- Thánh Địa Phật Giáo Bagan

Gần 200 chùa cổ hư hại sau động đất mạnh ở Myanmar
Một trận động đất mạnh 6,8 độ Richter đã xảy ra tại khu vực miền trung Myanmar hôm qua 24/8 khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và làm hư hại gần 200 ngôi chùa cổ ở cố đô Bagan.


Vụ động đất diễn ra ở miền trung Myanmar. (Đồ họa: DM)


Cơ quan Khảo sát địa chấn Mỹ cho biết tâm chấn của trận động đất hôm 24/8 nằm cách thị trấn Chauk, phía nam cố đô Bagan, khoảng 25 km về phía tây. Trong ảnh: Đền Sulamuni ở Bagan chìm trong bụi sau khi động đất xảy ra (Ảnh: AFP)


Cố đô Bagan, nơi có kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Myanmar và là điểm đến du lịch chính của nước này, bị tàn phá nặng nề. Trong ảnh: người dân Myanmar đứng trước cổng vào của một ngôi đền bị phá hủy ở Myanmar (Ảnh: Reuters)


Cố đô Bagan, nằm ở miền trung Myanmar, có hơn 2.000 công trình tôn giáo gồm chùa và đền thờ được xây dựng từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 14. (Ảnh: Reuters)


Theo thông báo của Bộ Tôn giáo và Văn hóa Myanmar, khoảng 171 ngôi chùa Phật giáo cổ ở Bagan đã bị hư hại sau trận động đất. (Ảnh: Reuters)


Một số ngôi chùa bị hư hỏng nặng, khó có khả năng phục hồi nguyên trạng. (Ảnh: AFP)


Những bức ảnh chụp lại cho thấy những đám bụi khổng lồ bốc lên từ các ngôi chùa. (Ảnh: DM)


Phần chóp của một kiến trúc cổ ở Bagan bị hư hại sau trận động đất mạnh 6,8 độ Richter (Ảnh: Reuters)


Những công trình kiến trúc cổ lâu đời bị tàn phá (Ảnh: EPA)


Ngôi đền cổ ở Seik Phyu, Myanmar sau trận động đất hôm qua (Ảnh: EPA)


Theo Bộ Thông tin Myanmar, 3 nạn nhân thiệt mạng gồm 2 bé gái, lần lượt 7 và 15 tuổi, và một nam thanh niên 22 tuổi. Cảnh sát địa phương cho biết các nạn nhân thiệt mạng do nhà bị sập vào thời điểm động đất xảy ra. (Ảnh: AFP)


Các nước láng giềng của Myanmar như Thái Lan, Ấn Độ và Bangladesh cũng cảm nhận thấy tác động của trận động đất. Trong ảnh: Người dân Ấn Độ đổ xô ra đường vì lo nhà sập (Ảnh: BBC)

Dân Trí
Thánh Địa Phật Giáo Bagan

Có khoảng hơn 10.000 ngôi chùa tháp Phật giáo đã được xây dựng trong khoảng diện tích 100 km vuông ở vùng đồng bằng trung tâm Myanmar dưới triều đại Pagan.


Thánh địa Phật giáo Bagan là một di tích lịch sử nổi tiếng ở vùng Mandalay, khu vực đồng bằng miền trung đất nước Myanmar. Đây là một thành phố cổ có hàng nghìn đền chùa, tự viện độc đáo còn được bảo tồn trên diện tích hàng chục km2.


Tại Bagan, đứng ở vị trí nào cũng thấy những ngôi chùa tháp cổ kính, nguy nga. Cảnh tượng này gây ấn tượng mạnh mẽ với những người được chứng kiến.


Thành phố Bagan đã tồn tại từ thế kỷ 9 cho đến thế kỷ 13 trong vai trò kinh đô và là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của vương quốc Pagan.


Vương triều Pagan khởi đầu từ năm 1057 với cuộc thôn tính vương quốc Thaton của vua Anawrahta. Anawrahta đã mang về Bagan nhiều thánh tích và kinh văn Phật giáo từ Thaton cùng với nhiều nghệ sĩ, kiến trúc sư, là cơ sở cho công cuộc kiến thiết thành phố Bagan tráng lệ.


Tầng lớp thượng lưu Bagan đã cho xây dựng hàng ngàn đền thờ và tu viện trên bình nguyên Bagan. Theo ước tính, có khoảng hơn 10.000 ngôi chùa tháp Phật giáo được xây dựng trong khoảng diện tích 100 km vuông ở vùng đồng bằng trung tâm Myanmar dưới triều đại Pagan, biến nơi đây thành điểm hành hương linh thiêng của những tín đồ đạo Phật.


Trong thời hoàng kim, Bagan đã trở thành một trung tâm nghiên cứu tôn giáo và thế tục của toàn thế giới. Các tu sĩ và học giả từ khắp nơi như Ấn Độ, Sri Lanka và người Khmer đến Bagan để nghiên cứu ngôn điệu, ngữ âm, ngữ pháp, chiêm tinh học, thuật giả kim, y học và pháp luật.


Sự tồn tại của kinh đô Bagan chấm dứt vào năm 1287, khi đội quân Mông Cổ đánh chiếm thành phố. Cư dân Bagan ly tán đi khắp nơi, chỉ còn lại một nhóm nhỏ ở lại.


Sau biến cố này, Bagan vẫn là điểm hành hương của các tín đồ Phật giáo. Một số công trình đền đài ấn tượng vẫn tiếp tục được xây dựng.


Từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 là giai đoạn thoái trào của Bagan, với việc xây dựng “nhỏ giọt” các công trình mới, với số lượng trên dưới 200 trong thời gian này.


Chỉ còn một phần nhỏ chùa tháp được bảo trợ để duy trì hoạt động phục vụ người hành hương, hàng nghìn công trình còn lại đã bị bỏ hoang và hủy hoại theo năm tháng.


Trong số 10.000 chùa tháp từng tồn tại trong lịch sử ở Bagan, ngày nay chỉ còn lại khoảng 2.200 công trình được gìn giữ khá nguyên vẹn. Bên cạnh đó là hàng nghìn phế tích của những ngôi đền, chùa đã sụp đổ.


Chùa Ananda là một trong những ngôi chùa rộng lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Bagan. Công trình được xây dựng vào năm 1105, biểu thị trí tuệ vô thượng vô biên của Phật. Chùa được làm bằng đá, có kiến trúc theo hình thập tự, ở trung tâm là khối lập phương và trên mỗi phía là tượng Phật đứng. Khối kiến trúc vươn lên với tận cùng là các đỉnh nhọn, vuốt thon búp măng, gọi là shikhara.


Đền Shwesandaw trông xa giống như một kim tự tháp, có 4 mặt, 5 tầng và một stupa (tháp hình quả chuông úp) trên đỉnh. Tương truyền, ngôi đền này được xây dựng bởi vua Anawrahta năm 1057 để lưu giữ một trong 8 sợi tóc của Phật Thích ca được đem về từ Ấn Độ.


Đền Thatbyinnyu được xây dựng vào giữa thế kỷ 12 là ngôi đền cao nhất ở Bagan và có thể được nhìn thấy tại mọi điểm ở vùng đất này.


Ở Bagan từng có những ngôi chùa được phủ vàng và những kiến trúc hoàng gia tráng lệ. Đáng tiếc rằng các cấu trúc bằng gỗ đã bị hủy hoại cùng thời gian và những mái chúa vàng không tồn tại nổi trước các hoạt động cướp bóc.


Những công trình kiến trúc còn sót lại ở Bagan chính là hiện thân của một lối kiến trúc đã mất hẳn trong lịch sử.


Nhìn chung, các công trình chùa tháp ở Bagan có cấu trúc khá đồng nhất với phần trên cùng hình tháp tròn đặt trên ba tầng tháp vuông. Trong nhiều ngôi chùa còn lưu lại các tác phẩm điêu khắc giá trị mang chủ đề Phật giáo. Có thể nói mỗi một ngôi đền, chùa ở Bagan đều là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.


Vào thời điểm hiện tại, do số lượng đền chùa ở Bagan quá lớn nên rất nhiều công trình không được thường xuyên chăm sóc, đã bị hủy hoại và hư hỏng nhiều.


Vào những năm 90, chính phủ Myanmar cố gắng trùng tu lại những công trình bị hư hại theo thiết kế ban đầu bằng những vật liệu hiện đại nhưng kế hoạch này đã bị các chuyên gia quốc tế phản đối vì không bảo đảm sự chính xác của kiến trúc nguyên bản.


Được so sánh với kỳ quan Angkor Wat của Campuchia, nhưng vì nhiều lý do mà hiện tại Bagan chưa được đưa vào danh sách di sản văn hóa thế giới của UNESCO. Dù vậy, thánh địa Phật giáo Bagan vẫn là một thắng cảnh hàng đầu của Myanmar, thu hút một lượng du khách khổng lồ đến thăm viếng mỗi năm.

Theo Kiến Thức

Miến Điện Huyền Bí

Myanmar hay Miến Điện, là một quốc gia thuộc môi trường Đông Nam Á, bao quanh bởi Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Lào và Thái Lan. 

Trong lịch sử hiện đại, Myanmar bị cô lập với thế giới khi chính quyền quân phiệt nắm giữ quyền lực tuyệt đối cai trị đất nước, khiến cho quốc gia này phải đối mặt với sự lên án của quốc tế nhân quyền.Tuy nhiên, bất chấp những vấn đề xảy ra, Myanmar vẫn sở hữu một quá khứ hùng mạnh và một hệ thống các di sản phong phú.

Myanmar được biết đến như là đất nước Phật giáo với hàng vạn ngôi đền, chùa tháp, với những nhà sư áo nâu, áo vàng và ni cô mặc áo hồng đi chân không trên đất. Họ khoan thai, chậm rãi, tay bưng bình bát, khuôn mặt thư thả như không có chuyện gì xảy ra quanh mình. 

Myanmar có một bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống được bảo tồn và lưu giữ nguyên vẹn. Có thể nói, Myanmar không chỉ là vùng đất hành hương linh thiêng của những đệ tử nhà Phật mà còn ẩn chứa rất nhiều điều lý thú chờ đợi những ai đam mê du lịch khám phá.

Tôi thích sự khác lạ nhưng lại còn hoài cổ, tôi choáng váng với viễn tượng phiêu lưu nhưng ngại ngùng trước những gì quá bí ẩn. Đến với Myanmar lúc này như đi vào chính giấc mơ của mình. Trước mắt tôi Myanmar đang còn huyền bí quá, 12 ngày trong nắng chói chang, leo bậc thang gập ghềnh, ghé thăm từ chùa này sang chùa khác. Đi xe ngựa dạo quanh thành phố, ngắm hoàng hôn trên đỉnh Mandalay hoặc đón bình minh bên hồ Inle với một nhóm bạn thân thương. Cái gì cũng làm mình ngỡ ngàng, thích thú trong vẻ đẹp bình yên mộc mạc của một đất nước xinh đẹp chưa có nhà cao tầng che lấp stupa (chùa tháp kiểu Myanmar), chưa có quá nhiều xe gắn máy, xe hơi ào ào phun khói ô nhiễm vào thành phố. 

Có ai đó hỏi sao bình minh và hoàng hôn ở Miến lại đẹp đến thế? Tôi sẽ trả lời: Vì bạn được ngắm ông mặt trời dần dần hiện lên trên bầu trời trong xanh không bị phá bởi những ngôi nhà cao tầng, những dây điện chằng chịt hay khói bụi ô nhiễm. Vì bạn được ngắm những tia nắng tắt dần yên lặng đưa bạn vào bóng tối trong một không gian tĩnh lặng và thanh bình đến lạ – không còi xe, không tiếng quát tháo (do kẹt đường) không có sự hiện hữu của một cuộc sống đô thị bận rộn. Và vì bạn được ngắm mặt trời với tâm hồn luôn thanh thản trong tiếng chuông chùa ngân vang qua những ngôi chùa êm ấm. Nhưng khi tất cả những cảm giác khoan khoái đó lắng xuống thì lòng lại lâng lâng buồn vì một đất nước đẹp, một dân tộc hiền từ, một xứ tài nguyên không thiếu mà dân chúng chung quanh lại rất nghèo. Đời sống còn khó khăn, vệ sinh chưa đủ tiêu chuẩn, xã hội còn rất sai biệt.

Trang phục truyền thống của nam giới là Longchy (một loại quần váy rộng may kín quần vào chính giữa) với áo sơ mi hoặc áo Taipon (áo truyền thống). Nữ giới mặc Thummy, gần giống với váy Lào hoặc Thái. Dân Myanmar không cầu kỳ trong cách ăn mặc cũng như cuộc sống hàng ngày. Phụ nữ Myanmar rất ít trang điểm, chỉ dùng bột chống nắng thanakha. Họ không se sua, lòe loẹt, không ăn mặc hở hang vì rất sùng đạo và vẫn thường đi lễ chùa trong ngày. Khi tới đây, bạn dễ bắt gặp hình ảnh các thầy tu ngồi tụng kinh hoặc những gia đình ngồi cầu an hàng giờ. Nhiều du khách đến chùa, ngồi ở hành lang quan sát truyền thống thờ cúng. Chùa cho phép mang theo đồ ăn nhẹ và thức uống. 

Một điểm nên nhớ là khi đến chùa, mọi người đều phải để giày dép ngay từ ngoài cổng chùa và đi bộ vào chánh điện, có khi rất xa, đường đá nhầy nhụa, gặp mưa lại có cát ướt có khi thấy cả những con rít nhỏ nhìn theo bước chân mình. Có thể những con sâu nhỏ cũng có lòng từ bi của Phật hay sao mà không nghe ai than phiền bị cắn phá. Có bạn còn hỏi, lạ nhỉ sao chó ở đây cũng hiền nữa. Thật là như thế, không biết sao chùa cũng nuôi chó và những con chó không sủa bậy chút nào.

Myanmar có rất nhiều chùa, 3 ngôi chùa nổi tiếng nhất mà du khách nào khi đến Myanmar cũng tìm đến chiêm bái và tham quan: Chùa vàng Shwedagon: ở Yangon; Chùa vàng Mahamuni: ở Mandalay: Chùa vàng Kyaiktiyo: ở Kyaiktiyo.

Bagan
Điểm đến đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là cố đô Old Bagan, có diện tích 42km², nằm trên bờ của dòng sông Ayeyarwaddy ở trung tâm của Myanamar. 

Cố đô Old Bagan là nơi hội tụ những công trình kiến trúc đền chùa độc đáo nhất Đông Nam Á với hơn 3,000 đền, chùa cổ – một bằng chứng cho thời kỳ lịch sử huy hoàng của Myanmar. Bagan bao gồm 3 thị trấn: Nyuang U, Old Bagan và New Bagan.


Riêng ở cố đô Bagan, có khoảng 4.000 ngôi chùa lớn nhỏ, bao gồm cả những chùa mới được tu bổ lại sau trận động đất 6.8 độ richter vào năm 2012.Bagan chứa nhiều giá trị văn hóa, tín ngưỡng Phật giáo đặc sắc, luôn biết cách chinh phục du khách.


Sau khi thăm viếng Tu viện Shwenandaw, nổi tiếng với nghệ thuật điêu khắc trên gỗ, và chùa Kuthawdaw với thư viện bằng 739 bia đá, bạn có thể đến chân đồi Mandalay Hill, lên đỉnh núi chiêm ngưỡng toàn cảnh của cố đô Miến Điện và ngắm hoàng hôn trên giòng sông huyền thoại Irrawaddy. Nằm phía đông bắc thành phố, đồi Mandalay là một ngọn đồi linh thiêng được vua Mindon của Myanmar chọn xây thành phố Mandalay từ năm 1857. Xung quanh ngọn đồi có hàng loạt ngôi chùa nổi tiếng của Myanamar như Kuthodaw, Sandamuni.


Mandalay

Buổi chiều, xe tấp nập chạy về hướng ngọn đồi. Thang máy cuốn chạy một chiều đưa khách lên để có thể chọn một chỗ tốt nhất mà tận hưởng những khoảnh khắc cuối cùng trong ngày. Không bị những nhà cao tầng che khuất nên người dân tại đất nước này cũng như bất cứ ai đến đây cũng đều có cơ hội nhìn ngắm mặt trời vào thời khắc mà mắt thường có thể nhìn trực diện, bình minh cũng như hoàng hôn. Theo dõi và chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên hùng vĩ là một trong những đặc sản của Myanmar.


Trên đỉnh đồi Mandalay có ngôi chùa Sutaungpyi, độc đáo với là hệ thống gạch gương lát trên tường phản chiếu ánh sáng khiến chùa trở nên vàng rực rỡ và lấp lánh giữa ngọn đồi mỗi khi được mặt trời chiếu rọi. Tất nhiên, giống như những nơi linh thiêng khác, du khách phải ăn mặc kín đáo và đi chân trần lên đồi, vào chùa không kể thời tiết nóng hay lạnh.


Một lần ngắm hoàng hôn trên đỉnh đồi Mandalay, bạn sẽ không thể quên Mandalay giữa thiên nhiên kỳ diệu. Hình ảnh thành phố với đền tháp tua tủa vút lên chuyển dần từ màu vàng nhạt sang màu tím rồi đỏ thẫm theo từng bước màu của hoàng hôn. Khi mặt trời chìm xuống phía bên kia dòng Irrawaddy, làn sương mờ từ từ nhuộm trắng thành phố sẽ là kinh nghiệm độc nhất vô nhị trong nhật ký du lịch.


Khác xa với sự yên bình tại Old Bagan, Mandalay, với bề ngoài hiện đại và đầy bụi bặm, ồn ào hơn, xe cộ và tàu bè tấp nập trên sông nhưng bên trong Mandalay vẫn in đậm những dấu ấn cuối cùng của lịch sử. Cách thành phố Yagoon 716km về phía Bắc là trung tâm của nền văn hóa thời kỳ vương quốc Kohbaun. Chính vì vậy, nơi đây hấp dẫn nhiều du khách nhất ở Myanmar. Nếu bạn không lên đồi Mandalay kịp bạn có thể tìm đến cầu gỗ teak Ubein -một trong những nơi ngắm hoàng hôn đẹp nhất thế giới. 


Cầu gỗ Ubein nằm ở ngoại ô Mandalay, vùng châu thổ ven sông Taungthamna. Do lòng sông rất rộng, để nối hai bờ sông, người dân Myanmar đã xây cây cầu gỗ dài và lâu đời nhất trên thế giới,1.2 km. Bên kia cầu là làng cổ Inwa đã hơn 400 tuổi. Chúng tôi ngồi lênh đênh trên thuyền nhìn cây cầu huyền thoại soi bóng nước, những con sóng nhỏ lăn tăn theo mái chèo chở những vệt nắng màu cam rực lửa đi đi về về, lung linh, giữa buổi chiều tà. Cảnh đất trời nơi đây thật tuyệt vời.


Đền Ananda

Viên ngọc quý của kiến trúc Miến Điện và là một trong những địa điểm chính của cuộc hành hương Miến Điện. Ananda là ngôi đền tôn kính ở Bagan, được xây dựng dựa trên ý kiến của 8 nhà sư từ đền Nandamula ở dãy núi Himalaya. Thời bấy giờ, nhà vua đã yêu cầu các nhà sư xây dựng ngôi đền ở giữa vùng đồng bằng Bagan để mô tả lại cho giống bản gốc. Tuy nhiên, theo chuyện xưa kể lại, sau khi hoàn thành việc xây dựng, nhà vua đã ra lệnh giết các nhà sư để đảm bảo sự độc đáo của ngôi đền không bị lập lại ở bất cứ nơi đâu. Ananda được mệnh danh là ngôi đền đẹp nhất ở Bagan có 4 tượng Phật lớn bằng vàng đặt ở 4 hướng. Trong đó tượng Đức Phật ở phía nam (Phật Ca Diếp) miệng mỉm cười khi bạn tiến đến Đức Phật để cầu nguyện, nên hãy luôn mỉm cười để lòng được thanh thản. Bốn Đức Phật dựng ở bốn hướng là những Đức Phật đã đạt được cõi Niết bàn. 


Sulamani là ngôi đền được vua Narapatisithu xây dựng năm 1183. Sulamani được trang trí rất đẹp ở các bức tường phía bên ngoài đền, nhưng Sulamani khác biệt với những ngôi đền khác ở những bức tranh rất tinh xảo được trang trí trên tường, trên trần phía bên trong ngôi đền. Khi bạn bước chân vào ngôi đền ngàn năm tuổi này, sẽ có cảm giác như bỏ lại những bụi trần phía bên ngoài cổng, tạm quên đi mọi thế sự nhân gian.


Đền Dhammayangyi là ngôi đền có diện tích lớn nhất Bagan hình khối kim tự tháp. Đặc biệt đền không có chóp như những ngôi đền khác. Năm 1167 sau khi giết vua cha của mình, vua Narathu (Kalagya Min) chiếm ngai vàng và xây đền bằng gạch nung không hề có mạch vữa. Tương truyền rằng ngôi đền xây nhưng không hoàn thành được vì những nhân quả mà Narathu gây ra, việc đó cũng giải thích vì sao đền này không có chóp. Là ngôi đền cao nhất ở vùng đất đầy gió bụi, đền gây ấn tượng bởi những mảng gạch được thời gian sơn màu rêu phong cổ kính. Từ phía xa, ngôi đền kiêu hãnh vươn mình nổi bật giữa bình nguyên vùng đất cổ Bagan. 


Du khách đến đây thường ngồi ở một góc đền để nhìn về phía chân trời, chờ đón tia nắng ngày mới trong yên bình. Đi thuyền ra giữa dòng sông Ayeyyarwardy nhìn về ngôi chùa Bupaya bạn sẽ có một góc nhìn khác về Bagan cổ kính. Bupaya được phục chế sau trận động đất lớn năm 1975. 


Chùa Nochanthar gần đền Ananda theo lối kiến trúc đặc trưng của Myanmar, được thiết kế hài hòa giữa gạch nung, mái gỗ và những gam màu đầy rêu phong thời gian. Nochanthar nép mình dưới những hàng thốt nốt xanh tạo nên một khung cảnh yên bình đến lạ. 


Chùa vàng Shwezigon là nguyên bản của chùa vàng Shwedagon ở Yangon. Khác với Shwedagon tráng lệ nguy nga thì Shwezigon lại mang đến cảm giác thanh bình dù rất rộng lớn. Tương truyền có đến hơn 30 tấn vàng được dát lên và hàng ngàn viên đá quý được gắn trên đỉnh chùa.


Thần Nat

Trong nhân gian, Phật Giáo Miến Điện mang nhiều sắc thái mê tín. Dân chúng dù rất nghèo cũng cố gắng cúng dường vàng bạc để xây chùa. Họ không chỉ tin vào Đức Phật mà còn sùng bái các vị thần linh (Nats). 


Tu viện Phật giáo Taung Kalat, một trong những điểm tới tâm linh đặc trưng nhất Miến Điện tôn thờ 37 vị thần huyền thoại với những câu chuyện bi tráng về con đường thành thần. Taung Kalat được xây trên đỉnh núi, phảileo lên 777 bậc thang mới đến tu viện. Ngoài việc là một điểm du lịch, tu viện còn là nơi hành hương. Người ta tin rằng Taung Kalat là nơi sinh sống của những vị thần Nat.


Theo đức tin từ Phật giáo Miến Điện, Nat là một nhóm những vị thần đóng vai trò bảo hộ cho con người và là vong hồn của núi rừng. Các thần Nat được phụng dưỡng ngay cả trước lúc Phật giáo nhập vào Miến Điện, mặc dù đức tin này đã được sáp nhập vào giáo lý Phật giáo vào thế kỷ 3 TCN. Cũng có lẽ vì thế mà người dân đôi khi sùng bái đạo Phật một cách cuồng tín. Vào những ngày lễ hội họ còn có người nhập đồng và họ lên đồng với áo quần sặc sở, múa may quay cuồng tin tưởng vào linh hồn người đã mất.


37 vị thần Nat đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ tạo lập sơn hà chùa tháp. Hầu hết các thần Nat lúc sinh thời là người thường đã bị chết một cách tàn bạo. Các câu chuyện về cuộc đời của các Nat là những huyền thoại. Mặc dù 37 vị thần Nat được thờ trên Taung Ma-gyi, nhưng chỉ có 4 thần còn lại nơi này. Đó là Maung Tint Dai, Saw Me Yar, Byatta và Mai Wunna. Mỗi vị thần có một câu chuyện riêng thuật lại con đường họ trở nên thần Nat.


Huyền thoại từ ngọn núi Popa vẫn còn dài và là một phần trong văn hóa Miến Điện. Sự phổ thông trong phong tục thờ cúng trên đỉnh Popa cho ta thấy rằng truyền thống cổ xưa vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày của dân chúng và trở nên nét đặc trưng cho nền văn hóa Miến Điện. 


năm vô số khách hành hương đến đây vào dịp trăng tròn Nayon (tháng 5/tháng 6) hay Nadaw (tháng 11/ tháng 12). Đường lên núi rất nên thơ. 


Xung quanh đây có thể thăm các hang động. Bạn đã có bao giờ thấy hơn 8,000 tượng Phật lớn nhỏ khác nhau nằm trong cùng một hang động chưa? Đến Pindaya sẽ cảm thấy mình đang đi trong một làng xóm mà ai cũng là Phật. Sẽ thấy mất hút trong những bức tượng Phật lớn nhỏ đủ cỡ, hoa cả mắt. 
Chúng tôi như đi lạc vào một rừng Phật mà không biết lối ra.

Chùa Đá Vàng KyaikhtiyoGolden Rock


Có lẽ đi thăm chùa Đá Vàng Golden Rock là chuyến đi không thể quên được. Xe băng qua miền Nam Myanmar đến vùng Kyaikhtiyo, cách Yangon khoảng 210 km để thăm chùa Đá Vàng Kyaikhtiyo Golden Rock, một trong những thắng cảnh tiêu biểu nhất của Myanmar. 


Theo truyền thuyết trong lần đức Phật đến đây truyền đạo, ông đưa cho tu sĩ Taik Tha một sợi tóc. Sợi tóc của đức Phật được cất vào hòn đá và ngôi chùa nhỏ đã được xây dựng lên mang tên Kyaikhtiyo.Phật tử Miến Điện tin rằng khi đến đây quỳ lạy cầu nguyện và ôm lấy hòn đá họ sẽ được phước lành. Du khách chiêm ngưỡng hòn đá và ngôi chùa được phủ bằng vàng lá nằm cheo leo là một thử thách thú vị. Sau khi xe đến bến, chúng tôi trèo sang một chiếc xe bán tải không trần để cùng đi xuyên qua các khu rừng núi rậm rạp. Ngồi trên xe vừa nắng vừa gió vừa bụi, ai cũng lắc lư khi xe gầm rú leo lên các con dốc quanh co dài 11 km. Chúng tôi như đang tham dự trò chơi thử cảm giác mạnh trong gần một tiếng đồng hồ. Xe băng qua những con đường dốc, mỗi khúc quành đều nghe tiếng rít, tiếng rú mang theo khói mịt mù. Xe lao nhanh qua dốc quanh co làm mọi người dù tay đã bám chặt vào bệ ghế cũng hết nhào sang bên phải lại nhào sang bên trái. Lúc đầu có người còn thích thú reo cười. Qua những khúc quanh càng lúc càng nguy hiểm hơn chúng tôi bắt đầu sợ, bắt đầu bám chặt lấy nhau như có một sự thông cảm không lời. Rồi cùng nhau hát, mỗi lúc một lớn tiếng hơn như cố át tiếng gió bụi. Hát những bản hùng ca, những bản nhi đồng ca chưa nghe bao giờ. Cứ như thế chúng tôi đã cùng nhau trấn át được sự sợ hãi trong chuyến đi hành hương đầy thử thách này. Đến Kimpun lại phải xuống xe đi bộ đến chùa Đá Vàng. Chỉ có 1,2 km nhưng đây là những dốc đứng, quanh co như cùi chỏ, không xe nào lên được, chỉ có thể đến bằng đôi chân người. Nếu bạn biết sức mình không đi được thì có thể ngồi trên kiệu, thuê người khiêng. Trước đây nhiều Phật tử đã phải bỏ cả tuần, có khi cả tháng mới hành hương lên đến chùa. Đường đi khó khăn như thế nên khi đến nơi nhìn được ngôi chùa, chạm tay vào hòn đá thiêng liêng đó cái cảm giác đã chinh phục được rất thỏa thích. Nhất là sau khi lắng nghe tiếng chuông chùa, tiếng người rì rầm cầu nguyện làm mình càng cảm thấy êm ấm và bình yên làm sao!!! Trong bóng chiều, Golden Rock trở nên lung linh và huyền ảo.

Hồ Inle

Cách thành phố Yangon khoảng 600 km, Inle là một hồ nước ngọt nằm trên núi. Người dân chủ yếu sống trên hồ “nơi đánh cá bằng chân và trồng cây trên nước”. Người Inthar trồng cà chua trên hồ Inle và hình ảnh những người đàn ông chèo thuyền độc mộc bằng một chân đã trở thành một nét văn hóa sinh hoạt đặc trưng của vùng hồ. 


Khi chúng tôi đến đây, mặt trời sắp lặn. Một vầng ánh sáng màu cam đỏ dần dần lặn xuống, sáng rực rỡ cả mặt hồ. Khung cảnh xung quanh trở nên huyền ảo, thanh bình và thơ mộng. Chúng tôi thay phiên nhau chụp hình, ngắm nhìn để có thể giữ lại những giây phút rực rỡ đó. Hôm sau được dạo thuyền trên những dòng nước, hai bên bờ trồng cà chua xanh, xa xa ẩn hiện bao nhiêu là ngôi chùa nhỏ. Ngắm nhìn cảnh đẹp từ du thuyền, trời nắng chang chang, gió thổi lồng lộng trong một không gian rộng lớn chỉ có nước mát và trời xanh thật là thú vị. 


Inle từng được tạp chí du lịch uy tín thế giới Condé Nast Traveler chọn là 1 trong 5 điểm đến mới của châu Á mà du khách 5 châu nên khám phá. Inle là một điểm du lịch hấp dẫn mà mọi người thường rỉ tai nhau chưa đến đây coi như chưa đến Myanmar.


Khi đến hồ Inle chuyển đến bến tàu Nyuang Shwe, xuống thuyền máy piroque dài và hẹp để đến thăm làng Sar Kone Kyay và chiêm ngưỡng vẻ đẹp quanh hồ.Inle có nghĩa là “hồ lớn”, nằm ở độ cao khoảng 889 m so với mực nước biển, được bao quanh bởi núi cao và rộng 220 km2. Nếu đã đi khắp các ngõ ngách của hồ Inle, bạn không thể nào bỏ lỡ dịp ngắm mặt trời lặn. Một vầng sáng cam dần dần lặn xuống, làm sáng rực rỡ cả một góc trời, khung cảnh trở nên lung linh huyền ảo, chìm đắm trước không gian thanh bình và thơ mộng. Hãy mang chút đồ ăn với những bản nhạc, tận hưởng những giây phút rực rỡ đó.


Cây cà chua trồng trên hồ Inle là một đặc sản của nơi này. Người dân Myanmar thường truyền miệng câu “đến Inle mà chưa ăn salad cà chua ở đây coi như chưa từng đến”. Khi con gái đến tuổi lấy chồng, cha mẹ thường cắt cho một vài bè nổi để con gái làm của hồi môn. Sống ở đâu thì đẩy bè đến đó mà canh tác trồng trọt, sinh nhai. Chiếc thuyền len lỏi đưa chúng tôi qua những bè cà chua nổi mọc cao trên một mét, thỉnh thoảng lại bắt gặp những mảng hoa cúc trắng, hồng, tím trồng thành một vạt dài. Người dân ở đây trồng hoa để thờ cúng. Đằng sau mảng bè hoa là căn chòi lợp lá, khiến cảnh sắc thêm phần lãng mạn, yên bình giữa một vùng trời nước xanh bao la. Ngoài trồng trọt, người Inthar còn sống vào nguồn thủy sản đánh bắt được trong hồ. Lác đác trong ánh bình minh phía Đông, bóng những người đánh cá tung lưới trên hồ đẹp như trong tranh.

Vùng hồ Inle còn có một tiểu công nghệ rấ lạ và đặc sắc. Chúng tôi đi thăm xưởng dệt của làng Inpawkone sử dụng sợi hoa sen đẻ dệt những tấm khăn đủ màu sắc lạ chưa từng thấy. Chúng tôi đã đi thăm không biết bao nhiêu đền chùa mà cũng còn dừng chân ở Tu viện Nga Phe Kyaung nơi có nhiều bức tượng Phật tuyệt đẹp làm bằng tre sơn mài và gỗ ép.

Naypyidaw

Từ một nơi tuyệt đẹp và lãng mạn như Inle, để thay đổi không khí chúng tôi đi Naypyitaw.


Naypyidaw có vị trí trung tâm và chiến lược hơn so với Yangon và đồng thời cũng là một trung tâm giao thông nằm tiếp giáp với các bang Shan, Kayah và Kayin. Vào tháng 11/2005, Naypyidaw đã vinh dự được chọn là thủ đô mới của đất nước chùa tháp Myanmar. Naypyidaw cũng là nơi đã chính thức diễn ra các hoạt động lớn của SEA Games 27 – đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á. Nếu có điều kiện, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm NayPyidaw – thủ đô mới của Myanmar nhé! Được xây dựng mới hoàn toàn trên nền những cánh đồng quê Pyinmana với tổng diện tích 7,054.37 km2, nằm giữa hai dãy núi Bago Yoma và Shan Yoma, thủ đô mới của Myanmar được quy hoạch theo nhiều khu gồm dinh thự làm việc của Quốc hội, Chính phủ, khu dân cư, khách sạn cao cấp, khu mua sắm…và là 1 trong 10 thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới năm 2011. 


NayPyidaw theo tiếng Myanmar có nghĩa là “thành phố hoàng gia”, “nơi những vị vua ở”. Có lẽ vậy, chưa được 10 năm kể từ khi được chọn là thủ đô của đất nước, vùng đất này đã “biến hình” thành thành phố có cơ sở hạ tầng hiếm có trong khu vực Á Châu và thế giới. Chắc hẳn ai đến NayPyidaw cũng sẽ choáng ngợp trước quy mô của các tòa nhà công quyền, đặc biệt là Tòa nhà Quốc hội nguy nga như một cung điện khổng lồ. Xét về sự đồ sộ thì Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở NayPyidaw khó có “đối thủ” trên thế giới.


Thủ đô mới của Myanmar cũng có hàng trăm khách sạn với quy mô khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi chúng được thiết kế rộng rãi như tiêu chuẩn của những khu nghỉ dưỡng cao cấp ở các nước khác. Sân bay Quốc tế NayPyidaw được xây dựng để sẵn sàng đón 10 triệu lượt khách mỗi năm.

Với những gì đất nước Myanmar đang nỗ lực gây dựng, trong thời điểm này, đứng ở đây có cảm tưởng như nhà cầm quyền quá hoang phí hay kỳ vọng quá cao vào tương lai. Trở thành thủ đô đã hơn 10 năm nay mà thành phố vẫn chưa đủ dân cư để có thể sử dụng được những phương tiện tân thời, những tiện nghi thượng hạng, trong lúc dân chúng ở các thành phố chúng tôi đã đi qua còn sống rất nghèo khổ. Nhà cửa xây dựng rất căn bản, có khi chỉ là vài mái phên mỏng trong lúc thời tiết xứ này khắc nghiệt hơn xứ sở miền Nam nhiều. Chung quanh đây ngoài những thành phố lớn, người ta có cảm tưởng xứ chùa tháp có nhiều đền chùa hơn là nhà ở. Hy vọng trong thời gian ngắn, với nổ lực của chính phủ chúng ta sẽ thấy một Myanmar mới, mạnh mẽ hoà nhập với thế giớihơn. Naypyidaw, thủ đô mới sẽ không còn là một thị trấn độc đáo với đại lộ vắng người. Các khu phố và các tòa nhà hành chánh không ai qua lại bây giờ sẽ trở nên tấp nập hơn.

Thành phố Yangon

Thành phố Yangon vẫn còn hấp dẫn với những con đường rộng, và những hàng cây bên hồ. Yangon có đền Shwedagon, một trong những kỳ quan thế giới, cao 98 mét, rực sáng như ngọn đèn vàng nằm giữa thành phố. Bạn có thể nhìn thấy ngôi đền ở bất kỳ nơi nào trong thành phố. 

Ước tính, chùa Shwedagon được dát tới 60 tấn vàng do dân chúng Myanmar đồng tâm đóng góp. Mỗi người dân dù nghèo khổ cũng dành dụm tiền, mua những lá vàng mỏng tiến vào nhà chùa. Họ tin tưởng là được đến Shwedagon một lần trong đời là một diễm phúc. Có duyên để cúng dường xây dựng chùa là một ân huệ của Đức Phật. Dưới ánh nắng mặt trời ban ngày hay dưới ánh đèn rực sáng ban đêm, toàn bộ khuôn viên chùa và đặc biệt là Tháp Vàng luôn bật lên một thứ ánh sáng uy nghi, rực rỡ. 


Mặc dù có 3,5 triệu cư dân, Yangon vẫn chưa bị căng thẳng về giao thông như các thành phố lớn của châu Á. Đường phố rộng ngợp bóng cây, các tòa nhà Victoria thời thuộc địa và nhiều di tích tôn giáo đã làm cho Yangon trở nên duyên dáng.


Chùa vàng Shwedagon ở Yangon

Shwedagon là ngôi chùa vàng thiêng liêng nhất của Myanmar, có ngọn tháp dát vàng ròng trên đỉnh gắn hàng nghìn viên kim cương và hồng ngọc. Theo truyền thuyết, hai anh em thương gia người Myanmar là Taphussa và Bhallika sang Ấn Độ buôn bán và được giác ngộ đạo Phật. Khi trở về quê hương, họ mang theo bảo vật là 8 sợi tóc của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Với sự giúp đỡ của vị vua thời bấy giờ là Okkalapa, hai anh em đã xây ngôi chùa Shwedagon để lưu giữ những sợi tóc của Đức Phật.


Bảo tháp trên đỉnh mái vòm chính của ngôi đền có một chiếc vương miện nạm hơn 7.000 viên kim cương và đá quý. Lớn nhất là viên kim cương 74 carat. Chùa Shwedagon là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng nhất trên thế giới. Hiện chưa biết chính xác ngôi chùa này có từ bao giờ nhưng theo sử sách ghi chép chùa Shwedagon có lịch sử khoảng hơn 2.500 năm (trước khi Phật qua đời), các nhà khảo cổ cho rằng chùa được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ VI đến thế kỷ X. Tòa tháp được dát một lớp vàng lá ròng 20 x 20cm. Theo thống kê, nửa dưới của ngọn tháp được dát 8,688 lá vàng, còn nửa trên là 13,153 lá vàng. Đỉnh tháp có vương miện nạm 5,448 viên kim cương, 2,317 viên ruby, sapphire và các loại đá quý khác, cùng 1,065 chuông nhỏ bằng vàng. Trên lá cờ ở đỉnh tháp, có gắn một viên kim cương nặng tới 76 carat (15g).


Chùa Shwedagon được trùng tu nhiều lần sau ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt khi chùa chịu ảnh hưởng của ít nhất 8 trận động đất vào thế kỷ 17. Hình dáng chùa hiện nay được xây lại sau cơn địa chấn năm 1786 từng khiến nửa trên của chùa sụp xuống. Ước tính, chùa Shwedagon được dát tới 60 tấn vàng do dân chúng Myanmar đồng tâm đóng góp. Mỗi người dân dù nghèo khổ cũng dành dụm tiền, mua những lá vàng mỏng tiến vào nhà chùa. Họ tin tưởng được đến Shwedagon một lần trong đời là một diễm phúc. Có duyên để cúng dường xây dựng chùa là một ân huệ của Đức Phật.


Dưới ánh nắng mặt trời ban ngày hay dưới ánh đèn rực sáng ban đêm, toàn bộ khuôn viên chùa và đặc biệt là Tháp Vàng luôn bật lên một thứ ánh sáng uy nghi, rực rỡ. Tuy nhiên, thời điểm chiêm ngưỡng Shwedagon tuyệt nhất có lẽ là vào buổi chiều khi cả ngọn tháp vàng rực nổi bật trên nên trời xanh thẫm.

Đi suốt chiều dài, chiều ngang của Myanmar, chúng ta thấy vị trí địa lý chiến lược của Miến Điện và Việt Nam đối với Trung cộng khá giống nhau. 
Từ năm 1965 Mao Trạch Đông đã từng nói: “Chúng ta nhất định phải giành lấy Đông Nam Á, kể cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia, Singapore… Một khu vực như Đông Nam Á rất giàu có, ở đó có nhiều khoáng sản, nó hoàn toàn đáng bỏ công của ra để giành lấy nó. Trong tương lai, nó sẽ rất có lợi để phát triển công nghiệp Trung Quốc. Như vậy, sẽ có thể bù đắp toàn bộ những thiệt hại. Sau khi chúng ta giành được Đông Nam Á, ở khu vực này sẽ có thể tăng cường các lực lượng của chúng ta …” Sau tuyên bố “Cân bằng chiến lược và xoay trục sang châu Á” của Hoa kỳ thì vị trí chiến lược của Miến Điện đối với Trung cộng càng trở nên quan trọng. Vì Trung cộng có thể giải tỏa bớt áp lực của Hoa kỳ (khi chiến tranh hoặc căng thẳng xảy ra) tại eo biển Malacca bằng cách vận chuyển dầu từ Trung đông qua lãnh thổ Miến điện, hơn nữa Miến lại là nước giầu tài nguyên, có cả quặng mỏ và khí đốt.

Trước dã tâm đó, giới lãnh đạo Miến Điện đã sáng suốt tìm cách thoát ly và giảm ảnh hưởng từ Trung cộng. Chính quyền Miến đã mạnh dạn dùng quân đội chận đứng dã tâm cho quân lính trà trộn vào dân để tràn vào những vùng biên giới thì ngược lại cả ban lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam ký mật ước bán đất, nhượng biển cho Trung cộng. Miến ra sắc lệnh cấm bán gỗ cho tỉnh Vân Nam thì Việt Nam cho Trung cộng mướn đất, phá rừng. Vì các cuộc biểu tình chống đối của người dân, chính phủ Miến đã đình chỉ dự án xây đập Myitsone nhằm cung cấp điện cho tỉnh Vân Nam, trong khi đó trước những cuộc biểu tình của nhân dân, trước những kiến nghị, can ngăn của mọi thành phần trong xã hội, vì lợi ích cá nhân, Việt Nam vẫn thản nhiên ký sắc lệnh cho Trung cộng khai thác Bô xít tại Trung nguyên, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa chiếm mất vị trí chiến lược hiểm yếu của đất nước.

Sự khác biệt quan trọng ở đây là Mynmar có bà Aung San Suu Kyi, và những nhà yêu nước dám dấn thân ở trong nước và ngoài nước.

Bà Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San, người đã có công thành lập quân đội Miến Điện hiện đại và cũng có công giành lại độc lập cho đất nước từ đế quốc Anh và Nhật. Cha bà bị mất trong một cuộc ám sát của phe đối lập, từ đó bà sống với mẹ. Từ năm 1960 bà theo mẹ đến sống tại Ấn Độ khi mẹ bà, bà Khin Kyi, được bổ nhiệm làm đại sứ Miến Điện ở Delhi. Sau khi học xong trung học, bà sang Anh theo học tại Đại học Oxford về triết học, chính trị và kinh tế. Nơi đây, bà lập gia đình với ông Michael Aris, một học giả nghiên cứu về Tây Tạng và có 2 người con.

Năm 1988 bà trở về Miến Điện để chăm sóc người mẹ bị bệnh nặng. Lúc này Miến Điện đang trong cơn biến động chính trị lớn. Hàng chục nghìn sinh viên, nhân viên văn phòng và nhà sư đã xuống đường biểu tình đòi cải cách dân chủ. Bà đã tận mắt thấy cảnh tượng những người biểu tình bị chính quyền đàn áp dã man hàng ngày. Trong một buổi nói chuyện tại Yangon (lúc đó còn là thủ đô của Miến Điện) bà tuyên bố: “Với tư cách là con gái của cha tôi, tôi không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra” và bà tham gia, dẫn đầu phong trào biểu tình chống lại tướng Ne Win, kẻ độc tài nắm quyền vào thời đó.

Ngày 27.09.1988 Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ (National League for Democracy (NLD)) được thành lập và bà được bầu làm chủ tịch Liên Minh. Cuộc đấu tranh bị đàn áp tàn bạo, bà bị quản thúc tại gia và nhiều nhân vật nồng cốt trong Liên minh bị bỏ tù.

Tháng 5.1990, chính quyền quân sự tổ chức cuộc bầu cử quốc gia, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chiến thắng trên 80% số phiếu, tuy nhiên, chính quyền quân phiệt không công nhận kết qủa cuộc bầu cử và tiếp tục đàn áp các phong trào tranh đấu của sinh viên.

Bà được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991, con trai đã thay mặt bà đến nhận. Chủ tịch ủy ban trao giải tuyên dương bà là “Một điển hình về sức mạnh của những người không có quyền hành”.

Trong thời gian bị giam, bà Suu Kyi nghiên cứu và tập luyện thể lực để vượt qua khó khăn và sự sợ hãi. Bà ngồi thiền, trau dồi thêm ngoại ngữ và chơi đàn dương cầm. Chính quyền quân phiệt Miến có lúc đã cho phép bà đến Anh để thăm chồng khi ông bị bệnh nặng, nhưng bà phải từ chối vì sợ sẽ không được phép quay trở lại đất nước. Giai đoạn bị quản thúc cuối cùng của bà kết thúc vào tháng 11.2010.

Đất nước Miến Điện sau 50 năm dưới sự cầm quyền của chính quyền quân phiệt, từ một nước tương đối phát triển tại Đông nam Á, giầu tài nguyên trở thành một quốc gia nghèo đói, tụt hậu, bị Hoa Kỳ và Âu châu cấm vận. Lúc đầu giới lãnh đạo Miến còn dựa vào Trung cộng và nguồn đầu tư của vài nước Á châu như Thái Lan, Nam Hàn nhưng sau đất nước càng lúc càng bi đát, trong thì bị nhân dân chống đối, ngoài thì Trung cộng chèn ép, cho dân lấn đất, khai thác tài nguyên, gây ô nhiễm môi sinh, đầu dây mối nhợ của mọi nguồn tham nhũng, nguyên nhân của mọi tai họa. Trước thách thức sống còn của đất nước, giới lãnh đạo quân sự của Miến Điện không còn lược chọn nào khác, là cứu nước và tự cứu mình, đã phải chấp nhận con đường cải cách, tiến đến Dân chủ và cộng tác với đảng NLD của bà Suu Kyi.Đầu tháng 2.2011, quốc hội Miến Điện đã bầu ông Thein Sein làm tổng thống dân sự. Sau đó, bà Suu Kyi chấp nhận ứng cử vào quốc hội trong cuộc bầu cử phụ vào tháng 4.2012. Bà và đảng NLD thắng 43 trong số 45 ghế được tranh cử. Vài tuần sau, bà Suu Kyi tuyên thệ tại quốc hội và trở thành lãnh đạo của phe đối lập.

Tháng 5 năm đó, bà lần đầu tiên rời khỏi Miến Điện sau 24 năm. Bà đi khắp thế giới, từ Á sang Âu để biểu dương triển quan Dân chủ và kêu gọi thế giới bỏ cấm vận, đầu tư và ủng hộ đất nước của bà.

Ngày 6.11.2015 vừa qua, hàng ngàn người đã kéo đến trụ sở của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ở Yangon để ăn mừng chiến thắng, cũng có thể nói chính xác là chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch Đảng NLD trong cuộc bầu cử. Đây được xem là một bước tiến tới dân chủ của đất nước Miến Điện. Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND), do bà Suu Kyi, dẫn dắt, đã chiến thắng, giành 348 ghế tại thượng viện và hạ viện, cao hơn mức cần thiết để chiếm thế đa số 19 ghế.

Qua kết quả trên, chúng ta thấy quả thật bà Aung San Suu Kyi đã giữ một vai trò rất quan trọng. Đối với dân Miến Điện bà đã trở thành biểu tượng của Hy Vọng, biểu tượng của Bà Mẹ Miến Điện, chứa đựng những đức tính nhân bản của một dân tộc theo đạo Phật.

Trong những năm tháng bị quản thúc bà đã từng ngồi thiền hàng ngày, luyện tinh thần, tập kiên nhẫn và mở lòng bao dung. Trong đấu tranh bà chủ trương bất bạo động và không được trả thù những người trong quân đội đã từng hành hạ, cầm tù bà và những người đấu tranh. Từng bước một, nhẫn nhục và kiên trì, bà đã đi vào lòng người dân, ngay tại Naypyidaw, thủ đô mới của Miến Điện, được dựng lên bởi các lãnh đạo quân sự, là nơi tập trung nhiều binh sĩ, cảnh sát và nhân viên công chức nhất trong nước. Nhưng ngay cả ở đây, nơi mà hầu hết người dân đều làm việc cho chính phủ, lá phiếu của họ trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra không dành cho những ứng viên của đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) mà lại cho đảng NLD của bà.

Dù đảng NLD đã giành quyền kiểm soát Quốc hội và có quyền thành lập chính phủ mới, hiến pháp do các tướng lĩnh soạn ra quy định các cơ quan quyền lực nhất trong chính quyền vẫn nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của quân đội, trong đó có Bộ Quốc phòng, Bộ Biên giới và Bộ Nội vụ. Ngoài ra sau 50 năm cầm quyền hầu như guồng máy hành chính và kinh tế vẫn còn nằm trong tay quân đội. Khi bà Suu Kyi đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hỏi bà rằng ở Miến Điện, quân đội hay đảng NLD mạnh hơn. “Quân đội”, bà đã không ngần ngại trả lời.

Song song chúng ta thấy rõ là tại Miến Điện, ngay con cháu, gia đình, thân nhân của giới cầm quyền tại Naypyidaw cũng chán ngán chế độ và bỏ phiếu cho đảng của bà Aung San Suu Kyi.

Ngày 30 tháng 3 năm 2016, bà được giữ hai chức vụ ngoại trưởng và bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Miến Điện. Ngày 2 tháng 4 năm 2016, bà chính thức trở thành cố vấn quốc gia Miến Điện, một chức vụ được tạo ra riêng cho bà. Các đại biểu quốc hội thuộc quân đội đã phản đối chức này cho đó là phi hiến pháp và tẩy chay bỏ phiếu. Sự kết hợp nhiều công việc có nghĩa là bà sẽ giám sát cơ quan tổng thống, quyết định chính sách đối ngoại và phối hợp những quyết định giữa ngành hành pháp và các lãnh tụ quốc hội. Tuần trước bà đã được phong làm bộ trưởng bộ giáo dục và bộ nhiên liệu nhưng sau đó đã từ bỏ 2 chức vụ này. Vì vị trí địa lý về ranh giới của Myanmar khá phức tạp, việc đụng độ quyền lợi của các dân tộc thiểu số không thế nào tránh khỏi.

Aung San Suu Kyi bị chỉ trích vì sự im lặng và thiếu hành động của mình đối với vấn đề người Hồi giáo thiểu số ở Myanmar, cũng như không ngăn chặn việc vi phạm nhân quyền của quân đội đối với nhóm này. Khi bị báo chí phỏng vấn bà đã đáp trả: "Hãy chỉ cho tôi một quốc gia không có vấn đề nào về nhân quyền."

Tháng 8 năm 2017, Aung San Suu Kyi bênh vực hành động của chính phủ, nói rằng chính phủ Myanmar "đã bắt đầu cố gắng bảo vệ tất cả mọi người ở Rakhine và yêu cầu truyền thông (phương tây) không nên đưa ra các thông tin sai lệch. Phản ứng của bà sau đó đã bị chỉ trích vì truyền thông cho rằng: "bạo lực ở Rakhine đã đạt đến mức tán tận lương tâm không còn thể biện minh cho sự thụ động liên tục nữa." 

Mặc dù bà không được phép trở thành tổng thống do một hạn chế hiến pháp ngăn cản các ứng cử viên với vợ/ chồng hoặc con cái nước ngoài, bà Suu Kyi trở thành nhà lãnh đạo thực tế vào năm 2016, trong vai trò "cố vấn nhà nước".

Một số khu vực có tiến bộ, nhưng quân đội vẫn tiếp tục nắm giữ một phần tư ghế quốc hội và kiểm soát các bộ chủ chốt bao gồm quốc phòng, nội vụ và các vấn đề biên giới. Chuyển đổi dân chủ của Myanmar vì thế đã bị đình trệ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nói với lãnh đạo Myanmar rằng một cuộc điều tra đáng tin cậy về cáo buộc vi phạm nhân quyền chống lại người Hồi giáo Rohingya là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Aung San Suu Kyi cũng đã hứa hẹn một cuộc điều tra “chính xác và phù hợp”. Bà cho rằng ban điều hành của chính phủ làm việc miễn phí và hiệu quả, do các thành viên một từ Nhật Bản và Philippines và hai chuyên gia về nhân quyền và các vấn đề quốc tếngười Myanma.Trong bài phát biểu với doanh nhân Nhật Bản, bà Aung San Suu Kyi cũng đã cam kết “minh bạch” về việc chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng Rohingya.

Bà nói thêm: “Tôi sẵn sàng thừa nhận rằng chúng tôi có những thách thức đối mặt đặc biệt đối với Rakhine và với những cuộc đấu tranh mà chúng tôi có trên mặt trận hòa bình”. Thật ra Aung San Suu Kyi đang ở một thế rất khó xử vì dù có chống đối sự đàn áp tổ chức của bà cũng không đủ thực lực để chống lại chính phủ quân phiệt. Hơn thế nữa chính người dân Myanmar cũng không công nhận,không mấy cảm thông với người Rohingya. Phần đông dân chúng Myanmar đồng tình với quan điểm chính thức của nhà nước rằng người Rohingya không phải là công dân nước này, mà là người nhập cư trái phép từ Bangladesh.

Ở đây chúng ta cũng học được một bài học đáng suy gẫm của bà và dân Miến Điện là chế độ độc tài, dù là cộng sản hay quân phiệt, chỉ thay đổi khi đứng trước những khó khăn và dưới những áp lực mạnh mẽ của những tổ chức Dân chủ, và nhất là khi lòng Dân đã đổi. Đây là một chiến thắng lớn, không những cho dân tộc Miến Điện mà còn cho cả vùng Đông Nam Á.

Qua những kết qủa đáng mừng, dân tộc Miến Điện cũng mới chỉ vượt qua được những khó khăn, trở ngại tất yếu để bước đến tiến trình đầu tiên của Dân chủ. Hy vọng với tài trí, với những đức tính tuyệt vời của bà Aung San Suu Kyi, đảng NLD sẽ sớm đưa dân và nước Miến Điện thoát khỏi độc tài, nghèo đói, sánh kịp những nước Dân chủ và phát triển trên thế giới.

Lê Thị Hàn - Nữu Ước, tháng 11, 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét