- QUÉT RÁC VƯỜN TÂM

Hằng ngày ta cứ loay hoay quay quần bận rộn lo lắng trong bao mối suy tư, lo lắng, buồn khổ về gia đình, học tập, công việc, sự nghiệp...làm cho Tâm ta không được bình an. 

TU HẠNH QUÉT RÁC

Tâm ta có khi bứt rứt khó chịu, có khi buồn khổ ảo não, hay lo lắng nghĩ suy, mà có lúc bi sầu thiếu tự tin, có lúc buông xuôi chẳng thiết kiểu chán đời...

Nguyên nhân đau khổ, phiền não là do mình tiếp thu quá nhiều thông tin, chấp thủ, chấp niệm, chấp việc, chấp cảnh, chấp tình, chấp mộng tưởng tương lai, chấp ký ức quá khứ....

Sự chấp đó cũng như rác trong lòng mỗi lúc một nhiều như lá rơi sân chùa mà nếu ta lại không lo quét dọn hằng ngày thì sự nhơ nhớp do rác làm sân chùa trong lòng không được sạch sẽ, không được thanh tịnh.

Sự bám chấp vào sự vật sự việc thay đổi, chấp vào pháp vô thường thế gian, chấp niệm vọng trong Tâm thì sự chấp đó làm mê mờ tâm trí, rối loạn thân tâm, gây nên phiền não và nghiệp chứng.

Hằng ngày ta nên hãy dành thời gian mà "phản quan tự kỷ", quay lại trong ta quán sát xem ta hôm nay có lầm lỗi gì không? Có điều gì làm chưa tốt hay chưa? Việc gì cần làm mà chưa làm hay không? Hay quán vọng niệm nghĩ suy coi vọng niệm đó là chánh hay tà niệm... qua đó để ngày càng hoàn thiện bản thân, điều tốt thì duy trì và phát huy,mà điều bất thiện thì dứt sạch từ bỏ.
Qua việc " phản quan tự kỷ" mà rèn cái Chí, tu cái Đức, phát triển Tâm từ, bi, hỷ, xả.

Ta hãy học tập theo chú tiểu An Tâm, là luôn quét rác vườn Tâm, cái gì không cần thì xả bỏ quét dọn đi, để nhiều thì nặng đầu mà không quét thì nặng lòng.

Trong tu học cũng vậy, những gì cần thì nên ghi nhớ để áp dụng tu hành, nắm lấy những gì cốt lõi để áp dụng vào tu hành, còn những gì chưa cần hay không cần thì buông xả cho nhẹ lòng sẽ được An Tâm. Mà tâm an thì bình khí, khí bình thì thân an, an thân thì tĩnh lặng trong lòng, từ đó trí huệ sinh. Vì trí huệ sinh ra trong tĩnh lặng và thanh tịnh. Từ đó giúp ta bước lên nấc thang từng bước hướng tới giải thoát.

An Tâm là không bám chấp vào pháp vô thường trần lao, nhằm đưa tới trong Tâm hành giả một trạng thái an nhiên tĩnh lặng, giải thoát mọi sự ràng buộc của thế gian phiền não.
Siêng năng quét rác vườn tâm
Cho cây tuệ giác nảy mầm tốt tươi

Hãy sống tĩnh lặng trong từng giây phút hiện tại để thấy ta chỉ là ta trong bóng hình của thời gian và không gian hư vọng nơi trần thế.

Quang Minh

Sa Di xuống núi
Quý Thể
Sa Di Hư Trúc (sa di là cấp bậc thấp nhất của người tu theo đạo Phật), chân đất, đầu trọc, áo vuông (Viên đính: đầu tròn; phương y: áo vuông) sáng nay xuống núi khất thực (đi xin ăn, theo đạo Phật phái tiểu thừa). Hai tay Hư Trúc ôm bình bát lần theo những phiến đá rêu phong vạn cổ, vừa đi vừa lẩm bẩm:
- Tại sao ta phải đi khất thực?
- Vì ta ôm bình bát.
- Tại sao ôm bình bát ?
- Vì ta có hai tay.
- Tại sao có hai tay?
- Vì ta có thân.
- Tại sao có thân?
- Tại vì ta có" ta"
- Tại sao lại phải có ta?
- Bởi vì có cuộc đời.
- Có cuộc đời này để làm gì?
- Vì có mặt trời !...

Ông mặt trời lúc đó như một ngọn nến khổng lồ, cất mình bay lên đốt cháy rực cả một nền trời phương đông. Hơi núi rờn xanh quấn quít trong rừng cây hốc đã cũng đổi thành màu hồng trái chín. Rừng rộn ràng tiếng chim vui. Con đường ngoằn ngoèo dẫn bước chân Hư Trúc qua một sơn thôn. Mấy người già dậy sớm vào rừng hái măng, kính cẩn chắp tay chào:"A-di-đà phật!". Có cụ già đặt cả phần cơm trưa còn nóng hổi vào bình bát cúng dường tam bảo. Hư Trúc bước chầm chậm, mắt hướng thẳng về phía trước nhưng chẳng thấy gì, đầu óc diễn đi diễn lại những câu hỏi đáp vu vơ về cuộc đời, về cái ta, cái thân và mặt trời.

Có cô gái đứng cạnh hàng rào, tay cầm cành hồng hàm tiếu mới cắt trong vườn sáng hôm nay chờ người nhà chùa đi qua dâng lên phật tổ. Những cánh hoa khép mở e dè ngậm hạt sương mai. Khi sa di bước qua, nàng tiến tới, kính cẩn mở nắp bình bát nhẹ nhàng đặt cành hoa vào rồi chắp tay xá một cái. Sa di mắt lơ đảng nhìn về phía trước chầm chậm xuống núi. Cô gái nhìn theo bóng chiếc áo vàng một lúc rồi chạy theo đoàn người vào rừng hái măng.

Đúng ngọ sa di trở về chùa. Hư Trúc lên đại điện cắm cành hoa cúng phật xong đem thức ăn xuống trù phòng (nhà bếp) rồi cùng các đạo hữu thọ trai (ăn cơm). Cơm nước xong sa di cầm quyển kinh ra vườn, tựa gốc bồ đề đọc, mới vài trang thì giấc ngủ đã kéo tới. Sa di để quyển kinh rơi xuống cỏ, những tờ kinh phất phơ trong gió. Sa di bắt đầu rong chơi trong cõi mộng. 

Trong mơ sa di lẩm bẩm: Tại sao mặt trời vẫn mọc? Tại sao ta vẫn là ta? Ta là bướm có được không? Được chứ! Thế là sa di quạt đôi cánh vàng lấm tấm nâu bay lượn với những con bướm khác khắp khu vườn. Làm bướm được một lúc thì sa di chán, nghĩ, làm dế vui hơn. Sa di liền biến thành con dế than chui vào hang xoè cánh gáy liên hồi chọc tức mấy con dế khác. Gáy và trêu chọc bọn dế kia một lúc, chẳng tháy chúng nói năng gì, sa di cũng chán, nghĩ, làm con sâu thú vị hơn. Hư Trúc hoá thành chú sâu đo màu xanh trong suốt trông như cộng rau luộc. Con sâu đo tới mép lá, nhìn xuống phía dưới thấy sâu thăm thẳm. Sâu tự hỏi: Nhảy xuống dưới đó ra sao nhỉ? Đang lúc ấy bỗng có tiếng kêu làm sâu hoảng hốt rơi xuống đám lá mục. 

Đó là tiếng gọi của sư huynh Hư Không:
- Hư Trúc! Thức dậy gánh nước tưới rau, chẻ củi. Tu hành gì mà nằm xuống là ngủ, kinh kệ để rơi lả tả như lá mùa thu!
Hư Trúc tỉnh dậy quảy đôi thùng gỗ xuống suối gánh nước tưới rau. Gánh tới chiều Hư Trúc trở về chùa ăn tối. Ăn uống xong tụng niệm một hồi rồi ngủ. Một ngày của sa di Hư Trúc là thế, vẫn con đường xuống núi có mặt trời, có tiếng chim, có đoàn người hái măng, có cụ già cúng dường tam bảo bữa cơm đạm bạc, có cô gái dâng hoa. Trưa về cơm nước xong ra vườn đọc kinh, chưa được bao nhiêu thì giấc ngủ lôi kéo sa di vào mộng. Cái "tâm" của sa di hoàn toàn thanh tịnh, thế mà câu chuyện cô gái dâng hoa đã tới tai sư ông trụ trì. 

Sau nhiều đêm trăn trở, sư ông buộc miệng than:
- Ôi nghiệp chướng nặng tợ núi Thái Sơn. Phải cứu đệ tử gấp, nếu không nó hư đọa mất!
Sư ông cho người đòi Hư Trúc lên đại điện. Hư Trúc kính cẩn quì trước mặt thầy. Vào lúc này cái "Tâm" của sa di vẫn tĩnh lặng như mặt nước hồ thu, còn cái tâm của thầy nhấp nhô như sóng biển đông. 

Thầy hỏi:
- Việc khất thực của con mấy lâu nay như thế nào?
- Bạch sư phụ, mọi việc vẫn bình thường.
Sư ông nổi trận lôi đình, thét:
- Đồ nghiệt súc! Sao lại giấu ta chuyện cô gái với cành hoa?!
- Thưa mỗi ngày có nữ thí chủ cúng dường một cành hồng hàm tiếu...
Rồi sư ông dịu giọng, lo lắng hỏi:
- Tai sao đợi ta hỏi nhà ngươi mới chịu kể?
- Bạch sư phụ hàng ngày con đi khất thực, biết bao nhiêu là thí chủ...
Sư phụ:
- Nữ thí chủ con cái nhà ai?
- Bạch sư phụ con không biết.
- Nhà cửa cô ta ở đâu?
- Bạch sư phụ con không biết.
- Nữ thí chủ đó ăn mặc ra sao?
- Thưa sư phụ con không để ý.
- Bao nhiêu tuổi?
- Thưa con không hỏi.
Sư ông ho khan một tiếng, vừa căng thẳng vừa lo lắng trước điều quan trong cuối cùng mình sắp hỏi. Cái"tâm" hư Trúc vẫn phẳng lặng như tờ.
- Thế con thấy nữ thí chủ có xinh đẹp, nhan sắc có mặn mà hay không?
- Bạch thầy con không biết!
Sư ông dập ngọn lửa sân. Thắp lên cây đuốc tuệ, nghĩ: Loài yêu quái ghê gớm thật giữa ban ngày dám hiện hình cám dỗ đệ tử ta. Thôi thì hãy dùng pháp phật mà cứu nó. Sư ông phán:" Lui về tịnh phòng diện bích (ngồi nhìn tường) mà sám hối tội lỗi. Đọc chín lần chín tám mốt lần bộ kinh Thuỷ Sám. Ba ngày sau đến đây cho thầy dạy!"

Hư Trúc bái tạ thầy, quay về, lòng không ngớt phân vân. Không biết mình đã phạm tội gì to tát lắm làm cho thầy giận, thầy buồn. Tội gì ta chẳng biết nhưng sư phụ đã nói có tội là chắc chắn có tội. Hư Trúc lấy bộ kinh Thuỷ Sám tụng đủ tám mươi mốt lần sám hối tội lỗi. Ba ngày sau Hư Trúc diện kiến sư phụ. Sư ông ôn tồn nói:
- Cô gái con gặp hàng ngày đó không phải là nữ thí chủ thành tâm. Nó là loại ngạ quỉ súc sinh từ cõi A Tỳ hiện lên để cám dỗ người tu hành chưa được tinh tấn như đệ tử. Thầy nói để con đề phòng. Sau ba ngày sám hối chắc con đã thông tuệ. Thôi lui ra!
***
Sáng hôm nay Hư Trúc lại xuống núi khất thực. Vẫn cảnh cũ người cũ. Cô gái đứng chờ bên đường tay cầm cành hoa. Lần này Hư Trúc tự dặn lòng: Ta phải nhìn cô gái thực kỹ, hỏi thăm nàng con cái nhà ai, xem nàng mặc xiêm y ra sao và nhất là chú ý xem dung nhan của nàng có mĩ mìu hay không? Chứ đến khi sư phụ hỏi, chỉ rặt một câu:" Bạch sư phụ con không biết!" lại bị quở trách.

Hư Trúc dừng lại, cô gái cầm cành hoa tiến đến. Hư Trúc mở nắp bình bát, nàng đặt cành hoa vào. Da thịt người nam người nữ lần đầu tiên tiếp xúc với nhau, một luồn nhân diện làm sa di rúng động tâm can. Sa di nhìn, ôi! Một khuôn mặt thánh nữ hiển hiện trên chín tầng trời. Hư Trúc thấy niết bàn chẳng ở đâu xa... 

Than thầm: Trăm lần không, vạn lần không, tội lỗi này chẳng phải do đệ tử gây ra sư phụ ơi!
Than xong sa di quay về hướng núi lạy bốn lạy rồi bỏ đi luôn./.

NHÀ SƯ VÀ CÔ LÁI ĐÒ

Cô lái đò đưa khách qua sông. 

Đò cập bến cô lái thu tiền từng người. Sau hết đến nhà sư. Cô lái đò đòi tiền gấp đôi.
Nhà sư ngạc nhiên hỏi vì sao?
Cô lái mỉm cười:
– Vì thầy nhìn em…
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp ba. Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái cười bảo:
– Lần này thầy nhìn em dưới nước.
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.

Lần khác nhà sư lại qua sông. Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần. 
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái đáp:
– Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.
Nhà sư trả tiền và lên bờ.

Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò.
Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần này phải trả bao nhiêu?
Cô lái đáp:
– Em xin đưa thầy qua sông, không thu tiền.

Thiền sư hỏi:
– Vì sao vậy?
Cô lái cười đáp:
– Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa. Do vậy em xin đưa thầy qua sông mà thôi.

Quả thật cái tâm luyến ái bên trong của con người mới là vấn đề cần phải giải quyết chứ không phải là dáng vẻ bên ngoài. Phần lớn chúng ta chỉ chú ý dáng vẻ bên ngoài nhưng ít ai chú ý đến cái tâm sâu thẳm bên trong. Dù thân xa lánh thế tục nhưng tâm còn nhớ nghĩ thì cũng chưa phải là giải thoát. Mắt tuy nhắm nhưng tâm còn nghĩ về, thì sóng ngầm cuộn xoáy tâm can còn dữ dộihơn.

Câu chuyện giữa nhà sư và cô lái đò đối đáp mỗi lần qua sông thể hiện cho một quá trình tu tập và chuyển hóa tư tưởng. Diễn biến đó cũng là quá trình tâm lý chuyển hóa thành tâm linh. Sau cùng là sự đạt đạo cao nhất của nhà sư: nhìn thẳng vào thực tại mà không hề có tư tưởng dính mắc, suy nghĩ, luyến ái. Còn các lần trước hết dính mắc bằng mắt thì đến dính mắc bằng tâm. Ở đời hễ còn dính mắc thì còn phải khổ lụy.

Nhà sư trả tiền cho cô lái đò cũng cho thấy rằng hễ tâm ta còn tạo nghiệp dính mắc thì sẽ có cái giá phải trả cho chính nó. Đó là triết lý sống dành cho tất cả chúng ta.

Góc Suy Ngẫm
***

Đi giữa chợ hoa, không vì thế làm cho bạn thơm hơn. Nhưng khi đi giữa chợ cá có thể làm cho bạn dính mùi tanh hôi.

Ở trong chùa lâu ngày, không vì thế làm cho bạn được giải thoát. Nhưng khi ở giữa một chút danh lợi, có thể làm cho bạn dính mắc.

Ca ngợi về điều tốt, không vì thế làm bạn trở nên người tốt. Nhưng chỉ một lời nói xấu, có thể làm bạn trở thành người xấu.

Làm phước nhiều lần, không vì thế làm cho bạn thành người hạnh phúc. Nhưng chỉ một lần mất phước, bạn có thể trở thành người bất hạnh.

Cẩn thận cả đời, không vì thế làm bạn giàu lên. Nhưng chỉ một chút bất cẩn có thể làm cho bạn nghèo đi.

Ngàn lời yêu thương, không vì thế làm bạn hài lòng. Nhưng chỉ một lời oán ghét, có thể làm cho bạn cả đời đau khổ.

Nhiều người quý mến, không vì thế làm cho bạn được bình an. Nhưng chỉ một người thù địch, có thể làm cho bạn bất an lâu dài.

Nhiều suy nghĩ thiện, không vì thế làm cho đoạn trừ nghiệp cũ. Nhưng chỉ cần một suy nghĩ bất thiện, có thể làm cho trùng trùng nghiệp xấu khởi sanh.

Cho nên, hãy làm thật nhiều việc tốt nhưng hãy tránh xa từng việc xấu nhỏ.

Cỏ dại chỉ cần một cơn mưa thì đã lên xanh tốt, nhưng những cây hoa đẹp thì cần phải chăm sóc cẩn thận mới có cơ hội toả hương.

Gỗ tạp thì chen nhau mọc um tùm nhưng gỗ quý chỉ hình thành đơn độc trên những miền đất phong sương và sỏi đá khắt nghiệt.

Muốn có một hạt vàng phải gạn lọc từ hằng hà sa số hạt cát.

Để trở thành người hiền thiện, phải qua nhiều khổ đau, thăng trầm và thử thách. Nhưng để làm một người bất thiện thì chỉ cần một lần dễ dãi buông lung.

Trúc Lan Nhã
P/s: Chúc mọi người ngày mới an vui và tỉnh thức🌷

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét