"Nhất Tự Vi Sư - Bán Tự Vị Sư"
Người xưa có câu: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, có nghĩa là “Một chữ là thầy, nửa chữ (cũng) là thầy”. Câu này nhắc nhở mỗi người về đạo thầy trò: sống ở đời là “phải biết ơn người dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhặt nhất”.
Trong dân gian cũng truyền tụng câu rằng “không thầy đố mày làm nên”, cũng có hàm ý là không có thầy, chúng ta khó có cơ hội trau dồi, tiến bộ mọi mặt để lớn lên “thành người” và “thành tài”.
“Nhất tự vi sư” từ đâu?
Thành ngữ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vốn từ một điển tích của Trung Quốc. Chuyện rằng:Có một người tên là Trịnh Cốc lên 7 tuổi đã biết làm thơ. Năm 887 đỗ tiến sĩ. Chỉ làm quan một thời gian ngắn rồi về quê ở ẩn. Ông đã sáng tác hàng nghìn bài thơ. Lúc đó, nhà sư Tề Kỉ làm bài thơ “Tảo mai” (Mai nở hoa sớm):
Hoa mai nở sớm (Ảnh: pinterest.com)
Vạn cây băng giá chết
Một cội ấm mọc ra
Đầu xóm trong tuyết đặc
Một cành đêm nở hoa.
Gió xa đem hương ẩn
Chim ngắm hoa trắng ngà
Năm tới như đúng tiết
Vườn xuân sáng ánh tà.
Tề Kỉ nhờ Trịnh Cốc chỉ giáo. Trịnh Cốc nhận xét: chủ đề bài thơ là “Tảo Mai”, nếu có tới mấy cành nở hoa thì đâu còn là mai nở sớm nữa. Trịnh đề nghị sửa chữ “sổ” (mấy) ở câu cuối thành chữ “nhất” (một). Chỉ cần thay đổi một chữ mà bài thơ trở nên hay hơn nhiều. Tề Kỉ tôn Trịnh Cốc làm thầy. Trịnh Cốc chỉ dạy có một chữ mà được làm thầy, nên có thành ngữ “nhất tự vi sư”.
‘Nhất tự vi sư ‘ (Ảnh: pinterest.com)
Khi những ngày sôi động của người Thầy đã lắng xuống, tôi ngồi tĩnh lặng ngẫm lại chuyện xưa.
Đã từng là học trò, và tôi cũng đã từng đứng trên bục giảng dồn hết nhiệt huyết cho thế hệ học trò mà chúng tôi trân quý gọi là “thế hệ vàng”. Học trò của tôi đa số giờ đây thành đạt. Có nhiều giám đốc, có nhiều giáo sư, tiến sỹ; có nhiều ở Sài Gòn, ở khắp nước Việt Nam ta, và có rất nhiều ở Úc, Mỹ, châu Âu…
Hiển nhiên, trí thức cuộc đời, va chạm cuộc sống, thành công trong lĩnh vực sự nghiệp và gia đình của họ cũng là đáng để cho những người từng là thầy như tôi tự hào.
Nhưng tôi cho rằng, những trò nào thành đạt là những trò lớn hơn ngày xưa về phẩm giá và nhận thức những giá trị nhân văn mà mình đã từng gieo mầm. Con hơn cha, trò hơn thầy… trên phương diện Đạo Đức thì Cha và Thầy ấy mới xứng đáng hưởng Phúc.
Cũng lạ, đi vào hai chữ “Từ bi” nhà Phật, vào hai tiếng “Tình thương” của Chúa, vào 3 chữ “Chân, Thiện, Nhẫn” mà tôi luôn cố tâm niệm thực hành, tôi luôn rạo rực, hạnh phúc khi nhận được một tin vui của trò.
Tôi vốn dạy trường Chuyên trước lúc lên Sài Gòn dạy trường tư. Sau này, khi không đi dạy học nữa nhưng tôi vẫn thấy đời mình hạnh phúc nhất chính là ngày xưa, trong những giờ lên lớp.
Gần 30 năm, bữa xuống đám cưới Chiêu ở Phú Túc, nghe lũ trò kể lại nhiều kỉ niệm về tình thầy – trò, mà tôi cứ nao nao.
Trước hết là trò Yến Nhi kể lại câu chuyện bé Ly (giờ làm bà chủ ở Bình Dương) được “bạn cứu” trong giờ của tôi. Hôm đó, tôi đặt câu hỏi với nội dung bắt trò phân biệt chủ nghĩa hiện thực cùng chủ nghĩa lãng mạn. Có vẻ như tôi đã làm khó cho trò mình. Bé Ly mặt xanh như tàu lá, đứng im.
Tôi đã đưa ra một yêu cầu tài tử: “Ai trả lời giúp bạn thì được điểm và bạn Ly sẽ được chiếu cố lên bảng bữa khác”. Lục sục lúc lâu, nhỏ Yến Nhi cũng run như cầy sấy đứng lên cứu bạn. Trả lời ấp úng nhưng chính xác từng từ. Tôi cho 10 điểm trong tiếng vỗ tay.
Thật không ngờ hôm nay, chúng khai thật đó là biện pháp trì hoãn cài bẫy thầy. Chúng có thời gian chuẩn bị để mở tập ở phía trên.
Rồi trò Mai Phong kể tới những cái đề văn ngày xưa của trò mới lớp 10, thầy thì chưa có vợ mà bắt giải thích cái câu tục ngữ:
“Gái thương chồng đang đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”
Trò Linh Thảo thì nhắc lại chuyện tụi học trò bắt chước thầy hát chèo khi giảng “Quan Âm Thị Kính”. Thời ấy, mình đã làm các trò cười ngoặt cười nghẽo với những câu hát rất dân gian:
“Đất nước xa kia phóng lên trên trời một ông trung tá …là Gà, Gà Rin.
Ông đi bằng tên lửa
Ông về bằng máy bay…
Đất nước xa kia phóng thành công quả đạn lên trời i i i…”
Trò Duy, giám đốc xi măng Nhật thì kể đột nhập vào nhà rách chị Dậu của thầy để nghe ngóng điểm số. Hắn còn nhớ thầy ra khỏi lớp chân thấp chân cao, phờ phạc làm Ac Pa Gông mất của la như gà gáy…
Trò Bảo Khuyên vốn là nhà sản xuất mạch nha cho các lò kẹo dừa, lấy cho thầy mấy lon vàng quánh thơm lịm. Tôi về chia cho các bạn Trường Chuyên nội trú ăn chung. Trò bây giờ làm bên Hải Quan thành phố. Cô còn nhớ lời của thầy thời ấy : “Ăn đói thế này mà ngày ngày thầy giảng Bình Ngô..”
Hạnh phúc nhất là gặp lại các trò nhắc những kỷ niệm nhỏ. Hàn huyên bao chuyện như mới hôm qua. Gương mặt nào cũng thân thương đến lạ. Dù đã dãi dầu mưa nắng mưu sinh nhưng gặp nhau vẫn chan chứa ân tình. Nhiều người giờ là quan chức. Mình hi vọng trong hành xử cứ thế này. Dân vạn đại mà.
Ảnh: pinterest.com
Lại nói về quy luật được mất, nhân quả và tâm từ bi của Nhà Phật. Con người ai cũng có số. Trước vay nhiều, giờ trả nhiều. Trước vay ít giờ trả ít. Không vay không trả là lý thuyết. Có sống là có vay trả. Có nhiều người cứ buồn phiền thấy thân phận mình khổ quá.
Tuy nhiên, họ không biết cách nhìn xung quanh để thấy cuộc đời đang ưu ái họ. Trong khi họ cứ so đo mua bao nhiêu đôi giày thì lại không biết rằng có người còn không có chân để mang giày nữa.
Vậy thì, sướng khổ, buồn vui chỉ là rất tương đối. Nó xục xịch, nhúc nhích liên tục như mấy con chuột trong bồ lúa. Nhìn vơi đấy nhưng là lúa. Nhìn đầy đấy nhưng là trấu chuột đang ăn… Cứ sống sao cho trọn với tâm công chính. Nói thì dễ nhưng ai cũng biết làm là khó.
Tôi có những học trò thành đạt còn hơn cả thành đạt. Các em đang ở quê. Đa phần là nhà giáo. Vừa đi dạy vừa làm vườn. Lâu lâu, chúng lại gọi điện thoại: Về ăn sầu riêng thầy… Dạo này chạy xe ôm hơi ế. Về nấu cá tra canh chua thầy… Nghe mà thấy lòng thật ấm áp, chỉ sùng sục muốn về quê, về vườn quê…
Ảnh: pinterest.com
Dạo này mạng xã hội phát triển mạnh. Có lúc tôi nhận được một vài dòng tin nhắn cảm động, kiểu như thế này: “Con thích nghe thầy giảng về bát cháo hành của Chí Phèo. Vì qua lời thầy chén cháo mà thường ngày con chê là nhạt nhẽo bỗng trở nên ngon và thấm đậm tình người biết mấy. Chính nó đã cho con rất, rất nhiều suy nghĩ, cho con biết trân trọng những gì nhỏ bé trong cuộc sống. Con cám ơn thầy rất nhiều”.
Ảnh: zing.vn
Đây là lời của cô bé giờ đã là sinh viên sắp ra trường viết lại cho thầy. Cám ơn trò. Hy vọng em sẽ mang cái tâm hồn này bất biến trong dòng đòi vạn biến:
“Mỗi khi tâm hồn héo úa vì thiếu nước của văn chương, con thèm được một lần quay lại ngồi trên ghế nhà trường để được nghe thầy dắt con đi vào một thế giới mới. Nơi mà con biết đồng cảm, biết thương và biết giận với những mãnh đời, những số phận. Quan trọng hơn ở đâu đó con thấy bóng hình của mình xuất hiện. Tâm hồn con như trở thêm xanh khi nghe lời giảng ấm áp, ngọt ngào đến nỗi con ghiền chỉ mong ngày nào cũng là ngày học văn. Con thèm được ăn bát cháo hành của Thị Nở nấu cho Chí Phèo qua lời giảng của thầy. Con ước con có một cái nhân cách cao quý và chữ viết đẹp như Huấn Cao. Con thèm được nghe về cuộc sống, thèm đi đến những nơi xinh đẹp trên đất nước bằng trí tưởng tượng của con qua lời giảng trầm ấm, truyền cảm … Chưa bao giờ con thấy tâm hồn mình héo úa như hôm nay. Đã lâu lắm rồi, con không còn được đến với thế giới văn chương xưa nữa. Không có ai có thể giảng cho con nghe những lời hay ý đẹp, họ chỉ mang cho con những lý thuyết suông nghiêng về hưởng thụ vật chất. Con thèm và ước được một lần nữa quay lại được uống trà và trò chuyện về thơ ca với thầy dù kiến thức con còn nông cạn. Vì mỗi lần như thế, tâm hồn con nhẹ và thoải mái, tràn đầy sức sống ..”
Nhà giáo Thái Quang Vinh
.
Tôn Sư trọng đạo: Bao giờ cho tới… ngày xưa
Ảnh: Tạp chí Văn hiến Việt Nam.
Xã hội phát triển, nhà giáo có hẳn một ngày để kỷ niệm, hay xã hội suy đồi, nhà giáo chỉ còn một ngày để được tôn vinh? Có người sẽ nói câu hỏi này thật là cắc cớ, nhưng ngẫm lại, quả thật ngày nay, hai chữ Người Thầy đã mất đi âm hưởng uy nghiêm và cao quý ban đầu rồi.
Đứng ở trước cổng trường đón con, các bậc phụ huynh có thể nghe thấy bạn bè con em mình nói chuyện với nhau về các thầy cô với những đại từ như “bà”, “ông”, hay còn cả “mụ ấy”, “lão ấy”, thậm chí có cả những từ ngữ kinh khủng hơn nữa. Những câu chuyện gây sốc vẫn được truyền thông khai thác càng làm xã hội thêm lo ngại và bức xúc, nào là học trò đánh thầy, chặn đường chửi cô giáo, hay thầy giáo dâm ô học sinh, cô giáo bắt học trò uống nước giặt giẻ lau bảng, thầy cô gọi học sinh là mày, thậm chí là… “lợn”.
Môi trường giáo dục cũng ngày càng khiến người ta hoang mang khi học trò đi học chỉ vì điểm số, thành tích, thầy giáo đi dạy chỉ vì tiền và danh. Cung cầu gặp gỡ, chẳng biết cái nào có trước, nhưng cuối cùng thì giáo dục cũng trở thành nơi bán buôn, ai cần điểm có điểm, ai cần bằng có bằng, chỉ cần có tiền, mối quan hệ là được.
Quan hệ thầy – trò đã không còn là “Thầy trò như cha con” (Sư đồ như phụ tử), hay “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha” (Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ) nữa rồi.
Ảnh: Đại Kỷ Nguyên.
Người xưa sở dĩ có thể đối đãi như vậy, bởi người thầy là người truyền thụ các luân lý đạo đức, tri thức và quan niệm về giá trị, dạy người ta cách đối nhân xử thế, và là hình mẫu về đạo đức chuẩn mực. Trong sách “Lễ ký – Học ký” có nói: “Thầy nghiêm thì Đạo được tôn kính. Đạo được tôn sùng, thì dân biết kính trọng sự học”. Duy hộ sự tôn nghiêm của đạo làm Thầy, chẳng những thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, yêu cầu lời nói, hành động chuẩn mực, mà trọng yếu là trong tâm của cả thầy lẫn trò đều phải kính cẩn, nghiêm khắc, tôn trọng đạo học, biết được tầm quan trọng của đạo học và mục đích đi học là để làm gì.
Xưa người thầy đi dạy, chính là dùng đức của mình mà truyền đạt tri thức cho học trò, chỉ với một tâm niệm là có người nối tiếp và lưu truyền những giá trị phổ quát cho đời sau. Đó là cái vô tư không màng danh lợi, chỉ có khi ta tự nhận lấy sứ mệnh của mình, như “Trời vô tư che chở vạn vật, Đất vô tư ôm chứa vạn vật, nhật nguyệt vô tư soi chiếu cho vạn vật” vậy.
Còn học trò đi học là vì để biết cách làm người, bởi: “Muốn có năng lực, ắt phải học tập. Muốn có tri thức, ắt phải vấn hỏi. Muốn hành thiện sự, ắt phải tỏ tường. Muốn được no đủ, ắt phải dự liệu. Đã tin thế rồi, thì liền thực hành…” – (Khổng Tử). Từ việc lo được cho bản thân biết cách sống trên đời, rồi đến có thể làm được thiện sự, chuyện đại nghĩa cho người khác, cho xã hội… tất cả đều phải nhờ học tập mà nên.
Hơn nữa, đi học trước hết là học cái đức của thầy. Xưa Công Minh Tuyên đến học thầy Tăng Tử, ở nhà thầy ba năm mà không mấy khi đọc sách. Tăng Tử gặng hỏi, Công Minh Tuyên thưa rằng: “Thưa thầy, con vẫn học. Con thấy: thầy ở trong nhà, trước mặt song thân, lúc nào cũng hiếu thuận, hòa nhã, cho đến giống vật như chó mèo thầy cũng không quở mắng bao giờ. Thầy ứng tiếp bạn bè cung kính ung dung, rất có lễ độ, kẻ dở người hay, ai nấy đều thiếp phục. Thầy ở triều đình, đối với kẻ dưới, bề ngoài rất là nghiêm trọng, mà trong bụng rất là nhân từ, không có ý hại ai bao giờ. Ba điều ấy, con lấy làm vui lòng, học mãi mà chưa được. Con đâu dám không học mà cứ ở cửa nhà thầy” – (Cổ học tinh hoa).
Với tinh thần đó, cả thầy và trò đều cung kính trước đạo học, mà cơ bản nhất chính là đạo đức làm người.
Ảnh: BaoHaiDuong.
Người Việt xưa rất trọng đạo đức của người thầy lẫn người trò, Luật Hồng Đức thời vua Lê Thánh Tông (1442-1479) có ghi: “Làm thầy và trò đều phải hết đạo. Thầy trước tiên phải ngay mình để làm gương cho học trò. Học trò phải tôn kính thầy, chăm chỉ về đường thực học, lấy đức hạnh làm gốc”.
Bộ luật cũng quy định: “Học trò quên ơn thầy, coi thường thầy thì bị phạt suốt đời không được đi thi”. Đối với những người biết hối cải, Bộ luật cũng có khoan hồng cho: “Nếu biết tạ lỗi, làm đẹp lòng thầy thì cũng tha cho”, nhưng với nghề làm thầy thì dứt khoát không thể tha thứ cho người đã từng không trọng thầy mình: “Học trò vô lễ với thầy suốt đời không được làm thầy dạy học”.
Ngày nay, vì quan niệm đã quá lệch lạc, người đi học vì để sau này có tương lai tốt, kiếm được nhiều tiền, đạt được danh vị, người đi dạy lại coi đó là một cái nghề để kiếm tiền như bao nghề nghiệp khác, mà không hiểu dạy học là một sứ mệnh dưỡng thành nên thế hệ tương lai. Thế nên, quan hệ thầy trò đã trở thành quan hệ mua bán, hai bên ngang hàng phải lứa với nhau.
Nếu để trả lời cho câu hỏi vì sao thầy trò ngày nay đã quá khác xưa, thì đơn giản là bởi mục đích đi học, đi dạy đều đã khác xưa rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét