa chất, phong trào ngày càng có sức lan tỏa, là dẫn chứng sống động để nhiều nông hộ chuyển đổi cách làm theo hướng sạch hơn. 
Việt Hà Tp.HCM


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét