Mother's Day
Con xin kính dâng lên hương hồn của mẹ với niềm thương kính vô biên!
Ngày Lễ Mẹ là một ngày lễ truyền thống ở Hoa Kỳ và ở một số nước trên thế giới để tôn vinh người mẹ. Những lời dạy của Đức Phật thuyết giảng về bổn phận của người con và cách tỏ lòng biết ơn đối với mẹ.
Mother’s Day is a traditional holiday in the United States and in some countries around the world to honor mothers. Buddha’s teachings preaches about the duty of a child and how to pay gratitude to a mother.
Con xin ghi nhớ tất cả những lời mẹ đã nhắn nhủ, và con xin trân trọng ôm ấp “một đời mẹ trao”như một báu vật, một hành trang hay một thứ của hồi môn để con tiếp tục vào đời. Mẹ ơi! Con biết ngày mẹ ra đi mà lòng vẫn còn nuối tiếc vì không nhìn thấy được đứa con trai thân yêu của mẹ, vì mẹ muốn mãi mãi là ánh sáng chiếu rọi tâm hồn các con của mẹ, mẹ muốn mãi mãi là nguồn sinh lực tiếp sức cho chúng con vượt qua những chông gai nghiệt ngã của dòng đời, phải không mẹ? Nhưng trên đời này có thứ nào chạy ra khỏi định luật vô thường đâu hở mẹ. Xin mẹ nhận nơi đây một nén hương lòng của đứa con trai thân thương của mẹ và xin mẹ hãy yên lòng siêu thoát.
Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ có ý định viết văn, vì từ nhỏ tôi đã không thích văn chương thi phú. Từ hồi còn ở trung học, tôi là một học sinh Ban Toán, nhưng rồi dòng đời đưa đẩy, tôi chả lấy được một bằng cấp nào ở đại học có liên quan đến Toán. Làm trai thời loạn mà, chưa hết ngưỡng cửa trung học tôi đã xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao, cho tới ngày đất nước ngửa nghiêng, tôi cũng như bao nhiêu những thanh niên thời loạn miền Nam khác bị lùa vào những trại tù, nên vốn liếng văn chương của tôi, nếu không muốn nói là kém cỏi thì cũng chẳng có là bao. Đã bao lần tôi muốn viết, viết nhiều thứ lắm, nhưng lại thôi vì ngòi bút nhỏ nhoi và khả năng kém cỏi của mình. Tuy nhiên, mỗi lần nhớ đến mẹ với một đời tận tụy hy sinh cho con cái được thành nhân chi mỹ, người mẹ sẵn sàng hy sinh cuộc đời mình làm viên gạch lót đường cho cuộc đời hoa gấm của các con các cháu mẹ sau này, lòng tôi không khỏi ngậm ngùi, vì thế tôi đã cố gắng ghi lại một đoản văn kỷ niệm về Một Đời Mẹ Trao. Dù đây không phải là một bài luận văn chương, nhưng nó đến với mọi người bằng tất cả tấm lòng.
Tôi thiết nghĩ, viết dù có hay hay dở không phải là điều thiết yếu hàng đầu, điều thiết yếu khi viết là phải viết bằng đạo đức và liêm sỉ của một con người, quyết không bị nghịch cảnh làm cong đi ngòi bút của chính mình. Khi cho ra tập bút ký này, tôi chỉ mong được chia sẻ tâm tình của mình với người, dù chỉ là tự truyện về mẹ và tôi, nhưng tôi thiết nghĩ chắc ai trong chúng ta cũng đều có những kỷ niệm thật đẹp về mẹ, nên tôi đã không ngần ngại viết lại kỷ niệm về Một Đời Mẹ Trao bằng tất cả tấm lòng và sự trân trọng về mẹ. Những mẩu chuyện ngắn được ghi lại trong tập bút ký này là hoàn toàn có thật, không hư cấu. Tuy nhiên, tên những nhân vật trong truyện có khi không phải là tên thật, hoặc có khi lại trùng tên với ngoài đời. Xin quý vị niệm tình bỏ qua cho.
Tập bút ký ngắn này ghi lại cuộc đời của chính tôi, từ nhỏ đã sống trong cảnh nghèo khó cơ hàn mà nếu không có sự hy sinh cao cả của mẹ thì chắc chắn, tôi và các con tôi không có được ngày hôm nay. Như trên đã nói, tôi không nợ nần gì với văn chương thi phú mà phải viết để trả nợ như tầm phải nhả tơ, cũng không phải viết để tả oán cho một kiếp người vì nỗi khổ đau riêng lẻ của tôi có thắm thía gì với những hệ lụy đau thương mà dân tôi nước tôi phải gánh chịu trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước! Viết lại bút ký này thứ nhất là để chia sẻ và cảm thông với những ai có cảnh ngộ nghèo nàn, thứ hai là để tỏ lòng biết ơn sâu xa đến công lao sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, thứ ba là để tri ơn những người đã cưu mang tôi nói riêng, và những người bạn đồng tù của tôi nói chung, trong suốt những năm tháng khổ sai lao nhọc trong lao tù của người anh em phía bên kia, thứ tư là mong gửi lòng tri ân của mình đến những người thân yêu của tôi, cũng như anh chị em và bạn bè tôi, những người đã nâng đỡ tôi về cả vật chất lẫn tinh thần giúp tôi vượt qua những lúc cùng cực nhứt của đời tôi, và cuối cùng là cám ơn rất nhiều đến hiền thê và các con của tôi, những người đã cùng tôi đi qua một giai đoạn nghiệt ngã nhứt của cuộc đời.
Mỗi người chúng ta, ai cũng có riêng cho mình những kỷ niệm về mẹ, vui có, buồn có, hạnh phúc có, khổ đau cơ cực cũng có, mỗi người mỗi khác, nhưng tôi tin chắc một điều là chúng ta đều có chung một điểm: ai trong chúng ta cũng đều trân quí và cất chứa những kỷ niệm ấy ở một nơi trang trọng và tôn kính nhứt của lòng mình. Nghĩ đến mẹ, tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu vì mẹ là tất cả, mẹ là hình bóng cao quí mà tôi tôn kính cả đời; hình hài này, khối ốc này là của mẹ, là một đời mẹ trao.
Mẹ, một tiếng gọi thật ngắn ngủi nhưng thật ngọt ngào thắm thiết, nó chứa đựng cả một vùng trời trong sáng bất tận, một tình yêu thiêng liêng cao cả mà không thể dùng ngôn từ để diễn tả được. Hình ảnh người mẹ Việt Nam trong mọi giai tầng xã hội luôn gắn liền với những đức tính nhu nhẫn hiền lành, trung hậu, đảm đang, và hy sinh cho chồng cho con. Riêng với những bà mẹ nghèo nàn, phải chịu đựng thêm đủ thứ tai trời, ách nước, họa người... nhưng các người không hề quản ngại nắng sương mưa gió, lúc nào cũng sẵn sàng làm những cánh cò hom hem, ốm yếu, lặn lội kiếm ăn trên những cánh đồng hoang lạnh. Lúc nào cũng sẵn sàng ngược xuôi tần tảo để kiếm tiền nuôi con nuôi chồng. Với tôi, mỗi khi nghĩ đến mẹ, tôi vô cùng sung sướng và hãnh diện được làm con của mẹ trong cảnh bần hàn túng thiếu và cơ cực nhứt của đời người. Bây giờ và cho mãi đến về sau này có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ tôi trong giai đoạn lao đao lận đận nhứt của tuổi thơ.
Mỗi người chúng ta, ai cũng có riêng cho mình những kỷ niệm về mẹ, vui có, buồn có, hạnh phúc có, khổ đau cơ cực cũng có, mỗi người mỗi khác, nhưng tôi tin chắc một điều là chúng ta đều có chung một điểm: ai trong chúng ta cũng đều trân quí và cất chứa những kỷ niệm ấy ở một nơi trang trọng và tôn kính nhứt của lòng mình. Nghĩ đến mẹ, tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu vì mẹ là tất cả, mẹ là hình bóng cao quí mà tôi tôn kính cả đời; hình hài này, khối ốc này là của mẹ, là một đời mẹ trao.
Mẹ, một tiếng gọi thật ngắn ngủi nhưng thật ngọt ngào thắm thiết, nó chứa đựng cả một vùng trời trong sáng bất tận, một tình yêu thiêng liêng cao cả mà không thể dùng ngôn từ để diễn tả được. Hình ảnh người mẹ Việt Nam trong mọi giai tầng xã hội luôn gắn liền với những đức tính nhu nhẫn hiền lành, trung hậu, đảm đang, và hy sinh cho chồng cho con. Riêng với những bà mẹ nghèo nàn, phải chịu đựng thêm đủ thứ tai trời, ách nước, họa người... nhưng các người không hề quản ngại nắng sương mưa gió, lúc nào cũng sẵn sàng làm những cánh cò hom hem, ốm yếu, lặn lội kiếm ăn trên những cánh đồng hoang lạnh. Lúc nào cũng sẵn sàng ngược xuôi tần tảo để kiếm tiền nuôi con nuôi chồng. Với tôi, mỗi khi nghĩ đến mẹ, tôi vô cùng sung sướng và hãnh diện được làm con của mẹ trong cảnh bần hàn túng thiếu và cơ cực nhứt của đời người. Bây giờ và cho mãi đến về sau này có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ tôi trong giai đoạn lao đao lận đận nhứt của tuổi thơ.
Mẹ ơi! Với ngôn ngữ hạn hẹp của loài người và chữ nghĩa hạn hẹp của con, làm sao con có thể diễn tả hết được ‘lòng mẹ thương con’? Bảo lòng mẹ cao như trời hay rộng như biển, cũng phải, nhưng trời kia còn có khi gieo giông kết bão hay biển kia còn có lúc sóng dậy ba đào, chứ lòng mẹ cho con lúc nào cũng êm dịu như mặt nước hồ thu không gợn sóng. Mẹ lúc nào cũng sẵn sàng ban phát cho con những thứ cấp thiết, mà nếu không có thì không thể nào con có thể lớn lên thành người cho được.
Thế mới biết “đố ai đếm được sao trời, đố ai đếm được tấm lòng mẹ trao?”
Cây có cội, nước có nguồn, làm người ai cũng có tổ tiên cha mẹ. Theo quan niệm truyền thống Khổng Nho của phương Đông thì mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái gần như là mối quan hệ tự nhiên. Cha mẹ tạo ra con cái, có bổn phận phải nuôi nấng dạy dỗ; con cái được dạy dỗ nuôi nấng như vậy nên đương nhiên là phải có bổn phận tôn kính và phụng dưỡng các người ở tuổi xế chiều. Thế nên người Việt Nam chúng ta, ai ai cũng đều nhớ thương hoài cảm đến mẹ đến cha, nhưng với tôi, bất cứ thứ gì mà tôi biết được thấy được đều khiến tôi liên tưởng đến mẹ. Một cụ già ngoài phố, một cụ bà đi chợ với cháu con, hay đọc những câu ca dao qua sách vở, vân vân, đâu đó đều loáng thoáng hình bóng mẹ hiền.
Ca dao Việt Nam là cả một kho tàng chất chứa tình mẹ như “Có cha có mẹ mới có mình, ở sao cho xứng chữ tình làm con,” hay “Nuôi con chẳng quản chi thân, bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn,” hay “Biển Đông có lúc đầy vơi, chớ lòng cha mẹ suốt đời tràn dâng,” hay “Ơn cha lành cao hơn non Thái, đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi. Dù cho dâng cả một đời, cũng không trả được ơn người sinh ta,” vân vân và vân vân.
Nhiều người có diễm phúc được cả cha lẫn mẹ nuông chiều dạy dỗ. Với tôi, tôi không cho là bất hạnh khi không được sự nuông chiều của ba; mà ngược lại, tôi vô cùng thương cảm cho ba tôi, người đã sanh ra và lớn lên trong môi trường cũng thiếu sự nuông chiều dạy dỗ của người cha, nên người không có diễm phúc biết được sự tuyệt vời của bổn phận làm cha, làm một người cha lý tưởng đúng mức. Nói như thế không có nghĩa là tôi phủ nhận công cha như núi Thái Sơn của người, nhưng nói lên để tự tôi ôn cố tri tân, rồi từ đó tự tôi rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân và bổn phận làm cha của tôi bây giờ. Nói để tự mình cảm thông và yêu thương một người cha chưa bao giờ được lớn lên trong môi trường yêu thương nuông chiều, nên sự yêu thương nuông chiều thật là xa lạ đối với người. Riêng mẹ và những hy sinh của người, đối với tôi là cao tuyệt, mẹ là siêu việt, tình yêu thương nuông chiều và dạy dỗ của mẹ vượt lên ngôn ngữ văn tự. Ngôn ngữ văn tự của loài người chỉ có thể nói lên một cách tương đối chứ không thể nào diễn tả hết được sự hy sinh cao tột của tình cha nghĩa mẹ. Hơn nữa, tôi không phải là một văn sĩ chuyên nghiệp nên bao lần muốn viết về mẹ và bao lần đã viết, nhưng nhiều khi vốn liếng văn chương nghèo nàn nên bao lần cầm bút lên vẫn không viết nỗi hết những gì mình muốn nói về mẹ. Nhưng không sao đâu, phải không mẹ? Mẹ đâu bao giờ chê những điều con viết, vì con viết bằng cả tấm lòng con dâng lên mẹ mà. Mẹ có biết là từ hồi nào cho đến bây giờ và mãi mãi về sau này, mỗi khi nghĩ đến mẹ là lòng con luôn luôn trào dâng niềm hãnh diện vì được làm con của mẹ, một người mẹ tuyệt vời. Mà con nghĩ trên đời này, có lẽ ai cũng đều có một bà mẹ thật tuyệt vời và thật vĩ đại, tuy nhiên, mỗi người mỗi khác vì mỗi người đều có những kỷ niệm khác nhau về mẹ. Dù thế nào đi nữa thì hình ảnh thân thương và tiếng nói dịu dàng của mẹ vẫn là hành trang vĩnh cửu của mỗi người chúng ta. Tiếng mẹ muôn đời vẫn là một âm hưởng ngọt ngào êm ái. Tiếng mẹ chẳng những là tiếng nói đầu đời của loài người khi nối bắt nhịp cầu ngôn ngữ, mà tiếng mẹ cũng chính là tiếng nói sau cùng trước khi từ bỏ cõi đời. Với người Việt Nam, mẹ là chuối ba hương, là xôi nếp một, là đường mía lau, là mặt đất, là quê hương, là bầu trời, là dòng suối tuôn chảy tình thương không ngừng nghỉ, là cả một khung trời tươi đẹp cho tuổi thơ.
Bây giờ xa quê, mất mẹ, tôi mới thấm thía với một bài kinh Phật:
“Đời người như một giấc mơ,
Trăm năm nào khác cuộc cờ đổi thay.”
Theo phong tục cổ hủ của lối sống xưa nên năm 16 tuổi, mẹ đã bỏ lại sau lưng những nét trong sáng hồn nhiên của tuổi thanh xuân để lên xe hoa về nhà chồng. Tôi không biết ngày ấy ba và mẹ tôi có cơ hội để biết nhau và yêu nhau không, nhưng nghe ngoại nói khi ba đi hỏi cưới mẹ thì mẹ chỉ biết cúi đầu vâng theo mệnh lệnh của ông bà ngoại. Mẹ không nói bằng lòng, cũng không phản đối. Mẹ chỉ im lặng vâng lời. Năm mười bảy tuổi, lứa tuổi mà bây giờ các em vẫn còn ngây thơ đùa giỡn trong khuôn viên nhà trường, thì mẹ tôi đã phải làm mẹ. Ba tôi là một người làm ăn rất giỏi, nhưng khổ nỗi mang tánh phong lưu với bằng hữu, nên bao lần ba đã lên voi xuống chó, và bao lần gia đình tôi cũng phải lên xuống theo ba.
Cuộc sống cứ tất bật như thế với mẹ tôi. Ba tôi thì phiêu bạc giang hồ, lâu lâu mới về nhà một lần, mẹ thì thủ phận nuôi con. Năm mẹ ba mươi tuổi, cái tuổi mà bây giờ con gái tôi chưa chịu lấy chồng, thì mẹ đã có đến mười mặt con. Mẹ ngày càng cơ cực vất vả hơn, vì ba tôi vẫn phong lưu một đời. Mẹ như cây không bón phân tưới nước, mà còn bị những chồi non hút hết nhựa sống. Cả đời mẹ còm cõi nuôi con, mẹ phải chịu đựng những nhác búa tàn khốc của thời gian, chịu đựng sức nặng của cuộc đời với không biết bao nhiêu là tai trời, ách nước, họa người. Cả đời mẹ chưa bao giờ được cuộc sống gọi là tạm đủ, huống là xa hoa phung phí, vì cái nghèo luôn đeo đẳng lấy mẹ con mình. Đôi má hồng ngày nào của mẹ giờ đây sạm nắng, đôi mắt sáng long lanh ngày nào của mẹ tuy vẫn còn thoáng đượm nét sắc xảo của thời con gái nhưng bây giờ cũng trũng sâu thâm quầng, đôi bàn tay mềm mại thời con gái đã biến đi đâu mất nhường chỗ đôi tay sần sùi chai sạn. Mẹ chỉ lo cái ăn cái mặc cho các con, chứ còn mẹ thì thế nào cũng được.
Mẹ còn nhớ không? Vào những năm ba thất nghiệp, mỗi lần Tết đến, nhìn bạn bè đứa nào cũng quần là áo lụa, đi học mỗi ngày là một bộ đồ khác nhau, trong khi con chỉ có mỗi một cái quần kaki xanh và một cái áo vải thô trắng nhăn nheo. Nhiều khi trời nóng nực, giữa tuần giặt đồ không kịp khô, sáng hôm sau mặc lại để đi học, đi bộ hơn hai cây số, lúc đến lớp thì cả người lẫn đồ đã toát ra một thứ mùi khó ngửi. Chính vì vậy mà nhiều lúc không phải đợi bạn bè xa lánh mình, mình đã biết thân mà tự xa lánh họ. Đi học thì ai cũng có cặp da, còn mình thì một cái cặp bằng đệm mà cũng đâu được lành.
Có một bữa, con về cằn nhằn với mẹ, “Mẹ ơi tại sao chưa bao giờ mẹ sắm cho con 2 bộ đồ vậy hở mẹ?” Lúc đó dù con hãy còn nhỏ, nhưng con còn nhớ rất rõ là mẹ đã quay mặt nhanh đi để che bớt nỗi xót xa, nhưng cũng không ngăn kịp hai dòng nước mắt lăn dài trên đôi má sạm nắng của mẹ. Mẹ nghẹn ngào, con biết dù mẹ cố đè nén không để khóc thành tiếng nhưng toàn thân mẹ run lên vì xúc động. Mẹ xoa đầu con và nói: “Con ơi! Mẹ cũng muốn mua thật nhiều quần áo cho các con, chứ mẹ nào muốn nhìn các con của mẹ thiếu thốn như thế này, nhưng con coi đó, trong lúc ba thất nghiệp, mẹ ráng lắm mới lo được cái ăn cho tụi con, còn cái mặc mỗi lần sắm cho các con mỗi đứa một bộ thì con thấy nhà mình phải mua trên mười bộ rồi còn gì! Mẹ xin lỗi con vì mẹ đã không có khả năng đem lại đầy đủ cái ăn cái mặc cho các con.” Đêm hôm đó mẹ đã lấy chiếc áo dài duy nhứt mà ông chú Ba từ Sài Gòn đã gởi về cho mẹ mấy năm về trước ra, đây là chiếc áo lành lặn duy nhứt của mẹ, nhưng không khi nào mẹ có dịp mặc nó. Mẹ cặm cụi tháo ra từng miếng, rồi đo cắt cho con một chiếc áo, nhưng hình như con cũng không vừa ý vì có những mảnh nối sau lưng và trước ngực hơi khác thường với những chiếc áo khác. Con lại cằn nhằn và không chịu mặc vì thấy kỳ quá, ‘sao nó không giống áo của con trai chút nào hết mẹ ơi!’ Con chỉ cằn nhằn với mẹ vậy thôi chớ nào ngờ đâu hôm sau mẹ nấu thêm nồi chè một bên gánh cháo để bán buổi chợ chiều, rồi khoảng nửa tháng sau mẹ may cho con một cái áo vải KT trắng thật đẹp, đó là chiếc áo đẹp và đáng nhớ nhứt trong đời của con đó mẹ ơi! Vì chiếc áo đó mà đôi gánh hàng của mẹ đã trĩu nặng phải trĩu nặng hơn gấp bội, chiếc áo đã đè nặng trên đôi vai gầy của mẹ, chiếc áo đã làm còng thêm lưng mẹ, chiếc áo làm hằn thêm những nỗi khắc khổ trên mặt mẹ, chiếc áo đã làm tả tơi hơi thở mẹ trên khoảng đường từ nhà ra chợ Cầu Lầu, chiếc áo đã gậm nhấm xác thân mẹ, và cũng chính chiếc áo đó đã làm giảm đi tuổi thọ của mẹ.
Mẹ ơi! Dù ngày đó con hãy còn rất nhỏ, dù con đã thấy được những nỗi nhọc nhằn hằn trên khuôn mặt già trước tuổi của mẹ, nhưng con chưa hiểu đủ để nói được câu gì an ủi mẹ, mà ngược lại còn vòi vĩnh với mẹ đủ thứ hết, nào là nếu mẹ không sắm đồ cho con là con nghỉ học. Mẹ ơi! giờ thì con mới thắm thía với câu nói của người xưa: “Lên non mới biết non cao; nuôi con mới biết công lao mẫu từ.” Con học là để sau này con nhờ tấm thân chứ mẹ có lột da được để sống đời với con đâu mà con vòi vĩnh! Thế nhưng ngày ấy con hãy còn quá nhỏ để hiểu thấu những nỗi nhọc nhằn của mẹ, nên mỗi khi thua sút bạn bè là con về cằn nhằn mẹ, chứ nào hay biết rằng lòng mẹ cũng vô cùng xót xa đau thắt khi thấy con mình thiếu thốn và thua sút bạn bè. Mẹ ơi! Lòng mẹ bao la hơn biển Thái Bình, biển Thái Bình có khi còn cạn kiệt chớ lòng mẹ thương con thì thăm thẳm nghìn trùng.
Mẹ ơi! Trong những đêm trường thao thức nơi xứ người, con vẫn thầm gọi mẹ, gọi trong niềm thương kính vô vàn, gọi trong cô đơn vắng lặng, gọi để mong nghe lại tiếng mẹ ngày nào, gọi để được sống lại cái hạnh phúc cùng mẹ đi trên con đường quê năm cũ, hay được bưng lại rỗ bắp chuối với mẹ ra chợ chiều mỗi khi mẹ đi bán. Con muốn gọi mẹ đến cả vạn lần, dù chỉ gọi để nói cho mẹ biết là con yêu mẹ, con sung sướng và hạnh phúc được làm con của mẹ, được mẹ ấp ủ trong tình thương bao la của mẹ, được mẹ nuôi nấng và dạy dỗ thành người. Mẹ ơi! Thắm thoát mà tuổi đời con đã trên năm mươi, thế mà càng nghĩ về mẹ về cha, con càng thấy thấm thía với tình cha nghĩa mẹ và ao ước sao cho mình được về lại vẫy vùng trong hạnh phúc mà cha mẹ đã ban cho ngày nào. Mối dây liên hệ thân thương giữa mẹ con mình không phải chỉ tựu hình từ ngày con chào đời, mà nó tồn tại lâu lắm rồi, phải không mẹ? Nó có trước cả cái ngày mà con chỉ là giọt máu trong lòng mẹ, nó là cả “một đời mẹ trao” từ khi mẹ có ý tưởng làm mẹ, đến khi con chào đời và mãi về sau này, phải không mẹ? Cuộc đời của con và các cháu của mẹ không chỉ được kết thành bằng sự hy sinh của mẹ, mà nó còn là một phần đời của chính mẹ. Mẹ đã từng sống cho con như sống cho chính mẹ. Nhưng bây giờ mẹ con mình đã nghìn trùng xa cách, đã vĩnh viễn thiên thu. Bây giờ có những đêm con hồi tưởng về quá khứ, đi ngược dòng thời gian vào những năm về trước, mà cứ tưởng chừng như mới hôm nào đây, mới hôm nào con hãy còn sống trong sự đùm bọc của tình cha nghĩa mẹ.
Ngay từ lúc còn rất nhỏ, vì tánh phiêu bạc giang hồ của ba mà anh em chúng tôi chỉ sống dưới sự dạy dỗ của mẹ. Hầu như suốt quãng đời thơ ấu của tôi, tôi chỉ biết có mẹ và bên ngoại. Nghe mẹ kể lại, lúc sanh con ra cũng là lúc mà cao trào kháng chiến chống Pháp lên đến cực điểm, nên ngoại và mẹ phải bồng bế các con về những vùng nông thôn xa xôi chạy giặc. Cuộc sống đã cơ cực lại cơ cực hơn. Ngoại kể lại lúc sanh con ra thì chị Hai (kỳ thật ra chị tới thứ Tư, nhưng vì anh Hai Huệ và chị Ba Hoa đều đã chết lúc còn quá nhỏ nên Ngoại bảo mẹ đôn thứ lên) bị đau ban hàng năm sáu tháng, lại trong cảnh chạy giặc, thuốc men không có, nhưng ngoại nói mẹ đã làm đủ mọi cách để giành giựt lại sự sống cho chị Hai, và nhờ ý chí sắt đá ấy của mẹ mà chị Hai con được sinh tồn. Ngày ngày mẹ và ngoại phải đi làm quần quật, tối đến lại phải bồng con trên tay mà ru suốt đêm, vì sợ con khóc thì lính Tây nghe được mà lùng xét và tàn sát hết cả xóm. Mẹ cứ ôm con như thế cho đến khi con ngủ thì mẹ cũng thiếp đi vì mỏi mệt. Mẹ ơi! chỉ mới tuổi đôi mươi mà mẹ đã phải khổ cực đến tàn tạ cả sắc son thời con gái. “Mỗi ngày hai buổi trèo non, còn gì mà đẹp mà giòn hở anh?” (ca dao), mới hai mươi tuổi đầu mà thân xác mẹ hao gầy tàn tạ đến như thế, thử hỏi làm sao mà ba con không lạnh nhạt và bỏ đi biền biệt được hở mẹ? Mẹ còn nói thêm, con và ba không hợp chỉ vì lý do là ngay khi sanh con ra thì ba bị sạt nghiệp, vì tin bạn mà ba bị người ta sang đoạt cả một cơ sở đóng đờn “ghi ta” ở Sài Gòn, nhưng ba lại tin rằng con là đứa con đã đem lại không may mắn cho ba nên ba ít khi dòm ngó đến con, và cũng kể từ đó ba không còn tha thiết gì đến chuyện làm ăn và gia đình nữa, rồi ba lại tiếp tục bỏ đi phiêu bạc giang hồ. Mẹ ơi! Trong niềm bất hạnh, không được ba ngó ngàng thương yêu, thì con hãy còn cái may mắn là bác Hai (anh ruột của ba), rất thương yêu con, thương hơn cả các anh chị con ruột của bác nữa là khác. Tuy bác cũng không giúp gì được cho mẹ con mình, nhưng với con, bác hai cũng là niềm an ủi lớn lao trong thời thơ ấu bên cạnh tình yêu vô bờ vô bến của mẹ dành cho con.
Mẹ biết hễ mỗi lần ba nói đến con là ba nói đến cái gì tệ nhứt và hư nhứt, mà thật vậy, sao ngày đó con hư con tệ quá đi thôi. Tay chưn gì đâu mà hễ đụng đến đâu là bễ là gãy đến đó, trách làm sao mà ba không thương. Đã vậy, lúc nhỏ thì ốm nhom mà lại cứ đau rề rề với chứng bệnh “đau ban” kinh niên, làm như mình là con cầu con khẩn không bằng. Mỗi lần thấy con nằm rên hừ hừ là ba chán nản lắc đầu. Lúc nào hễ nhắc đến con là ba thường nói: “mình thiếu nợ nó nên bây giờ nó lên nó đòi.” Chỉ riêng một mình mẹ, con dù khỏe hay dù yếu, dù con ngoan hay con hư, dù con danh vọng hay con tầm thường, mẹ vẫn một mực vì con mà hy sinh chứ không một lời than vãn. Với mẹ thì các con mạnh khỏe là mẹ vui, các con đau yếu thì mẹ buồn mẹ lo, các con ngoan giỏi thì mẹ hạnh phúc, còn các con nghịch ngợm thì mẹ lo âu cho tương lai sau này của các con. Trong những ngày tháng đó, một mình mẹ đã rong ruổi đó đây tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cho con. Mẹ chính là máu huyết là con tim tạo cho con hơi thở và sự sống mà chưa một lần mẹ kể lể công lao. Trong các đứa con của mẹ, thì con là đứa mà mẹ phải chịu cực nhiều nhứt, có thể vì mẹ thấy con bệnh hoạn triền miên và ba hay hục hặc với con, nên lúc nào mẹ cũng an ủi con và nói khỏa lấp về chuyện không hợp giữa con và ba cho con đỡ buồn đỡ tủi. Nhưng mẹ ơi! Bây giờ nghĩ lại, có lẽ cũng tại cái tánh của con mà ba không thích. Trong khi mỗi lần ba hỏi các em “có thương ba hôn?” Con không biết các em có hiểu thương là thế nào không, nhưng đứa nào cũng nói có, duy chỉ một mình con là nói “không” khiến mặt ba đang vui cũng phải chùng xuống. Rất nhiều lần mẹ dặn con, hễ ba hỏi thì phải nói thương ba cho ba đừng buồn, nhưng rồi lần nào cũng như lần nào, con cũng vẫn chỉ với một chữ “không.” Kỳ thật lúc đó trong chiều sâu tâm hồn, trong chỗ thăm thẳm cùng tận của tâm thức, con cũng thương ba và ba cũng thương con, nhưng khi thấy cung cách ba đối xử với mẹ, con không thể nào nói được tiếng “thương.” Nhưng mẹ ơi! Có điều này con muốn nói cho mẹ biết, những năm sau ngày mẹ mất, cũng là những năm tháng mà con đã xa cách quê hương vạn dặm, trong tất cả những thư từ và những lần nói chuyện với ba qua điện thoại, ba tỏ ra rất thương cảm cho con, ba nói trong tất cả các đứa con, chỉ có con là đứa có nghĩa có hiếu, không dám cãi cha cãi mẹ. Ba nói ba rất cảm thương cho quãng đời thơ ấu của con, học giỏi mà bất hạnh sanh ra trong gia đình nghèo để không bao giờ phát triển được hết tài năng của mình. Ba tỏ ra rất hối hận vì cung cách ba đã đối xử với con ngày xưa. Con nói với ba là tự thuở giờ con nào dám giận ba, chỉ có điều là con không đồng ý trong cách ba cư xử với mẹ, nên ít nói chuyện, riết rồi thành ra lợt lạt, chứ ba là đấng sanh thành ra con, hễ ba thương thì con nhờ, còn ba không thương thì con cam chịu, chứ làm sao con dám giận ba? Trong những năm cuối đời, ba ao ước được con về thăm, con cũng thu xếp để về thăm ba một chuyến, nhưng sau đó thì ba ra đi vội vã quá, nên con đã trở thành một đứa con bất hạnh và bất hiếu nhứt đời trong những ngày cuối đời của cả cha lẫn mẹ.
Mẹ ơi! Tuy ngày đó con hãy còn rất nhỏ, nhưng con đã chứng kiến và hiểu được cảnh cơ cực của mẹ. Khi ba ra đi thì mẹ con bồng bế nhau về ở với ngoại, mẹ phải vừa làm mẹ mà cũng vừa phải làm cha. Một mình mẹ phải thức khuya dậy sớm, vất vả nuôi con. Ngày ngày mẹ phải chiên bánh còng bánh cam, luộc khoai luộc đậu gánh ra chợ bán để nuôi con. Trong suốt thời gian ở với ông bà ngoại có thể nói là vàng son nhứt trong thời thơ ấu của con, dù ông bà ngoại cũng không khá giả gì mấy, nhưng mỗi ngày con và chị Hai đều được ông bà ngoại và mấy dì chăm sóc rất chu đáo. Đi học đều được ông bà ngoại hay dì Sáu dắt đi. Mỗi tối đều được ngủ chung với ông ngoại. Ngày đó mỗi lần ngoại cắt móng tay cho con ngoại thường nói, con cũng có móng tay “mài ốc” như mẹ con, móng tay mài ốc cực lắm, con thấy mẹ con không? Cực cả đời. Mẹ thì không đồng ý với bà ngoại, mẹ nói: “Dù cực khổ thế mấy, con sẽ cố gắng cho các con ăn học có chữ nghĩa với người ta cho đỡ khổ tấm thân sau này.” Rồi mẹ xoay qua con mà thủ thỉ: “Con ơi! Nhà mình nghèo, mà ba con thì cứ biền biệt phương nào, nên chỉ một mình mẹ cố gắng nuôi con ăn học. Con dù có giống mẹ ở móng tay mài ốc cũng không sao, miễn con ráng học có có chữ nghĩa để sau này nuôi thân và làm một con người hữu dụng cho xã hội, thế là mẹ vui lắm rồi.” Chỉ vì ý nguyện muốn cho con cái mình vươn lên với đời mà mẹ tôi đã lao nhọc lầm lũi nuôi con suốt cả một đời. Mẹ ơi! Bây giờ mỗi lần nhìn hai móng tay cái của con là con nhớ về mẹ quá. Nhưng mẹ đâu có đi đâu, những gì mẹ trao cho con vẫn còn đây nè, mẹ thấy không? Hình hài này, khối óc này, cuộc sống này nếu không là của mẹ chứ của ai?
Bây giờ mỗi lần hồi tưởng đến mẹ, lòng con cảm thấy xót xa quá. Vì con mà mẹ phải vất vả cực nhọc suốt cả một đời, vì cái ăn cái mặc của các con mà mẹ phải nhận lấy cái đói cái rét của trời đất. Đêm đêm các con ngủ thì mẹ phải canh cánh thao thức để tâm xem chừng giấc ngủ của các con. Con mát mình thì mẹ mới an lòng ngả lưng nằm ngủ. Nếu nhằm khi trái gió trở trời, con ấm đầu sổ mũi, cựa quậy không ngủ được thì mẹ phải cực nhọc suốt đêm với các con. Con biếng ăn biếng uống thì lòng mẹ xốn xang, lo âu chạy đong chạy đáo đi tìm thang thuốc. Thậm chí đến những thứ ô uế hôi tanh bẩn thỉu của các con mà mẹ vẫn vui lòng chịu đựng, lau chùi, giặt giũ, bất luận là ngày hay là đêm. Vì các con mà mẹ quên mất đi mẹ, có lắm đêm mẹ cứ để thân thể dơ dáy như vậy mà ngủ thiếp đi. Cuộc đời của mẹ là một chuỗi dài những đắng cay khổ nhọc, nhưng mẹ vẫn luôn thản nhiên vui vẻ chấp nhận tất cả những oan nghiệt của dòng đời chỉ với một mục đích duy nhất là đổi lấy sự ấm no hạnh phúc cho các con của mẹ.
Mẹ ơi, bây giờ con mới thấm thía với câu nói của người xưa:
Mẹ cho con tất cả
Hết quãng đời thanh xuân
Cả thương yêu dịu ngọt
Rộng hơn biển hơn trời
Mẹ là gió mát tinh anh
Là cây tiên dịu là cành thùy dương
Mẹ là hoa mẹ là hương
Mẹ là nguồn cội tình thương nhiệm mầu
Bây giờ bóng mẹ còn đâu
Chỉ còn non nước một màu xanh xanh.
Thời gian cứ thế êm đềm trôi qua với các con, nhưng với mẹ, con cái ngày càng lớn, nhu cầu càng nhiều thì gánh hàng cũng nặng oằn hơn trên vai mẹ, lưng mẹ còng hơn, và mắt mẹ quầng thâm hơn. Những năm sau này thì ba làm ăn trên Sài Gòn hay Mỹ Tho gì đó, lâu lâu mới về một lần. Tôi không biết là ba có phụ mẹ nuôi các con hay không nhưng vai mẹ vẫn tiếp tục nặng oằn vì đàn con mười đứa. Ba tôi và tôi ít khi chuyện vãn gì với nhau, nên tình phụ tử đã lợt lạt ngày càng lợt lạt hơn. Đến khi ba đi biền biệt không về, nghe nói là ba đã có người khác. Mợ Năm tôi tức tối hối thúc mẹ đi đánh ghen, nhưng mẹ chỉ cười nói với mợ rằng: “Khi nào ảnh hồi tâm thì ảnh về, chứ đánh người khác tội lắm mợ à!” Nhưng mợ và mấy dì hối thúc riết rồi mẹ cũng theo mợ qua Cổ Cò, chỉ để xỉu và trở về tay không khi thấy cảnh ba đang hạnh phúc với người khác. Sự thể đã như vậy mà mỗi lần ba về, con thấy mẹ vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra. Một hôm, con thấy mẹ phải đưa tiền cho ba đi xe để trở lại Mỹ Tho, lòng con uất nghẹn cho cuộc đời khổ đau của mẹ. Có một điều lạ, con thấy hình như tính nhẫn nhục chịu đựng gian lao khổ nhọc là không có gì đáng nói đối với mẹ. Lúc nào trên đôi mặt mẹ cũng có nụ cười nhân hậu, chứ ít khi nào con thấy mẹ thở than hay lớn tiếng rầy la anh em chúng con. Đối với con, mẹ là một hình ảnh cao cả, bao dung, vị tha, nhân đức. Mẹ luôn nhẫn nhục chịu đựng tất cả mọi cai nghiệt để sống một đời sống hết sức bình thường. Mẹ thường mong ước cho mẹ có sức khỏe để nuôi dạy cho con cái thành người. Mẹ không muốn các con lo buồn nên mẹ ít khi than thở về việc túng thiếu của gia đình, ngay cả những khi mẹ trở bịnh mà mẹ làm như không có chuyện gì xảy ra hết. Mẹ ơi, mẹ là người mẹ vĩ đại nhứt của các con, mẹ thương yêu chăm sóc, mẹ nuôi nấng dạy dỗ mà không mong các con báo đáp. Có những đêm, khi mọi người đã yên giấc, thì mẹ một mình với gánh cháo khuya trên đường phố. Ngày đó con chỉ thầm khóc cho cuộc đời vất vả cơ cực của mẹ, chớ không biết làm sao hơn để chia sẻ những nhọc nhằn của mẹ. Hai mùa mưa nắng lúc nào cũng oằn nặng trên đôi vai mẹ.
Ngày đó không có tiền mua áo mưa nên mẹ làm cho cả nhà mỗi đứa một tấm ni lông lớn để trùm khi trời mưa. Một lần con đi học về bị mắc mưa, nhìn qua bên kia hàng hiên con thấy mẹ cũng đang mắc mưa và đang run cầm cập, con vội chạy qua đưa tấm ni lông cho mẹ, con nói con đi học về cũng gần tới nhà, thôi mẹ lấy tấm ni lông của con mà che cho đỡ lạnh. Mẹ âu yếm nhìn con và nói: “Mẹ không sao đâu con, mẹ sợ con mắc mưa bệnh không đi học được thì bị trường đuổi, làm sao mẹ có khả năng cho con học trường tư?” Mẹ ơi! Trên đời này với mẹ chỉ có các con và chỉ vì các con thôi, nên mẹ sẵn sàng trải thân ra mà bao bọc cho các con trong bất cứ trạng huống nào. Dù hãy còn rất nhỏ và dù mẹ không nói ra, nhưng con biết, trong mắt mẹ lúc đó hằn lên những nỗi lo âu, mẹ không lo lạnh lo rét cho chính mẹ mà mẹ lo không biết trời mưa tới chừng nào mới tạnh, vì mưa càng dai thì nồi cháo của mẹ kể như ế, rồi lấy gì cho các con ăn uống ngày mai và lấy gì để sắm tập vở áo quần cho các con đây? Mẹ ơi mưa nắng vô tình, mưa nắng là chuyện dĩ nhiên của trời đất, là chuyện phải có, nhưng với mẹ con mình ngày đó lại là một nỗi nhọc nhằn cơ khổ quá hở mẹ? Mưa nắng đối với người khác là chuyện bình thường, nhưng ngày đó con cứ mong cho trời đừng mưa mẹ ạ. Một lần nữa, khi mẹ đi gánh nước dưới sông, con cũng lẽo đẽo theo sau mẹ, một hôm vì cầu đóng rong trơn trợt nên mẹ hụt chân ra khỏi cầu, con quính quáng, dù hãy còn quá nhỏ và chưa biết lội, con vẫn nhảy ùm xuống nắm tóc mẹ kéo vào bờ. Mẹ vội khoác tay ra dấu cho con đừng nhảy xuống, vì mẹ sợ con sẽ bị chết chìm, mẹ la lớn mẹ không sao đâu, con đừng nhảy xuống! Mẹ ơi, trong cơn thập tử nhứt sanh, ngay cả giờ phút lâm nguy đến tánh mạng mà mẹ chỉ nghĩ đến con chứ không lo gì cho mẹ. Nhưng mẹ ơi, giờ phút này mẹ còn đâu nữa, và con biết tìm đâu ra hình bóng thân yêu và tấm lòng quảng đại của mẹ hiền? Mẹ ơi! Còn sự hy sinh nào cao rộng hơn sự hy sinh này của mẹ? Con biết lắm khi vì các con mà mẹ phải gây tội tạo nghiệp cũng không chừng. Nhưng dù có trải qua giông tố bão bùng thế nào đi nữa, mẹ vẫn sẵn sàng chịu đựng, miễn sao mẹ mang về được cho các con của mẹ một chất ngọt ngào êm dịu là mẹ sẵn lòng làm bất cứ chuyện gì. Trong cuộc sống hằng ngày, ai muốn vằng vặc mẹ như thế nào cũng được, nhưng không thể nào động đến các con của mẹ. Mẹ như gà mẹ, bất kể an nguy, sẵn sàng dang rộng đôi cánh ra bảo vệ đàn gà con trước nanh vuốt của bầy diều hâu hung dữ.
Sự hy sinh của mẹ chính là hình ảnh cánh cò mẹ mà người xưa hãy còn để lại trong những câu ca dao não nuột:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi! Ông vớt tôi mau
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con.
Có những hôm mẹ đi bán về trong đêm trường vắng lặng, chỉ còn tiếng hát điệu hò của mấy anh trai làng trong đồn canh ấp Long An vọng lại:
“Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời...”
Mỗi lần nghe mấy dì và mợ Năm kể lại cuộc đời của mẹ, dù lúc đó con hãy con rất nhỏ nhưng con cảm thương cho mẹ quá. Các dì kể có lúc ba bỏ ra đi biền biệt, rồi đến con bệnh, không đủ tiền thang thuốc, lại phải mất con. Rất nhiều lần con nghe mẹ nói nếu không có các con chắc mẹ cũng không thiết sống nữa mà làm gì. Hồi anh Huệ và chị Hoa chết cách nhau có một năm chỉ vì thiếu tiền thang thuốc, mẹ vật vã khổ đau, mẹ muốn đi theo các anh chị con cho nhẹ gánh trần gian, nhưng khi nghe tiếng các con mơ màng trong giấc ngủ, mẹ giật mình quay về với thực tại khi nhớ đến trách nhiệm của mình với những đứa còn lại. Từ đó con ít thấy nụ cười trên gương mặt khô cằn và đôi mắt thâm quầng của mẹ nữa. Mẹ trầm lặng ít nói, mẹ làm việc bất kể ngày đêm, hết bán bánh mì, rồi bán cháo. Sống ngay thị xã, không vốn liếng, cũng không một miếng đất cắm dùi nên nhà mình phải ở nhờ đất của “Bang Hoa Kiều.” Để có vốn mua bán, mẹ phải đi làm thuê làm mướn, có những buổi mẹ về tay chân run lập cập, con nói để con đốt lửa lên cho mẹ hơ, nhưng mẹ sợ tốn củi nên bảo con thôi. Có những lúc bệnh mà mẹ cũng ráng cho lướt qua chứ không dám thuốc thang, vì tất cả tiền mẹ kiếm được dùng để lo cho các con chứ không có khoản nào dành cho riêng mẹ. Rất nhiều lần mẹ bị mắc mưa rồi lên cơn cảm sốt, tưởng chừng như không qua được, nhưng rồi chỉ với nồi xông lá ổi lá bưởi lá chanh là mẹ cố vượt qua. Những lần như thế, chị em chúng con chỉ biết ôm nhau mà khóc, chứ không biết làm gì hơn, khóc vì sợ mẹ mất, khóc vì sợ rồi đây sẽ không có ai nuôi nấng bảo bọc mình, khóc vì sự khó khăn nghèo khổ của gia đình. Nhưng rồi lần nào cũng vậy, lần nào rồi mẹ cũng gượng đứng dậy để tiếp tục tảo tần nuôi dạy con cái. Mẹ ơi! Bây giờ cứ mỗi lần mùa đông đến, trong những đêm mưa gió bão bùng là mỗi lần con hình dung lại đôi bàn tay còi cọc của mẹ ngày đó, con cảm thấy xót xa quá mẹ ơi. Có lẽ đây là một trong những ấn tượng sâu đậm nhứt trong lòng con về mẹ, mà đã hơn nửa thế kỷ qua với bao thăng trầm trong cuộc sống, cũng không làm con quên được hình ảnh ngày ấy của mẹ. Hễ cứ nhìn thấy mưa đông lạnh lẽo ở đâu là lòng con chùng xuống với hình ảnh thân thương và đôi bàn tay còi cọc của mẹ. Có những đêm mẹ đi bán về quá muộn, nhưng mẹ vẫn tiếp tục chong đèn để giặt giũ và vá lại quần áo rách của các con. Nhìn mẹ mà thấy cảm thương quá nên con nói với mẹ: “Thôi mẹ đi ngủ đi, khuya lắm rồi, tụi con có mặc đồ rách cũng không sao đâu, tụi con quen rồi mà.” Mẹ liền nói: “Í, hổng được đâu con, mẹ vá thêm chút nữa là xong, đồ có rách mình cũng phải vá lại cho lành chứ con!”
Thế rồi mẹ cứ lầm lũi nuôi con, có những lúc mẹ tưởng chừng như không vượt qua nổi những vùi dập khổ đau của cuộc đời, vì tụi con ngày một lớn, nhu cầu dầu có nhiều hơn. Tuy nhiên càng lớn tụi con càng nhìn thấy được nỗi cơ cực của mẹ nên cũng không dám đòi hỏi gì nhiều. Chị Hai thì nghỉ học để phụ mẹ nuôi các em, dù hồi đó lúc nào chị cũng được điểm cao và năm nào cũng được lãnh thưởng. Bà Hiệu Trường trường Nữ Tỉnh Lỵ phải vô xin với mẹ là nếu mẹ lo không nổi thì bà sẽ lo cho chị tiếp tục đi học cho đến khi thành tài, nhưng chị Hai đã thẳng thắn trả lời bà: “Thưa bà Hiệu trưởng, chuyện nghỉ học là chuyện con tự động nghỉ để ở nhà phụ mẹ nuôi các em, chứ mẹ con nào muốn vậy. Con xin cảm ơn lòng tốt của Bà.” Tội nghiệp chị Hai, vì nhà nghèo và vì muốn phụ mẹ để nuôi nấng các em mà chị phải lao vào đời lúc tuổi hãy còn quá trẻ. Tuy nghỉ ở nhà nhưng đêm nào cũng vậy, khi các em đã ngủ thì chị lấy bài vở của con ra mà học. Thế rồi chị cũng đậu Tiểu Học và Trung Học một lượt với con. Con thì có đêm đi gác nhân dân tự vệ thế cho chú Tư Quí, chú Năm Tốt hay chú Năm Mão trong xóm để phụ với mẹ chút đỉnh tiền quà bánh cho các em. Nhìn thấy hoàn cảnh của mẹ như vậy nên con đã tự hứa với lòng là khi lớn lên, lập gia đình, dù có cơ cực thế nào con cũng sẽ cố gắng hết sức mình, chứ con không để cho người bạn trăm năm của mình phải gánh chịu cái cảnh này đâu.
Một thời gian sau thì ba quay trở về sống với mẹ con mình, và từ đó ba sống đời chí thú làm ăn, nhưng hoàn cảnh sinh hoạt của cuối thập niên 50s đầu thập niên 60s không còn dễ dàng như trước nữa. Khi ba trở về thì mẹ dạy chúng con lúc nào cũng tôn kính và thương yêu ba như các con đã thương yêu mẹ vậy. Mẹ còn dạy chúng con nhiều lắm về cung cách đối xử với ba, vì với con sự trở về của ba không làm con thương cảm, mà lắm khi con còn giận ghét ba hơn. Con nghĩ lúc ba có tiền để sống đời phiêu bạc giang hồ cũng là lúc mẹ con mình cơ cực, rồi bây giờ ba hết thời lỡ vận lại về đây để tiếp tục làm khổ mẹ. Mẹ bảo: “Các con nên luôn nhớ rằng, nếu ba có lỗi là có lỗi với mẹ, chứ ba không có lỗi với các con. Mẹ mong các con phải thương ba như các con thương mẹ vậy.” Vì thương mẹ nên con cũng nghe lời mẹ mà thương ba, chứ trong thâm tâm con lúc đó, dù không dám nói mẹ nói sai, con vẫn nghĩ ba tạo chúng con ra là ba phải có trách nhiệm, nếu ba thiếu trách nhiệm thì chẳng những ba có lỗi với mẹ, mà ba cũng có lỗi với chúng con nữa mẹ ạ! Con nhớ ngày đó, ông ngoại có hỏi con: “Ba con về, con chịu về ở chung với ba mẹ con hay muốn tiếp tục ở đây với ngoại?” Con trả lời ngay với ngoại là con sẽ đi theo ba mẹ. Mẹ ơi, lúc đó ngoài mẹ, ông bà ngoại, mấy dì và cậu mợ ra, con còn có ai đâu, vì tự thuở lọt lòng mẹ con đã được ông bà ngoại đùm bọc, nhưng con vẫn nói với ngoại một cách cương quyết là con về sống với ba mẹ, dù ngay lúc đó con đã biết con chỉ chiếm được một chỗ tẻ lạnh trong lòng ba mà thôi, nhưng hễ chỗ nào có mẹ là con sẽ đi theo, dù có ra thế nào con cũng cam. Sau đó ba mở một tiệm mộc, tưởng rằng cuộc sống mẹ sẽ có phần dễ chịu hơn, mẹ chỉ bán ngày một buổi, nhưng chẳng bao lâu sau đó ba phải bán tiệm đi vì lỗ lã. Thế là mẹ phải tiếp tục gánh ngày hai buổi như xưa. Đó là chỉ nói nếu các con khỏe mạnh bình thường, chứ có đứa nào bệnh, thì mẹ không còn cách nào khác hơn là đi vay tiền góp của bà Năm Già, bà Bảy Mẹc, hay bác Ba Bốc. Mẹ nói dù mấy bà và bác Ba cho vay ăn lời, nhưng xét ra mấy bà cũng là ân nhân của gia đình mình. Nếu không có mấy bà thì mẹ khó lòng nuôi các con của mẹ cho được vẹn toàn.
Ngày trước mẹ thường hay khuyến tấn tụi con ráng cố gắng học hành, vì theo mẹ nghèo cũng là một cái tội. Cho tới bây giờ con hãy còn nhớ rất rõ mấy cái tội nghèo của mẹ con mình lắm mẹ ơi! Hồi con học lớp ba trường Nam, con biết mỗi năm không chỉ riêng ngày tư ngày tết là mẹ mới khổ tâm, mà ngay cả những ngày trung thu tháng tám hay dâng cộ đèn 26 tháng 10 cũng làm cho mẹ khổ tâm vô cùng, nhưng rồi năm nào mẹ cũng sắm cho con một cái đèn lồng để có với người ta. Ngày dâng cộ đèn tháng 10 năm 1958 có lẽ là ngày kỷ niệm khó quên trong đời con. Tới sân trường, ai cũng một cái đèn ngôi sao thật to thật đẹp, còn mình chỉ là một cái đèn xếp xấu xí. Con ao ước được cầm cái đèn ngôi sao, dù chỉ cầm một chút thôi cũng được. Thế rồi không kềm hãm được sự mong ước, con chạy đến bên thằng Vinh, năn nỉ nó cho con cầm cái đèn ngôi sao của nó đi một khúc đường, nào ngờ sáng ngày hôm sau, nó vô mét với thầy là con ăn cắp chiếc đèn của nó, con đã bị thầy đánh cho mấy thước. Từ đó về sau, lòng dặn lòng là nhứt định không chơi với mấy đứa con nhà giàu nữa, tụi nó coi vậy mà tráo trở quá (bây giờ lớn lên thì cái suy nghĩ của con đã khác, giàu hay nghèo không ăn nhằm gì đến cá tính của mỗi người), rõ ràng là nó cho con mượn cầm đi một khúc, vậy mà sáng hôm sau nó dám cả quyết với thầy là nó để trong lớp bị con lấy mất. Về sau con mới biết đó không phải là chiếc đèn lồng của nó mà là của ông thầy, vì nhà nó và nhà ông thầy rất thân nên ông thầy cho nó mượn đi dâng cộ đèn, nó đã làm rách trước khi đưa con mượn, rồi sau đó không biết nó quẳng đi đâu vì sợ phải đền cho ông thầy nên nó lại mét với ông thầy là con ăn cắp của nó cho qua chuyện. Một lần khác, khi mẹ sai con xuống quán cô Năm mua xà bông, khi mua xong, con đưa một đồng bạc cho cô ấy rõ ràng, thế mà khi con vừa bước ra khỏi quán, cổ níu áo con lại và hô lên là con mua xà bông không trả tiền. Mẹ ơi lời mẹ dạy quả là thấm thía “nghèo cũng là một cái tội, nên mẹ muốn sao các con phải cố gắng vượt cho qua được cái tội nghèo này.” Lúc đó nhà mình nghèo thì ai lại không biết, nhưng họ đâu có biết, ba mẹ lúc nào cũng dạy tụi con, lành cho sạch rách cho thơm. Ngay cả những thứ người ta cho mà không có sự đồng ý của ba mẹ tụi con cũng không dám lấy, huống là đi ăn cắp đồ của ai? Nếu lần đó mà không nhờ có cô Bảy thanh minh, chắc lại thêm một lần nữa con của mẹ phải mang tiếng ăn cắp vì cái tội nghèo. Tội nghiệp cô Bảy, em ruột của cô Năm mà không giống cô Năm chút nào, cô ấy hiền từ ngay thẳng. Cô đã xác nhận với mọi người là cô thấy con đưa tiền cho cô Năm. Sau đó chính cô Bảy đã lên nhà xác nhận với ba, nên nhờ đó mà con đã thoát đòn.
Đến năm 1962, ba thì tuyệt vọng không tìm ra việc, nên càng ngày đôi gánh hàng của mẹ càng nặng hơn. Nhà đã không có tiền, không có gạo mà em Ngọc Mai lại vướng bệnh, có lẽ là sốt xuất huyết, nhưng ngày đó người ta chưa định ra được bệnh, nên bao nhiêu tiền mượn của bà Năm Già đều đổ dồn lo thuốc thang cho em nhưng cũng không cứu lấy được mạng em. Mới hơn ba tuổi đầu đã phải phụ với các anh chị lột củ hành cho gánh cháo của mẹ. Mẹ ơi hình ảnh của Ngọc Mai khiến con nhớ mãi là lúc em ngồi lột củ hành mà cứ phải cà hít cà hít và nước mắt chảy ròng ròng vì hơi cay của củ hành. Em ra đi trong một ngày Đông giá lạnh khi tuổi đời chưa tròn năm tuổi, tội nghiệp em, vì sanh ra trong gia đình nghèo mà phải yểu mệnh. Ngày mẹ sanh em Bích Vân, thì nhà mình không còn một hột gạo, ba phải ép lòng đi làm mướn lấy công rẻ mạt cho người ta để mua gạo, còn chị Hai, con và em Minh thì ngày ngày phải đi tát mương bắt cá kiếm đồ ăn cho mấy đứa em. Có hôm ba không có việc làm là mẹ phải đi mượn từng lon gạo của hàng xóm để nấu cơm cho tụi con. Vì vậy mà mới sanh có 3 hôm là mẹ đã phải tiếp tục gánh hàng ra chợ. Mẹ ơi! Bây giờ mỗi lần hồi tưởng lại cái thời cơ cực của mẹ, con không thể nào ngăn được nước mắt, dù không muốn khóc, nhưng nước mắt vẫn cứ tuôn trào.
Cuối năm 1963, bác ba Tình thấy hoàn cảnh nhà mình như vậy, bác bán rẻ một tai lưới, một bộ đăng và một chiếc xuồng bễ cho ba. Thế là từ đó mỗi đêm, con và em Minh đều ra sông Long Hồ giăng lưới hay bủa đăng ở mấy vàm rạch nhỏ quanh đó, dù có cực khổ hơn nhưng cũng giải quyết được bớt vấn đề đồ ăn cho gia đình. Ngày đó, tới trường học là phải ráng mà thu lên đầu những gì thầy cô dạy, được phần nào hay phần ấy, chứ mỗi khi đi học về, quăng cặp xuống là phải giữ em, làm công chuyện phụ mẹ và chi Hai. Đến chiều tối là con và em Minh phải ra sông Long Hồ để giăng câu, thả lưới hay bủa đăng, nên chuyện có thời gian để học bài ở nhà đối với con là một thứ xa xỉ phẩm không thể nào mơ tới. Mẹ ơi mãi cho đến bây giờ, điều khiến cho con ân hận nhứt là cái chết của em Kim Hoàng, tội nghiệp em con sanh ra trong gia đình nghèo mà lại đông anh em nên không được chăm sóc chu đáo. Lúc đó thì con có nhiệm vụ là đi học về xong là thay phiên giữ em với chị Hai, nhưng mẹ coi chỉ có chị Hai với con mà phải giữ đến bảy tám đứa em thì làm sao mà không sơ suất cho được? Năm đó chắc con cũng đã mười một hay mười hai tuổi gì rồi, một bữa đi học về con bồng thằng Trước ra trước nhà để dỗ cho em nín, thường thì Kim Hoàng lẽo đẽo sau lưng con, nhưng hôm đó không biết tại sao con cũng quên mất tiêu em Kim Hoàng, tới chừng nhớ ra hô lên và chạy đi kiếm thì Kim Hoàng đã té úp xuống ao sau nhà, dù chỉ là ao cạn, nhưng cũng đủ sâu để cướp mất em con, và dù lối xóm đã làm mọi cách để cứu em nhưng Kim Hoàng đã ngộp thở quá lâu nên không còn cứu được nữa. Đang bán ngoài chợ, vừa hay tin là mẹ bỏ gióng gánh chạy về. Mẹ đau đớn ôm xác Kim Hoàng mà than khóc. Trong cơn đau buồn như vậy mà mẹ không trách cứ các con đã không coi chừng để cho em té ao. Nhưng rồi mẹ nào có được yên, sau đó thì em Huy cũng không chống nỗi với chứng suy dinh dưỡng mà bỏ anh em chúng con ra đi khi chưa đầy bốn tuổi. Mẹ phải vật vã với đời, với hoàn cảnh cay nghiệt của mẹ, với sự mất mát những đứa con thân yêu vì túng thiếu nghèo khổ, nên mẹ ngày càng cằn cỗi khô héo, nhưng mẹ không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh. Mẹ tiếp tục gượng dậy với những năm tháng chắt chiu khổ nhọc, với đôi vai trĩu nặng cho đàn con mẹ được tung tăng đến trường. Mẹ ơi! Núi Thái Sơn có cao cũng không cao bằng tình mẹ cho con, sông biển có dài có rộng cũng không đủ mạch lượng để chất chứa dạt dào tình thương bao la như tình thương của mẹ. Chính đôi bàn tay gầy guộc của mẹ đã nâng chúng con ngửng mặt lên nhìn đời. Dù cuộc sống thực có cơ cực giông bão thế mấy, mẹ vẫn luôn nhẫn nhục chịu đựng, nhưng mẹ không tin và không bao giờ bằng lòng ở số phận. Mẹ luôn dỗ dành các con bằng thuyết nhân quả của nhà Phật: “Như các con thấy đó, các con vì duyên nghiệp mà sanh ra trong gia đình nghèo, đời sống luôn cơ cực, nhưng mẹ không muốn sau này các con nuôi cháu của mẹ cực khổ như mẹ nuôi các con bây giờ.” Đối với mẹ, không có cái gì là không có nguyên nhân và duyên nghiệp của nó. Mẹ nói có lẽ kiếp trước mẹ con mình đã tạo nhiều ác nghiệp, hoặc giả tham lam bỏn sẻn gì đó nên kiếp này phải cùng chịu chung cảnh sống nghèo nàn cơ cực. Mỗi đêm mẹ đều thắp nhang cầu nguyện với Phật Trời, nhưng lúc nào mẹ cũng khuyên các con nên phấn đấu vươn lên, chứ không đầu hàng số mệnh. Mẹ thường nói với các con: “Tiền rất cần cho cuộc sống này, có tiền thì cuộc sống sẽ dễ chịu và thoải mái hơn nhiều lắm, nhưng chưa chắc có tiền là đã có hạnh phúc đâu các con ạ! Không phải vì mẹ nghèo, mẹ không có tiền mà mẹ dạy các con như vậy. Như các con thấy đó, khi ba các con ăn nên làm ra có tiền có của là những lúc mẹ phải chịu khổ đau nhiều hơn những lúc ba con thất thời lỡ vận về đây sống hẩm hiu với mẹ con mình.” Đối với mẹ, hạnh phúc là những gì giản dị và bình thường mỗi ngày. Đối với mẹ, hạnh phúc là được thấy các con khôn lớn nên người hữu dụng cho gia đình, xã hội và đất nước. Chính vì vậy mà mẹ dạy các con là dù sau này có làm được ông cống ông nghè gì thì cũng phải nhớ điều mẹ dạy là phải luôn sống cho mình, cho người và cho đời.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, đến năm 1968, khi vừa đậu xong tú tài phần nhất, con không còn chịu nổi cảnh cơ cực của mẹ, nên con quyết định không đến trường học nữa. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều về quyết định này của tôi, mẹ nói: “Con cũng lớn rồi và cũng có cái suy nghĩ của riêng con, mẹ biết mẹ không thể nào ngăn cản được quyết định của con, nhưng mẹ chỉ mong sao sau này dù ở đâu và trong hoàn cảnh nào, con cũng phải ráng vươn lên. Con ơi! Muôn tội không tội nào nặng hơn tội dốt đâu con. Mẹ dốt nát người ta khi dễ đã đành, mẹ dốt nát nên mẹ phải vật lộn với cuộc sống một cách vô cùng vất vả mới có thể nuôi được các con, mẹ chỉ mong các con của mẹ có được chữ nghĩa với đời để sau này các con nuôi cháu của mẹ không khổ cực như mẹ đang nuôi các con bây giờ.” Chính nhờ sự khuyến tấn này của mẹ mà dù đã vào quân đội, con không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh, không bao giờ lãng phí bất cứ thời gian nào mình có được, năm sau đó con vẫn tiếp tục đi thi và đậu tú tài phần hai, rồi tiếp tục ghi danh lên đại học, dù chỉ là hàm thụ, nhưng mấy năm sau đó con cũng xong chương trình đại học ban Anh Văn và Việt Hán. Dù cả hai thứ này không phải đúng như giấc mơ thành tài của con, nhưng điều này cũng làm cho mẹ sung sướng hơn bất cứ thứ gì.
Những năm đã vào quân đội, đổi tận ra miền Trung và vào sanh ra tử mỗi ngày, nhưng với mẹ thì lúc nào tôi cũng vẫn là một đứa con thơ dại. Mỗi lần về phép với mẹ là mỗi lần tôi được mẹ chăm sóc như những ngày còn thơ ấu. Trong thời gian này, mặc dù gia đình tôi không phải là giàu có, nhưng ba tôi đã có việc làm ở phi trường, chị Hai cũng đậu xong Tiểu học và Trung học và xin mở được một trường với hai lớp mẫu giáo để dạy cho các em nhỏ trong xóm, còn tôi cũng dành dụm hàng tháng gửi tiền về giúp mẹ lo cho các em, nên mẹ tôi cũng đỡ vất vả hơn trước nhiều. Nhưng có lẽ số phận của mẹ con tôi phải đắng cay một đời. Thoải mái chưa được bao lâu thì hung tin báo về là em Minh đã hy sinh trong một chuyến công tác thăm bệnh và phát thuốc cho dân chúng dọc theo bờ sông Hậu thuộc tỉnh Cần Thơ. Thật tội nghiệp cho em tôi, cũng một đời cơ cực như tôi, lớn lên chưa được hưởng gì thì lại phải hy sinh vì lý tưởng tự do. Tội nghiệp nhứt là mẹ tôi, một đời sống trong nước mắt, nhứt là giai đoạn cuối đời của người. Tôi chứng kiến cảnh mẹ gục đầu nức nở bên quan tài của em Minh. Thật tội nghiệp cho mẹ, tre già khóc măng non, còn gì đau lòng cho bằng cảnh mẹ khóc con. Từ đó cứ mỗi chiều là mẹ đứng bên hiên nhà nhìn ra mộ em Minh mà thầm khóc. Mẹ khóc cho con mẹ và mẹ khóc cho chính mẹ. Trời xuôi chi niềm cai nghiệt đến thế hở mẹ? Mẹ sanh em con, rồi hai mươi năm sau mẹ lại phải đi chôn em con. Còn cai nghiệt nào hơn cai nghiệt này hở mẹ?
Rồi dòng đời đưa đẩy, sau cơn hồng thủy 75, mẹ lại một lần nữa gạt lệ nhìn con mẹ bị đọa đày trong địa ngục trần gian. Có lẽ vì đủ thứ lý do, trong đó có những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu nghèo nàn mà tôi đã quyết định không bỏ mẹ ra đi ngay sau 1975, dù ngày đó trong tay tôi có sẵn phương tiện, muốn đi lúc nào cũng được. Có những người bạn đã bỏ nước ra đi ngay từ khi Đà Nẳng thất thủ, tôi không có ý kiến, nhưng với tôi đó là sự phản bội không chấp nhận được. Sau khi từ chối không hợp tác với nhà nước mới, con bị họ giam hẳn vào ngục kín, những đứa còn lại cũng bị trù dập không ngóc đầu lên nổi trong cái gọi là “xã hội chủ nghĩa.” Một lần mẹ đi Bến Giá thăm con, sau hơn một ngày đường mà chỉ được gặp mặt con có 5 phút, nên mẹ không nở ra về ngay, mẹ năn nỉ tên cán bộ không được, mẹ ra đứng ngoài rào mà tiếp tục nhìn con, nhưng nào có yên, một tên gác cổng, tay cầm khẩu AK lăm lăm đến xua mẹ đi. Mẹ vẫn cố đưa tay vẫy con cho đến khi tên gác cổng quay ngược báng súng đẩy mẹ ra xa. Mẹ đành phải quay đi trong tiếng khóc vô vọng gọi con.
Sau những trận đòn thù trong 8 năm lao tù, tôi đã được họ thả ra để về với gia đình, nhưng hoàn cảnh sống bây giờ đã khác xưa quá nhiều. Cây muốn lặn mà gió cũng chẳng chịu ngừng. Khi về đến nơi, tôi mới đem cái bàn máy may ra trước nhà làm thợ may kiếm sống qua ngày, nhưng họ nào chịu để tôi yên. Mỗi sáng ngày nào cũng như ngày nào, tên công an phường cứ xách súng lại ngồi ngay trước nhà, làm như tôi là thứ cực kỳ nguy hiểm cho xã hội không bằng. Có nhiều lúc anh ta hỏi tôi những câu thật là ngu xuẩn như: “Anh Ba, tôi hỏi thiệt anh nhe, ngày trước anh đi lính, rồi đi cải tạo, bây giờ về đây anh làm thợ may, anh học mai hồi nào với ai mà làm thợ may, tôi biết cái nghề thợ may và cái chỗ may đồ của anh chỉ làm cái nhãn cho anh liên lạc với đám tàn quân mà thôi, chứ tôi đã hỏi những người quanh đây rồi, tự thuở giờ anh đâu có may vá gì.” Tôi nói chỉ để chống chế những luận cứ chụp mũ của tên công an B mà thôi: “Anh B thấy đó, tôi đã cải tạo tốt và được cách mạng cho về. Tôi muốn làm ăn bình thường chứ đâu còn muốn gì nữa. Nếu anh nghi tôi không biết may thì anh cứ đưa đồ cho tôi may thử.” Tôi đã may cho tên B cả quần tây lẫn áo sơ mi, nó mặc nó khen lấy khen để, mà nó nào có chịu buông tha cho tôi làm ăn đâu. Sáng nào cũng như sáng nào, nó đều xách súng lại ngồi ngay trước nhà. Dù đã được về nhà sau 8 năm lao khổ trong rừng sâu núi thẳm, nhưng những tháng ngày bên ngoài của tôi cũng lao đao lận đận có kém gì những ngày tháng trong tù đâu, không làm ăn gì được mà còn lại thêm nay công tác thủy lợi bên lộ mới (lộ Khưu văn Ba cũ), mai đắp đường cho cây cầu sắp xây trong cua Long Hồ, quả thật mảnh đời của người trai thời ly loạn như tôi không có đất sống ngay chính trên quê hương mình.
Tuy nhiên, ngày ấy tôi cũng được an ủi rất nhiều với tình làng nghĩa xóm. Trong những ngày tháng lao đao lận đận ấy thì cô và dượng hai Thoại, mặc dù chỉ là những người hàng xóm mà trước đây tôi cũng không quen, đã hết lòng khuyến tấn và an ủi. Cô dượng đã giúp tôi phấn chấn tinh thần để tìm đường vượt thoát. Trong một buổi họp mấy chú mấy bác tại “nhà quàn Quảng Đông”, cô hai Thoại đã đề nghị với phường nên trả quyền công dân cho tôi để tôi dễ dàng đi tới đi lui làm ăn, nhưng tên B, công an phường đã kịch liệt bác bỏ. Hắn nói: “Hổng được đâu, tại bà con nghĩ tình và tại bà con hổng biết chứ tên này nguy hiểm lắm. Trả quyền công dân cho nó là nó có thể bay đi mất tiêu hồi nào hổng ai hay cũng không chừng.” Nói xong hắn quay qua tôi nói: “Ê! Anh Ba, tôi nói vậy có oan ức gì hôn?” Lúc đó tôi nói trong bụng tôi chẳng còn gì nữa để sợ, nên khi hắn cho tôi phát biểu, tôi đã đứng dậy nói: “Thưa bà con, con đã sinh ra và lớn lên ở đây, ở ngay trên cái đất Long Hồ này như bà con đã biết. Tự thuở giờ, con chưa bao giờ có được cái vinh dự làm một công dân của nước CHXHCN, thì nước CHXHCN đâu có cái gọi là quyền công dân để trả lại cho con. Ngày trước con đi lính Cộng Hòa, thì đã được nước CHXHCN ‘khoan hồng’ cho đi học tập 8 năm rồi còn gì. Bây giờ nhà nước CHXHCN muốn cho con quyền công dân thì con nhờ, mà không cho thì con chịu, chứ con không dám đòi hỏi gì hết. Dù sao đi nữa thì con cũng xin cảm ơn lòng tốt của bà con cô bác và con xin nguyện tạc ghi ơn nghĩa này suốt cả đời con.” Tên B nghe tôi nói vậy thì hắn lồng lộn lên đòi đem tôi đi nhốt liền, nhưng bà con đã kịch liệt phản đối: “Chúng tôi thấy thằng Ba nó có nói gì phản lại cách mạng đâu mà cậu B đòi nhốt nó. Cậu giỏi cậu làm đi, tụi tôi cả làng ra làm chứng cho nó chứ tụi tôi không chịu thua cậu đâu.” Thấy bà con làm dữ tên B tuyên bố chấm dứt buổi họp rồi bỏ ra đi một nước. Dù sao đi nữa thì tôi cũng rất cảm động với những ân tình mà bà con trong xóm đã dành cho tôi, nhứt là cô dượng hai Thoại đã dành nhiều cảm tình thương xót cho kẻ sa cơ thất thế như tôi.
Sau đó thấy không xong, tôi đã phải bóp bụng xa mẹ ra đi nơi chân trời viễn xứ, dù biết có thể đây là lần vĩnh viễn chia xa, nhưng mẹ vẫn nắm tay tôi an ủi: “Con đừng núm níu chi mẹ, mà hãy ráng lo cho tương lai các cháu của mẹ được rạng rỡ hơn.” Tôi ra đi không báo trước, nhưng hình như linh tính nên mẹ tôi từ ngã ba Long Hiệp lên. Mẹ biết tôi rất thích hủ tiếu do chính mẹ nấu, nên chiều hôm ấy mẹ đã nấu một bữa hủ tiếu thật ngon. Đây có thể nói là bữa ăn ngon nhứt của đời tôi, bữa ăn do chính mẹ nấu, và cũng là bữa ăn cuối cùng mà mẹ đã dọn cho tôi. Mẹ bảo tôi hãy đến cùng mẹ lạy bàn thờ ông bà và khẩn nguyện bình yên. Mẹ nói mẹ không có gì cho con trước khi con ra đi, mẹ chỉ mong sao cho dù ở bất cứ nơi đâu, con mẹ cũng được bình yên, mẹ mong sao ngày nào đó con trở lại mẹ vẫn còn sống để nhìn thấy con mình. Mẹ nói sau bao năm vật vã trong chế độ mới, gia đình mình không còn gì hết và mẹ cũng không có gì để cho con ngoài tấm lòng mẹ thương yêu con. Mẹ nắm tay tôi, rồi mẹ xoa xoa lên hai móng tay “mài ốc” của tôi, rồi mẹ so với hai móng tay “mài ốc” của mẹ, nước mắt mẹ trào dâng: “Con ơi! Mỗi lần con nhớ mẹ thì con nhìn hai móng tay này!” Rồi mẹ dặn con đủ thứ hết, nào là con phải ráng giữ gìn sức khỏe, phải thang thuốc liền mỗi khi bệnh hoạn, phải thư từ thường xuyên về cho mẹ, phải ráng lo cho tương lai của các cháu mẹ được rạng rỡ hơn... Mẹ còn nói với tôi nhiều thứ lắm, mẹ dặn sau này dù cho cuộc sống có cơ cực thế mấy, mẹ mong con phải đối xử thật tốt với vợ con, trong tám năm lao tù của con, vợ con đã dầm sương dãi nắng, vừa thay chồng nuôi con khôn lớn, mà phải vừa làm cánh cò lặn lội đi thăm chồng. Con có thấy không, sau cơn hồng thủy có biết bao nhiêu gia đình đổ vỡ tan nát! Trong bất cứ hoàn cảnh nào, con không nên bạc đãi vợ con như ba con đã... Mẹ chỉ nói được đến đó rồi mẹ khóc.” Mẹ ơi! còn tình thương nào cao cả hơn tình mẹ thương con? Mẹ biết một lần ra đi là một lần vĩnh biệt, mẹ biết với khả năng và óc cầu tiến của con, con sẽ không đói trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng mẹ bóp bụng để cho con ra đi vì một lý do cao cả khác, phải không mẹ? Mẹ biết con không hề khuất phục trước quân thù, nên mẹ sợ con ở lại thế nào cũng có ngày họ hãm hại con. Mẹ nói: “Ba biết con sắp sửa ra đi nên ba buồn ba giận, ba không muốn nhắc gì đến chuyện này, ba nói bộ ở đây không có đất cho nó sống hay sao mà nó đi, nó đi ‘bắt ông bà ông vải gì nó ở bên ấy?’ Riêng mẹ dù khổ lắm khi biết mẹ sắp xa con, mẹ biết kể từ ngày mai mẹ sẽ không còn cơ hội trông thấy được con, nhưng mẹ biết con mẹ không còn sự lựa chọn nào khác. Mẹ biết khi mẹ chấp nhận để con ra đi là con mẹ phải đương đầu với “thập tử nhứt sinh”, phải giành giựt cái sống trên cái chết giữa biển cả bao la, phải vượt qua một chặng đường chông gai hiểm trở dữ lắm mới có thể đến được bến bờ tự do. Mẹ biết để con ra đi là mẹ buồn lắm, không có nỗi buồn nào của mẹ có thể lớn hơn nỗi buồn sanh ly với đứa con trai bất hạnh mà mẹ thương nhiều nhứt. Mà níu kéo con ở lại thì mẹ cũng không đành, vì ngày nào cũng như ngày nấy, họ cứ lăm le như muốn bắt con lại bất cứ lúc nào. Mẹ phải chấp nhận vì mẹ biết con không thể nào hội nhập vào cái nơi không có tình thương thật sự, con không thể nào hội nhập vào những giả dối phỉnh lừa của cái ‘xã hội chủ nghĩa’ này. Thôi thì mẹ để con đi.” Mẹ ơi! Với con, những giọt nước mắt ngày ấy của mẹ là những giọt mưa cam lồ mà mẹ trao cho con lần cuối trước khi con ra đi. Dù đang bối rối và buồn bã, nhưng con cứ để yên cho mẹ khóc, để con có thể đón nhận những giọt nước mắt của mẹ cho con trong buổi sanh ly tiễn biệt này, vì đây là món quà sau cùng và muôn thuở mà mẹ dành cho con, phải không mẹ?
Đêm hôm trước khi tôi ra đi, tôi, chị Hai và mẹ ngồi rất lâu trước hiên nhà, mùi hương bông bưởi thoảng nhẹ trong sương đêm nghe rất dễ chịu, nhưng tinh thần của ba mẹ con tôi lại quá trĩu nặng ưu sầu, thiệt người buồn cảnh có vui đâu bao giờ? Đêm hôm ấy, mẹ tôi khóc và khóc mãi đến khô nước mắt. Khi mẹ đã vào nghỉ thì tôi và chị Hai vẫn còn ngồi đó, ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu. Đêm đó chị Hai nói rất nhiều, nói trong nghẹn ngào xúc cảm. Tôi biết chị đã một đời hy sinh, vì các em mà chị phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ, rồi cũng vì các em mà chị quyết định không lấy chồng. Tôi muốn nói thật nhiều với chị để chia sẻ nỗi niềm cảm thương và để nhắn gửi ba mẹ lại cho chị, nhưng sao cổ họng cứ nghẹn ngào không nói được. Đến khi nói được thì lại nói một câu thật vô nghĩa: “Chị Hai có thấy em nhẫn tâm và bất hiếu khi quyết định ra đi, bỏ lại cha mẹ và những người thân thương không chị?” Chị an ủi tôi: “Em đâu còn con đường nào khác để lựa chọn nên em phải ra đi, may mà có người giúp cho em đi thì em phải đi chứ không lẽ ở lại để chị em và cả nhà mình đều phải tiếp tục sống trong những ngày tháng u tối à! Em đừng lo, em ra đi thì nơi này vẫn thế.” Tôi gượng cười: “Ừ, nơi này vẫn thế, vẫn cha già mẹ yếu, vẫn chị, vẫn các em...” Chị biết tâm trạng cắn rứt của tôi nên an ủi: “Thôi em cứ an tâm, em có ở lại thì cũng chẳng làm được gì, tương lai tối đen vì sự kỳ thị ở đây sẽ làm em cơ khổ hơn, ở nhà có chị và mấy em cùng lo cho ba mẹ trong lúc tuổi già.” Sáng hôm sau khi đưa mẹ ra bến đò Long Hồ để mẹ trở về Long Hiệp, mẹ cầm tay tôi nhắn nhủ: “Con đừng núm níu chi mẹ, mà hãy ráng lo cho tương lai các cháu của mẹ được rạng rỡ hơn.” Mẹ ơi! ngày con xuống tàu vượt biển lìa quê, hành trang của con ngoài một cái quần đùi và cái áo thun, chỉ vỏn vẹn là những hình ảnh của những người thân thương và hình ảnh quê hương được gói sâu tận đáy lòng con. Trong đó, hình ảnh yêu thương gầy guộc của mẹ sẽ đi theo con đến hết cuộc đời. Hình ảnh mẹ không chịu xuống đò mà mẹ cứ đứng bên bờ sông Long Hồ, đôi mắt mẹ rưng rưng ngấn lệ, nhưng mẹ cố ngăn không khóc thành tiếng vì sợ con đổi ý không chịu ra đi. Lúc đó con biết mẹ thương con nhiều lắm, mẹ không bao giờ muốn để con đi, mẹ không bao giờ muốn xa con, nhưng mẹ không còn sự lựa chọn nào khác.
Mẹ ơi! Đến khi tương lai của các cháu được rạng rỡ hơn thì mẹ đã không còn. Vì quá cơ cực mà tuổi chưa đến thất tuần, mẹ đã lặng lẽ ra đi. Mẹ đã ra đi vĩnh viễn vào những ngày đầu xuân năm 1990. Vẫn biết vạn hữu vô thường, nhưng khi hay tin mẹ mất, tôi bàng hoàng, tâm trí tôi bấn loạn và cảnh vật quanh tôi như hoàn toàn đảo lộn. Không kềm được cảm xúc uất nghẹn, tôi lái xe ra đi mà không biết mình đi đâu. Dẫu biết Phật dạy rằng ‘đời người như một giấc mơ, trăm năm nào khác cuộc cờ đổi thay, tuần hoàn máy tạo chuyển xoay, chết đi sống ở xưa nay lẽ thường,’ nhưng khi hay tin mẹ mất, tôi điên dại như người mất hồn mất trí. Tôi muốn khóc thật nhiều, khóc cho cả đời còm cõi nuôi con của mẹ, khóc cho các con của mẹ, khóc vì con thương kính mẹ biết bao nhiêu nhưng tự thân có được ngày nào làm cho mẹ vui đâu, và khóc cho cả dân tộc tôi đang oằn oại trong cơ hàn vất vả. Tôi muốn khóc cho một đời còm cõi của mẹ không có lấy một ngày vui, nhưng sao đôi mắt tôi cứ ráo hoảnh, không có lấy một giọt nước mắt. Mẹ ơi! Liên tiếp những ngày sau đó, con như kẻ mất hồn, không còn muốn nói chuyện gì với ai, con xa lánh tất cả mọi người, ngay cả người bạn đời của con, người đã thay mẹ lặn lội, vượt suối băng rừng thăm nuôi con trong suốt những tháng năm trong lao tù cai nghiệt của người anh em phía bên kia. Mẹ ơi! Bao nhiêu đòn thù trong lao tù chưa bao giờ làm cho con nao núng hay hụt hẫng, nhưng mất mẹ đối với con là một nỗi hụt hẫng lớn nhứt, là một tai họa lớn nhứt trên cõi đời này. Mẹ ơi! Cho dù có đem hết ngôn ngữ văn tự trần gian ra vẫn không gói ghém hết được nỗi lòng đớn đau thương nhớ của người con mất mẹ. Con chỉ biết thầm gọi mẹ, và gọi mãi cho vơi đi nỗi niềm đớn đau mất mẹ. Số phận trớ trêu quá mẹ ơi! Ngày mẹ vĩnh viễn ra đi mà con cũng không về được để nhìn lại mẹ lần sau cuối, để nói với mẹ một lời giả biệt. Mẹ ơi! Ngày mẹ mất, con không chỉ đơn thuần mất mẹ mà cả cuộc đời trước mặt của con hình như sụp đổ, không gượng dậy được nữa, vì kể từ ngày mẹ mất cũng là ngày mà bóng tối đã ập xuống cướp đi mất cả vùng ánh sáng thương yêu dịu hiền của mẹ cho con. Dù con không tin định mệnh, nhưng con vẫn thấy một cái gì khắc khe và quái ác trên thân phận của con. Mới hôm nào đây mà bây giờ tất cả đã trở thành dĩ vãng. Hôm nào còn hàn vi cơ cực thì có cha có mẹ, bây giờ lớn lên thành người như mẹ ước mong, muốn được cận kề mẹ cha để phụng dưỡng và để vẫy vùng trong vũng hạnh phúc chất ngất của tình cha nghĩa mẹ, thì mẹ đã không còn, thật là “mộc dục tịnh nhi phong bất đình; tử dục dưỡng nhi thân bất tại.” Đến lúc cây muốn lặng thì gió chẳng chịu ngừng, con muốn báo đáp công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha, thì cả cha lẫn mẹ đã không còn.
Mẹ ơi! Giờ này mẹ con mình đã vĩnh viễn thiên thu thật rồi. Một đời mẹ chắt chiu vì chồng vì con, một đời mẹ hy sinh cho chồng cho con. Mẹ sống ép mình bên cạnh chồng và hy sinh cả cuộc đời vì con. Mẹ đến vì các con, mẹ trao cho các con tất cả những gì mẹ có, rồi mẹ lặng lẽ ra đi không đòi hỏi. Mẹ đã trao cho con một đời sống thật đáng sống, sống cho con và cho người, sống biết đạo lý nhân nghĩa, sống quảng đại bao dung ngay với người đã làm cho mình đau khổ. Con không dám sánh mẹ của con với Phật, nhưng mẹ ơi, lời dạy của mẹ có khác chi lời dạy của Phật đâu? Mẹ ơi! Bây giờ con mới thấm thía với câu nói của Thiền sư Nhất Hạnh: “Con dù lớn thế mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn.” Thật vậy, từ ngày mẹ mất, con đã thật sự mất đi chỗ dựa bình yên và vững chắc nhứt trên đời, chỗ dựa mà bấy lâu nay anh em chúng con thản nhiên nhận lấy từ mẹ như món quà hạnh phúc tự nhiên, chứ không có lấy một chút ý thức nào về sự hiếm hoi cao quí và sự tuyệt vời của nó. Thử hỏi trên đời này có ai sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm, sẵn sàng ban cho mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì đền trả lại, sẵn sàng lấy thân mình ra bảo bọc cho các con như mẹ?
Mẹ ơi bây giờ khi con đã trưởng thành, đã có con cái, thì con mới thấm thía với công ơn sâu dầy của mẹ, nhưng trớ trêu thay khi mình thấm thía thì mẹ đã không còn. Mẹ ơi cho dù bây giờ có nói có viết gì đi nữa thì mẹ cũng không còn, ngàn vạn lời nói yêu thương mẹ cũng không nói lên hết được tấm lòng con thương yêu mẹ. Mẹ là thần tượng của con ngay từ lúc con hãy con rất nhỏ và cho đến bây giờ, dù mẹ đã không còn, nhưng hình ảnh mẹ lúc nào cũng ở bên con. Sáng sáng con đều lại bên mẹ mà thưa mẹ con đi làm, rồi chiều chiều con cũng lại bên mẹ mà thưa với mẹ con đã về. Mẹ ơi! con đang tỉnh hay con đang mê? Mẹ ơi! Dù mê hay dù tỉnh, với con lúc nào mẹ cũng cạnh kề, bàn tay chai sạn ngày nào của mẹ vẫn theo con suốt cả cuộc đời, đôi chân gầy guộc nứt nẻ ngày nào của mẹ luôn là những bàn chân tiên phong giẫm đạp lên gai chông cho êm ả từng bước con đi, đôi mắt dịu hiền với nét lo âu muôn thuở của mẹ vẫn tiếp tục an ủi con trong những cơn mưa dồn sóng vỗ của cuộc đời. Đêm đêm con vẫn hằng nghe tiếng xưa của mẹ vọng về, vẫn lời hát ru ngọt ngào ngày nào của mẹ, ngọt như xôi nếp một, như đường mía lau. Tiếng mẹ vẫn còn đây với những lời khuyến tấn dạy dỗ.
Mẹ ơi! Một đời làm con, ngàn kiếp báo hiếu cũng không vừa, huống là làm thân trai thời loạn như con, không có lấy một ngày phụng dưỡng mẹ cha, thì thật là bất hiếu đến dường nào? Ngày trước, mỗi lần đọc về phường bất nhân bất hiếu, con đã bĩu môi khinh thường hạng người mà con cho là bất nghĩa vô nghì này, nhưng mẹ ơi, có trải qua những hoàn cảnh trớ trêu của dòng đời con mới thông cảm cho nhiều hoàn cảnh “tử dục dưỡng, nhi thân bất tại” như con lắm mẹ ạ. Con thấy thi sĩ Tường Linh quả là có chung niềm xót xa và đánh ngay trúng tim đen của con khi ông thốt lên những dòng tâm sự cho chính mình và cũng cho rất nhiều người “Hai mươi bốn hiếu, gương người trước, mẹ kể con nghe đã thuộc làu; đọc sách con khinh phường bất hiếu, bây giờ con được hiếu nào đâu?” Mẹ ơi, dù bây giờ mẹ đã không còn, nhưng một đời mẹ trao cho con vẫn tiếp nối và con nguyện sẽ trao truyền lại cho đàn hậu bối của mẹ những gì mà mẹ đã trao truyền cho con. Một đời mẹ trọn cho con, mẹ trao trao hết không chừa lại chi. Giờ đây mẹ có còn gì, ngoài một nấm mồ vắng lạnh hở mẹ? Mẹ đã trở về với cát bụi, nhưng một đời mẹ cho con vẫn tiếp nối, tiếp nối từ con đến các cháu của mẹ và truyền thống hy sinh ấy của mẹ sẽ được đàn hậu bối của mẹ mãi mãi duy trì. Mẹ ơi! Mẹ đã cho con cả cuộc đời, với bao đói no vinh nhục, nhưng là một đời thật xứng đáng vô cùng. Mẹ đã cho con cả tấm lòng, dù mẹ không đủ chữ đủ nghĩa của một nhà giáo, hay chưa từng đọc qua những kinh thư về “triết lý và nghệ thuật sống,” nhưng với tấm gương sống thực của mẹ, với kinh nghiệm sống nơi mẹ, con đã chiêm nghiệm và học hỏi không biết bao nhiêu điều hay lẽ phải về cách ăn, cách ở, cách đối xử với người thân kẻ sơ, sống sao cho trọn tình trọn nghĩa, sống sao cho đúng với lẽ phải, sống sao cho phải tình phải đạo, dù phần thiệt thòi có phải về mình, sống sao cho có thủy có chung dù phần khổ đau cay đắng có về mình, sống sao cho đáng ngẩng mặt lên làm một con người.
Mẹ ơi! Chính từ nơi mẹ con học được đức hy sinh, lòng nhẫn nhục, sống vị tha và bao dung. Nơi mẹ con học được cuộc sống chịu đựng nghịch cảnh, để yêu thương và tha thứ người khác và cũng làm thế nào để phấn đấu vươn lên, không đầu hàng nghịch cảnh, không tuyệt vọng trong bất cứ tình huống nào. Mẹ dạy con cứng cỏi và mạnh dạn trước những thăng trầm của cuộc sống. Mẹ đã trao cho con một đời có thể ngửng cao mặt lên với mọi người, mẹ đã hướng con đến những điều thiện lành nhứt trong xã hội loài người, mẹ không muốn các con vào đời thua thiệt nên mẹ đã chịu thua thiệt cả đời thay cho các con. Mẹ không muốn các con sau này phải một nắng hai sương nên mẹ đã một nắng hai sương, mẹ đã chịu đựng tất cả, hy sinh tất cả vì các con. Chúng con biết vì quá nhọc nhằn nên vết hằn thời gian đã gặm nhắm xác thân mẹ một cách nhanh chóng, mẹ già trước tuổi nhiều lắm, và cũng vì vậy mà mẹ đã vĩnh viễn lìa bỏ anh em chúng con khi tuổi chưa quá thất tuần. Mẹ đã bất kể tâm lực để cưu mang các con mẹ trong mấy chục năm liền. Bây giờ hồi tưởng lại cuộc đời của mẹ và một đời mẹ trao cho con, con thấy sự hy sinh của mẹ to lớn quá. Tình mẹ thương con như biển hồ lai láng, nhưng các con đã làm gì để bù đắp được phần nào công ơn trời biển đó? Mẹ ơi, chẳng những không làm gì được, mà những đứa con trai thời ly loạn của mẹ còn trao cho mẹ thêm nỗi nhớ niềm mong trong khắc khoải đợi chờ, đến khi ngưng tiếng súng, những tưởng con sẽ về luôn bên mẹ, nhưng nào ngờ đó chỉ là khởi điểm của buổi chia ly biền biệt. Cả đời mẹ, không có lấy một ngày thảnh thơi, đến khi sắp sửa nhận được sự thảnh thơi từ các con mẹ thì mẹ phải đi xa, đi mãi, đi về cõi vĩnh hằng trong lòng đất, nơi mẹ đã sanh ra và đã sống một đời cơ cực.
Mẹ ơi! Trong cái bao la không cùng của vũ trụ, trong cái đau riêng của người con mất mẹ, con biết mình chỉ là một trong vạn triệu trường hợp thương đau của người dân xứ Việt, nhưng mỗi khi nghĩ đến hoàn cảnh của mẹ con mình, lòng con cũng cảm thấy bùi ngùi xót xa quá mẹ ạ! Mẹ biết không dù khi mẹ mất, tuổi đời con đã trên bốn mươi rồi chớ, nhưng từ dạo ấy đến bây giờ, và chắc là cho đến mãi mãi, con lúc nào cũng cảm thấy bơ vơ trống vắng. Còn có chăng những hình ảnh thân thương của mẹ cho con, những hình ảnh về mẹ lặn lội trong mưa đi tìm thang thuốc cho con, hay mẹ thà tiếp tục đi bán trong mưa chứ không chịu nhận lấy tấm ni lông mà con nhường cho mẹ. Hình ảnh một bà mẹ với đôi gánh nặng rảo bước trên khắp các nẻo đường phố châu thành Vĩnh Long trong đêm trường với tiếng rao hàng như những tiếng kêu cứu thê lương. Thấm thoát mà những hình ảnh đó đã đi vào ký ức gần nửa thế kỷ rồi mẹ ơi. Mẹ ơi! Trên thế gian này người ta nói rất nhiều về các kỳ quan, nhưng với con, không có kỳ quan nào có thể sánh được với kỳ quan “Mẹ” vì mẹ là dòng suối mát bất tận, là xôi nếp một, là đường mía lau, mẹ là Phật vì đại nguyện mà hóa thân để lo cho đàn con mẹ được ngẩng mặt lên nhìn đời, mẹ là loài hoa kỳ vĩ nhất trong các loài hoa, mẹ là nước nguồn vô tận, mẹ là Bồ Tát chỉ biết cả đời dâng hiến chứ không đòi đền trả. Tình thương yêu của mẹ dành cho các con còn hơn ánh mặt trời phủ khắp vạn vật nữa mẹ ơi! Mẹ ơi! Dù nói, dù viết thế nào con cũng thấy ngôn ngữ mình hạn hẹp quá, không đủ để nói lên những gì mẹ đã trao cho con cũng như nỗi niềm con thương nhớ mẹ. Con chỉ biết là không có thứ gì trên thế gian này có thể đem ra để so sánh với mẹ, cũng như tình thương nhớ con dành cho mẹ cũng không có một thứ gì có thể sánh được.
Trải qua bao cuộc bể dâu, con mẹ đã về lại chốn cũ để được một lần ngắm lại vùng trời năm xưa, nơi mẹ cha đã nghìn thu yên nghỉ. Nhìn di ảnh của mẹ mà lòng con buồn da diết. Ngày trước khi ra đi những mong sẽ có một ngày con được trở về bên gối mẹ, nhưng thời gian cai nghiệt và tàn nhẫn quá, thời gian không chờ không đợi một ai, thời gian đã cướp mất đi người mẹ kính thương nhứt của đời con. Mẹ ơi! Mới hôm nào đây con hãy còn sống trong sự đùm bọc của tình cha nghĩa mẹ, mới hôm nào đây con hãy còn vui trong cảnh vật của quê hương, mà bây giờ tất cả đã trở thành dĩ vãng, bây giờ chỉ còn lại những hồi tưởng lắng đọng trong con mà thôi. Mẹ cha ơi, giờ thì cha mẹ đã nghỉ yên trong lòng đất quê hương, nhưng nhìn lại bà con thân thuộc mà lòng con mừng mừng tủi tủi, nhìn những khuôn mặt khắc khổ và mỏi mệt của những người thân thương mà lòng con bỗng se thắt quặn đau. Trong suốt thời gian về thăm quê cũ, ngoại trừ những lúc phải đi làm việc xã hội, còn thì hầu như con ở nhà với chị Hai, hai chị em cùng ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu, thời vất vả cơ hàn, nhưng hạnh phúc nhất đời vì ngày đó chúng con còn có mẹ có cha. Giờ thì cũng không giàu có gì nhưng không còn quá vất vả như trước nữa. Nhưng mẹ ơi, có nhiều đêm không ngủ, lại nghe văng vẳng đâu đây bài hát thật quen thuộc với tiếng hát Thái Châu“...Đêm khuya trăng lên, mắt trông về trong cõi xa mờ. Nơi xa xăm kia tôi quay về quê cũ dấu yêu. Ôi! Tình quê hương! Nơi chốn xa có bà mẹ già; tóc màu hoa bạc, chiều chiều mắt ngấn lệ vì con...” Bản nhạc khiến con nhớ đến mẹ quá và ao ước sao mình được như tâm trạng của người trong bản nhạc, để nơi chốn xa này, có được bà mẹ với tóc màu hoa bạc, với mắt ngấn lệ đứng đón con về. Không biết nhà ai hiểu thấu được tâm trạng con nên cứ cho hát đi hát lại bản nhạc này, khiến nước mắt con cứ tuôn chảy đầm đìa không dứt. Mẹ ơi, con đã lặng nếm từng vị mặn của nước mắt vào môi, vào tim, vào phổi, để tự hiểu rằng khi mất mẹ là con mất cả một nơi trú ẩn an toàn nhứt trong tình thương của mẹ, mất cả một nguồn an ủi vô biên, mất cả ánh sáng trên con trong suốt quãng đường còn lại của đời con, khi mất mẹ là con mất cả bầu trời. Thân mẹ như cây cổ thụ hứng nắng hứng sương và hứng mưa gió bão bùng, để cho các con của mẹ được ấm no hạnh phúc, thân ấy giờ ngã đổ, không biết từ đây về sau chúng con có đủ khả năng để hứng chịu những phong ba bão táp như thuở nào mẹ đã hứng chịu cho các con hay không? Nhưng mẹ ơi, dù thế nào đi nữa thì con cũng nguyện sẽ noi gương mẹ mà tiếp tục phấn đấu để đối phó với những khó khăn nghiệt ngã của dòng đời như mẹ đã từng vì các con mà phấn đấu trong suốt cuộc đời của mẹ.
Mẹ ơi, bây giờ cảnh cũ vẫn là cảnh cũ, nhưng khi con trở về quê mà cứ ngỡ là mình đang lạc bước vào vùng bão cát của một sa mạc mênh mông nào đó của vùng đất Phi châu, nơi chưa từng được khai phá, nơi chưa từng thấy được ánh sáng văn minh của loài người. Làm sao bây giờ hở mẹ? Tại sao con đang đứng đây, đang đứng ngay trên vùng đất quê hương sau bao năm xa cách mà con vẫn cảm thấy nhớ nhà? Hay con không còn là con của mẹ ngày nào nữa? Không đâu mẹ ạ! Con vẫn là đứa con do chính mẹ nuôi nấng dạy dỗ của thuở nào, quê hương con vẫn còn đây với những đồng lúa bao la, vẫn phảng phất đâu đây mùi thơm dễ chịu của rơm rạ, vẫn những mái tranh nghèo nàn dọc theo hai bên đường về quê. Cảnh vật vẫn như ngày nào, vẫn con sông dài, vẫn tiếng gà gáy sáng, vẫn từng đoàn người lũ lượt ra đồng hay gánh hàng ra chợ bán như ngày nào mẹ còn đây. Nhưng mẹ ơi, những khốn khó mà ngày nào mẹ đã gánh chịu vẫn đeo đuổi những đứa con của mẹ, cộng thêm những tráo trở đày đọa của xã hội loài quỷ mang lốt người trong thế kỷ hăm mốt ngay trên vùng đất hiền hòa nơi mẹ con mình đã được sinh ra. Chính những thứ đó đã khiến cho tâm tư con cảm thấy như lạc lõng, chới với và hụt hẫng đó mẹ ạ! Bây giờ đứng đây, đứng ngay trên vùng đất quê hương, nơi con đã sinh ra và lớn lên trong nghèo khổ, nhưng với quá nhiều kỷ niệm thật đẹp mà thật buồn; nơi con đã lớn lên thành người bằng những giọt mồ hôi của mẹ rơi đổ trên khắp các nẻo đường Vĩnh Long thân yêu, bằng những hạt gạo thanh sạch của quê mình, bằng dòng nước sông Long Hồ hiền hòa thơ mộng, bằng tình làng nghĩa xóm. Dòng sông Long Hồ vẫn ngày hai buổi nước ròng nước lớn, nhưng sao bây giờ đờ đẫn quá thế này chứ không hiền hòa thơ mộng như ngày xưa tháng cũ nữa mẹ ạ! Xóm làng vẫn còn đó, nhưng sao thiếu vắng mất tiêu cái tình làng nghĩa xóm năm xưa rồi mẹ ơi!
Mẹ ơi! Con về đây chỉ đơn thuần thăm lại nấm mồ hoang lạnh của mẹ, rồi nhơn đó thăm lại những bà con thân thương bên nhà, và tìm đến trả ơn trả nghĩa cho một số bà con đã từng cưu mang con trong những năm tháng khốn khó của một tên tù bị lưu đài trong rừng thẳm xa xôi, chứ con không về đây để phán đoán cái xã hội hôm nay. Thật tình mà nói, xã hội nào cũng có bề mặt và bề trái của nó, chứ không có xã hội nào được gọi là hoàn hảo cả. Nhưng mẹ ơi, dù muốn giữ cho mình một thái độ bình thản đến đâu, con cũng không khỏi bàng hoàng xúc động trước những thê thảm của xã hội hôm nay. Chỉ tội nghiệp cho bà con làng nước của mình quá. Nhìn những khuôn mặt sạm nắng, có lẽ còn gấp bội phần sự sạm nắng của mẹ năm xưa nữa là khác, bà con mình bây giờ người nào cũng hốc hác, khô cằn như que củi khô chờ được đem lên giàn hỏa, lòng con se thắt quặn đau. Trời hỡi! Bà con làng nước tôi vì đâu nên nỗi! Ngày trước thì Việt Nam mình cũng là một trong những nước nghèo đói lạc hậu, chứ có hơn gì ai đâu, nhưng dân mình đâu có cơ cực và hốc hác đến như vầy! Trong suốt lộ trình từ Sài Gòn về Vĩnh Long, chỉ cần nhìn thấy cung cách chạy xe của dân mình, con thấy tội nghiệp họ quá, chỉ vì miếng cơm manh áo, mà họ phải tranh nhau từng cái “xe qua mặt” bất kể an nguy cho họ cũng như cho những người ngồi trên xe, miễn sao họ về sớm tới trước để còn được sắp vào chuyến xe kế hay còn thì giờ để làm công chuyện khác. Trên đường phố thì người nào cũng tất bật như cái máy, ai ai cũng hấp tấp vội vàng như thể họ đang chạy đua với thời gian vậy.
Kể từ 1975 đến nay đã gần 30 năm tôi mới nhìn thấy lại Sài Gòn. Sài Gòn hôm nay không như Sài Gòn năm xưa nữa, nó đã mất đi nét đẹp thùy mị của hòn ngọc Viễn Đông năm nào. Thành phố với những xây dựng tạp nhạp, xe cộ di chuyển vô đường vô lối, chắc không chỉ riêng tôi cảm thấy chóng mặt, mà ai ai mới bước chân về lại Sài Gòn phải đều có cảm giác như tôi thôi. Sau gần 30 năm mà người Sài Gòn không có gì để hy vọng hay vươn lên hết, ngoại trừ một thiểu số ăn trên ngồi trước, còn thì đa số vẫn sống trong nghèo đói, vất vả, vẫn tay làm hàm nhai chứ không có ngày mai. Điều mỉa mai nhứt là sau gần 30 năm gọi là thống nhất, xã hội mới đã tạo ra hai giai cấp mới thật đối nghịch nhau, một là thành phần thật giàu có, ăn trên ngồi trước, họ tiêu tiền như nước; còn một thành phần khác hoàn toàn ngược lại là thành phần vô sản, ngày ngày phải lê lết đó đây để làm nghề “ăn xin.” Một khoảng cách biệt quá lớn giữa người nghèo kẻ giàu với dẫy đầy những nghịch lý của xã hội. Đa số người Việt Nam hầu như không tìm đâu ra công ăn việc làm nếu không có tay trong tay ngoài, nên quá nhiều người thất nghiệp. Tiền bạc đã không có mà làm bất cứ việc gì cũng phải có thủ tục “đầu tiên.” Ngoài thủ tục này ra, không còn bất cứ một thứ thủ tục nào khác trong cái xã hội bệ rạc hôm nay. Học giỏi, ra trường đậu hạng cao và có khả năng vẫn thất nghiệp như thường nếu thiếu cái thủ tục “đầu tiên” này. Thật tội nghiệp cho dân tôi nước tôi quá đi thôi, chỉ vì sự bạo ngược của những con người cuồng tín, luôn nhân danh vì con người mà chiến đấu, nhưng thực chất đã lợi dụng lòng nhiệt huyết của con người để phục vụ cho chủ nghĩa ngoại lai, không giống ai hết trên đất nước này.
Mẹ ơi! Dù thế nào đi nữa, được về lại bên những người thân thương đã xa cách từ bấy lâu nay, lòng con vẫn cảm thấy ấm lại. Được về quỳ bên mộ mẹ, dù chỉ là một nấm mộ vô tri vô giác, nhưng với con, mộ của mẹ cũng được con trân quý như ngày nào con trân quý mẹ. Đó là nơi thiêng liêng nhất riêng dành cho anh em chúng con. Mẹ ơi! Quê hương con vẫn còn thoảng nét đẹp ngày nào, nhưng con người trên mảnh đất này có phần cơ cực hơn xưa nhiều lắm mẹ ạ! Mẹ ơi! Dù thế nào đi nữa, con vẫn vững tin rằng những dòng thác tàn bạo của loài quỷ rồi cũng sẽ bị đẩy lùi về quá khứ, như cơn gió “Lào” thoảng qua trong chốc lát để trả lại cho quê mình bộ mặt hiền hòa nhân hậu năm xưa, trả lại cho con một trời đầy ắp những hoài niệm tuyệt vời đã gắn liền với con như một phần thân thể của chính mình.
Mẹ ơi! Dù bây giờ mẹ đã không còn, xác thân mẹ đã ngủ yên trong lòng đất quê hương, dù bây giờ tất cả đối với con đã thành dĩ vãng, nhưng trong tâm con mẹ vẫn còn nguyên vẹn đó, hình ảnh mẹ lúc nào cũng ngự trị nơi tôn kính nhất vì chính hình ảnh đó một thời đã đem máu thịt và mồ hôi nước mắt ra mà trao cho con một đời, một đời thật ý nghĩa và thật đáng sống. Bây giờ dẫu mẹ không còn nữa, nhưng bàng bạc trong con mẹ vẫn còn đây. Mỗi lần gặp chuyện gì buồn tủi là con nhớ ngay đến mẹ. Chính mẹ đã trao cho con tất cả những gì mà con và các cháu của mẹ có được ngày hôm nay, từ cách đi cách đứng, đến lời ăn tiếng nói và sự thành nhân chi mỹ, tất cả đều là của mẹ. Bây giờ ao ước muốn được bá vai hay cầm lấy tay mẹ để nói với mẹ một lời chỉ còn là chuyện trong mơ với những nuối tiếc luyến thương. Nhưng mẹ ơi, từ trong tiềm thức, tâm thức hay vô thức lắng sâu của con, con vẫn nghe tiếng mẹ văng vẳng đâu đây. Cho dù con đang sống ở bất cứ đâu, cho dù có vạn dặm xa bờ quê hương, nhưng lòng con lúc nào cũng hướng về quê mẹ và luôn ghi tạc những gì mẹ dạy, vì dẫu cho con có đi hết đời này, cũng không đi hết những lời mẹ ru kia mà.
Mẹ kính yêu! Cho dù có nói gì, có viết gì đi nữa thì ngôn ngữ hạn hẹp của loài người cũng không cách chi diễn tả hết được nỗi lòng nhớ nhung của con đến với mẹ. Nhưng xin mẹ hãy an tâm, một đời mẹ trao, con đã và đang sống thật xứng đáng với những hy sinh của mẹ. Mẹ đã trao con một đời thật có ý nghĩa. Mẹ đã trao con một đời sống biết yêu người như mẹ đã yêu con, một đời sống không chỉ cho con mà cũng cho người và cho đời nữa. Mẹ đã trao cho con một đời sống biết nhẫn nại, có ý chí vươn lên và tấm lòng mở rộng. Mẹ cứ yên tâm, dù cuộc sống thực có cơ cực thế mấy, lúc nào con cũng tự hứa là sẽ sống thật xứng đáng với niềm tin của mẹ. Mẹ thân yêu! Dù bây giờ mẹ đang ở Tây phương cực lạc hay bất cứ nơi nào đó trong cái không gian bao la vô tận này, nhưng với con lúc nào hình bóng mẹ cũng miên viễn trong con cho đến khi con nhắm mắt lìa trần. Mẹ và cái quá khứ vui buồn của thời thơ ấu chính là hành trang cho con tiếp tục vào đời. Mẹ và vùng thương yêu cũng như tình yêu và sự ban cho không đòi lại chính là hạnh phúc con đang mang vào đời cho những người quanh con. Mẹ ơi! Một đời mẹ trao cho con chính là món quà muôn thuở, là của hồi môn tuyệt vời cho cuộc sống hôm nay của con và các cháu của mẹ. Mẹ thương yêu! Mẹ đã mất thật rồi, nhưng với con, con biết bên kia bờ Thái Bình xa xăm mẹ vẫn trông chờ và yêu thương con, một tình yêu không cạn nguồn, vì giờ đây mẹ đã miên viễn trong con nên đi đâu đến đâu con cũng đều nhìn thấy mẹ. Mẹ hiển hiện nơi nơi, mẹ là tất cả, mẹ là bầu trời, là quê hương, là dãy phù sa bồi đắp cho đất mãi tốt tươi, cho búp non đâm chồi, cho cây thêm trổ lá. Con nguyện rồi đây sẽ sống đời như mẹ đã trao, con sẽ bắt chước mẹ sống thầm lặng, nhưng là một sự thầm lặng cao quí, sự thầm lặng đầy ý nghĩa cho mình, cho người và cho đời. Xin mẹ hãy an tâm!!!
Người Long Hồ - https://thuvienhoasen.org/a35953/mot-doi-me-trao
=>>https://lienhoatinhvien.vn/chum-tho-cam-dong-ve-me-da-khuat-tuong-tiec-me-noi-xahay-nhat/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét