- Vì Sao Người Việt Ưa 'Trễ Giờ'?


Đỗ Thông Minh

Ai cũng biết, không phải người Việt luôn luôn đi trễ, chỉ thường đi trễ đến nỗi nổi tiếng thế giới thôi, vì thế sau này tự người Việt mới đặt ra câu: “Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam”.

Người Việt chúng ta có hai huyền thoại vẫn thường được nhắc đi nhắc lại liên quan đến việc đi trễ. 
Thứ nhất là chuyện ông Táo về chầu trời, sớ Táo Quân hầu như bao giờ cũng vậy, sau lời chào chúc thọ ra mắt Ngọc Hoàng là lời xin lỗi vì…, vì… nên Táo Việt tới trễ, đến độ quần áo cũng không mặc chỉnh tề! Chứ táo thì lúc nào cũng ngây thơ vô tội. 
Thứ hai là chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thủy Tinh tới trễ không lấy được vợ, đã không biết lỗi mình lại đâm ra ghen tức, dâng nước lên đánh nhau triền miên với Sơn Tinh… Trong thực tế xã hội, có khi chuyện đi trễ cũng trở thành một nguyên nhân của hiềm khích.
Thói đi trễ chỉ là một phần nhỏ, phần nổi của tảng băng sơn bao hàm toàn bộ cá tính của người Việt. Phải chăng trong những cá tính tốt vui vẻ, dễ dãi, người Việt còn mang tinh thần đại khái, không nghiêm chỉnh, không chính xác, không giữ lời hứa, thiếu trách nhiệm, hay quá ư là ham vui ngay cả trong khi làm việc
Phần một
Ngay từ đầu, chúng tôi muốn nhấn mạnh là không phải lúc nào người Việt cũng đi trễ. Như khi hẹn với những người quan trọng, khi ra phi trường đi máy bay… thì người Việt cũng đúng giờ như ai, có khi còn đi sớm nữa. Tức là người Việt rất có khả năng đúng giờ.

Có thể nói khoảng 20-30% người Việt đúng giờ, nhưng thiểu số đó không đủ tạo thành tin tưởng đại diện cho đa số không đúng giờ. Người Âu-Mỹ hay người Nhật cũng chỉ có khoảng 70-80% đúng giờ, nhưng đa số đó được coi là đại biểu.

Người Việt ở hải ngoại, đa số sống trong xã hội văn minh, và giao tiếp với người nước ngoài nên tình trạng trễ giờ có chút cải thiện, bớt tinh thần đại khái, có mặt là vui rồi… nhưng nói chung trong sinh hoạt với nhau thì đi trễ vẫn là chuyện thường tình. Nhất là đám cưới, người Việt cả trong và ngoài nước đều thường bắt đầu buổi tiệc trễ khoảng 2 tiếng đồng hồ so giờ ghi trên thiệp mời. Đã có những bài báo viết về việc này là chỉ tội cho người nào nghiêm chỉnh đúng giờ hay khách ngoại quốc nào không biết điều đó, đến đúng giờ phải chờ hoặc tưởng là đi lộn chỗ, lộn ngày, lộn đám!

Đi trễ là một chuyện có vẻ nhỏ, nhưng khi đã thành cố tật ở một số đông thì đã tác hại rất lớn. Vì vậy, có lẽ nên đặt vấn đề này thành một đề tài bàn luận lớn, để sớm tìm cách giải quyết chuyện không hay này. Hầu như người ngoại quốc nào cũng biết người Việt hay “giờ dây thun”. Chúng tôi nghĩ rằng có thể mất 50 năm hay hơn, nhưng giải quyết được vấn đề này thì tư duy của người Việt sẽ khác, từ đó kéo theo tư duy đứng đắn, nghiêm chỉnh, giữ lời hứa, đặt trách nhiệm cao hơn…

VẤN ĐỀ NẰM Ở ĐÂU?
Đã có rất nhiều người than phiền về việc đi trễ, nhưng ít ai phân tích kỹ càng và đề ra biện pháp giải quyết rốt ráo. Làm sao bỏ được cái tật chủ trương “Đến trễ về sớm mới là khôn ngoan”. Nên ở đây chúng tôi xin mạo muộn đưa vấn đề nhức nhối này ra bàn.

1- Các nguyên nhân đi trễ?
- Có 70-80% người Việt sống bằng nghề nông, nến quen tính toán bằng mắt và bằng kinh nghiệm, quen thinh thần đại khái chứ không quen chính xác. Lối nói “sào ruộng” nay vẫn còn tồn tại, có lẽ không mấy ai biết đích xác diện tích 1 sào ruộng là bao nhiêu. - Giờ giấc chỉ nhắm chừng, kiểu giờ thìn, giờ ngọ… mà mỗi giờ này là 2 giờ đồng hồ bây giờ, hay mặt trời lên lưng ngọn sào, tàn cây nhan… - Người có trách nhiệm thường là người đa đoan, bận rộn nhiều công việc, có khi lớn tuổi thì nhớ trước quên sau. - Coi chuyện họp hành cộng đồng là không quan trọng, đến giờ nào cũng được, nhất là phần đầu thường là nghi thức rườm rà. Còn phần cuối coi như tàn cuộc, chỉ là chuyện linh tinh, không cần có mặt… - Không nhớ rõ giờ và địa điểm, hoặc mới đi lần đầu nến mất nhiều thời gian hơn dự tưởng. - Đôi khi giờ phút chót gặp chuyện trục trặc ngoài ý muốn.
- Có người thầm nghĩ, đi trễ thì khỏi phải tiếp tay, có khi khỏi phải đóng tiền. Còn về sớm thì khỏi phải dọn dẹp, khỏe quá!…

2- Phản ứng khi gặp người đi trễ.
- Có người tỏ ra khó chịu hoặc bỏ về, nhưng rất ít.
- Đa số bỏ qua vì sợ người đi trễ buồn, thể hiện tính dễ dãi, “chín bỏ làm mười”, “đến được là vui rồi”, “có mặt là vui rồi”… nhưng vui vẻ mà không được việc hay việc không như ý thì cũng phiền rất nhiều người khác. Đôi khi vẫn là “vui hơn được việc”.

3- Cung cách đi họp.
- Nói chung người Việt chưa quen ghi chép, nội dung họp thường là nhớ đại khái trong đầu. Thường không có biên bản chính thức. Cách làm việc này sau đó có thể gây ra nhiều trở ngại nghiêm trọng. Như về lời phát biểu của một người nào đó, có người thì cho là nói như vậy, có người thì cho là nói khác, tranh luận rất mất thì giờ…

- Người vắng mặt hay đến trễ lại nêu lên vấn đề đã họp bàn rồi, thảo luận mãi một lúc sau mới có người nhắc nhở là chuyện này đã bàn rồi, đã quyết định rồi thôi khỏi bàn lại, thế mà cũng có khi lai vui vẻ bàn trở lại, quyết định lại cũng có.

- Một số người khi phát biểu thì nói không rành mạch, mà lại nói quá dài, chiếm hết giờ của người khác. Có khi phải trách mắng nhau về chuyện này ngay trong buổi họp hoặc tế nhị hơn là vỗ tay “yêu cầu xuống”, nhưng đương sự lại tưởng vỗ tay hoan hô mình nói hay, tiếp tục nói nữa! Có khi cả hội trường phải phì cười, tội nghiệp cho người đang nói.

- Một số người thì e ngại không phát biểu gì cả, nhưng trước hay sau đó thì tụ nói chuyện riêng, có rất nhiều ý kiến ngoài lề theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng… Phải chăng họ cho là mình đúng nhưng không dám phát biểu trước đám đông, nên vẫn là cái đúng chủ quan, một chiều, không kiểm chứng và thiếu luận cứ mà thôi. Nó cũng tương tự như tình trạng viết thư nặc danh, viết bài dùng bút hiệu ma.. ở nhiều nơi. Chính những người đó sợ bị chỉ trích không dám nói công khai, nhưng từ trong bóng tối họ rất mạnh dạn chỉ trích người khác trong chỗ công khai. Họ thẹn với chính thứ văn chương thiếu văn hóa của mình, sợ người khác biết được, nên phải chơi trò ném đá dấu tay.

- Người mình nói chung vẫn còn tính nhút nhát trước đám đông. Khi vào họp, dù đến sớm thường vẫn không ngồi những hàng đầu, sợ bị cho là trèo cao, muốn ngồi ngang hàng với những nhân vật quan trọng, sợ bị hỏi ý kiến hay khó rút lui khi cần… Nên hầu hết buổi họp nào cũng có một số người thà chấp nhận đứng cả buổi dọc theo vách và ở càng xa càng tốt, chỉ cốt đủ nghe, để có thể rời phòng lúc nào cũng dễ dàng.
CÁC GIẢI PHÁP
1- Trách nhiệm Ban Tổ Chức.
Thực ra, rất hiếm khi Ban Tổ Chức trễ giờ, thường chỉ là người dự đến trễ, nhưng số người này đôi khi quá lớn, hội thường quá vắng, khiến ban tổ chức không thể bắt đầu! Cũng có trường hợp Ban Tổ Chức quá yếu kém, thấy người khác tổ chức đông vui và thành công quá cũng nhảy ra làm, và khi người dự tới quá ít, cứ cho là tại người dự đến trễ, xin mọi người có mặt ráng đợi , cả giờ đồng hồ sau cũng chỉ thêm được một vài người mà bắt biết bao nhiêu người phải chờ.

Nhưng nếu chính Ban Tổ Chức cũng tà tà, lỏng lẻo thì không thể trách người dự trễ giờ được. Vẫn biết người mình là như vậy, và dù Ban Tổ Chức vất vả trăm điều, nhưng trách nhiệm chính vẫn là Ban Tổ Chức, vì là người khởi xướng mà. Các tổ chức có uy tín vẫn có thể bắt đầu đúng giờ cơ mà.

Khi tổ chức, cần họp bàn kỹ về vấn đề người đến dự, chọn địa điểm và thời điểm thích hợp. Nếu không có điều kiện thích hợp thì lại càng phải cố gắng lo liệu hơn. Ban Tổ Chức phải phân công kỹ lưỡng, có người đứng hướng dẫn hay bảng chỉ đường… phải xem như người đến dự có thể là một người từ xa tới không quen đường đi, đừng để người dự phải tự mò mẫm, có khi tìm không ra đường phải quay trở về.

2- Trách nhiệm người đi dự.
Phàm làm việc gì cũng vậy, dù chỉ là người đến dự hay đến xem, cần có trách nhiệm tối thiểu. Người đi dự vẫn thường than là tổ chức trễ giờ, hay người khác trễ giờ. Một số rất ít người khó tính có khi còn cự nự và bỏ ra về, nhưng để rồi lần khác thì lại chính mình cũng trễ giờ… vì coi chuyện trễ giờ như một tập quán rồi! Đến đúng giờ là ngây thơ, khống hiểu gì về nề nếp sinh hoạt của người Việt! Nếu ai cũng quan niệm như vậy, chỉ biết trách người thì không bao giờ cải thiện được. Người có ý định đi dự cần ghi nhớ rõ ngày giờ và nơi chốn, nắm vững đường đi nước bước, kẻo quên hoặc giờ chót mới nhớ ra chạy không kịp, hoặc đường không quen, kẹt xe, tìm khó khăn hay không có chỗ đậu xe… khiến mất thời gian lâu hơn dự tưởng. Hãy luôn luôn tâm niệm đến sớm 10 hay 15 phút thì tốt hơn.

3- Thông báo đầy đủ chi tiết.
Thông báo thì muốn phổ biến rộng rãi cùng khắp, nhưng lại không hướng dẫn rõ ràng thì làm sao người muốn dự tới được.
Cần viết thông báo rõ ràng, có bản đồ chi tiết để những người không quen dễ tìm. Cần có số điện thoại liên lạc hội trường, người trách nhiệm trước giờ khai mạc để hỏi đường. Giờ họp hay sinh hoạt thường chỉ ghi là bắt đầu lúc giờ nào đó. Nếu giả thử hàng trăm người đến đúng giờ đó, mà có mục ghi tên, đóng tiền hay viết tên đeo ngực, nhận tài liệu thì chắc chắn cũng không thể nào bắt đầu đúng giờ được. Nên chính Ban Tổ Chức cũng thường liệu chừng tình hình khách đang vào cửa ra sao để mà bắt đầu chứ không nhất định giờ nào. Vì vậy, với những buổi họp đông đảo, trên giấy mời hay thông báo nên ghi rõ là giờ “mở cửa” hay “vào hội trường” khoảng 30-60 phút trước giờ khai mạc và khai mạc đúng giờ, như vậy thong thả hơn và Ban Tổ Chức có thể bắt đầu đúng giờ ghi trong thông báo.

4- Biện pháp mạnh.
Thực ra, cũng đã có một vài hội đoàn phải dùng đến biện pháp mạnh, bằng cách phạt các thành viên đi trễ, như ai tới trễ khỏi cần phải trần tình, thanh minh thanh nga rằng, thì, là… chi cho mất công, cứ đóng 10 Mỹ Kim vào quỹ là xong. Cách này cũng khá hiệu quả, số người đi trễ ít hẳn đi, nhưng mỗi lần họp là một lần hồi hộp, ai cũng nhìn đồng hồ, đón chờ người đến trễ, và nổ một trận cười, trêu chọc… mất 5, 10 phút. Vậy thì đôi khi lợi bất cập hại… Tiếc rằng cách này chưa được phổ thông, và nặng về hình phạt hơn là về ý thức. Một số tổ chức thì chủ trương cứng rắn: “Dù một người cũng bắt đầu”, nhưng nếu quả có sự kiện như vậy xẩy ra thì vấn đề nằm ở chính Ban Tổ Chức và chắc là không còn tổ chức lần thứ hai.

5- Cố gắng bắt đầu đúng giờ.
Qua hàng ngàn lần dự các buổi họp sinh hoạt, chúng tôi thấy một số nơi và một số người cũng đã cố gắng chuẩn bị chu đáo để bắt đầu đúng giờ. Như Viện Việt-Học ở Little Saigon, Nam Cali… rất đúng giờ, nhiều lắm chỉ cho phép du di trong khoảng 3 hay 5 phút thôi. Dần dần người dự sẽ quen, và biết rằng hễ đi dự ở đó thì nên đi đúng giờ vì không ai chờ mình. Đa số những buổi nói chuyện của chúng tôi trong thời gian qua cũng khá đúng giờ, như tại Seattle, Hoa Kỳ và Vancouver, Gia Nã Đại không sai 1 giây. Khi liên lạc với Ban Tổ Chức ở các địa phương, chúng tôi thường nhắc nhở xin hãy cố gắng về điểm này.

Trong lần nói chuyện tại Viện Việt-Học ngày 3/8/2003, chúng tôi đã nói nữa đùa, nữa thật rằng: “Ai mà giúp giải quyết được việc trễ giờ của người Việt thì thật đáng tôn làm anh hùng dân tộc lắm vậy.”. Rất đông thính giải đã vỗ tay tán thưởng.
* * *
Liên quan đến đề tài này, chúng tôi đã có một loạt những cuộc nói chuyện trao đổi ý kiến bằng điện thoại quốc tế và thư điện tử (e-mail) với một số khuôn mặt từng tham dự rất nhiều sinh hoạt cộng đồng ở khắp nơi trên thế giới. Xin được ghi tóm lược dưới đây.

Chúng tôi đã nói chuyện với Giáo Sư Trần Đức Thanh Phong, một nhân sĩ ở Little Saigon, Cali, Hoa Kỳ. Đại ý cuộc trao đổi, theo ông ngày xưa mình đâu có đồng hồ, chỉ đại khái thôi. Ở miền quê hội hè cả ngày, tới giờ nào cũng được, đâu cần giờ giấc, miễn là còn mặt trời. Nếu quy định bắt đầu cử hành lễ chính vào “đúng ngọ” (mặt trời đứng bóng) là hay lắm rồi.

Thói quen tà tà, trễ giờ của người Việt phần nào do tiêm nhiễm thêm ảnh hưởng văn hóa của Pháp. Người Pháp thường nói câu: “Savoir-vivre Savoir-faire” (Biết phép lịch sự, biết phép xã giao và biết cách xử thế, chỉ sự khôn khéo) với ý là phải biết khéo léo, tế nhị của giới tự cho mình là trưởng giả. Khi được mời đi ăn, nếu đến đúng giờ thì có vẻ tham ăn quá, phải đủng đỉnh tới trễ cho có vẻ quan trọng, là người lúc nào cũng bận rộn… Từ chuyện ăn uống ảnh hưởng sang tất cả những chuyện khác. Người Việt ở thành thị như Hà Nội, Sài Gòn bị ảnh hưởng này thời Pháp thuộc. Thêm nữa người Việt ít có thói quen ghi chép, nên nhiều khi giờ phút chót mới nhớ ra, vội chạy đi…

Người Mỹ thì họ thực tế hơn, hẹn giờ nào là đến giờ đó. Ông Phong đã kể chuyện nhà độc tài Ý là Mussolini (1883-1945) nổi tiếng tàn ác, nhưng ông để lại trong lịch sử Ý một điều có ý nghĩa là làm cho xe điện nước này đi và đến đúng giờ, thay vì thói quen tùy tiện từ bao năm trước làm khổ biết bao nhiêu người.
Bây giờ ở ngoại quốc mà vẫn không đúng giờ đi họp sinh hoạt việc chung cần được coi là không đứng đắn, không coi sinh hoạt cộng đồng là quan trọng, là thái độ vô trách nhiệm.

Khi đi dự họp hành, người Việt có thói quen tụ lại nói chuyện riêng, gặp nhau vẫn hay nói “Đây là cơ hội để anh em mình gặp nhau”. Hóa ra gặp nhau quan trọng hơn chính nội dung cuộc họp. Tất nhiên cũng tùy người nói, những người như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện hay một số nhà tôn giáo… nói chuyện thì thính giả vẫn chịu khó nghe, còn không thì ở dưới cứ nói chuyện riêng.

Theo ông để giải quyết chuyện này, phải nói giới trẻ đừng bắt chước người lớn. Thực tế, giới sinh viên ở đây tổ chức thường đúng giờ. Người Việt ở xứ tân tiến thì dù sao cũng chịu ảnh hưởng nề nếp sinh hoạt của xã hội ấy, đỡ lè phè hơn. Chuyện chớ trêu là người lớn thường đeo đồng hồ đắt tiền, chạy rất đúng giờ, nhưng người đeo thì không đúng giờ!

Do người Việt bị phân tán trầm trọng, tâm lý chung của Ban Tổ Chức là phải lôi kéo được nhiều người tới, và cả người dự cũng thường đánh giá một buổi họp qua số người tham dự hơn là qua chính nội dung buổi họp.
* * *
Chúng tôi đã nói chuyện ông Huỳnh Lương Thiện Chủ Nhiệm tuần báo Mõ ở San Francisco, Cali, Hoa Kỳ, về việc này. Theo ông, người Việt đi làm rất đúng giờ, vì đó là quyền lợi thiết thực của họ, nếu trễ có thể bị trừ lương hay mất việc. Người lè phè, có thói trễ giờ thì khi đi làm sở Mỹ… cũng dần dần trở thành đúng giờ. Nhưng khi quay lại sinh hoạt với người Việt thì vẫn cái tật trễ giờ cũ, vì họ coi đó là chuyện không quan trọng, chuyện vui chơi… như chuyện đi dự đám cưới vậy.

Để giải quyết chuyện này, về phía Ban Tổ Chức nên ghi rõ giờ tiếp tân, hay ghi danh, mở cửa, rồi giờ khai mạc… thì sẽ dễ thu hút người tới đúng giờ khai mạc hơn. Ông Thiện cho hay, trường hợp người điều khiển chương trình là anh Việt Thảo đáng được đề cao vì anh luôn luôn khai mạc đúng giờ, dù Ban Tổ Chức còn loay hoay thế nào, dù rạp chỉ có độ 1/3 người. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng người có mặt và Ban Tổ Chức nói và làm đi đôi với nhau. Nhân chuyện này, chúng tôi nhớ đã xem trong một băng hình của trung tâm nhạc Asia năm 2003, phần giới thiệu sinh hoạt hậu trường, thấy Nhạc Sĩ Trúc Hồ nói như gào lên với các nghệ sĩ, tôi chỉ yêu cầu: “On time, on time, on time!!!” (Đúng giờ, đúng giờ, đúng giờ!!!). Người thường đã trễ thì nghệ sĩ cần nhiều thì giờ ăn mặc và trang điểm nên chắc là phải trễ hơn rồi! Riêng ông Thiện chủ trương khi loan tin tức các buổi sinh hoạt trên các cơ quan truyền thông, sẽ tán dương các buổi họp đúng giờ, nếu bắt đầu trễ độ 15 phút thì tạm châm chước được, nhưng nếu quá trễ thì cũng sẽ thẳng thắn nêu lên dù có làm mích lòng… Nhưng thà vậy để rút kinh nhiệm sữa đổi, khỏi làm mích lòng đại đa số người tham dư.. 
* * *
Với Nhà Văn Trương Anh Thụy ở Washington DC, Hoa Kỳ. “Giờ Việt Nam”, đó là cái “nhãn hiệu,” là “dấu ấn” người gán cho ta, ta tự gán cho ta, từ muôn thuở rồi! Khi bị trách cứ, tất cả cứ đổ cho “dân tộc tính” là xong!
Chắc chắn chúng ta, nhất là người Việt hải ngoại từng dạy con, cháu, học trò… rằng chúng ta may mắn, sống giữa hai nền văn hóa, Mỹ-Việt, Pháp-Việt, Anh-Việt, Úc-Việt, Nhật-Việt v.v… Chúng ta có lựa chọn, nét văn hóa nào của mình hay thì giữ, nét văn hóa nào của người hay thì học. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta dành thì giờ chỉ rõ cho con, cháu thấy tập tục nào là “hay” nên giữ, tập tục nào là “xấu” nên bỏ? Ngoài ra, chẳng ai dạy trẻ con theo “giờ Việt Nam” bao giờ. Không dạy nhưng chúng ta làm, thì khác gì nêu gương xấu?

Được hỏi “Tại sao người Việt Nam có tật đi muộn?”. Ai cũng có thể đưa ra hàng chục lối giải thích. Nào là tại người Việt ích kỷ, mặc kệ cho người ở đầu kia chờ đợi. Nào là người Việt không quen phép lịch sự Tây phương. Có người còn phũ phàng bảo rằng, người mình không biết tự trọng. Họa sĩ kiêm nhà văn Võ Đình thì quả quyết là tại nước mình là nước nông nghiệp, quen dùng giờ giấc theo thiên nhiên. Người ta có thể hẹn gặp nhau giờ ngọ, hay hẹn lúc mặt trời cao bằng hai con sào, ba con sào… Nhưng không ai định con sào dài bằng bao nhiêu. Vì không có gì rõ rệt trong cách đo giờ giấc, cho nên cả hai bên cùng cho là mình có quyền co giãn… Nhưng sau cái thời lạc hậu đó, khi ta đã có đồng hồ rồi, tại sao bao nhiêu thế hệ sau, cho đến bây giờ, chúng ta vẫn “trễ giờ”? Dân Nam Mỹ có quan niệm là nên dùng hai loại giờ. Giờ họp bạn, ăn nhậu, chơi bời thì cũng cao su lắm, nhưng trong chỗ làm việc, trong những buổi họp chính thức thì họ rất đúng giờ. Ước gì người mình cũng ít nhất làm được như vậy.

Riêng tôi cho trễ giờ là: (1) Do tính lè phè (hay lề mề), không biết đặt ưu tiên đúng chỗ. Mải mê làm gì đó, không rứt ra được để đi làm việc khác, mặc dù việc khác có thể quan trọng hơn. Lè phè ở một địa điểm, thì đương nhiên sẽ trễ giờ ở địa điểm khác… (2) Do tính ỷ y. Ỷ y là nếu mình đến trễ thì “chắc thế nào cũng” có người thay mình lo việc rồi. Ỷ y cho rằng đi từ địa điểm A đến địa điểm B chỉ mất có 20 phút thôi, không nghĩ đến trường hợp có thể bị kẹt xe ở giữa đường… Ỷ y để một việc nào đó đến phút cuối cùng mới bắt đầu, vì cho rằng dễ và chỉ cần ít thời giờ, nhưng không ngờ có chuyện xảy ra làm cản trở v.v…

Bây giờ, cái ta cần bàn là “làm gì?”. Theo thiển ý, chúng ta phải làm “cách mạng”. Vâng, ta phải làm “cách mạng văn hóa”. Bắt đầu từ giới nào? Bắt đầu từ mọi giới. Nhưng nếu chưa có thể, thì bắt đầu từ giới trẻ. Tại sao giới trẻ? Tại vì giới trẻ chưa bị “nhiễm” sâu đậm những tật mà ta muốn bỏ, lại sống trong môi trường tiến bộ, văn minh của thế giới, thì việc gột bỏ một tật xấu, sẽ dễ dàng hơn ở người lớn. Hãy khuyến khích giới trẻ không nên “chiều” các chú, bác, cô, dì… để cũng kéo dài thời gian chờ đợi trong các tổ chức, dịch vụ… có các thành phần cao niên tham dự, như các buổi trình diễn, các cuộc họp hành, đón, đưa… và nhất là trong đám cưới của các bạn.
Nếu như ta đồng ý được với nhau là nên làm “cách mạng văn hóa” thì bước thứ hai ta nên bàn là “làm thế nào?”.

Chúng ta không nên quên, bên cạnh thói tục “trễ giờ,” ta cũng lại có những thành ngữ dạy khôn như: “Trâu chậm uống nước đục” “Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau"… Bây giờ ta chỉ làm sao cho những điều răn dạy đó thành hiện thực, nghĩa là “trâu chậm” thì cho “uống nước đục” thật, chứ không phải chỉ là lời đe dọa, hay nói miệng. Đồng thời đưa các lời kêu gọi “đúng giờ” lên thành những “khẩu hiệu” tuyên truyền ở mọi nơi, bằng mọi phương tiện, mọi dịp… Mặt khác, nếu tổ chức buổi trình diễn văn nghệ, ta cứ mở màn đúng giờ. Những người vào muộn, thì ngoài cái thiệt thòi phải ngồi chỗ không tốt, lại còn mất mấy màn đặc sắc… Nếu là buổi họp mặt có ăn uống, đám giỗ, đám cưới thì xin cứ dọn ăn đúng giờ. Nếu đưa, đón ai mà người đó đến trễ, xin cứ bỏ đi…

Tôi đã từng dự các buổi diễn văn có nhiều diễn giả. Ngoài việc Ban Tổ Chức cố ý câu giờ để chờ khách tới đông đủ, có diễn giả lại nói dai, nói dài, hơn giờ Ban Tổ Chức đã ấn định. Chuyện gì đã xẩy ra? Diễn giả nói sau bị thiếu giờ, có khi bị Ban Tổ Chức thúc giục, hoặc yêu cầu cắt ngắn bài nói chuyện. Còn khi diễn giả cuối cùng lên nói, thì chỉ còn lèo tèo vài thính giả ngồi nghe! Tôi đã từng thấy diễn giả chờ đến phiên mình mãi không được phải bỏ về. Và không thiếu gì ca sĩ dỗi bỏ đi vì chờ mãi không được hát… Giả thử bây giờ chúng ta làm “cách mạng,” bắt đầu bằng Ban Tổ Chức ĐỪNG câu giờ để không trễ giờ khai mạc. Nếu là diễn giả thì hãy hy sinh, ĐỪNG nói dài hơn thời gian cho phép. Là quan khách, hãy ĐỪNG đến muộn.

Đã nói đến tật “trễ giờ” thì cũng xin nói luôn tật “về sớm.” Giả thử Ban Tổ Chức đã cố gắng để “ĐỪNG” lâm vào những khuyết điểm nêu trên, thì cũng xin tham dự viên ĐỪNG về sớm. Tật “phất phơ” ở một tổ chức nào đó “cho có mặt” rồi chuồn, thiết tưởng cũng là một “tật” nên bỏ. Tai hại ở chỗ là Ban Tổ Chức không định được số quan khách. Tỉ dụ trong các đám biểu tình, trong cuộc hội họp văn hóa, chính trị, xã hội… mà tham dự viên cứ như những “bóng ma,” có đó mà không có đó, thì thực là khó thẩm định thực chất, thực lực của buổi tổ chức…

Để kết luận, xin nhớ, trong bất cứ “cuộc cách mạng” nào, cũng có những phản ứng, những đụng chạm, sứt mẻ, mất mát… (có khi mất vợ vì tội không chịu chờ nàng, hay không chịu chờ bà mẹ vợ tương lai!) Nhưng nếu chúng ta không dám để “mất” cái gì, thì chúng ta cũng chẳng “được” cái gì.

Đọc đoạn này, có thể có người sẽ cười, bảo rằng người viết bài này chả đã từng trễ giờ trong dịp tham dự chỗ này chỗ nọ, hoặc đã từng kéo dài “câu giờ” khi tổ chức buổi nọ, buổi kia là gì… thì tôi xin thưa rằng “được hỏi” cho nên “thưa thốt,” chứ không phải như trường hợp “biết thì thưa thốt.” Không ai làm cách mạng một mình được bao giờ, cho nên nếu quí vị và các bạn đồng ý “làm cách mạng” thì xin rủ T.A.T. Chúng ta sẽ “đồng khởi,” và T.A.T. cam đoan, sẽ cùng các bạn cầm cờ đi đầu!
Phần hai
Với Kỹ Sư Nguyễn Văn Khoa (Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam Cali) ở Little Saigon, Hoa Kỳ. Sự trễ, đến không đúng giờ, không phải chỉ người Việt mới có. Những quốc gia chậm phát triển thiên về nông nghiệp thô sơ, hoặc làm việc theo cảm hứng riêng thiếu tính chất tương tác hợp quần thì vẫn có sự trễ. Nhưng cũng có dân tộc chấp nhận sự thay đổi khi ở môi trường mới, sự lè phè chậm chạm đã được thay bằng sự nhanh nhẹn chính xác. Đúng giờ là thể hiện của tinh thần khoa học, của người làm việc bằng đầu óc hơn là làm việc thuần bằng chân tay đơn giản.

Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên trầm trọng khó sửa đổi hơn, nếu sự chậm trễ là một trong những thói quen lâu dài và được chấp nhận như nét “văn hóa” của một sắc dân. Nói cách khác, việc giữ ý nghĩ không dám đổi mới, cái gì của cha ông cũng đều là “nhất”. Yêu nước một cách “cuồng tín” không thể làm đất nước tiến bộ, bảo tồn những điều không thích hợp chỉ cản bước tiến của dân tộc. Cha ông dùng cuốc để làm ruộng, nhưng, khi con cháu quẳng cái cuốc qua một bên, dùng máy móc hiện đại đâu phải là phản bội tổ tiên. Con cháu không thể không được phép nghĩ cách khác để công việc hiệu quả hơn, năng xuất cao hơn. Giữ mãi ý nghĩ cha truyền con nối thiếu khoa học là điều không đúng. Con “cãi” cha mẹ chưa chắc đã là trăm đường con hư, vì nếp sống giữa hai thế hệ có nhiều điểm khác nhau. Cá không “ăn muối” chưa chắc đã làm cá ươn, vì cá cũng có thể giữ ở nhiệt độ lạnh (trong tủ lạnh) cũng không ươn được vậy! Không có suy nghĩ khác hơn những cái đang có thì làm sao tiến tới. Không có người nghĩ khác, nghĩ mới thì làm sao có Trống Đồng, làm sao có văn minh Đông Sơn. Không chấp nhận đổi mới thì ngay cả chữ Việt ngữ chúng ta đang dùng đây cũng đã là một loại chữ khác rồi. Đầu thế kỷ 19, không có nhóm Tự Lực Văn Đoàn dám đi một bước lạ trong văn phong, trong suy nghĩ, đối đầu với những chuyện hủ lậu…

Vậy thì do tinh thần cầu tiến của người Việt Nam, cộng với môi trường của xã hội trọng về tổ chức khoa học thì sự trễ không đúng giờ sẽ thay đổi được tại hải ngoại, miễn là người tổ chức có ý thức rõ và quyết tâm muốn làm. Mặt khác, các buổi họp ấy quan trọng ở mức độ nào. Người tổ chức buổi họp mang mục đích gì, ai là người tổ chức. Tôi xin đan cử một số việc người Việt vẫn giữ đúng giờ:

Tham dự các lễ Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo…, các buổi ma chay, các buổi họp trong hãng xưởng, giờ giấc đi làm. Các khóa huấn luyện tu nghiệp sư phạm của các thầy cô dạy Việt ngữ được tính từng phút nên cũng chẳng thấy có chuyện trễ. Các buổi thi đua của các em học sinh Việt ngữ như thi Chính tả, thi đố vui Khuyến Học. Các lớp học Việt ngữ hàng tuần, Các buổi sinh hoạt của các em Hướng Đạo, các em Thiếu Nhi Thánh Thể, của các em Gia Đình Phật Tử Việt Nam ở khắp nơi v.v…
Vậy sự chậm trễ xảy ra thường trong đám cưới với những nghi thức chụp hình kỷ niệm, cần thời gian “chào bàn” để giới thiệu họ hàng, đồng thời để nhận quà v.v… khiến người dự không cảm thấy cần phải có mặt đúng giờ. Các sinh hoạt đoàn thể đồng hương, ái hữu mang không khí thoải mái chỉ để gặp gỡ hàn huyên không cần biểu tỏ mục đích rõ rệt. Các chương trình ca nhạc văn nghê…. mà người đi dự chỉ có mục đích để mua vui. Những buổi họp cộng đồng thường tổ chức theo tinh thần để đánh dấu thành tích hơn là để giải quyết một vấn đề. Người tham dự mang thái độ của “cỡi ngựa xem hoa” hơn là thực sự có ý thức về nhu cầu tham dư.. Do đó sự thay đổi nằm ở chính người trách nhiệm. Người tổ chức sẽ tạo ra nếp sống mới chứ không phải người đi dự và dĩ nhiên còn tùy vào sự quan trọng của vấn đề, mục đích của buổi họp.

Một điểm quan trọng nữa, do đặc tính hình thành của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại mang một hình thái toàn diện mọi tầng lớp, nam phụ lão ấu, ở cùng một thời gian, tụ về cùng một địa điểm nên cũng có nghĩa là đã đem trọn cả một sắc thái văn hóa, nếp sống Việt ở hoàn cảnh vừa tỉnh vừa quê của Việt Nam vào môi trường xã hội có đời sống văn minh. Đó là lý do nhiều người chưa ngộ và thích ứng được với sự đòi hỏi cách hành sử của đời sống mới. Sau này, khi giới trẻ thực sự đảm nhận các trọng trách tổ chức, người Việt làm việc nhiều trong các hãng xưởng ở cấp chỉ huy lãnh đạo, hấp thụ nền giáo dục tân tiến trọn vẹn hơn, làm việc có ý thức mục tiêu rõ rệt, thì trong cái nhìn cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, việc loại bỏ những thói quen tiêu cực lần lần sẽ giảm bớt đi nhiều.
Trong nước Việt Nam, theo tôi, vấn đề sẽ còn phức tạp hơn, là cả một đất nước, một xã hội và nền giáo dục. Chúng còn tùy thuộc vào cung cách của thành phần cai quản đất nước ấy tạo rạ Những quan niệm sống, thái độ sống, và môi trường sống cần phải thay đổi thì mới mong có đổi mới. Cái khó ở đây là không có cung cách khuôn mẫu của tầng lớp tiêu biểu đi trước để cho đại đa số quần chúng hưởng ứng theo. Khi thói quen xấu không có thói tốt bên cạnh để đối chiếu, lâu ngày chầy tháng sẽ trở thành nếp sống, rồi được đưa vào văn chương, thi ca, hội họa, âm nhạc, phim ảnh hoặc những hình thái khác của quảng bá để biến thành kiểu “văn hóa” xấu lúc nào không hay! Và thế hệ sau nữa cứ dựa vào đó mà theo thì quả là tệ hại…
* * *
Nói chuyện với Bác Sĩ Hà Ngọc Thuần ở Brisbane, Úc. Theo Bác Sĩ, đó là thói quen của người Việt, nhưng nếu nhất định, quyết tâm cải thiện thì dần dần sẽ được. Chúng ta đang sống ở các nước tân tiến như Âu-Mỹ, Úc, Nhật… thì sẽ dần dần theo nếp của họ, còn trong quốc nội thì không biết thế nào.
Chúng ta phải tập tinh thần dân chủ trong chuyện này, nếu có vị khách quan trọng mà đến trễ thì cũng mạnh dạn nhắc nhở. Nơi tổ chức hay đa số người bây giờ có điện thoại di động mà, nếu tới trễ thì phải báo ngay, đừng để mọi người chờ. Chúng tôi đang nghiên cứu viết loại sách như thể là “Học làm người” để hướng dẫn nhau. Mỗi khi làm việc phải lấy hẹn và đúng hẹn… Nếu đã quen từ nhỏ thì tương đối cũng dễ.
* * *
Với Tiến Sĩ Tôn Thất Phương ở Sydney, Úc. Theo ông, trong kinh tế học có chữ “soft-state” và nó là nguyên nhân của sự chậm tiến. “Soft-state” là hiện trạng trong đó người ta cứ chấp nhận sự lè phè, lỏng lẻo, đại khái, tùy tiện v.v… Hầu như 100% các nước chậm tiến đều có hiện trạng này, không phải riêng gì Việt Nam. “Soft-state” mới là chuyện lớn, trong đó có trễ giờ là một trong những tệ đoan. Dĩ nhiên, nói như thế không có nghĩa là muốn bào chữa cho người Việt mình.
- Có lẽ nhiều người VN mình muốn được xem là VIP thực!?. Việt Nam là một xã hội thoát thai từ một cái gì rất phong kiến, mà xã hội phong kiến thì người sang hay đến trễ: dân ngu bu lại đông đủ rồi “quan lớn” mới ra! Có nhiều người còn cố ý đến trễ cho thiên hạ nhìn mình đi vô, nếu cuộc họp hay màn trình diễn đã bắt đầu rồi thì người đó thấy không vui, bất mãn.

- Khi người Nhật nói về “xa bao nhiêu” thì họ nói: xa khoảng 30 phút đi tàu, hay khoảng 1 giờ đi bộ v.v… Nghĩa là họ tính bằng thời gian. Còn Việt Nam ta thì nói: xa 30 km, xa 10 km… Phải chăng người Việt mình KHÔNG cần lo đến chuyện thì giờ di chuyển?

Cái tâm lý hay đến TRỄ của người Việt mình một phần nằm ở chỗ XEM điều đang xảy ra KHÔNG quan trọng. Nếu họ cần đi gặp một vị Tổng Thống hay người quan trọng, hay đi xin việc v.v… thì đi RẤT đúng giờ.

Còn đi coi văn nghệ, đi họp v.v… thì đi TRỄ, chỉ vì họ nghĩ không có họ thì buổi họp thân hữu sẽ vắng vẻ như chùa Bà Đanh, “không ta thì chợ không đông”. Vấn đề này liên quan đến chuyện quan niệm sống, quan niệm về mình và tha nhân, xã hội. Khi họ cần mua vé đi xem thể thao thì họ đi rất sớm (để chen mua vé). Nếu có một đoàn thiếu nữ NHẬT trẻ đẹp qua Sài Gòn trình diễn Kimono và ký chữ ký cho khách mộ điệu thì chắc chắn người ta sẽ không đến trễ. Người Việt nếu cùng lo một chuyện thì sẽ đàng hoàng, cùng thích một chuyện thì theo cá nhân chủ nghĩa, bắt thiên hạ chờ mình chơi… coi họ làm gì được mình không! Ai cũng thích bắt người ta chờ cả, thành ra có nạn TRỄ!
* * *
Ý kiến của Nhà Văn Thụy Khuê ở Paris, Pháp.
Theo tôi sự đi trễ của người Việt gồm nhiều yếu tố, nhưng có lẽ có hai yếu tố khá nổi bật mà Kỹ Sư Nguyễn Văn Khoa và Giáo Sư Trần Đức Thanh Phong đã nêu ra:
1- Bệnh đi trễ là bệnh chung của những nước kém phát triển.
2- Người Việt chịu ảnh hưởng tính “co giãn” của người Pháp trong thời kỳ Pháp thuộc.

Về việc trễ là bệnh chung của những nước kém phát triển, chúng ta có thể để ý thấy khi đi du lịch. Tôi còn nhớ một lần cách đây không lâu, tôi đến Pérou. Trong hành trình, phải lấy xe lửa đi từ thị trấn này đến một thị trấn khác (thuộc miền Cuzco, gần thắng cảnh Machu Picchu). Quá giờ tàu chạy khá lâu mà chẳng thấy tăm hơi con tàu cũng không có lời cáo lỗi của công ty xe lửa, mọi người nhốn nháo, anh hướng dẫn bình tĩnh giải thích: ở đây tàu không có giờ giấc gì cả, lúc nào tài xế đến là chạy, giờ này chắc chả còn đang nhậu ngoài quán nào đó. Tất nhiên tình trạng giờ giấc “co giãn” như thế, không chỉ thấy ở Pérou, mà Mexique, hoặc các nước Phi Châu… ít nhiều đều thấy có.

Tại sao các nước gọi là “kém phát triển” lại có sự chậm trễ, như vậy? Dường như điều đó không phải là một đặc tính “nông dân”, như chúng ta thường hay gắn cho người Việt: vì 80 phần trăm làm nghề nông, quen nhìn giờ giấc một cách rất đại khái: giờ dần, giờ dậu v.v… Thật ra, cách ước lượng giờ qua vị trí mặt trời, mặt trăng đã từng được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới, không riêng gì chỉ có nông dân Việt Nam mà người Tàu, người Nhật, người Đại Hàn v.v… cũng đều đã thông qua những giai đoạn ước lượng giờ như vậy. Và những người dân châu Phi hay châu Mỹ La tinh có lối tính giờ khác, không ở trong quỹ đạo thân, dậu, mà họ vẫn… trễ.

Vậy điểm chung của các dân tộc “trễ giờ”, có lẽ là do họ thuộc những nước chưa phát triển kỹ nghệ, hơn là vì cách tính giờ một cách đại khái, vì hiện nay, người Việt, ngay cả những người sống ở miền quê, làm nghề nông, có lẽ cũng không mấy ai còn biết giờ dần, giờ dậu là vào khoảng… giờ nào! Nhưng tại sao, những người dân ở các nước chưa được kỹ nghệ hóa lại hay trễ giờ? Bởi họ được sống khá tự do theo thời khóa biểu của riêng mình. Họ không bị ràng buộc bởi giờ giấc. Ví dụ: làm ruộng, nuôi tằm, dệt vải…. hay buôn bán ngoài chợ thì giờ nào “mở cửa”, giờ nào “bắt đầu” cũng được, miễn sao làm hết việc thì thôi. Người nhà nông quê ta, thường giã gạo dưới ánh trăng, dệt cửi ban đêm, dưới ánh đèn dầu có lẽ là vì đêm mát hơn ngày.
Nhưng khi đã rơi vào đời sống kỹ nghệ rồi thì phải đến nhà máy, phải vào khuôn khổ đúng giờ. Và nhà máy nào cũng “pointer” , đến chậm hoài là mất việc.

Nước Pháp hay tất cả các nước khác cách đây một trăm năm, người dân có lẽ cũng không để ý đến đồng hồ như ngày nay. Nhật là nước kỹ nghệ hóa sớm nhất tại châu Á, cho nên người Nhật đi tiên phong trong việc đúng giờ. Và các nước Singapor, Đại Hàn hay Đài Loan… cũng là những nước có mức độ kỹ nghệ hóa rất cao.

Tình trạng kém phát triển là một nguyên do, ngoài ra có lẽ còn thêm tình trạng “cá tính” hay “dân tộc tính” của mỗi dân tộc. Thí dụ người Nhật, người Đức… nổi tiếng là “kỷ luật”, người Pháp, người Ý, nổi tiếng “lè phè”… Cho nên, nếu Việt Nam bị người Nhật, người Đức đô hộ 100 năm thì có lẽ họ đã học được những đức tính khác: đúng giờ, làm việc cần, mẫn chăm chỉ chứ không “tài tử” như người Pháp. Để lấy một thí dụ về người Pháp, ngay trong gia đình tôi, dâu rể của chúng tôi đều là người Pháp. Chúng tôi có một cậu con rể chuyên môn đi trễ, trễ cả tầu lẫn máy bay, nhưng sự trễ này của cháu, dường như không phải là do “cá tính” Pháp, mà có lẽ phát xuất từ tiềm thức muốn phản đối lại cái “kỷ luật sắt”của bà mẹ. Cho nên, môi trường gia đình và xã hội hình như cũng đóng góp vào tính đi trễ của một người nữa. Các con tôi, đều sinh ở Pháp, đi học đi làm, chúng đúng giờ, nhưng những ngày giỗ, Tết, chúng luôn luôn đến trễ, có lẽ vì chúng cho rằng sự vui chơi thì không có gì cần phải đúng giờ chăng? Và tính xấu đó là do ảnh hưởng từ đâu? Từ chính tôi hay từ môi trường Pháp?

Một điểm đáng chú ý là người (Việt) cao tuổi rất đúng giờ, có hẹn đi đâu là các cụ quần áo chỉnh tề, chờ các con đến đón cả tiếng đồng hồ trước. Những kẻ đi trễ thường là giới trung niên hoặc trẻ, tức là giới đang có hoạt động học hành hoặc nghề nghiệp. Có phải vì họ bị stresse (căng thẳng) chăng? Cho nên phải tìm thư giãn trong các ngày nghỉ, vì vậy mà “cố tình” đi trễ? Nếu quả đúng như thế, thì sự kiện này giải thích bệnh đi trễ người Việt ở ngoài nước, nhất là trong các tiệc cưới, các buổi họp cộng đồng… Riêng vấn đề tiệc cưới dường như có cái vòng luẩn quẩn: vì người được mời hay đến trễ cho nên ban tổ chức thường mời sớm hơn… 1, 2 tiếng; ví dụ ở Paris, giờ mời dự tiệc cưới thường là 19 giờ, nhưng thật sự bữa ăn chỉ bắt đầu sau 21 giờ, có nơi 22 giờ. Một số người có thực tâm muốn đến đúng giờ, nhưng bị ngồi chờ vài lần, cũng chán và tự nhủ đến sớm chả có ma dại nào, thế là chính những người thiện chí nhất cũng đầu hàng. Cho nên có lẽ ở đây, cả bên tổ chức lẫn người đến dự cùng có trách nhiệm.
* * *
Nói chuyện với Nhà Văn Trà Lũ ở Toronto, Gia Nã Đại. Người ta có quan niệm người quan trọng bao giờ cũng đến sau cùng. Chính vì ý tưởng đó, nên hay đi trễ. Vả lại đó là thói quen chung, ai cũng đến trễ, vậy thì mình đến sớm làm gì…
- Cái tục lệ đi ăn cỗ ngày xưa là đi trễ, vì đi sớm thì sẽ bị coi là háu ăn, ham ăn.
- Các VIP bao giờ cũng đến sau cùng, nên nhiều người cũng muốn được coi là VIP?
- Nhiều người không muốn tham dự các lễ nghi khai mạc, vì phải nghe những bài diễn văn dài lê thê.
- Ban tổ chức không dám khai mạc đúng giờ vì các VIP chưa đến hoặc chưa thấy đông người. Đây là cái vòng lẩn quẩn.
- Tiệc cưới chỉ có thể khai mạc đúng giờ nếu tổ chức trên tàu thủy. Tàu bao giờ cũng nhổ neo đúng giờ nên ai đi trễ sẽ bị bỏ lại trên bờ. Hoặc trên thiệp mời ăn cưới, ghi rõ khai mạc lúc 8 pm (hiện nay trên thiệp ghi là 7 pm nhưng vẫn phải chờ tới 8 pm…)
* * *
Nói chuyện với ông Trương Văn Tiền, Tổng Thư Ký Hội Thân Hữu Việt Nam ở Kanagawa, Nhật Bản. Theo ông, có thể Việt Nam là nước nông nghiệp, vì thế người mình quen nếp sống nông dân, công việc đồng áng thường thường không đòi hỏi bó buộc giờ giấc chính xác như các nước công nghiệp. Khi vào mùa thì “đầu tắt mặt tối” (đi sớm về tối), làm việc không ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật. Lúc nông nhàn lại “nắng nghỉ, mưa ngủ, mát trời đi chơi”. Nói chung là không xem giờ giấc là quan trọng.
Cộng đồng Việt Nam ở Nhật nhỏ (khoảng 10.000 người), ít sinh hoạt, nên mọi người có vẻ quan tâm và tích cực hơn, tuy cũng có trễ nhưng có thể nói là rất ít, không trầm trọng như một số nơi khác. Người Việt ở đây không thể tưởng tượng chuyện khai mạc đám cưới trễ đến 2 giờ đồng hồ như ở Hoa Kỳ hay Việt Nam… Có thể nói chắc chắn rằng đi dự đám cưới ở Nhật có thể đi trễ lắm cũng từ 15 đến 20 phút mà thôi và chỉ 1 hay 2% trên tổng số khách mời. Có thể do mạng lưới giao thông rất tiện dụng và chính xác. Mà cũng có thể do ảnh hưởng ở xã hội tạm dung (nhập gia tùy tục), vì người Nhật rất trọng giờ giấc. Phần đông các hãng xưởng đều có phần thưởng giành cho công nhân không đi trễ. Trong 1 tháng mà không trễ ngày nào được thưởng 10.000 Yen (gần 100 đô la) hay hơn, ngược lại nếu đi trễ phải cúi mọp đầu xin lỗi người trưởng toán và những người cùng toán…

Người Việt chúng ta rất coi trọng những trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ nhưng trễ giờ trong các sinh hoạt cộng đồng thì có phải là thiếu tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội; không tôn trọng người khác hay không?

Người Việt thiếu những bài hát và vũ hay sinh hoạt cộng đồng, nếu có mới chỉ giới hạn trong các sinh hoạt Hướng Đạo, Gia Đình Phật Tử… Nhìn lại các nước lân bang như Lào, Thái, Cam Bốt hay Nhật, từ trẻ tới già, nam tới nữ họ có thể cùng nhau múa hát ngoài đường dễ dàng và vui thích, bởi họ được học từ nhỏ.

Nói chung, người mình gặp ảnh hưởng xấu thì khó khá, nhưng nếu gặp ảnh hưởng tốt cũng dễ thành tốt. Tôi rất hoan nghinh anh Minh đi khắp nơi trên thế giới cổ động chuyện đúng giờ trong cộng đồng người Việt…
* * *
Với Giáo Sư N. T. V. ở Hà Nội, Việt Nam. Người Việt thường mang tính khí hồn nhiên, vui vẻ chấp nhận các ý kiến người khác mà không có ý kiến riêng của mình, không sẵn sàng trình bày và bảo vệ quan điểm riêng của mình. Chỉ khi được yêu cầu, chỉ khi có đòi hỏi trực tiếp từ các cá nhân khác thì người Việt mới trình bày quan điểm và luận cứ của mình. Điều này phản ánh cách tư duy độc lập, có phê phán chưa phải là nếp nghĩ của đa số người. Và thái độ nói chung của người Việt là thụ động, ít khi tích cực, năng nổ…
Khi xã hội chuyển vào thời đại công nghiệp mới, những tâm tính và cách nghĩ như trên vẫn còn tồn tại dai dẳng và chưa có được những nỗ lực có ý thức để gạt bỏ, để hình thành kiểu con người công nghiệp mới. Các tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiều nơi vẫn mang màu sắc và phong cách quản lí gia trưởng, tùy thuộc vào người lãnh đạo mà chưa phát huy được sức sáng tạo của các nhân viên.

Có thể xem xét một hoàn cảnh điển hình: cách tổ chức các cuộc họp ở Việt Nam chúng ta sẽ thấy lộ rõ những điểm còn bất toàn trong chính tính cách con người Việt. Cho tới nay, chưa hề có những hình thức đào tạo và hướng dẫn việc tổ chức họp cho hiệu quả, cả xã hội vẫn theo thói quen cũ về việc hội họp đông người kiểu mít tinh chứ không biết tới cách tổ chức nhóm làm việc ra sản phẩm.
… Cuộc họp chưa coi trọng các văn bản chuẩn bị sẵn, và thường chỉ tập trung vào một vài diễn văn chính của người lãnh đạo. Các văn bản thảo luận khác chưa được coi là quan trọng cần phổ biến và không được quản lí theo số hiệu riêng.

Người tổ chức cuộc họp thường ít khi nghiêm khắc giữ giờ giấc họp cho đúng, nên thường có chuyện “giờ cao su”, hẹn họp giờ này thì nửa tiếng sau mới họp được. Mọi người cũng dần quen với cái lệ đó và coi việc đến muộn một chút là không có vấn đề gì, không quan trọng. Điều này một phần phản ánh việc họp chưa thực đi vào những yêu cầu cấp thiết của cuộc sống để đòi mọi người phải thật có ý thức đúng giờ. Mặt khác người họp cũng chưa coi đó là vấn đề quan trọng đối với chính mình.

Những cuộc họp chính thức đều có chương trình nghị sự và cử người ghi biên bản. Tuy nhiên người điều khiển cuộc họp lại thường không biết cách tổ chức cuộc họp cho hiệu quả và ít cuộc họp nhấn mạnh tới sản phẩm của cuộc họp là gì. Biên bản cuộc họp thường chỉ là bản ghi lại nhưng không được phổ biến về sau cho người họp để theo dõi và thực hiện tiếp công việc. Điều này phản ánh thói quen họp để huấn thị, họp để giảng giải, học tập, quán triệt các tư tưởng và ý đồ của lãnh đạo chứ không phải họp là để cùng nhau tham gia một hoạt động sản xuất ra sản phẩm. Do vậy ít khi thấy các cuộc họp đưa ra được những sản phẩm có ích, ngoài việc đưa ra những nghị quyết về vấn đề nào đó. Tư duy về việc tổ chức họp kiểu công nghiệp có bài bản, có sản phẩm còn chưa được nhiều người biết tới.
Nhiều cuộc họp có khuynh hướng tập trung vào phê bình chỉ trích các cá nhân, những trách nhiệm mà họ gánh khi làm công việc, trong khi đó ít để ý tới việc họp mang tính kĩ thuật về các sản phẩm và cách hoàn thiện sản phẩm. Do sự không rõ ràng trong cách tổ chức các cuộc họp để tạo ra sản phẩm, các cuộc họp đáng ra mang tính kĩ thuật, nay lại thường đổi màu sắc sang các vấn đề chính trị nội bộ, đấu tranh nội bộ, các phe phái chỉ trích và tranh đấu với nhau.
* * *
Để kết luận cho bài viết này, chúng ta hãy cùng nhắc nhở nhau, đừng bao giờ quên rằng châm ngôn cửa miệng của người Việt vốn có câu: “Thì giờ là tiền bạc”. Hãy quý thì giờ của mình cũng như của người khác. Sự phí phạm tiền bạc lớn nằm ngay ở chỗ phí phạm nhiều thời giờ. Nếu 1 người đến trễ 30 phút mà 100 người phải chờ là mất đi tới 3.000 phút đó! Ai cũng than bận mà sao lại phí phạm thì giờ như vậy!? Đất nước mình còn rất nghèo, lại càng không nên phí phạm mãi như vậy.

Chúng ta có nghĩ là cần phải mất đến 50 năm hay 100 năm để giải quyết chuyện đi trễ của người mình không? Bi quan cho là tật của người mình thì muôn đời vẫn vậy, hay chúng ta nhất định cố gắng để có thể rút ngắn hơn?
Người ơi, xin đừng đến trễ!
Vì biết bao người đang đợi người đây!

Mong lắm thay!!!
https://aihuubienhoa.com/a223/tai-sao-nguoi-viet-hay-di-tre-phai-giai-quyet-ra-sao-do-thong-minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét