Có những công dụng hữu ích nhưng ánh sáng xanh gây ra các vấn đề về mắt như mờ mắt, mỏi mắt, khô mắt, thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể.
Ngoài ra, rối loạn giấc ngủ và sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng bởi ánh sáng xanh.
Bài viết này sẽ chỉ ra những tác hại của ánh sáng xanh từ những thiết bị điện tử và đồng thời cung cấp những phương pháp đối phó hữu hiệu nhất bằng kính chắn ánh sáng xanh & Cách bảo vệ trẻ khỏi màn hình kỹ thuật số.
Ở thế kỷ 21 này, chắc chắn rằng không có đứa trẻ nào muốn nghe phụ huynh than phiền vì chúng dùng điện thoại hoặc máy tính bảng quá nhiều.
Trẻ vị thành niên Hoa Kỳ khi có chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng trong tay, sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái lướt web, đắm mình vào những trang mạng xã hội, hoặc chơi trò chơi điện tử cho đến khi phải thật sự phải đi ngủ (Hãy xem thí nghiệm của gia đình được đề cập trong bài viết dưới đây khi họ không giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ đối với con mình!). Tuy nhiên, hãy chắc rằng con trẻ nhà bạn không có những thói quen trên.
Trong một bài viết được đăng gần đây, ánh sáng xanh (Ánh sáng năng lượng cao high-energy visible – viết tắt là ánh sáng HEV) phát ra từ màn hình máy tính, TV và điện thoại được đề cập là một loại sáng gây hại cho mắt.
Hơn hết, trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi ánh sáng xanh trong số các nhóm tuổi.
Có hai lý do tại sao hai nhóm tuổi kể trên dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng xanh: thứ nhất, đôi mắt của trẻ chưa đủ trưởng thành để có thể tự bảo vệ khỏi ánh sáng xanh; thứ hai, đây là hai độ tuổi cần ngủ đủ giấc để phát triển một cách hoàn thiện.
Ánh sáng xanh có hại đối với mắt trẻ em
Khi chúng ta dần trưởng thành, thủy tinh thể sẽ dần dần chuyển sang màu vàng. Thủy tinh thể có công dụng bảo vệ võng mạc. Trên thực tế, dù nghe có lạ lùng, thủy tinh thể còn là lớp bảo vệ tự nhiên chống lại những tổn thương đến từ tia UV (có trong ánh sáng mặt trời) và những nguồn ánh sáng có bước sóng ngắn hơn.
Khoảng tuổi 20, đôi mắt của chúng ta sẽ có đầy đủ lượng sắc tố vàng để hấp thụ hiệu quả lượng ánh sáng xanh, ngăn cản ánh sáng xanh chạm đến và làm hại võng mạc.
Ngược lại, võng mạc của trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn sẽ dễ bị tác động hơn, do hấp thu lượng ánh sáng xanh nhiều hơn khi thủy tinh thể chưa tích tụ đủ sắc tố vàng.
Ánh sáng phát ra từ những thiết bị kỹ thuật số dĩ nhiên là có cường độ thấp hơn ánh sáng từ mặt trời, tuy nhiên, bấy nhiêu thôi cũng đủ để gây hại cho mắt, đặc biệt khi mắt phải tiếp xúc trực tiếp với màn hình của các thiết bị điện tử mỗi ngày.
Kết quả từ những nghiên cứu về ánh sáng xanh
Những nghiên cứu ở loài gặm nhấm và linh trưởng cho thấy võng mạc trực tiếp tiếp xúc với ánh sáng xanh trong thời gian được kéo dài làm đẩy nhanh tốc độ chết đi của các tế bào RPE (lớp biểu mô sắc tố võng mạc) và tế bào tiếp nhận ánh sáng.
Theo Hiệp hội quang học Hoa Kỳ – American Optometric Association, ánh sáng xanh có thể nhìn thấy, được hấp thụ bởi các biểu mô sắc tố trên võng mạc (RPE) cùng với một số chất quang điện (chuyển đổi ánh sáng thành các tín hiệu được giải mã bởi não), tạo ra căng thẳng oxy hóa nhiệt cục bộ. Căng thẳng oxy hóa là tác nhân dẫn đến một loạt các bệnh về mắt, bao gồm chứng thoái hóa điểm vàng.
Một nghiên cứu từ Đại học Toledo đã phát hiện bằng chứng cho thấy ánh sáng xanh từ các thiết bị kỹ thuật số biến đổi các phân tử sống trong võng mạc thành yếu tố giết chết tế bào. Họ còn phát hiện rằng ánh sáng xanh đặc biệt thúc đẩy quá trình tích tụ lipofuscins (một loại sắc tố liên quan đến lão hóa và tổn thương tế bào), sinh ra độc tố tại võng mạc. Những sản phẩm phụ độc hại sinh ra từ việc mắt tiếp xúc với ánh xanh gây ức chế khả năng tự điều chỉnh ở các quá trình trọng yếu ở tế bào, điều này dẫn đến sự mất cân bằng calcium nội bào, thay đổi hình dạng tế bào, và tăng tỷ lệ chết tế bào.
Về lâu dài, các phân tử độc tố này có thể khiến một lượng lớn các tế bào tiếp nhận ánh sáng tại võng mạc chết đi, khiến thị lực dần kém đi và thậm chí có dẫn đến mù lòa. Bệnh này còn được gọi là thoái hóa điểm vàng. Bệnh lý này thường xảy ra ở những người từ 50, nhưng tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh thường xuyên có thể làm giảm đáng kể tuổi mắc chứng thoái hóa điểm vàng.
Bệnh thoái hóa điểm vàng hiện chưa có phương pháp điều trị, Kasun Ratgayake, một nghiên cứu sinh tiến sĩ nhận định, “Các tế bào nhận ánh sáng không tái sinh tại mắt. Khi nó chết thì nó chết hoàn toàn.”
Ánh sáng được tạo ra bởi các thiết bị điện tử rõ ràng không mang đến bất kỳ một lợi ích nào liên quan đến sức khỏe của mắt. Đối với những đứa trẻ chưa đủ trưởng thành để có thể có lớp bảo vệ hoàn thiện, mối nguy này lại càng lớn hơn.
Tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng xanh còn gây ra triệu chứng mất ngủ
Ánh sáng xanh – dù là từ mặt trời hay từ màn hình điện tử cũng gây ảnh hưởng nặng nề đến nhịp sinh học của chúng ta, đặc biệt là chu kỳ thức – ngủ.
Khi mắt tiếp xúc với ánh sáng xanh, nó sẽ gửi một tín hiệu đến não để ngăn việc sản xuất melatonin, hormone chịu trách nhiệm điều hòa giấc ngủ. Đây là lý do tại sao chúng ta sẽ khó ngủ nếu xem TV hoặc kiểm tra email ngay trước giờ ngủ – vì khi đó, nồng độ melatonin thấp nên chúng ta rất khó để cơ thể có cảm giác cần phải đi ngủ.
Một số nghiên cứu trên những người tiếp xúc với nguồn sáng giàu ánh sáng xanh từ những nguồn ánh sáng nhân tạo hoặc màn hình điện tử cho thấy ngay cả khi thời lượng tiếp với ánh sáng giàu màu xanh vào ban đêm là rất ít, thì quá trình tổng hợp melatonin về đêm cũng bị trì hoãn hoặc bị ức chế, ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học.
Mặc dù người lớn và trẻ em có cùng đáp ứng vật lý với ánh sáng xanh, nhưng trẻ em thì chịu hậu quả nghiêm trọng hơn do nhịp điệu của giấc ngủ thường xuyên bị gián đoạn.
Điều này bắt nguồn từ một thực tế rằng trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn. Thời lượng giấc ngủ lý tưởng mỗi ngày theo tổ chức Sleep Foundation như sau:
· Trẻ mẫu giáo, từ 3-5 tuổi: 10-13 giờ
· Trẻ em từ 6-13 tuổi: 9-11 giờ
· Thanh thiếu niên từ 14-17 tuổi: 8-10 giờ
· Người trưởng thành: 7-9 giờ
Chúng ra đều biết rằng người lớn thường sẽ đối phó với chứng mất ngủ tốt hơn nhiều so với trẻ nhỏ – và chứng cáu gắt cũng chỉ là khởi đầu của việc thiếu ngủ hoặc ngủ không thẳng giấc. Đối với trẻ em, thiếu ngủ được biết là nguyên nhân dẫn đến kém tập trung, kết quả học tập sa sút, nghỉ học, kém giao tiếp xã hội, tương tác xã hội kém, gắt gỏng, khó chịu, trầm cảm, tăng rủi ro gây tai nạn xe hơi, và tăng tính liều lĩnh.
Cụ thể, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ không đủ liên quan đến việc kém tập trung, không hiệu quả trong việc đưa ra các quyết định và chứng suy giảm trí nhớ, rõ ràng, tất cả đều ảnh hưởng đến thành tích học tập. Việc giảm, dù nhỏ, trong tổng thời lượng giấc ngủ, thậm chí chỉ một giờ ít hơn mỗi đêm, cũng có thể làm suy giảm nhận thức.
Ngoài ra, trẻ em ngủ không đủ giấc còn phải chịu một số những tác động sinh lý khác như giảm chức năng hệ thống miễn dịch, giảm thành tích thi đấu thể thao, thay đổi nội tiết tố và tăng nguy cơ béo phì khi chúng trưởng thành.
Mặc dù người lớn cũng bị suy giảm chức năng nhận thức khi ngủ không đủ và ngủ không ngon giấc, nhưng mức độ hậu quả không quá nghiêm trọng. Nhưng đối với trẻ em, hậu quả của việc thiếu ngủ tồi tệ hơn vì các em đang ở một thời điểm quan trọng khi quá trình học tập và phát triển nhận thức đang diễn ra mạnh mẽ, khi các em phải liên tục tiếp nhận thông tin về thế giới xung quanh.
Nếu các em bị mất ngủ mãn tính, các em sẽ bị suy giảm chức năng nhận thức. Và sự suy giảm chức năng nhận thức trong những năm quan trọng này sẽ mang đến những hậu quả lâu dài liên quan đến khả năng học và tiếp nhận những điều mới mẻ, khả năng giải quyết vấn đề và sức tập trung.
Tìm hiểu thêm về ánh sáng xanh
Làm sao để bảo vệ trẻ trước ảnh hưởng của ánh sáng xanh
Dù trẻ rất hào hứng khi được đưa một chiếc máy tính bảng để chơi trò chơi điện tử yêu thích hoăc để xem những video trên Youtube, và dù những đứa trẻ đương tuổi vị thành niên rất thích thú với việc lướt mạng xã hội, hãy cương quyết để bảo vệ trẻ trước những tác hại của ánh sáng xanh.Hầu hết trẻ em đều rất hào hứng khi được sử dụng các thiết bị điện tử như iPad và TV, cho nên, việc hoàn toàn khiến các em loại bỏ những thiết bị kỹ thuật số là không thực tế.
May mắn thay, những cách đơn giản dưới đây có thể khiến những thiết bị điện tử trở thành những phương tiện giải trí an toàn hơn.
1. Đặt ra giới hạn
Trước hết là hạn chế sử thời lượng dụng điện thoại di động, máy tính bảng và bất cứ thứ gì có màn hình phát ra ánh sáng xanh.
Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ đã khuyến nghị trẻ em ở độ tuổi từ 2 đến 5 chỉ nên chơi với các thiết bị điện tử không quá một giờ, trẻ sơ sinh và trẻ em dưới hai tuổi không nên sử dụng các thiết bị điện tử.
Trong quá khứ, có khuyến cáo rằng trẻ từ 6 tuổi trở lên được phép chơi với các thiết bị điện tử không quá hai giờ mỗi ngày; những thông tin trên cho phép cha mẹ đưa ra một khung giới hạn phù hợp với thời gian sinh hoạt của gia đình, và những giới hạn phải được thực hiện một cách nhất quán, quan trọng hơn hết, hãy ưu tiên dành thì giờ cho giấc ngủ, các hoạt động thể chất và các tương tác xã hội.
Thiết lập giới hạn cho việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số đặc biệt quan trọng ngay trước khi trẻ đi ngủ. Tốt nhất là giữ cho con bạn tránh xa hoàn toàn các thiết bị trong ít nhất hai giờ trước khi chúng yên giấc.
2. Sử dụng kính chống ánh sáng xanh
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thỏa hiệp với con cái về thời lượng giới hạn dành cho các thiết bị điện tử, hãy xem xét việc cho chúng đeo kính chống ánh sáng xanh để giảm thiểu tác hại.
Loại kính có tròng được mạ màu cam này giúp loại bỏ ánh sáng xanh cũng có thiết kế dành riêng cho trẻ em.
3. Giảm ánh sáng
Bạn có thể giảm cường độ và giảm lượng ánh sáng xanh từ các thiết bị mà gia đình bạn sử dụng.
Một trong những cách đơn giản nhất là hạ độ sáng đến mức thấp nhất có thể mà trẻ vẫn có thể thoải mái khi nhìn vào màn hình (bạn cũng sẽ cảm nhận rằng mắt sẽ bớt mỏi khi thực hiện điều này!)
Đặt quy định nghiêm khắc về việc không bao giờ sử dụng thiết bị trong phòng tối.
Ngoài ra, bạn còn có thể tải những phần mềm hoặc ứng dụng trên thiết bị cá nhân giúp điều chỉnh đèn màn hình sang sắc màu vàng / ấm của dải quang phổ (hãy thử dùng f.lux và iris). Loại ánh sáng này dễ chịu đối với mắt và không làm rối loạn giấc ngủ như ánh sáng xanh.
Một số điện thoại di động thậm chí có sẵn chế độ Ban đêm – night shift, và bạn có thể cài đặt tự động để thiết bị chuyển sang ánh sáng ấm hơn khi đêm đến. Trên thực tế, bạn có thể kích hoạt tính năng này mọi lúc nếu muốn.
4. Sắp đặt lại phòng ngủ
Khi đến giờ ngủ, tốt nhất là hãy tắt hết đèn (nếu trẻ quen với việc không có đèn ngủ). Thêm vào đó, hãy chắc rằng hãy đem tất cả thiết bị điện tử ra ngoài, để trẻ không thể lén sử dụng chúng về đêm.
Daniel T. DeBaun _ Song Ngư
Theo Baomai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét