Tùy tiện trong giáo dục, thiếu sự xử phạt nghiêm minh, đặt cái tôi quá lớn, thiếu rèn luyện và tính tự lập... là những nguyên nhân cơ bản khiến người Việt trẻ thất bại.
Trên đây là phân tích của Lê Phạm Phương Lan - giảng viên khoa tâm lý ĐH Nguyễn Huệ (Đồng Nai) - sau khi có nhận xét của một người Nhật “Khác Nhật, một số nhân viên người Việt thường giấu sai sót”.
Theo Phương Lan, nhận xét lời thật mất lòng này của cô Yukako Nitta đã phần nào phản ánh chân thực tính cách xấu của người Việt trẻ, để từ đó mỗi người phải nhìn lại mình, những gia đình trẻ nên xem lại cách giáo dục con cái.
Dưới đây là 4 nguyên nhân cơ bản từ giáo dục gia đình và tác giả mong rằng các bậc cha mẹ cũng rút ra cho mình những kinh nghiệm quý báu:
Tự do, tùy tiện trong giáo dục con cái
Một số cha mẹ vì thiếu quan tâm, bất lực, bế tắc mà để con cái phát triển một cách tự do, tùy tiện theo sự thích ứng của môi trường sống. Vì thế, dẫn đến phần lớn các em có thói quen hay ngang tàng, có vẻ tự lập nhưng lại liều lĩnh, coi thường pháp luật.
Từ đó, các em cũng khó hình thành được nét tính cách thật thà hay trung thực trong các mối quan hệ, thậm chí các em còn không hiểu được giá trị cốt cách của sự trung thực này. Có cha mẹ thì lại không mẫu mực, thường xuyên nói dối nên con cái cũng từ đó mà bắt chước làm theo.
Chẳng hạn, một ví dụ mà không ít cha mẹ người Việt mắc phải là: Khi có khách đến vì lý do nào đó mà không muốn tiếp khách nên thường bảo con cái ra nói với với người khách nọ là cha mẹ đi vắng để họ ra về.
Như vậy, đây chính là bài học “dối trá” mà vô tình trẻ lại được học từ chính cha mẹ mình, đó thật sự là sự phản chiếu trực tiếp đến sự lệch chuẩn của trẻ.