=> BẢN ĐỒ HÀNH TRÌNH TÂM LINH


https://theravada.vn/book/ban-do-hanh-trinh-tam-linh-thien-su-sayadaw-u-jotika/.
(Tốc độ chậm, huynh đệ click vào clip chọn bánh răng chỉnh nhanh/chậm)
  

CÒN SANH Y, CÒN HIỆN HỮU LÀ CÒN PHẢI KHỔ ĐAU

Mục đích của sự tu tập theo đạo Phật là để chấm dứt luân hồi tái sanh, chấm dứt sự hiện hữu dù bất cứ ở đâu dưới mọi hình thức nào, gọi là Vô dư Niết bàn, có nghĩa là không còn bất kỳ một lộ trình tâm nào nữa. Trong kinh Nikaya, Đức Phật cũng không bao giờ tán thán sự hiện hữu, bởi vì còn hiện hữu, còn tái sinh là còn Khổ:

Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít phân có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một ít nước tiểu có mùi hôi thúi… một ít nước miếng có mùi hôi thúi…. một ít mủ có mùi hôi thúi… một ít máu có mùi hôi thúi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Ta không tán thán về hiện hữu dầu cho có ít thôi, cho đến chỉ trong thời gian búng ngón tay.”
(Tăng Chi Bộ kinh – Anguttara Nikaya, Chương II – Hai Pháp, XVIII – Phẩm Makkhali, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Vậy tại sao còn hiện hữu là còn Khổ? Hãy Chánh Tư Duy để hiểu đúng sự thật về điều này với 2 đối tượng là kẻ phàm phu và các bậc thánh:

1. Đối với kẻ phàm phu:

Kẻ phàm phu được Đức Phật định nghĩa trong kinh Pháp môn căn bản là ” ít nghe, không được thấy các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không được thấy các bậc Chơn nhân, không thuần thục pháp các bậc Chơn nhân, không tu tập pháp các bậc Chơn nhân“, tức là những người không có văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ, không hiểu biết đúng như thật về pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và khéo léo thuyết giảng.

Đối với phàm phu, khi 6 loại tế bào thần kinh (Căn) tiếp xúc với thế giới (6 Trần) phát sinh 6 loại cảm giác (Thọ) và 6 tâm biết trực tiếp (Tưởng) ghi nhận các cảm giác đó thì Tà Niệm khởi lên kích hoạt những thông tin vô minh tà kiến trong kho chứa tâm thức nằm nơi ADN, tiếp theo Tà Tư Duy sẽ so sánh đối chiếu thông tin do Niệm kích hoạt với thông tin là cảm giác (Thọ) do tâm biết trực tiếp (Tưởng) ghi nhận mà phát sinh ý thức Tà Tri Kiến xác định đối tượng đó là dễ chịu (Lạc Thọ), khó chịu (Khổ Thọ) hay trung tính (Bất Khổ Bất Lạc Thọ), từ đó mà phát sinh thái độ yêu thích (Tham), chán ghét (Sân) hay tìm kiếm đối tượng khác dễ chịu (Si), và do Tham Sân Si như vậy mà đưa đến dính mắc ràng buộc, từ đó mà phát sinh Khổ. Lộ trình tâm sẽ diễn ra như sau:

Căn + Trần => Thọ – Tưởng => Tà Niệm => Tà Tư Duy => Tà Tri Kiến => Tham, Sân, Si => (Ràng buộc) => Khổ

Cụ thể hơn, khi ý thức xác định đối tượng được cảm nhận là dễ chịu, do vậy mà phát sinh thái độ yêu thích, vì yêu thích mà muốn nắm giữ đối tượng, muốn sở hữu, muốn nó bên mình mãi mãi, nhưng đối tượng đó chỉ là cảm giác, nó do duyên xúc mà phát sinh nên nó sinh lên rồi diệt đi ngay, sinh không từ đâu đến, diệt không đi về đâu, không một ai có thể điều khiển, làm chủ sự sinh diệt của đối tượng đó… vì vậy sầu bi khổ ưu não phát sinh nơi kẻ phàm phu, khổ này gọi là Hoại Khổ. Khi ý thức xác định đối tượng là khó chịu, nên phát sinh thái độ chán ghét, muốn xua đuổi, muốn tiêu diệt… vì vậy nơi nội tâm cũng phát sinh khổ, khổ này gọi là Khổ Khổ. Khi ý thức xác định đối tượng là trung tính thì lập tức phát sinh thái độ tìm kiếm một đối tượng khác dễ chịu để thay thế đối tượng trung tính đó, do vậy nơi nội tâm phát sinh khổ, khổ này gọi là Hành Khổ:

– Dễ chịu => Thích (Tham) => Ràng buộc => Hoại Khổ
– Khó chịu => Ghét (Sân) => Ràng buộc => Khổ Khổ
– Trung tính => Tìm kiếm (Si) => Ràng buộc => Hành Khổ

Như vậy, người phàm phu với 6 lộ trình tâm (6 Căn tiếp xúc 6 Trần) sẽ phát sinh 18 cái khổ nơi nội tâm, cộng với 1 cảm giác khó chịu trên thân nữa là 19 cái khổ.

* Đó là sự thật về nỗi khổ của nhân loại phàm phu nói chung xét theo lộ trình tâm, còn xét theo phương diện Tham Ái đưa đến Khổ gồm 3 Ái là Dục Ái (dục hỷ Dục lạc), Hữu Ái (dục hỷ Hữu), Phi Hữu Ái (dục hỷ Niết bàn) là như thế nào?

Vì tham ái hạnh phúc nơi dục lạc (vật chất và tinh thần) mà nhân loại đang chìm đắm trong khổ đau không bao giờ thoát ra được. Dù cả nhân loại đang nỗ lực để thay đổi hoàn cảnh sống từ hoàn cảnh khó chịu thành dễ chịu, nhưng dù có thay đổi để có hoàn cảnh tốt đẹp đến thế nào đi chăng nữa thì cũng chỉ cải thiện được 5 đến 10 % nỗi Khổ thôi, còn từ 90 đến 95 % nỗi Khổ nơi nội tâm do Tham Sân Si mà phát sinh thì vẫn y nguyên. Vì vậy trong các bản kinh Nikaya, Đức Phật đã nhiều lần khẳng định Dục lạc thế gian là “vui ít, khổ nhiều, não nhiều, và do vậy sự nguy hiểm lại càng nhiều hơn”, Ngài ví các dục như là khúc xương, như cây sai trái, như bó đuốc rơm, như đầu rắn hổ mang… Vì tham ái dục lạc mà biết bao nhiêu sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và các chất say diễn ra. Vì tham ái dục lạc mà xuất hiện biết bao nhiêu lừa đảo, cướp giật, bán dâm, lừa tình, buôn lậu, trốn thuế, cho vay nặng lãi. Vì tham ái dục lạc mà có biết bao nhiêu sự tranh đoạt: cha con tranh đoạt nhau, vợ chồng tranh đoạt nhau, tổ chức này tranh đoạt với tổ chức kia, quốc gia này tranh đoạt với quốc gia kia. Vì tham ái dục lạc mà trong lịch sử nhân loại đã xảy ra biết bao nhiêu cuộc chiến tranh tàn sát lẫn nhau, chưa bao giờ thế giới được 1 ngày yên ổn sống trong hòa bình. Vì tham ái dục lạc mà người ta sản xuất bao loại ma túy, chất gây nghiện, chất kích thích, chất tăng trưởng để đầu độc lẫn nhau… Như vậy, tham ái dục lạc đưa đến biết bao nỗi thống khổ cho loài người.

Vì tham ái hạnh phúc nơi sự sống, sự hiện hữu mà hễ khi có chuyện gì xảy ra đe dọa đến mạng sống, loài người rơi vào sợ hãi, lo lắng tột cùng. Rồi ốm đau, bệnh tật thì người ta phải lo lắng tìm thầy, chạy thuốc đến phải bán hết cả gia tài, thậm chí vay nợ để mong chữa được bệnh. Đó là Khổ. Thêm nữa, vì tham ái đối với sự sống, sự hiện hữu mà trong tiến trình chết, con người trở nên hoảng loạn, lo lắng, sợ hãi, căng thẳng đến tột độ, và do vậy mà phát sinh một trường năng lượng lớn để làm thoát ra khỏi cơ thể một dạng vật chất vi tế mang lưỡng tính sóng hạt, đó chính là Thức Tái sinh hay Hóa Sinh, để rồi con người phải chịu đời sống Hóa Sinh vô cùng thống khổ, các loại Hóa Sinh này trong kinh thường gọi là các loài chư Thiên, A tu la, Ngạ quỷ, Địa ngục tùy thuộc vào nghiệp (thông tin) đã tạo tác khi còn sống. Chính vì không hiểu được những điều đó mà nhân loại ai ai cũng đề cao sự sống, cho rằng sự sống là kỳ diệu, là nhiệm màu, là điều mà tạo hóa ban tặng, hiểu biết đó cũng chính là biểu hiện của tâm Hữu Ái.

Cũng do tâm tham ái đối với sự sống, sự hiện hữu chi phối mà biết bao nhiêu tôn giáo ra đời, và các tôn giáo cũng đều đề cao sự hiện hữu không có thân xác, chính là Phi Hữu Ái (còn gọi Vô Sắc ái hay Dục hỷ Niết bàn). Với mỗi tôn giáo khác nhau thì tên gọi khác nhau như cõi Niết Bàn, Thiên đường cực lạc, Tây phương cực lạc, linh hồn Đại ngã… nhưng nội dung thì cũng là nói đến sự hiện hữu mà không có thân xác. Chính vì tham ái đối với sự hiện hữu không thân xác mà phát sinh biết bao nhiêu loại tôn giáo với những pháp môn tu hành kỳ quái như khổ hạnh đày đọa thân xác, thậm chí có những người tử vì đạo sẵn sàng ôm bom tự sát với niềm tin sẽ được lên thiên đàng hưởng hạnh phúc sung sướng vô cùng.

Như vậy, chính vì những hiểu biết vô minh, tà kiến mà con người lúc nào cũng mong muốn sống, đề cao sự sống để rồi mãi chịu những nỗi thống khổ như trên không bao giờ chấm dứt. Đức Phật cũng đã nói rõ điều đó như sau:

“… Nhiều lần và nhiều lần,
Mệt sức và lao khổ.
Nhiều lần và nhiều lần,
Kẻ ngu nhập bào thai.
Nhiều lần và nhiều lần,
Lại sanh rồi lại chết.
Nhiều lần và nhiều lần,
Họ mang đến nghĩa địa.
Họ được đường giải thoát,
Không đưa đến tái sanh.
Bậc đại trí, đại tuệ,
Không sanh đi, sanh lại.”
(Trích Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập I – Thiên Có Kệ, [07] Chương VII, Tương Ưng Bà La Môn, Phẩm Cư sĩ, II. Udaya (S.i,173), Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

2. Đối với các bậc thánh

Đối với các bậc thánh, ta có thể xét với 2 đối tượng là bậc hữu học và bậc vô học (các vị A-la-hán)

Với bậc hữu học là những người có tu tập Bát Chánh Đạo, nhưng chưa đạt được mục đích cuối cùng của Phạm hạnh thì khi 6 Căn tiếp xúc 6 Trần phát sinh 6 Thọ và 6 Tưởng, có Khổ hay không còn tùy thuộc vào Niệm, vì “Niệm là người đánh xe” (Kinh Cỗ xe thù thắng, Tương Ưng Bộ kinh). Khi có Chánh Niệm, lộ trình tâm Bát Chánh Đạo siêu thế sẽ được khởi lên, vị ấy kinh nghiệm được trạng thái không có Khổ, gọi là Khổ diệt hay Niết bàn. Lộ trình tâm sẽ diễn ra như sau:

– Khi tu Chỉ, lộ trình tâm dừng lại ở cái biết trực tiếp (Tỉnh Giác) thì Khổ được nhiếp phục:

Căn + Trần => Thọ – Tưởng => Chánh Niệm => Chánh Tinh Tấn => Chánh Định (Tỉnh Giác) => Khổ diệt

– Còn khi tu Quán, lộ trình tâm sẽ diễn tiến tiếp theo là:

Căn + Trần => Thọ – Tưởng => Chánh Niệm => Chánh Tinh Tấn => Chánh Định (Tỉnh Giác) => Chánh Tư Duy => Chánh Tri Kiến = Khổ Diệt

Nhưng nếu khi không có Chánh Niệm, tức là Tà Niệm thì lộ trình tâm vẫn như người phàm phu, vẫn xuất hiện 19 cái Khổ. Vì vậy, sự chấm dứt Khổ của vị ấy phụ thuộc vào thời gian có Chánh Niệm, ví như trong 1 ngày (trừ lúc ngủ say không mộng mị), vị ấy an trú Chánh Niệm được 50% thời gian thì 50% thời gian đó không có Khổ, còn 50% thời gian vẫn Khổ như người phàm phu. Và trong tiến trình chết, nếu vị ấy chưa đoạn tận được sự tái sanh thì vẫn phải chịu nỗi Khổ của đời sống Hóa Sanh, tùy mức độ tu tập khi còn sống mà khi đời sống Hóa Sanh có mức độ Khổ tương tự của mỗi vị cũng khác nhau.

Còn đối với bậc vô học, là vị A-la-hán là người đã đoạn tận Tham Sân Si, đoạn tận mọi kiết sử, đoạn tận sự tái sinh trong tương lai thì sao? Một vị vô học như vậy, với 6 lộ trình tâm sẽ không còn phát sinh 18 cái Khổ nơi nội tâm, vì nguyên nhân Khổ là Tham Sân Si đã được đoạn tận, nhưng vẫn còn 1 cái Khổ là Khổ thọ trên thân do yếu tố ngoại cảnh mang lại. Ví như khi vị ấy đi dưới trời nắng thì trên thân vẫn có cảm giác nóng, dẫm phải gai hay vật nhọn khiến đứt chân thì vị ấy vẫn có cảm giác đau, hay khi ốm bệnh thì những Khổ thọ trên thân vị ấy vẫn cảm nhận. Đó chính là những nỗi Khổ còn dư sót với vị A-la-hán cho nên trong kinh gọi đó là Niết bàn Hữu Dư. Còn trong tiến trình chết, vị ấy do đã đoạn tận Hữu Ái (Hữu kiết sử), nên không còn lo lắng sợ hãi mà hoàn toàn bình thản đón nhận cái chết, không còn phát sinh Thức Tái Sanh thành Hóa Sanh nữa, khi đó cũng chính là sự Nhập Diệt của vị A-la-hán, sẽ không còn hiện hữu ở bất cứ đâu dưới bất kỳ hình thức nào. Lúc này thì những cái Khổ còn dư sót trên thân của vị ấy đã được đoạn tận, nên gọi là Vô Dư Niết Bàn, đó là cái chết cuối cùng, là mục đích cuối cùng của sự tu học, là “vô thượng an ổn khỏi mọi khổ ách“.

Ngay sau khi giác ngộ, Đức Phật đã nhận ra do Vô Minh mà Tham Ái có mặt, do Tham Ái mà đưa đến sự tái sinh và phải chịu đựng những nỗi Khổ trong luân hồi sinh tử, và Ngài đã tán thán sự đoạn tận tái sanh, đoạn tận hiện hữu:

Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.”

“Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Ngươi không làm nhà nữa.
Ðòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.
(Tiểu Bộ – Khuddhaka Nikaya, Kinh Pháp Cú, Phẩm Già, Pháp cú 153 – 154, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Với các bậc giác ngộ, thì ai cũng hiểu rõ rằng còn sanh y, còn hiện hữu là còn Khổ, chấm dứt sự sanh y mới chấm dứt được Khổ:

Cha sầu vì con cái,
Người chăn sầu vì bò,
Người sầu vì sanh y,
Không sanh y, không sầu.”
(Tương Ưng Bộ – Samyutta Nikaya, Tập I – Thiên Có Kệ, [04] Chương IV – Tương Ưng Ác Ma, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Vì vậy cho nên, toàn bộ giáo pháp mà Đức Thế Tôn đã chứng ngộ và thuyết giảng đều hướng đến mục đích cuối cùng là sự chấm dứt Khổ, chấm dứt sự luân hồi tái sanh, chấm dứt hiện hữu, đoạn tận sự nhập thai trong tương lai:

Như Lai đã đoạn tận khả năng nhập thai tái sanh trong tương lai, đã đoạn tận, đã chặt đứt từ gốc rễ, đã làm cho như thân cây tala, đã làm cho không thể tái sanh, đã làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đây là pháp môn, với pháp môn này, ai nói về Ta một cách chơn chánh có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama chủ trương không nhập thai”
(Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya, Chương VIII – Tám Pháp, II. Phẩm Lớn, (I) (11) Veranjà, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)

Vì vậy, những người nào có trí, khi đã thấy pháp và ngộ pháp thì mọi công việc thế gian đều có thể gác lại, chẳng có gì là quan trọng đối với họ nữa, mà họ chỉ đầu tư thời gian và công sức tập trung vào sự tu học để nhằm hướng đến đoạn tận sự tái sanh trong tương lai. Với người ấy, thì dù ăn mặc ở thế nào cũng không quan trọng, ai tán thán hay ai phỉ báng gì cũng mặc kệ, bệnh tật đến với họ cũng không khiến họ phải sợ hãi mà trái lại, ví như họ đón nhận một “hung tin” rằng mắc phải bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi, thì họ sẵn sàng đón nhận cái chết như là một cơ hội để có được sự giải thoát tối hậu, chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau.

Hà Nội _ 12/11/2019 _ Sakya Sông Lam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét