Trong ngũ giới, giới thứ tư là cấm nói dối, tức là tạo ra ảo cảnh qua lời nói để lừa dối – chuyện không nói có, chuyện có nói không; hoặc nói xấu sau lưng làm mất uy tín người khác hoặc nói lời độc ác, rủa xả thô tục trước mặt người; nói thêu dệt chuyện bé xé ra to, cường điệu trong đa nghi tưởng tượng, nói lưỡi hai chiều như đòn xóc có hai đầu nhọn, hiểm độc hơn rắn rết.
Trong tam nghiệp, khẩu nghiệp đứng hàng thứ nhì nên tội lỗi do khẩu nghiệp tạo ra vốn không nhỏ. Tất cả mọi sự gian dối, dù là sự gian dối với mục đính hành thiện đều có sự “hậu báo” của nó.
Nếu ai nói trong đời người chúng ta chưa từng kết giao với những người bạn chân thật! Nếu đúng như vậy thì chính là hậu báo của các nhân giả dối trước đó, một là chúng ta chỉ kết giao với hàng “tổn hữu, ác đảng” thầy tà bạn dữ, kết bè kết đảng gây hại cho người khác; hai là chúng ta không thường quán chiếu xét soi về “lẽ thật” trong nội tại khi độc cư hay lúc sống một mình – tâm ý chúng ta luôn hướng cầu ra thế sự ngoại vật nên không tìm thấy cái chân thật chung quanh.
Khi ở bên bạn hữu, họ nói điều gì đúng điều gì sai chúng ta đều ra sức ủng hộ và bảo vệ trong tư thế đối lập khiến cho cơ hội sửa đổi tật xấu của bạn không còn, chính ta rồi cũng sẽ trở thành bạn xấu ác, tạo ra vô số vực thẳm ngăn cách tình người, tâm ý đa nghi, “tự kỷ ám thị” nghĩ người khác có ý xấu ác mưu hại mình giống mình đang có ý xấu với họ. Đây là nguyên nhân sinh ra nạn “bè phái-bè đảng” không nên có trong các đạo tràng thanh tịnh trang nghiêm.
Đối với sự xâm hại của bạn bè xấu ác là được kết giao với những “thiện hữu tri thức”, đức Phật đã giảng giải rất kỹ về những sự lợi ích khi được kết giao với hàng “thiện hữu” này:
Này Gia chủ tử, bốn loại bạn này phải được xem là bạn chân thật:
1. Người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật;
2. Người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là bạn chân thật;
3. Người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là bạn chân thật;
4. Người bạn có lòng thương tưởng phải được xem là bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là bạn chân thật:
1. Che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật,
2. Che chở của cải cho bạn khi bạn vô ý phóng dật,
3. Là chỗ nương tựa cho bạn khi bạn sợ hãi,
4. Khi bạn có công việc sẽ giúp đỡ cho bạn của cải gấp hai lần những gì bạn thiếu.
==> Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn giúp đỡ phải được xem là người bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật:
1. Nói cho bạn biết điều bí mật của mình;
2. Giữ gìn kín điều bí mật của bạn;
3. Khônh bỏ bạn khi bạn gặp khó khăn;
4. Dám hy sinh thân mạng vì bạn.
==> Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn chung thủy trong khổ cũng như trong vui phải được xem là người bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật:
1. Ngăn chận bạn không làm điều ác;
2. Khuyến khích bạn làm điều thiện;
3. Cho bạn nghe điều bạn chưa nghe;
4. Cho bạn biết con đường lên cõi chư Thiên.
==>Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn khuyên điều lợi ích phải được xem là người bạn chân thật.
Này Gia chủ tử, có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật:
1. Không hoan hỷ khi bạn gặp hoạn nạn;
2. Hoan hỷ khi bạn gặp may mắn;
3. Ngăn chận những ai nói xấu bạn;
4. Khuyến khích những ai tán thán bạn. ==> Này Gia chủ tử, như vậy có bốn trường hợp, người bạn thương tưởng phải được xem là người bạn chân thật.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy.
Thiện thệ thuyết giảng xong, bậc Ðạo Sư lại giảng thêm:
Bạn sẵn sàng giúp đỡ,
Bạn chung thủy khổ vui,
Bạn khuyến khích lợi ích,
Bạn có lòng thương tưởng.
Biết rõ bốn bạn này,
Người trí phục vụ họ,
Như mẹ đối con ruột.
Người trí giữ giới luật,
Sáng như lửa đồi cao.
Người tích trữ tài sản,
Như cử chỉ con ong.
Tài sản được chồng chất,
Như ụ mối đùn cao,
Người cư xử như vậy,
Chất chứa các tài sản,
Vừa đủ để lợi ích
Cho chính gia đình mình.
Tài sản cần chia bốn
Ðể kết hợp bạn bè:
Một phần mình an hưởng,
Hai phần dành công việc,
Phần tư, phần để dành,
Phòng khó khăn hoạn nạn.
Trích Kinh Trường Bộ - Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt (Singàlaka).
THIỆN THỆ
Thiên thệ là một danh hiệu, một phẩm tánh của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, là một trong 10 danh hiệu gồm: Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế tôn.
Vậy Thiện thệ là gì? Thiện thệ là tiếng Tàu, dịch sang tiếng Việt một cách ngắn gọn là “đi một cách tốt đẹp” vì thiện là thiện lành, là tốt đẹp, thệ là đi.
Thiện thệ có 3 nội dung gồm :
– Một là: bậc đã đi trên con đường tốt đẹp, đó là Con Đường Tám Chánh hay Bát Chánh Đạo.
– Hai là: bậc đã đến đích tốt đẹp. Đó là Niết bàn, sự đoạn tận mọi khổ đau.
– Ba là: bậc đã nói những điều tốt đẹp, đã nói một cách tốt đẹp. Đó là Ngài đã nói ra Giáo Pháp tốt đẹp ở chặng đầu, tốt đẹp ở chặng giữa, tốt đẹp ở chặng cuối.
Hai nội dung đầu đã rất rõ ràng, không cần phải nói thêm, nên bài viết chỉ đề cập tới nội dung thứ ba. Và thế nào là đã nói một cách tốt đẹp? Đó là:
– Một là: Đức Phật chỉ nói những điều như chân như thật, còn những gì không như chân, không như thật Đức Phật không bao giờ nói đến. Những điều không như chân, không như thực cho dù được người nghe ái mộ, tán thán, ca ngợi, mang đến danh vọng, lợi dưỡng, Đức Phật không bao giờ nói đến. Những điều không như chân, không như thật có thể dùng làm PHƯƠNG TIỆN để dẫn dắt quần chúng vào đạo, Đức Phật không bao giờ nói đến.
– Hai là: Những điều như chân, như thật nhưng không hướng đến mục đích Chấm Dứt Khổ, Đức Phật không nói đến. Những điều như chân như thật đưa đến đoạn tận khổ đau, Đức Phật mới nói đến.
– Ba là: Những điều như chân như thật đưa đến đoạn tận khổ đau nhưng khó hiểu, khó nghe, không được quần chúng ái mộ, tán thán, ca ngợi, Đức Phật biết thời và biết cách để nói. Đức Phật nói đúng thời (đúng thời gian và địa điểm) nghĩa là nói đúng trình tự thời gian, cái nói trước thì nói trước, cái nói sau thì nói sau, không lẫn lộn, nói từ thấp lên cao, nói tuần tự thứ lớp; nói đúng đối tượng có thể tiếp thu được, dùng những thí dụ cụ thể phù hợp với từng loại đối tượng, dùng các kiến thức chuyên môn của từng loại đối tượng để giảng giải Tứ Thánh Đế cho từng loại đối tượng đó.
Hãy suy ngẩm về phẩm tánh Thiện thệ của Đức Phật Chánh Đẳng Giác để phân biệt được trong rừng kinh điển mênh mông của các tông phái Phật Giáo hiện nay đâu là lời dạy thật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đâu là lời của những người sau không phải của Phật.
NAM MÔ PHẬT THÍCH CA MÂU NI!
https://batchanhdao.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét