=>> Y thuật chữa bệnh nghèo

https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcS37ycLY56QWW4OW9BPFCy4onj_4doe0T9D9g&usqp=CAU

Danh y nổi tiếng khắp thiên hạ
Diệp Thiên Sĩ (1666 – 1745), tên thật là Quế, người huyện Ngô tỉnh Giang Tô (nay là Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung cộng). Ông là y học gia nổi tiếng thời nhà Thanh, cũng là một trong “tứ đại ôn bệnh học gia”. Gia tộc họ Diệp nhiều đời hành nghề y, ông nội ông là Diệp Thời, tinh thông y lý; Cha ông là Diệp Triêu Thái, về y thuật lại càng giỏi hơn. Diệp Thiên Sĩ từ nhỏ đã đam mê y thuật, hơn nữa còn tự mình mắt thấy tai nghe ông và cha hành nghề, bởi vậy cũng có chí hướng theo con đường như vậy. Lúc còn nhỏ, ông tự học ở nhà, nhưng năm 14 tuổi, cha qua đời, ông phải tiếp tục theo học các môn sinh của cha mình.

Diệp Thiên Sĩ từ năm 12 tuổi đến năm 18 tuổi, đã theo học qua 17 người thầy. Hễ nghe nói có ai đó giỏi về trị một loại bệnh nào đó, ông liền đến bái làm sư, sau khi học xong, ông sẽ chuyển sang bái người khác tiếp tục học các y thuật khác. Ông rất thông huệ, lĩnh hội rất nhanh, thường là trò giỏi hơn thầy. Nhờ tài năng xuất chúng, Diệp Thiên Sĩ không những nổi tiếng nơi quê nhà, mà dần dần đã vang danh khắp thiên hạ.

Khi Diệp Thiên Sĩ trị bệnh, ông bắt mạch nhìn sắc vô cùng chuẩn xác, như thể nhìn thấy rõ ngũ tạng của người bệnh. Ông kê đơn không theo đơn thuốc cũ, mà chữa bệnh theo người, tùy theo từng người mà trị liệu. Sau khi chẩn đoán kỹ càng bệnh chứng, cho đến lúc biết rõ về căn bệnh, ông mới xuống tay trị liệu, tùy bệnh mà bốc thuốc, cho nên công hiệu rất cao. Những diệu pháp này của Diệp Thiên Sĩ cũng được ghi chép lại được một ít trong “Thanh Sử Cảo”.


Đơn thuốc (chiêu thức) kỳ lạ chữa ‘Bệnh nghèo’
Dưới đây xin kể về một trường hợp chữa bệnh khác lạ của ông – chữa bệnh nghèo.
Người nghèo này thật may mắn khi gặp được một vị thầy thuốc kỳ tài. Người thầy thuốc này đã kê cho anh ta một toa thuốc đặc biệt, hơn nữa còn dặn dò kỹ lưỡng cách dùng. “Vừa dùng” quả nhiên đã thấy hiệu quả. Vị thầy thuốc đó chính là danh y nổi tiếng Diệp Thiên Sĩ sống vào khoảng giữa thời Ung Chính và Càn Long.

Vậy ông đã trị “bệnh nghèo” này như thế nào?

Vào khoảng giữa thời Ung Chính và Càn Long triều Thanh, người đời đã nghe đồn rất nhiều về danh y Diệp Thiên Sĩ. Người đến tìm ông chữa bệnh nườm nượp, thậm chí có người nghèo nói mắc “bệnh nghèo”, cũng tìm ông trị bệnh.

Một hôm, ông ngồi kiệu ra ngoài, có một người dân đón đường chặn kiệu của ông, cầu cứu khám bệnh. Diệp Thiên Sĩ kêu phu kiệu dừng lại và giúp anh ta khám bệnh.

Sau khi chẩn mạch, Diệp Thiên Sĩ nghi hoặc nói: “Sáu mạch của anh cân đối bình hòa, vậy thì làm sao mà có bệnh?”

Người đó nói: “Tiên sinh là danh y, bệnh khó phức tạp, không gì ông không rõ. Tiểu nhân chỉ mắc bệnh nghèo thôi, không biết tiên sinh có thể trị được không?”

Diệp Thiên Sĩ cười lớn một hồi, sau đó nói: “Đích thị là bệnh, cũng rất dễ trị, tối nay anh đến nhà lấy thuốc, uống vào tức khắc sẽ khỏi”.

Anh nhà nghèo kia nghe xong cảm thấy rất vui mừng. Chờ mãi mới đến chập tối, anh ta vội vàng chạy đến nhà Diệp Thiên Sĩ gõ cửa, đợi thầy thuốc bốc cho thang thuốc trị nghèo.

Thế nhưng, không thấy Diệp Thiên Sĩ mang ra phương thuốc nào, chỉ nói với anh nhà nghèo rằng: “Anh đi vào trong thành tìm mua hạt quả trám, đem nó về trồng, đợi khi nào nó nảy mầm thì đến báo cho tôi. Lúc đó bệnh nghèo của anh sẽ hết”.

Anh ta về nhà làm theo chỉ dẫn, không bao lâu, mầm quả trám mọc ra rất nhiều, bèn đi nói với Diệp Thiên Sĩ.

Diệp Thiên Sĩ bảo anh ta: “Từ bây giờ trở đi, phàm là có người đến nhà muốn mua mầm quả trám, ngươi có thể bán giá cao đấy, không nên bán đổ bán tháo”.

Từ hôm đó trở đi, Diệp Thiên Sĩ kê thuốc dẫn cho đơn thuốc đều dùng mầm cây trám, người bệnh nghe nói anh nhà nghèo có mầm cây trám, thế là tranh nhau đến mua. Mấy hôm sau, mầm cây trám còn lại không nhiều, nhưng người đến mua vẫn rất đông, giá mầm quả trám đã được đẩy lên rất cao. Anh nhà nghèo kia cũng nhờ vậy mà thu được rất nhiều tiền. Khi anh ta bán hết mầm quả trám, thì Diệp Thiên Sĩ kê thuốc dẫn cho đơn thuốc là không dùng mầm quả trám nữa.

Sau việc đó, anh nhà nghèo mang theo lễ vật đến để tạ ơn, Diệp Thiên Sĩ cười hỏi: “Khỏi bệnh rồi phải không?”.

Anh ta ngượng ngùng đáp: “May nhờ có tiên sinh, đã hoàn toàn khỏi bệnh rồi ạ”.

Diệp Thiên Sĩ cười rồi tiễn anh ta về. Chuyện này được truyền tụng mãi ở Tô Châu, đến mấy năm sau người dân vẫn say sưa bàn tán.

Nguồn tư liệu: “Hương Ẩm Lâu Tân Đàm”; “Diệc Phục Như Thị”; “Thanh Sử Cảo”

Cổ Dung _ Sương Sương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét