- Thực Phẩm Mùa Thu

Mùa thu khô ráo nên ăn gì để giúp tạng Phế



Vào mùa thu, độ ẩm trong không khí bắt đầu giảm xuống, người nhạy cảm có thể cảm thấy. Theo Đông Y, đây là lúc táo khí thịnh hành, ảnh hưởng trực tiếp đến công năng tạng Phế...

Theo Hoàng đế Nội kinh viết: “Tây phương sinh táo, táo sinh kim, kim sinh tân, tân sinh Phế...” - tạm dịch: trời ở phương Tây sinh ra táo khí - khí khô ráo, táo khí sinh ra hành kim, hành kim sinh ra vị tân - vị cay. Con người nhờ vào vị cay mà sinh ra và trưởng dưỡng tạng Phế.


Táo khí thịnh hành vào mùa Thu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tạng Phế trong cơ thể. Phế chủ bì mao, khai khiếu ra mũi, Phế (kim) lại sinh ra Thận (thủy). Vì vậy, vào mùa này chúng ta có thể cảm nhận thấy da dẻ khô, mũi khô, miệng khô, mắt khô, táo bón... nặng hơn có thể dẫn đến một số vấn đề về hệ hô hấp.

Vậy vào chúng ta có thể ăn gì vào mùa Thu để tạng giúp tạng Phế không bị khô ráo? Đông Y có một số món ăn, vị thuốc đơn giản, dễ tìm có tác dụng “nhuận Phế” sẽ giúp giải quyết vấn đề này.

1. Quả lê
Quả lê còn gọi là tuyết lê theo Đông Y vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, nhuận phế, giảm ho. Để nhuận Phế, chúng ta có thể ăn lê tươi hoặc uống nước lê ép. Ngoài ra, dân gian Trung Hoa có cách chữa tạng Phế táo nhiệt gây ho rất phổ biến: lấy quả lê bỏ vỏ, khoét bỏ hạt, cho thêm 1~3g xuyên bối mẫu, hấp cách thủy, ăn mỗi ngày 2 lần.

Quả lê còn gọi theo Đông Y có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, nhuận phế, giảm ho... (Pixabay)

2. La hán quả
Những năm gần đây La hán quả dần trở thành một thức uống quen thuộc để giải khát trong mùa hè. Tuy nhiên, thứ quả này nếu hãm để uống vào mùa Thu còn thích hợp hơn. Bởi quả La hán vị ngọt, tính mát, vào kinh Phế, Đại tràng, có tác dụng thanh nhiệt nhuận Phế, nhuận tràng thông tiện.

Sách Lĩnh nam thái dược lục cũng có ghi chép về việc quả La hán có tác dụng trừ đờm, thanh nhiệt, trị ho. Cách dùng phổ biến nhất là dùng quả La hán hãm với nước sôi hoặc sắc uống thay nước.

3. Mật ong
Nhiều người lầm tưởng rằng mật ong tính nóng, cũng có người tin rằng tính chất của mật ong còn tùy từng loài hoa. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu Đông Y cổ, mật ong vị ngọt tính bình (không nóng không lạnh), có tác dụng nhuận Phế táo, chữa ho, bổ Tỳ Vị, giải độc.


Mật ong thường được dùng để ngâm nhiều vị thuốc có tác dụng chữa ho, tiêu đờm như quất, chanh đào... giúp làm tăng hiệu quả cho các loại thuốc này. Cách dùng đơn giản hơn mà vẫn có hiệu quả nhuận táo là lấy khoảng 15~30g mật ong, hòa vào nước ấm để uống.

Mật ong thường dùng để ngâm nhiều vị thuốc có tác dụng chữa ho, tiêu đờm như quất, chanh đào...(Wikipedia)

4. Củ mài

Củ mài trong Đông Y thường được gọi với tên gọi Sơn dược. Có nhiều loại Sơn dược cho hiệu quả tốt, trong đó có củ mài ở Việt Nam. Củ mài vị ngọt, tính bình, có màu trắng nên thuộc hành kim, đi vào tạng Phế có tác dụng ích khí dưỡng âm, bổ Phế Tỳ Thận.

Có thể dùng cả củ mài tươi và khô. Tuy nhiên, mùa thu không phải thời điểm thu hoạch nên thường dùng củ mài khô. Củ mài khô có thể dùng để hãm nước uống với liều lượng 15~30g mỗi ngày, dùng để hầm cùng nhiều loại thực phẩm khác nhau, nấu cháo, nấu chè… 

5. Bí đao
Bí đao còn gọi là Đông qua, vị ngọt, nhạt, tính mát, sách Điền Nam bản thảo có viết: Bí đao nhuận Phế tiêu đờm do nhiệt, giảm ho… Ngoài việc dùng làm rau xanh hằng ngày chúng ta có thể uống nước ép từ bí đao hoặc uống trà bí đao đều cho tác dụng nhuận Phế rất tốt.

sách Điền Nam bản thảo có viết: Bí đao nhuận Phế tiêu đờm do nhiệt, giảm ho... (Pixabay)

6. Cải cúc
Cải cúc còn gọi là Đồng cao, Tần ô, có tác dụng nhuận Phế, tiêu đờm, giảm ho. Giống như bí đao, ngoài cách dùng như 1 loại rau xanh ăn hằng ngày, cũng có thể ép Cải cúc lấy nước uống. Sách Thực vật trung dược dữ tiện phương cũng giới thiệu một cách dùng cải cúc như sau để giúp chữa chứng ho có đờm do nhiệt: 90g cải cúc tươi đun với nước, vớt bỏ bã, cho thêm đường phèn cho vừa miệng, chia làm 2 lần uống. 

7. Củ cải

Theo Đông Y, củ cải gọi là La bặc, Để nhuận Phế, loại củ cải vỏ đỏ dùng tốt hơn vỏ trắng, tuy nhiên loại vỏ đỏ thường khó tìm mua hơn. Củ cải trắng có vị ngọt, tính bình, hơi mát.

Ngoài cách dùng như 1 loại rau, ép lấy nước, chúng ta cũng có thể phối hợp củ cải ngâm cùng mật ong hoặc đun cùng quả lê tươi để lấy nước uống.

Một cách làm khá độc đáo khác của củ cải là lấy khoảng 500g củ tươi rửa sạch, bỏ vỏ, thái thành lát mỏng, để vào bát rồi cho 2-3 thìa đường mạch nha lên trên, ủ qua đêm. Hôm sau chúng ta sẽ có món nước củ cải hòa tan có tác dụng nhuận Phế, thanh nhiệt, tiêu đờm, giảm ho, có thể dùng thường xuyên.

Nhạc Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét