Chuyên gia phân tích nguyên nhân
Nguyên nhân chính xác của bệnh Alzheimer, một dạng mất trí nhớ, vẫn đang được điều tra, nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng một chất làm ngọt phổ biến, được đặc chế thành một dạng đường lỏng (syrup) từ tinh bột ngô với hàm lượng fructose cao (high-fructose corn syrup, HFCS), có thể có tác động nhất định đến bệnh.
Đường HFCS làm giảm sự trao đổi chất của não người
Đường HFCS là một loại đường được dùng để tạo nên vị ngọt trong quá trình chế biến thực phẩm, làm nước ngọt với quy mô công nghiệp. Loại đường này được làm từ bột ngô và thường được sử dụng thay thế cho sucrose (đường ăn) vì nó rẻ hơn và ổn định hơn.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 năm 2022 trên “Thư viện Khoa học Công cộng” cho thấy những con chuột được cho ăn HFCS từ khi còn nhỏ đã có những thay đổi bất lợi ở các phần não chịu trách nhiệm về trí nhớ, cảm xúc và chức năng của hệ thần kinh. Tiêu thụ HFCS trong thời gian dài dẫn đến giảm quá trình trao đổi chất ở những vùng não này, dẫn đến thoái hóa não và suy giảm nhận thức, đây là những đặc điểm điển hình của bệnh Alzheimer.
Một đánh giá khác về các nghiên cứu được công bố vào tháng 3 năm 2023 trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Mỹ cũng lưu ý rằng đường fructose có thể làm giảm quá trình trao đổi chất ở các vùng não liên quan đến các chức năng nhận thức cao hơn. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng lượng đường fructose tăng lên trong não có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Họ cũng nhấn mạnh rằng lượng glucose (một thành phần trong đường ăn sucrose) và thực vật có chỉ số đường huyết cao đóng một vai trò rất lớn trong việc gia tăng mức fructose trong não. Một nghiên cứu của Đại học Yale năm 2017 cho thấy đường fructose trong não có thể được sản sinh từ glucose.
Tác giả chính của bài đánh giá, Tiến sĩ Richard Johnson, giáo sư chuyên ngành về bệnh thận và tăng huyết áp tại Viện Y học Đại học Colorado, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng bệnh Alzheimer là do chế độ ăn uống”, ông dẫn nghiên cứu trước đó cho thấy, những con chuột trong phòng thực nghiệm được cho ăn đường fructose trong thời gian đủ lâu, đã dẫn đến sự hình thành protein TAU và protein amyloid trong não, những protein liên quan đến bệnh Alzheimer.
Tiến sĩ Johnson cho rằng đó có thể là một cơ chế gọi là “công tắc sinh tồn” (survival switch), thường giúp cơ thể tồn tại khi khan hiếm thức ăn, nhưng khi thức ăn quá dồi dào liền bị mắc kẹt ở vị trí “mở”. Điều này dẫn đến việc ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường và nhiều muối, từ đó khiến lượng đường fructose sản sinh dư thừa.
Ông gợi ý rằng nên tiến hành các thử nghiệm về chế độ ăn uống và dược phẩm để kiểm tra xem việc giảm lượng đường fructose hoặc ngăn chặn quá trình chuyển hóa đường fructose có mang lại lợi ích trong việc phòng ngừa, kiểm soát hoặc điều trị bệnh Alzheimer hay không. Nghiên cứu hiện có về vai trò của quá trình chuyển hóa fructose trong não vẫn còn hạn chế.
Tại sao fructose làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Tiêu thụ fructose đã tăng lên đáng kể do việc sử dụng rộng rãi HFCS trong đồ uống và thực phẩm chế biến. Chất tạo ngọt này đã được chứng minh là gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, đặc biệt là bệnh tiểu đường.
“Các nghiên cứu cho thấy rằng bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể là một yếu tố nguy cơ gây ra bệnh Alzheimer và các loại chứng mất trí nhớ khác, chẳng hạn như chứng mất trí nhớ do mạch máu”, Claire Sexton, người có bằng tiến sĩ tâm thần học tại Đại học Oxford và là giám đốc cấp cao của các chương trình khoa học và tiếp cận cộng đồng của Hiệp hội Alzheimer, nói với The Epoch Times.
Bà giải thích, điều này có thể là do các yếu tố nguy cơ gia tăng đối với bệnh tiểu đường tuýp 2, vốn cũng đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Nó cũng có thể là kết quả của hạ đường huyết do quá trình chuyển hóa glucose trong não bị suy giảm mãn tính, não cần đường trong máu để duy trì năng lượng.
Trong một nghiên cứu thử nghiệm mù đôi (double-blind study) tại Đại học California, Davis, các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự gia tăng mỡ gan ở hai nhóm đối tượng dùng ba loại đồ uống có đường HFCS mỗi ngày, hoặc ba loại thức ăn có loại đường này mỗi ngày, chỉ sau hai tuần, mỡ gan của họ gia tăng, tính mẫn cảm insulin giảm.
Điều này không có nghĩa là ăn trái cây có hại cho sức khỏe của chúng ta. Fructose chỉ có hại khi vượt quá mức, và trái cây chứa rất ít fructose so với nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn. Trái cây cũng rất giàu chất dinh dưỡng và chất xơ giúp duy trì chế độ ăn uống cân bằng và tăng cường sức khỏe.
Vấn đề là các loại đường tự do mà chúng ta tiêu thụ – fructose, glucose và sucrose, bao gồm cả những loại được thêm vào thực phẩm và đồ uống trong quá trình chế biến thương nghiệp, chúng là được tách ra khỏi các thành phần thực phẩm tự nhiên ban đầu.
Bằng chứng cho thấy rằng những rủi ro sức khỏe do đường gây ra có liên quan đến việc ăn quá nhiều đường tự do trong chế độ ăn uống, chứ không phải đường tự nhiên có trong thực phẩm như trái cây và sữa.
Bệnh Alzheimer có phải là loại bệnh tiểu đường tuýp 3 không?
Các nhà khoa học báo cáo về mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh Alzheimer, lưu ý rằng bệnh Alzheimer phổ biến gấp đôi ở những người mắc bệnh tiểu đường. Một giả thuyết phổ biến cho rằng bệnh Alzheimer có thể là một chứng rối loạn chuyển hóa, tương tự như bệnh tiểu đường tuýp 2, trong đó cơ thể không xử lý insulin đúng cách.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng insulin đóng một vai trò quan trọng trong chức năng của não và tình trạng kháng insulin trong não đóng một vai trò trong sự suy giảm nhận thức.
Một nghiên cứu năm 2021 được công bố trên tờ Frontiers in Neuroscience (Tiền tuyến trong khoa học thần kinh) phát hiện, việc tăng đường huyết (đường huyết cao) ở bệnh tiểu đường có thể trực tiếp dẫn đến đường huyết cao trong não. Đường huyết cao trong não có thể khiến hàng rào máu não giảm thiểu lượng glucose cần thiết cho công năng của não. Nhân viên nghiên cứu đưa ra kết luận, đường máu cao trong não đưa ra lời giải thích hợp lý cho mối liên hệ có chứng cứ khả tra giữa bệnh Alzheimer và bệnh tiểu đường.
Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng bệnh Alzheimer có thể là bệnh tiểu đường tuýp 3. Tuy nhiên, ý tưởng này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc đây có đúng là bệnh không, và bệnh này sản sinh bằng cách nào.
Tiến sĩ Sexton cho biết bà không coi bệnh Alzheimer là bệnh tiểu đường, và không nghĩ rằng sự giống nhau của chúng có thể giải thích tính phức tạp của hai căn bệnh này.
“Trong khi các nghiên cứu đã chỉ ra tồn tại mối liên hệ giữa đề kháng insulin và nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, thì ngay cả khi không có lượng glucose dư thừa trong não, bệnh Alzheimer vẫn có thể trở nên nghiêm trọng”, tiến sĩ Sexton nói.
Khi được hỏi liệu điều trị kháng insulin có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer hay không, bà nói rằng nó hiện đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng:
“Trên thực tế, năm ngoái tại Hội nghị Quốc tế của Hiệp hội Alzheimer, T3D Therapeutics đã báo cáo kết quả tạm thời đầy hứa hẹn từ thử nghiệm T3D-959 Giai đoạn 2 của họ, được thiết kế để khôi phục sức khỏe trao đổi chất trong não bằng cách khắc phục tình trạng kháng insulin.”
Để đọc bài báo cáo bằng tiếng Anh, độc giả có thể xem tại đây.
Tác giả: George Citroner, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét